Người trở về

Thứ Ba, 17/07/2018 00:25
Truyện ngắn dự thi. BẢO THƯƠNG

Thằng Tráng hỏi: chú nhớ gì thêm không. Cũng chẳng nhớ gì, chỉ là một bãi đá. Nó to không. Bằng cả cái làng. Như thế đích thị gần biển, có cây gì không. Một cây to bằng con tàu, như thế đích thị cũng gần rừng. Thằng Tráng cứ lim dim mắt mà luận, nó lấy hết kiến thức sách vở, cùng những trải nghiệm nhỏ nhoi trong chặng hành trình ba mươi năm cuộc đời trong đó có mười lăm năm đi làm thuê ra mà luận. Nó luận thế nhưng sáng hôm sau ông lại bảo, không phải rồi Tráng, cây đó không phải là cây đa, mà giống cây lim. Trời ơi, chú làm cháu vẽ ra một đáp án y hền hệt rồi lại thay đổi giấc mơ là sao. Nhưng giấc mơ chứ có phải là gì đâu mà không thay đổi được. Nó lẩm bẩm, rồi đi xuống nấu cơm cho bố.
Ông về nhà nó đã ba mươi năm.

Trước đó ông mất trí nhớ, khi tỉnh dậy chỉ thấy những người chẳng nói cùng ngôn ngữ. Hỏi họ ở đâu, họ bảo Căm bốt. Căm bốt ở đâu, họ bảo Campuchia. Tôi ở đất nước nào, họ bảo Việt Nam. Là họ nói tiếng Việt, còn ông không biết nói tiếng họ, nhờ ngôn ngữ bất đồng mà ông biết mình là người Việt. Còn ông đến từ đâu, làm gì, bao tuổi, từng ở nơi nào, ông đều không biết.

Thế là từ đó đi đâu, người ta hỏi tên gì, ông bảo Tê. Tê là ê ẩm hết cả người, nằm đâu cũng ê, lúc nào cũng ê, đầu ê và ù ù, như có một tiếng nói từ bên trong xuyên qua. Ông đến từ đâu, cuộc đời ra sao, câu hỏi cứ xuyên qua thời gian, qua không gian, từ quá khứ dội vào một dấu chấm treo lửng lơ không biết, không hiểu.

Cứ thế làm lụng vất vả nhọc nhằn, ngược xuôi, đổi miếng cơm, manh áo. Một lần có người bảo, mày là người Việt không phải Cam, mày có muốn về bên ấy cùng tao không. Thế là theo về. Làm thuê cho họ ở rừng cao su. Làm ăn thất bát, họ đưa cả gia đình về xuôi một đêm tối trời, bỏ lại mười công nhân đói meo chờ lương ông chủ. Ông chủ bỏ của chạy lấy người, những người khác cũng bỏ chạy để cứu lấy tính mạng. Còn ông, biết chạy đi đâu, trong đầu không một ý niệm về thân phận, gia đình. Đến đâu, gặp ai cũng muốn nhòm sát mặt để hỏi, anh biết tôi là ai không, nói cho biết tôi là ai. Nhưng chẳng ai biết ông là ai. Đến mình còn chẳng biết mình là ai, thì hòng gì một chấm nhỏ người giữa đại dương. Nên thôi chẳng tìm nữa, yên phận làm thuê. Cho đến ngày gặp được cặp vợ chồng nghèo ở cánh rừng cao su.

 Người chồng hỏi ông tên gì, ông bảo tôi là Tê. Người vợ hỏi gì Tê, Nguyễn Văn Tê, à, không phải, Trần Văn Tê. Cũng không phải, là Ngọc Văn Tê. Người chồng cười, có họ Ngọc sao. Ông bảo, là tôi nghĩ ra. Người vợ bảo sao nghĩ là Ngọc. Ông bảo là tôi muốn giàu. Người chồng cười chua chát, ông ơi là ông, tôi họ Vàng còn vàng cả mắt đây.

Rồi họ cho ông theo cùng trong những chuyến làm thuê. Nhưng ông cũng chẳng kiếm được đồng nào. Bởi những ngày trái gió, đầu ông đau buốt, ông không ôm đầu rống lên, ăn được là vui, nói chi làm. Rồi họ cho ông theo miết những chuyến đi xa. Đời người sống bao lâu, bấu víu vào nhau cũng là vui. Nhờ niềm vui đó ông được ở thêm năm tháng, rồi năm năm, mười lăm năm và giờ đây đã ba mươi năm. Ông trở thành chú của hai đứa con họ, trở thành em nuôi ruột thịt. Sao lại nuôi ruột thịt? Hai đứa nhỏ lớn lên thắc mắc. Vì nuôi nhưng vẫn như ruột thịt, bố nó giải thích. Thế chúng con là gì của nhau? Là ruột thịt, được bố mẹ nuôi. Thế là từ đó chú Ngọc Văn Tê là em nuôi ruột thịt của anh Vàng Văn Quý, là chú Tê cụt, chú Tê què, chú Tê ngơ ngẩn, chú Tê mất trí, chú Tê đờ đẫn của bọn nhỏ. Thế nhưng cũng vui, ông có cái tên, có thêm những đứa cháu.

Ngoài những lúc trái gió trở giời, ngày khỏe ông cũng làm lụng cật lực để nuôi hai đứa cháu nuôi ruột thịt cùng anh chị. Thằng Tráng ngày càng lớn. Từ chỗ ông toàn sờ chim nó, đến chỗ nó rúc vào sờ lại ông. Rồi cười bảo, cái này dùng làm gì? Để đái chứ làm gì. Còn gì nữa? Mày biết rồi mà hỏi tao. Cháu chưa biết mới hỏi chú. Tao chưa biết, mày đi mà hỏi bố mày. Thế là hai chú cháu cười rinh rích.

Thằng Tráng lớn lên, ngày càng ra dáng cứng cáp. Nó ít cho ông làm việc. Nó bảo, người già xương cốt không cứng, làm chỉ tổ gãy rời ra lấy gì mà nối. Ông nạt nộ, xương tao còn khỏe. Nó bảo, khỏe thì lấy vợ đi. Ông bảo lấy vợ liên quan gì yếu khỏe. Nó bảo, lấy vợ mà không liên quan yếu khỏe thì bố cháu lấy thêm mười bà, bố nó lườm cười.

Những đêm ngủ chung, thằng Tráng luôn rờ vào người chú và cười khi khí. Nó bảo, đừng phá như bố cháu lại hỏng nhanh, chú giữ bền, nhưng giữ quá cũng không tốt. Nó đưa ông đi mấy chỗ để giới thiệu. Ai lấy chú cháu không, ai muốn làm thím cháu không. Thím cháu về sẽ được chiều hết mức. Chú cháu cụt, chú cháu què, ngẩn ngơ, nhớ nhớ, quên quên nhưng được cái hiền lành, yêu thương, biết chiều chuộng, chăm sóc. Trừ lúc trái gió trở trời, mảnh đạn bên trong không chịu nằm im, cứ dựng đứng lên, xoay ngược xoay xuôi, làm chú cháu đau lộn óc mà hét lên thôi, còn đâu hiền lắm. Sao mảnh đạn lại dựng đứng được, “thím” tương lai nghe câu chuyện của nó cười ỏn ẻn. Cái gì còn ngóc dậy được, chứ gì món ấy, “thím” càng cườt tít mắt. Là “thím” nghĩ đến những điều thầm kín nhất của loài người. Cứ cố che đậy đi cho bí hiểm, cứ úp úp, mở mở kích thích lắm. Đặc biệt “thím” đã ngoài bốn mươi rồi mà chưa biết gì, nhưng bảo muốn biết thì lấy chú Tê lại nhất định không, mà chỉ nghĩ đến thằng Tráng. “Thím” muốn biết nó, chứ không muốn biết chú nó. Một thời gian sau, chú nó bảo, thôi Tráng ạ, chẳng cần tìm đâu. Chú yên phận chú rồi, mày lấy vợ đi chú trông con cho.

Ối trời, ngữ này trông cái gì, nó lại chẳng ị lên đầu ấy chớ, thôi lấy vợ, để nó chăm sóc.
Đã quá quen với thằng gọi mình bằng chú, nhưng tình thì hơn cả anh em, ông lại cười méo mặt.
Nghĩ thì thế thôi, trên đời chẳng ai tốt bằng nó. Ngày trái gió nó đi bộ những hai mươi cây vào rừng sâu đào rễ mật nhân về ngâm để ông uống. Hì hụi đánh vật với những ấm thuốc nam để ông có cái ngậm vào mồm những khi cơn đau hành hạ, là nó chăm ông chứ ai. Bố nó chỉ bảo, tao và chú Tê nuôi chúng mày lớn. Tao già rồi, nhưng sức khỏe còn, không cần chúng mày chăm. Chỉ chú Tê, không chăm được chú, tao đánh tuốt xác.

Nói thì nói vậy, đứa nào chẳng thương ông, con Ha cũng thế, lấy chồng rồi vẫn chạy sang thăm bố và chú thường xuyên, có gì ăn cũng để phần. Âu cũng có môt gia đình để nương tựa. Vui thì vui thế, nhưng ông chưa yên lòng, thằng Tráng càng không yên lòng, bố nó cũng thế. Càng khi về già, người ta càng nghĩ nhiều về bản quán, gốc gác. Cóc chưa chết đã quay về hướng núi rồi. Bố nó bảo, tao giờ chết đi không ân hận, nhưng tao sợ chết trước chú Tê thì ai sẽ tìm quê cho chú.

Và ông hay suy nghĩ. Càng về già, càng mong biết được bản quán mình nằm ở khúc sông, bờ suối hay con kênh nào. Mỗi lần thấy một ngôi làng, ông cố vận óc tưởng tượng, đây có phải là con sông mình tắm ngày xưa không, có phải cây cầu mình vẫn ra hóng gió, và gốc đa kia là chỗ mình buộc trâu. Nghĩ và tưởng tượng thế thôi nhưng vận đến nát óc vẫn không thể gắn được một ông già xù xì, răng đã rụng vài cái, vào với cây cầu, gốc đa, và con sông ấy. Nhưng không nghĩ không được, nhất là thằng Tráng. Nó muốn làm tròn trách nhiệm với bố và chú. Nó là đứa hiếu thảo, tuy bề ngoài xù xì, góc cạnh như con cóc nhưng con cóc biết châu về hướng núi, với tổ tiên, nguồn cội. Nó bảo, phải mọi cách tìm quê cho chú. Đi đến đâu nó cũng hỏi người ta, có cái làng nào như thế không. Nó canh chừng từng giấc mơ của chú, chỉ để hỏi, hôm qua chú mơ gì. Tao mơ đi ỉa. Người ta hỏi thật thì chú đùa. Nhưng quả thực, ông không mơ gì cả, dù đêm nào nằm xuống cũng cầu trời cho một giấc mơ có tuổi thơ, có ngôi làng, có bóng mẹ già nhưng kí ức chưa chịu hiện về.

Sáng nay thằng Tráng lại hỏi, nhớ gì không chú? Không! Không! Không! Hỏi gì nhiều thế!
Nhưng nó vẫn không quên hỏi vì chưa tròn trách nhiệm với bố và chú, nó chưa muốn lấy vợ.
Lấy vợ thì cứ lấy, tao còn khỏe, còn trông được cháu. Nhưng chú có chịu nhớ đâu mà lấy vợ. Liên quan gì? Thì tìm được quê chú mới yên lòng lấy vợ chứ!

Có lẽ niềm mong ước thằng cháu lấy vợ lớn quá mà ông buộc phải phọt ra được giấc mơ. Khi ngày nào nó cũng như cầm sổ nợ, tra hỏi xem ông có mơ gì không, ghi ghi chép chép, phân tích, vận đủ kiến thức của những gì đã biết, đoán xem ông ở vùng nào để lên đường đến đó.
Cho đến ngày ông cũng phọt ra.

 
nguoi tro ve pham minh hai
Minh họa: Phạm Minh Hải

Thọ Lập, Thọ Xuân, Sông Chu, Đồng Cói. Thọ Lập, Thọ Xuân, Sông Chu, Đồng Cói. Nó bật mầm trong đầu ông sáng sớm hôm ấy trong một giấc mơ về con sông Chu hiền hòa. Ông nhìn thấy cả nếp chòi lá đơn sơ nằm bên bờ, xa xa là ngôi nhà lợp ngói âm dương. Nó in trong ông kĩ lắm, đến nỗi tỉnh dậy mà vẫn rõ mồn một.

- Lạ thế sao - thằng Tráng reo lên - cuối cùng cũng bắt được, nhưng cũng chẳng mừng quá đâu, ông già này chắc bịa hết.
- Bố mày, tao không bịa.
- Không bịa thì cũng do ép quá mà phọt ra.
- Bố mày, tao nhớ như in, chưa bao giờ tao mơ như thế, chưa khi nào.
- Thế thì lạ nhỉ. Chú, chú cứ nằm mơ nữa đi nhé. Cháu nghĩ, đã khơi thông được dòng, tự nó khác chảy ra thôi. Hay rồi, còn hay nữa đây!

Nó nói rồi vuốt đầu ông như thưởng cho một đứa trẻ.
Và ông vận công cuối cùng, hay chẳng cần vận công, như thằng Tráng nói, mạch nguồn được khơi thông, tự nhiên nó đổ về. Chẳng cả cần mơ ông nhớ rõ con đò chạy dọc khúc sông. Trên đó là Thoan, phải rồi, Thoan, và một người con gái khác, ngồi cùng Thoan, nhưng là ai thì ông chịu. Nhớ cả cành cam lòa xòa chỗ cái giếng đào, rong rêu bám đặc xung quanh, nhiều lần ông suýt ngã. Và mảnh đất trồng rất nhiều cây răng cưa, cây mã đề. Phải rồi, mẹ ông, bà mặc áo nâu, đang múc nước, từng giọt nước trong vắt được múc lên từ giếng. Bà đang kéo nước, bà vục cả đầu vào gầu nước mát, ra sức uống.

Cuông ơi, bà gọi, Cuông ơi, và ông chạy ra, phải rồi ông là Cuông. Thế còn ai kia nữa đang chấp chới từ trong góc vườn đằng xa, bên cạnh cây mít na, cả một góc sân thơm nựng mùi mít. Cuông ơi, có ăn không, tao ăn hết này, ha ha ha. Mày có chờ em ăn với không? Tiếng mẹ ông tiếp theo. Ông líu ríu chân. Càng sợ thì chân càng như không nhấc nổi.

Cang, mày có phần em không? Tiếng mẹ ông quát. Phải rồi, Cang, người đó là anh Cang. Anh Cang phần em, ông cũng hét lên to lên, rồi cứ thế chạy thục mạng vào góc sân nơi có quả mít chín rụng xuống nát bét, ông cùng anh Cang bốc ăn. Cơn mơ ăn mít tan dần trong ông.

Thằng Tráng ngồi cạnh, mắt không rời ông nửa phút, hau háu, như để đợi ông tuôn giấc mơ ra cho nó xem. Nó đang thèm bộ phim đời ông quá, nó bảo thế chú thêm được gì không?
- Tao là Cung, anh tao là Cang.
- Trời ơi, có thế chứ, tuyệt vời lắm. Lần này nó lại vuốt tóc ông. Chú tuyệt vời lắm. Cháu chuẩn bị về đến làng chú rồi. Chuẩn bị mà gặp cô gái đó đi.
- À, đó là Thoan.
- Trời, cháu đã hỏi đâu mà chú khai, có cả Thoan cơ à?
- Chắc thế!
- Xinh không?
- Xinh!
- Đẫy đà chứ?
- Chắc thế!
- Chú nhớ rồi à?
- Ừ!
- Còn gì nữa không?
- Hết, à có cả con sông dài, cả cánh đồng bên con sông ấy.

Thằng Tráng ngồi nghe không sót một từ, ghi cũng không sót một từ vào quyển sổ.
Thế là chú hoàn thành nhiệm vụ rồi đấy, giờ thì cứ việc nghĩ thêm thôi, còn lại để cháu lo.
Và từ đó, ông chỉ có nhiệm vụ ăn để ngồi nghĩ, có ăn no mới nghĩ được nhiều, nó bảo thế.

Và từng thước phim kí ức cứ chầm chậm đưa ông về ngôi làng bên bờ sông Chu không sót một chi tiết nào. Và người ngồi bên Thoan trên chiếc thuyền chính là chị gái ông. Năm đó chị gái mười tám, còn Thoan mười sáu, bằng tuổi ông. Ông vẫn cùng chị và Thoan chèo thuyền dọc con sông mùa nước lên. Để đi bắt cá, để chở lúa của làng từ bên này về bên kia, và chở cói, chở ngô. Và tình yêu nảy nở từ bờ sông Chu đó. Ông còn nhớ như in, đêm cuối cùng trước ngày ra trận, Thoan đứng ở góc sông và khóc. Ông cầm tay bảo, ở nhà chăm mẹ cho anh, đợt này chị Mi lấy chồng, anh Cang cũng ra trận, chỉ còn lại mẹ thôi. Đừng khóc rồi anh sẽ về…

Thoan cứ khóc, nước mắt dầm dề, rúc đầu vào vai ông, làm rung cả người. Ông ôm lấy bờ vai Thoan đang thổn thức mà cũng muốn khóc theo. Giờ thì ông nhớ như in cái mùi con gái tỏa ra từ mái tóc, làn da, vòm ngực... Giờ thì ông đã nhớ ra mùi con gái và sự mềm mại của Thoan sau mấy mươi năm chẳng nhớ được gì.
- Ấy à, cũng kinh phết đấy nhỉ - thằng Tráng nháy mắt khai thác - đã làm gì chưa?
- Làm gì thì tao phải nhớ chứ, ngày đó đâu như chúng mày bây giờ.
- Bây giờ sao bằng ngày đó chứ.
- Bậy nào.
- Ấy à, kinh nhỉ, chỉ một cơn mơ nữa thôi là ra hết - nó nói xong rồi cười khằng khặc.

Và nó đưa ông về đúng ngôi làng bên bờ sông Chu đó. Nó đưa ông về sau những cuộc điện thoại nối hai đầu đất nước, khi chính quyền công nhận có một ông Cung đi hơn ba mươi năm, có giấy báo tử về, người anh đã thờ và nhận trợ cấp liệt sĩ từ ngày ấy.

Báo chí vào cuộc, họ về tận nơi để tìm hiểu. Cả nước sục sôi vui mừng có một liệt sĩ trở về sau hơn ba mươi năm, các bài giật tít hay lắm. Bài nào thằng Tráng cũng đọc cho chú nó nghe. Bố nó thì vui ra mặt, đọc xong mỗi bài nó đều bảo, thành người hùng cả nước biết đến, như cháu đây vô tăm tích, nó nói rồi lại cười. Nhưng ông đâu cần nổi tiếng, chỉ cần mau mau chóng chóng được về với quê hương. Đêm nào kí ức cũng dội về như những thước phim dồn chật cứng lại ở một toa tàu nào đó, đợi khi khơi thông là ào ạt chảy. Trong kí ức có thằng Nam y sĩ, có thằng Thắng nuôi quân, có anh Kiêm, tiểu đoàn trưởng, có trận đánh ở Takéo. Có cả thằng Lân cụt đầu đêm nào cũng theo đóm đóm vào dọa ông trước trận đánh ở Campuchia. Đồng đội, người thân hiện về không thiếu một ai, kỉ niệm cứ ào ào như nước lũ...

Bố con thằng Tráng được sự hỗ trợ của chính quyền, thuê một chuyến xe đưa ông về. Hai đầu cầu đều có sự đón tiếp rầm rộ của báo chí, chỉ thiếu truyền hình trực tiếp thôi. Ông hạnh phúc, thằng Tráng cũng hạnh phúc. Nó khóc còn nhiều hơn ông, khóc vì thương chú, mừng cho chú, mừng cho nó nữa. Những cái ôm chặt, bắt tay, ghì sát, nức nở. Rộn cả làng quê, xáo động không gian chật chột nhà ông Cang anh ruột ông và một vùng quê bắt đầu đô thị hóa. Con sông cạn dần, bãi đá không còn, cánh đồng cũng biến mất, chỉ còn mấy nhà máy sừng sững ngày đêm thả khói. Không còn cô thiếu nữ chở đò dọc, đò ngang, chở cói, chở lúa từ bên này sông sang bên kia mà các cô cưỡi xe, ngồi ô tô đến công ti. Đời sống đổi mới rồi, chỉ có ông là lạ lẫm, mặt cứ ngẩn ra hết chuyện này đến chuyện khác. Sau mười ngày, bố con thằng Tráng cũng về, sau khi dặn dò, ôm ấp, khóc lóc hồi lâu - cái thứ tình gắn bó ba mươi năm ấy, biết đến cả của quý của nhau thế nào, thì làm sao không xúc động.

Và hôm nay, nó gọi điện ra dè dặt hỏi, chú ơi, nhớ Tráng không, chú khỏe không? Chú nó nói yếu ớt trong điện thoại, giọng của người không nhớ mà quên. Ai, ai, à, không nhớ…

Tin chú nó mất trí trở lại làm chấn động những người trong nhà nó. Cánh báo chí xao lên một chút, rồi không vào cuộc nữa. Chuyện một ông già liệt sĩ, mất trí nhớ, trôi dạt hơn ba mươi năm mới trở về quê hương, rồi lại mất trí nhớ, cũng là thường. Chỉ thằng Tráng là xúc động mạnh. Bố nó sững sờ đau đớn, bố nó nhấc máy dè dặt hỏi: Em ơi, nhớ anh không? Phía đầu dây kia ngơ ngác, là ai, tôi không nhớ, không nhớ….

Nó dè dặt hỏi: Chú ơi, nhớ Tráng không nè? Phía đầu dây kia hỏi, là ai, mà tui không nhớ, Tráng nào, nói rõ ra. Phía bên này nức nở, nó cúp máy rồi cứ nức nở. Thế là giờ đây hết sạch, không còn gì nữa, cả những lần chú nó cứng đơ mà không lấy vợ. Nó thì kịp lấy rồi, đã đẻ con, định đợt này mang cả cháu ra thăm ông nuôi ruột thịt, nhưng làm gì mà nhớ. Nó khóc, vợ con nó cũng khóc theo. Sau tiếng ngơ ngác, Tráng nào, để tôi nhớ xem Tráng nào.

Thằng Tráng nghe tin chú nó chết vào một chiều tháng mười, khi trên cánh rừng đổ bạt ngàn những đóa hoa màu đỏ, nó và bố vội vàng bắt xe đi.

Cả nhà như đợi bố con nó về để tắm rửa cho ông cụ. Bà chị dâu của ông bảo, trước khi mất, chú ấy không cho ai động vào, cứ khư khư ôm bọc quần áo cũ như đợi ai đó...

Nó lột người ông ra, lột hết từ trong ra ngoài. Nó nhớ từng đoạn nào xương chú nó trồi ra, nó nhớ ở đoạn nào chú nó có cái sẹo bé tí, nó nhớ đoạn nào chú nó kêu đau như còn mảnh đạn, nó nhớ đoạn nào chú nó bảo, Tráng cọ nhiều hơn, đấm nhiều hơn cho chú... Đây là lần cuối nó tắm cho chú, vừa tắm, vừa nhớ, và khóc.

Chú, cái sẹo này là của cái lần con trâu mộng húc chú, khi chú dắt chăn ngoài đồng.
Chú, chỗ tật này là của lần chú cháu mình trèo cây chùm ruột hái trái bị té.
Chú, đoạn thịt này chẳng bao giờ còn cứng được nữa, chẳng ai biết được có thời nó từng sung mãn. Cháu có lỗi với chú nhiều quá.
Nó cứ tắm, cứ kì cọ, cứ trò chuyện, rồi lục tung cả đống tư trang để tìm bộ mới nhất. Nó tìm được cái túi ni lông buộc chặt, bóc hết lớp ngoài, lớp trong, và trong nữa, nó đọc được những dòng:
Tráng ơi, hôm nay nghe điện thoại mà nhớ cháu quá!
Tráng ơi, hôm nay nghe bố cháu khóc mà thương quá!
Tráng ơi…
Tráng ơi…
Tại sao bảo, chú nó mất trí?

Nó bất giác lắng nghe ngoài kia. Tiếng người bác cắt cử công việc, tiếng máy quay sè sè của một đài truyền hình địa phương, tiếng lợn kêu eng éc, tiếng cười nói của những người đến hộ đám ma.

Nó bất giác nhìn ra, đứa cháu gái con anh ruột chú nó, mắt môi xanh đỏ, đang cười và miệng liến láu. Đôi mắt vừa lườm vừa cười sắc hoẻn của mẹ nó, lấy chồng đi, không chết già như thằng chú, chẳng có gì mang về, chỉ mang theo được bộ xương cùng cánh báo chí.
Nó bất giác nhìn lên cánh cò trên cao chao đảo. Nó thấy mặt trời màu đỏ ối, ráng mây màu xám ngoét, nó thấy những hốc mắt mọc dài tua tủa từ mặt trăng, nó thấy chú nó chới với trên cao, nhìn nó khóc, rồi lại cười, Tráng ơi…                                
 
B.T
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)