Dòng sông minh chứng

Thứ Bảy, 08/09/2018 01:10
Truyện ngắn dự thi. NGUYỄN DUY LIỄM

image1Con sông Sinh chảy về đến đây thì cắt đôi miền duyên hải. Lòng sông hẹp, người đứng bên này nhìn tỏ mặt người bên kia. Người có sức chỉ vung tay ném mạnh một nhát là hòn đất bay vèo qua sông. Với bà Tần, con sông Sinh cũng chia đôi cuộc đời bà thành hai nửa. Bờ Nam, bên ấy là quê mẹ, nơi cho bà cuộc đời, cho bà một người trai để yêu thương. Còn phía bên này, bờ Bắc, nơi dang tay cưu mang...

Bà Tần đang ngồi một mình nhìn xuống dòng sông, chìm theo những suy tư trăn trở thì nghe có tiếng còi ô tô ngoài đầu đê, ngay lối rẽ vào trang trại. Đứa cháu đang chơi lò cò một mình trước sân, nó đứng vội lên gọi bà nội:
- Bà, chú Hoàng về. Tiếng còi ô tô bấm gọi đấy! Bà nội không nghe à?

Bà Tần ngẩng đầu lên bảo nó ra mở cổng giúp. Con bé hớn hở chạy đi, túm tóc đuôi gà ngúng nguẩy theo bước chân ton tả. Hùng, con trai cả của bà Tần, cũng bỏ dở công việc trang trại cho mấy người làm công ra đón em ngoài đầu đê. Hoàng đã mở cửa xe, xuống đường chuyện trò rôm rả với cháu gái từ lúc nào. Hùng hỏi, sao không đánh xe vào sân mà đỗ giữa chừng giữa đoạn thế này? Hoàng buông cháu, trả lời mình ghé qua nhà báo cho mẹ và anh một việc gấp rồi đi ngay.

Số là Hoàng nhận được thông báo từ sở thương binh xã hội tỉnh cho biết vừa tìm được hài cốt bố Huy. Nghe nói, khi phá rừng mở đường, người ta phát hiện một khu mộ liệt sĩ. Nơi ấy là bãi trú quân của một trạm giao liên thời chiến tranh chống Mĩ. Những liệt sĩ đã nằm lại trong một trận không kích của máy bay B52 dội bom hủy diệt cung đường. Họ được mai táng cẩn thận, thông tin chôn theo vẫn còn đầy đủ.

Hùng sững ra trước tin Hoàng mang về. Bố Huy hi sinh khi Hùng còn nằm trong bụng mẹ. Điều này đã để lại một mối uẩn khúc lớn trong cuộc đời mấy mẹ con anh. Hùng chẳng hề nghi ngờ về nhân thân của mình, vì mẹ đã khẳng định anh là con bố nào. Nhưng với mẹ, Hùng nghĩ rằng tìm thấy hài cốt của bố Huy là điều hệ trọng. Anh em Hùng đã bỏ bao công sức tổ chức những đợt quay lại chiến trường xưa, lần tìm. Nhưng giấy báo tử chỉ nói chung chung: ông hi sinh ở mặt trận phía Nam, không sơ đồ mộ chí, không chỉ dẫn cụ thể. Thành ra những cuộc kiếm tìm cứ vời vợi mông lung.
- Có nên cho mẹ biết thông tin này không em?
- Phải cho mẹ biết. Mẹ đã mỏi mòn trông đợi bố quá nửa đời người rồi.
*
*    *
Nhìn bề ngoài Hùng và Hoàng, hai người con trai của bà Tần rất giống nhau, cùng có nước da sáng, nét mặt tươi kế thừa vẻ đẹp của mẹ. Dư luận đều cho rằng họ là con đẻ của lão Phạng, người chồng thứ hai của bà. Chỉ bà Tần biết rõ nguồn gốc những đứa con của mình…

Thuở thiếu nữ, bà Tần là cô gái xinh đẹp, đảm đang nhất làng Bồi. Cô được nhiều trai làng đeo đuổi, săn đón. Nhưng cuối cùng Tần chọn Huy. Một chàng trai cao ráo vâm váp, nhưng khuôn mặt lại lỗ chỗ nhiều hố sẹo do di chứng của bệnh đậu mùa. Đã vậy, mắt phải còn hiếng, mỗi khi nhìn tròng mắt lệch như bị “sang vành”.

Sự lựa chọn của Tần làm đám trai làng chưng hửng. Họ hằn học buông những lời đàm tiếu dèm pha. Kẻ nhằm vào con mắt hiếng: “Thằng Huy nó có thèm nhìn thẳng vào mặt em đâu mà cảm được khuôn mặt đẹp của em”. Người nhắm vào những nốt rỗ mà chế nhạo: “Em háo ngọt nên mới chọn thằng trưởng trại nuôi ong để được ăn mật à!”. Mặc, Tần bỏ ngoài tai hết, chỉ tâm niệm chọn Huy vì cần ở anh một bờ vai nương tựa chắc chắn, đáng tin mà những người đẹp mã không có. Linh cảm của một đứa trẻ mồ côi, luôn tự ti về bản thân cho cô biết Huy chính là chàng trai của cuộc đời mình.

Cuộc chiến tranh chống Mĩ đang vào thời khốc liệt. Trai tráng làng Bồi lớp nọ thay lớp kia đã ra mặt trận cả. Huy tuy có sức vóc như vậy nhưng con mắt “ lệch pha” hấp hiếng báo hại anh. Mấy lần đi khám nghĩa vụ Huy đều bị loại. Lần khám cuối, Huy nhờ thằng bạn vào phòng khám mắt thay nên trúng tuyển.

Ba ngày trước khi nhập ngũ, Huy tất tả tìm đến gặp Tần đề xuất một việc trọng đại. “Chúng mình làm đám cưới nhá!”. Tần kinh ngạc thốt lên: “Em chưa chuẩn bị được gì!”. Nhưng Huy vẫn hối hả, gạt phăng: “Thời gian còn những hai ngày cho em chuẩn bị cơ mà!”. Vậy là Tần cuống lên. Cô thụ động cuốn theo cái quyết định bất ngờ của Huy.

Khi Huy nhập ngũ được hơn chín tháng thì bụng Tần mới bắt đầu lùm lùm đội áo chồi lên. Tần lại đang giữ chức phó bí thư xã đoàn. Ban chấp hành họp đến tàn đêm để đưa vấn đề cái bụng to lên phi lí của Tần ra kiểm điểm, bắt cô giải trình. Khi mà Huy nhập ngũ rồi đi B luôn, không về phép, và Tần cũng không một lần lên thăm chồng, thế thì tại sao? Cuối cùng tập thể kết tội Tần đã quan hệ bất chính, bị khai trừ khỏi Đảng, bị cách chức phó bí thư. Oan khuất quá, nhưng Tần không thể bào chữa. Cô lặng lẽ ôm cái bụng bầu đang lớn dần từng ngày về sống trong căn nhà trống chếnh của bố mẹ chồng với tâm trạng vừa đắng đót xót xa, vừa ngọt ngào hi vọng để ngóng đợi ngày Huy về tất cả sẽ được làm sáng tỏ. Nhưng chuyện đời đâu giản đơn như Tần nghĩ. Gia đình nhà chồng không để cho Tần được yên. Hai người chị gái Huy sang chỉ tay nhiếc mắng Tần là đồ “đĩ thõa”, thứ gái “mèo mả gà đồng”. Cô đành bỏ lại mọi thứ từ đồ đạc cá nhân đến quần áo thay mặc hằng ngày uất ức gạt nước mắt ra đi. Hai người chị gái còn vãi theo gạo muối tống tiễn cô ra mãi tận cuối làng Bồi, như tống tiễn tà ma.

Tần lang thang đi mà chẳng biết mình định đến đâu. Rồi cô sững người, đứng lại vì dòng sông Sinh ào ạt chảy ngang trước mặt.
- Đây là bến tận? Sông ơi! Chẳng lẽ số phận đẩy ta xuống dòng sông này ư?
Tần chua xót nấc lên, rồi khụyu xuống mép sông... Tần chẳng biết mình đã ngồi đây bao lâu nữa. Chỉ đến khi cái thai quẫy đạp nhắc nhở cô nhớ bổn phận làm mẹ của mình thì cô mới dứt khoát phải sống. Sống không chỉ cho riêng mình. Đúng lúc Tần định ra về thì trước mặt một bóng đen lừng lững như vừa chui lên từ đáy nước. Tâm trí vẫn trong cơn khủng hoảng, những lời eo óc nghiệt ngã của gia đình nhà chồng còn váng vất trong đầu, Tần càng hoảng sợ, tưởng đây là hiện thân của ma quỷ. Cô ôm chặt hơn lấy đứa con đang quẫy đạp càng lúc càng mạnh thêm.
- Ô ịnh ết ư? Ừng ại! Ô ề ổ oi, ô uống ò i (Cô định chết ư? Đừng dại! Cô về chỗ tôi, cô xuống đò đi).

Bóng đen bật lên tiếng nói con người. Tiếng gã ta ngọng líu, Tần phải vừa nghe vừa đoán từng lời. Gã không phải là ma quỷ. Là Phạng. Tần nhận ra gã, đã hơi bình tĩnh lại. Gã đàn ông tàn tật sống bên bờ Bắc dòng sông, đang là nỗi ám ảnh cho những người đàn bà bắt buộc phải qua bến sông này khi thanh vắng. Những người đàn bà truyền tai nhau phải tránh gã như tránh hủi.

Phạng có túp lều cất tạm bợ bên bờ Bắc. Gã chuyên việc chăn thả bầy trâu trên hai chục con của hợp tác xã. Cứ mỗi sáng ngày Phạng ra mở róng thả trâu đi ăn, tối tối lại lùa về, kiểm đếm từng con rồi chốt cửa chuồng lại. Vì công việc mà Phạng tiếp xúc với bầy trâu nhiều hơn cả với con người. Phạng còn kiếm ra tiền bằng nghề bắt tôm bắt cá. Đặt cụp, đơm ràng, giăng lưới... Gã kiếm tôm cá sành sỏi chẳng kém gì những con rái cá ven sông. Từ khi có Phạng ra đây ở, bến sông này cũng thành bến đò. Những người có việc cần gấp muốn qua sông cứ cắt đồng ra bờ sông réo gọi một tiếng rõ to “ơi... Phạng” là thấy gã mình trần lừng lững đánh độc chiếc quần đùi màu cháo lòng tuột gấu te tua bẻ lái chèo con thuyền nan sang đón.

Giữa cái thời chiến trường đã vét hết trai tráng đem ra mặt trận, để lại làng quê rặt đàn bà đơn chiếc thì một gã đàn ông như Phạng bỗng thành báu vật. Khách sang đò nhìn cơ bắp vằn cuộn trên cánh tay trần, nhìn vệt lông xoăn xoắn kéo từ vùng rốn lên phủ tràn qua hai múi ngực nở căng như cánh buồm đọng gió của gã, mấy mụ nạ dòng lâu ngày sống thiếu đàn ông đánh mắt liếc trộm rồi quay đi giấu suy nghĩ của mình, đêm về úp mặt vào cạnh giường tha hồ mà thao thức.
vu dinh tuan ok
Minh họa: Vũ Đình Tuấn

Chẳng biết tạo hóa người hẹp hòi hay cố ý khống chế bớt quyền năng của Phạng mà bắt gã thọt một chân và ngọng nghịu như bị rút mất lưỡi.

Lời đồn đại về Phạng ngày càng nhiều. Có người nói bắt được quả tang Phạng dằn ngửa mụ Thỏa ngay trong đò chở khách. Dân làng bán tín bán nghi, bởi mụ Thỏa được coi là nhân vật bặm trợn của làng Bồi, chồng mụ chết từ lúc tuổi mới ba mươi, mụ vẫn dằn lòng ở vậy nuôi mấy đứa con thơ dại, nên lời thị phi quanh mụ nhiều lắm. Mụ thường lặn lội ra ven sông Sinh đánh giậm. Nơi hiu hắt mom sông cuối bãi, người khác sợ đồn đại có ma, nhưng mụ thì không: “Ma ở mồm ở miệng mà ra chứ đây chưa thấy bao giờ”. Mụ vẫn nói mạnh với mọi người như vậy. Tay Cặng làm nghề đóng đáy trên sông Sinh thì bảo mụ Thỏa thường sống với ma. Mụ ra sông đánh giậm là nhằm tìm đến những xác chết trôi dạt vào bờ. Bất kể xác gà, xác lợn và cả xác người chết trôi, hễ gặp là mụ lùa giậm vào xúc. Ngày nào có xác chết là mụ quơ nặng giỏ, toàn những con tôm gai béo mẫm, bụng ôm bọng trứng vàng ươm... Cạng còn nói chắc như đinh đóng cột rằng chính hắn đã lột hết quần áo giả làm xác chết nằm vạ vật mép sông lừa mụ Thỏa. Mụ đến tưởng là xác chết vội lùa giậm vào xục đi xục lại mà chẳng thấy con tôm con cá nào. Vậy là mụ ngoác mồm ra chửi: “Cha tổ nó! Thằng này mới chết, tôm cá chưa kịp bám vào”. Chuyện Cạng kể sau cũng đến tai, mụ Thỏa ngoác mồm réo tên Cạng ra chửi ngay giữa chợ: “Cha tổ thằng Cạng. Nó sợ tôi bán tôm bán cá tranh mất khách của nó, chứ sông Sinh từ ngày giặc Pháp rút đi làm gì có xác chết trôi về...”.

Nhưng cái chuyện thường ngày mụ Thỏa vẫn ra bờ sông ới đò nhờ Phạng đưa qua sông đánh giậm là thật, có người chứng kiến hẳn hoi. Hôm ấy hai người đàn bà làng Bồi đang bắt cáy ở ven sông bỗng thấy con thuyền nan của Phạng cứ dập dềnh theo dòng trôi đến. Dòng nước xoáy hút con thuyền lại, rồi va đánh sầm vào mép sóng. Hai người đàn bà giật mình ngẩng mặt lên nhìn. “Ối trời đất ơi!... Cái gì thế này...?”. Trong lòng thuyền có hai người đàn ông đàn bà đang chồng lên nhau... Cả hai cùng tô hô giữa thanh thiên bạch nhật. Thì ra là Phạng đang nửa quỳ nửa nằm nhấp nhổm trên bụng mụ Thỏa. Họ đang mê mải cuồng hoan đến mức bất biết trời đất quanh mình ra sao, rồi phó mặc cho con đò đưa đi. Chỉ qua ngày hôm sau thôi, từ hai cái “ loa thịt” chuyện đã loang ra khắp làng Bồi.

Buồn nỗi, người đời xưa nay chỉ thích đàm tiếu với nhau cho sướng miệng chứ nào có mấy ai chịu truy nguyên cho cặn kẽ rạch ròi: mụ Thỏa thì đang mưng mửng hồi xuân mà lại chẳng phải giữ gìn cho ai. Còn Phạng thì như gã trâu đực sổng chuồng đang nhông nhông tìm cái. Họ tìm đến nhau, đãi nhau. Rồi miệng đời cứ đong đưa lắt léo như miệng vại miệng chum chẳng bưng lại được. Chuyện đến tai hai thằng con trai tuổi “trống choai” nhà mụ Thỏa. Chúng tức sặc tiết, liền bảo nhau vác dao rựa ra bờ sông chỉ sang túp lều của Phạng mà la lối ỏm tỏi: “Thằng dê xồm có giỏi sang đây chúng tao thiến sống”. Chửi bới một lúc cho bõ tức chứ sức chúng thì làm gì được Phạng.

Đấy. Vì chuyện ấy mà bến đò của Phạng mất khách. Khách đàn bà sợ gã lái đò “dê xồm”. Còn khách đàn ông thì đi ráng thêm một đoạn đường để sang sông bằng cầu phao cho đỡ tốn mấy đồng tiền lẻ...
Giờ đứng trước Tần, Phạng tỏ ra là người đoàng hoàng tử tế.
- Ô uống ò ề à ôi à ỉ (Cô xuống đò về nhà tôi mà nghỉ).

Tần chưa biết gã có ý đồ gì. Muốn giúp thật hay chỉ muốn lợi dụng hoàn cảnh của mình? Nhưng đã quyết là phải sống vì con và đợi Huy về để được minh oan nên dẫu có gặp ma gặp quỷ mà được cưu mang cũng đành phải nhắm mắt đưa chân. Dù sao thì gã vẫn là một con người. Nghĩ vậy Tần đứng lên bước theo Phạng sang đò.

Việc đầu tiên Phạng làm khi đưa Tần vào túp lều của gã là chỉ cho cô ngồi xuống chiếc giường một kê giữa lều, rồi bê đến đưa vào tay cô một bát cơm kèm theo mấy khúc cá bống kho khô.

Tần xua tay:
- Tôi không đói.
Gã trừng mắt nhìn cô rồi ú ớ:
- Ô ải ăng ể uôi ứa ẻ ứ. (Cô phải ăn để nuôi đứa trẻ chứ).

Phạng đã nhắc Tần cái bổn phận làm mẹ. Cô đành đón lấy bát cơm dù cổ họng đang đắng chát. Trước khi đặt mình xuống giường, Tần hỏi mượn gã con dao. Đưa con dao rựa cho Tần, Phạng hỏi:
- Ô ịnh àm ì? (Cô định làm gì?).
Tần dứ dứ con dao trước mặt gã, dọa:
- Nếu anh có ý đồ xấu thì dao này tôi chém.

Phạng ớ mặt ra giây lát, rồi gã vội vã gật gật đầu. Nụ cười sệch sạc làm khuôn mặt đen nhẻm của gã méo theo. Tần luồn con dao xuống dưới chiếu rồi nằm gối đầu lên. Phạng thì loay xoay ra đống cỏ cói ngoài bờ sông vơ lấy một ôm mang về rải xuống nền bếp làm ổ ngủ qua đêm.
*
*    *
Tần ngỡ cô chỉ tá túc nhờ gã cho qua cái đêm phũ phàng ấy rồi sẽ ra đi để tìm nơi nương náu nhờ vả khi đứa con ra đời. Nhưng biết đi đâu khi giữa thời chiến tranh khốc liệt, đạn bon bất chợt của máy bay Mĩ đang bắn phá hủy diệt miền Bắc. Rồi Tần nhận ra, túp lều và tấm lòng của Phạng vẫn có thể che nắng mưa và là nơi nương tựa cho mẹ con cô. “Nhưng còn sự trắng trong của mình?”. Điều mà Tần phải giữ. Điều ấy chỉ cần mình biết, Phạng biết. “Cây ngay không sợ chết đứng”.

Phạng hăm hở ra mặt khi Tần chịu ở lại. Sự có mặt của cô làm thay đổi hẳn cuộc sống của gã. Phạng được Tần chăm sóc cho miếng cơm hớp nước bữa nào ra bữa ấy, chẳng còn cảnh niêu cơm nấu sáng ăn đến bữa chiều. Manh quần, mảnh áo gã thay ra có Tần giặt giũ vá mạng, chẳng còn lỗ chỗ hở thịt hở da, te tua như những ngày gã sống một mình. Con tôm con cá gã kiếm được, Tần thu gom mang ra chợ bán nên đồng tiền Phạng làm ra ngày một đầy đặn thêm. Dù biết rằng hờ hững, nhưng Phạng vẫn xem như mình đã có vợ. Gã cặm cụi san nền, nhào đất đắp tường dựng thêm một gian lều mới. Cũng chỉ mái lợp cói, hoành dùi là những cây gã trồng được quanh bến sông. Phạng làm ngày làm đêm để kịp có chỗ cho Tần sinh nở. Đêm mùa đông lạnh giá Phạng bê gốc cây khô trữ sẵn vào đốt lên sưởi ấm cho mẹ con Tần còn bấy bớt vừa qua cơn vượt cạn. Rồi Phạng cũng lo lắng thức trắng đêm cùng Tần, thay nhau bế ẵm nâng giấc vỗ về những khi thằng bé mọc răng, lên sởi. Rồi tiếng gọi đầu đời pố... pố vỡ òa khi cu Hùng chập chững tập đi trong vòng tay của Phạng...
*
*    *
Cuộc sống của mẹ con Tần cứ nhùng nhằng khắc khoải để đợi Huy về. Nhưng khi cu Hùng vừa lẫm chẫm biết đi thì làng Bồi nhận được năm giấy báo tử trong đó có Huy. Cô ngất lên ngất xuống mấy lần. Phạng phải tay bẻ chèo tay ôm cu Hùng đưa hai mẹ con Tần về làng chịu tang. Vừa vể tới cổng, hai bà chị chồng đã sa sả mắng nhiếc Tần: “Đồ lộn chồng chốn chúa. Cô định mang thằng con nghiệt chủng về đây hòng chiếm đoạt gia tài hương hỏa của bố mẹ tôi để lại chứ gì!”. Khăn tang trên đầu Tần họ lột phắt ném xuống ao. Tần lại lần nữa bị xua đuổi.
Không còn biết đi đâu được nữa, Tần ôm con về lại ngôi lều của Phạng.

Đêm ấy, Tần ngồi lặng lẽ trước bến sông, mắt đăm đắm nhìn sang làng Bồi nghĩ về Huy mà xót đau cho thân phận đời mình. Phạng cũng một đêm không ngủ, đôi chân tật nguyền cứ liêu xiêu đi đi lại lại, hết ra ngó qua bến sông lại vào nhà trông chừng vì sợ Tần quẫn trí mà nhao đầu xuống dòng sông. Khi tiếng gà gáy rộ lên báo đã tàn đêm, rồi vừng đông ửng lên phía mặt cắt chân trời, dòng sông Sinh cũng xôn xao lại sau một đêm ắng lặng, Phạng mon men ngồi xuống cạnh Tần, bàn tay sần sùi chai sắt đặt lên vỗ vỗ bờ vai lạnh toát sương đêm của cô, cất lời:
- Ình à on ứ ở ai ây ới ôi. Ôi é uôi ằng Ùng ành ười. (Mình và con cứ ở lại đây với tôi. Tôi sẽ nuôi thằng Hùng thành người). Lần đầu tiên Phạng gọi Tần là mình, dám động tay vào người cô. Kéo cô đổ vào vai gã mà vỗ về an ủi.

Bấy nay trong con mắt, miệng lưỡi người đời thì Tần đã là vợ Phạng. Họ đâu biết con dao rựa vẫn hằng đêm được Tần đặt dưới cạnh mình. Chẳng biết vì sợ lưỡi dao hay vì cái gật đầu danh dự hôm nào mà chưa một lần Phạng vượt giới hạn. Có những đêm đông rét ngọt, Phạng nhón chân mò vào gian của mẹ con Tần khơi cho đống lửa bùng lên rồi lại lặng lẽ quay ra. Có một đêm hè oi ả, Phạng đến bên giường chèn lại cửa màn cho mẹ con Tần, bất ngờ Tần ngồi phắt dậy khiến Phạng ú ớ:
- Ôi... oi ông àm ì à... (Tôi... không làm gì mà...).
Giờ con dao rựa được Tần đem trả về góc bếp.
Hai năm sau Tần sinh thêm bé Hoàng.
*
*    *
Lão Phạng qua đời sau một cơn bạo bệnh. Ngôi lều ven sông năm xưa nay đã thay bằng ngôi biệt thự khang trang bề thế. Mẹ con Tần đang sở hữu năm héc ta đất bãi ven sông. Nửa phần diện tích được máy đào thành đầm, thành ao nuôi tôm thẻ chân trắng xuất khẩu. Nửa phần còn lại được quây bờ bao để cấy lúa hom bản địa và nuôi rươi, loài đặc sản của vùng nước lợ. Hễ cứ vào độ tháng chín tháng mười là mẹ con bà vào mùa thu hoạch rươi. Chỉ riêng loài sản vật này đã đưa mẹ con bà lên thành người giàu có trong vùng.

Hoàng giờ đã là sĩ quan quân đội. Cậu đã có gia đình, được mẹ tạo cho một cơ ngơi riêng ngoài thành phố. Hùng ở lại đảm nhận việc quản lí nông trại, nơi mà lão Phạng một đời gây dựng từ bến sông heo hút. Duy chỉ thân phận thật của Hùng vẫn là nỗi oan khuất với bà Tần bao năm. Mà người minh chứng duy nhất cho sự ra đời của Hùng chỉ có lão Phạng…

Ngày ấy, trên đường hành quân gấp vào chiến trường, thật bất ngờ với Huy, đơn vị dừng lại nghỉ đêm ở một làng ven sông. Làng ấy với làng Bồi của Huy chỉ cách con sông Sinh và một quãng đường tắt qua cánh bãi. Huy nhìn về bên kia mà tâm trạng rối bời. Nơi ấy có người vợ yêu thương mà Huy chỉ mới có một đêm hạnh phúc trước ngày nhập ngũ. Chiến tranh..., không thể nói trước điều gì. Huy quyết trốn về gặp vợ. Đường đất nằm lòng, Huy cắt đồng ra bến đò.

Lúc ấy bãi bờ, bến sông đã lặng chìm vào đêm vắng. Phạng cũng chỉ vừa lau đôi chân vào chiếc chổi cùn mà chui vào ổ rơm, trùm chiếc chăn chiên lên tận đầu. Nghe thấy tiếng động lịch bịch ở bến sông vọng lên, gã tung chăn mò ra. Đang giữa tiết đại hàn, sương giá giăng kín mặt sông. Cái rét như kim chích vào da thịt. Ánh trăng thượng tuần dẫu đã bị màn sương che phủ nhưng vẫn đủ để Phạng nhận ra một gã trai lực lưỡng đang lập cập tháo dây ràng con thuyền của mình.

Gã trai bất ngờ khi bị đôi tay cứng như gọng kìm của Phạng tóm lấy. Phạng day mặt kẻ trộm thuyền lại nhìn và nhận ra gã trai người làng Bồi, chẳng lạ. Nhìn bộ quân phục mặc vội, áo buông lõng thõng ngoài quần, Phạng nghi ngờ Huy đang làm điều khuất tất nên quát to:
- Ày ào ũ ả? Ồ èn! (Mày đào ngũ hả? Đồ hèn!).

Huy cuống lên:
- Không không không! Anh Phạng hiểu cho. Tôi nhớ vợ quá, chỉ về nằm với vợ một lúc rồi quay lại. Anh giúp tôi. Trời rét quá, tôi không dám bơi...
Cũng là thằng trai cùng lứa với nhau, Phạng hiểu ngay những gì Huy muốn. Gã đưa mắt ngó vào mặt Huy lần nữa, rồi buông anh ra, giọng cảm thông:
- Ợ ày à ái ần. Ó ẹp ế, úng ày ói uói au. Ày ớ à ải. (Vợ mày là cái Tần. Nó đẹp thế. Chúng mày mới cưới nhau. Mày nhớ là phải).

Phạng nhe răng cười diễu Huy rồi bất ngờ gã giục: Ên uyền (Lên thuyền), rồi đẩy thuyền ra sông đưa anh qua bờ bên kia. Khi áp thuyền vào bờ cho Huy bước lên, Phạng kéo áo Huy lại. Gã nhìn mặt Huy nói như ra lệnh:
- Ao ợi ột úc ở ây. On a ao áo ân ân ến ắt ày. Ớ ấy. (Tao đợi một lúc ở đây. Không ra, tao báo dân quân đến bắt mày. Nhớ lấy).
Huy gãi đầu:
- Anh... hiểu mà gia hạn cho. Chứ một lúc thì... ít quá!

Rồi chẳng để cho Phạng phản ứng thêm, Huy nhảy lên bờ lao nhanh về phía làng Bồi.
Đêm tân hôn ngắn ngủi, vợ chồng chưa kịp bén tiếng quen hơi, mọi cảm xúc chỉ vừa chợt nhen phảng phất trong miên man mơ hồ đã bị những bước chân cuốn đi trong thắc thỏm nhớ mong. Giờ là lúc họ được vồ vập tìm lại. Vợ chồng nhùng nhằng trong cơn đói khát nên phải hơn hai tiếng sau Huy mới buông được Tần để quay lại bến sông. Phạng đã đốt một đống lửa rừng rực xua cái giá buốt đêm trường đợi Huy. Huy đưa cả hai bàn tay ra nâng cánh tay vâm váp của Phạng, nói rưng rưng:
- Anh Phạng! Vợ tôi mà sinh được thằng cu thì công này phần lớn nhờ anh. Ngày về tôi sẽ có quà chiến trường mang đến tặng anh.
Lời Huy nói lúc ấy là sự hàm ơn chân tình với niềm tin vào ngày mai mình sẽ quay về. Nhưng nào ngờ nó lại thành lời ủy thác định mệnh.
*
*    *
Trong buổi lễ đón nhận hài cốt liệt sĩ Nguyễn Quốc Huy về lại làng Bồi, nhìn đôi mắt đỏ hoe của Hùng, Hoàng bất ngờ cất tiếng:
- Mẹ ơi! Mình cần lấy mẫu ADN của bố Huy để minh chứng cho anh Hùng!
- Không cần đâu! - Bà Tần khảng khái trả lời. - Các con là con bố nào thì mẹ biết. Bố các con biết. Và đã có dòng sông Sinh minh chứng… 
 
N.D.L
          
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)