Và nơi đây mặt trời lên mỗi sáng

Thứ Ba, 07/08/2018 00:43
Truyện ngắn dự thi. LÊ HOÀI LƯƠNG

1
Mưa đã ngớt. Chỉ còn gió vẫn rất mạnh. Tiếng sóng bờ dội vào vách núi khiến thủy thủ phát hiện tàu quá bãi tập kết đã xa. Con tàu bị gió đẩy trôi lúc trục trặc máy đến hơn mười dặm. Lúc đầu hôm khi cố gắng giằng giữ mấy tấm bạt che lưới ngụy trang, anh bị ngã mạnh vào cạnh tàu, ống chân toác mảng lớn, máu đầm đìa. Đã băng bó sơ cứu, nhưng nỗ lực chống chọi mấy giờ qua cùng đồng đội khiến anh có lúc ngất đi. Người lính gốc ngư dân này thông thạo từng luồng lạch vùng biển quê hương dọc dài cả trăm cây số, lần đầu tiên mưa gió và lơ mơ cơn sốt làm lạc tiếng sóng bờ.

Thuyền trưởng quyết định quay ngược lại. Sau khi né bão dạt vào đảo Hải Nam trú mấy ngày, con tàu bị thương tiếp tục hải trình vòng vèo khi gần bờ ngụy trang làm thuyền cá ngư dân, lúc vòng xa ngoài hải phận quốc tế, tàu bị đám máy bay trinh sát của Hạm đội 7 Mĩ nghiêng ngó nghi ngờ. Rồi mấy tàu địch xa xa bám riết. May sao, cơn mưa to gió lớn lúc nửa đêm khiến tàu địch bám theo mấy ngày qua đã rẽ đi, bỏ cuộc.

Đã bốn giờ sáng, quá hẹn đến bốn tiếng. Mọi người hồi hộp không biết bên ta có còn đón. Tín hiệu phát ra đến lần thứ năm, trong bờ vẫn cứ lặng thinh. Mỗi giây phút lúc này dài như thế kỉ. Hay kế hoạch bị lộ, trong bờ có địch phục kích? Thuyền trưởng họp khẩn cấp chuẩn bị mấy phương án dự phòng, quán triệt anh em sẵn sàng chiến đấu, hi sinh cùng con tàu.
Cuối cùng rồi có mấy ánh chớp đáp lời. Lát sau thuyền dân ra đón mới biết vì lệch giờ quá lâu, trong bờ nghi tàu địch và cũng chuẩn bị phương án chiến đấu.

Cái làng nhỏ ba bề núi, trước mặt là biển, xưa giờ như tách biệt thế giới bên ngoài với gần hai trăm dân tự cung tự cấp. Mỗi lần mua hàng hóa thiết yếu phải vượt mấy đèo đi chợ xa trên quốc lộ. Gần như là làng bỏ quên của chính quyền Sài Gòn, họ cắt đặt một người làm trưởng thôn, nhưng vị này cũng là người của cách mạng. Mấy báo cáo định kì của ông đơn giản kiểu dân chí thú làm ăn, bươi móc chút ruộng rẫy, dăm bảy chiếc thuyền cá nhỏ chỉ đánh bắt trước bãi, cốt bán cho làng, đồng tiền ít ỏi luân chuyển như đổi gạo, củi lấy cá thời sơ khai…

Không còn thời gian chuyển vũ khí quý giá lên hang núi theo kế hoạch, đơn vị tiếp nhận và dân làng quyết định đào hố chôn giấu trên bãi cát. Chiếc tàu đã khẩn trương cập bãi. Ghe, thuyền thúng nhanh chóng áp sát đón hàng rồi cật lực chèo vô, người lội ào xuống khuân chuyển. Hố cát đã có người đào sẵn. Phần nào việc nấy rập ràng, sức người chung tay với ý thức phải hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá có sức mạnh như sức máy. Khi phương đông đã rựng hồng, ba mươi tấn vũ khí đã được chôn kĩ và xóa dấu vết.

Thủy triều rút nhanh, tàu mắc cạn. Con tàu đã bị thương sau gió bão, giờ không còn thời gian để cứu nó, thế nào kẻ địch sáng nay cũng đi kiểm lại mục tiêu đêm hôm chúng bỏ dở vì thời tiết. Con tàu lộ sẽ ảnh hưởng nhiều đến những chuyến sau. Thuyền trưởng quyết định hủy tàu bằng thùng dầu dự trữ. Đoàn thủy thủ theo giao liên về cứ. Người lính bị thương gửi lại trong hầm bí mật một nhà dân nhận chăm sóc. Người dân đã được bày cách đi chợ sớm kể chuyện thuyền cá ngư dân bị gió bão dạt vào rồi bốc cháy. Đúng là khi ngọn lửa rực sáng cả vùng trời biển, bọn lính cũng được điều động đến hai đèo thám sát, dân “đi chợ sớm” đồng lòng giải thích, lính xa xa nhìn đám cháy trên nước rồi nhanh chóng tin lời dân, rút đi. Dây vào thì rách việc, khó lường.
Trời sáng hẳn. Con tàu giờ là khối sắt đen thô kệch nhả những bựng khói theo gió giật. Bãi cát vắng tênh.
Mặt trời ướt nhòe trồi lên trên mặt biển màu chì.
 
2
Mấy hôm nay, sáng nào con gái cũng ra bãi thơ thẩn đi dạo như tìm kiếm một vật gì đó. Biển mùa này xanh trong. Ngấn sóng đầy rác và những vỏ ốc. Mấy vỏ ốc đẹp nhặt được từ lâu, sáng đó nó đã tặng cho nghệ sĩ Hoàng Canh, mặt rựng hồng vì mắc cỡ.
Bà ngồi bên trong quầy nước chăm chú nhìn hai người, mắt đượm buồn.

Người phụ nữ miền biển già hơn tuổi năm mươi của mình lạ gì phận đàn bà nơi cái làng nghèo đơn độc này. Lớn lên lấy trai làng. Nếu bà con thì lỡ yêu nhau cũng đành dứt bỏ. Quá lứa đi chợ xa, gặp đàn ông chết vợ thiệt lòng thương là may, không thì bồ bịch, kiếm đứa con. Con gái đi chợ có chút mặn mòi nhan sắc được trai để ý rồi nên duyên là phúc tổ, là đổi đời, lâu lâu dắt con ăn mặc đẹp đẽ về quê giỗ chạp làm sáng cả đường thôn.

Những năm sau bảy lăm, nhà nước làm cái trường tiểu học tranh tre vách đất. Thêm chỗ ở “nội trú” vách đất tranh tre cho vài thầy cô trẻ mới ra trường. Và vài thầy cô trong kháng chiến, học lớp năm trên núi về đào tạo thêm ba tháng là dạy từ lớp một đến lớp năm. Mấy thầy cô trẻ mới ra trường, học trò lớp năm cũng chỉ nhỏ hơn vài ba tuổi. Có vài học trò nữ xinh đẹp nhiều năm sau thành vợ thầy giáo. Thầy thành phố chấp nhận yên phận đời bên cô vợ và cái làng chài, chuyện chuyển về quá nhiêu khê… Cũng có cô giáo làm vợ trai làng, lâu lâu về phố mua ra ít hàng hóa xà phòng bột giặt kẹo bánh cho con, sẵn bày bán thêm cho dân. Là nói sau này, khi nhà nước cho ủi cái đường lên dốc xuống đèo xe thồ chạy được mới có hàng hóa chuyển vận bằng xe máy, những chiếc Honda 67 độ chế bao nhiêu lớp thồ hàng như xe tải hạng nhẹ.

Đó, thời có trường tiểu học, thêm cơ hội cho vài cô gái. Còn bà cũng mở được cái quán tạp hóa tại nhà, mẹ con đắp đổi qua ngày. Nhà không có đàn ông đi biển chỉ loay hoay kiếm sống được là may.

Con đường sỏi đá vắt qua hai đèo hai bên cũng làm cho làng sáng láng hẳn. Lâu lâu đội chiếu bóng huyện về tận nơi chiếu phim. Trước, người làng phải vượt đèo khiêng máy móc, máy nổ, giờ xe chạy tới nơi. Chiều chiều mấy anh đội phim a lô a lô thử âm thanh, cả làng đã rạo rực chờ trời tối. Rồi cái máy phát điện làm sáng cả vùng, òa vỡ một niềm hân hoan. Người các làng bên kia hai đèo cũng đi bộ mấy cây số qua coi phim. Trai gái thêm nhiều cơ hội gặp nhau, có gái làng đi làm dâu nhà người quê khác. Rồi mấy đoàn hát bội, dân ca bài chòi vài ba năm cũng về diễn các tuồng tích. Những nghệ sĩ nam nữ đẹp lung linh. Những nhạc công thổi kèn, kéo mấy khúc nhị hay lưng tưng cái trống con là nghe mê tít. Đoàn hát nhờ địa phương giúp cái sân khấu, cây gỗ dựng sườn, mặt sân khấu lát mấy tấm ghi thép có lỗ tròn hồi sau bảy lăm người làng đi gỡ từ sân bay dã chiến của Mĩ. Phông màn, đèn điện, âm thanh ổn rồi là cả làng ngồi kín trước sân khấu coi hát. Trước mỗi tuồng tích, đoàn hát có mấy tiết mục ca nhạc, bọn trai trẻ không rành hát bội bài chòi nghe ca nhạc mê lắm. Dù không rành, mọi người vẫn đông đầy, bọn thanh niên tán tỉnh nhau thì rủ ra xa xa ánh đèn.

 
le tri dung va noi day
Minh họa: Lê Trí Dũng

Tàn chương trình, đoàn hát thường về quán bà ăn cháo gà họ đặt trước. Bà về sớm chuẩn bị mọi thứ, con gái thì bịn lại gần sân khấu mê mải ngắm những anh nam chị nữ sắm vai, vãn hát nó mới chạy về giúp mẹ. Xong chuyện ăn uống ồn ào, mấy diễn viên cũng sớm rút về quanh quanh sân khấu. Con gái cũng đi đâu mất, có khi đến hai, ba giờ sáng mới về.

Mỗi lần các đoàn hát về diễn, mấy tháng sau trong làng thể nào cũng có đứa chửa. Rồi sinh con, xầm xì chút rồi cũng qua, lặng lẽ. Quen rồi ở cái làng này.

Nên ngó con gái ánh nhìn rạng rỡ cho mấy vỏ ốc nó rất quý luôn để trên cái rương gỗ ngắm nghía, bà không vui không buồn. Thôi cứ giao mọi sự cho trời.

Cũng như bà thôi. Sau cái đêm chiếc tàu chở súng đạn cập bãi năm ấy…
Căn hầm bí mật đào vội dưới lùm bụi lưỡi long sau vườn đề phòng bọn lính những ngày sau lùng sục. Ngày ngày bà dùng nước muối rửa vết thương cho anh. Những bát cháo cá, cháo hàu. Mấy viên kháng sinh đơn vị gửi lại. Vết thương lên da non rất nhanh nhưng anh đi đứng còn khó khăn. Có vẻ cú đập mạnh đã làm rạn xương.

Những cận kề chăm sóc… Sau nửa tháng, trước giờ người đường dây đến đưa anh về phía núi, hai người cuống quýt đổ ập vào nhau mà không cần nói một lời. Đến giờ bà vẫn còn nhớ tấm lưng vâm váp, săn chắc cuồn cuộn sức lực của anh…
Cha mẹ anh đã chết trong trận Pháp đổ bộ lên làng. Chàng trai biển từng theo cha năm lên mười đánh cá dọc biển quê hương thông thạo từng luồng lạch, bãi rạn, sau đó xin vào bộ đội và theo đơn vị tập kết ra Bắc. Mấy năm sau được chọn chuyển sang đơn vị đặc biệt mới thành lập.

Anh hẹn ngày đất nước hòa bình sẽ tìm về Lộ Giao sống cùng bà, sắm cái thuyền nhỏ làm nghề, đẻ thật nhiều những trai biển tài giỏi…
Bà đã đôn đáo ngõ trước đường sau cơ quan hội nghị hỏi thăm nhiều người khi đất nước hòa bình.
Đã mấy lần tìm về quê anh.
Chỉ nhận được thông tin rất mơ hồ từ người dân và chính quyền địa phương.
Như là anh chưa từng có mặt trên đời.
 
3
Mấy tháng sau, khi cái bụng đã lum lum, cô vẫn cứ tha thẩn ra bãi như những ngày đầu. Nhặt mấy vỏ ốc đẹp, có khi chẳng nhặt gì. Cô chỉ đi dọc theo bãi rồi ngồi bên cạnh cái thuyền nan úp có cây chống, phơi nghiêng. Nắng quá thì cô vào hẳn dưới bóng thuyền…
Cô mê anh khi sắm vai Địch Thanh, nhất là đoạn Địch Thanh từ biệt công chúa Trại Ba. Mê anh múa cây phương thiên họa kích trong vai Lữ Bố. Trời, người chi mi thanh mục tú mà hát hay, diễn giỏi từng cái liếc mắt đưa tình. Mấy ông bà già ngồi bên trầm trồ vậy chứ cô biết gì tuồng tích. Cô mê anh cả khi tẩy trang xong về nhà mẹ ăn cháo khuya. Cái cách anh ỡm ờ khen cô cũng làm cô ríu cả chân. Bọn bạn trai làng này sao mà cục mịch, tán gái vừa thô tục vừa ào ào ăn sóng nói gió, có khi bốc hốt bắt ớn.

Rồi anh nhờ cô dắt đi dạo bãi biển đêm. Không kể dưới bóng hàng dương liễu, đi qua bất kì bụi cây nhỏ nào cũng có từng cặp quấn riết nhau, ư ử. Cô không lạ chuyện này những lúc đoàn chiếu phim về. Những đêm ấy, hết phim cô có về nhà ngủ đâu.
Đi qua, đi qua. Đi xuống bãi rồi anh kéo cô ngồi lại chỗ cái thuyền úp nghiêng có cây chống. Anh nhanh chóng ôm cô như đã chờ đợi điều này từ lâu. Cô nhanh chóng mềm nhũn. Anh dìu cô chui dần vào dưới thuyền. Anh yêu đương điệu nghệ và mãnh liệt hơn mấy gã chiếu phim. Cô vô thức co hẳn hai đùi lên tê dại tột đỉnh. Và anh ụp xuống người cô nặng trịch. Cô chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì anh cố chống người lên một chút lào thào, chui ra…, chui… ra. Cô cũng lào thào… em đang… trần truồng mà… Ra… Ra ngay. Cô ráng nhoài cát dưới lưng chui ra mới thấy cái thuyền nan úp sụp xuống tự bao giờ. Chắc lúc nãy cô co chân làm bật cây chống. Anh một mình thoát ra khỏi ba cái then tre rải đều ngay cổ, lưng, chân. Hầu!... Anh thở ào, trần truồng trước mặt cô. Lần đầu tiên, nhờ ánh điện xa xa chỗ sân khấu, cô nhìn rõ cái vật ấy của đàn ông. Lạ thiệt. Mấy đứa con nít chung quanh ở truồng nhìn thấy ngồ ngộ, dễ thương. Còn đây nhìn bắt ghê…

Mấy tháng sau mẹ chăm chăm nhìn cô rồi nói con chửa rồi, phải cái thằng Hoàng Canh không?
Cô sinh con trai. Mẹ giúp cô từng chút. Thằng nhỏ trắng trẻo dong dỏng, giống anh như đúc.
Tháng năm qua, đoàn này đến rồi lại đi, vẫn không có anh.
Sáng nào cô cũng ra bãi sớm, nhặt vỏ ốc hay chẳng nhặt gì cả. Đến khi mặt trời lên đỏ ối lộng lẫy trên mặt biển, cô mới lững thững về nhà giúp mẹ, chăm con. Thằng nhỏ giờ đã học lớp năm trường làng.
Chỉ mình cô trên bãi từng ngày đón mặt trời lên mỗi sáng.
 
4
Mười mấy năm sau, cái làng heo hút này lại tưng bừng xe ủi, xe chở vật liệu làm đường. Lại nghe tiếng mìn phá đá, sạt núi. Người ta xây dựng tỉnh lộ từ kinh phí quốc phòng. Đất nước mình bờ biển cả ngàn cây số, kẻ thù luôn rập rình, con đường sẽ rất hiệu quả cho việc phòng thủ.

Cũng nhiều cô gái làng có cơ hội với những anh công nhân cầu đường. Lấy chồng hay có chửa, đẻ con không chồng. Cái vùng đất nhỏ bị bỏ quên này lại thật nhiều đứa trẻ ra đời từ những hoài thai, những bất đắc dĩ thai. Những bộ đội, lính, thầy giáo, chiếu phim, nghệ sĩ, xe tải, cầu, đường, thương nhân bất động sản… Nhiều dòng, nhiều máu lai với máu làng chài. Chắc là số phận thôi, biết trách ai bây giờ. Có khi còn hàm ơn lắm lắm…

Xe liên huyện bon bon chạy qua. Hàng hóa tấp nập. Không thiếu từ cái cong cài lược kẹp, những bộ bài tây, những bộ tứ sắc, không thiếu những áo quần sặc sỡ sắc màu của người làng biển.
Rồi nườm nượp người ở đâu về hỏi mua đất, bán mấy cũng mua. Nhiều nhà đổi đời. Vậy là chạy đôn chạy đáo lo giấy tờ đất. Cò đất chạy xe máy sáng đường.

Ngàn năm qua, ở cái thung lũng này con người khổ nghèo nhưng đêm đêm mùa nắng nóng thì ra bãi ngủ, nhà nhà để toang cửa chẳng mất mát gì. Giờ nghe nhà xóm Trường mất trộm mấy triệu bạc, xóm Gành cái xe máy mới mua hai ba ngày chạy chưa rành sáng ra cũng không thấy dựng trước nhà. Bọn trai trẻ đua đòi cờ bạc rượu bia, đánh lộn đánh lạo. Cái quán karaoke hoạt động suốt đêm. Tranh giành nhau bài hát cũng cãi kình ầm ĩ, mầy hát dở như mắm mà bài nào cũng xen vào, thôi kệ nó, dô… Rồi ở thị trấn đổ bộ xuống mấy chân dài thịt da trắng ngần, mắt xanh mỏ đỏ thơm phức. Bia rót tràn, thỉnh thoảng các em ca giọng miền Tây “con cá gô trong gổ kêu gột gột” vui tai lắm. Và dô, bia ướt nhòe cằm, ngực, ướt má môi, vai trần các em… Mấy bà vợ xông vào léo nhéo, chồng xáng cho cái tát cắm đầu. Vài đêm cơ sự lại xảy ra. Quán vẫn không lúc nào ế. Chớ sao, không phải ne, lâu nay cùi đày sống không ai hay chết không ai biết, giờ đổi đời, cho người ta hưởng thụ chút chớ!

Nghề biển gần như không còn ai làm. Mấy kí cá còm đáng gì. Dân làng giờ thích ăn cá to xe chở tới hàng ngày.
Ôi cái làng mươi năm trước, trai trẻ đôi khi làm nghề câu dây lênh đênh phận người trên biển nghe kể ai cũng rùng mình: lấy hai miếng xốp trôi dạt vào bãi, xiên qua hai thanh tre gắn kết lại bằng hai sợi dây, là cứ úp ngực lên đó, hai tay quạt nước làm mái chèo, chèo ra xa tít, rồi thả cước câu. Cá ăn cứ quấn dây kéo lên, gỡ bỏ giỏ. Từ sáng đến trưa chèo tay về, kiếm vài chục con to bằng hai, ba ngón tay. Rồi nấu lá giang chân núi, sì sụp húp. Cũng qua bữa.

Giờ trai trẻ cứ nghĩ tới những điều lớn lao to tát như bất động sản, à, bất động sản là gì, là đất cát chứ gì nữa. Rồi giành giật nhau rào, đánh nhau đổ máu vì rào lấn vào đất của nhau. Rồi kiện tụng ra tòa, rằng cái vùng mọc đầy gai lưỡi long này ông nội tui từng trồng mì, không phải, bà cố tui cất nhà sau cây mít đó… Ầm ĩ tranh giành những chứng lí mơ hồ, tòa nào xử nổi, vậy là mạnh được yếu thua, ai giăng tiền ra nhiều người đó thắng.

Nhiều nhà bà con họ hàng từ mặt nhau. Nhiều nhà sui gia không nhìn mặt nhau, vợ chồng trẻ lục đục vì ai cũng nghĩ cha mình đúng.
Rồi chức sắc làng tố nhau sao đó, nhiều người bị kỉ luật, bị cách chức. Không chỉ người làng. Nghe nói đám người ăn vận sang trọng đi về bằng ô tô cũng bị kỉ luật, đâu trên tỉnh trên huyện.

Mẹ chết năm ngoái. Rẻo vườn nhà mấy lùm bụi mọc lan, con gà con heo qua lại, cũng bị người hàng xóm mua kẽm gai về rào thẳng, lẹm hẳn sang phía mình. Cô nhắc, người ta vẫn nói cái lí có lợi cho họ bằng giọng kheo khéo ngọt nhạt chẳng biết học ở đâu, thật ngán ngẩm.

Thằng con giờ đạp xe qua đèo học cấp hai. Đoạn dốc cao dắt bộ. Sáng chiều hai bận đi về mồ hôi nhễ nhại, sáng học chính khóa, chiều học thêm. Thằng nhỏ chẳng còn chút thời gian nghỉ ngơi. Tối ngồi học một chút đã ngủ gục. Nhà nào cũng than thời bây giờ trẻ nhỏ học đến kiệt sức. Mà có đứa học hai, ba năm không lên lớp nổi đành bỏ học.

Chung quanh chẳng có sách báo gì, mấy chữ lõm bõm rồi trả thầy. Dốt vẫn hoàn dốt. Như cô, cũng học mấy chữ trường làng thuở tranh tre vách đất, thuở thầy giáo thuộc lòng nhà nào có giỗ, được học trò mời là nhắc nhau đi cả hàng. Miếng ăn có chút cá chút thịt chút rượu cũng phây phây người, cười nói lịch sự rồi nhận lời phụ huynh gửi gắm.

Mấy chữ mỏi mòn, có lúc giúp cô viết lá thư, đi bộ cả chục cây số lên bưu điện gửi cho anh đoàn hát. Người ta hướng dẫn ghi tên người nhận, tên đoàn hát rồi gửi đi. Nắn nót, vất vả ghi rồi gửi. Đợi mãi chẳng thấy hồi âm. Chắc thư lạc đâu đó. Nhiều người bảo địa chỉ không rõ ràng, đoàn hát nhưng đoàn hát ở đâu? Cô mỏi mòn trở về. Rồi cũng chẳng còn hứng thú sáng sáng ra trước bãi tha thẩn nhặt ốc. Vỏ ốc giờ chất đầy góc nhà, cũng chẳng thấy ai xin.
Chiếc thuyền nan đã hư hỏng từ lâu, người ta rã mê về chắn hàng rào.
 
5
Người ta xây cái bia di tích tàu không số. Nhiều nhà báo về hỏi dân cái xác tàu ấy chỗ nào, giờ còn không? Còn đâu mà còn, bọn phế liệu đêm đêm lén cưa dần rồi chở đi đâu mất. Dân cũng biết, cán bộ cũng biết nhưng kệ nó, đám sắt ấy chỉ làm vướng lưới vướng thuyền chứ ích gì.

Và nơi đây mặt trời vẫn lên mỗi sáng. Khi đẫm ướt trên mặt biển màu chì. Khi đỏ au, lộng lẫy trên mặt biển xanh 
 
Trại sáng tác Đồng Nai, tháng 6/2018
L.H.L
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)