Văn xuôi  Tác giả & tác phẩm

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH và Truyện ngắn "Đồi Con Gái"

Thứ Ba, 28/08/2018 00:06
truyen ngan hay tac gia tu chon
a minh
Cuối năm 2007, nhà văn Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy và tôi đi công tác miền Đông Bắc. Giữa miên man biển đảo, chúng tôi chọn và “đổ bộ” lên Quan Lạn. Lúc đó, đảo còn hoang sơ, huyền bí lắm. Con sông Mang ngày xưa Trần Khánh Dư đánh tan đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ. Bến Cái Làng một thời là thương cảng Vân Đồn. Cột đình làng Quan Lạn to đến mức nhà văn Khuất Quang Thụy và tôi vòng tay ôm vẫn không hết. Tôi bảo: Bác Thụy nóp cái bụng to như trống cái lại. Nóp thì nóp, tay hai người vẫn không chạm nhau. Những giếng cổ bí ẩn với huyền thoại uống nước giếng Hiệu thì đàn bà phồn thực, uống nước giếng Đình thì đàn ông cường tráng. Bãi cát dài tinh khôi. Rừng trâm cổ thụ xanh rì. Những người đàn bà liêu xiêu dưới bóng chiều tà tay cầm thuổng dõi theo hoa vân sá sùng “vẽ” trên cát để đào bắt, mưu sinh. Đằng sau họ là những gì? Phải viết, đó là ý nghĩ giục giã, thôi thúc tôi.
Viết một cái kí dài kì không khó. Con người và không gian Quan Lạn quá sinh động đến mức chỉ cần chép lại cũng đủ hay (sự thực, tôi đã hoàn thành bút kí Bể dâu Quan Lạn gần 1 vạn từ, in 2 kì liền ở tạp chí Văn nghệ Quân Đội). Nếu chỉ có thế thì tiếc quá! Tiếc cho một chuyến đi quá thừa cho nhà báo, quá thiếu cho nhà văn.
Cuối chiều, tôi thuê một chiếc xe máy một mình đi xuyên qua đảo từ Quan Lạn sang Minh Châu. Càng đi càng thấy hoang vu, heo hút. Đột nhiên một ý nghĩ len lỏi trong đầu: Bất ngờ xe hỏng thì mình sẽ ra sao khi hai bên chỉ là rừng trâm ngằn ngặt xanh? Lại nghĩ: Một cô gái trẻ đang đi bắt gặp đám đàn ông đi biển về thì chuyện gì sẽ xảy ra? Có ai nghe tiếng kêu giữa rừng trâm hoang vắng? Thích thú hay đắng cay? Bẽ bàng tủi nhục hay râm ran hạnh phúc? Dù vậy, tôi vẫn dừng xe bên đường, đi bộ vào rừng, tự tay sờ vào gốc trâm cổ thụ sần sùi, u cục, ngước mắt nhìn và ngắt một vài lá trâm xanh mát bằng cảm quan thường trực của nhà văn: Đã đi đâu là đi đến tận cùng, đã viết cái gì là viết hết, để người khác không còn để viết.
Đêm oi nồng. Nhà nghỉ không điện đóm, cũng không quạt mo quạt giấy. Giường bên cạnh, nhà văn Khuất Quang Thụy ngủ ngon, ông ngáy rền rĩ như mưa rào tháng hạ. Trằn trọc mãi không sao chợp mắt, không thể thao thức trong một không gian tù hãm và quá ngột ngạt, tôi bước ra ngoài, sau lưng tiếng ngáy của tiên sinh họ Khuất vẫn đeo bám. Trăng đã chênh chếch chiếu ánh vàng nhạt. Qua những cây trâm ken lá thì một thế giới khác hiện ra trước mắt. Bãi cát dài trải màu vàng non. Một mảnh trăng cong neo trên trời đầy sao. Gió mát dịu mơn man. Biển bàng bạc rì rầm. Vắng vẻ. Hoang vu. Tôi lại nghĩ: Giữa mênh mông cát vàng nước bạc thế này mà có đêm lửa trại, hay bày bữa nhậu bên đống lửa nướng hải sản nhỉ? Lập tức, ý nghĩ trần tục này qua nhanh. Không! Phải là một cái đẹp lung linh lãng mạn. Tôi nghĩ đến người đẹp. Giá như đêm hồng hoang, huyền hoặc, đi bên mình là một người đẹp. Không có chiến tranh. Chẳng có tính toán mưu sinh. Không có muộn phiền sầu não. Chỉ có cái đẹp. Đẹp khỏa trần. Nguyên sơ. Lung linh. Nhưng, cái đẹp và những phút thần tiên đi qua thì cái gì sẽ đến? Một mình với tâm trạng âu lo và buồn hoang hoải bất chợt đến trong đêm trăng dát vàng trên bãi biển.
Sáng hôm sau, tôi được nghe ông Mận người Quan Lạn kể về những chuyến đi biển của ngư dân. Thì ra, ở đâu cũng thế. Dân đi biển nhọc nhằn và khi gặp bão tố thì vô cùng thê lương. Mô tip người đàn ông đi biển sẽ bị nạn nếu người đàn bà ở nhà ngoại tình trong văn học dân gian, dường như quốc gia nào cũng có.
Nhưng, nếu chỉ có thế thì vẫn chưa ra truyện ngắn Đồi Con Gái. Chỉ đến buổi chiều tối nhập nhoạng, nhìn mấy chiếc thuyền lập lòe lửa đỏ đậu trên bến hiu quạnh và tiếng hồ của ai đó cất lên ai oán vọng đến. Chỉ đến khi tôi tưởng tượng ra một gã đàn ông đi biển bị bão đắm thuyền, sống sót trở về và thành một con người khác. Dị mọ. Khác đời. Thì tứ truyện mới bật ra. Chỉ đến khi nghĩ ra gã ôm chiếc hồ dật dờ như ma đói đi xuyên đảo trong đêm trăng nhạt thếch kéo những âm thanh nức nở, muộn sầu thì cấu trúc truyện mới hình thành. Chỉ đến khi đêm về... những hình sông, thế núi, bãi cát, giếng hoang, rừng trâm hiện ra đồng loạt trong đầu thì câu chuyện và không khí truyện huyền hoặc, ma mị mới là cái đích tôi hướng đến.
Nhưng, phải đến khi trở về nhà, huy động tất cả những trải nghiệm và chiêm nghiệm về đàn ông, về đàn bà thì tôi mới bắt tay vào viết. Viết về đàn bà, viết về một nửa thế giới của đàn ông trong một đêm cuối năm âm lịch đầy ma mị.
Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH
 

 Tôi ra đảo Man.
Hòn đảo nhỏ nhoi giữa trùng khơi vịnh Bái Tử Long. Rừng nguyên sinh nhiệt đới ẩm ướt, rậm rạp nhiều tầng, cây cổ thụ, cây tạp và dây leo nhằng nhịt. Khỉ mạnh bạo hơn người, biết trêu đàn bà, lại biết vào chùa chắp tay khấn vái. Trăn khoanh như cuộn trão sưởi nắng trên mỏm đá, nhưng cũng biết căng mình ngang đường doạ người. Đêm trăng mờ thổn thức, nai rủ nhau ra khoảng trống làm tình. Mùa động dục các loại cá kéo nhau về đặc sệt vụng biển phía nam đảo gần cửa sông Man phối giống. Dân đảo thưa thớt, biệt lập đất liền, mang nhiều nếp sống sinh hoạt và tập quán văn hóa xưa cũ đầu thế kỉ XX. Thân phận người đi biển rất nhỏ bé mong manh so với đại dương mênh mông, biển hắt hơi thì lật thuyền người chết đuối, hàng năm xác người xấu số vẫn dạt vào đảo. Dân vạn chài lập miếu cô hồn, thổ địa, đền thờ thần linh... ở nhiều nơi trên đảo. Mấy năm nay, luồng gió kinh tế thị trường thổi tràn ra đảo Man; vẫn chưa đủ mạnh để đảo hết hoang sơ, âm u, huyền hoặc, bí ẩn. Đó là những gì tôi biết được, trước khi ra đảo Man.

Bấy giờ, đêm đã khuya.
Trăng biển đỏ quạch. Trăng đỏ báo hiệu sự bất thường trên mặt nước; có thể giông bão ngoài khơi xa, hoặc biển động tôm cá về vụng lánh nạn. Gió lặng. Sóng ngừng vỗ. Không gian ngưng đọng, bức bối rất khó chịu.
Bỗng dưng, tôi bị đánh thức bởi tiếng nước đổ oang oãng. Như thể bản năng xúi giục, hoặc là ảo ảnh, tôi hình dung ra cảnh người con gái tắm đêm đang ngời ngợi dưới ánh trăng khuya. Tôi còn ngửi được mùi nước giếng cổ thơm mát quyện lẫn mùi hương da thịt con gái đầy nhục cảm, quyến rũ. Bỗng chốc người tôi căng cứng, ngột ngạt... Cái đẹp đang bòn rút sinh lực thằng con trai là tôi.
Tôi vùng căng dậy. Rừng trâm cổ thụ, cây cành gầy guộc, lá lăn tăn xanh mướt. Khách sạn nhỏ mới xây vẫn im lìm, du khách chìm sâu vào giấc ngủ sau nửa ngày mệt mỏi ngồi tàu biển từ đất liền vượt vịnh Bái Tử Long ra đảo. Ánh đèn điện yếu ớt vàng vọt đổ quầng lên cát trắng. Chẳng thấy giếng cổ đâu, không có tòa thiên nhiên con gái khoả trần trong mơ; nhưng lại nghe văng vẳng tiếng hát con gái từ xa vọng đến; và tiếng kéo hồ buồn bã trên đường xuyên đảo.

Tiếng kéo hồ nức nở và bóng người dật dờ như say rượu đổ xuống đường làm tôi nhận ra ông Trần. Ông Trần sống độc thân, vốn là chỗ quen biết cánh nhà văn nhà báo, từng tiếp “thượng vàng hạ cám” từ ông tiên chỉ làng văn làng báo đến cô sinh viên năm thứ nhất mặt non choẹt ra đảo thực tế. Ông có một kho văn hoá dân gian, có bài viết in tạp chí Văn nghệ tỉnh nhà. Biết các câu chuyện huyền thoại, ma quỷ, thần linh trên đảo nên ông trở thành hướng dẫn viên du lịch tự do lúc nào chính ông không nhớ. Trước đây vốn là thợ săn cá, không hiểu lí do nào, ông giải nghệ lên bờ. Ban ngày thì mò mẫm đến miếu cô thần, thổ địa, hang động, giếng cổ tìm kiếm cái gì đó. Ban đêm, dật dờ như ma đói đi lang thang ở rừng trâm, bãi cát thạch anh, đường xuyên đảo; miệng lẩm bẩm như phù thuỷ bắt quyết trừ tà, và tay kéo hồ. Ông Trần có bộ tóc dài quá vai, dị mọ, lất phất như tóc đàn ông bộ lạc da đỏ ở México. Cơn cớ gì mà ông Trần thức đêm như con vạc? Chịu! Ông Trần kéo hồ vào loại hay. Tiếng hồ nức nở cất lên:

Ta nghĩ đến thói bạc tình
Ta ngẫm về nòi giăng hoa
Đàn bà học nhau
Rất lạ
Mây ơ hờ chiều đông
Gió ơ hờ tháng hạ
Phù dung sớm nở tối tàn
Nín lòng nhặt cuống hoa rơi
Cơn mưa bóng mây thoảng qua
Tim ta tật nguyền, chai cứng
Không có đàn bà thì ta khốn khổ
Có rồi còn khốn nạn hơn...


Ông Trần nhận ra tôi, đóng vĩ kéo lại. Ông mặc áo diềm bâu, thêu loằng nhoằng hoạ tiết dây lá thổ cẩm. Mặt hồ bưng da kì đà, chỗ tay cầm cần và vĩ kéo ngấm mồ hôi lên dấu thời gian, bóng mịn. Ông Trần bảo:
- Tiếng hồ của ta ma mị không? Chú chơi một bài nhá.
Tôi không thạo đàn hát lắm. Hồi đi viết chân dung bà Mầu - nghệ nhân xẩm chợ cuối cùng của tỉnh N, bà có dạy tôi điệu Phồn huê; tôi ghép lời, chơi cũng tàm tạm. Tôi cầm lấy hồ, so dây dạo:

Tôi lại nghĩ về cánh đồng liêu trai đàn bà
ươm hoa cho người ta hái

Tôi nghĩ đến bàn chân con gái
đạp trên ruộng chiêm khô mùa hạ
ngâm vào vụng biển lạnh mùa đông
quấn quýt rong rêu, cuống dạ
váng phèn vàng nhệch móng non
 
Bàn chân bước qua thời con gái
xất xước,
             thô ráp,
                    chai sần
 
Mùa thu liêu trai đàn bà
đi ngang vết chân chim
lửa lòng thôi reo đã tắt
thừa đống gốc tre khô, đống rơm đống rạ
không đốt nổi cái chăn nhàu mùa bão giông


Ông Trần gật gù:
- Tiếng hồ của chú buồn, nhưng là cái buồn sang trọng; lại có ý thương hại đàn bà. Chú tốt lắm! Sau này, chuốc khổ vào thân. Tiếng hồ của ta nỉ non, oán thán, nức nở. Đàn bà nghe, động lòng hơn. Đêm nay, bao nhiêu đứa không ngủ. Có đứa nằm bên chồng cũng cồn cào ruột gan, dỏng tai nghe tiếng hồ của ta chỉ chực chạy ra, chứ lị.
Hoang tưởng. Tôi trề môi, trả cái hồ cho ông Trần. Hay gì cái thói chinh phục đàn bà. Tôi bảo:
- Cái đời làm tội cái thân. Cơn cớ nào mà ông dị mọ, lẩn thẩn vậy?
- Lẩn thẩn là thế nào. Ta sẽ cho bọn đàn ông đảo này điên đầu và đàn bà bỏ chồng theo ta hết.

Ông Trần cười khanh khách như ma vừa rời cửa mả:
- Chú không thấy gái đồng trinh ở miếu cô hồn thức dậy đang lang thang ở ngã ba đường, gốc trâm, bãi biển... lắng nghe tiếng hồ của ta à?
Tôi nhìn xung quanh, không bóng dáng ai. Chỉ thấy trăng đỏ đọc trên trời và tiếng chim giật mình thả tiếng kêu đơn lẻ vào thinh không. Ông Trần lắc mái tóc dài xõa như phù thuỷ làm phép hô nhập tràng, rồi dật dờ đi, bỏ tôi đứng một mình. Tiếng hồ lại nức nở rơi trên đường khuya vắng.

Những hình ảnh trong đầu cắt rời, đứt đoạn, lẫn lộn. Tôi quay về khách sạn, băng rừng phi lao đứng ủ rũ như chết. Một con chim xanh ngủ gật, xập xoà cánh trên cành cây. Bất ngờ, tôi bắt gặp một người con gái khoác tấm lưới đánh cá đi tha thẩn trên bãi cát thạch anh trắng ngời. Ánh trăng đổ tràn vào những mắt lưới, các nút thắt đọng nước bắt sáng lung linh làm tôi liên tưởng đến người cá từ dưới biển đi lên ướt lướt thướt. Nàng: Ngực to, núng nẩy. Chân dài. Eo thắt. Mắt tròn to. Cằm hơi xẻ gợi dục. Bước chệnh choạng, dấu chân nàng in không đều trên cát chạy dằng dặc hút xa tầm mắt về phía cuối chân trời. Nàng hát, giọng trầm buồn. Hát rằng:

Đi qua cánh đồng liêu trai đàn bà
Vô tình tháng tháng năm trôi
Chăm chỉ vạt tép vơ bèo
Cần mẫn đào xới, cuốc cày...
Ai biết cơn khát chờ mưa?
Hững hờ lửa than
Ủ trong chăn lạnh?


Giọng hát đầy trách mọc, giận hờn. Tôi bước ra đứng chặn trước mặt nàng. Đẹp quá trời! Lòng tôi rạo rực. Xốn xang. Thèm. Tôi nuốt nước bọt đánh ực. Trời sinh ra đàn bà để làm đàn ông phạm tội. Nàng cười với tôi, nụ cười hồn hậu, gần gũi. Nàng bảo: “Anh kéo hồ điệu Phồn huê mủi lòng quá. Khốn khổ cái thân đàn bà con gái chúng em thế đấy. Anh có nghe em vừa hát tiếp đoạn anh chơi dở không?”. Tôi gật đầu. “Em đi tìm anh mãi, bây giờ mới thấy”. Tình yêu sét đánh rồi. Nhìn cái mặt yêu quá. Tôi vươn người vồ lấy nàng, giống tư thế con báo đực đuổi theo con báo cái đúng tầm với. Hất tấm lưới rớt xuống bãi cát thạch anh tinh khôi, tôi và nàng quấn vào nhau như đôi rắn hổ mang mùa động dục. Nàng cắn ngập răng vào vai tôi. Đau nhói. Mặc kệ, khoái cảm đang trào dâng cuộn cuộn. Từng lớp từng lớp sóng biển ào ạt xô bờ. Dập dềnh như trên bè nứa thả trôi trên vịnh Bái Tử Long. Tôi vục đầu vào ngực nàng. Thơm tho. Nóng ấm. Cùng lúc ấy, linh tính mách bảo tôi rằng: Có những thằng đàn ông khác đang giương mắt hau háu thèm khát nhìn. Rồi tay tôi chạm phải nhiều bàn tay chai sần, thô ráp. Hoá ra, tôi đang nằm đè trên lưng những thằng đàn ông. Trên người nàng chồng lớp lớp đàn ông. Da thịt đàn ông va chạm cọ xát vào thịt da đàn ông, dơ quá. Bẽ bàng quá. Khốn nạn! Yêu với chả đương. Trời tru đất diệt cả thế giới đàn bà đi. Tôi ngã người sang bên. Cát chạm vào vai dằm dặm; cát vô hồn đâu biết nỗi sượng sùng, đau đớn của tôi. Tôi nhìn quanh lần nữa, chỉ có tôi và nàng trơ trọi trên cát. Nàng xuôi tay, bất lực, nằm ngửa lặng im như bức tượng trắng ngời ngợi ngắm trăng. Trăng cũng dòm nàng. Trăng đổ xoãi ánh bạc lên da thịt nàng, gió cũng quấn quýt mơn man cặp vú trần của nàng. Tôi hả hê, nhìn thấy vài vết máu đỏ tươi ngấm vào cát thạch anh trắng... Đột nhiên, lại mấy thằng đàn ông nhập nhoà hiện ra trước mắt tôi. Thế này là thế nào? Ma chắc? Các gã đàn ông cũng đang thoả mãn niềm vui trần thế nhìn vết máu tươi ngấm xuống cát. Không thể tin được. Tôi đập chân vào thành giường đau điếng, tê dại. Thức dậy. Hoá ra, là giấc mơ. Mồ hôi vã như tắm.

Sáng sớm hôm sau, nhìn cánh nhà văn trẻ, thân xác đứa nào cũng hao mòn, dật dờ; nét mặt đăm đăm, nghiêm cẩn. Thảng hoặc lại nở nụ cười thầm, khoảnh khắc ấy gương mặt rạng lên, đầy mãn nguyện, thích thú và bí ẩn.
Giữa lúc lòng tôi hồ nghi không dứt thì ông Trần đến đón cả bọn đi ăn sáng. Gió sớm thổi mát rượi, lật vạt áo ông Trần lên. Tôi nhìn thấy chỗ tì bầu hồ phía trên xương cạng hơi lõm xuống, đã chai sần. Tôi hỏi:
- Đêm qua, gặp tôi xong, ông vác hồ về sớm không?
- Chú này mê ngủ rồi. Đêm qua, ta mải kéo hồ, hơi sức đâu mà gặp chú.

Tôi chẳng hiểu ra làm sao cả. Nhìn ông Trần rất bình thường, đi lại nhanh nhẹn, lợi khẩu; tôi nghi ngờ cả bản thân tôi. Ông nhìn suốt lượt đám nhà văn trẻ, bảo:
- Các chú đêm qua có mơ thấy gì không?
Điệu cười khẩy hơi đểu; cứ như ông ta đã biết hết mọi chuyện, đang đi guốc trong bụng chúng tôi. Tôi đành thú thật, kể lại từ đầu đến cuối giấc mơ đêm qua. Cả bọn đều ồ lên và đứa nào cũng nói mình có giấc mơ giống hệt tôi.

 
doi con gai do dung 898
Minh họa: Đỗ Dũng

Ông Trần bảo như mắng:
- Ấy đấy, cuộc đời lại ra nông nỗi ấy đấy. Bất ngờ. Sinh động. Bí ẩn lắm. Thế mà, buồn thay. Đám nhà văn trẻ các chú viết nhạt hoét, toàn những điều sống sít. Làm thằng đàn ông phải có danh. Đã lao vào nghệ thuật là phải hơn thua; nếu viết văn phải hay hơn những thằng khác; nếu chơi đàn thì thằng khác phải thua mình. Để bọn đàn bà con gái đã một lần đọc văn, một lần nghe đàn là không dứt được, đánh đổi cả cuộc đời theo mình.
Tôi buồn cười, nhận ra điều triết lí điên điên đang dạy dỗ đám người hậu thế từ ông Trần.
- Vậy xin hỏi: Ông đi dọc đường xuyên đảo kéo hồ là để quyến rũ con đàn bà nào, để hơn thua thằng đàn ông nào?
Ông Trần thở dài hàm chứa sự bí ẩn không lời:
- Có đàn bà đã khốn nạn rồi; không có, còn chó má hơn...

Ông Trần đánh trống lảng, kể câu chuyện liên quan đến giấc mơ đêm qua:
... Các chú không biết chứ cái vụng biển này là vụng Đàn Bà, đồi kia là đồi Con Gái, bãi cát đây là bãi cát Khỏa Trần. Cái tên Đàn Bà, Con Gái, Khoả Trần có từ bao giờ chẳng rõ, khi ông nội ta chim bé hin hin như quả ớt chỉ thiên đã thấy dân đảo gọi thế rồi. - Ơ này, cười cái đếch gì. Ông Trần nhíu mày; chúng tôi lại im bặt, nghe. - Linh thiêng. Huyền hoặc lắm.
Đàn Bà nguyên là cô gái trẻ cùng gia đình thuyền chài nào đó bị bọn hải tặc hiếp chết rồi quẳng xuống biển. Một buổi chiều tối, thân xác cô gái trôi dạt vào mỏm phía bắc đảo. Chẳng biết cô gái chết bao lâu mà da thịt vẫn tươi hồng, núm vú thắm như son, hai đùi dài thẳng trắng mịn hơi rạng ra. Vồng ngực, vai và eo bụng có nhiều vết răng cắn, tím bầm máu. Dân đảo chưa kịp chôn, sáng hôm sau mối đã đùn lên xác cô thành ngôi mộ hình người con gái khổng lồ.

Ông Trần chợt dừng kể, nheo nheo mắt lươn:
- Các chú dóng theo tay ta chỉ nhá. Có phải cái hình quả đồi con kia giống hệt người con gái nằm ngửa không?
Chúng tôi căng mắt nhìn. Tất cả à lên. Giống thật. Một quả đồi con gái nằm ngửa đón nắng sương, sinh khí của trời đất trăng sao.
- Các chú nhìn ra đồi con gái thì cứ gọi là đồi Con Gái; chứ người từng trải như ta lại nhìn ra đồi Đàn Bà.
Đám bạn tôi lau nhau, hỏi vì sao ông tinh tường đến thế.
- Chuyện ấy lúc khác. - Ông Trần gạt đi, say sưa kể tiếp. - Dân đảo lẫn lộn, người thì kêu đồi Đàn Bà, kẻ thì gọi đồi Con Gái. Đàn ông, con trai đi qua đồi ấy, y như rằng đêm ấy, nằm mơ ngủ với người con gái đẹp không quen biết. Những thằng giai kéo lưới, đánh cá ở cái vụng này; chẳng biết sóng biển có vỗ mơn man vào quần lót hay không mà nhảy cẫng lên cởi bằng sạch quần áo, thân trần úp thìa, bò lê bò càng chà sát trên cát. Bãi cát có tên Khỏa Trần là vì vậy. Các chú lại cười à? Không nói điêu đâu, dạo ta còn trẻ làm thợ săn cá mõm lợn, ít nhất cũng chín chín lần như thế. Cái tay trưởng thôn Bắc còn hứng đến mức cởi quần áo cả đêm nằm úp thìa trên quả đồi Đàn Bà đấy. Ma mị vô cùng! Đàn bà nó mê dụ lắm! Chết rồi vẫn làm cho đàn ông chúng ta khốn khổ khốn nạn.

Lại có chuyện này mới lạ. Một tối bức bối, ngột ngạt, oi nồng. Rồi sinh ra giông bão mịt mùng, sấm sét ì ùng, nhằng nhịt vệt sáng, mưa trút ào ạt. Nửa đêm tạnh, côn trùng rỉ rả, trời đất mát mẻ, dân vạn chài ngủ mê mệt. Sáng sớm dậy, đàn ông cả thôn đều hí hửng khoe nhau giấc mộng mình ân ái với người con gái đẹp trên đồi Đàn Bà. Có điều tức cười, ngồ ngộ: Ân ái xong, nàng bảo: Chàng về thì về, để lại cho thiếp cái sinh thực khí. (Lại cười rồi. Các chú nhớ cho cái chi tiết: Cô gái cầu xin đàn ông...). Ngày hôm ấy, vạn chài kéo lưới, cá tôm bộn khoang, con nào con nấy tươi rói nhảy đanh đách. Dân đảo thấy ngôi mộ linh ứng, bèn lập bát hương, làm cái miếu kèo gỗ lợp cỏ gianh, thờ. Hương, vàng mã thờ thì rõ rồi, còn thêm đồ sinh thực khí đẽo bằng gỗ lim nữa. Cái sinh thực khí nam rất hoang dã, man rợ dài những 25 cm, chu vi to ngang cái khoanh đòn xóc gánh củi, sơn đỏ choét. Nhìn kĩ thấy ngồ ngộ, vui mắt. Cái đồ đàn ông chúng mình cũng có giá thật...

Các chú mà ra đảo đúng dịp Hội chài thôn Bắc, xem dân đảo tụ tập ở đồi Đàn Bà nhộn nhịp lắm. Người ta rước sinh thực khí nam từ trong miếu ra. Ông trưởng Vạn chài cởi hết quần áo, mình trần tô hô, tay cầm sinh thực khí nam chạy đi chạy lại chỉ khắp bốn phương nam bắc tây đông, rồi chỉ thẳng vào miếu nhiều lần. Cuối cùng, ông ta cầm sinh thực khí nam chạy đến khe lõm quả đồi chỗ hai chân người con gái rạng háng, đâm nhịp nhàng nhiều lần xuống khe lõm có cỏ lá kim ken dày xanh mướt mát viền xung quanh, cứ như chày giã xuống cối gạo... Khói nhang bốc lên mù mịt; hương thơm ngào ngạt; dân vạn chài cúi rạp lưng cầu xin Bà phù hộ cho họ đánh bắt nhiều tôm lắm cá, đào được nhiều sá sùng. Quả nhiên, chiều tối thuyền cập bến cá Bắc đảo đầy khoang hải sản. Và rất bí ẩn, khi hội chài tan, dân đảo về hết thì lũ khỉ trên rừng lũ lượt kéo nhau đến đồi Đàn Bà; chúng cũng bắt chước hành lễ, cúng rước sinh thực khí nam... như dân vạn chài.

Ăn sáng xong, ông Trần đưa chúng tôi thăm giếng Ngọc. Giếng bị cỏ cây trùm xung quanh. Rêu xanh phong trên đá ong thành giếng. Nước trong vắt, vài ba đám bèo nhởn nhơ cùng rong rêu. Ông Trần cúi xuống khoả nước vốc lên tay. Ông bảo: “Nước giếng thiêng đấy. Các chú uống vào sẽ thấy nhẹ nhõm thanh thản vô cùng; mọi ham hố đời thường bay biến mất”. Chúng tôi làm theo, vốc nước rửa mặt và uống ừng ực. Quả thật! Lòng dạ đang nóng bỏng, cồn cào, mồ hôi nhễ nhại bay biến sạch. Mát mẻ lạ lùng.

Giếng Ngọc vốn là nơi mạch nước ngầm phun lên ở giữa đảo. Từ xưa, nước giếng thơm mát, trong lẻo, nhìn thấy sỏi đá dưới đáy và con rùa vàng đang rụt cổ ngủ. Nước giếng chứa một chất gì đó rất huyền hoặc, con trai uống vào kích thích da thịt nóng bừng. Nước giếng Ngọc chỉ linh thiêng khi trăng non đầu tháng gác ngọn tre. Con gái Đoài thôn kén chồng xứ lạ, lén múc nước giếng cho người mình thương uống. Nước giếng Ngọc ngấm vào mạch máu tế bào, hóa thành sinh khí con trai.

Sau này, có thầy địa lí bên Tàu sang. Ban ngày đôi mắt chim cắt của gã dòm khắp đảo. Tối về nhà dân ở trọ, ngồi thềm hè đón gió Nam mà mình mẩy gã cứ bải hoải. Té ra, cái nước Nam này còn nhiều long mạch, huyệt thiêng sinh nhân kiệt. Nhìn thấy cái ang nước cô gái con chủ nhà vừa đi múc về; gã thò hai bàn tay vào vốc nước uống ừng rực. Ngửa mặt lên, trăng non đầu tháng đang treo trên ngọn tre. Chó cắn inh ỏi. Cô gái nhà lành đang mở cổng đón khách. Khách là một thương lái mặt sáng, từng trải. Khách mới, khách cũ chưa kịp chào nhau thì gã đã thấy người rậm rựt, thèm muốn con gái vô cùng. Gã chếnh choáng như người say rượu, nhưng còn đủ tỉnh táo đi khỏi nhà chủ để không vồ cô gái trẻ đẹp. Và gã đã vồ mụ nạ dòng đào sá sùng về nhà muộn đang chổng mông rửa ráy ở giếng đào. Thì ra, thầy địa lí uống phải nước giếng Ngọc cô gái múc định cho chàng trai thương lái uống để cầm chân chàng ở lại đảo. Bẽ bàng và hận thù cộng lại thành quyết tâm triệt hạ đất đảo linh thiêng, gã mời mấy tay phù thủy trên tàu buôn Trung Hoa xuống, bí mật gồng sức lại yểm. Giấy bản viết những kí tự lằng ngoằng, đọc âm u, đốt và thả than xuống. Đêm chớp sáng lòe rạch trời. Sáng hôm sau, dân đảo đi quảy nước sớm thấy con cóc cụ gớm ghiếc, da mọc gai sần sùi, to như thúng cái nổi lên. Khiếp quá! Chẳng ai dám uống nước giếng Ngọc nữa. Từ đó, giếng mất thiêng, lâu ngày bỏ cỏ mọc rêu phong, tù đọng. Con gái làng đảo mất luôn bảo bối.

Nghe ông Trần kể, chúng tôi sợ quá, nôn oẹ, móc họng. Thằng bạn tôi bảo:
- Ông đểu quá. Thế mà còn xui chúng tôi uống nước giếng.
- Đấy là huyền thoại. Tin làm đếch gì.
Yên lòng, tôi bảo ông Trần:
- Thu phục người mình thương không bằng da thịt, tâm hồn, trí tuệ mình mà phải mượn đến nước giếng cổ. Con gái xứ đảo này rẻ giá quá.
Tưởng ông Trần phật ý, tự ái. Ai dè ông tỉnh bơ, thủng thẳng nói:
- Cái giống đàn bà nói chung là xí xớn; đều phải cầu viện trang sức, mĩ phẩm hoặc siêu nhiên.
Đêm hôm đó, tôi cứ thao thức hoài không ngủ. Tôi nghĩ đến ông Trần láu cá. Ông ta vừa uyên bác vừa dân dã, ranh mãnh. Cái đảo nhỏ hoang dã chơi vơi ngoài khơi này có lắm điều lạ kì, bí ẩn không thể cắt nghĩa nổi.

Gần sáng, tôi mơ màng. Giấc mơ đến khó nhọc. Tôi lại bắt gặp người con gái hôm trước khoác lưới đánh cá trên bãi cát; rất mến yêu, nhưng tuyệt nhiên không hề có cảm giác chung chạ nam nữ. Nàng hát:

Trăng tà
          trăng chẳng tỏ
Chàng đi khơi theo cánh buồm đỏ thắm,
                                       em vò gối cùng chăn
Trăng tà
             trăng không tỏ
Chàng vui vầy với gió cùng mây
Đắm say mùa cá nam động dục
Nổi nênh em một đời con gái
Cặp vú trần đêm thao thức
Ơ hờ cát trắng cháy khô...


Nàng ngừng hát, cười e lệ:
- Em biết, anh thế nào cũng ra đây.
Tôi bảo:
- Nàng hát hay hơn tiếng hồ ai oán hàng đêm trên đường xuyên đảo.
- Tiếng hồ ấy như tiếng bò hen. Em không nghe được. Tiếng hồ thật ở dưới bến chết lâu rồi.
Chúng tôi lên con thuyền nhỏ đang chao lắc nhẹ bởi sóng vỗ. Chông chênh trên ván gác thuyền tôi bước như kẻ mộng du. Thuyền thả trôi. Chúng tôi nằm trên sàn mũi gác đầu lên bai chèo, ngửa mặt lên bầu trời bàng bạc ngắm trăng. Trăng xanh xao, lạnh. Trời không có mây bay. Và sao cũng biến mất. Nàng bảo:
- Cảm ơn anh! Đêm qua, em biết thế nào là hạnh phúc ái ân khác giới, để thành đàn bà.
Nàng ôm choàng lấy tôi, người lạnh ngắt. Tôi rùng mình; chẳng có hứng thú gì hết. Một thoáng ngại ngần, xấu hổ chợt đến; không có cảm giác bừng bừng ân ái như lần trước. Đêm qua, tôi rất thô bạo đối với nàng.

Bất chợt, nàng ngồi dậy, thở dài se sẽ và kéo tấm lưới cá khoác lên người. Tôi vẫn nhận ra các đường cong mĩ miều qua mắt lưới; nhưng tịnh như không có một chút hưng phấn.
Nàng bảo:
- Cái lão Trần ấy, nó hại anh rồi. Có phải sáng nay, nó cho anh uống nước giếng Ngọc không?
- Phải. Uống no nữa đằng khác.
- Vậy là đời giai của anh vô cảm rồi. Cái giếng cổ ấy bỏ hoang, chẳng ai dám dùng. Từ khi giếng bị yểm, đàn ông múc nước uống thì diệt dục.
Tôi rùng mình, hoảng sợ. Toát mồ hôi. Tay chợt sờ xuống khoảng giữa hai háng chỉ thấy nhẵn thín. Tôi khóc ông ổng như cha chết mẹ chết.
- Em thương anh thật lòng. Em cho anh sự thật này, anh viết có khi anh trở thành nhà văn lớn.

Tôi lại thấy lòng nhẹ bẫng, không âm u, lo sợ nữa.
- Có phải nàng bước ra từ cái miếu trên đồi Con Gái kia không?
- Không! Em làm sao mà linh thiêng được thờ phụng như thế. Em là vợ lão Trần sáng nay dẫn các anh đi uống nước giếng Ngọc ấy.
Tôi lại rùng mình. Bỏ mẹ, mình lại mơ rồi. Ai lại đi tình tự với vợ ông Trần.
- Em khổ lắm. Phận đàn bà khổ lắm. Em chết lâu rồi. Người chết trẻ cứ trẻ mãi. Người ta không cắt dây trần thế cho em nên cứ phải hiện về.
- Nhưng sao lại ra nông nỗi này?

Nàng sụt sịt, gục đầu vào vai tôi. Tôi vỗ về, an ủi nàng vài câu. Nàng trấn tĩnh, rồi kể:
... Lão Trần hơn em ba mươi tuổi. Ngày trước lão Trần là tay săn cá số một ở đảo này. Ham lắm, cửa khơi, luồng lạch, mùa cá nổi, mùa cá động dục... gã biết tường tận. Em lấy làm chồng vì phục lão giỏi. Đàn ông tài giỏi trong mắt đàn bà con gái ít học quê mùa lúc nào cũng đẹp lung linh, rất đáng phục. Đánh cá cũng là một nghề phải không anh; mà lão đánh cá giỏi nữa, phục quá đi chứ. Đám cưới em, ba ngày ba đêm, lão rước dâu bằng thuyền đánh cá, cả vạn chài rước em đi vòng quanh đảo. Chả có đám nào danh giá hơn.
Vậy mà, em bất hạnh. Em ra nông nỗi này là do cá mõm lợn. Anh không tin à? Miệng cá giống mõm lợn nên vạn chài gọi là cá mõm lợn. Săn cá mõm lợn phiêu lưu hoang mang, sợ hãi nhưng kì thú lắm. Khoảng tháng ba hoặc tháng tám âm lịch là cá mõm lợn rúc đầu vào vụng nước cát pha bùn tìm thức ăn. Chúng cày rũi, ăn rong biển, ốc, điệp, hải sâm trắng, ghẹ... Dân Vạn chài tinh thông nghề chỉ cần ngửi mùi cá xông lên có thể đoán biết được cá mòi, cá đối hay cá mõm lợn mà đánh bắt. Cá mõm lợn đi đơn hoặc từng đàn năm sáu con; có con nặng tới năm tạ, sức quẫy quật khởi không lưới nào chịu nổi. Thuyền nhỏ, đi đúng tầm cá ngóc lên thở nó đội luôn mạn thuyền, lật úp như bỡn.

Lão Trần - chồng em săn cá mõm lợn bằng lao phóng. Đầu lao là mũi sắt nhọn khoảng 30cm, có ngạnh ngược như ngạnh lưỡi câu. Phía trên mũi sắt là tông có khuy tròn buộc một đầu dây, dây rải ra dài khoảng 50m; cuối đầu dây buộc vào một ống luồng to dài khoảng 60cm gọi là lỗng. Đầu lao được gắn với cán lao dài khoảng 3m. Cá ăn ngầm dưới mạn thuyền lâu phải nhô lên khỏi mặt nước thở. Trai ngư cầm vuốt dọc cán lao đâm theo tư thế phóng thật mạnh vào lưng hoặc đầu cá. Cá dính mũi lao bao giờ cũng phóng vùn vụt ngược ra phía biển. Em cầm bai chèo thuyền cật lực nhắm cái phao lỗng mà theo, không nhanh là mất dấu. Cá chạy hết tầm, cũng là lúc cá mệt lại lao vào bờ, không động đậy nữa là cá chết hoặc lả. Chồng em kêu vạn chài đến vớt cá lên thuyền. Công việc săn cá thường là như thế. Nhưng hôm ấy, chẳng biết dây rợ thế nào ấy, nó quấn thắt nút cổ chân em. Khi cá mõm lợn bị chồng em phóng lao, nó hăng máu phóng vùn vụt ra ngoài khơi, nó kéo luôn em xuống biển. Em trở thành cái phao lỗng thứ hai lướt băng băng theo con cá khổng lồ. Lão Trần không chèo thuyền theo cá đâu, anh ạ. Khi hết tầm; con cá mõm lợn quay lại phóng vào bờ. Em và cái phao lỗng lướt theo con cá lần nữa. Dân vạn chài trục cá và vớt em lên; dây chão nghiến da thịt chân em đến tận xương.

Làm ma cho em xong, lão Trần bỏ thuyền lên bờ; chấm dứt những ngày lênh đênh trên biển với cá mú. Vạn chài không ai biết cái chết bí ẩn của em; đến em, em còn không biết nữa là. Người thì bảo tai nạn nghề nghiệp; kẻ lại nói cái lão Trần nuôi mưu chằng dây thắt nút cổ chân vợ.
- Nhưng ăn ở với nhau có điều gì không?
- À. Chuyện buồn nhiều hơn vui.

Rồi nàng kể câu chuyện tình buồn trên đảo nhỏ. Giọng nàng lúc ai oán, lúc lạnh tanh, và cứ thầm thì nhỏ dần cho đến khi có bóng người lướt qua mặt làm tôi chợt thức giấc. Tôi thấy mình nằm ngửa trơ trơ ở khách sạn. Chẳng có chiếc thuyền và người con gái khoác áo lưới đánh cá nào. Toàn mộng với mị, ghê chết; người tôi bải hoải bài hoài. Tôi hình dung lại phần sau câu chuyện, định bụng sáng đi hỏi ông Trần cho ra nhẽ. Theo nàng thì:
Nàng lấy chồng không có đêm tân hôn. Lão Trần, càng cường tráng bao nhiêu thì “chim” lão càng sun vòi bấy nhiêu. Lão vật vã trên cơ thể căng mẩy, tròn trịa, eo ót của đứa con gái đảo mặn mòi mười bẩy tuổi. Lão phát điên, vầy vò nàng suốt năm canh. Nàng đau đớn, chịu cực hình, nước mắt cứ trào ra giàn giụa. Cực thân nàng lắm!

Hết đêm, nàng tơ tướp như một cây chuối non bị bão biển. Còn lão Trần thì mệt mỏi, hai mắt thâm quầng. Lão bảo: “Em ở nhà, giữ gìn, bảo trọng. Ta lo lắm”. Nàng ngước mắt nhìn chồng, lòng thương nổi lên: “Anh đi, em ở nhà chờ. Sao phải lo?”. “Người ta bảo: Đàn ông đi biển mà vợ ở nhà ngoại tình thì thế nào cũng xảy ra bất trắc ở ngoài khơi”. Nàng lặng im, vân vê gấu áo, chỉ chực khóc.

Từ đó, lão ít về nhà; không ra khơi thì nằm lì dưới thuyền; thảng hoặc lão mới ăn nằm với vợ. Mỗi đêm chồng vợ là một lần nàng như bị cực hình. Khiếp sợ chồng, nhưng nàng vẫn thương.
Con gái đang sức xuân tràn trề, năm này qua năm khác, nhiều đêm không ngủ, thèm đàn ông vô kể. Nàng sống khép mình, ít giao du vì rất sợ ánh mắt đàn ông bốc vác ở bến cá hau háu nhìn. Nàng sợ tiếng hồ réo rắt ở cái thuyền buôn nào đó vọng lên. Chồng đang đi biển, nàng phải giữ mình.

Cho đến một đêm, lòng nàng như có ổ than hồng. Nàng ra giếng Ngọc múc nước tưới từ đầu đến chân; vẫn không dập tắt được ngọn lửa lòng. Nàng lướt thướt đi qua rừng trâm cổ thụ để về nhà. Những bóng đen lẩn quất rồi lẫn vào các gốc cây mà nàng không hề biết. Đêm chưa vào sâu. Dưới bến, thuyền buôn vẫn lập lòe ánh lửa. Trăng mờ sáng. Tiếng hồ khi khoan khi nhặt, lúc nỉ non lúc nức nở làm nàng mê mẩn, không rời bước. Lưng tựa gốc trâm cổ thụ, nàng lắng nghe tiếng hồ ngân và lời người đàn ông xa vắng nỉ non. Hát rằng:

Tôi là cánh đồng khô hạn
                   khao khát cơn mưa rào tháng hạ
Tôi đi tìm
Chỉ thấy mưa bóng mây
                  xa ngái cuối chân trời
Có người con gái thức đêm
                           mòn gối
Thèm đàn ông...


Cái đẹp không bao giờ song hành cùng cái ác. Tai họa bủa vây lúc nàng mê mẩn rung nhịp đập con tim cùng tiếng hồ rạo rực. Những bóng đen cởi trần, áo vắt vai chồm đến. Nắm lá trâm vò nát nhét vào miệng nàng không kêu được. Nước trâm đắng nhặng. Trước lúc phó mặc đời, nàng còn kịp nhớ đến hình ảnh người chồng đêm tân hôn; nàng ứa nước mắt. Từng con đực thay nhau quần đảo vầy vò nàng. Nỗi khiếp sợ qua nhanh, cảm giác sướng thú dần dần lan toả.

Có con chim rừng giật mình thức giấc, bay vụt lên. Lá trâm rung xào xạc. Nàng ngước nhìn. Một khuôn mặt đàn ông âm u không rõ. Người đó lấy áo chua lòm mồ hôi lót xuống lưng nàng. Lá trâm khô hết lạo xạo dưới lưng, êm ái và mát. Mùi đàn ông hoi nồng xộc vào mũi nàng. Đấy là những gì nàng nhớ nhất trong đám đàn ông lạ giấu mặt. Và cánh đồng con gái hạn khô nứt nẻ được tưới nhuần có cả tiếng hồ từ dưới bến vọng lên. Nàng nghe rất rõ khúc hồ dồn dập rạo rực. Nàng trôi phiêu du cùng tiếng hồ và nhịp nhịp ái ân.

Gần sáng, nàng biến thành cây chuối đổ bão. Trong ánh sáng lờ mờ của trăng tàn lọt qua kẽ tán cây, nàng đau xót nhìn tấm thân trần căng mẩy của mình đầy thương tích, nhan nhản vết cào, véo, vết răng to nhỏ. Những bóng đen đến chóng bao nhiêu thì biến nhanh bấy nhiêu. Rừng trâm vắng lặng đến rợn người.

Sau trận bão đời, nàng lê bước về nhà. Lão Trần vẫn đang mê mải cá mú ở xó biển nào đấy. Sáng bạch, nàng vội thay quần áo để ném vào xó nhà, tẩy trần; nhưng lạ chưa kìa: áo quần nàng vẫn ướt át dán vào người. Da thịt vẫn mẩy căng, tròn trịa không một chút xất síu. Hai đùi vẫn trắng mịn màng như vừa niêm cất trong nhà lành ra. Không thể thế được. Nàng đã sống thực cảm giác cưỡng ép ân ái khác giới. Nó là đời sống trần tục chứ không phải là mơ. Hay là mình mộng du? Nàng không lí giải nổi chuyện gì đã xảy ra với mình.

Cảm giác sợ hãi và thích thú trộn lẫn cứ đeo đẳng nàng suốt cả tuần. Như người ăn dở lúc nào cũng thòm thèm. Nàng cố quên, cố chạy trốn cái đêm rừng trâm nhập nhoạng ấy thì mùi đàn ông hoi nồng, cái áo lót dưới lưng chua lòm mồ hôi và tiếng hồ rạo rực lại cồn cào trở về. Nó làm nàng mê mẩn, bứt rứt không yên. Đêm đêm, nàng lại đến giếng Ngọc tắm, lướt thướt đi qua rừng trâm để lắng nghe tiếng hồ; nàng tựa lưng vào cây trâm cổ thụ và mong đợi mơ hồ cái điều gì đó xảy ra. Chẳng có gã đàn ông nào nữa, chỉ tiếng hồ vẫn từng đêm nức nở vẳng lại.

Ngoài khơi xa có bão.
Chiều tà. Ráng mỡ gà quầng ở chân trời rồi rực lên đỏ ối. Nàng thấp thỏm âu lo và cầu mong chồng bình yên. Một tuần, hai tuần chẳng thấy lão Trần về. Một tháng, nàng không còn kiên nhẫn đứng ở bãi cát ngóng ra ngoài khơi xa nữa thì lão về thật. Sóng đập vỡ thuyền, lão ôm được mảnh ván lênh đênh trên biển cho đến khi người ta cứu sống. Tả tơi. Rũ rượi. Gầy nhom như khỉ. Mặt quắt như ngón tay chéo. Chỉ có hai mắt là ra giống người. Nàng đổ cháo phục thuốc cho chồng, thêm một tuần nữa lão lại người.

Chồng nàng bảo:
- Đừng hòng qua mắt ta. Những ngày ta đi biển, em đã làm gì sai trái?
Nàng nhận ngay:
- Đêm, em ra giếng Ngọc tắm, đi qua rừng trâm về nhà. Tiếng hồ từ dưới bến vọng lên da diết lắm. Em cứ đứng dựa lưng vào cây trâm nghe.
- Có trai trên gái dưới không, dù là trong ý nghĩ?
- Em... khô... ông... chắc.
Nàng khóc và thuật lại cho chồng tất cả những gì đã xảy ra. Lão Trần khóc hu hu, vác phảng nhằm gốc trâm mà chặt, lóc ra từng mảng gỗ trắng vàng. Rừng trâm mênh mông, lão chặt sao cho hết.

Hôm sau, lão Trần bảo:
- Từ nay, em không ở nhà nữa. Đi biển với ta.
Nàng nhẫn nhịn, lẳng lặng theo chồng. Biển, muôn đời vẫn kì bí đối với con người. Chồng đánh cá, vợ chèo thuyền; đến bữa thì nấu cơm, chồng chan vợ húp; ấm áp bình yên.

Ở biển sự lãng mạn bao giờ cũng dạt dào hơn đất đảo. Đêm biển huyền hoặc, lung linh bởi trăng dát bạc và muôn triệu vì sao li ti rắc xuống nước. Gió mát phóng khoáng. Con người cởi mở, gần gũi với nhau hơn. Nhu cầu yêu và được yêu bộc lộ không giấu giếm, công khai dưới màn trời chiếu... sàn. Lão Trần và nàng - chồng trên vợ dưới tình tự ngay trên sàn thuyền mặc mùi cá mú, hơi biển mặn mòi xộc vào mũi. Phúc bảy mươi đời nhà lão Trần, chức năng đàn ông tự nhiên vận hành rất tốt. Đêm biển mới là đêm tân hôn. Nhưng, đúng lúc lão gần đến đỉnh hưng phấn nhất thì nàng bảo: “Anh lót cho em cái áo xuống dưới lưng”. Lão giật thột mình. Áo khỉ gì. Cần gì áo. Nàng nói như mê sảng: “Lót áo dưới lưng cho em đi. Cho lá trâm khô đỡ lạo xạo. Thích lắm. Em nghe được cả tiếng hồ rạo rực từ dưới bến vọng đến”. Lão Trần suội người ngã vật sang bên. Thân xác mềm như bún. Hiểu ra rồi! Lão Trần ngóc đầu, gào to: “Lá trâm khô là cái khỉ gì? Cái thằng kéo hồ ấy là thằng chó nào? Nó hơn ta điểm gì?”. Nàng giật mình tỉnh lại hết mơ màng, ôm lấy chồng van xin: “Người ta ở thuyền dưới bến. Em không biết”. Lão Trần gạt con vợ trẻ lăng loàn ra, đứng dậy đi đến mũi thuyền ngồi phịch xuống. Hai chân thả thõng đung đưa, lão quên là mình đang cởi chuồng nồng nỗng dưới ánh trăng bạc. Cay đắng quá! Dù là trong suy nghĩ, con đàn bà đã ân ái với ai, sẽ mang theo người ấy cùng xuống mồ.

Nàng khóc nức nở. Giận mình. Giận đời.
Lão Trần lầm lì không nói. Vợ chồng thức trắng đêm trên con thuyền nhỏ. Và hôm sau, ngày săn cá mõm lợn tôi vừa kể đoạn trên thành ngày định mệnh tăm tối... Nàng biến thành cái phao lỗng bị con cá mõm lợn kéo đi vun vút ra khơi rồi lại vào bờ. Cái đẹp bị tàn phá giết chóc không thương tiếc...
 
Thưa bạn đọc!
Tôi chỉ cần chép nguyên những gì tai nghe mắt thấy ở đảo Man cũng đã thành thiên truyện ngắn. Nhưng, vẫn chưa yên tâm rời cái đảo xa, âm u, bí ẩn ấy. Tôi tìm đến nhà ông Trần.
Ông Trần đi vắng. Nhà tuềnh toàng, cửa không đóng. Bất chợt, tôi bắt gặp cái áo cổ tròn vải diềm bâu và cái hồ bưng da kì đà treo trên vách. Tôi nhìn ra ngoài, đồi Con Gái nằm ngửa tênh hênh hứng sinh khí của biển đảo trăng sao trời đất.

Tháng 1/2008
S.N.M

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)