Cha con đồ tể

Thứ Năm, 13/09/2018 00:41
Truyện ngắn dự thi. TRẦN THỊ TÚ NGỌC

Lão Điệt lấy vải đỏ ngậm ngùi bọc dao. Đó là hai con dao bầu một lớn một bé, mũi nhọn hoắt, cán bằng gỗ mun đen bóng, lưỡi sắc lẻm đến nỗi cọng tóc thổi vào đó lìa đôi trong tích tắc. Bọc xong, lão cứ ngồi trầm ngâm. Rồi lão tợp một ngụm rượu lớn.
- Dao sắc làm gì khi không có lợn để mổ thịt!

Thốt ra câu ảo não xong lão cả quyết để cặp dao xuống dưới đáy chiếc rương gỗ tít trong buồng bếp, chặn thùng gạo lên trên.

Đồ tể cũng có nhiều hạng. Xưa Trương Phi, Phàn Khoái cũng xuất thân từ anh hàng thịt mà làm nên danh tướng. Lão Điệt tuy không đạt tầm danh tướng nhưng tiếng tăm cũng lừng lẫy một vùng.

Làng Bính nằm trải dài dọc theo mạn đồi Lim, cả một vùng đồng khô cỏ cháy, mùa hè nắng rộp da, mùa đông rét cứa gót chân tóe máu, ngoài sim mua với cỏ gai chó đẻ ra thì chẳng cây nào mọc được. Mỗi nhà ngoài mấy sào ruộng ra đều cố nuôi thêm một hai con lợn coi như bỏ ống tiết kiệm hoặc dùng khi cần cưới hỏi tết nhất. Ở làng cả tháng mới đôi lần mổ lợn, lão Điệt phải cắp dao đi làm thuê cho cánh lái lợn khắp nơi, thi thoảng mang về nhà đùm lòng hay miếng thịt thủ to tướng, mụ Khoan vợ lão lại san ra bán bớt cho mấy người đàn bà trong xóm. Thế cũng nuôi được vợ con.

Lão Điệt lấy vợ muộn, sinh được hai đứa con. Con trai lớn tên Sáng, từng nhiều lần tỏ ý muốn theo lão đi phụ mổ lợn nhưng lão kiên quyết không cho nên hai cha con lầm lầm lì lì, cả buổi chẳng nghe nói với nhau câu nào. Người con gái út tên Vân, xinh đẹp nổi tiếng làng Bính, da dẻ mướt mát như nước suối, khóe miệng lúc nào cũng thoáng nét cười, đôi mắt đen lúng la lúng liếng. Đám trai làng anh nào cũng mê mệt Vân, nhưng chỉ hẹn hò được dăm bữa nửa tháng nơi đầu sông cuối bãi rồi nghe Vân nhắc đến chuyện cưới xin là lại đánh trống lảng. Thế nên khi đám con gái cùng lứa trong làng tuy da đen chân kiềng đều đã con bồng con bế, chỉ riêng Vân vẫn đẹp rờ rỡ lẻ loi một mình. Người làng Bính vẫn đồn đại rằng ai làm nghề đồ tể, tới lúc hấp hối đều rống lên như lợn bị chọc tiết. Thậm chí cái nghiệp sát sinh còn đeo đẳng mãi tới mấy đời sau, con cháu sinh ra đứa thì tai to như tai lợn, đứa thì sứt môi, đứa chân bốn ngón. Bởi vậy Vân có nguy cơ ế chồng. Tất cả là tại cha làm nghề đồ tể. Không có đồ tể thì chẳng ai mổ thịt lợn cho mà ăn, nhưng nhắc đến đồ tể dân làng Bính cứ thấy ghê ghê, sự đời lạ thế.

Nhưng lão Điệt bỏ nghề không phải vì lo con gái ế chồng, mà là vì cái lò mổ công nghiệp tập trung đầu tiên của huyện đi vào hoạt động. Chủ lò mổ ấy là Tài Sẹo. Hắn mang cái tên này vì một lần đi bắt lợn, gặp phải con lợn nái động cỡn tợp một miếng trúng mặt, máu chảy ròng ròng, về sau sinh ra vết sẹo to tướng. Hồi trước Tài Sẹo thường chở lợn đến nhờ lão Điệt mổ để đưa lên thị trấn bán, nhiều lần thấy hắn đái luôn vào chậu huyết lợn để làm tiết mau đông mà màu lại đỏ tươi, lão Điệt không giấu được nỗi ghê tởm.

Tài Sẹo bắt đầu nghề buôn lợn một cách rất tình cờ. Đợt đó nhà bà Yên chăm bẵm mãi một con lợn đực thiến được chừng năm yến, định để dành cuối năm đụng Tết thì chẳng hiểu sao nó bỏ ăn mấy ngày rồi lăn đùng ra chết. Bà Yên tiếc của, kêu lão Điệt đến mổ giúp xem có vớt vát được chút nào không. Lão Điệt tay dao tay thớt đến nơi, chọc tiết thì được lưng nồi máu đen bầm, mổ ra thịt đỏ lòm lòm, nổi nốt lên, tanh hôi kinh khủng. Lão Điệt biết là lợn bệnh nên khuyên bà Yên đem đi chôn, đừng mang ra chợ bán mà phải tội.

Bà Yên tuy xót của nhưng cũng nghe lời lão Điệt, nhờ lão đem con lợn ra chôn ở gò Đống. Hôm đó lão Điệt hì hục mất một buổi chiều mà về tay không, gạo trong nhà vừa lúc hết sạch, mụ Khoan cứ ca cẩm chồng mãi.

Thằng Tài năm đó mới mười bốn tuổi, đi chăn trâu ở cánh đồng kế trông thấy lão Điệt chôn lợn liền về mách với cha. Tối đó hai cha con hắn mang thuổng cuốc ra đào xác con lợn về. Lợn bệnh kể cũng lạ, hạ thổ vài tiếng đồng hồ là thịt đã trắng hồng, mùi hôi cũng biến mất, hai cha con rửa ráy sạch sẽ, mờ sáng hôm sau mang ra chợ huyện bán rẻ hơn bình thường một vài giá, chẳng mấy chốc mà hết sạch. Tài thấy buôn thịt lợn cũng thú, liền sắm cân sửa thừng rong ruổi khắp nơi, mua lợn xong chở đến nhà cánh đồ tể thuê làm thịt rồi mang đi bán, vất vả một tí nhưng được ăn từ gốc đến ngọn.

Một lần Tài Sẹo mua được con lợn bệnh nặng chín yến với giá rẻ như cho dưới làng Đông, ì ạch chở lên nhà lão Điệt thuê mổ thì lão bảo lợn này bị tai xanh, phải đem chôn chứ không thể làm thịt bán. Hắn năn nỉ chán rồi nâng giá tiền công lên gấp đôi mà lão Điệt vẫn nhất định không xuống dao. Tài Sẹo biết lão Điệt có uy tín lớn trong nghề đồ tể, lão đã từ chối thì không nơi nào dám nhận nên đành cắn răng chở về tự làm, mất toi cả ngày trời. Hắn căm lão Điệt không để đâu cho hết. Đã làm nghề đồ tể, còn bày đặt giở trò đạo đức.

Từ khi Tài Sẹo xây dựng lò mổ tập trung, cánh đồ tể làm ăn lẻ dưới làng mất nghề, người thì rửa dao gác thớt, kẻ chấp nhận vào làm thuê cho hắn kiếm sống qua ngày. Nhờ khôn ngoan lọc lõi lại táo bạo, chẳng mấy chốc hắn đã thâu tóm toàn bộ thị trường trong huyện. Thế nên mới có cảnh lão Điệt ngậm ngùi cất dao.

Nhưng nào lão đã được yên. Tài Sẹo vẫn để bụng chuyện lão Điệt đã  từ chối mổ con heo tai xanh lại còn lên mặt dạy dỗ đạo đức nghề nghiệp, nên quyết trả thù cho bõ ghét. Hắn biết hai cha con lão Điệt hục hặc với nhau, liền dỗ ngon dỗ ngọt bảo Sáng, chú về làm việc với anh, khỏi cần học hành khổ công mà kiếm tiền lại dễ như bỡn. Sáng lớn lên trong âm thanh éc éc suốt đêm của lũ lợn. Nhiều hôm trời còn tờ mờ gã đã thột dậy vì tiếng kêu chói óc, len lén bò ra khỏi giường nhìn qua khe phên hở. Trong ánh mai mờ mịt sương khói, Sáng thấy cha chậm rãi tuần tự mổ lợn như đang thực hiện một thứ nghi lễ. Sáng gần như mê mụ đi, trong lòng thầm ước lớn lên mình cũng thành một đồ tể hạng nhất giống cha. Thế nhưng lão Điệt bảo cầm dao mổ lợn là chuốc lấy nghiệp sát sinh, hay ho gì mà dây vào. Thực ra trong thâm tâm lão nghĩ mình đã nhọc nhằn cả đời, mong muốn con học hành tử tế để sau này kiếm một chỗ làm nơi công sở nhàn nhã mà lại ấm thân. Sáng không nghe, nghĩ cha chê mình chưa đủ bản lĩnh. Vậy nên khi được Tài Sẹo ngỏ lời, Sáng gật đầu ngay. Sáng theo Tài Sẹo xuống thị trấn, ngày cầm tháng lương đầu tiên về lão Điệt hỏi mày làm gì mà có tiền, gã đáp hai từ “mổ lợn” gọn lỏn. Lão Điệt đang và cơm sặc nghẹn, hai mắt trợn trừng, mụ Khoan phải vừa vuốt vừa đấm mãi mới xuôi.

Sáng làm việc ở lò mổ ba năm nhưng chỉ chuyên mỗi việc dọn phân rửa chuồng ở khu nuôi nhốt, tiền công vì thế cũng thấp nhất so với bọn giết lợn. Mà cái bọn chọc tiết ấy nào cao siêu gì, có đứa phanh họng lợn một nhát dài mấy chục phân, dao đi quá cuống họng chọc vào cả dạ dày, cám lợn ồng ộc trào thẳng vào chậu tiết rồi cứ thể đổ can đem đi nhập. Mãi chưa được cầm dao, Sáng thắc mắc thì Tài Sẹo lim dim mắt bảo: “Cha cậu nói đồ tể cũng phải có tư cách, cậu cứ từ từ mà rèn giũa”.

Tài Sẹo nổi tiếng là một ông chủ khắc nghiệt, công đoạn nào hắn cũng giám sát chặt. Hắn bảo thời buổi này chẳng tin được mẹ con thằng nào, giao khoán cho chúng nó hết có mà ăn cám lợn. Cứ trời chập tối là Tài Sẹo cùng mấy tay chân thân tín nhất lùa lợn từ bãi nhốt về dãy chuồng tạm, lấy dây siết chặt vào hàm trên của từng con, buộc vào thành chuồng. Kế đó hắn lấy đầu ống nhựa đã nối với vòi cấp nước, thọc thẳng vào họng từng con lợn thấu xuống sâu lút, ấn công tắc bơm nước vào. Lợn kêu váng trời, mọi thứ phọt ra phía sau như xối, chẳng mấy chốc no nước trương phình lên nằm lảo đảo. Bơm hết một lượt mấy chục con hắn cho nghỉ một chặp rồi quay lại bơm lượt hai, lượt ba, cho tới khi lợn tròn quay kiệt sức đứ đừ thì trời cũng đã một giờ sáng. Tài Sẹo chuyển sang giục cánh đồ tể vào việc, tay nào tay nấy mài dao xoèn xoẹt, vật lợn ra mổ ngay giữa sàn nhà nhớp nháp chẳng cần sốc điện vì chúng đã bất tỉnh bởi say nước.

Theo như dân trong nghề rỉ tai với nhau thì nhờ lợn được bơm nước suốt đêm, nước thấm đều vào thịt, trọng lượng mỗi con tăng thêm ít nhất năm ki lô gam, nhân với hàng chục hàng trăm con lợn thì Tài Sẹo cũng dắt túi một khoản kha khá. Khi nào gặp phiên chợ xấu, Tài Sẹo lại cho gom toàn bộ hàng ế đưa về lò mổ tọng vào các thùng phuy, đợi sáng sớm hôm sau xả nước ngập rồi rắc dăm thìa bột trắng sunfua dioxit là đống thịt lợn bốc mùi ôi thiu nồng nặc cùng với mớ lòng phèo đã rỉ nước bầy nhầy bỗng thơm ngon như mới, đem trộn lẫn với loại mới mổ chẳng ai phát hiện ra. Bởi thế cánh công nhân làm việc ở lò Yên Đại, có người về nhà chẳng bao giờ nuốt nổi miếng thịt lợn kho vào mồm, có người chỉ cần nghe nhắc đến cháo lòng tiết canh là lộn mửa, nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải nhắm mắt đưa chân.

 
cha con đồ tể nguyễn văn đức
Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Dịp tết Đoan Ngọ, khách đặt hàng nhiều nên lò mổ làm việc suốt ngày. Thấy Sáng không về, buổi chiều bà Khoan sai Vân đem bánh trái lên cho anh. Vân đến nơi, gặp ngay Tài Sẹo đang đứng ở cổng liền mở lời hỏi thăm. Tài Sẹo nhìn Vân một lượt từ đầu đến chân, rồi nhìn lượt nữa từ chân lên đầu, thủng thẳng bảo:
- Anh trai cô là tay mổ thịt số một ở đây, công việc bận lắm, cô để đấy tôi mang vào cho rồi cuối buổi anh ấy sẽ nhận. Cho tôi gửi lời hỏi thăm ông cụ nhé, bảo với ông cụ là hổ phụ sinh hổ tử, tôi phục hai cha con lắm.
Vân về thuật lại cho bố nghe, lão Điệt chỉ cười gằn một tiếng.
*
            *      *           
Sau lần tình cờ gặp Vân, ngắm nghía thấy ưng mắt, Tài Sẹo nảy ra một ý định. Hắn vốn to cao lực lưỡng, người khỏe như vâm, nhưng chẳng hiểu sao lấy hai mụ vợ đều gặp phải loại không biết đẻ khiến lòng hắn luôn rầu rĩ.

Tài Sẹo tìm mọi cách quà cáp ngon ngọt tấn công. Lần đầu tiên Vân biết đến cảm giác có người quan tâm yêu thương mình thực sự. Nghĩ đến tuổi tác của Tài Sẹo, Vân cũng thấy băn khoăn, nhưng sau lại tặc lưỡi cho qua. Tài Sẹo khéo léo che đậy sự say mê cuồng nhiệt trước sắc đẹp của Vân trong cái vẻ điềm tĩnh của một người đàn ông đứng tuổi và giàu có. Hai tháng sau lần gặp đầu tiên ở cổng lò mổ, Vân dẫn Tài Sẹo về nhà khóc lóc xin cha cho cưới.

Lão Điệt chết sững cả người.
Một nỗi cay đắng và đau xót không kìm nén được dâng lên làm nước mắt phủ mờ hai con ngươi đã kèm nhèm của lão. Cái thằng Tài Sẹo ấy nhìn qua đã biết là loại gian thương, bước chân tới chuồng lợn nào là lợn ré lên kinh hoàng, lại từng bỏ hai đời vợ. Loại đàn ông bạc bẽo ấy nó thương yêu gì con gái lão chứ.

Vân òa lên khóc:
- Cha muốn con ở giá cả đời hay sao?
Lão Điệt nghe như trăm nghìn con lợn đang réo gọi tên mình, đầu ong lên như búa bổ, nằm vật ra giường bất lực.
Tài Sẹo tổ chức ăn hỏi rình rang, thuê xe chở đồ sính lễ về làng, gồm có một cái thủ lợn to tướng, gạo nếp, bánh phu thê, rượu thuốc trầu cau đủ cả. Đợi nhà trai về rồi, lão Điệt mang tất cả quẳng ra khúc sông sau làng, mấy hôm sau cái thủ lợn trương sình lên, thối nhũn làm bè nuôi cá lồng của ông Tính chết nổi trắng bụng. Ông Tính vác cả bì cá chết đến đổ giữa sân bắt đền lão Điệt, mùi tanh bốc lên lộng óc, ruồi nhặng bu về như ong. Lão Điệt nổi điên, lôi cặp dao bầu dưới bồ gạo ra, xóm làng phải xúm lại can ngăn ầm ĩ cả. Người làng Bính được dịp lại bảo lão Điệt đúng là có máu đồ tể, giết lợn chán lại còn muốn đi giết người. Tài Sẹo biết chuyện, nhắn người làng “bố mà nhớ nghề thì lên mổ lợn cho con, tiền công trả sòng phẳng”. Lão Điệt nghe xong uất quá thổ máu tươi.
*
*    *  
Cuối mùa hạ năm đó, thời tiết thay đổi thất thường khi mưa khi nắng, dịch bệnh tràn lan, giá thịt lợn lên cao khiến cho việc thu mua trở nên khó khăn. Hơn nữa trong thị trấn lại có mấy lò mổ rục rịch khai trương nên sắp tới việc làm ăn chắc chắn càng khó. Tài Sẹo vốn nhanh nhạy, biết rằng phải sớm chuyển hướng kinh doanh, rủ Sáng về làng Bính đầu tư một trại nuôi lợn thịt để chủ động nguồn cung cấp.

- Trong các loại thịt, ngon mà rẻ nhất thì phải kể đến thịt lợn. Cho dù là thịt bò, thịt gà hay thịt gì đắt đỏ lắm đi nữa, ăn liên tục vài bữa là chán. Dân nước mình chỉ cần thịt lợn với cơm trắng và rau muống là sống khỏe quanh năm, vậy mà cả cái làng Bính mấy trăm hộ dân không nhà nào nuôi được quá ba con lợn, rõ là kém cỏi.

Tài Sẹo nói rồi cười khùng khục. Sở dĩ hắn chọn Sáng vì có nhiều lí do, nhưng quan trọng nhất là vì mấy héc ta đất ở đồng Lùng, chỗ đó trước mặt nhìn sông, sau lưng dựa núi được lão Điệt mua lúc đất đai bỏ hoang còn rẻ bèo. Sáng đang còn thấy trong lòng ngần ngại thì Tài Sẹo vờ nhũn nhặn bảo:
- Chỉ cần anh góp mặt bằng, toàn bộ vốn đầu tư giống má chuồng trại thức ăn em lo hết. Khi trại đi vào hoạt động rồi, cái lò mổ này em giao cho anh sở hữu. Anh em mình lọt sàng xuống nia, lo gì.

Sáng thấy ngon ăn, liền vội vã về bàn với cha. Lão Điệt nghe xong câu chuyện, lặng thinh.
Bà Khoan rụt rè bảo chồng:
- Hồi trước ông vẫn nói làng Bính nghèo chả lấy đâu ra lợn để làm thịt cho thỏa, nay con nó biết làm ăn lớn, cũng là chuyện đáng mừng.

Lão Điệt khụt khịt mũi:
- Đàn bà con gái biết gì. Nghe lời chúng nó có ngày như lợn nghẹn cám.
Lão Điệt dẹp được ý vợ, nhưng không thắng nổi lũ con. Vân với Sáng bị Tài Sẹo hối thúc rồi hứa hẹn nên nóng ruột chuyện làm ăn, cứ ra vào giục giã suốt, cuối cùng lão Điệt đành chấp nhận. Đằng nào sau này mình chết đi cũng quyền chúng nó cả, có ai sống mãi được đâu mà ngăn với cản, vả lại có ngăn cản chúng cũng nào có nghe. Vân nghĩ của vợ cũng như của chồng, ngay lập tức chuyển giao quyền sử dụng đất cho Tài. Sáng cũng chuyển luôn phần của mình cho ông em vợ để đổi lấy cái lò giết mổ lợn trên thị trấn. Tài Sẹo phấn khởi bắt tay vào xây dựng trại nuôi lợn thịt quy mô lớn nhất huyện Đoài từ trước tới nay. 

Sáng hớn hở ra mặt, bỗng nhiên trở thành ông chủ có trong tay hàng chục công nhân, thử hỏi ở làng Bính có ai dám coi thường gã nữa. Vân thì ngày càng trẻ đẹp ra, công việc trong trại lợn mình chồng lo toan cả, cô chỉ việc ra vào ăn nghỉ giữ gìn nhan sắc. Bà con chòm xóm khen lão Điệt may mắn gặp được ông con rể giàu có lại biết làm ăn nên cả nhà có cơ hội mở mày mở mặt. Lão Điệt lặng câm chả nói năng gì.
*
*    *  
Sáng làm chủ lò mổ được một thời gian, phát hiện ra cung cách làm ăn của Tài Sẹo thì vô cùng sửng sốt. Sáng đang băn khoăn nghĩ cách thay đổi thì bất ngờ có mấy đoạn clip tung lên mạng quay cảnh giết mổ ở lò Yên Đại. Cả thị trấn xôn xao. Đoàn kiểm tra liên ngành lập tức vào cuộc. Lò bị đóng cửa một thời gian, đến khi hoạt động trở lại thì không ai mua thịt nữa.

Sáng thẫn thờ ngồi trước khu lò mổ xám xịt với những cánh cửa im ỉm khóa, nhớ hồi xưa bố vẫn thường kể, làm đồ tể trước khi hành sự nhất định phải nói câu này với con lợn: Chớ có oán trách tao. Tao hóa kiếp cho mày để kiếp sau được làm người. Nếu câu đó linh nghiệm thì chắc xung quanh gã bây giờ có bao nhiêu người kiếp trước từng làm giống bốn chân cọ mõm trong chuồng. Tài Sẹo rõ ràng là một thứ lợn độc còn bản thân Sáng lại là con lợn thịt được hắn vỗ béo để cuối cùng bày lên bàn tiệc. Sáng thấy đắng như ngậm phải mật lợn, thẫn thờ đi về nhà quỳ sụp xuống trước mặt cha, bật khóc:
- Con sai rồi!

Lão Điệt âm thầm nghĩ đến hai con dao sắc lẻm đang bọc trong ba lần vải đỏ cất dưới bồ gạo, khẽ khàng bảo con:
- Là lỗi của cha, đáng lẽ ngay từ đầu cha đừng ngăn cản con mới phải. Nhưng con đừng buồn, người ta còn ăn thịt lợn thì vẫn cần đến người mổ lợn. Chỉ cần giữ lòng mình ngay thẳng thì tay cầm dao sẽ vững mà sống được với nghề con ạ.

Bà Khoan lấy chéo áo chấm nước mắt, lặng lẽ đi vào nhà buông màn để dọn cơm. Từ khi trại lợn của con rể đi vào hoạt động, ruồi muỗi khắp nơi kéo về kín đặc như đỗ đen phơi tháng bảy, đến bữa ăn nhà nào cũng phải chui vào màn mới tránh khỏi cảnh nuốt nhầm ruồi vào miệng.
*
*    *  
Tài Sẹo xây dựng trại lợn theo một quy trình bí mật. Hai nghìn con lợn được bố trí vào bốn dãy chuồng, đến thời điểm được chừng năm sáu yến là hắn bắt đầu trộn chất tạo nạc vào thức ăn liên tục trong mười lăm ngày. Thứ thuốc này hắn phải lặn lội xuống dưới thành phố mới mua được, tuy bị chém đến bảy trăm nghìn một cân nhưng bù lại cho ăn ngày nào lợn khác hẳn ngày đó, vai nở, mông săn, thịt chắc, cân nặng tăng vùn vụt. Hắn cho đào một hệ thống mương máng quanh trại, dẫn phân và nước thải vào bể lắng, từ đó máy bơm sẽ hút lên tưới cho hai trăm gốc bưởi vừa trồng. So với phân bắc, phân xanh thì phân lợn là loại phân mát mà bổ hơn hẳn, đem hút trực tiếp để bón thì chả mấy chốc cây tốt bời bời hoa trái trĩu trịt. Cái bể lắng lộ thiên này nằm sát với cánh đồng làng Bính, chiều rộng hai chục mét, chiều dài bốn chục mét, sâu gần bốn mét, bề mặt quánh đặc lại một lớp váng đen sì. Dân làng phàn nàn quá thì trên cũng cho đoàn kiểm tra xuống lập biên bản đôi lần, nhưng sau khi nộp đôi đồng tiền phạt cộng với phong bao phòng bì xong thì Tài Sẹo tính ra mình vẫn còn lời chán.

Tài Sẹo vừa dạo quanh vừa ngắm nghía, gật gù. Gây dựng nên cơ ngơi bề thế như thế này, cả huyện Đoài đã phải phục hắn sát đất. Bây giờ chỉ cần có được đứa con nữa là hắn toàn vẹn. Nghĩ đến việc ấy hắn thấy lòng bừng bừng phấn khởi. Sau khi chạy chữa khắp nơi, cách đây nửa năm vợ chồng hắn được giới thiệu đến một phòng khám tư nổi tiếng về vô sinh hiếm muộn, cuối cùng tháng trước may mắn Vân đã đậu thai. Hắn để Vân nằm lại để theo dõi bởi bác sĩ nói lần này gần như là cơ hội thành công duy nhất vì hắn bị chứng loãng tinh trùng, khả năng có con vô cùng thấp.

Chợt điện thoại của hắn đổ chuông, màn hình nhấp nháy hiện lên khuôn mặt bầu bĩnh của Vân. Hắn bấm máy, lòng đầy hồi hộp.
- Đã có kết quả khám lần thứ ba rồi anh ạ!
- Trai hay gái? - Giọng Tài Sẹo gần như lạc đi.
- Con trai - Vân bỗng nhiên nói nhỏ lại, thay vào đó là những thanh âm nức nở - anh ơi, sao lại khổ thế này, con mình mặt mũi tay chân đủ cả nhưng lại không có não. Bác sĩ khuyên phải bỏ mà thôi…     
               
Tài Sẹo chết điếng, chiếc điện thoại tuột khỏi tay rơi xuống vệ cỏ. Hắn lảo đảo bước đi, ruột gan tan nát. Nếu không có con thì công lao hắn bao nhiêu năm thức khuya dậy sớm, tay cân tay chạc, bán thiếu buôn gian từng lạng thịt cuối cùng cũng đổ sông đổ biển mà thôi. Ông trời ơi, sao ông ác thế, ông đã cho rồi sao lại còn nỡ lấy đi. Cuối cùng thì nghiệp chướng này từ đâu mà ra hỡi ông trời?

Bầu trời tối sầm lại trước mặt, Tài Sẹo loạng choạng bước trên gờ đất mấp mô, bất ngờ dẫm phải một cục đá, trượt chân lăn tòm xuống bể lắng phân. Hắn vùng vẫy cố ngoi lên bám vào vách thành bể nhưng bề mặt trơn trượt nên cứ chuội đi, phân lợn đặc nghều cuốn lấy người, tràn vào mắt, vào mồm sặc sụa. Càng giãy giụa thì càng đuối sức, cuối cùng Tài Sẹo bị nhấn chìm lút xuống dưới bể phân đen kịt. Hắn tuyệt vọng cố kêu cứu nhưng chỉ phát ra những tiếng ằng ặc như lợn bị chọc tiết. Khi những người công nhân trại lợn vớt được xác Tài Sẹo lên khỏi bể chứa vào xế chiều hôm đó thì tay chân hắn đã cứng đơ như gỗ, thi thể trương phình, bụng tròn căng vì đã nuốt phải không biết bao nhiêu là nước phân, khắp người từ đầu đến chân phủ một lớp váng đen sì nhầy nhớt. Mùi hôi thối tởm lợm bốc lên lộng óc.

Nhiều năm về sau, cánh đồ tể làng Bính vẫn kể rằng mỗi khi tờ mờ sáng họ đi mổ lợn về ngang qua khu mả chôn Tài Sẹo, vẫn thường ngửi thấy cái mùi thối khẳm đó cùng với tiếng kêu như lợn sặc nước vẳng lên từ trong lòng đất.

Vợ chồng lão Điệt thọ đến hơn chín mươi tuổi, hai ông bà đều ra đi cách nhau một vài ngày rất nhẹ nhàng. Vân vẫn sống ở làng Bính, mãn tang chồng vài năm thì cải giá. Sáng tiếp tục nối nghiệp cha và trở thành một đồ tể có tiếng trong vùng nhưng từ cái chết thê thảm của gã em rể, Sáng luôn tuân theo những nguyên tắc nghiêm khắc về nghề mà cha đã dạy: Dù làm bất cứ nghề nghiệp nào cũng không bao giờ được làm những điều bất nhân, bất nghĩa. Người ta gọi hắn là “chú Sáng bán thịt lợn” và cửa hàng của Sáng lúc nào cũng đông khách.
 
T.T.T.N
                                                                  
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)