Trong lòng thuyền lõng

Chủ Nhật, 16/12/2018 00:47

Giữa tháng ba âm lịch đang cữ rét Nàng Bân. Gió bấc hun hút, mặt sông lăn tăn sóng gợn. Bờ bên này là quốc lộ trải nhựa xám nhạt, ánh sáng từ mấy ngọn đèn đường yếu ớt và vài cửa hàng mở cửa chờ khách muộn. Đường phố tĩnh lặng, chỉ thỉnh thoảng mới có người qua lại với áo trùm kín đầu, tiếng dép lạt xạt mài vào mặt đường gấp gáp và đơn độc.

Một bóng người nhỏ thó nhón chân không tiếng động băng ngang đường lẩn nhanh vào bóng tối dưới hàng cây ở mé sông.

Không gian mơ hồ chỉ nghe tiếng lá xào xạc.

Cạch… cọc… cạch. Cạch… cọc… cạch… Tiếng gõ của hai vật thể rắn va vào nhau nhịp ba, làm nền cho một giọng rè rè đàn ông.

Sao em ở với ứ ư… anh… nhị… ì tình

Vì ai…là ai xúi giục… ấy mấy cho mình…tâm… chứ… nhị tâm…ừ ư

Cạch… cọc… cạch, cọc… cạch.

Như thể hiệu lệnh, đồng loạt các quán ven đường lạch xạch kéo cửa sắt, đóng chặt. Đèn đường phụt tắt, con đường và hàng cây tối om.

Lặng đi một tí rồi lại cạch cọc cạch, vẫn giọng rè rè loang cả mặt sông:

Vì ai… ai xúi giục… cho mình… tâm… nhị tâm…

Câu hát nhắc lại lần này nghe nức nở. Hình như người đó vừa hát vừa khóc bởi giọng rè rè đứt quãng để mất đi cái ừ ư ngân nga. “Tiên sư thằng khỉ đêm nào cũng đi rình mò… không xuống mà ngủ à!”. Cạch… cọc… cạch… Câu hát tự nhiên ngừng bặt thay vào đó là tiếng chửi như người ta đọc ráp.

Dưới sông, sát bờ kè là một con thuyền lõng xi măng với hai tấm liếp làm mui nhô lên thành khối đen sì hình tháp. Tiếng hát cùng tiếng gắt gỏng loang ra từ con thuyền ấy.

Ở một lùm cây tối đen, bóng người nhỏ thó lúc nãy vọt xuống thuyền lẫn vào khoảng liếp che tối om.

- Hôm này mày đi làm cho ai? - Giọng rè rè trong khoang hỏi.

- U…ơ… ứ ứ.

- Tiên nhân thằng khỉ vậy tối nhịn à? Còn cơm nguội đấy, lấy mà ăn.

- Ừ.

Tiếng vung nồi lạch cạch rồi bóng người nhỏ thó bê cái nồi nhỏ ra mũi thuyền. Trong ánh sáng nhập nhoà, người đó ngồi bệt, dùng cái muôi múc cơm đưa lên miệng.

Trong mui thuyền lại nổi lên tiếng cạch… cọc… cạch rồi vẫn tiếng hát rè rè lúc nãy. Lần này có thêm tiếng phụ hoạ của cái muôi gõ vào thành nồi nhôm ở mũi thuyền.

Vằng vặc… này… cái đêm hôm… ư… rằm

Nửa đêm… rồi ra về… sáng… ấy mấy giăng bằng… tre… chứ ngọn tre.

Tiếng hát tiếng gõ nhạt dần, y như người ta vặn nhỏ tiếng đài rồi im bặt. Lát sau, trong mui thuyền nhô ra một người. Ông ta chống tay vào mạn thuyền loạng choạng đứng lên. Người này chỉ có một chân, bên chân kia là ống quần được túm lại thành một cái đùm treo lủng lẳng. Vịn vào tấm liếp để giữ thăng bằng, ông ta cúi xuống lôi ra một cây nạng chống vào tay rồi hếch mắt nhìn trời và nói bâng quơ:

- Hôm nay không có giăng. Khéo mai mưa.

Người trên mũi thuyền áng chừng cũng đã ăn hết chỗ cơm nguội, hắn gập người thò tay xuống sông, chắc để rửa nồi vì thấy tiếng cái muôi miết vào đáy kim loại rin rít, tiếng nước xối ào ào.

- Đừng dội nước vào thuyền. Chiều nay tao phải tát mãi đấy. Sắp bục… Mấy chục năm còn gì.

Nghe thế, người nhỏ thó bước vào lòng thuyền đưa chân trần rà rà. Rồi hắn ngồi thụp xuống. Chút ánh sáng từ bên kia sông soi rõ khuôn mặt nhăn nhó như bị cái gì đâm vào chân.

“Mấy chục năm rồi còn gì”. Người cụt chân nhắc lại. Người kia ngẩn người sau cái nhăn mặt rồi nhảy phắt lên bờ khuất vào bóng tối.

*

* *

Hơn bốn mươi năm trước, cũng vào một đêm không trăng.

Bắt đầu từ buổi tối của một ngày bình thường, những mái nhà đen sẫm hằn lên bầu trời nhập nhoạng. Dưới những hình khối ấy lập loè những chấm đỏ đèn dầu, từ xa nhìn như thể đầu nén hương đang ngún lửa.

Bỗng keng keng keng… tiếng kim loại chát chúa gắt gỏng. Tiếng kẻng va vào những ngọn tre làm lũ chim thiu thiu ngủ bay loạn xạ. Tiếng kẻng dội xuống những cái hố phòng không ngập nước ven đường làm bọn chão chàng, ễnh ương ngừng bặt tiếng oặc oặc. Tiếng kẻng làm những chấm đỏ lay động và sáng dần lên thành ngọn lửa.

Tiếng kẻng hợp tác xã đánh thức cả cái xóm đang lơ mơ ngáp ngủ ồn ã hẳn lên. Lao xao từ những khoảng sân tối, tiếng người kháo nhau: “Họp cái gì đấy các ông các bà ơi? Nghe đâu họp để tìm thằng nào ngủ với con Xoan vợ anh Cánh. Úi giời! Vậy con Xoan chưa khai à? Chưa. Con này gan lắm, nhất định không khai. Tối nay nó sẽ phải khai ra thôi! Lì vậy thì họp đội chứ họp cả xã nó cũng chẳng khai đâu! Không khai mà được à. Hôm nay anh Cánh cũng từ tận trong B về đấy. Oai lắm nhá. Chuẩn uý một gạch không sao, đeo cả đùi chó đựng súng lục nhá. Phen này có đứa chết!”.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Từ sân nhà mình, thằng Quán tái mặt khi nghe thấy nhà bên người ta kháo nhau phen này có đứa chết. Nó nặng nề lê bước vào nhà. Mẹ nó giục: “Mày thắp đèn lên rồi dọn cơm ăn ù cho xong để u còn đi họp đội”. Đưa tay lên bàn thờ quờ quạng tìm được bao diêm, Quán lập cập quẹt lửa châm vào cái đèn hoa kì miệng làu bàu: “Họp… Họp làm cái…gì. U đừng…đừng đi!”.

Bà mẹ nghển cổ cố chờ nghe cho hết câu của thằng con mười lăm tuổi dở ngố dở ngọng, bà gắt: “Cha tiên nhân nhà mày. Không họp để mất quyền lợi à”.

Quán sợ mẹ nên không nói gì thêm, nó chùi tay vào quần đùi cho hết hơi dầu hoả rồi trải cái chiếu rách ra giữa nhà dọn cơm. Hai mẹ con bên ngọn đèn tù mù, một niêu nhỏ khoai độn nhiều hơn cơm, mấy ngọn rau lang luộc và một bát mắm cáy. Bà mẹ ăn vội vàng rồi đứng dậy. Trước khi ra cửa bà còn ngoái lại dặn:

- Ở nhà coi nhà. Ngủ thì đóng liếp cửa vào kẻo trộm nó khênh cả người đi nhá!

Quán dằn bát cơm dở xuống mâm gỗ, làu bàu:

- Có… đếch… gì mà… lo mất. Bảo đừng… đừng đi mà… mà u cứ đi.

Nhưng bà mẹ hình như không nghe thấy hay không thể chờ cho thằng con nói hết câu, Quán ngẩng lên thì mẹ nó đã khuất vào bóng tối.

Nó thở dài: Liệu chị Xoan có khai không nhỉ?

Ôi chao… đẹp! Quán cứng người khi nghĩ đến thân hình phụ nữ mây mẩy, ngồn ngộn trắng, cặp vú thây lẩy, cặp đùi phốp pháp… Từ hôm ấy đến giờ lúc nào trong đầu nó cũng thấp thoáng ám ảnh. Và nhớ mãi cái cảm giác lâng châng khi cả người nó đổ ập lên thân hình người đàn bà bỏng rẫy…

Quán nuốt nước bọt.

Rồi rùng mình. Nếu chị Xoan khai ra… người ta sẽ bắt nó đi tù. Người ta sẽ giết… Nghĩ đến cái chết Quán ớn lạnh, sờ tay lên người thấy gai ốc ram ráp, hình như những tất cả những cọng lông tơ đang dựng đứng.

Vụ gặt tháng mười năm ngoái… cách đây dăm tháng chứ mấy.

Tại lão đội trưởng. Sao mà ghét thế không biết! Việc làm như nhau nhưng điểm chia bao giờ Quán cũng chỉ bằng già nửa người nhớn. Dù nhỏ thì Quán cũng cắt mười hàng lúa như mọi người, cũng đội lúa như mọi người nhưng nó chỉ được tám điểm một công còn người nhớn được mười hai. Lão đội trưởng bảo vậy là công bằng, trẻ con sao bằng người nhớn. Ức lắm nhưng không làm gì được.

Nhà Quán có hai anh em, bố mất sớm, mẹ thì già, anh Quán giờ là bộ đội ở chiến trường. Quán năm năm vỡ lòng mà không lên được lớp một. Vậy là bỏ học trở thành lao động chính trong nhà đi làm lấy công điểm hợp tác xã. Không có điểm thì không có thóc. Mười ba tuổi nó đã phải cố cho bằng người lớn.

Vì vậy ngày nào nó cũng xung phong cùng thằng Cường đưa thuyền lõng chở lúa về. Công việc này chẳng ai chịu làm. Gặt xong, xếp lúa xuống thuyền là ai cũng vội vàng về nhà ngay để lo cơm nước con cái, cám bã lợn gà. Ruộng xa ba bốn cây số, thằng đẩy thuyền cong mình chống sào, thằng kéo dây nứt ngực kệ gai góc mảnh sành đâm toạc chân… để mỗi ngày có thêm bốn điểm. Ngày gặt xong sớm còn đỡ, ngày xong muộn thì phải chín mười giờ đêm mới về tới sân kho. Đói và mệt đến rũ người. Mà cũng phải thôi, nếu ngon ăn thì ai người ta để đến phần hai thằng trẻ con.

Nhưng hôm ấy thằng Cường bị ốm. Lão đội trưởng bảo: Hôm nay cái Xoan phụ với thằng Quán ngố đưa thuyền về nhá. Chị Xoan vui vẻ nhận lời ngay. Chị ấy là đoàn viên, là đối tượng bồi dưỡng kết nạp Đảng nên cũng có hướng phấn đấu. Vả lại chị ấy đang son rỗi, anh Cánh chồng chị đang ở chiến trường, bố mẹ chồng thì đã mất. Mình làm với ai mà chẳng được, Quán chả băn khoăn nghĩ ngợi gì.

Người chở lúa thì phải đón lúa từ người gặt để xếp lên thuyền lõng làm bằng xi măng lưới thép. Vì sức vóc chẳng nhớn nhao gì nên Quán phải vần từng bó lúa nặng xếp thành hai “cánh” đều nhau sao cho bông quay vào lòng thuyền, cuộng quay ra trùm mạn thuyền đúng một gang tay rồi chèn các bó lúa bên trong thật chặt để giữ cho khỏi “lở cánh”. Thuyền lúa khi xếp xong thì hai bên cánh như thể hai bức tường hơi thu về phía trên cân cốt vững chãi. Có như vậy thì mới cân thuyền dễ lái.

Mọi ngày có thằng Cường thì mỗi thằng xếp một bên cánh nhưng hôm nay Cường vắng nên Quán vất vả hơn. Nhìn chị Xoan áo đẫm mồ hôi, cánh lúa thụt thò như thể thợ vụng xây tường thì Quán lộn tiết. Đúng là đàn bà! Hắn hầm hè: “Làm… như… cứt. Để… để… đấy!” Xoan ngượng nghịu dừng tay nhìn nó cười. Nhìn chị cười khoe hai lúm đồng tiền trên khuôn mặt đỏ bừng, Quán lại càng điên: “Đồ rợ rẽo”.

Rồi lúa cũng được xếp xong, mảnh ruộng vừa gặt tịnh không còn bóng người nào. Cánh đồng vắng ngắt, dòng sông cũng vắng ngắt. Đã sang chiều muộn. Lác đác đã có tiếng dế rên rỉ gọi bạn… Nhìn thuyền lúa nặng kềnh càng, hai chị em lo lắng làm sao đưa về cho kịp trước khi trời tối.

- Kéo…kéo… dây hay… là là … lái? - Quán lấy cuộn dây buộc một đầu vào “cọc và” nơi mũi thuyền hất hàm hỏi.

Xoan cười:

- Để chị lái.

Quán ném đầu kia của cuộn dây vào bờ rồi nhảy lên theo. Chị Xoan lấy sào chống mũi thuyền ra xa bờ rồi leo lên đống lúa chạy xuống đằng lái cầm lấy tay chèo.

Con thuyền nặng nề quay mũi ra giữa sông. Quán thét: “Cạy!”

- Cạy là làm sao? - Xoan luống cuống hỏi, vô tình ấn tay chèo nhấc khỏi mặt nước.

Chiếc thuyền không lái lừng lững ra giữa sông. Tổ sư đứa nào nghĩ ra cái của khỉ thuyền lõng làm bằng xi măng này, vừa nặng vừa khó lái - Quán thầm nghĩ và ra sức ghì để đưa thuyền vào. Hắn rạp người xuống đất tay bíu vào gốc phi lao, tay kia níu dây… căng mình kéo. Sợi dây thuyền siết vào vai đau rát.

Dây thuyền thẳng căng như sắp đứt. Có lẽ phải bỏ ra chứ không nó kéo mình xuống sông.

Chợt Quát thấy sợi dây nhẹ bẫng. Ngẩng lên thấy một người đàn ông lực lưỡng đang nắm dây thuyền. Ông đội trưởng! May quá.

Quán cúi mặt ngồi thở. Đội trưởng nhìn nó rồi liếc sang chị Xoan: “Thôi thằng Quán về đi. Để tao với cái Xoan đưa thuyền lúa về”.

Quán lưỡng lự. Đội trưởng trấn an: “Hôm nay tao cho mày thêm tám điểm nữa, bù công vất vả xếp lúa. Về!”.

Sướng quá. Quán phi lên đường quốc lộ phóng về sân kho.

Ngồi ở sân kho đợi đến cả tiếng đồng hồ, Quán sốt ruột: ông đội trưởng để chị Xoan cầm lái thì toi, thuyền lại trôi ra giữa sông thì vài ngày cũng chả về đến nhà. Nó lại ngược ra đồng men theo con đường mòn dành cho người kéo dây thuyền.

Đến gần bãi tha ma thì thấy cái thuyền lù lù mé sông. Sao nó nằm ở đấy nhỉ? Quán dụi mắt nhìn… mà thuyền lúa giờ đầy hơn thì phải. Lúc nãy xếp có ba lượt cánh mà bây giờ thành bốn. Chả nhẽ ông đội trưởng với chị Xoan lại gặt lúa thêm.

Quán đến gần con thuyền nhìn quanh. Không có ai! Trời đã tối, trăng giữa tháng vằng vặc, tiếng dế giun râm ran vọng ra từ những nấm mộ um tùm cỏ.

Hay là hai người rơi xuống sông chết đuối?

Hít một hơi dài trấn tĩnh lại. Quán thận trọng trèo lên mũi thuyền… hình như có tiếng người thở.

Nhìn lên vẫn không thấy ai. Quán trèo lên đống lúa. Một bó ở lượt trên cùng lăn xuống mũi thuyền hiện ra cái hố trải vừa chiếc chiếu giữa đống lúa.

Trăng rót ánh sáng vào cái hố… một người đàn bà loã thể nằm duỗi dài, ánh trăng tưới đẫm thân hình làm làn da ngời lên rười rượi trắng. Người ấy đang nằm ngửa, hai cánh tay đưa lên che mặt phô cặp vú nhô cao phập phồng, mái tóc vắt ngang quyện vào những bông lúa… Giữa cặp đùi phốp pháp là một mảng tối rợp, một bàn tay đen sì đang sục sạo…

Đó là tay của một người đàn ông nằm khuất bức tường lúa nơi ánh trăng không soi tới. Quán cứng người… lúc thường, nó nói năng đã khó khăn thì bây giờ thành người cấm khẩu.

Người đàn ông vùng dậy, bàn tay ướt nhớp nháp của hắn vung lên túm lấy tay chú bé mười lăm tuổi lúc này đang buông thõng. Là đội trưởng! Lão nham nhở cười, cái răng bịt vàng trong mồm loé lên dưới trăng:

- Hế hế… Quán à… thích không? Làm tí!

Tay lão giật mạnh. Thằng Quán mất đà đổ ập xuống thân thể chị Xoan đang loã lồ.

Lão đội trưởng túm hai ống quần đùi của thằng bé kéo tụt xuống.

Người Quán lâng châng… lần đầu tiên nó chạm cơ thể đàn bà, gặp làn da mềm mại và nóng rẫy, mùi hăng hăng của tinh chất trong người đang ri rỉ, mùi nồng nồng mồ hôi… khiến nó cảm thấy hốt hoảng. Chống tay để cố đứng dậy thì bàn tay nó chộp đúng bầu vú đang cương cứng, mắt nó gặp ánh mắt thảng thốt của chị Xoan…

Khi đứng lên được Quán vội kéo quần và quay người chạy. Chạy đến lúc không thấy chiếc thuyền đâu nữa thì nó dừng lại thở, chợt nhận ra đùi mình dinh dính nước…

Chỉ vậy thôi mà bây giờ chị Xoan có chửa. Trong cái đầu nhập nhoạng của thằng ngố dở vừa chớm dậy thì cùng với ám ảnh bộ hạ mình ấp vào da thịt đàn bà tức là đã “nằm” với người ta, rõ ràng Quán thấy mình là tội đồ gây ra cái bụng to cho chị Xoan!

Nhưng giờ ngồi nghĩ lại thì Quán hơi yên tâm vì không phải chỉ mình nó. Nhưng nhỡ chị Xoan khai ra chỉ một mình nó… Nghĩ đến đây Quán nghe trống ngực đập thùm thụp vì lo lắng.

Vậy mình phải đến chỗ họp đội xem thế nào.

Quán khoanh tay trước ngực rón rén men theo con đường đất ngập cỏ, tránh những hố tăng xê bỏ hoang để không ai nhìn thấy. Đội sản xuất họp ở nhà bà Nhương giữa xóm nên chỉ mấy phút sau Quán đã đến nơi. Từ xa nó cảm thấy sự việc có vẻ rất nghiêm trọng vì chỉ nghe giọng một người gay gắt còn lại tất cả im phăng phắc. Mọi người đang tập trung chú ý vào người nói, Quán nhẹ nhàng chui hàng rào rồi nhanh lẻn ra phía sau nhà ghé mắt qua khe cửa sổ nhòm vào…

Dưới ánh đèn măng sông sáng đến chói mắt, Quán thấy anh Cánh quân phục chỉnh tề đang đứng trước bàn. Khuôn mặt anh tái xám, mắt vằn lên tức giận… Lố nhố người ngồi bệt xung quanh, hình như họ cũng đang nín thở như Quán.

- Chúng tôi là những người lính đi đánh nhau để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giống nòi, bảo vệ cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Tôi đã nguyện “chết xanh cỏ, sống đỏ ngực” vì Tổ quốc vì tôi tin tưởng hậu phương vững mạnh. Thế mà có thằng phá hoại hạnh phúc của gia đình tôi, nó ngủ với vợ tôi - tức là cô Xoan. Chúng nó khốn nạn đánh lừa chúng tôi ra mặt trận rồi ở nhà “hủ hoá” với nhau…

Quán run người như sốt rét, trán nó đẫm mồ hôi. Quả là tội mình to thật: tội “hủ hoá” chứ đâu phải thường… Mọi ngày khi đi làm nó thấy người ta kháo nhau tội “hủ hoá” còn hơn cả tội ăn cắp, ngang với tội làm phản động tay sai cho thực dân phong kiến đế quốc sài lang…

- Tôi sẽ tìm cho ra thằng đó, tôi sẽ cho một phát! Chỉ một phát cho nó tan mặt… Chỉ một phát! Anh Cánh rút khẩu súng ngắn từ cái bao da đeo bên hông dằn lên mặt bàn đánh rầm. Khẩu súng xoay xoay trên mặt bàn, màu nước thép loé lên dưới ánh đèn… Mũi súng quay ngang chĩa vào cửa sổ nơi Quán đang nấp.

“Chỉ một phát!”. Cái họng súng đen ngòm… Quán thấy viên đạn từ họng súng ấy đang phóng ra lao thẳng vào đầu. Nó ngã vật xuống đất.

Sáng sớm hôm sau cả làng tá hoả khi bà Nhương tri hô: “Thằng Quán ngố bị phải gió chết ở vườn nhà tôi”. Mọi người đổ xô đến thấy Quán mắt trợn ngược nằm co quắp bất động, người tái nhợt quần sũng nước giải. Ghé tai vào mũi hắn thấy hơi thở thoi thóp, người ta vội hô nhau khiêng đi trạm xá. Bà mẹ rã rượi chân thấp chân cao vừa chạy theo vừa khóc: “Thằng anh bộ đội chả biết sống chết thế nào, thằng ngố có làm sao thì tôi cũng chết đây…”.

Quán không chết. Hai hôm sau nó từ trạm xá về nhà nhưng từ đấy hắn không nói được tiếng người…. Người ta gọi nó là Quán câm.

*

* *

Người nhỏ thó chính là Quán câm. Người cụt chân trên thuyền là Cánh - chồng Xoan ngày xưa, giờ dân làng gọi là Cánh cụt. Cánh cụt ngẩn người miệng lẩm bẩm: “Thằng khỉ… giấc này còn rình mò ở đâu”.

Lát sau thì Quán câm như có phép tàng hình, từ trong bóng tối nhảy lên thuyền. Con thuyền chao nghiêng, Cánh cụt vẫn không ngẩng lên. Một tay Quán xách can rượu, tay kia lủng lẳng một dúm nilon. Quán vào trong khoang khua bát đĩa lách cách rồi nhô ra đến vỗ vỗ vai Cánh cụt. Hắn bụm tay vào đưa lên mồm, Cánh cụt cười: “Lại rượu à. Thì rượu!”.

Cánh cụt vào khoang thả người duỗi chân xuống sàn thuyền, vơ cái ống quần bên chân cụt chèn xuống ngang đùi làm thành cái đệm cho cái cẳng chân bị cắt tròn tròn.

- Hôm nay sang thế, có rượu thịt. Mày ăn cắp ở đâu?

Quán lắc đầu ra điều chẳng ăn cắp ở đâu cả. Rồi hắn ngồi xuống móc từ túi quần một nắm to tiền giấy hai nghìn, năm nghìn, mười nghìn… tay đưa lên như người ta cầm cái ống nứa dọc, mấy ngón tay khua khoắng, miệng ò e ò e.

- À tao hiểu rồi. Tiền nhặt ở đám ma. Thằng này tích cóp gớm nhỉ. Dễ đến gần triệu…

Quán gật, rồi nâng chén chạm.

- Uống đi… mà uống cho say đến chết nhá. Tao gần bảy chục, mày cũng năm mấy rồi. Hai thằng, một cụt một câm trên cái lõng xi măng, ăn trên thuyền ỉa xuống sông. Vậy mà gần hai chục năm…

Quán gật gù. Đúng vậy. Sau cái vụ đưa súng ra doạ cũng chẳng thể tìm ra kẻ hủ hoá với vợ mình thì hôm sau Cánh lại vào chiến trường. Ngày thống nhất Cánh về với cái chân cụt và tá túc tạm nhà bà con chứ dứt khoát không về nhà, không thèm nhìn mặt vợ… “Tôi mà lại thèm cái con đàn bà thối thây phản phúc ấy à”. Rồi Cánh ra cắm đất ở mé đường làm cái lều nhỏ bán bún chân giò. Ấy vậy mà đông khách vì lão làm ngon, bán lại rẻ… Mọi người kháo nhau đi ăn “bún chân lão Cánh”. Nhìn lão Cánh một tay nạng một tay bê bún, Quán xót xa tự nguyện phụ giúp… rồi đến ở cùng. Hai thằng đàn ông trong túp lều sặc hơi than với cột kèo bóng nhờn mỡ…

- Giở gió rồi, nước đang lên đấy - Cánh nói khi nghe miếng nilon rách che sau mui thuyền giãy lên đập phành phạch vào tấm liếp. Mẹ nó… giá nó đừng đến cướp.

Đấy là lão nói về cái ngày đi tù. Vì xóm trở thành thị trấn thì chỗ túp lều quán bún “chân lão Cánh” trở thành đất vàng. Người ta bắt phải dỡ quán để lấy đất cấp cho con ông phó chủ tịch huyện. Lí do Cánh cụt đã có nhà riêng. Nhưng Cánh cụt không chịu: Dỡ quán thì về đâu? Chính quyền huy động người cưỡng chế. Mấy tay trẻ măng hùng hổ xông vào quán ném hết bát đĩa dao thớt… hè nhau bê xoong “nước dùng” mấy chục lít đang sôi trên bếp than rực đỏ… Cánh Cụt nổi giận, cầm cái nạng ghì vào miệng xoong giữ lại… Chỉ đứng bằng một chân nên Cánh mất đà loạng choạng buông tay, cái xoong chao nghiêng, nước dùng sôi sùng sục nổi váng mỡ dội vào chân hai tên làm trút hết da thịt như giò heo ninh dở. Vậy là Cánh đi tù với tội chống người thi hành công vụ.

Ngày ra tù Cánh cụt không về nhà mà đến cái gốc cây gạo trải áo mưa nằm ngủ, lúc thức thì ngồi bất động nhìn sang căn nhà ba tầng của con lão phó chủ tịch như muốn đốt cháy nó ngay lập tức. Nắng cũng ngồi, mưa cũng ngồi. Quán thấy vậy xót xa. Hắn hì hục tát nước ở cái thuyền lõng ngày xưa giờ bỏ chìm chỗ con mương cạn. Hợp tác xã đã giải tán, chả ai thèm chuyên chở bằng cái quái thai thuyền lõng xi măng. Quán đưa cái của nợ đến gốc cây buộc vào vài mảnh liếp quán cũ. Hai người đàn ông biến chiếc thuyền lõng thành nhà từ ngày ấy. Chính quyền đến đuổi thì Quán dong thuyền ra giữa sông. Cán bộ rút thì lại buộc “nhà” vào chỗ cũ. Người ta phát chán với kiểu cù nhầy đó, vả lại ngẫm ra sông thì phải có thuyền mà cái thuyền nó cũng chả hại gì đến ai. Vậy là kệ.

Cánh nghiêng can rót rượu. Lại uống. Cả hai im lặng. Tiếng phành phạch chợt ngừng và trời rào rào đổ mưa… Mái liếp dột tứ tung, nước chảy tong tong. Cánh lê người tránh dột còn Quán vẫn ngồi im kệ cho nước rỏ vào vai, hắn đã quen với mưa nắng thất thường.

Cánh lại lên tiếng: “Sao mày không vào Nam ở với anh mày. Ở đây làm đếch gì. Khổ bỏ cha… có tuổi rồi đấy. Già rồi đấy”.

Quán gườm mặt nhìn Cánh: “Vô tâm! Lão còn già hơn tôi chứ. Tôi mà đi thì lão chết rũ xương… lúc ốm đau dựa vào ai”.

Mẹ Quán mất khi còn đánh nhau. Hết chiến tranh thì anh hắn lấy vợ sinh con và định cư ở trong Nam. Ông anh về bán đất bán nhà rồi bắt Quán vào đấy ở cùng. Quán lì ra không chịu đi. Không còn nhà thì hắn đến ở quán “bún chân giò lão Cánh”. Cánh đi tù, lều bị phá thì Quán vạ vật nhà này nhà khác. Khi Cánh cụt ra tù thì cả hai cùng tá túc ở cái nhà nổi này.

- Mẹ nó! - Cánh bật lên câu chửi - Thằng đi đánh nhau tợt mặt sống chết không biết thế nào, thằng ở nhà hưởng hết… Giờ cũng vẫn hưởng, còn thằng bỏ xương bỏ máu thì khốn nạn đủ đường.

Quán rót đầy vào chén Cánh. Cánh làm một hơi rồi nghiêng đầu, mặt đăm đăm:

- Mày biết không. Tao hận con Xoan một thì căm cái thằng kia mười. Hôm sau tao đi luôn và thề rằng không bao giờ trở về cái nhà cũ nữa… Để nhà đấy cho mẹ con nhà nó.

Quán gật đầu.

- Vì tao nghĩ nó chửa thì phải đẻ… nhưng đứa con lại không phải con tao. Làm sao tao có thể về ở đấy khi cái bằng chứng phản bội lại sờ sờ trước mắt…

Nhưng mà Xoan đẻ non, đứa bé đã mất ngay sau đấy.

- Vẫn biết là con nó chết. Nhưng mày thấy nó có đẹp không?

Quán ngẩn mặt. Trong đầu hắn lại hiện lên những đường cong ngọc ngà, khuôn ngực cao, cặp đùi phốp pháp, làn da rời rợi tắm trăng. Chao ôi. Mấy chục năm nay trong đầu Quán luôn ám ảnh. Mấy năm sau cái ngày bị “phải gió”… thì Quán đã trở thành thanh niên, hắn nhẹ lòng khi biết mình không là thủ phạm nhưng lại khát khao được chiếm hữu cái cơ thể ma mị hừng hực sức xuân kia. Từ bấy đến giờ chả mấy đêm mà hắn không lén lút như thằng ăn trộm ghé qua nhà Xoan, rúc bụi nhìn qua kẽ liếp để ngắm trộm người đàn bà cô đơn, kể cả lúc đang tắm.

Quán gật đầu.

- Nó đẹp thì nhiều thằng nhòm. Mày không biết đâu. Đàn bà khi đã ngoại tình một lần thì chắc chắn sẽ có lần hai lần ba. Vậy tao sẽ chả là gì trong mắt nó. Đúng không. Nhục lắm. Mày thử tưởng tượng những cái trên người nó đáng lẽ là của tao nhưng bị thằng khác nó vần vò, bị thằng khác nó đâm chọc… Khi ngủ với tao nó sẽ nhắm mắt tưởng tượng đến những thằng ấy vì tao chỉ là thằng cụt. À mà tao nói mày cũng đếch hiểu. Không nói nữa. Càng nói càng điên!

Thì ra đàn ông ai cũng vậy. Quán chợt nhớ đến bàn tay lão đội trưởng sục sạo trong Xoan, lúc ấy chị ta nhắm nghiền mắt... Và người Quán giờ cũng nóng ran muốn điên lên vì ghen với lão đội trưởng khốn nạn. Sau khi đứa con bị chết khoảng vài tháng, vào một đêm không trăng lão lại mò đến gõ cửa nhà Xoan, mồm thì thào “Xoan ơi”. Chưa nghe thấy Xoan trả lời lão đã bị một cục gạch tương thẳng vào lưng. Lão ngã ngồi vặn người đau đớn nhưng không dám kêu rồi chuồn thẳng. Những lần sau cũng vậy… cứ mỗi lần gõ cửa nhà Xoan là lại nhận một cục gạch. Dù không biết là ai ném nhưng lão sợ mất vía và cạch hẳn không bao giờ dám bén mảng đến nữa.

Người ném gạch chính là Quán. Đêm nào cũng vậy, hắn nấp sau bờ rào để nhìn trộm Xoan và tấn công những kẻ đến tán tỉnh người đàn bà, Quán đã nhiều năm âm thầm tôn thờ và làm hàng rào bảo vệ Xoan nhưng không lộ mặt. Bởi vì Quán biết thân phận mình, dù có muốn cũng chẳng thể bày tỏ và dù có khỏi câm hắn cũng chẳng được chấp nhận. Quán chỉ dám âm thầm khát khao và tự thoả mãn bằng tưởng tượng.

Quán thở dài. Đã có những lúc Quán ghét cay ghét đắng lão Cánh cụt. Ghét nhất là lúc lão trầm ngâm nhìn về cuối xóm, nơi có ngôi nhà Xoan đang ở, hay những đêm quờ tay sang thấy đũng quần lão cộm cứng. Quán biết lúc ấy Cánh đang nhớ Xoan và nguy cơ lão sẽ về đoàn tụ với vợ hiển hiện. Đôi khi, Quán bòn vét trong túi đến đồng làm thuê cuối cùng… rồi xách rượu thịt về đối ẩm. Và lần nào cũng vậy, hai ba ngày sau thì Cánh cụt mới lờ đờ mở mắt ngóc đầu lên nhìn cái mái liếp dột tứ tung...

Rồi Quán lại sợ lão Cánh bỏ Xoan. Nếu lão Cánh bỏ Xoan thì Quán cũng sẽ liều. Nhưng chắc Xoan không đời nào chấp nhận một thằng câm như hắn. Lúc ấy Xoan sẽ đi lấy chồng. Không được! Đối với Quán, thế giới đàn bà duy nhất chỉ một người, đó là Xoan.

Và Quán mừng thấy Xoan đã tự trừng phạt mình bằng việc ngày ngày lầm lũi như chiếc bóng, đêm về lại ngồi trước bàn thờ Phật lần tràng hạt lẩm nhẩm tụng kinh.

Quán nói điều ấy với lão Cánh bằng cách đưa một tay lên ngực, một tay cầm cái đũa gõ vào sạp thuyền rồi nhắm nghiền mắt.

Cánh liếc nhìn rồi ngửa cổ dốc ực chén rượu. Giọng lão nhừa nhựa:

- Biết rồi. Mày đã bao nhiêu lần nói với tao là con Xoan nó tu. Tu… tu… à. Mà tao cũng… cũng tu. Mày cũng…tu. Biết không hở thằng câm?

Thằng câm nhướng mắt nhìn rồi ghé cái can rót đầy chén ấn vào tay lão. Cánh cầm chén uống như người khát uống nước. Phải đến dăm lần như vậy… Rồi lão ngửa cổ khà một cái, tay với cái nạng gõ vào thành xi măng, miệng mếu máo:

Đứa đi…ì tù… đứa thì… tu… Ì i… Tù tu vì đâu nên…nỗi…tù mù cái…kiếp… cái duyên. Cũng bởi… cái con… thuyền…

Quán cúi mặt nghe câu hát lạ, tự nhiên hắn đầm đìa nước mắt. Hắn ngẩng lên nhìn lão Cánh cũng đang nước mắt giàn giụa, méo xệch mồm lảm nhảm tù… tu. Rồi như bừng tỉnh, Quán đưa tay gạt nước mắt, mặt đanh lại. Hắn lại nghiêng can rót rượu.

“Đứa tù… đứa tu… Vì đ..âu…”. Lão Cánh gục xuống, cái chân lành dụi dụi vào chân cụt, cái ống quần không chân bung ra thõng thượt trên sàn thuyền lõng.

Quán nhìn lão Cánh rồi nhìn bóng mình trên vách liếp. Trút một hơi thở dài, hắn nhỏm dậy bước ra ngoài nhảy lên bờ băng qua đường chạy vào xóm. Một lúc sau hắn lộc cộc kéo cái xe cải tiến đến sát mé sông và nhảy xuống khoang thuyền bế thốc cái thân hình sóng sượt của lão Cánh bỏ lên xe. Rồi Quán nhảy xuống thuyền lần nữa. Lần này hắn lôi ra cái nạng gỗ và đi về phía giữa thuyền. Quán đưa tay rờ rờ lòng thuyền tìm chỗ nứt rồi đứng thẳng dậy hai tay giơ cái nạng lên cao, bằng hết sức giáng xuống. Bụp. Đầu nạng gỗ xuyên thủng màng xi măng lâu ngày bở mục. Nước ùng ục tràn vào. Quán cầm cái nạng nhảy lên bờ lập cập cởi dây neo đẩy con thuyền đi.

Chiếc thuyền lõng từ từ trôi ra giữa sông, dật dờ theo dòng nước như thể thuyền ma. Nước lên đẩy nó lừ lừ trôi vào bóng tối và chìm xuống để lại dòng sông cuồn cuộn sóng nhập nhòa xanh đỏ như thể nồi thuốc nhuộm đang sôi.

*

* *

Lão Cánh mở mắt. Những tia nắng sớm chiếu vào chỗ nằm. Không phải là mái liếp toang hoang đã quen thuộc mà là mái nhà cao bổng. Mình đang ở đâu thế này? Lão hốt hoảng vùng dậy. Một cánh tay ấm áp ghì lão xuống. Khuôn mặt đàn bà nửa quen nửa lạ cận kề. Dù đầu đang đau như búa bổ lão vẫn nhận ra đó là Xoan. Thời gian khắc hằn lên mặt những vết nhăn và đang đầm đìa nước mắt nhưng lão vẫn nhận ra những nét thân thương của ngày xưa. Đây là ngôi nhà của mình… Nhà mình! Ôi chao… căn nhà lão đã buông bỏ gần hết một đời.

Ngoài sân có tiếng gà mái lục cục, lũ con liếp chiếp đáp lại. Mấy chục năm nay lão mới được nghe lại tiếng gà mẹ gọi con… Lão rưng rưng nắm tay vợ. Như chỉ đợi có vậy, Xoan oà lên nức nở: “Tại tôi… tại tôi… mà mình khổ”.

Trong khi ấy Quán câm đang ngồi trên xe Bắc Nam xuôi Sài gòn. Hắn cúi người ghì cằm vào thành ghế, môi mím lại đang cố nuốt những giọt nước mắt sắp trào ra…

Trại viết Tuyên Quang, tháng 10/2018

M.T.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)