Câu chuyện các bạn sẽ đọc dưới đây không chỉ là về tình bạn, tình yêu, mà là về sự lựa chọn của mỗi con người trong những tình huống đặc biệt của cuộc đời. Đó là sự lựa chọn giữa tình yêu, tình nghĩa bạn bè và trách nhiệm. Đôi khi cuộc đời không cho chúng ta cơ hội để làm trọn vẹn mọi thứ, kể cả những điều mà ta tôn thờ, bỗng trong một lúc những điều đó tạo nên xung đột lợi ích. Và ta phải lựa chọn?
Nhân vật trong câu chuyện của chúng ta đã lựa chọn và dĩ nhiên đã chấp nhận trả giá cho sự lựa chọn ấy. Họ có lựa chọn đúng hay không xin bạn đọc hãy cùng phán xét.
Khi viết truyện ngắn Bạn đò dọc, dĩ nhiên tôi cũng đã có sự lựa chọn của mình, nhưng thú thực tôi chưa bao giờ yên tâm về lựa chọn ấy. Chính vì thế truyện ngắn này đã “đi theo” tôi cả cuộc đời, trở thành “bạn đò dọc” trong cuộc đời sáng tác và cả trong cuộc sống của tôi. Sau này, trong các cuốn tiểu thuyết mà tôi viết, bạn đọc cũng sẽ gặp lại sự lựa chọn ấy. Tôi cũng không dám chắc rằng những lựa chọn của các nhân vật là hoàn toàn đúng... Vì thế nên khi những tác phẩm đó ra đời tôi không bao giờ coi là sự hoàn hảo cả về nghệ thuật và tư tưởng.
Nhà văn là người luôn khát khao đi tìm sự tri âm, tri kỉ, đi tìm “bạn đò dọc” cho cuộc đời lao động nghệ thuật của mình. Đó là một loại lao động rất thơ mộng nhưng cũng “sóng to gió cả khôn chừng“. Vì vậy, nếu có ai chịu xuống đò dọc với bạn thì đó là một điều hạnh phúc thật lớn lao…
Nhà văn KHUẤT QUANG THỤY
Sóng to nước cả khôn chừng
Đã xuống đò dọc xin đừng run tay
(Hò chèo đò)
I.
Đại tá Lê Chi rời chỉ huy sở vào lúc ba giờ sáng. Cuộc diễn tập đã kết thúc thắng lợi, tuy vậy sóng gió vẫn nổi lên trong buổi tổng kết rút kinh nghiệm suốt ngày hôm qua và kéo dài lê thê tới tận lúc này. Gian nan vất vả thật, nhưng cái gì cần khẳng định đã được khẳng định. Do vậy lòng ông trở nên nhẹ nhõm, thư thái, mặc dầu đã ba đêm mất ngủ. Và có lẽ cả đêm nay nữa, ông không hi vọng gì có thể chợp mắt được sau một cuộc họp sôi động như vậy. Đã lâu, ông đã mất thói quen có thể ngủ bất kì lúc nào, kể cả những phút giải lao hiếm hoi giữa các cuộc họp căng thẳng. Phải chăng, đó cũng là một dấu hiệu của tuổi già? Gánh nặng của công việc đôi lúc như muốn đè bẹp cái tuổi đã ngót nghét sáu mươi của ông. Có lẽ, đã đến lúc ông cần phải nghỉ ngơi rồi. Nếu không có thằng giặc này thì vấn đề đó khỏi phải bàn cãi. Ấy thế mà lên vùng biên ải này được hơn một năm, mỗi khi về Hà Nội, gặp lại bạn bè, họ lại khen ông hồi này trẻ ra. Có lẽ sức khoẻ của ông cũng được nâng lên đôi chút nhờ leo núi và rượu tắc kè ngâm với vị thuốc đặc sản của vùng cực bắc Tổ quốc. Dù sao, đó cũng chỉ là sự “phồn vinh giả tạo”. Tuổi già vẫn cứ là tuổi già. Ông không cố tình che giấu điều đó cũng như không cố tình biện bạch cho những tật xấu do tuổi già của mình gây nên.
Về tới phòng của mình ông khẽ đẩy cửa để cậu công vụ khỏi thức giấc. Đó cũng là thói quen cẩn trọng của người già chứ với cái tuổi mười bảy, mười tám thì dầu súng nổ bên cạnh thằng bé vẫn cứ ngủ say như đá. Ông cởi vội quần áo ngoài rồi lại khẽ khàng trở ra sân đi vài đường quyền cho thư giãn gân cốt rồi mới trở vào nhà để ngả lưng. Trước khi chui vào màn, ông khẽ liếc nhìn mấy tập công văn thư từ xếp trên bàn. Có lẽ lại có vài ba cuộc họp đang chờ ông trong tuần tới. Nghĩ mà phát ớn. Để có thể ngủ được một chút, ông đã quyết định không ngó ngàng gì tới cái đống công văn thư từ ấy. Nhưng đến khi bước lại bàn định tắt đèn, mắt ông chợt dừng lại trước một chiếc phong bì mà có lẽ cậu công vụ đã cố ý xếp trên cùng. Một bức điện khẩn, có chuyện gì thế này, ông vội vàng xé chiếc phong bì. Bức điện chỉ vẻn vẹn có một dòng “Bố cháu sắp chết, cần gặp bác”. Kí tên Thủy. Đọc xong bức điện ông bần thần cả tâm can. Như không tin ở mắt mình, ông đọc lại một lần nữa. Không thể nhầm lẫn được. Bức điện do cháu Thủy nó đánh đây mà. Chẳng lẽ… ông Tấn, bạn cố tri của ông giờ này đang trong cơn hấp hối hoặc giả đã có thể…? Chưa bao giờ ông nghĩ tới tình huống này. Cái tình huống thực ra chẳng có gì bất ngờ khi người ta đã ngoài sáu mươi tuổi. Xưa nay, không khi nào ông Tấn vì bất kì một việc gì mà lại yêu cầu đến sự có mặt gấp gáp của bạn mình, kể cả những khi hoạn nạn, gieo neo nhất. Nhưng vào lúc gần kề cái chết rất có thể bạn ông cần tới sự có mặt của ông. Nghĩ tới đó lòng ông Chi bỗng nhói đau. Ông thoáng nghĩ tới cảnh người bạn thủy chung trọn đời của mình giờ này đang quằn quại trên giường bệnh, gắng gượng đấu tranh với cái chết để chờ được nhìn mặt ông, siết chặt bàn tay nhau lần cuối rồi thanh thản ra đi. Lẽ nào ông lại từ chối yêu cầu rất đỗi thiêng liêng ấy?
Nhưng còn công việc, công việc. Đại tá Lê Chi lập cập mặc quần áo. Ông quyết định thanh toán đống công văn giấy tờ kia trước khi trời sáng. Ông quyết tìm cho ra một kẽ hở thời gian để về với bạn mình. Chưa bao giờ ông hồi hộp, lo lắng đến thế. Cái đống giấy giờ kia đang chứa đựng những sự kiện gì? Liệu chúng có bịt chặt mọi kẽ hở thời gian khiến cho ông không thể tranh thủ về với người bạn già sắp ra đi của ông không?
Công văn của Sở Lâm nghiệp mời họp liên tịch vào ngày… Hừm! Không sao, Tư lệnh phó Lập có thể đi thay mình được.
Báo cáo của sư đoàn X… về việc tổng kết rút kinh nghiệm đợt diễn tập thực binh… Cái này chuyển qua cơ quan tham mưu để họ nghiên cứu tham khảo khi viết báo cáo chung gửi về Bộ.
Đơn khiếu nại của đại úy Nguyễn Văn Xưa về quyết định thi hành kỉ luật do để xảy ra tai nạn chết người khi cho bộ đội đi khai thác gỗ vô tổ chức… A! tay này còn định kêu oan nữa hở? Chết con người ta vì mấy cái giường còn định kêu ca gì nữa. Ông viết ngay vào cuối lá đơn một dòng chữ dứt khoát “Y lệnh! Chuyển quân pháp. Không chấp nhận đơn xin giảm án”.
Giấy mời đi dự liên hoan tổng kết của lâm trường X… Chuyển cục chính trị cử đại biểu đi dự.
Điện triệu tập về họp tại Bộ Tổng Tham mưu vào ngày… A! Để xem nào? Ba ngày nữa mới bắt đầu cái cuộc họp này. Ngày nay thu xếp công việc. Ngày mai… nếu không có tình huống gì đột xuất thì có thể… Nhưng để xem còn công việc gì nữa không nào.
Ông Chi tiếp tục công việc một cách hối hả khác thường, ông hồi hộp lo lắng thực sự khi săn tìm một “kẽ hở” thời gian để có thể được sống trọn vẹn cho mình, cho người bạn cố tri của mình một vài giờ đồng hồ. Ông hiểu một cách thấm thía rằng, khi người ta đã có một vị trí, một vai trò nào đó thì cái phần thời gian để sống cho riêng mình, cho những người thân của mình thật ít ỏi.
Cuối cùng thì cái đống giấy tờ đáng sợ ấy cũng đọc xong, kí xong, phê chuẩn, yêu cầu xong, ông Chi khẽ thở dài nhẹ nhõm. Không có việc gì đột xuất có thể giữ ông ở lại đơn vị vào ngày mai. Nhưng còn từ bây giờ đến ngày mai. Trong một ngày, ở vùng giáp giới với kẻ thù này, có thể xảy ra bất kì điều gì!
Anh Tấn ơi! Anh hãy gắng đợi tôi. Tôi sẽ về với anh, dù chỉ là một giờ để kịp nắm lấy bàn tay gầy guộc của anh và nói rằng: “Thằng bạn cố tri! Thằng bạn đò dọc của anh đã về đây rồi. Anh có thể vui lòng mà yên nghỉ đời đời”.
II.
Cái xóm nhỏ nơi ngã ba sông đó có một cái tên thật lam lũ - xóm Rều.
Hai năm về trước ông Chi cũng có dịp ghé thăm ông bạn của mình được một vài ngày. Hai người đã đưa nhau ra bờ sông nhìn những xoáy nước cuồn cuộn, những cây gỗ còn nguyên lá cành, những mảnh bè nứa vùn vụt trôi xuôi. Từ hai bờ sông, hàng chục chiếc thuyền nan đã trực sẵn. Khi phát hiện ra một súc gỗ quý đang nhấp nhô giữa những xoáy nước, những chiếc thuyền ấy liền lao vụt ra. Trên thuyền những cậu thanh niên khỏe mạnh, mình trần trùng trục, da đỏ au như phù sa, ướt rượt từ đầu tới chân vừa chèo vừa hò hét vang cả mặt sông. Một cuộc vật lộn, giành giật giữa con người và dòng sông đang diễn ra quyết liệt. Họ tung ra những sợi dây song có thắt thòng lọng ở đầu, lừa miếng tròng cái thòng lọng ấy vào những khúc gỗ đang lao vùn vụt. Dòng sông giận run lên, rú gầm dữ dội. Những xoáy nước réo ào ào, cuốn chặt lấy những súc gỗ kéo trở lại. Nhiều khi những sợi dây song đứt tung, những chàng trai trẻ trên thuyền lỡ trớn lăn tòm xuống dòng sông cuộn chảy. Nhưng, lập tức những sợi dây song khác lại quăng tới. Cuộc giành giật mỗi lúc một thêm quyết liệt. Đã có những con thuyền lật úp, những tiếng kêu thất thanh. Những người từ trên bờ lao vụt xuống dòng sông để chi viện cho bạn… Đứng nhìn cuộc vật lộn hào hùng giữa con người và thiên nhiên ấy ông Chi bỗng thấy lòng mình rưng rưng, ông chợt nhớ tới một cuộc săn voi ở vùng rừng núi Tây Nguyên mà ông đã may mắn được chứng kiến trong những năm đánh Mĩ ở chiến trường này.
Cuối cùng, con người bao giờ cũng giành được phần thắng. Phải, đúng thế! Không có bất cứ thứ gì do tạo hóa sinh ra lại mạnh hơn con người.
Bất giác, ông đưa mắt nhìn sang người bạn già của mình và bắt gặp ánh mắt bừng lên trên gương mặt. Trong ánh mắt ấy như tụ về cả mọi sinh lực, khát vọng, một thời trai trẻ của anh Hai Tấn, một trai đò cường tráng, can đảm và có một tâm hồn thật hào sảng, phóng túng. Ngoài ra còn phải kể tới giọng hát tuyệt vời của anh nữa.
*
* *
Ngày ấy, anh Hai Tấn của tôi khác nào trai đò Trương Chi trong truyện cổ, nhưng chàng Trương Chi còn thua anh cái vẻ bên ngoài. Anh hát hay mà lại đẹp trai nữa. Nhưng cũng giống như chàng Trương Chi, anh thật nghèo. Bố mẹ mất sớm, gia tài để lại cho anh chỉ có một con thuyền cu nát, nhưng với anh như thế là quá đủ. Bởi vì ngoài con thuyền, anh còn cả mây trời sông nước của tuổi trẻ căng tràn nhựa sống và giọng hát tuyệt vời. Cùng với con thuyền, anh lênh đênh nay đây mai đó, thỉnh thoảng mới ghé về bến quê. Vào những dịp ấy, bao giờ anh cũng thấy một cậu bé, kém anh chừng dăm tuổi luôn trực sẵn để đón chờ anh, thuyền anh vừa ghé bến là cậu bé ấy lập tức mỉm cười, vừa rối rít chào anh vừa nhảy lên thuyền. Cậu bé ấy là tôi. Biết rằng vẫn còn một người đợi chờ mình ở bến sông quê, dù người ấy chỉ là một cậu con trai, lòng anh hẳn cũng bớt trống vắng. Rồi chúng tôi trở nên thân nhau và những dịp con thuyền của anh trở về bến quê thật là những ngày hội hè với tôi. Tôi được anh cho lên thuyền rồi hai anh em bơi đi một nơi nào đó, neo thuyền lại, anh bắt đầu lôi từ dưới mui thuyền lên những gì mà anh đã dành dụm được trong chuyến đi, rồi chúng tôi bắc nồi ngay trên sạp thuyền mà xào nấu. Những bữa ăn thật giản dị nhưng với tôi đó là yến tiệc. Rồi tôi được nghe anh hát, đó là những bài hát trống quân, hát ví, hò chèo đò mà anh đã nhặt nhạnh được trên những chặng đường sông nước của mình. Nhiều hôm, mải chơi trời tối lúc nào chẳng rõ, tôi đã hốt hoảng trở về với đôi sọt không một cọng cỏ, để rồi phải nhận những trận đòn cực kì man rợ của lão bố dượng. Mẹ tôi là một người đàn bà yếu đuối, khi bố tôi mất đi, bà đã cố gắng gượng ở vậy nuôi tôi được gần chục năm. Nhưng rồi giữa cuộc đời sóng cả gió to, bà không thể đơn lẻ mà chống chọi nên nhắm mắt tái giá. Tôi không dám phản đối bà, nhưng bắt đầu âm thầm căm thù cái lão vừa thế vào vị trí của cha trong ngôi nhà nghèo khó nhưng thanh bạch người để lại. Lão cũng nhận biết sự căm ghét ấy nên không từ một dịp nào để trả thù.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Thế rồi một đêm, sau trận đòn chí tử của lão cha dượng, tôi lê ra bờ sông, ngả vào vòng tay anh mà khóc. Anh vừa chửi rủa lão cha dượng của tôi vừa rối rít lấy dầu hỏa tâm xoa vào những vết roi lằn trên người tôi. Hai anh em thức trọn một đêm, rì rầm trò chuyện và đi đến một quyết định thật bất ngờ. Tôi sẽ ở lại với anh làm phụ chân sào và hai đứa sẽ đi đò dọc, vượt lên tận vùng Sơn La, Hòa Bình chở hàng thuê về xuôi cho những người lái buôn. Thế rồi cuộc sống mới của chúng ta bắt đầu từ buổi ấy anh nhỉ! Đêm ấy, ngồi trên mạn thuyền trước một hướng đi mới mẻ của cuộc đời vừa mở ra, tôi bỗng thấm thía hơn bao giờ hết những lời anh hát về cuộc đời sông nước.
Sóng to, nước cả khôn chừng
Đã xuống đò dọc xin đừng run tay.
Chèo đò dọc sông Đà vào mùa lũ là một công việc cực nhọc và nguy hiểm. Dòng sông thất thường như tính khí của một người đàn ông cường tráng khỏe mạnh nhưng bị bệnh thần kinh. Đang thuận chèo mát mái đó bỗng dưng nghe tiếng nước réo ồ ồ, rồi từ một trong những khe đá nào đó trong dãy núi dựng ven bờ, những xoáy nước khổng lồ xoay tít như những con thò lò lao vụt tới, mũi thuyền sẽ bị lôi vút vào những vòng xoáy đồng tâm đang réo lên òng ọc và chỉ trong khoảnh khắc trên mặt sông sẽ không còn lại một dấu vết gì nữa ngoài tiếng reo cười thỏa mãn của những con sóng. Đã mấy lần chúng ta bị những xoáy nước khổng lồ ấy nuốt chửng, nhưng thật lạ lùng sau khi đã nuốt chiếc thuyền vào lòng, đùa giỡn tung hứng một hồi cho đến khi cả hai chúng ta đều nhược người, tưởng như không còn hi vọng gì sống sót thì như có một bàn tay khổng lồ nào đó từ đáy sông lại nâng vút chúng ta lên, đẩy cả con thuyền trồi khỏi mặt nước…
Những ai đã từng nắm tay nhau mà vượt qua sự đùa giỡn của tử thần, dù chỉ một lần trong đời, cũng không thể nào quên, sau mỗi lần thoát hiểm như thế, chúng ta lại càng hiểu nhau, thương nhau hơn bao giờ hết, phải không anh Tấn? Nhưng mà, người ta nói, đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma. Một ngày kia, chúng ta đã nếm trải sự tổn thất đầu tiên. Sau khi “nuốt” chúng ta vào lòng như mọi lần, dòng sông tai quái lại đẩy chúng ta lên, nhưng lần này những chiếc xoáy nước khủng khiếp ấy đã bóp vỡ con thuyền mỏng manh, gia tài duy nhất của chúng ta. Chúng ta trở nên trắng tay. Với sức lực cuả tuổi trẻ, chúng ta vẫn có thể làm thuê làm mướn để nuôi thân, nhưng không có con thuyền chúng ta trở nên bơ vơ như những đứa trẻ mồ côi. Nhất là anh, tôi thương anh biết bao, khi sau mỗi ngày vác thuê gánh mướn anh lại cùng tôi ra bờ sông, nằm dài trên những bãi cát sát mép nước, vỗ bụng, hò hát nghêu ngao những bài hát về sông nước. Anh nhớ con thuyền, nhớ dòng sông, nhớ cả những nỗi gian truân cuả nghề chèo đò dọc, anh khao khát cuộc sống: tự do vẫy vùng giữa trời nước bao la. Những lúc ấy, lòng tôi xót xa vô hạn, những muốn thân mình ngay lập tức biến thành một con thuyền để chắp cánh cho anh trở về cùng sông nước.
Tôi không thể làm được điều ấy. Nhưng có một người đã làm được.
Người ấy là cô Thục, con gái bà Phán buôn vải ở thị xã Sơn Tây. Tôi không nhớ chúng ta đã làm quen với cô Thục như thế nào? Hình như vào một đêm chúng ta ra bến bốc hàng thuê cho bà Phán. Trong khi đợi thuyền cập bến, anh Tấn của tôi lại nằm dài trên bờ cát, vỗ bụng đánh nhịp và hát những bài dân ca da diết nhớ sông nước của mình. Hình như cô Thục đã nghe tiếng hát ấy, đã nhận thấy trong tiếng hát của anh có cái gì đầy quyến rũ. Sau đó, cô làm quen với chúng ta. Và điều bất ngờ đã xảy ra bà Phán yêu cầu chúng ta làm thuê cho bà và giao hẳn cho một con thuyền gỗ mới tinh để mỗi tháng hai, ba lần đưa con thuyền lên vùng rừng núi Tây Bắc chở củ nâu và các thứ lâm sản khác về xuôi cho bà.
Chúng ta laị bắt đầu những ngày vui sướng. Hãy xem anh Tấn của tôi đứng trên mạn thuyền, con thuyền mới thơm mùi gỗ lao đi vun vút trên sông nước, mái tóc của anh bay bồng bềnh trong gió. Và, anh lại hát. Tiếng hát của anh buồn thấm thía, hòa quện với tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền, hòa quện cùng nắng gió, con thuyền như được chính những câu hát đưa đi nhẹ nhàng uyển chuyển. Nhất là những đêm trăng thanh, gió mát. Mặt sông mờ mờ sương khói. Con thuyền ẩn hiện. Câu hát nổi nênh. Vào những lúc như thế tôi yêu anh, yêu người bạn trai của mình hơn bao giờ hết. Tình yêu dâng đầy, ứ nghẹn, tôi những muốn lao tới ôm chầm lấy anh mà nói rằng: “Anh Tấn ơi! Tôi yêu anh biết mấy. Tôi sẽ suốt đời theo anh, gắn bó với anh. Lên thác xuống ghềnh với anh”. Nhưng tôi cũng chỉ biết im lặng. Nín thở. Chỉ sợ lỡ mình cử động, tiếng hát kia sẽ vụt tắt và cái dáng anh đứng trên đầu mũi thuyền đẹp như khắc vào nền trời kia sẽ vụt biến mất.
Nhưng rồi, như để thách thức chúng ta, mùa lũ năm ấy một lần nữa sông Đà hung dữ lại nhấn chìm con thuyền. Cũng như lần trước, mặc dù con thuyền này khá chắc chắn vẫn bị những xoáy nước bóp vụn. Chúng ta bơi được vào bờ, nằm sõng sượt trên bờ cát như hai kẻ bại trận.
Đó là những ngày thật nặng nề. Chúng ta lang thang khắp nơi kiếm cái ăn, chưa dám về gặp bà Phán và cô Thục. Gương mặt anh Tấn của tôi lúc nào cũng tối sầm, đầy đau khổ. Đối với con người thực sự thất bại nào chẳng nặng nề, nhưng với anh Tấn, thất bại trên sông nước là một điều nhục nhã. Anh đã nhìn xuống dòng sông bằng một đôi mắt thật khó tả mà cho đến tận hôm nay tôi cũng không sao quên được. Đôi mắt ấy như muốn hỏi - Hỡi dòng sông hung dữ! Người chỉ đùa giỡn hay đã phản bội ta?
Rồi cuối cùng chúng ta cũng phải trở về. Nhưng thật lạ lùng, bà Phán không một lời rày la, oán trách chúng ta về vụ đắm thuyền. Ngược lại, bà săn sóc, an ủi chúng ta thật tận tình. Bà cho chúng ta tiền để may sắm lại quần áo cho được nghỉ ngơi ăn uống một ít ngày. Và, điều quan trọng hơn bà đã cho người đi đặt một con thuyền khác và hứa khi nào xong sẽ trao nó cho chúng ta. Khi nghe bà thông báo điều ấy anh đã ngồi chết lặng, ngơ ngác nhìn bà giây lâu rồi đột ngột ôm mặt khóc nức lên.
Trong những ngày chờ đợi con thuyền mới ra đời, chúng ta giúp bà Phán làm những việc vặt trong nhà. Khi thì bà Phán giao cho hai đứa cuốc vườn, tưới cây, khi thì giúp các chị thợ vải nhuộm những tấm vải mộc thành vải nâu để tới phiên sẽ đem bán ngoài chợ Nghệ. Cô Thục cũng thường nhập bạn với chúng ta. Ngày ấy tôi chưa đủ từng trải để hiểu vì sao một cô tiểu thư đài các như cô Thục bỗng dưng thích tham gia mọi việc lao động chân tay. Nhìn bàn tay ngà ngọc của cô sục vào những thùng nước nâu thật thương, phải không anh? Cô vừa làm vừa lắng nghe anh kể chuyện và cười luôn miệng. Tôi không ngờ anh lại có tài kể chuyện đến thế. Những câu chuyện của anh thật bình dị. Anh kể về những chuyến đi, về sông nước, về phong cảnh những nơi con thuyền cuả chúng ta đã cập bến, về những người bạn đò… Tóm lại là tất cả những gì mà tôi cũng đã từng chứng kiến. Vậy mà qua câu chuyện của anh tất cả lại lung linh, sống động và như được tô đượm thêm những màu sắc mới. Sau này, khi đã từng trải, tôi mới hiểu rằng chỉ có những người thực sự yêu đời và trung thực với chính mình mới có khả năng cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật và con người ngay cả trong những lúc lao động nặng nhọc để kiếm sống, mới không cảm thấy nhạt nhẽo, nhàm chán trước cuộc đời làm thuê làm mướn cực nhọc và gian nan của mình.
Đôi khi cô Thục yêu cầu anh Tấn hát, tôi ngạc nhiên khi thấy rằng anh luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cô, và ở đây tiếng hát của anh vẫn đầy sức quyến rũ. Tôi cứ ngỡ tiếng hát ấy chỉ làm xao xuyến lòng người khi nó vang trên mặt sông, với sự hoà quyện của sóng gió. Vậy mà ở đây, tiếng hát cuả anh vẫn tìm được những duyên cớ để bấu vịn, để quyến luyến. Duyên cớ ấy là cái gì thì sau đó ít lâu tôi mới hiểu được. Hình như chỉ có một lần cô Thục yêu cầu mà anh không cất tiếng hát ngay. Cô hờn dỗi bỏ vào nhà, anh lặng lẽ mỉm cười rồi một lát sau anh dừng tay, tới ngồi bên gốc cây đại, mắt anh nhìn đi đâu đó, xa thẳm. Tôi biết anh muốn hát… Và, tôi đoán không lầm. Nhưng tôi không ngồi nghe anh hát mà cũng bỏ vào nhà. Hình như tôi buồn khi lần đầu tiên hiểu được rằng anh đã hát không chỉ vì tôi.
Cuối cùng, con thuyền mới cũng được hoàn thành và chúng ta lại hồ hởi chuẩn bị cho chuyến đi mới. Anh Tấn, anh còn nhớ cái buổi sáng hôm ấy chứ? Một cuộc tiễn đưa diễn ra trên bến sông. Hầu như cả nhà bà Phán và những chị thợ vải đều ra bờ sông tiễn chúng ta đi. Với những kẻ đơn độc trên cõi đời này thì đó là một kỉ niệm khó có thể mờ phai theo năm tháng. Có lẽ vì quá cảm động mà tôi đã khóc như một đứa trẻ mặc dù ngày ấy tôi đâu còn là một cậu bé con vô tư lự. Ở trên bờ cũng có một người đứng tựa gốc dâu lặng lẽ khóc, đó là cô Thục. Còn anh thì bình tĩnh, cứng rắn như một người thuyền trưởng chân chính. Anh quát tôi một câu gì đó rồi cầm sào đứng lên mũi thuyền. Tôi lập cập tháo dây neo và đẩy mạnh cây sào. Con thuyền thơm mùi gỗ, mùi sơn lao vút ra giữa dòng sông.
Cuộc hành trình mới của chúng ta đã bắt đầu như vậy. Nhưng tôi hiểu rằng lần này chúng ta ra đi không hoàn toàn thanh thản vô tư như những lần trước. Anh ít nói hơn mọi khi và suốt cả một ngày trời anh không cất tiếng hát. Tiếng hát của anh bây giờ đã không hoàn toàn thuộc về tôi, thuộc về dòng sông quê hương nữa. Ý nghĩ ấy khiến tôi cảm thấy hơi buồn và thâm tâm, cũng có ngầm nghen tức với ai đó, nhưng làm sao tôi có thể trách anh?
Đêm ấy chúng ta neo thuyền trên một bến vắng. Ăn uống xong, hai chúng ta lại ra ngồi trên mũi thuyền hóng gió. Mặt sông huyền ảo, hư thực, ngàn ngàn lớp sóng nối nhau xô tới vỗ về con thuyền. Gió thổi vồ vập, phóng khoáng. Những vì sao như vừa sà xuống mặt sông, thi nhau nhảy múa đùa giỡn với những con sóng. Mặt sông vì thế mà rạng rỡ hẳn lên mặc dù đêm không trăng. Chúng tôi ngồi yên lặng bên nhau. Tôi nhờ anh cất tiếng hát nhưng anh vẫn ngồi đó, im lìm như một phiến đá nhìn đăm đăm theo dòng nước đang hối hả trôi xuôi.
Cứ như vậy rất lâu, đến khi tưởng như tôi không còn đủ khiên nhẫn để chờ đợi nữa thì giọng hát của anh đột ngột cất lên.
Ngược dòng nản lắm mình ơi
Áo mình giặt, đã mồ hơi ướt đầm
Nhìn lên núi Tản mấy tầng
Sông sâu đã mấy thác ghềnh anh qua
Công lênh biết mấy cho vừa
Con dã tràng xe cát, con vờ đợi mưa
Xót tình người ngả nón ra
Xuống thuyền người đỡ cho ta một chèo
Hay người tháo dải yếm điều
Kéo thuyền ta vô bến, đợi chiều gió lên
Gió lên thì gió lên đi
Năm chờ mười đợi còn gì là xuân.
Vẫn bài hát mọi khi anh hát. Vậy mà hôm nay nghe lạ hẳn đi. Có một cái gì đó thật mới mẻ đã len vào giọng hát của anh. Mọi khi nghe anh hát bài này tôi đều nghe thấy một tiếng cười tinh nghịch. Những lời thở than có trong bài hát cả đấy mà như biến đi, như chỉ là cái cớ để đi đến những lời tháo cởi ỡm ờ ở đoạn sau. Nhưng hôm nay nghe anh hát tôi lại như thấy gợi lên trong lòng một nỗi buồn mang mang khi nghĩ về thân phận của mình và của người đang hát cho mình nghe. Trong mỗi bài hát, mỗi luyến láy đều chứa đựng những nỗi niềm khắc khoải và cả sự cô đơn thấm thía.
Hát xong anh lại ngồi yên lặng. Tôi biết không nên hỏi anh về bất cứ điều gì trong lúc này nên cũng ngồi yên lặng, chờ đợi. Cuối cùng, hình như chính anh không chịu nổi sự yên lặng ấy. Anh xích lại gần, đặt tay lên vai tôi ngập ngừng thổ lộ:
- Chi ạ! Cái nhà cô Thục ấy mà… cô ấy kể ra cũng… cũng lạ quá…
- Sao kia anh?
- Cô ấy nói rằng… yêu mình. Thật đấy! Lúc đầu mình cũng chưa tin. Cô ấy là gái tân thời lại con nhà giầu, có học hành hẳn hoi. Còn mình thì tứ cố vô thân. Mình cũng tưởng cô ấy chỉ đùa cho vui thôi. Ai ngờ…
- Thế rồi… cô ấy… nói gì nữa?
- Chẳng nói gì… chỉ khóc. À mà có, cô ấy bảo rằng nếu mình không chê cô ấy thì… cô ấy sẽ lấy mình. Mình không chịu. Mình bảo “lấy anh em biết ăn gì, lộc sắn thì chát lộc si thì già”. Cô ấy bảo ăn gì mà sống cũng được miễn là được ở với nhau.
- Thế thì mừng cho anh - Tôi hào hứng kết luận - Anh sẽ lấy cô Thục. Rồi sẽ giầu, sẽ làm ông chủ. Khỏi phải đi đò dọc làm gì cho nó cực cái thân.
Có lẽ trong giọng nói của tôi vẫn còn pha chút hờn dỗi kiểu trẻ con nên anh vội ngắt lời và vòng tay ôm lấy tôi:
- Không! Cậu đừng vội nói thế. Yêu mình thì cũng có thể. Nhưng ai người ta điên khùng tới mức nghĩ đến chuyện lấy mình. Vả lại, dù có lấy nhau thì mình cũng không chịu rời nghề sông nước. Còn với cậu, dù mai sau cuộc đời có đưa đẩy tới đâu thì mình vẫn gắn bó. Chúng ta là bạn đò dọc mà. Cậu có hiểu bạn đò dọc là thế nào không? Hồi còn sống, bố mình thường nói rằng, chọn bạn đò ngang thì dễ, chọn bạn đò dọc thì khó lắm. Bạn đò dọc phải chung thủy với nhau, sống chết với nhau đến trọn đời. Còn bạn đò ngang là những người chỉ đi qua cuộc đời nhau một lần, gắn bó với nhau một quãng đường đời nào đó, rồi có thể quên nhau. Cậu hãy nhớ lấy điều ấy, Chi nhé!
- Vâng, tôi sẽ nhớ. Nhưng… liệu tôi có xứng đáng là bạn đò dọc của anh không, anh Tấn?
- Mình với cậu đã chẳng mấy lần cùng sống cùng chết với nhau rồi đó sao?
- Vâng… Anh Tấn - Tôi vui sướng ôm choàng lấy anh - kể từ hôm nay chúng ta sẽ gắn bó với nhau trọn đời, anh Tấn nhé!
Giọng tôi run lên và dường như đã gục đầu vào bộ ngực vạm vỡ của anh mà khóc vì sung sướng và hạnh phúc. Tôi biết từ nay tôi không còn cô đơn nữa, sẽ không có bất kì ai, bất kì sức mạnh nào có thể giằng được anh ra khỏi vòng tay tôi, trừ phi tạo hoá phải dùng đến sức mạnh cuối cùng của mình - cái chết.
*
* *
Chẳng lẽ đã đến lúc ấy rồi sao? - Đại tá Lê Chi vừa xếp lại những bức thư và những tấm ảnh của bạn mình chụp trong những thời kì khác nhau mà ông còn giữ được vừa băn khoăn tự hỏi - nếu điều ấy, cuối cùng phải đến thì ông cũng chẳng có gì phải ân hận, đã có lúc ông tưởng rằng mình đã mất Hai Tấn ngay từ khi anh vẫn còn sống trên cõi đời này. Ông đã đau khổ, đã giận Hai Tấn biết bao. Nhưng ông vẫn chờ đợi, hi vọng, ông vẫn tin ở lời thề của một người bạn đò dọc trước sông nước năm nào. Và cuối cùng, niềm tin của ông đã được minh chứng. Đây rồi, bức thư ngày ấy Hai Tấn gửi cho ông. Nó là một trong những bức thư hiếm hoi mà lúc nào ông cũng giữ bên mình.
“Lê Chi thân yêu! Tình cờ mà Tấn gặp một người từ chiến khu về có biết Lê Chi. Mừng quá! Thế là mình đã có dịp để cất đi cái gánh nặng cứ canh cánh bên lòng bấy nay. Lê Chi ơi! Cuối cùng mình và Thục đã cùng trở lại đội ngũ với các bạn. Ngày ấy hẳn Chi giận mình, khinh mình lắm phải không? Chi hiểu cho mình nhé, lúc ấy tiếng gọi của tình yêu quá mãnh liệt và mình thì xưa nay trơ trọi trên đời. Hạnh phúc đến, mình choáng ngợp, chỉ sợ thời gian và xa cách sẽ làm nó tan biến đi. Vì thế mình đã rời bỏ đội ngũ, mình đã rời bỏ người bạn đò dọc chung thủy cuả mình. Cũng may, Thục là một cô gái tốt. Sau khi về Hà Nội cưới nhau rồi, chính Thục lại động viên giúp đỡ mình trở lại đội ngũ, tham gia kháng chiến tại Thủ đô, Tấn và Thục lại có những người bạn mới, những người đồng chí mới nhưng không bao giờ bọn mình quên được Chi, người bạn đò dọc thủy chung nhất… Chi ơi! Mong sao nước nhà mau độc lập để chúng ta lại trở về với dòng sông quê hương…”.
*
* *
Mọi việc bắt đầu như thế nào nhỉ? Đúng rồi, có lẽ bắt đầu từ cái chuyến chúng ta xuôi Hải Phòng lấy hàng về cho bà Phán. Có lẽ sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu trên thuyền hôm ấy không có Thục cùng đi. Tôi cũng hiểu rằng đó là những ngày hạnh phúc của đời anh vì lần này “chị nằm đò” lại là người mà anh thương yêu. Khi thuyền xuôi dòng, tôi giành lấy tay chèo để anh được rảnh rang ngồi trò chuyện với “nữ hoàng” của mình. Anh và Thục cũng đã chiêu đãi tôi hết mực, làm như tôi là người thiệt thòi nhất trên đời này vì chưa biết thế nào là tình yêu. Tóm lại, đó là một chuyến đi hạnh phúc nhất trong cuộc đời đò dọc của chúng ta, phải không anh?
Nhưng tai họa bao giờ cũng đến vào lúc bất ngờ nhất. Hôm ấy, chúng ta dừng ngủ đêm ở phà Đen, Hà Nội. Chúng ta neo thuyền sớm rồi anh và Thục kéo nhau lên bờ đi chợ. Sự xuất hiện của một cô gái xinh đẹp như Thục trên cái bến phà lấm bụi ấy đã bị bọn lính lê dương đóng đồn gần đó để ý. Chúng đã theo dõi chúng ta và đêm hôm ấy ba tên lính lê dương như ba con quỷ đen ập xuống thuyền định bắt cóc “nữ hoàng”. Tôi và anh đã liều chết để chiến đấu bảo vệ Thục. Cả ba thằng tây đen lần lượt bị chúng ta dùng mái chèo quật ngã xuống sông. Sự việc diễn ra quá nhanh, quá đột ngột khiến anh và tôi đều bàng hoàng, chúng ta không còn cách nào khác là ngay trong đêm vội vã dong thuyền chuồn thẳng. Bến sông ấy tôi và anh đã ghé nhiều lần ai cũng biết mặt, nên rất có thể bọn Tây sẽ lần ra dấu vết khi biết ba thằng Tây đen đã bị đập chết. Vì thế ngày hôm sau về tới nhà, trao thuyền và hàng lại cho bà Phán xong, tôi và anh quyết định phải lánh đi một thời gian. Biết bao nhiêu nước mắt đã chảy trên ngực anh, nhưng cuối cùng Thục cũng phải để chúng ta ra đi. Thực tình chúng ta quá lo xa chứ chắc gì bọn Tây đã chịu bỏ công sức chỉ vì ba thằng lính da đen. Vậy mà tôi và anh cùng mẹ con bà Phán thì đã quá nhiều lo âu.
Sau hơn chục ngày trời lang thang trên đất Phú Thọ làm thuê, gánh mướn kiếm ăn để lánh nạn, tình cờ một đêm chúng ta gặp được một người mà sau này cả tôi và anh mãi mãi biết ơn. Đó là anh Dân, cán bộ trinh sát của bộ đội vệ quốc đoàn. Thế là chúng ta trở thành chiến sĩ.
Đây là bức ảnh chúng mình chụp vào những ngày ấy. Anh mặc bộ quân phục vệ quốc đoàn mới chững chạc làm sao? Hình như anh không còn giữ được bức ảnh này. Ôi, nếu có cánh tôi sẽ bay về bên anh, đưa cho anh xem lại. Nhìn thấy nó hẳn gương mặt héo hắt của anh sẽ rạng rỡ lên một lần nữa trước khi lịm tắt, chìm vào cõi hư không.
... Tiếng chuông điện thoại reo vang kéo ông Chi khỏi dòng suy tưởng triền miên. Ông vội cầm ống nghe. Từ đầu dây bên kia, tiếng đồng chí sĩ quan trực ban vang lên.
- A lô! Thủ trưởng Chi đấy ạ. Vâng, tôi Tuấn đây ạ. Xin lỗi đã đánh thức thủ trưởng sớm một chút. Có một việc khẩn cấp cần phải xin ý kiến của thủ trưởng. Nghe hai tiếng “khẩn cấp” đại tá Lê Chi bỗng lạnh toát cả người. Giọng ông hơi ríu lại:
- Có… có chuyện… gì thế?
- Báo cáo. Tình hình thế này ạ. Ngoài trạm KV2 anh em họ vừa giữ một xe con của một chuyên viên dân sự cao cấp vì trên xe có chở rất nhiều hàng tâm lí chiến. Rõ ràng họ có ý định đi sớm để vượt qua trạm kiểm soát quân sự KV2 vào lúc họ cho rằng anh em ta sơ hở nhất. Vâng, báo cáo thủ trưởng, cán bộ dân sự của một cơ quan Trung ương ạ! Vâng, thế mới lôi thôi!
- Không việc gì mà lôi thôi cả - ông Chi đứng hẳn dậy, giọng ông đã đĩnh đạc trở lại - cứ giữ họ lại và làm biên bản tịch thu toàn bộ số hàng tâm lí chiến ấy. Có thể để cho họ mang mỗi người một thứ gì đó, tùy họ lựa chọn. Phải làm kiên quyết nhưng lịch sự, không thô bạo. Nếu họ lôi thôi anh cứ cho bộ đội ở KV2 giữ họ lại rồi mời cơ quan Trung ương của họ tới đây giải quyết ba mặt một lời. Thế nhé, còn gì nữa không?
- Dạ, báo cáo… - đồng chí sĩ quan trực ban ngập ngừng - ông ta… ông ta lại nói rằng có… có quen biết thủ trưởng ạ!
- Quen biết à? - Ông Chi khẽ nhíu mày - ông ta tên là gì? Nguyễn Xuân Hoàng… à - ông Chi khẽ bật cười - Thôi được, tôi nhớ ra rồi, ông ta… quả có là bạn chiến đấu của tôi hồi kháng chiến chống Pháp đấy.
- Vậy… có lẽ chúng tôi nên mở ba-ri-e cho ông ta đi phải không ạ?
- Không… Tôi không nói vậy - ông Chi nghiêm giọng trở lại - ông Hoàng dù có là bạn thân của tôi các anh cũng không được nương nhẹ. Chỉ có điều nên lịch thiệp, không thô bạo là được rồi.
- A lô… có lẽ chúng tôi nên… nên trả lời với ông ta rằng thủ trưởng đi công tác vắng… cho nó dễ xử, phải không ạ?
- Không! Không cần thiết. Anh chứ trả lời với ông ta rằng Lê Chi có mặt ở sở chỉ huy của mình và mời ông ta nếu có rỗi thì sau khi giải quyết xong vụ bê bối ghé vào đây thăm bạn cũ, mà phải nói là thăm chiến sĩ cũ của ông ta mới đúng. Tôi sẵn sàng chờ ông ta vào bảy giờ sáng hôm nay ở nhà khách Bộ tư lệnh.
Buông máy điện thoại, ông Chi ngồi phịch xuống ghế. Bức điện khẩn lại đập vào mắt ông. Anh Tấn, anh còn nhớ cái người ấy không? Anh ta là một người chỉ huy cũ của chúng ta trong trung đội trinh sát của trung đoàn ngày ấy, anh ta là trung đội trưởng, một trung đội trưởng hồi đó (mà lại là trung đội trưởng trinh sát kia) ghê gớm lắm. Chúng ta đã bao phen điêu đứng vì anh ta, anh còn nhớ chứ? Bây giờ tôi đã là đại tá, tư lệnh một binh đoàn, nhưng tôi chưa bao giờ dám động đến một cái lông chân chiến sĩ của mình. Nhưng ngày ấy trung đội trưởng Hoàng có thể bợp tai chúng ta bất kì lúc nào.
Trước khi vào bộ đội tôi cũng đã từng bị người ta bợp tai, đá đít nhiều rồi nên tôi có thể chịu đựng được. Còn anh thì lại khác. Anh là con người luôn luôn tự nhận mình là người tự do, anh sống tự lập đã lâu, xung quanh anh là trời nước, thiên nhiên, anh ít bị người ta trói buộc, chèn ép. Chính vì thế mà ngay lần đầu bị trung đội trưởng hách dịch kia bợp tai, anh phản ứng liền. Kết quả là cả hai người cùng té máu mồm máu mũi nhưng anh thì bị giải lên ban tham mưu trung đoàn và ai cũng nghĩ rằng anh sẽ bị ra tòa án binh vì cái tội đánh lại chỉ huy - Nhưng điều đó đã không xảy ra. Thật may mắn cho anh hôm đó đồng chí Chính ủy sư đoàn đang có mặt ở sở chỉ huy trung đoàn. Và Chính ủy đã xét xử một cách giản dị. Ông gọi trung đội trưởng Hoàng lên và chẳng nói chẳng rằng, vung tay tát một cái “đốp” vào mặt anh ta. Tát xong ông hất hàm hỏi:
- Bị đánh như thế đồng chí có ức không?
- Dạ… báo cáo Chính ủy - Hoàng nhăn nhó đáp - kể ra thì… thì cũng… chẳng có gì oan ức khi… khi… được Chính ủy dạy dỗ…
- Anh nói dối! Và như thế thì anh tồi hơn đồng chí chiến sĩ này. Bị người ta đập vào mặt thì một người tự trọng phải biết phản ứng thích đáng. Hống hách là cái thói mất dạy của bọn cường hào ác bá, anh hiểu chưa? Chính vì căm thù cái thói hống hách, ăn trên ngồi trốc ấy mà chúng ta đi làm cách mạng. Vậy mà anh lại dùng đúng cái thói du côn ấy để đối xử với đồng đội của mình. Tôi biết đây không phải là lần đầu anh đối xử với đồng đội như vậy - Chính ủy bỗng nghiêm nét mặt - Đứng nghiêm! Tiến lên ba bước. Quay mặt vào cây kia. Tôi phạt anh đứng như vậy một tiếng đồng hồ để suy nghĩ về hành động của mình.
Anh trở về trung đội với gương mặt rạng rỡ. Rồi anh nói với tôi: “Chi ạ! Bây giờ thì mình mới hiểu rằng chúng ta đi làm cách mạng là có lí”.
Từ sau cái lần “đụng độ” ấy Hoàng tỏ ra biết điều hơn. Nhưng không ngờ một năm sau anh ta lại có cơ hội để “gỡ hòa”. Lần này thì anh có lỗi. Lỗi lầm này của anh, ngoài tôi ra khó ai có thể thông cảm được. Hồi ấy tôi đã thay anh Hoàng làm trung đội trưởng trung đội trinh sát còn Hoàng thì cũng đã được đề bạt lên làm phó ban tác chiến trung đoàn. Đó là những ngày cả trung đoàn sôi sục chuẩn bị cho chiến dịch Sơn Tây - Hòa Bình. Tôi và anh dĩ nhiên hồi hộp hơn cả. Chúng ta sắp được trở về chiến đấu trên quê hương của mình. Cái đêm cánh trinh sát chúng ta bơi qua sông Đà sang nghiên cứu đồn Tu Vũ là một đêm thật đáng nhớ. Dầm mình dưới dòng nước mát lạnh của sông Đà mà lòng tôi rưng rưng, còn anh thì cứ ngồi ngẩn ngơ trên bãi cát hồi lâu ngắm nhìn dòng sông thân thuộc. Đã bao lần con thuyền của chúng ta vượt qua nơi này, mỗi mỏm đá hàng cây đều rất đỗi quen thuộc. Vậy mà đêm ấy tất cả đều khác lạ. Những ngôi sao lung linh nơi đầu sóng. Có lẽ thuyền ai xuôi dòng vừa qua hết những đoạn thác ghềnh hiểm trở. Tôi bò xích lại gần anh và chợt nhận ra ánh mắt đăm đắm của anh nhìn về phía con thuyền vừa khuất trong sương đêm, giọng anh khẽ run lên:
- Bơi xuôi… chỉ vài tiếng đồng hồ là tới… - Anh nói không hết câu nhưng tôi hiểu anh đang nghĩ gì, đang nhớ về ai. Tôi vội bấm nhẹ vào vai anh như nhắc nhở anh nhớ tới nhiệm vụ. Anh khẽ thở dài một tiếng rồi bám theo tôi.
Đêm đó, rồi đêm sau nữa chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ trinh sát và trở về trung đoàn an toàn. Tiếp đó là những ngày chuẩn bị gấp gáp. Một bàn cát về khu vực căn cứ địch đã được chúng ta hoàn thành rất công phu. Ban chỉ huy trung đoàn rất hài lòng. Phương án tác chiến đã được vạch ra. Ngày nổ súng đang nhích lại gần.
Đùng một cái anh biến mất. Thật là một đòn choáng váng đối với tôi. Cả trung đoàn đồn ầm lên là “thằng Tấn dinh tê” rồi. Không chừng nó mang theo cả kế hoạch tác chiến của đơn vị vào đầu hàng địch? Tôi không tin anh lại có thể phản bội tôi, phản bội đồng đội. Tôi biết vì sao anh bỏ ngũ. Anh nhớ cô Thục của anh quá. Có vậy thôi. Nhưng ngoài tôi ra ai có thể tin rằng anh không phản bội? Ban chỉ huy trung đoàn sôi lên sùng sục. Một ngày hàng chục lần tôi bị gọi lên gặp ban chỉ huy trung đoàn để trình bày trường hợp của anh. Thậm chí, nhiều người bắt đầu nghi ngờ cả tôi nữa.
Một câu hỏi lớn được đặt ra: Liệu kế hoạch tác chiến của trung đoàn có bị lộ hay không? Nghĩa là, liệu Tấn có vào đầu hàng địch hay không? Tôi đã lấy danh dự của một đảng viên, một chiến sĩ vệ quốc đoàn thề bảo đảm rằng anh không phải là kẻ phản bội. Anh đã rời bỏ đồng đội. Điều đó cũng tệ hại nhưng tôi vẫn tin dù có gươm kề cổ anh cũng không tiết lộ kế hoạch chiến đấu giải phóng quê hương mình. Tôi dám cam kết như vậy vì tôi hiểu anh, tin anh.
Nhưng tổ chức dù sao cũng không thể tin hoàn toàn vào những lời thề thốt của tôi. Đây là vấn đề thắng bại của cả chiến dịch, là sinh mạng hàng ngàn người con ưu tú của đất nước, không thể không thận trọng. Ban chỉ huy trung đoàn đã họp suốt một buổi chiều và gần trọn một đêm để bàn xem có nên tiếp tục thực hiện kế hoạch tác chiến đã chuẩn bị hay không?
Nguyễn Xuân Hoàng thay mặt Trưởng ban tác chiến đã kịch liệt phản đối việc tiếp tục thực hiện kế hoạch mà anh ta đoán chừng đã bị tên Tấn bán rẻ cho Tây. Một vài người đã bị Hoàng thuyết phục. Cuộc họp gần như ngả theo chiều hướng đề nghị với trên hủy bỏ kế hoạch tấn công khu vực Bắc Sơn Tây.
Hai giờ sáng tôi bị dựng dậy để tới phòng họp. Chính ủy và Trung đoàn trưởng yêu cầu tôi trình bày một lần cuối cùng trường hợp bỏ ngũ của anh và cho phép tôi phát biểu chính kiến của mình.
Tôi đã kể tất cả về anh. Kể về cuộc đời gian nan của chúng ta và kể về mối tình của anh. Và, một lần nữa trước mặt những người chỉ huy có trọng trách, tôi cam kết bảo đảm rằng anh chỉ bị tiếng gọi của tình yêu lôi kéo chứ không vì bất kì lí do gì mà phản bội đồng đội. Có lẽ tôi đã quá xúc động. Tôi đã khóc. Hội nghị lặng đi vài giây rồi Trung đoàn trưởng đứng dậy. Giọng ông thật nặng nề:
- Thôi được! Cứ tạm coi như chúng ta tin vào lời cam kết của đồng chí Chi. Nhưng chúng ta không được phép phiêu lưu. Tôi đề nghị chúng ta hãy tiến hành kiểm tra laị. Chúng ta vẫn còn thời gian làm việc đó. Thứ nhất, chúng ta phái một tổ trinh sát sang khu vực địa bàn tác chiến kiểm tra xem địch có hành động gì chứng tỏ chúng tăng cường phòng thủ hay không? Thứ hai, đích thân đồng chí Chi chọn một trinh sát nữa vào thị xã Sơn Tây kiểm tra xem cậu Tấn có về đó hay không? Nếu gặp cậu ta thì… cũng không nhất thiết phải đưa về đội ngũ của chúng ta một người không còn tự nguyện chiến đấu hi sinh nữa, nhưng cần phải bắt cậu ta cam kết rằng nếu để lỡ kế hoạch của chiến dịch thì cứ coi như cậu ta đã trở thành một tên Việt gian phản bội tổ quốc. Lúc đó, các đồng chí hãy nhân danh cách mạng mà xử lí.
Đêm hôm sau tôi và một chiến sĩ trinh sát mượn được con thuyền của dân, chất đầy củ nâu và mây song lên rồi ung dung xuôi sông Đà. Lần đầu tiên đi đò dọc mà không có anh. Anh có biết đêm đó tôi buồn và giận anh biết mấy? Sao anh laị nỡ hành động như vậy. Chẳng lẽ sắc đẹp mĩ miều của cô Thục lại đáng giá hơn đồng chí đồng đội của anh hay sao? Tôi đã định phen này gặp anh chí ít cũng phải chửi rủa anh một trận thật thậm tệ.
Nhưng tôi đã không làm được như vậy, gần sáng hôm sau chúng tôi tìm được anh tại nhà cũ của bà Phán. Gọi là nhà cũ vì bà Phán và cả gia đình đã chuyển về Hà Nội. Cơ ngơi của bà đã bán cho người khác, chỉ để lại một ngôi nhà ngang nhỏ để làm nơi chứa hàng từ mạn ngược xuôi về chưa kịp chuyển đi. Sau này tôi mới rõ rằng sở dĩ bà Phán còn để lại một “cơ sở” ở Sơn Tây là do gợi ý của Thục. Cô sợ hai thằng chúng ta mò về sẽ bơ vơ không biết đâu mà tìm nên có ý để lại một “trạm đón”. Anh đã về đây được vài ngày và đang chuẩn bị đồ đạc để sáng mai xuôi Hà Nội với người yêu thì chúng tôi tìm đến. Trong nhà đã sáng đèn. Qua khe cửa chúng tôi nhìn thấy anh đang ngồi trầm ngâm bên bàn. Nhìn thấy anh lòng tôi giận sôi lên, nhưng vì ở đây đang còn là vùng địch kiểm soát nên tôi không dám đường đột. Tôi nhẹ nhàng gõ cửa. Dường như đang chờ ai nên anh vội vàng đứng bật dậy. Khi cánh cửa vừa hé mở tôi vội chui tụt ngay vào. Anh sững người, kêu “ơ” lên một tiếng rồi định lao tới ôm lấy tôi.
- Đứng im - Tôi quát khẽ - Trong nhà còn ai không?
- Không… Nhưng sao… sao cậu…
Tôi vội quay lại ra hiệu cho đồng chí trinh sát ra canh chừng ngoài hiên rồi quay laị nghiêm mặt nhìn anh. Anh cũng đứng chết lặng nhìn tôi đăm đăm hồi lâu rồi bỗng buông xuôi tay, thở dài.
- Thôi được… các anh… muốn làm gì tôi thì làm!
- Anh Tấn! Tôi được đơn vị phái tới đây để hỏi xem có phải anh đã…
- Không! Không… - Tấn bỗng ôm lấy đầu rồi loạng choạng ngồi xuống ghế - Cậu… cậu… Không được phép hỏi tôi câu ấy. Không khi nào tôi lại chó má đến thế. Tôi chỉ… chỉ…
Bỗng anh gục xuống bàn khóc nức lên khiến tôi cũng mủi lòng. Nhưng trời sắp sáng rồi, không thể lần nữa được nên tôi vội tiến laị, khẽ đặt tay lên vai Tấn.
- Anh Tấn…! Tôi cũng không nghĩ rằng anh đã phản bội đồng đội. Tôi hiểu… anh nhớ Thục. Anh bỏ chúng tôi cũng chỉ vì Thục thôi. Như vậy kể cũng tệ lắm rồi. Nhưng thôi, anh không thể đi với chúng tôi nữa, cũng chẳng sao, tổ chức cử tôi về đây chỉ để nhận được một lời cam kết của anh rằng…
- Tôi hiểu rồi - anh vụt ngẩng lên - Anh hãy nói với Ban chỉ huy trung đoàn rằng thằng Tấn thà chết chứ không khi nào phản bội các anh. Tôi về đây chưa một ai biết và tôi cũng chuẩn bị xuôi Hà Nội để gặp Thục. Mọi bí mật về chiến dịch tôi sống để dạ chết mang đi chứ quyết không…
- Được rồi - Tôi vội ngắt lời anh - Để làm tin cho ban chỉ huy trung đoàn, đề nghị anh viết vài lời cam kết.
- Được! Tôi sẽ viết. Tôi sẽ viết ngay bây giờ. Anh đợi cho một lát.
Anh vội vã đứng dậy đi vào buồng. Một lát sau anh trở ra, trên tay cầm một tờ giấy khổ to xòe ra trước mặt tôi.
- Đây! Được chưa?
- Trời ơi!
Tôi sửng sốt kêu lên. Tờ giấy loang một dòng chứ lớn viết bằng máu “Tôi chỉ là một thằng đào ngủ. Xấu xa thật. Nhưng tôi thề không phản bội. Tấn”.
Tôi vội ôm choàng lấy anh. Gương mặt anh chan hòa nước mắt. Tôi cầm lấy bàn tay anh và đưa lên xem, ngón tay trỏ vừa bị khía bằng một nhát dao, máu vẫn đang phun ra đỏ loang cả bàn tay.
- Chi ơi! Mình… nặng tình với Thục quá… trên đời này mình chẳng có ai thân thích ngoài Thục… Mình hèn yếu quá, xin lỗi Chi…
- Tôi hiểu rồi, tôi không oán trách anh nữa đâu. Chỉ mong rằng anh đừng bao giờ quên chúng tôi. Thôi anh ở lại tôi đi kẻo trời sáng đến nơi rồi.
- Cho tôi gửi lời thăm Thục. Chúc… anh chị hạnh phúc…
Nói xong câu ấy tôi vội đẩy anh ra rồi lao ra cửa.
Chúng tôi đã trở về đơn vị, mang theo lời cam kết bằng máu của anh. Ba ngày sau chiến dịch bùng nổ dữ dội và quân ta đã thắng lợi giòn giã. Mọi người không còn oán giận anh nữa. Nhưng riêng tôi thì vẫn buồn… Thế là từ buổi ấy chúng ta mỗi người đi một ngả đường khác nhau. Tôi cứ nghĩ rằng trong cuộc đời rộng lớn này tôi và anh không còn được là bạn đò dọc nữa. Anh đã rời con đò đầy gian nan sóng gió để tìm về chốn bình yên. Hóa ra, cuối cùng tôi với anh cũng chỉ cùng nhau đi một chuyến đò ngang một đoạn đời ngắn ngủi.
Tôi đã mang theo nỗi buồn nuối tiếc ấy cho đến tận ngày nhận được thư của anh. Có lẽ anh hiểu vì sao tôi lại trân trọng trang thư nhỏ này đến thế?
…Tiếng kèn báo thức chợt vang lên kéo đại tá Lê Chi qua khỏi dòng suy tưởng triền miên. Ông vươn vai đứng dậy bước ra sân, thế là lại một đêm thức trắng nữa. Ngày hôm nay sẽ là một ngày như thế nào đây?
*
* *
Chiếc xe u oát rẽ vào một con đường mịn. Bánh xe lún nhẹ xuống cát, chạy êm ru. Đại tá hạ bớt kính cho gió lùa vào xe. Gió của sông Đà. Không thể nhầm lẫn được. Đại tá cảm thấy da thịt mình gợn lên, lòng xao động. Cuối cùng thì ông cũng đã sắp xếp được công việc để về với bạn. Nhìn thấy cái làng nhỏ ven ngã ba sông từ phía xa ông bỗng hồi hộp lạ thường. Xóm Rều ngày xưa đó. Biết đâu, bạn ông không còn đủ sức lực và kiên nhẫn để mà chờ đợi đến lúc này?
Một bãi ngô xanh rờn lao xao trong gió.
Một cây gạo cao vút đã bung hoa.
Một ngôi miếu cổ và cây si xanh rễ rủ lòng thòng.
Một đám trẻ con ở trần trùng trục đang hò hét trên bãi cỏ đầu xóm. Nhìn thấy chiếc xe, chúng vội bỏ quả bóng bưởi phơi khô nằm lăn lóc trên cỏ, chạy ùa ra.
Xe dừng lại đầu ngõ. Đồng chí lái xe tắt máy rồi quay ra hét lũ trẻ đang tranh nhau nhảy lên bám phía sau chiếc xe. Ông Chi vội mở cửa xe, bước ra. Nhưng ông chưa kịp đi bước nào thì một cô gái hớt hải chạy tới.
- Bác Chi!
- Kìa cháu Thủy!
Ông chưa kịp hỏi han gì thì Thủy đã lao tới ôm choàng lấy ông, khóc nức nở.
- Trời ơi! Sao thế? Bố cháu đã…
- Không! Bác ơi! - Giọng Thủy ríu lại trong tiếng nấc - Bác… cháu… cháu van bác… Bác làm thế nào cho bố cháu…
- Nghĩa là… bố cháu chưa đi?
- Không! Không phải thế. Không phải bố cháu ốm đau gì đâu. Nhưng… ơi trời… anh Sơn cháu… vừa báo tử.
- Thằng Sơn hi sinh rồi…
- Vâng! Điều đó còn đáng sợ hơn cả bệnh tật đối với bố cháu. Từ hôm ấy đến nay bố cháu không nói một câu nào. Không khóc. Chỉ nằm bẹp. Không ăn uống gì cả. Bác ơi! Bố cháu như tuyệt vọng, cháu không biết làm thế nào cả nên đánh điện liều cho bác. Bác ơi! Bác cứu bố cháu với! Chỉ có bác mới có thể làm cho bố cháu nguôi ngoai. Nhưng… bác chớ… chớ có nói với bố cháu rằng cháu đã điện. Bố cháu không cho chúng cháu báo tin cho bác đâu.
Cơ sự không ngờ lại như vậy. Đại tá Lê Chi bỗng thấy đầu mình nóng ran. Nước mắt ông tự nhiên ứa ra, chảy từng giọt xuống mái tóc của cô gái vẫn đang tựa vào ông khóc tức tưởi.
- Thôi đi cháu… được rồi, bác sẽ cố gắng. Nhưng thằng Sơn hi sinh thật rồi sao?
- Vâng, anh ấy hi sinh bên Campuchia.
Đại tá chợt rùng mình khi nhớ tới ánh mắt của ông Tấn ngước nhìn mình khi sau rất nhiều ngập ngừng đắn đo, đã yêu cầu ông thử dùng ảnh hưởng của mình để can thiệp xem có thể xin cho con trai duy nhất của ông ra phục vụ ngoài này được không? Ông hiểu rõ lo lắng của người bạn già và đã hứa. Lần đầu tiên ông dùng mọi khả năng của mình để làm một việc mà ông hoàn toàn không muốn. Nhưng khi việc đã sắp thành công, nghĩa là khi đã có quyết định điều Sơn ra ngoài này để đi học ở Học viện quân sự thì chính anh lại đề nghị được ở lại đơn vị một thời gian nữa. Trung đoàn của anh đang gặp nhiều khó khăn sau một mùa tác chiến ở biên giới bạn, rất cần tới sự có mặt của anh. Cấp trên dễ dàng đồng ý với đề nghị ấy vì ở đó quả đang cần anh hơn. Anh hứa năm sau sẽ thu xếp công việc để đi học vì anh cũng thấy cần phải được học hành cẩn thận nếu muốn trở thành một cán bộ chỉ huy giỏi để phục vụ quân đội lâu dài. Nhưng anh đã không kịp thực hiện lời hứa đó. Anh đã hi sinh và… cũng không biết gì về cuộc dàn xếp ở phía sau mình.
Bây giờ ông biết ăn nói ra sao với người bạn già của mình đây?
Lòng trĩu nặng buồn đau, ông bước theo Thủy vào ngõ. Khi gần tới nhà, Thuỷ dừng lại ngước nhìn ông bằng con mắt tin cậy.
- Bác vào nhà đi, cháu chạy đi đằng này một chút.
Ông biết Thủy muốn để cho hai người bạn già được hoàn toàn tự do bộc lộ tình cảm nên cũng không giữ cô lại. Ông dừng lại bên hàng rào một lát, hít một hơi thở sâu để trấn tĩnh lòng mình rồi mạnh dạn bước vào nhà.
Im lìm. Trống vắng. Lạnh lẽo đến rợn người. Con mèo lang trắng ngồi sưởi nắng bên thềm. Con chó vàng nằm duỗi dài hai chân trên hè bếp. Chúng cũng đang mệt mỏi, buồn bã. Khi ông bước vào sân nhà, cả hai con vật khẽ mở mắt ngước nhìn rồi khẽ vẫy vẫy đôi tai. Có lẽ chúng biết ông đến để chia sẻ nỗi đau mất mát với chủ của chúng. Cái nhìn của chúng như thoáng chút ngạc nhiên, như muốn hỏi “Ông đấy ư? Sao bây giờ ông mới tới?”
Vừa bước nhẹ từng bước trên thềm, ông Chi vừa lắng nghe. Tuyệt đối im lặng. Ba gian nhà ngoài trống vắng lạ lùng. Nhìn sang gian bên, ông thấy một thân hình tiều tụy nằm bất động trên giường. Ông thận trọng tiến lại, cố không gây một tiếng động. Ông đã tới tận mép giường mà người nằm đó dường như vẫn không hay biết. Ông xót xa ngắm gương mặt bạc đi vì đau khổ của người bạn già. Trên gương mặt ấy dường như không còn vương vấn một chút hi vọng nào. Một sự ngưng đọng hoàn toàn. Một khối tuyệt vọng và đau khổ. Làn da của ông tái nhợt, những sợi râu bạc dựng ngược, im phắc.
Tưởng ông Tấn đang ngủ, đại tá khẽ ngồi xuống bên mép giường, định bụng sẽ ngồi đợi chứ không làm kinh động gì giấc ngủ của ông. Nhưng bỗng ông Tấn mở choàng mắt, ngơ ngác nhìn người đang ngồi bên mình, rồi ông kêu lên thảng thốt:
- Trời ơi! Anh… cũng biết mà về hay sao?
Cùng với tiếng kêu nghẹn ngào, ông bật dậy ôm choàng lấy người bạn của mình và khóc rưng rức. Ông Chi cũng không kìm được lòng mình. Họ ôm nhau cùng khóc một lúc lâu. Dường như từ khi tin dữ ập tới cho đến tận lúc này ông Tấn mới khóc được. Nỗi đau trong ông mưng tấy bao nhiêu ngày nay vỡ òa ra. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà lòng ông nhẹ nhõm được đôi phần. Ông Chi định nói với bạn vài câu gì đó nhưng chưa nghĩ ra được những lời thích hợp. Mọi lời nói lúc này dường như đều vô nghĩa, đều không tương xứng với nỗi mất mát lớn lao của một người cha.
- Anh đừng nói gì - đột nhiên ông Tấn lên tiếng trước, giọng ông khô khốc - tôi đã cảm thấy không còn chịu đựng được một mình nữa nên đang định bảo cháu chiều nay đi đánh điện cho anh về. Vậy mà anh đã về đây rồi. Như thế… với tôi là được rồi…
Ngừng một lát, như để lấy lại hơi sức, rồi ông khó nhọc nói tiếp:
- Tôi đã chịu đựng được. Nhưng… còn nhà tôi mới gay go. Bà ấy… cho đến tận lúc này vẫn cố tỏ ra cứng rắn. Có lẽ vì bà ấy biết tôi đau đớn quá, tuyệt vọng quá nên đã cắn răng đứng vững để cho tôi tựa. Nhưng bây giờ… khi tôi đã qua được cái đận gay go nhất rồi thì có lẽ sẽ đến lúc bà ấy quỵ xuống vì kiệt sức và quá đau khổ mất. Anh hãy vì tôi mà… - giọng ông bỗng méo xẹo - mà… làm một cái gì đó đi…
Làm gì bây giờ để an ủi một người mẹ vừa mất đứa con trai duy nhất, ông Chi biết mình không thể từ chối yêu cầu thiêng liêng ấy của người bạn già. Nhưng làm gì? Làm gì bây giờ?
- Có lẽ… tôi sẽ đưa thằng út lên ở với anh chị - ông Chi bỗng buột miệng - may ra… cháu có thể an ủi được phần nào… cháu năm nay đã mười hai tuổi rồi. Anh chị hãy coi cháu như con đẻ, nuôi nấng dạy dỗ cháu cho đến khi trưởng thành. Còn cháu, rồi tự cháu sẽ biết phải ăn ở ra sao…
- Anh Chi! Anh nói thật đấy chứ? - Ông Tấn bỗng nắm lấy cả hai bàn tay người bạn của mình - có thật anh chị… sẽ cho cháu lên ở với vợ chồng tôi không? Anh cứ yên tâm. Vợ chồng tôi sẽ nuôi cháu khôn lớn, thành người. Ở đây… tuy không phải là thành phố, nhưng cháu muốn cái gì cũng có. Anh Chi, anh đừng thay đổi ý kiến đấy nhé!
Đại tá Lê Chi khẽ gật đầu rồi trút một hơi thở nhẹ nhõm. Dĩ nhiên, còn phải bàn với vợ và các con ông nữa nhưng ông tin rằng vợ ông không từ chối vì xưa nay vợ ông vẫn tin ông và cũng coi vợ chồng ông Tấn như người ruột thịt. Ông lại có những bốn thằng con trai. Chỉ có điều hơi ngại là bà ấy có vẻ cưng thằng út hơn cả.
- Ông ở đây với tôi được lâu không? - Ông Tấn bỗng lên tiếng hỏi, vẻ băn khoăn.
- Tôi sẽ ở đây với anh tới tối mai… ngày kia tôi mới phải về Hà Nội họp.
Ông Tấn ngước nhìn người bạn già bằng ánh mắt cảm động.
- Anh tốt với tôi quá. Có lẽ tối nay anh đưa tôi ra sông một lúc nhé. Có anh và có sông nước, có lẽ tôi cũng khuây khỏa được phần nào? Anh không biết chứ, mấy tháng nay tôi lại nhận chèo đò cho hợp tác xã đấy. Chèo đò ngang dĩ nhiên không thú bằng đi đò dọc. Nhưng biết làm sao được. Chúng ta đều đã già cả rồi… mà sông nước bao giờ cũng vẫn là sông nước. Tay tôi bây giờ đôi lúc đã run lắm rồi. Còn ông, có lẽ còn cố chống chèo được vài năm nữa. Giá như thằng Sơn, nó… mà kìa, bà nó nhà tôi đã về kia rồi - Ông Tấn bỗng lộ vẻ luống cuống - anh Chi, phải vững tay chèo vào nhé…
Ông Chi khẽ gật đầu rồi đứng dậy bước ra thềm. Trong tâm trí ông lại hiện lên hình ảnh cô Thục ngày xưa “Nơi đây có chị nằm đò…”. Những người của sông nước, gió bão đã từng hát vậy. Phải rồi, đó mới chính là người bạn đò dọc gần gũi nhất, thủy chung của Hai Tấn. Nhìn dáng đi quả quyết của bà, ông Chi hiểu rằng mình và ông Tấn đều lo lắng quá đáng. Không có sóng to nước cả nào vùi dập nổi một người phụ nữ, người mẹ như vậy. Có họ giữa cuộc đời này làm sao chúng ta có thể ngã tay chèo.
Sơn Tây, 1984
K.Q.T
VNQD