Xuân về nơi con sông chảy ngược

Thứ Ba, 12/02/2019 00:21

Bút kí. NGUYỄN LUÂN

Đúng vào những ngày không khí lạnh cường độ mạnh vừa tràn đến, đoàn Văn học Nghệ thuật của tỉnh Lạng Sơn chúng tôi lên đầu nguồn con sông chảy ngược sang Trung Quốc trên mảnh đất “bầu rượu nắm nem” xứ Lạng: Sông Kỳ Cùng - một con sông ăm ắp hun đầy văn hóa người vùng cao biên giới. Buổi sáng, đất trời ngăm ngăm, bàng bạc. Dập dềnh, lắc lư, mọi người say trong tiếng réo u u của máy ô tô cài số thấp leo lên dốc, lâu lâu lại khựng chết máy giữa lưng chừng đèo. Sau tay lái là đồng chí lái xe mang quân hàm xanh thiếu úy còn rất trẻ với đôi tay xoay vần trên vô lăng điệu nghệ như người thợ hồ bột làm bánh. Sương mù từ hai bên đường sà xuống sát kính xe. Những bông lau ướt đẫm sương cong rạp như một gọng vó câu sương sớm bên rìa rừng. Càng lên cao gió càng thổi mạnh. Hai bên đường thấp thoáng vài nóc lán dựng tạm của thợ khai thác rừng thông. Đường hun hút dài, bốn bề ngun ngút một màu xanh của thông, của cỏ lau phau phau trắng. “Thời tiết này lên biên giới mới thật giống “biên giới”. Chỉ ít nữa thôi nắng lên, da trời sẽ xanh đến tím lòng người, không dễ gì có cảm giác này đâu” - câu pha trò của Trung tá Phùng Bắc Lợi, cán bộ Phòng Chính trị, Bộ chỉ huy Biên phòng Lạng Sơn, người có thời gian “ăn đồn ngủ chốt” hầu hết các đồn biên phòng trên mảnh đất hoa hồi xứ Lạng khiến cho không khí trong xe phấn chấn hẳn, xua đi cái lạnh đang len lỏi trong cơ thể mỗi người.

Những dấu chân thầm lặng bên cột mốc chủ quyền

Mới hai giờ chiều mà trời đã âm u tối. Tôi theo bước chân những người lính biên phòng Đồn Bắc Xa đi tuần tra lên cột mốc 1297/4, nơi có những bậc thang lên cột mốc giữa ngút ngàn hoa lau như những nấc thang lên trời. Có lẽ thế nên nhiều người đã gọi đây là “Vạn lí trường thành” của Việt Nam. Trời không có nắng, những đám mây nặng trĩu hơi nước bay là là ngay trước mặt. Sương bị gió thổi quẩn lên tóc, lên mặt người ướt sũng như nhà tắm hơi nước khổng lồ. Hơi lạnh rú rít như muốn nuốt chửng con người giữa hoang vu của ngàn lau trắng. Ở độ cao này, cảm tưởng chỉ cần đưa tay ra sẽ dễ dàng nắm đầy một vốc mây sà xuống thấp. Tôi đã lặng người trên mỏm cao bên cột mốc Km số 5 đường vành đai nhìn xuống phía bên dưới vực sâu đã lấp đầy mây và sương nhờ nhờ đục. Phía dưới ấy, con sông Kỳ Cùng bắt đầu đổ về thành phố Lạng Sơn, rồi đổi hướng ở thị trấn Văn Lãng, sau đó như sợi chỉ xuyên qua bên kia biên giới hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu, Trung Quốc. Nhìn biển sương, tôi chợt ao ước mây sẽ tan đi để một lần thấy nơi thượng nguồn dòng sông với những sự tích đấu tranh giữa cái thiện, cái ác đến kì cùng, về “ông Dài - ông Cộc”, rồi mơ hồ trên tảng đá “hình đầu người” nơi bờ nam chân cầu Kỳ Lừa mà nhớ đến quan Tuần Tranh thời Trần đã tuẫn tiết gửi thân mình xuống dòng sông này để muôn đời con cháu lập đền thờ tưởng nhớ…

Bên cột mốc, những người lính đứng nghiêm làm nghi thức chào cột mốc chủ quyền trong sương mai. Nhìn họ, tất cả chúng tôi chợt thấy lòng ấm lại. Một cảm giác thiêng liêng về chủ quyền dân tộc, về ý chí chiến đấu và bảo vệ đất nước chợt dậy lên trong máu thịt, trái tim mỗi người. Gương mặt xa xăm, Đại úy Nguyễn Hùng Long kể cho tôi nghe về những ngày đi tuần tra trên đường biên gần ba mươi tư ki lô mét, trải dài trên bốn mươi mốt cột mốc. Ngày ấy chưa có đường bê tông, các anh phải đi bộ gần một tuần mới hết địa phận quản lí của đồn. Riêng từ Đồn Bắc Xa đến cột mốc 1297/4 này cũng mất hai ngày đường, chưa kể lên đỉnh mốc 1300 cao vời vợi. Đi từ sáng sớm rồi ngủ qua đêm ở nhà dân bản, ngày hôm sau tiếp tục lên đường. Nhiều khi đứng giữa hoang vu núi rừng, không có một bóng người chợt thấy mình thật bé nhỏ. Rồi những lần đơn vị đang ăn cơm thì nhận đươc tin có hoạt động xâm lấn cột mốc. Tức tốc lên đường, tới hiện trường nhìn những bãi đất còn mới, những gốc cây mới của người dân phía bên kia trồng trên lãnh thổ của mình, sốt ruột lắm nhưng không thể dùng biện pháp cưỡng chế mà phải dựa vào dân để từng bước đấu tranh, giành lại, còn nếu không, chỉ một thời gian ngắn, khi cây bén rễ, lá xanh lên, những khoảng đất mới cày xới kia sẽ không còn thuộc về chúng ta. Cứ như thế, cuộc chiến đấu âm thầm diễn ra dọc đường biên âm ỉ cháy không thôi đến khi chính phủ hai nước Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành xong việc cắm mốc phân chia địa giới vào năm 2009.

Những chuyện tình của người nơi biên giới

Bóng tối vùng biên kéo đến nhanh như người ta kéo sụp chiếc mũ trùm đầu lên mắt. Bên bếp lửa của Đồn Biên phòng Bắc Xa, với khuôn mặt rám nắng và giọng nói đặc trưng của người con quê Thanh Hóa, câu chuyện của Thiếu tá Khương Văn Tú, nhân viên báo vụ như len lỏi vào tiếng gió đang réo rít trên hàng thông phía sau đồn. Nhập ngũ đã gần ba mươi năm, từng đóng quân ở Nghệ An, Bình Thuận trước khi về Lạng Sơn, mải miết với những “cung đường người lính” làm anh “quên” mất chuyện lấy vợ. Bố mẹ ở quê nhiều lần thúc giục nhưng khổ nỗi, điều kiện của người lính biên phòng, cơ hội gặp mục tiêu để tìm hiểu đã khó, chọn được người tâm đầu ý hợp càng khó hơn. Đợi mãi không thấy anh báo cáo, ở nhà bố mẹ liền “nhắm” sẵn mục tiêu để đợi anh về. Cô gái ấy là con gái bạn hàng bán rượu của mẹ anh. Hai bên hi vọng, khi anh về phép, gặp mặt, đôi trẻ sẽ sớm “say” nhau như… uống cả nồi rượu mà mẹ anh vẫn nấu. Rồi ngày về phép cũng đến, chỉ có điều, quãng thời gian ngắn ngủi chưa đủ để có “một cái gì đó” như mong muốn của hai gia đình. Thời ấy chưa có điện thoại, chưa có internet như bây giờ, phương tiện liên lạc duy nhất là những trang thư viết tay. Hàng trăm lá thư của hai người đã thu hẹp khoảng cách lại để họ hiểu nhau hơn. Những câu chuyện của trường của lớp, của cuộc đời quân ngũ, những vần thơ trong sáng cũng từ đó mà ra đời. Năm 1997 anh và chị chính thức về chung một mái nhà. Những lá thư ấy sau này, mỗi lần mệt mỏi vợ chồng anh lại đem ra đọc lại để làm động lực cho những tháng ngày dài anh công tác xa nhà. Tôi hỏi anh thời gian sống xa vợ con, gia đình dài như thế, có khi nào thấy thiệt thòi vì thiếu tình cảm không. Anh cười hiền đáp, đã xác định làm người lính nói chung và người lính biên phòng nói riêng, thì không nên đòi hỏi. Nhớ nhất là những lần anh về phép được vài ngày khi cô con gái bé bỏng đầu lòng của anh mới ra đời. Vợ chồng, con cái ở với nhau chưa quen hơi ấm chỗ, thì đã lại phải lên đường. Cả nhà bồng bế nhau ra bến xe từ lúc còn tối đất để tiễn anh lên đơn vị. Xe đi rồi mà anh vẫn nhìn mãi lại phía sau để cố níu kéo thêm chút nữa hình ảnh vợ mình bế con đứng vẫy vẫy trong cái rét cắt da thịt mùa đông. Khi ấy, nước mắt cứ chực trào ra vì thương vợ, thương con. Rồi có những lần gọi điện về thăm vợ, ngày ấy cả xóm mới có một chiếc điện thoại bàn nên phải hẹn giờ gặp. Đến giờ, chỉ mong được nghe con nói ê a vài câu thôi cho đỡ nhớ cũng được, nhưng không ít lần dây điện thoại trong đơn vị bị đứt, vậy là lỡ hẹn, đành phải cứ ngồi mà tưởng tượng cảnh hai mẹ con đang háo hức đợi điện thoại của bố từ nơi xa mà không cầm lòng được… Nói đến đây, qua ánh lửa tôi thấy mắt anh lấp lánh, nhưng không có giọt nước mắt nào trào ra mà chỉ dừng lại ở thăm thẳm bên trong... Khoảnh khắc đó chỉ xuất hiện trong giây lát rồi giọng anh chợt hồ hởi khi khoe với tôi rằng, đứa con gái lớn của anh năm nay đã học đại học năm thứ hai trên Hà Nội. Thằng con trai thứ hai ở quê học cũng giỏi nhất nhì lớp ở ngôi trường điểm chất lượng cao. Nhìn khuôn mặt anh thấp thoáng niềm vui lan tỏa khi kể về gia đình mình, tôi cũng vui lây. Có người nói rằng, sức mạnh lớn nhất của người lính không phải ở đâu khác mà chính là hậu phương của họ. Điều ấy có thật đúng với với tất cả người lính hay không tôi không dám chắc, nhưng với Thiếu tá Tú thì chắc chắn đó là sức mạnh không gì thay thế được.

Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn tuần tra. Ảnh: ST

Chiều biên giới có nơi nào xanh hơn...

Trên con đường dọc biên từ Bắc Xa sang Đồn Biên phòng Chi Ma, tôi cứ nhìn mãi ra ngoài cửa xe để thu vào tầm mắt màu xanh ngút ngàn của thông, hoa sở, của ngàn lau trắng như một xứ sở thiên đường trong giai điệu du dương Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào xanh hơn/ Như chồi non cỏ biếc/ Như rừng cây cỏ lá/ Như tình yêu đôi ta!... từ chiếc cassette trên xe. Nếu ai đã một lần lên biên giới nơi địa đầu Tổ quốc thì sẽ thấy thứ cảm giác rất lạ vào những buổi chiều nắng lên và da trời xanh vời vợi. Đi trên con đường phân thủy giữa hai đất nước nhìn ra xa, rất xa, sẽ thấy được vẻ đẹp hùng vĩ của cỏ cây, của đất trời đang lim dim mắt biếc. Sẽ thấy bóng ai đó lẫn vào cỏ cây, người đi khuất mà tiếng cười như còn vương lại phía sau… Giữa khung cảnh ấy, tôi chợt nhớ đến Đại úy Phan Anh Hiên, sinh năm 1980, một chàng trai quê thành phố Phủ Lí, Hà Nam. Là con trong gia đình có bố mẹ đều là công chức nhà nước, thi đỗ Đại học Thủy Sản ở Nha Trang nhưng anh không theo học, mà quyết tâm xin đi nghĩa vụ, anh bắt đầu cuộc đời binh nghiệp bằng công việc của một người lính biên phòng đóng quân ở Nam Định. Năm 2004 theo sự phân công, anh lên tăng cường cho việc phân giới cắm mốc ở Lạng Sơn. Ngày đầu lên biên giới nhận công tác, đơn vị cách trung tâm huyện hơn bốn mươi ki lô mét đường đèo dốc, càng đi càng heo hút hoang vắng khiến nỗi nhớ gia đình, bạn bè, phố phường ồn ào tấp nập trong anh càng cồn lên. Quãng thời gian làm quen với đơn vị mới, vùng đất mới ban đầu thật khó khăn, nhưng rồi sự ấm áp, ân tình của đất và người nơi đây khiến anh càng ngày càng thấy yêu thương, gắn bó với nó hơn. Và rồi, sợi dây kì diệu đã “buộc” anh lại với mảnh đất này sau lần gặp cô gái Tày khi xuống địa bàn làm công tác dân vận. Sau nhiều đêm nằm thao thức không ngủ nghĩ về tương lai, trong đầu anh cứ vấn vương hình ảnh ngôi nhà nhỏ xinh xắn quấn quýt khói chiều có những giò hoa khoe sắc đẹp đến mê lòng treo ngoài bờ rào bằng gỗ gần đơn vị mỗi lần từ đồn về và chợt thấy cuộc đời bình yên và tươi đẹp biết mấy, thay vì sau khi lấy vợ ở nhà, hai người sẽ lại đằng đẵng xa nhau, vợ anh sẽ sống trong ngôi nhà luôn đóng cửa im lìm qua ngày tháng giữa phố phường ồn ã. Vậy là anh quyết định! Đám cưới giữa người chiến sĩ biên phòng với cô gái Tày vùng cao diễn ra trong sự ấm áp thân tình. Phải chăng tình yêu với vùng đất này đã đủ “hóa tâm hồn” để con người ta không nỡ rời xa.

Tuổi trẻ mãi xanh trên đất biên cương

Nhìn những luống rau, những giàn bầu bí xanh tốt bướm ong rập rờn đung đưa trái quả, chúng tôi không khỏi trầm trồ khâm phục về khả năng tăng gia sản xuất của những người lính biên phòng Lạng Sơn. Ngay trong khuôn viên đồn, tôi đã giật bắn mình khi trông thấy một bầy lợn rừng chui từ lùm cây rậm nhảy ra ngay trước mặt và phía xa, là đàn gà con mới nở trong chuồng dưới bàn tay chăm sóc của các chiến sĩ trẻ. Chiến sĩ Triệu Văn Lược, sinh năm 1996 quê ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn bùi ngùi: “Tết này em sẽ ra quân về với gia đình, ở đây quen người, quen cả những con vật hằng ngày mình chăm sóc, về cũng nhớ đấy anh ạ”. Nghe cậu chia sẻ, tôi chợt nhớ tới câu nói của Trung tá Phùng Bắc Lợi rằng, khi chuẩn bị chuyển công tác sang một đơn vị mới thì phải cố gắng khắc bằng được tên mình lên một thân cây để lưu giữ lại làm kỉ niệm... Quãng thời gian, dù ngắn ngủi, được tiếp xúc với những người lính biên phòng khiến tôi cứ nghĩ mãi về khái niệm tuổi trẻ. Tuổi trẻ phải có hoài bão, có ước mơ lớn lao. Nhưng phải chăng, những người lính đã lấy tuổi trẻ của mình để “phủ” lên những con đường, lên mảnh đất biên cương. Họ đã, đang âm thầm và lặng lẽ làm công việc của người xây dựng tượng đài bình yên cho dải đất hình chữ S này.

Một buổi sáng bỗng bình yên đến lạ. Nắng vẫn cứ vàng và trời vẫn trong ngăn ngắt. Gió không còn ầm ào trên những ngọn đồi cao mà chỉ đủ để làm tung bay lá cờ Tổ quốc trên điểm cao 424 Đồn Biên phòng Chi Ma. Tôi rưng rưng xúc động thắp một nén nhang thơm thành kính linh hồn 11 người lính đã anh dũng hi sinh sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979. Dưới làn pháo kích dữ dội của quân địch các anh đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Họ đã mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất quê hương khi còn rất trẻ. Có người chưa kịp tròn hai mươi. Nhưng tuổi xanh của các anh sẽ kéo dài mãi mãi. Bởi sự bình yên nơi biên cương ngày hôm nay sẽ không bao giờ quên gọi tên những người đã nằm xuống... Tôi nhìn lên khoảng trời trong như mắt trẻ thơ và thầm nghĩ, ngày ấy sau tiếng súng cuối cùng, các anh nằm xuống đất mẹ bầu trời có cao và trong xanh như ngày hôm nay cho nơi chúng tôi đứng bây giờ hoa lau còn trắng và cờ Tổ quốc còn kiêu hãnh bay trong gió.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những dấu tích đau thương của nó vẫn còn lưu lại trên những hầm hào, bong ke đá rêu phủ. Tôi chợt chú ý tới người lính già trầm tư bên di ảnh của các liệt sĩ. Đó là bác Nguyễn Anh Dũng, người từng tham gia trong cuộc chiến 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị. Trên chuyến xe, bác nói với chúng tôi rằng được sống sau cuộc chiến tàn khốc ấy là cả một điều kì diệu. Nhìn bác thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ, tôi chợt nghĩ, trong làn khói hương xa xăm kia, có lẽ những hồi ức chiến tranh đang trở về trong bác...

Tôi đưa mắt nhìn cây đào rừng trồng bên cạnh tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ, chợt rưng rưng khi thấy trên cành, mắt lá đã hé xanh biêng biếc với những nụ hoa đang cựa mình thức giấc. Mùa xuân đang đến thật gần, trong từng cơn gió, trong từng ánh nắng chắt chiu trên những cánh rừng phơi phới. Chả mấy nữa, những cánh hoa sẽ nở bung và xuân sẽ tràn ngập nơi đây. Và hoa lê, hoa mận sẽ lại bung biêng trắng, đỏ, hồng cả một vùng biên cương. Tôi cứ bị mê hoặc mãi hình ảnh người chiến sĩ biên phòng trong phút dừng chân ngồi mê mải ngắm những nụ hoa đào đón xuân giữa núi rừng. Sẽ chẳng có khoảnh khắc nào đẹp hơn thế khi mùa xuân của đất trời, của tuổi trẻ đang giao hòa làm nên sự bình yên của đất nước.

Bước vào ngôi nhà của những người lính trên chốt 424, tôi đã xúc cảm rất nhiều khi đọc câu chuyện và bài thơ của Thượng úy Nguyễn Hồng Thái Đồn phó chính trị Đồn Biên phòng 41 viết lúc giao thừa mùa xuân năm 1987 treo trên tường. “Đêm ấy là một đêm giá buốt nhưng lòng chiến sĩ ấm lại bởi có Đồn phó chính trị lên động viên. Tôi đã đọc nhiều lần cho anh em nghe. Trong số chiến sĩ chốt có Hạ sĩ Nguyễn Văn Phòng quê Đạo Lí, Lí Nhân, Hà Nam rất thích. Những ngày sau đó Phòng đọc cho mọi người nghe mỗi lần đi tuần tra. Nhưng thật không may, một lần đi kiểm tra, Phòng vướng mìn và hi sinh ngay chân chốt. Chúng tôi đưa Phòng về an táng ngay trước cổng đồn, lúc an táng tôi đã đọc bài thơ này tiễn đưa em trong nước mắt”.

Một Thoáng bình yên Chi Ma/ Yên tĩnh ở hướng Chi Ma/ Là lúc chiều về tắt nắng/ Hoàng hôn dần buông bảng lảng/ Một thoáng bình yên Chi Ma/...

Chúng tôi lên xe trở về nhà khi trăng đã lên cao. Trăng mười bảy vằng vặc sáng giữa đất trời biên cương. Chưa bao giờ tôi thấy một vầng trăng đẹp và dịu mát đến thế. Một sự bình yên đến từ đâu đó rất lạ khiến con người bỗng trở nên trầm tư. Chia tay những người lính biên phòng mà lòng tôi vơi đầy những nỗi niềm khó tả.

Giờ đây, ngồi viết những dòng này, nhìn những cành đào đã bắt đầu nhú hồng nơi đầu xóm, tôi bỗng nhớ tới cây đào, nhớ mùa xuân nơi biên giới. Mùa xuân từ đất biên cương đã kịp tràn về những thôn xóm, ngõ nhỏ. Một buổi chiều ra đường, tôi gặp người lính trẻ, khoác trên lưng những cánh hoa rừng. Anh lẫn vào dòng người ngược xuôi trên đường, lòng chợt vui sướng rưng rưng.

Này người lính trẻ, có phải anh mang mùa xuân từ biên cương trở về không?

N.L

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)