Chiêm bao đất

Thứ Tư, 23/01/2019 00:05

Truyện ngắn dự thi. LÊ QUANG TRẠNG

Chiếc xe chở sáu cựu binh cùng hai mươi bốn bộ hài cốt liệt sĩ ra cửa khẩu, mặc dù sơ đồ chép tay ở khu vực Kiri Vong vẫn còn hơn bốn mươi phần mộ đang tìm kiếm. Mùa mưa bắt đầu bằng những cơn dùng dằng và sét nổ rắn đanh. Mấy hố mộ đang đào dang dở ngập ứ nước nhưng cũng đành chịu, lại phải chờ mùa khô sang năm.

Khác với những chuyến đi trước, lần này, ngoài những chiếc ba lô đựng hài cốt liệt sĩ, còn có thêm một chiếc nữa với kí hiệu hoàn toàn khác biệt: LVN 70/276.943. LM: B. Nhìn chiếc ba lô, lòng ông chợt dâng dâng một cảm giác khó tả. Một cái gì đó xót xa pha chút nhẹ nhõm. Trong đầu ông chợt hiện lên cái dáng lủ khủ của một bà cụ tầm ngoài tám mươi lăm tuổi, tóc bạc phơ, hình như đã rụng nhiều nên hói một phần sâu phía trán cầm trên tay mác, xẻng, lưỡi len: “Ấp Lò Rèn của tôi làm đồ rất kĩ nên xài bền chắc lắm, tôi biếu cậu để dùng khi đi tìm các anh em”. Ban đầu bà cụ đi xe buýt, đứng ở trạm dừng trước nhà, nhìn vào rất lâu rồi lại ngược chiều xe buýt rời đi. Vài lần đi xe ôm, đứng lóng ngóng trước nhà nhìn vào, đắn đo điều gì đó. Thấy điều lạ lặp lại nhiều lần, ông chủ động bước ra, bà cụ kêu người lái xe: “Chạy đi con, chạy, người ta la bây giờ”. Lần sau, ông nhanh chân níu xe lại kịp, hỏi bà có điều chi mà thấp thỏm. Bà “dạ, dạ…”, ấp a ấp úng rất lâu. Phải nói qua lại nhiều câu, bà mới nhận lời mời bước vào nhà để tránh cơn mưa bất chợt đang rải rớt. “Tôi nghe đài, thấy nhà đài nói cậu tham gia quy tập hơn hai ngàn hài cốt bộ đội Việt Nam ở Campuchia. Nhiều trường hợp hầu như mất hết dấu vết, thông tin, các cậu vẫn có thể tìm ra được và đem về được”. Vừa nói, bà vừa lấy cái khăn mùi xoa ra chặm nơi khóe mắt đang nhòa: “Tôi rất là cảm động!”. Sau đó bà còn đến nhà ông nhiều lần nữa. Lần cuối cùng bà đến là vào năm kia, lúc cuối mùa mưa khi ông chuẩn bị cho một mùa khô tìm kiếm mới. Lưng còng, dáng ngồi nhỏ thó, hai tay đan vào nhau, bà nói từng lời từ tốn và nhỏ nhẹ: “Tôi có đứa con bị giặc Miên giết trong chiến tranh. Nó chết trận năm hai bốn tuổi”. Vừa nói bà vừa nhìn ông, đôi mắt gần như trong vắt, ăm ắp một nỗi niềm khôn tả, như có điều gì đó cầu khẩn, van xin và mặc cảm… Ông hỏi đứa con của bà tên gì, thuộc đơn vị nào, hi sinh ở đâu, bà đã nhận được bằng Tổ quốc ghi công và hưởng chính sách liệt sĩ của Đảng và Nhà nước hay chưa. Nghe hỏi, bà chợt buồn buồn, cúi mặt lặng im. Bà mẹ nào mà không đau đớn khi mất con. Và bà cụ đang tránh đi nỗi đau đớn ấy… Ông nhìn mái tóc đã bạc và rụng đi nhiều của bà thầm nghĩ. Đến lúc chia tay, bà lại bất ngờ nắm níu cánh tay ông mắt ngân ngấn nói, “tôi thường có những giấc mơ, thấy con kêu má ơi, ở đây con lạnh lắm, má ơi! Chắc là nó cũng đau buồn và tủi thân lắm cậu à!”. Câu nói ấy cùng hình ảnh len lén lấy ống tay áo thấm những giọt nước mắt vừa ứa ra lúc chia tay ám ảnh ông ghê gớm. Bởi ngày xưa, ông cũng đã có một thời kì sống trong thấp thỏm, lo âu như thế...

*

* *

Ngày ấy, khi còn là cán bộ sư đoàn, ông đã tự hỏi mình, những giấc mơ có đáng để người ta xao động đến như thế không? Ông không tin giấc mơ có thể ẩn chứa điềm báo hay kết nối với người đã khuất. Họa chăng là trùng hợp với những điều thẳm sâu từ tiềm thức, tua lại trong lúc ngủ sâu. Nên những lần nằm chiêm bao hệt như thấy được tiên tri, thế thôi.

Nhưng những giấc mơ ngày càng làm ông phiền hơn. Trước ngày nhận quyết định về Bộ Tư lệnh Quân khu, ông cứ chập chờn những giấc chiêm bao không đầu không cuối. Hễ đặt lưng xuống giường là ông lại bị cuốn trôi ngay vào. Nhiều lúc dặn mình đừng ngủ quá sâu, chập chờn thôi, khi ở ngưỡng chiêm bao thì thức ngay tức khắc. Nhưng lời dặn dò ý thức ấy cũng vô vọng. Nhiều lần ông chìm sâu gần như mê man, đi đến một nơi xa thẳm. Khi tỉnh dậy mồ hôi nhễ nhại như vừa từ cõi chết trở về sau trận chiến khốc liệt đầy rẫy khói lửa đạn bom. Giật mình, ông sờ quanh tìm khẩu súng mình vừa cầm trên tay nhưng không thấy đâu. Và những trận sinh tử Tức Dụp, Phú Cường, Tà Keo, Tà Sanh, Pua Sát, Công Pông Spư,… tua lại trong ông một cách chân thực đến vẹn nguyên cảm xúc. Ông tung tay, tung chân hét, “xung phong, xung phong”, gần mấy mươi giây sau khi đã tỉnh giấc rồi khiến đồng đội phải hoảng hốt cạy cửa phòng vào níu tay ông gọi.

Ông tin là mình đang mắc phải một chứng bệnh nào đó. Ông quyết tâm không ngủ, xem mình sẽ lấy gì mà mơ. Trà quạu, cà phê đen đậm, singum và bò húc… Nhưng chỉ được hai hôm. Sang ngày thứ ba thì ông đuối và chìm ngay vào giấc mơ giữa lúc ban trưa. Có điều, ông không còn trôi trong ác mộng cảnh bom rơi, pháo dập nữa, mà thấy mình đang ở một cánh rừng thốt nốt mênh mông, những cánh võng sau ngày hành quân xa treo đầy và im lìm yên giấc. Thằng Tum - đứa em nuôi, cũng là đồng đội của ông, từ khuất bóng rừng bước ra, dáng đi ung dung, từ tốn và nhẹ nhàng như gió.

Tum khoác chiếc áo sơ mi trắng, xắn tay áo lên cao quá khuỷu, hai bên ngực áo là hai cái túi nắp, gắn hai cây viết mạ đồng lấp lánh. Qua những cánh võng im im, Tum cầm cây súng trường chạy về phía ông, vừa chạy vừa kêu vang vang, như đứng trên miệng hang sâu nói vọng vào: “Anh Ha...ai..i, anh Ha...a... i!”. Chạy một đỗi không xa là cái tháp hình đầu người lim lim mắt, rêu phong đóng trên gạch tạo nên một nét trầm lặng, cổ kính và uy nghiêm, nó ôm ông chặt đến muốn ngộp. Vừa ôm, vừa vỗ vỗ phía lưng, nước mắt Tum rơi nóng hổi.

Ông đưa tay ra sau lưng nó sờ khắp, xem chỗ vết đạn năm xưa có thật sự đã lành lặn lại chưa? Không hiểu sao lúc đó ông thấy lòng mình chợt lạnh, như đang trong một cơn bão tuyết tơi bời. Miệng muốn nói điều gì đó mà không nói được. Lặng phắc, nghe được cả tiếng võng đưa kèn kẹt phía xa xa… Tum mở cái sọ dừa lấy bình trà ra rót vào hai chung, rồi uống cạn chung của mình, khà dài như uống rượu. Ngoài sân, những chiếc lá khô cuốn tròn bay lên xào xạc, mịt mù. Trời đột nhiên sáng bừng đến lóa cả mắt...

Vào viện quân y, bác sĩ nói với ông, huyết áp và điện não không được ổn định, nên nghỉ ngơi tịnh dưỡng nhiều hơn. Cầm gói thuốc, ông trở về phòng, đôi mắt nghi ngờ đầy ái ngại của đồng đội làm ông thấy mình như người có lỗi. Mấy hôm sau đó, hễ cứ còi báo ngủ là lại có những tiếng xì xầm, những bóng người trước cửa phòng ông. Khi bước ra thì chỉ nghe tiếng bước chân chạy về phía xa, tiếng đóng cửa phòng dội vào tai một nỗi niềm cô độc. Cứ mỗi lần ngủ lại mơ, lại hét đến khan cổ... Tin đồn về những ác mộng kì quái của ông lan khắp sư đoàn. Đi đến đâu ông cũng va phải ánh nhìn săm soi mình như ngó một kẻ bị loạn não, ma nhập, vong ám.

Thật ra, ông đã biết tình hình sức khỏe mình sa sút. Mỗi sáng ông không còn thức sớm tắm nước lạnh được nữa; cũng không còn lội bộ quanh khuôn viên đơn vị mỗi chiều. Những cơn lạnh của mùa bấc về đánh thức mười sáu miếng đạn trong người. Chúng dậy lên những nóng lạnh và nhức buốt bất ngờ, len lỏi vào sâu trong giấc mơ làm ông luôn trong tâm trạng lo âu và hồi hộp. Ông biết mình khó có thể đảm nhiệm trọng trách mới nặng nề hơn. Mùa gió chướng đang về, chứng chiêm bao không hề thuyên giảm. Với cái tuổi gần sáu mươi, bệnh tật đến với con người ta một cách ngang ngược. Chúng có sức mạnh riêng mà một người từng xông pha trận mạc và thương tật như ông không có phép màu nào tránh được. Ông chủ động trình bày nguyện vọng xin về hưu với thủ trưởng. Đêm cuối cùng ngủ trong đơn vị, Tum lại xuất hiện với gương mặt buồn buồn. Không nói gì, cứ lẳng lặng nhìn rồi quay lưng đi khuất.

Về hưu, ông trồng một vườn lan rừng Campuchia trước nhà, bốn mùa hoa nở dìu dịu. Dự định sắp tới đây ông sẽ trồng thêm mấy công xoài, thả cá, nuôi gà, vui thú điền viên… Hàng đêm, để đánh lạc hướng giấc mơ, ông nghĩ nhiều về những dự định cho tương lai, trồng cây, chăm gà và nuôi cá. Ý nghĩ ấy giúp ông dễ dàng đi vào giấc ngủ một cách thư thái nhẹ nhàng. Không biết do về nhà ở gần thiên nhiên và con cái, hay do đầu óc không vướn bận chuyện cơ quan mà hiếm khi ông gặp những giấc mơ nặng nề. Cho tới một lần, vừa chợp mắt xong thì ông thấy Tum ngồi trên bộ xa lông, hai tay sờ vuốt phần phù điêu chạm trên thành ghế: “Lâu lâu đến thăm anh một lần chứ đến thăm hoài em cũng ngại”.

Bộ ghế xa lông cứ vươn dần cao lên to ra thành một gốc cây sần sùi, già nua. Còn Tum thì bị ghì xuống và cùm lại ở chân ghế, giờ đã thành chiếc rễ của gốc cây kia. Ông cố dùng tay kéo Tum ra, nhưng càng kéo Tum càng lún sâu hơn. “Tum…Tum...”. Tiếng ông bắt đầu khàn, như có cọng rễ cây xiết lấy và đâm xuyên qua cổ. Hét càng lớn thì lời càng nghẹn một cách khó chịu vô cùng, nhưng ông bất lực. Càng gọi lại càng nghèn nghẹt, càng chòi đạp lại càng bị khóa chặt.

Vợ ông hoảng hốt ghì lấy chồng, mấy đứa con túa đến lay ông mới tỉnh. Nhưng dù tỉnh, mắt ông vẫn chăm chăm về phía cửa - nơi ngưng đọng hình ảnh những rễ cây đang mút từng hạt xương Tum...

Sau lần đó, những cơn ác mộng quay lại còn dày hơn ngày xưa, vợ ông bàn với các con mời thầy cúng đến. Bao nhiêu nhang đèn cúng vong ông vẫn thế, cả nhà quyết định phải sớm đưa ông đi bệnh viện tâm thần Biên Hòa. Nghe tin ấy, ông bỏ bữa, vào phòng nằm vắt tay lên trán. Ông thấy mình cô đơn...

Minh họa: Tào Linh

Hành trang đơn sơ gói gọn trong ba lô lại là thứ vô cùng quý giá - tấm sơ đồ mộ chí “Tum a3, b1, c2, d522” vẽ tay của một đồng đội. Quyển sổ tay “từ điển Việt - Khmer” tự biên cùng mớ cuốc len, thuốc men, võng bạt, lương khô... Ông nói với các con, đừng lo, ba đi vài hôm là về, như tụi bây đi phượt chứ gì. Nhưng cả nhà cương quyết không đồng ý. Bệnh viện Biên Hòa đã sẵn sàng đón ông vào ngày mai. Ông chỉ được quyền đi duy nhất nơi đó. Biết không thể thuyết phục được vợ con, ông im lặng gật đầu.

Đêm đầu tiên ở bệnh viện, Tum lại xuất hiện: “Anh Hai, em đợi ở Tà Keo nghen!”. Chưa kịp hỏi thêm, Tum đã chạy vào trong đám ảo mờ trước mặt, không rõ là khói sương, khói rơm hay khói nhang mà mịt mù và lẫn cả mùi thuốc rê, thuốc súng…

Tối kế tiếp thì ông đi. Ông đã âm thầm gọi điện cho bạn bè. Biết ông đi tìm Tum, mấy đồng đội cũ phấn khởi bàn kế hoạch chi li, mọi tình huống được liệu trước như sắp vào một trận đánh… Đúng hẹn, vào lúc 2 giờ đêm khi mọi người còn yên giấc, ông đã để lại một lá thư nói rõ nội tình để mọi người yên tâm rồi lén trốn ra ngoài theo một lối bí mật, lên chiếc xe bảy chỗ đậu chờ sẵn ở cổng...

Đoàn đến Tà Keo vào lúc ban chiều. Con đường huyết mạch vẫn thế, chỉ phum sóc, nhà cửa và cảnh vật là khác xưa nhiều. Mái chùa Sa - mét cong cong ẩn mình trong rừng thốt nốt ven con đường vào tỉnh lị. Tượng thần Brahma đứng suy tư. Hồi đạn bay mẻ mất một bên gương mặt, người ta lấy xi măng đắp lại, không sơn, rêu đóng xanh nhìn như một vết chém hằn đến muôn đời. Nhìn nơi này, ông chực nhớ lại ngày Tum từ đơn vị huấn luyện trở về. Hôm đó tiểu đoàn đóng ở vườn xoài bên hông chùa Sa - mét. Tum bận chiếc áo trắng, phía nắp áo trái thêu hai dòng chữ Việt và Khmer: “Việt Nam - Campuchia samaki”. Vừa đi vừa xắn tay áo. Tum cười rất tươi, hàm răng trắng tinh rạng rỡ: “Anh Hai, em mới được tặng cái áo”.

Ông hỏi áo ai tặng mà đẹp vậy. Tum cười, đôi mắt lấp lánh như mắc cỡ. Hỏi đến hai lần, vẫn chỉ có ánh mắt long lanh trong trẻo. “Giải phóng xong, đơn vị và anh đứng ra cưới vợ cho chú nha. Rồi về quê anh sinh sống, trồng một vườn xoài với mấy công ruộng là có thể no đủ”. “Thiệt hả, anh Hai?” “Ừ, thiệt! Giá nào cũng phải trở về lập vườn xoài mới được”.

Đó cũng là đêm cuối cùng hai anh em ôm nhau ngủ. Cấn áo Tum, ông nhớ rõ mồn một: “Gì vậy Tum?”. “Hai cây viết, bữa anh cho em một cây, thằng bạn chung đơn vị huấn luyện tặng em một cây có khắc tên em. Anh thấy người ta chu đáo chưa, may áo mà cũng biết em có hai cây viết, để may hai cái túi nắp đó anh Hai”. Ông cười, ngẫm nghĩ Tum đã lớn khôn từ bao giờ? Hay vì với ông, Tum vẫn luôn tươi trẻ và trong veo ở tuổi mười bảy.

Đêm đó, đơn vị bị địch phục kích bất ngờ. Tum không hề hoảng loạn, nhanh nhẹn cầm súng vào đội hình chiến đấu sát cánh với anh em. Khi bọn Pol Pot sắp tháo chạy, Tum bị đạn xuyên qua ngực. Tum không ngã, chỉ sựng lại, quỳ xuống đất, tay vẫn cầm súng, miệng nói: “Em không sao, anh Hai tiến lên đi, em không sao!”. Ông lao đi và không biết rằng chỉ năm phút sau khi tiếng súng đã tắt, Tum gục đầu bên gốc thốt nốt cằn cỗi, máu thấm ướt cái áo trắng tinh khôi, dòng chữ “Samaki” cũng đỏ bầm, nhức nhói. Đồng đội ở tuyến sau kể, lúc hi sinh mắt Tum vẫn chưa nhắm. Đôi mắt không trừng trừng, mà ngân ngấn nước. Tum được chôn trong rừng thốt nốt, cách chùa một đoạn. Bốn cục đá to chôn ở bốn góc để làm dấu. Trên đầu mộ, đặt một cái chén B52 để thắp hương. Mộ được đắp cao để những gió mưa sẽ không cào bằng vì linh cảm rằng, cuộc chiến này sẽ chưa thể kết thúc một sớm một chiều...

Theo tấm sơ đồ mộ chí đã ngả màu thời gian, từ cổng chào nếu đi vào thêm hai cây số nữa là đến chùa Sa - mét. Cảnh vật vẫn không khác xưa mấy, có chăng được phạt cỏ lau hai bên cho lộ ra con đường mòn, trâu bò đi lại in những dấu chân xăm xắp nước mưa. Đứng nơi chiếc cổng chùa cổ kính, một bên cổng phụ phía trái bị sập, những cây bồ đề bám đất đá mọc lên xanh um, ông mong sao tìm thấy một dấu tích nào đó còn sót lại để hình dung ra ngôi mộ của Tum.

Đúng như sơ đồ thì chếch phía Đông của ngôi chùa năm trăm rưỡi thước là mộ. Phía đó bây giờ cỏ lau mọc cao hơn đầu người. Phải mướn thêm mấy người dân sở tại phạt cỏ, dọn dẹp hai hôm thì mới trống trải để nhìn.

Ông ngồi ở một gốc bồ đề thân sần sùi nu, dấu tích những vết sẹo dài do đạn quẹt. Cố gắng dựng lại kí ức xem nơi nào là chỗ đóng quân năm xưa, chỗ nào là nơi Tum ngã xuống và cái ô vuông trên sơ đồ, bây giờ là nơi đâu? Ngó lên tán cây rộng, những tổ chim rừng treo đầy, ríu rít không thôi, ông quyết định đào ngay gốc cây thốt nốt đã chết, chỉ còn lại phần thân. “Chắc không phải chỗ này đâu anh Hai, em thấy có bầy mối đùn thành lùm lùm đất, chắc chỗ đó, chứ ai đâu trồng cây ngay chỗ có chôn người”. Ý kiến của một người trong đoàn có vẻ cũng có lí, nhưng dân ở đây họ biết nơi này có mộ bộ đội Việt Nam không? Hồi đó đánh nhau, họ đều tứ tán bỏ chạy, tản cư. Ông cũng đã hỏi dân ở đây, nhưng hầu như không có bất cứ thông tin gì, nên cơ bản chỉ căn cứ vào trí nhớ của mình thôi. Cuộc đào bới ròng rã suốt ba hôm, vẫn không một dấu vết nào cho thấy nơi đây từng chôn người. Đã có những thất vọng và mệt mỏi xuất hiện trong đoàn. Buổi trưa ngày thứ ba, nằm lim dim trên võng, gió êm đềm, ông thấy mình đi lang thang, vừa đi vừa hỏi: “Tum à, anh Hai đây, chú ở đâu, Tum?”. Thì nghe tiếng khẹt khẹt như nghẹt mũi. Nhìn quanh, ông chợt thấy hình như có bóng người vừa lẫn vào phía bụi tre.

Giật mình tỉnh dậy ngó quanh, phía xa hơn độ ba hai trăm mét có một bụi tre già thật. Vì bụi tre gần chùa nên phải vào xin phép. Được sư cả đồng ý, bụi tre được nhổ hết lên, sâu hai lớp len thì đụng đá. Ông mừng rơn. Có thể đó là hòn đá góc. Phấp phỏng, mấy anh em tiếp tục đào đào bới xung quanh để tìm thêm ít nhất hai hòn đá nữa mới có thể khoanh vùng được. Đang đào, len của ông cạch một tiếng sựng lại. Nghĩ chắc là đụng cái chén B52, ông hồi hộp dùng tay moi từng lớp đất nhỏ. Nhưng không phải, đó là một miếng kim loại như tấm inox thường dùng để cạo gió, nằm lẫn trong mớ kim tiêm, lọ thuốc, ống nghe... Chắc miếng kim loại đã nằm đây lâu năm rồi nên một phần đã bị han, đất đóng cứng. Chà sạch thì ra là tấm thẻ bài có dòng chữ khắc chìm: “Lê - Văn - Ngân. SQ: 70/276.943. LM: B”. Trầm ngâm cầm miếng thẻ bài suy nghĩ hồi lâu, ông lấy giấy viết ra nội dung trong miếng kim loại rồi đặt lại y chỗ cũ, lấp lại.

Đào tiếp một hồi nữa thì tìm ra ba cục đá còn lại. Vậy là đã có thể xác định chính xác nơi Tum nằm. Thêm lớp len, thì gặp mảnh áo sơ mi sau nhiều năm đã hòa thành màu đất. Chỗ khuỷu tay chiếc áo vẫn ba lớp xăn lên. Hai túi áo nắp đóng còn gần như nguyên vẹn, hai cây viết bị đóng ten, chà rửa kĩ mới thấy được tên người “Tum d522”. Không có một miểng đạn nào nằm lại trong hài cốt Tum. Có lẽ viên đạn bắn gần nên đã xuyên qua cơ thể... Tay run run rửa từng đốt xương, ông cẩn thận đặt vào trong lớp bọc vải đỏ, rồi thảng thốt. “Về với anh nghen, Tum”.

*

* *

Sau khi đưa Tum về nằm chung mười ngàn đồng đội trong nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc, tưởng ông sẽ thanh thản. Nhưng không, thi thoảng trong mơ ông vẫn thấy chập chờn rừng thốt nốt nơi Tum nằm trước đây ào ào gió, lá cọ vào nhau tạo thành những thanh âm nức nở, tủi hờn. Mặt trời như bị đốt cháy, dần chìm ở phía kia xa. Một màu đỏ bầm như ai đó nghịch quấy, lấy máu quẹt lên chân trời những đường cọ vụng về không ý tứ… Giữa khung cảnh ấy, có ai đó thập thò gần bên, như ở đâu xa lắm đến muốn nhờ mình điều gì đó. Dáng vẻ thập thò ấy có vẻ gì đó là lạ. Len lén đứng nhìn từ trong bóng tối, từ sau những gốc cây thốt nốt. Nhiều lúc ông lại nghe vọng đến một tiếng nấc, rồi thoáng qua một dáng người, trên tay lấp loáng như cầm miếng kim loại muốn theo mình về...

Cho đến trước chuyến đi này, sau khi tìm xuống ấp “Lò Rèn”, ông quyết định sẽ quay lại Tà Keo để bốc hài cốt người lính kia. Lí do ông về tìm ấp Lò Rèn bởi mấy năm liền, mùa mưa nào bà cụ cũng đến tìm ông. Năm rồi mùa mưa đã cạn nhưng vẫn chưa thấy bóng người. Ông chợt thấy lo âu. Tâm trạng ấy đeo bám ông ngay cả trong giấc mơ, không sao yên lòng được. Nhìn lưỡi len khắc chìm dòng chữ ấp Lò Rèn. Ông quyết định đi tìm bà cụ. Hỏi thăm nhiều nguồn thì mới biết, địa danh ấy ở tận Sóc Trăng.

- Anh Hai, bộ hài cốt có thẻ bài này là thế nào, và sau khi làm lễ truy điệu các liệt sĩ bên mình ở nghĩa trang xong, anh tính đưa về đâu vậy?

Tiếng người đồng đội lần đầu tiên đi tìm hài cốt liệt sĩ ngồi cạnh hỏi khiến ông giật mình trở lại thực tại. Một tia sét nháng qua bầu trời, chiếu qua kính xe soi mờ ảo lên dòng kí hiệu LVN 70/276.943. LM: B.

Chuyến xe đò thả ông xuống ấp Lò Rèn, hỏi mấy người ở đó, bà cụ dáng nhỏ thó, đầu hói, có đứa con chết trận ở Campuchia… Người ta cho biết, bà cụ mới mất cách đây chừng hai tháng. “Bà già đó trước sống ở Sài Gòn, hồi giải phóng chạy theo đoàn tản cư tới nơi đây, rồi sống đến khi qua đời. Nghe đâu nhà bả hồi bị nạn đã chết hết rồi, chỉ còn mình bả”. Ông hỏi, vậy có ai biết đứa con bà tên gì, đơn vị nào không. Một ông già lớn tuổi nói, hình như bả có đứa là lính Ngụy, không biết tên gì, đánh nhau rồi chết trận ở bên Camphuchia, vùng Tà Keo thì phải”.

Sau khi ra mộ thắp nhang cho bà cụ ở một nghĩa địa từ thiện sau chùa, ông bàng hoàng suốt chuyến xe đò trở về nhà. Vẫn không thôi chập chờn về tấm thẻ bài của người lính Sài Gòn kia, ông linh cảm có một sự liên quan không thể giải thích giữa bà cụ và người lính ấy. Biết đâu nhỡ họ chính là mẹ con? Mà giả sử dù có không liên quan, hai con người cô độc ấy, ở thế giới bên kia, sẽ mang đến cho nhau ấm áp...

- Mình sẽ an táng cậu ấy ở sau một ngôi chùa dưới ấp “Lò Rèn” Sóc Trăng cậu ạ.

Ông trả lời người cựu binh ngồi cạnh mà cũng như trả lời cho chính lòng mình. Và ông chợt thấy lòng nhẹ nhõm bình an lạ.

 

Phnom Den, 28/11/2018

L.Q.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)