Những cánh sóng mùa xuân

Thứ Sáu, 08/03/2019 08:55

Bút kí. ĐINH PHƯƠNG

Trạm thông tin QC3 và Q4, thuộc Đại đội 5, Tiểu đoàn 82, Lữ đoàn 134, Binh chủng Thông tin Liên lạc đóng lưng chừng trên một ngọn đồi thấp, không tên ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa. Khi tôi đến trạm cũng là quãng giờ cơm trưa. Khói từ một hai mái nhà xám của dân cạnh đơn vị vẫn còn phơ phất. Ở các đơn vị quân đội khác, giờ này các chiến sĩ đã xếp hàng đi ăn, nhưng ở đây lại hết sức im ắng. Trên sân trạm, hai chú chó ta lông vằn vện đen vàng tha thẩn chạy nhảy. Mấy cây đào trong vườn đã phô phang hết sắc thắm như muốn kéo tết về. Vốn là người mê truyện trinh thám, trong tôi chợt nảy lên mường tượng về điều gì đó bí ẩn. Nhưng ngay lúc đó, từ gian nhà phía sau Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Đức Hải, Trạm trưởng bước ra, sau câu chào hỏi, như đoán được sự tò mò của tôi, anh bảo, hôm nay, anh em một bộ phận còn đang kiểm tra đường cáp quang, một số thì đang kéo cáp phía ngoài nên về muộn.

Tổ kéo cáp
“Mọi việc không phải cứ vội là thành”. Đó là lời chia sẻ của Đại úy Lê Bá Khánh, Phó tiểu đoàn trưởng phụ trách kĩ thuật của Tiểu đoàn 82, Lữ đoàn 134 khi tôi hỏi thăm về công việc của các anh. Sau nụ cười nở trên khuôn mặt rắn rỏi, lấm tấm mồ hôi toát lên sự tự tin, chắc chắn mà bất cứ ai nhìn vào cũng yên tâm. Anh bảo, hôm nay tổ kéo cáp của tiểu đoàn kết hợp với Trạm thông tin QC3 và Q4 tổ chức kéo đoạn cáp dài hơn 2km tại thôn Khe Ngang. Đường cáp phải kéo dài nhất ư? Bàn tay to bè, gân guốc đang buông đột nhiên nắm chặt lại, ánh nhìn về phía những ngọn núi xa xa bừng lên như có lửa, giọng chậm rãi, anh kể về lần triển khai bảo đảm tuyến cáp từ Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội đến huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình dài 82km mà mình và đồng đội vừa hoàn thành tháng trước để bảo đảm toàn bộ thông tin cho tất cả các lực lượng dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh như: Kho 789 - Tổng cục kĩ thuật; Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy; Kho K22 Quân khu 3; Trường Trung cấp kĩ thuật Tăng thiết giáp; Lữ đoàn Công binh 299; Trung đoàn 853… trong 26 ngày đêm. Đó là lần đầu anh nhận nhiệm vụ này. Cán bộ chiến sĩ trong tổ cũng thế, tất cả đều bỡ ngỡ. Địa hình đồi núi phức tạp, rất nhiều đoạn vượt núi cao, suối sâu. Tuyến cáp lại đi nhờ trên cột 35kw của điện lực hai tỉnh Hòa Bình và Ninh Bình. Khoảng cách giữa hai cột vượt núi của điện lực là 270m. Cáp điện chịu được khoảng cách xa thế, còn cáp thông tin thì không, bắt buộc phải vận chuyển cột vào để trồng, cấy thêm. Cột trồng làm sao phần chôn dưới đất phải bằng một phần năm chiều dài cột để đảm bảo không nghiêng, đổ. Còn cáp thì chôn sâu 1,2m với đất thường, với đất cứng là từ 80 đến 90cm... Quả thực, những ngày ấy, bắt tay vào mới thấy khó khăn, phức tạp. Nhiều đoạn chỉ nhích được từng chút, có ngày đất cứng quá, không thể đào nổi, đường cáp không nhích được mét nào... Lúc ấy, anh thấy nản vô cùng, thậm chí đã tính đến việc xin cấp trên chi viện hoặc cực chẳng đã… chấp nhận không hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng rồi khi bắt gặp ánh mắt anh em chiến sĩ nhìn mình với niềm tin tưởng tuyệt đối, anh biết, với phẩm chất người lính “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua” thì không gì là không thể. Vậy là, khi triển khai đến điểm vượt khoảng cách dài, anh tập trung anh em lại cùng bàn biện pháp làm sao để việc rải cáp hiệu quả, an toàn nhất. Mỗi người đưa ra một ý kiến, một phương pháp riêng, rồi chọn ra phương án tốt nhất, hiệu quả, an toàn nhất. Rất nhiều lần địa hình thi công nơi rừng núi, dốc dựng đứng từ 40 đến 50m, lên còn đỡ, chứ xuống, khi anh em đã mệt, bước chùn chân, sơ sẩy là xuống vực như chơi. Thế nhưng, dù rất mệt nhưng anh vẫn phải đi sau quan sát, hét, thậm chí cả quát mắng khi họ đi lệch hướng đã tiền trạm trước. Ngày hai cuộc rút kinh nghiệm mà như chưa đủ. Đấy là còn chưa kể những cuộc hội ý riêng với tổ trưởng các tổ để xốc tinh thần anh em liên tục. Một trong những người mà Khánh hay hội ý cũng như chia sẻ suy nghĩ của mình nhiều nhất trong nhiệm vụ này là Trung úy chuyên nghiệp Bùi Thanh Tuân, Tổ cáp Hà Nam, Đại đội 4, Tiểu đoàn 82, Lữ đoàn 134. Khi những mét cáp cuối cùng được kéo, tất cả cùng ôm chầm lấy nhau rồi nhảy lên mừng rỡ như vừa lập được một kì tích huy hoàng... Nhiệm vụ nguy hiểm nhất ư? Đó là khi tìm đồng đội đi nối cáp vào mùa lũ năm 2013 tại đèo Đá Đẽo, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nơi mà thời chiến tranh vẫn gọi là “Cổng trời”. Năm đó, Khánh làm Đại đội trưởng tiểu đoàn 81, Lữ đoàn 134. Mùa lũ ấy nước về nhanh mạnh bất ngờ, đường Hồ Chí Minh bị đất sạt lấp hết. Lúc đó Đại đội phó của Khánh dẫn theo một chiến sĩ vào nơi đất đá sạt lở làm đứt cáp để nối. Sóng điện thoại không có, không liên lạc trực tiếp được với bên ngoài nên quy ước cứ hai tiếng một lần đồng chí Đại đội phó phải quay ngược ra chỗ có sóng cách hơn 3km để báo về đơn vị. Đầu tiên việc báo cáo diễn ra bình thường, nhưng sau đó, hai tiếng rưỡi, ba tiếng, rồi bốn tiếng trôi qua mà không có tin tức gì... lòng Khánh như có lửa đốt, đứng ngồi không yên. Ngoài trời từng đám mây xám sũng nước như bị gió kéo ngoặt xuống thấp, cảm giác chỉ giơ tay ra chạm nhẹ vào là nước ào ạt chảy ra. Gió lạnh vẫn rít qua từng cơn, mưa lúc nhanh lúc chậm quất rào rào trên mặt lá. Không khí lạnh vậy mà người Khánh mồ hôi đầm đìa vì lo lắng. Hết đi ra ngoài nhìn về phía cổng doanh trại, lại quay lại nhìn chằm chằm vào chiếc điện thoại trên bàn. “Đáng ra người đi nối cáp phải là mình. Nhỡ anh em có mệnh hệ nào thì… Mới gặp nhau đây thôi mà…”. Không thể chờ đợi thêm được nữa, Khánh quyết định gọi điện báo cáo cấp trên để mình trực tiếp vào tìm quân. Không kịp cả nghỉ, trèo đèo lội suối, khoảng bảy giờ tối thì đến được nơi sạt lở. Trên đường, vừa đi Khánh vừa gọi tên hai đồng chí của mình, nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió mưa, lời nói bị nuốt chửng mất hút về phía núi. Dù vậy Khánh vẫn tin tưởng vào cấp phó của mình, vì đó là một người xử lí công việc luôn thận trọng, chắc đã tìm được chỗ tá túc đâu đó. Từ chỗ đứt cáp, Khánh đi hơn 2km nữa, sâu vào núi thì tìm được trạm kiểm lâm. Mừng quá, vào hỏi, các đồng chí kiểm lâm trả lời có hai đồng chí thông tin đang ở đó, bản thân trạm cũng không liên lạc được ra bên ngoài. Mừng mừng, tủi tủi, Khánh chạy lại ngay chỗ hai chiến sĩ của mình đang ở.
- Đấy là lần đầu tiên trong đời em khóc anh ạ! Trong đời em chưa bao giờ có niềm vui nào hơn thế! Khánh nhìn tôi, ánh mắt như vẫn ngời lên niềm vui năm nào.
- Sau đấy thì sao? Tôi hỏi.
- Ăn xong bữa cơm vội vàng với mấy anh em kiểm lâm thì đoàn rút quân ra, thành lập trạm chuyển tiếp liên lạc ở nơi có sóng. Đội xử lí cáp vẫn vào, nhưng giờ có hai đồng trí trực bên ngoài để báo về chỉ huy. Tất cả đều được làm, hoàn thành ngay trong đêm ấy. Mặc dù nguy hiểm nhưng chẳng còn ai cảm thấy sợ hãi, lo lắng gì nữa.
Làm lính thông tin quả thực không hề dễ dàng chút nào, đó là điều mà tôi rút ra cho chính mình khi chiều cùng ngày, tôi theo Trung úy chuyên nghiệp Bùi Thanh Tuân, Tổ cáp Hà Nam, Đại đội 4, Tiểu đoàn 82, Lữ đoàn 134 đi kéo cáp. Thấy anh leo thoăn thoắt mắc cáp trên cột rồi tụt xuống như không, tưởng dễ tôi xin trèo thử, nhưng được vài ba bậc thang, nhìn xuống mắt đã hoa đành vội vàng tụt xuống. Thật “quê”, tưởng mình sẽ gặp phải sự trêu đùa của Tuân, nhưng không, Tuân nhẹ nhàng bảo, lần đầu chưa quen, ai cũng thế, cứ vài lần trèo lên, tụt xuống là làm được. Rồi Tuân chia sẻ, người lính thông tin không phải cứ ngày một ngày hai là quen, phải dần dần rèn luyện, để cái vất vả, khó khăn tự ngấm vào người, lúc nào không thấy vất vả nữa là thành. Tuân dáng người thấp, gù, to ngang như con gấu, khi không mặc quân phục, ngồi uống nước, bàn tay to, ngón ngắn, phình, sứt sẹo ôm trọn cả chén nước chẳng ai nghĩ Tuân là lính. Nhưng anh là lính chuẩn, làm gì cũng chắc chắn, chỉ phải cái ít nói nên bao năm rồi vẫn giường không nhà trống. Anh kể với tôi, vì nhiệm vụ anh em phải di chuyển liên tục hết vùng này sang vùng khác trải dài nửa đất nước trong thời gian ngắn, nhiều khi thích một người mà không dám nói ra, đến lần sau quay lại mắc cáp hay củng cố đường dây thì người mình thích đã yên bề chồng con, nhìn nhau đấy mà chẳng biết nói gì, vì thế đâm ngại. Chia sẻ về việc huấn luyện anh em leo trèo, Tuân bảo, mỗi lần lên tuyến các chiến sĩ trẻ bao giờ cũng được lựa chọn kĩ càng, chọn anh em không sợ độ cao, biết việc, nhanh nhẹn. Rồi mình lên làm trước, các em làm theo, cái nào không hiểu thì hỏi trực tiếp, đặt an toàn lên hàng đầu, không được làm việc bột phát ngoài quy định. Cứ người cũ hướng dẫn người mới, đào tạo dần dần. Về kỉ niệm của mình, Tuân bảo nhớ nhất lần đi dựng cột, kéo cáp ở Hòa Bình, vào nhà đồng bào Mường xin được chôn cột trong vườn. Bà con thủng thẳng bảo “các chú bộ đội cứ ngồi chơi, đi đâu mà vội. Dựng cột, cái bụng đồng bào đồng ý rồi đấy, nhưng… với mỗi cột là bốn chén rượu à”. Dù trình bày thế nào bà con cũng không chịu, nhất quyết bắt uống. Anh em nhìn nhau, quả là một bài toán khó... Vậy là đành phải làm kế hoãn binh, xin phép dựng xong sẽ uống và được bà con chấp nhận. Vừa mới ra làm một chút đã nghe tiếng gà kêu quang quác sau nhà cùng lời gọi với ra: “Các bộ đội trưa ở lại ăn cơm nhé”. Lúc ấy ngớ ra chỉ biết cười.

Lính thông tin đang kéo cáp. - Ảnh: Pv

Tuần đường
Trạm thông tin QC3 và Q4 đảm nhiệm tuần tra, sửa chữa tuyến cáp ngầm và cáp treo dài hơn 100km dọc theo đường Hồ Chí Minh và đường quốc lộ, trong đó phía Bắc dài hơn 40km, phía Nam hơn 70km. Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Đình Hiếu, quê Thái Bình, người đã gắn bó với trạm gần 20 năm cho biết, trước năm 2000, công việc tuần đường sử dụng phương tiện chính là xe đạp. Thường anh em trong trạm đi tuần hết một ngày, nghỉ ở trạm trung chuyển là nhà dân, xong hôm sau mới về. Có những lúc đi ngang đường xe hỏng nhẹ như cán đinh xịt lốp thì tự khắc phục sửa chữa bằng đồ nghề mang theo, còn hỏng nặng như sang vành thì nhiều khi phải dắt bộ cả chục km là chuyện thường. Sau năm 2000 đến quãng năm 2010 trạm chuyển sang sử dụng xe Minsk. Xe Minsk có khá hơn xe đạp, nhưng vì đường đèo dốc nên cứ vài chục km lại cháy cuộn dây đánh lửa, gặp ngay hàng sửa xe còn đỡ, chứ không lại phải dắt. Mà dắt nó thì đúng là cực hình. Thế nên lần đi nào cũng phải thủ sẵn vài cuộn để thay, sau thấy đắt quá, anh em quyết định mua hẳn một chiếc máy rồi mua dây đồng về để tự quấn lấy. Việc sử dụng xe máy vào tuần đường khiến công việc của anh em đỡ vất hơn. Mỗi lần đi được hai người, người ngồi trước lái xe chầm chậm, người ngồi sau quan sát cáp trên đường. Đến những đoạn qua khe, rãnh thì xuống xem trực tiếp. Hay như đoạn nào có đơn vị đang thi công gần đường dây thì xuống hướng dẫn họ tránh. Rồi làm thông tin nhân dân, cho số điện thoại, có gì để người dân báo trực tiếp về trạm, những năm điện thoại chưa phát triển, tiền cước còn cao trạm sẽ chịu trách nhiệm trả cước phí. Tuần đường mùa hè còn đỡ, chứ như mùa đông, nhiều khi trời rét 4 đến 50C, mặc mấy áo len bên trong mà vẫn thấy hơi lạnh len vào từng tế bào. Có trường hợp gặp tai nạn trên đường… Rồi anh kể: “Tôi vẫn nhớ mấy năm trước vừa ra khỏi trạm được hơn chục km, ngược lên hướng phía Bắc thì gặp một chiếc xe máy đâm vào cột mốc, người ngã vật ra đường, máu chảy lênh láng. Mọi người túm lại xung quanh bảo ông ấy say rượu. Tôi cũng dừng xe, đi vào, thấy đúng là mùi rượu nồng nặc. Nhưng máu chảy thế kia, không kịp đưa đi cấp cứu khéo chết. Thế là mình bèn bảo bà con đứng tránh ra, vẫy xe ô tô, bế bác ấy lên rồi cùng về viện. Cũng may bác ấy chỉ bị thương phần mềm. Tỉnh dậy, lơ mơ, bác ấy không cám ơn mình mà gọi tên, cám ơn người đồng đội nào đó của bác ấy đã hi sinh bên đất bạn Campuchia trong chiến tranh biên giới Tây Nam”.
Anh Hiếu bảo công việc của các anh, ngoài chuyên môn còn phải làm tốt công tác thông tin nhân dân, chứ không sẽ rất vất vả. Mỗi khi thôn nào có đường cáp đi qua có trưởng thôn mới, các anh đều xuống tuyên truyền cho họ nắm được để còn giúp mình, nhưng quả thực chỉ nhìn bằng mắt, chỉ bằng tay thì khó xác định, lúc gặp việc chẳng nhớ. Thế nên, phải cử trực tiếp người của trạm xuống đánh dấu. Câu nhắc “có việc xây dựng, đào bới gì lớn nhớ báo trạm” là câu nói thường xuyên của lính trạm khi gặp bà con.

Dân vận
Có những khó khăn khi kéo cáp, dựng cột không đến từ địa hình mà đến từ phía người dân. Những trường hợp này, đa số rơi vào các nhà mà trước đấy trong vườn nhà họ đã có trạm thông tin của các công ti viễn thông đặt sẵn trước. Họ được trả tiền cho việc đặt cột của các công ti nên khi bộ đội đến xin đặt cột dân họ thường hỏi có tiền không? Dù đã làm thông tin nhân dân từ trước, có sự kết hợp của địa phương, giấy tờ các ban ngành nữa mà nhiều khi họ vẫn không tin, nghĩ bộ đội thế này thế kia. Với những gia đình như vậy việc thuyết phục từ bộ đội là không đủ mà cần cả chính quyền lẫn sự tác động riêng lẻ bằng các mối quan hệ lên từng thành viên trong gia đình. Vậy mà cũng có lần thất bại đành phải kéo cáp vòng đường khác. Những lần như vậy thường anh em buồn đến cả tuần…
Thế mới thấy việc làm dân vận bao giờ cũng là nhiệm vụ hàng đầu của quân đội, chẳng cứ ở binh chủng nào. Ở Trạm thông tin QC3 và Q4 tôi đã được nghe câu chuyện về một người lính làm dân vận giỏi, dù chuyện xảy ra cách gần hai chục năm rồi mà đến giờ vẫn được người dân nhắc nhớ. Ông Bùi Xuân Thủy, người dân tộc Mường, sinh năm 1964, nhà tại thôn Khe Ngang xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, nhà ngay sau Trạm QC3 và Q4 kể. Năm ấy dân xung quanh này còn chưa biết trồng rau, như nhà tôi mấy đứa con vẫn ngày ngày phân công nhau lên rừng lấy rau dại về ăn, mà đất nơi đây tốt lắm, thế mà bao đời không biết. Khi ông Đông về, ông ấy cho bộ đội trồng rau, rau tốt, ăn không hết cho cả bà con ở ngoài. Bà con thấy bộ đội làm được mới hỏi thì bộ đội hướng dẫn, cho giống về trồng như cà tím, mướp, rau muống… các loại giống như rau cải, rau dền thì chỉ cho chỗ mua, làm đất, cách gieo, chăm bón. Thế là từ ấy nhà nào cũng có một vườn rau xanh tốt, không phải lên rừng hái rau dại nữa. Còn cấy lúa thì ông Đông ông ấy hướng dẫn chúng tôi nhổ mạ, hướng dẫn chúng tôi cấy sao cho thẳng hàng, chia con cho đẹp, ngửa tay cấy cho dễ. Con đường kia, ông chỉ tay ra phía đường bê tông dẫn vào Trạm, ngày xưa lúc nào cũng lầy lội, xe không thể vào, đến đi bộ cũng khó. Mà nó lại là con đường chính vận chuyển mía của bà con từ trong đồi ra. Xe ô tô thu mua không vào được đến bãi nên phải dùng xe bò, xe trâu chở mía ra ngoài quốc lộ. Mà chở ra đến giữa đường gặp suối Khe Ngang phải dừng lại, vác mía sang bờ kia, mất rất nhiều công sức. Khi làm xong đường, làm được cầu qua suối thì xe ô tô chở mía có thể vào tận sát chân đồi, bà con rất phấn khởi. Làm đường kinh phí Trạm bỏ, nhưng hỗ trợ san, ủi là toàn bộ bà con trong thôn. Rồi sau đó cứ hai ba tháng một lần bà con lại tự động đi vét rãnh một lần chẳng đợi nhắc. Việc giải phóng mặt bằng cũng diễn ra rất nhanh, nhà nào cũng sẵn lòng hiến đất để làm đường. Rồi điện bà con có để sử dụng cũng nhờ Trạm đấy chứ, từ biến áp của trạm bà con dẫn điện về công tơ nhà mình, đến tháng theo số ghi trên công tơ mà đóng tiền cho Trạm. Ngày lễ, ngày tết, ông Đông và anh em đều đến thăm hỏi. Vào năm học mới thì mua cho các cháu cặp, sách vở, bút thước. Mùa đông vận động quần áo ấm cho các cháu. Tôi vẫn nhớ như in, mẹ đẻ tôi cứ dịp gần tết là tự tay thịt con gà béo nhất trong vườn, nấu đĩa xôi đầy mời bằng được ông Đông lên nhà ăn cơm. Mà mời ông ấy lên nào có dễ, bận công việc cuối năm, rồi còn bao nhiêu nhà trong xã cũng muốn mời nữa. Tấm lòng bà con mà, chưa mời được “người trong nhà” mình lên ăn miếng thịt, uống chén rượu thì chưa yên tâm.
Quay trở ra Hà Nội, gặp Thượng tá Nguyễn Văn Đông, người mà ông Bùi Xuân Thủy ở thôn Khe Ngang, xã Minh Tiến, huyện Ngọc Lặc đã nhắc đến, khi hỏi về những tháng ngày ở Trạm Q3, anh bảo mình vẫn nhớ như in những cái tên của người dân trong thôn như nhà ông Nguyệt, anh Vĩ, anh Chiếu, anh Cường, anh Thủy… Nhớ những khi dê của Trạm xổng vào vườn ăn cây cối nhưng bà con không bắt đền hay trách cứ gì, chỉ nhắc “nay dê của Trạm vào vườn bà con đấy”. Nhớ những tải ngô, đu đủ, từng buồng chuối mà bà con mang lên Trạm cho các chú bộ đội. Nhớ những dịp giáp tết bà con trong thôn mời đến ăn cơm, chưa hết nhà này đã sang nhà khác, theo tập tục, đã đến là phải uống say, nhưng bà con thì lại ưu tiên cho bộ đội uống bao nhiêu thì uống. Nhớ cả những đêm bà con lên Trạm hát karaoke từ mùng 2 cho đến hết tết. Nhớ cả món ngóe ôm măng dù ăn không dễ dàng gì vẫn phải cố vì đó là tình cảm của bà con...
- Thế chuyện con đường thì sao? Rồi còn việc chia sẻ điện của bộ đội cho bà con nữa?
- Thì cũng xuất phát từ sự chia sẻ với bà con và cũng là đỡ vất vả cho bộ đội nhà mình thôi. Mình xuất phát từ cái tâm nên chắc chắn bà con, cấp trên sẽ ủng hộ. Việc chia sẻ điện cho bà con, tôi làm đúng quy định chứ không sai. Người lính nào ở hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm điều đó chứ chẳng riêng gì tôi.

Từ một góc bảo tàng
Tôi đã được xem những phương tiện truyền tin từ xưa đến nay như đốt lửa, đánh trống, đi ngựa, chim bồ câu, thổi tù và… đến những phương tiện mà chúng ta sử dụng trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây như máy vô tuyến, hữu tuyến tại Bảo tàng Bộ Tư lệnh Thông tin... Nhưng thật, tôi vẫn chưa hình dung được các khí tài hiện đại của Binh chủng Thông tin như thế nào khi mà quân đội ta xác định: Thông tin là một trong bảy binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Chỉ đến khi đến Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 139, được nhìn ngắm, chạm vào những phương tiện liên lạc như Viba, Vsat, Trunking, tổng đài điện tử kĩ thuật số, thiết bị thông tin quang, thiết bị thông tin truyền số liệu mới... thì quả thật mới thấy Binh chủng đã có bước tiến dài. Khí tài thông tin giờ có thể sánh ngang với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Nhưng dù phương tiện có hiện đại đến mấy thì nó cũng chỉ là phương tiện. Con người mới là yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi. Điều này được minh chứng qua thực tế chiến đấu, trưởng thành của quân đội ta. Khi mọi chiến thuật, vũ khí, khí tài vào Việt Nam đều được Việt hóa để thích nghi với địa hình, cũng như thực tế chiến đấu trên chiến trường. Những người lính luôn phát huy óc sáng tạo, mày mò, tìm hiểu, cải tiến trang thiết bị sao cho việc sử dụng được hiệu quả, đạt kết quả cao, phù hợp thực tế chiến đấu, huấn luyện của đơn vị mình. Điều này ở Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 139 có thể kể đến Trung úy Hồ Ngọc Bình, Trợ lí kĩ thuật, với mô hình “Kết nối thông tin bộ tổng trạm cơ động số 3”. Qua câu chuyện anh cho biết, việc sáng tạo mô hình huấn luyện xuất phát từ nhu cầu đơn vị, cũng như việc thực tiễn tiếp thu của chiến sĩ, khi mà tranh ảnh, sơ đồ thiếu sinh động, không kích thích được ham muốn học hỏi cũng như khả năng tiếp thu, thêm nữa việc giảng dạy cũng khiến giáo viên rất mệt, lích kích. Nay có mô hình thì việc giảng dạy trở nên dễ dàng hơn, các chiến sĩ cũng dễ hình dung ra mình học cái gì. Với thời gian ba tháng vừa sắp xếp hoàn thành nhiệm vụ đơn vị, vừa tranh thủ làm, nhiều khi quên cả về thăm người vợ mới cưới để nhiều khi vợ phải dằn dỗi: “Anh yêu mô hình hơn em” thì mô hình hoàn thành. Nhưng khó khăn không chỉ đến từ phía gia đình, mà nó còn đến từ những lần anh ngược đơn vị trở ra trung tâm Thủ đô mua linh kiện, vật tư, những thứ mà nơi Tiểu đoàn đóng quân không có bán. Anh không nhớ mình đã đi bao nhiêu cửa hàng tra được trên Google, từ Gia Lâm, Hoàng Hoa Thám, Cổ Nhuế, Lê Thành Nghị, Mai Dịch, Phan Đình Giót…, kể cả chợ Trời điện tử cuối phố Huế để tìm một linh kiện nhỏ. Rồi còn sẵn sàng chịu “chém” vì chẳng biết giá cả thực sự cho món đồ mình cần là bao nhiêu.
- Thế sao anh không mặc cả? - Tôi hỏi.
- Bảo mặc cả thì mình cũng chịu, ở cửa hàng họ bảo bán đúng giá, ra chợ Trời có lần trả nửa giá, một phần ba giá họ cũng bán, nhưng có lần họ nhất quyết không bớt một đồng. Tuy vậy, sau vài lần mình cũng tìm được mối quen. Biết mình là lính thông tin, thích tìm hiểu mày mò nên họ cũng quý. Có nhiều chi tiết điện giá trị không cao họ còn cho không. Lần làm mô hình sau chắc chắn việc đi tìm linh kiện sẽ dễ dàng hơn…
Khi bài viết này hoàn thành, tôi có gọi cho Lê Bá Khánh để hỏi thăm anh đang ở cung đường nào. Trong văng vẳng tiếng động cơ xe tải, anh bảo mình đang tiếp tục hành trình với công việc ở miền Trung, còn tết có về được không thì chưa dám chắc.
Vâng, những người lính thông tin, họ vẫn đi cùng những cánh sóng dù mùa xuân đang về trên muôn nẻo
7/1/2019
Đ.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)