Phàm cái sự văn chương, sống lâu với nó rồi mới bỗng ngộ ra một điều, thì ra những điều gì mình đã trải qua, đã sờ thấy, nhìn thấy, đã khổ sở vật vã thật sự với nó thì những con chữ viết ra phần lớn sẽ có hồn, dễ dàng, tuôn chảy; còn không, dù sức suy tưởng có sặc sỡ, phong phú đến mấy thì e rằng hồn vía, chữ nghĩa vẫn bợt bạt, rời rã thế nào.
Như những trang viết về chiến tranh, nếu bạn đọc ai đó cho rằng, lão này viết đúng là chiến tranh thật, máu ra máu lửa ra lửa, sinh tử sống chết cái gì ra cái đó đố có bịa được nhé, mà nếu lão không trải qua thì chưa chắc đã viết được những chi tiết nổi hằn nổi cộm sặc mùi trận mạc, nồng nã mùi diêm sinh trộn với xương thịt con người được như thế. Vâng, thì cũng coi như cám ơn về một nguyên lí sáng tạo mang thuần tính thủ công là cảm xúc và vốn sống, xong chả lẽ cứ cái gì không trải qua, không thẩm thấu thì cấm có viết được à? Thế cụ Lev Tolstoy vĩ đại thì sao đây, cụ viết tuyệt phẩm Chiến tranh và Hoà bình sau trận Borodino những nửa thế kỉ, có trải qua gì đâu mà vẫn cứ là trái núi sừng sững trên bầu trời văn học của loài người, đã có ai vượt qua được đâu? Khó rồi, cái này là lại động chạm đến tài năng thiên bẩm rồi, miễn bàn ở đây bởi càng bàn càng rối, càng lạc vào rừng rậm mà không thoát vùng ra nổi.
Tốt nhất là quay trở lại cái hạt cát là mẩu truyện Mất bé tí tẹo này. Trước Mất, cũng xin cho tôi khoe một chút là có một mẩu truyện khác có cùng liên quan đến vốn sống là Con tôi đi lính, cái mẩu mà tôi gần như hoàn toàn viết thật về cậu con trai duy nhất và độc nhất của tôi đi bộ đội. Hầu như cảm xúc tan hoang, trống trải, giằng xé hiện lên thế nào là tôi ùng ục viết ra đúng như thế mà không cần phải bịa tạc, phải hư cấu thêm bất kì một chút nào hết. Vậy mà không hiểu sao, khi truyện ra đời, không ít bạn bè nói rằng đây là cái truyện thích nhất, thật nhất, đọc rồi phải đọc lại, đọc xong chẳng ai cầm được chút rưng rưng xúc cảm, mà lại là một mảng đề tài rất khó viết, khó hay là mảng đề tài lính trẻ hôm nay. Vâng, tất cả là ăn ở những chi tiết mà đúng là không nếm trải thì rất khó lòng nghĩ ra được, cho nên dù muốn hay không, vẫn có thể kết luận, vốn sống, cảm xúc là cái quan trọng nhất, sau đó mới tính đến nghề văn, ý văn. Có nghề có ý mà không có hồn thì càng uốn éo, càng nống lên, càng tỏ ra cao siêu kĩ thuật thì lại càng đuỗn ra, nhạt hoét. Mà ở đời cái gì nhạt còn khả dĩ, văn chương chữ nghĩa mà nhạt thì bốc mùi mốc thếch, tanh lợm không tài nào chịu nổi.
Ngược lại cũng thế, có cảm có vốn mà thiếu nghề thì lại còn tai hại không kém. Nhớ cuốn tiểu thuyết đạt đến độ kinh điển của văn học Pháp ở thế kỉ XIX Papillon - Người tù khổ sai mà giật mình. Một phạm nhân sau cả cuộc đời tù tội, khi được thả ra, đi qua hiệu sách thấy thấy cuốn tự truyện của một ả điếm giang hồ đã hoàn lương đang bán chạy như tôm tươi, mang về đọc, cười nhạt, chuyện đã có gì, mỏng toẹt mà sao được hâm mộ thế, đời mình còn thăng trầm, trồi sụt, hấp dẫn hơn nhiều. Thế là đóng cửa bắt tay vào viết. Vốn sống, cảm xúc cứ đùn ra đầy bàn thế này kia mà, chắc chỉ ngoáy thốc vài tháng là xong, mẹ, còn bán chạy gấp mười, chờ đấy! Nhưng lạ quá, vốn sống, cảm xúc nó chỉ tứa ra đến đầu ngọn bút là vón cục, kẹt cứng, không cách nào chảy được xuống trang giấy. Làm đi làm lại cả chục lần cũng vậy. Cuối cùng, điên giận, xé nát, ném tất cả vào sọt rác rồi hôm sau cạy cục đi tìm một nhà văn thời thượng chấp bút cho. Thế là cuốn tự truyện ra đời, ra cả phim, làm nên một sự kiện văn chương độc đáo, sốt xình xịch thời ấy.
Vâng, xin lỗi tôi lại lan man rồi! Bởi chưng bản chất của văn chương vốn dĩ là rất lan man, thứ lan man có dụng ý để chuyển tải ý tưởng đến bạn đọc. Cũng như cái truyện Mất dưới đây, lan man lắm, lan man, vặt vãnh đến nỗi tôi đã quên béng, quên như những trang viết không dính dáng gì đến văn chương mà nếu không có con mắt xanh của các vị biên tập ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội bảo tôi tìm lại để đăng thì có khi tôi quên béng đến cuối đời luôn. Cũng phải lục tìm đến nửa ngày trong kho lưu trữ mới nhếch nhác, méo xẹo lòi ra. Và đọc lại, bỗng ngẩn người, chết cha, những con chữ của mình đây à? Mình viết bao giờ ấy nhỉ? Có đúng đã có thời kì mình viết ra nó không? Văn mình hồi ấy nó đơn giản, thật như đếm vậy sao? Nhưng mà cuốn hút phết. Thì chuyện với trò có cái gì đâu? Chỉ loanh quanh chuyện thằng con sơ ý bị đánh mất hết cả giấy tờ trong cốp xe, cái khoản giấy tờ thời bao cấp thủ tục quá đỗi nhiêu khê mà mất thì coi như thảm họa, có khi phải vài tháng mới làm lại được. Thế là thằng con, do đang học ở Học viện Tình báo Quân đội nên thằng bố phải đi tìm. Tìm như mò kim đáy bể, tìm tất cả những cung đường nó đã đi qua, tất cả những cây xăng nó đã đổ, những quán xá nó với cô bạn gái đã ghé vào… Song vẫn biệt vô âm tín. Biệt tín nhưng qua các chặng đường đi tìm, các tính cách người, các hoàn cảnh sống, các góc khuất nhá nhem, các diện mạo xã hội bất giác hiện về rất rõ nét cả cái tốt lẫn cái xấu, cả điều cay đắng lẫn điều ngọt ngào, cả thứ vô cảm đến thứ hữu cảm một cách mặc nhiên không tự biết.
Đang tuyệt vọng thì từ đơn vị nó điện về bảo có một người báo tin đã nhặt được đang cư ngụ ở phường này, quận này, tên là… Mừng như bố sống lại, vội phóng đến, nhưng vẫn là chữ nhưng ngáng ngang mặt, mất cả một ngày ròng rã mà vẫn công cốc không ra được một địa chỉ nào cả. Hay thằng con báo địa chỉ sai? Hỏi lại, nó nói hoàn toàn đúng, sai sao được ạ?
Thế là một trời hoài nghi xám xịt ập xuống đầu. Xấu, xấu xa quá! Cái đứa bắt được hoặc cố tình ăn cắp được mớ giấy ấy nó đểu rồi, lừa rồi, gài bẫy để mình phải đau đớn, phải đợi chờ, phải uất ức mà sẵn sàng nôn thật nhiều tiền rồi mới oẹ ra cái địa chỉ chính thức đây. Khốn nạn, thời buổi đói nghèo, con người đối xử với nhau sao lại có thể lưu manh, cạn tình ráo máng thế? Thật chả bù với ngày xưa, thời còn bom đạn, tuy khó khăn gấp ngàn lần nhưng tình người với nhau vẫn ăm ắp lắm kia mà. Thoáng một chút nhức nhối từ đáy sâu lòng dạ nhen lên theo đám bụi đường đỏ đục, nếu hàng núi xương máu đổ xuống để có ngày thới hoà hôm nay nhưng lòng người lại quá chừng nhem nhuốc thế này thì cái xương máu đó đổ xuống đó để làm gì? Mà đấy chỉ là ba cái mớ giấy tờ lặt vặt chứ mở rộng ra trên cả địa hạt kinh tế, chính trị, văn hoá… nữa thì cái nhếch nhác, vụ lợi này sẽ dẫn xã hội, dẫn con người đến miền trí trá nào?
Cá chuối đắm đuối vì con. Tuổi già bắt đầu lẩn thẩn, sớm nào cái thằng tôi, tác giả truyện này cũng tự pha một ấm trà vừa gãi đùi cành cạch vừa ngồi nghĩ tung toé như cái lão chớm mắc bệnh thần kinh. Để rồi quyết định bừa như cái anh cố cùng không còn lối thoát, thôi, không tìm mẹ gì nữa, cũng không làm lại luôn, người ta bắt chết mình à, và cũng quên cha nó cái địa chỉ khốn kiếp kia đi, còn lâu nhé, còn lâu bố mới chịu rơi vào cái bẫy lừa đảo của chúng mày nhé!
Ấy vậy mà đúng vào cái lúc con người trở thành cùn nhụt nhất ấy thì có một người cựu chiến binh làm nghề chạy xe ôm thình lình đến nhà… Và thế là mọi chuyện vỡ ra ngoài cả sức hư cấu khi trên tay anh cầm đúng mấy cái giấy kia với sự thật thà, ngơ ngác đến không thể ngơ ngác hơn.
Chuyện chỉ kết ở đó, nhẹ nhõm, đơn giản dẫu rằng bước đường đi tìm của mất lại quá đỗi gian truân, giằng xé để rồi bỗng thấm thía ra một điều mà không hề nằm trong thi pháp hay chủ đích tác giả, đó là dù trong hoàn cảnh nào, dù đen tối nhất, xung quanh ta vẫn còn có nhiều người tốt, nếu không thì xã hội này xô lệch lâu rồi.
Mẩu truyện được viết liền mạch sau đó chỉ một đêm, giống như truyện Con tôi đi lính cũng chỉ nghí ngoáy trong vòng bốn tiếng, viết như giãi bày, viết như thổ huyết, không lớn tiếng cao giọng, không triết lí triết luận cao siêu, không làm duyên làm dáng, thấy gì kể đó, kể như không, kể thứ tự theo chiều diễn biến, không cắt dán, không ẩn mờ, cũng chẳng phục hiện rối tinh vậy mà… Hình như đọc cũng không đến nỗi, có văn vẻ, mở nút, thắt nút, có kịch tính, có tâm trạng nội tâm đàng hoàng, lại giống như một tiếng thở phào mang sắc thái nỗi niềm được trang trải.
Đó chính là món quà nhỏ mà cuộc sống tặng cho kẻ cầm bút. Và chính sự vận hành trăm nẻo của cuộc sống sẽ cho anh các ý tưởng, câu chữ, hồn văn chứ không thể là cái gì khác.
Mười năm cầm súng, hơn bốn chục năm cầm bút, có lúc đã thấy nản, thấy đầu óc rơ rão, thấy cảm xúc đã vón cục, thấy cánh rừng chữ nghĩa nghiệt ngã đã dần dần bỏ xa mình nhưng thi thoảng đọc lại của bạn bè, của chính mình những tác phẩm xa xưa ấy lại thấy nhựa sáng tạo rục rịch sủi tăm sống dậy như một hoài niệm ngọt lành, một cảm hứng thanh sạch vẫn nằm đâu đó trong đáy sâu tâm khảm mà không thể mất. Cái cảm hứng thần thánh không có gì khác là do chính hơi thở nhân dân cần lao, do chính cuộc sống nồng nã, quá đỗi xô bồ tạo nên mà cái chính là anh có chân thành tiếp nhận nó.
Như cái mẩu truyện bé tí này đã được các biên tập viên Tạp chí người lính có lòng khơi lại.
Nhà văn CHU LAI
Mất
Mất! Vâng, tôi không dám nói về một phạm trù mất mát gì lớn lao thuộc về số phận con người, số phận dân tộc trong thiên tai hay địch họa cả. Bởi đây chỉ là một cái mất quá ư thường tình, một cái mất ai cũng có thể mất, ai cũng đã từng mất một lần trong đời. Đó là mất giấy tờ. Thằng con tôi đã đánh mất toàn bộ giấy tờ xe máy, giấy tờ tuỳ thân của nó.
Mà làm sao trong cuộc đời vốn lắm nỗi bực mình, riêng cái chuyện xe pháo này tôi đã phải chịu hai lần bực mình rồi. Cái bực thứ nhất là mua phải con xe chả ra làm sao. Nói là mác Nhật, đồ xịn Nhật từ trong ra ngoài, từ đầu đến cuối đàng hoàng nhưng khi về nhà, đem ra thợ bảo dưỡng mới vỡ lẽ ra chỉ có một nửa là Nhật, nửa kia, nửa quan trọng nhất lại toàn là cái anh Trung Quốc. Coi như mất nửa tiền. Đau hơn hoạn. Nhưng xe mua ngoài chợ, cá biển chim trời, làm sao có thể đòi bồi hoàn, chả lẽ lại mang cái thân già đầy bệnh tật này ra giữa chợ tỉ thí một phen cho trắng đen rõ rệt? Cuối cùng chỉ còn nước vợ cằn nhằn chồng là ngu ngơ, là đã từng bắt bớ băng cướp này băng buôn lậu nọ, đã từng chỉ huy cả trăm người xông pha nơi biên thùy hải đảo để rồi có cái xe ranh cũng bị nó lừa. Đấng trượng phu giữa trời đất ai lại đi cãi nhau tẹp nhẹp với đàn bà, đành cằn nhằn lại con là chỉ tại nuông chiều mày, mới đi lính được có vài ngày đã nằng nặc đòi mua xe máy, tiền của cả chục năm chắt bóp mới dành dụm được bây giờ để cho nó... lừa (lại câu của mẹ nó) trắng mắt, sao mày không nhìn thằng bố mày đây này, cả đời toàn đi bộ hay đạp xe cọc cạch có chết ai đâu, hả?
Thằng con hai mốt tuổi, cao một thước bảy lăm, mặt toàn mụn trứng cá bị mắng chỉ ngồi im lìm như sắp hành quân xa. Mà nó lại sắp đi xa thật. Lâu lâu mới tranh thủ về được nửa ngày, có cái xe để nó nhảy lên đi thăm hết bạn bè cho đỡ cuồng cẳng hoặc vi vu chở mẹ nó đi thăm bên nội bên ngoại một chập rồi lại tất tả vào đơn vị, sướng nỗi gì mà mắng. Mà Trung Quốc thì đã có sao. Cũng là bè bạn, cũng là cường quốc kinh tế, có phải bùn cả đâu mà hắt nước đổ đi. Biết đâu cái giống xe pháo, thứ này đi với thứ kia lại càng bền, như vũ khí Liên Xô đi với quân phục vải Trung Quốc, đã chả đánh nhau được cả đời sao. Thế rồi chuyện cũng qua trong sự liên tưởng mang ý nghĩa hết sức chiến tranh như vậy.
Nhưng đến cái bực thứ hai thì lại bực quá! Thằng con trước khi vào đơn vị có mươi phút mới thông báo một câu xanh rờn: “Bố ơi! Con đánh mất hết giấy tờ rồi!”. Hả? Giấy tờ nào? Giấy tờ gì? Sao lại mất? Có đúng mất thật không? Đã tìm lục kĩ chưa?... Một đống câu hỏi bục ra như vãi trấu khiến nó quắt cả lưỡi lại: “Dạ... Mất hết ạ! Giấy đăng kí, giấy phép lái xe, giấy chứng minh, giấy ra vào doanh trại, giấy...”. Trời ơi! Một con người tồn tại trong cuộc đời sao lại cần đến nhiều giấy như thế cơ chứ! Nhưng mà mất như thế nào? Mất ở đâu? Mất trong trường hợp nào?... Lại một sự vãi trấu nữa. Con... Con cũng không biết. Con chỉ nhớ đã để nó trong cốp dưới yên... Sao lại dưới yên? Túi tắm đâu mà lại dưới yên, thằng ngu! Con... Sợ để túi quần nó bị quăn. Quăn à? Quăn còn hơn mất. Thế mày có mở yên ra để rửa xe lần nào không? Có nhưng... Nhưng gì? Thế trong cốp có khe kẽ gì có thể lọt qua được không? Con... Thế mày có theo bạn theo bè vào quán xá nào không? Con... Thế mày có mở ra để đổ xăng không? Con... Biết là hỏi chỉ để mà hỏi chứ cái mặt xanh lét thế kia thì còn nhớ nổi ra điều gì nữa. Thế mày định thế nào? Mày định cứ thế trần trụi đi trên đường phố, trần trụi vào đơn vị để người ta bắt phạt, bắt làm kiểm điểm è cổ sao? Tất nhiên là nó lại im thít. Cuối cùng mẹ nó, một người đàn bà chưa hề đánh mất cái gì bao giờ, kể cả cái thứ dễ mất nhất là chồng lại là người giải toả tình thế một cách khá uyển chuyển: “Ông hỏi như hỏi cung thế, đến kẻ thù nó cũng phải mất mật chứ chưa nói đến con. Còn mấy phút đồng hồ nữa, ông cùng với con thử đi lại tất cả những chỗ nó vừa nói hỏi xem. Biết đâu...”.
Thì đi! Nói chung trong những rắc rối đời thường, đàn bà với bản năng giới tính rất ư là mềm mại thường bao giờ cũng bình tĩnh hơn. Nhưng trước khi đi, bảo nó mở yên xe xem có lòi ra cái khe cái kẽ nào không đã... Hoàn toàn không! Kín bưng như quan tài đen, đến con gián cũng chả lách qua nổi chứ đừng nói đến cả một tệp giấy dày cồm cộm.
Hồi hộp tìm đến nơi rửa xe ở một góc phố vắng. Câu trả lời rất gọn dưới cái mũi đỏ tía: “Làm gì có. Nếu có, chúng cháu đã gài lại rồi”. Nhưng... Cũng có thể các cháu quên? “Không ạ! Mà nếu có quên thì nó vẫn còn ở đây ạ!”. Đến chỗ đổ xăng. Lại hồi hộp và hi vọng: “Các chị ơi, cách đây khoảng... Khoảng mấy giờ, thằng kia!... Vâng, cách đây khoảng hai tiếng, các chị có thấy ai nhặt được một túi giấy tờ xe ở đây không ạ?”. Chả cần hỏi nhau, một giọng con gái cất lên ráo hoảnh như nứt khô ruộng cạn: “Không có đâu bác ạ!”. Các chị thử cố nhớ lại hộ tôi xem! “Ơ, cái nhà bác này buồn cười nhỉ! Nếu có thì chúng tôi giấu bác làm gì”. Vâng, chả là... Xin lỗi. Lại hối hả đến một quán bia sặc sụa khói thuốc và chật ních những khuôn mặt người đỏ vang, nhầy nhậy. Đấy, lại còn bia bọt nữa kia đấy. Bộ đội rồi là phải tập nếp sống cho giản dị, nếu có thèm thì mua về nhà mà uống. Quân nhân ai lại uống đường uống sá thế này bao giờ. Vào hỏi đi! Hỏi kĩ từng bàn, hỏi nhanh nhanh lên, sắp đến giờ xe chạy rồi. Nó cun cút vào... Lạy trời, đây là tia hi vọng cuối cùng, trời đừng bắt nó lại ra tay không. Một phút... Hai phút... Ba phút trôi qua. Sao lâu thế nhỉ? Hay là có mà người ta bắt chuộc? Thì chuộc. Chuộc bao nhiêu cũng được con trai ạ, chứ không, phải làm lại cả đống giấy tờ thế này thì bố đến đi nằm viện mất. Đến phút thứ tư thì nó đi ra. Trời ạ! Chỉ cần nhìn bộ dạng như cái thằng chuyên đái tháo đường thế kia là biết hỏng ăn rồi. Về! Về, không muộn giờ vào đơn vị lại còn khốn nạn hơn. Đã thấy cái tính vô tích sự của mày nó tai hại thế nào chưa? Đã bảo những thứ đó là vật bất li thân, phải giữ gìn như giữ chính linh hồn của mày, vậy mà... Tưởng mày đi bộ đội thì... Bị mắng giữa chỗ đông người, thằng bé chắc bị chạm nọc, lần đầu tiên mở mồm vặc lại: “Thì bố cứ mặc con. Cuối năm nghỉ phép, con sẽ lo hết mọi chuyện, bố cứ làm như quân bin Laden sắp đánh bom đến nơi rồi không bằng”. Chứ lại không bom à! Còn hơn cả bom ấy chứ... Đã định quát lại nhưng chợt nhớ nó đang mặc bộ quân phục nên đành bấm bụng nhịn.
Chiều muộn, nó nhảy lên xe hàng đi rồi mới bỗng thấy thương. Khổ! Chỉ một lần đểnh đoảng mà ra vậy chứ nó có muốn thế đâu. Ngày xưa bố nó đánh mất cả chiếc xe đạp phải mong đợi gắp thăm tới trăm lần mới được phân phối của ông nội nó mà ông nội nó chỉ cười nhạt, nhìn nhạt một cái rồi thôi. Nhưng dẫu sao chuyện cũng đã xảy ra rồi, giờ phải tính thế nào cho thuận nhất đây? Hàng trăm giả thiết, hàng chục câu hỏi xoay như chong chóng trong đầu. Liệu có người nào tốt bụng chẳng may vớ được đem trả lại không? Thế thì còn nói làm gì. Nhưng nhỡ không ai trả? Thậm chí thấy trong đó chẳng có đồng cắc nào, không những không đem trả mà lại còn vất bố nó xuống cống xuống rãnh hay thùng rác thùng rưởi thì coi như xong. Xong hẳn. Chỉ còn cách là làm lại từ đầu. Mới nghĩ đến nước ấy là đã nhợn da gà. Tiền nong lệ phí đáng kể gì, nhưng với bốn loại giấy, loại nào cũng phải mất ít nhất đến cả tuần đi lại, khai báo, dấu má xác nhận đấy là chưa nói đến riêng cái anh chứng minh thư có khi người ta hành phải đến hàng tháng, vừa hành vừa mắng chứ chỉ có hành không đã sướng thì quả là khủng khiếp không chịu nổi! Mất kia mà. Mất còn khốn nạn hơn làm lần đầu. Thủ tục hành chính nó thế, có chạy trời cũng không khỏi nắng. Còn bà, sao bà chả mở miệng ra lấy một câu như thế? Chuyện này chỉ là chuyện của riêng hai bố con tôi chắc. Đã bảo thằng bé cứ về nhà là thích diện áo phông, bà nhớ khâu lận vào trong áo cho nó cái túi để đựng mà bà có nghe đâu. Tôi khâu rồi chứ chả cần chờ đến ông phải bảo nhưng khâu vào nó lại tháo ra, làm sao tôi khâu mãi được.
Thế là im. Vợ chồng già về hưu, con cái lại đi vắng cả, chuyện trò cứ chủng chẳng như nhai cám, chả buồn nói nữa. Nhưng vẫn cứ phải nói. Hay là ta nhờ người đi đăng báo hả bà? Đại khái: Tôi là... Vào ngày, tháng, năm... Tôi có vô ý đánh rơi một số giấy tờ tại... Nếu ai nhặt được, vợ chồng chúng tôi xin hậu tạ. Bà thấy thế nào? Chả thấy thế nào cả. Thì ông cứ chờ vài ngày xem sao đã, có phải đi bắt ma tuý đâu mà ông cứ sốt sột lên như thế. Mà đăng báo thời buổi này ai xem, người ta chỉ dán mắt vào ba cái vụ án đâm nhau chém nhau hay thời trang hở đùi hở vế chứ ai lo xem cái mục mất giấy mất tờ hộ ông, tổ phí tiền. Nói năng cấm cảu như đấm vào tai vậy nhưng có phần đúng. Thì chờ. Mất giấy chứ có phải mất người đâu mà cuống.
Một tuần trôi qua. Vẫn tịnh không có một dấu hiệu nào gọi là khả dĩ. Như bị ma ám, tôi lại lọc cọc đạp xe đi khảo sát lại tất cả những điểm thằng con đã dẫn đi tuần trước. Vẫn thế. Có khi còn bị lạnh nhạt, gắt gỏng hơn. Đang chưa biết tính sao thì trời ơi, may quá, một buổi tối thằng con bỗng điện về: “Con tìm thấy rồi. Có người đã nhặt được. Họ ở Minh Khai, Liêu Xá, tên là Tùng Hải. Nếu bố rỗi, bố đi nhận cho con, không thì chờ tháng sau con về”. Thế hả con. Đúng như vậy hả con. Tốt quá rồi. Ngay sáng mai bố sẽ đi. Bài học xương máu đấy con nhé! À, nhưng mà sao họ lại biết mà gọi? Ừ, phải rồi, bố ngu, trong giấy có tên đơn vị, họ sẽ hỏi ra. Tốt rồi. Thật là may quá! Sướng như mở cờ trong bụng, bao nhiêu nỗi bực giận bay đi cái vèo, bay nhanh đến nỗi quên béng mất không hỏi nó một điều cốt lõi: Minh Khai là Minh Khai gì? Liêu Xá là phố, là ngõ, là cửa hàng hay là nhà? Còn Tùng Hải là sao? Tên một người hay tên hai người? Mà sao người ta không cho cái số điện thoại? Nghĩ ra được thì đã khuya. Gọi điện hỏi lại, anh trực ban hay trực chỉ huy gì đó ở đầu dây bên kia giọng hơi sẵng: “Đồng chí biết bây giờ là mấy giờ rồi không mà còn điện! Mai!”. Hơi tẽn nhưng cười. Bộ đội người ta phải thế chứ, điều lệnh giờ giấc là cứ phải quy lát mới có sức mạnh. Thì mai. Vâng, mai, thưa đồng chí đại úy!
“Hôm ấy con ra thao trường, người trực ban chỉ báo lại như thế bố ạ!”. Sáng hôm sau thằng bé trả lời qua điện thoại như vậy. Chỉ có thế thôi ư? Con hỏi lại kĩ càng chưa, biết đâu cậu ấy nhớ thêm được tí gì. Con hỏi rồi, còn đãi cả một chầu bia nữa nhưng anh ấy nói họ chỉ dặn lại đúng như thế, không thiếu không thừa một từ. Thế à. Không sao. Bố sẽ tìm được. Ngày xưa giữa đất trời mênh mông, cái đồn giặc bé như mắt muỗi mà bố còn tìm ra nữa là... Con yên trí đi! Chuyên tâm vào tập luyện đi!
Nhưng mọi sự lại không yên trí được như vậy. Suốt một ngày nắng nôi ròng rã, tôi đã đạp xe qua lại dọc con phố Minh Khai tới cả vài chục lần, lần nào ra lần ấy, không bỏ sót một ngôi nhà, một biển hiệu, một ngõ ngách nào, lẩn mẩn hỏi tới hơn chục người già có trẻ có, kể cả rúc đầu vào đồn công an này, uỷ ban phường nọ... Nhưng ngoài cái tên Minh Khai ra, không một ai biết Liêu Xá là chỗ nào hết. Liêu Xá đã không thì cái tên Tùng Hải làm sao có được. Một cái gì na ná như Hùng Hải, Hải Tùng hay Hùng Tùng... Gì đó cũng chẳng có nốt. Xẩm chiều, vừa chán vừa mệt, tôi thất thểu đạp xe về. Về trong sự bực giận lại nhen lên cùng với cát bụi cuộn lên từ sau đít xe: Mày vẫn đểnh đoảng! Cái đểnh đoảng của mày lại làm khổ bố một lần nữa rồi con ạ!
Về nhà, nằm thượt, vợ gọi ăn cơm cũng không dậy. Sao lại có thể thế được. Chỉ có thể là mình tìm chưa tới, chưa biết cách tìm. Lóe lên một suy nghĩ: Thời đại điện tử phải tìm bằng điện tử chứ ai lại dùng sức thủ công. Vội ngồi dậy, bốc máy điện thoại hỏi tổng đài 1080. Chị ơi, ở Minh Khai từ trước đến nay có cửa hàng nào, có cái ngõ nào là Liêu Xá mà bây giờ họ đã đổi lại không? Lạch xạch, tút tút một chút rồi một câu trả lời ngọt đến xương tuỷ: “Không có chú ạ!”. Thế có thể cho biết số máy điện thoại của tất cả những người có tên là Tùng, là Hải hay là cả hai Tùng Hải ghép lại không ạ? Lại lạch xạch, tút tút lâu hơn rồi một xâu một chuỗi những con số tuồn ra, tuồn ra cả trang giấy, tuồn ra đến nỗi không còn ghi kịp nữa... Tạm xong, thở hắt một tiếng, kiếm một thế ngồi thật vững rồi bắt đầu một cuộc gọi mang ý nghĩa tổng đài, gọi tách từng số. Anh ơi... Chị ơi... Có phải nhà anh Tùng hay nhà chị Hải đấy không ạ? Vâng, không phải ạ, xin lỗi. Rồi lại anh ơi, chị ơi, có phải đây là nhà anh Hải, chị Tùng không ạ? Vâng, không phải ạ, xin lỗi. Và cuối cùng: Chị ơi, anh ơi, có phải đây là nhà anh chị Tùng Hải hay Hải Tùng không ạ? Vâng, không phải, rất xin lỗi. Tất nhiên cũng có vài lần đầu dây bên kia nói phải, mừng đến líu cả giọng. Xin lỗi, hỏi khí không phải, tuần trước chị có nhặt được một cái giấy xe... Chưa nói hết đã nghe: Giấy xe nào? Ai nhặt được. Ông có bị thần kinh không đấy? Vâng, xin lỗi, tôi nhầm. Định nói tôi thần kinh, tôi đang thần kinh đây, muốn gì, nhưng lại thôi. Bị hỏi ngang hông như truy trộm như thế đến Bụt còn nổi đoá chứ nói chi đến người.
Và sẽ còn tiếp tục truy lùng những tên tuổi xa lạ trên sóng thông tin đó nữa, truy lùng đến sáng, truy lùng đến kì ló ra thì thôi nếu như bà ấy không nằm trong màn nói hắt ra: “Ông biết ông gọi bao lâu rồi không? Cả hai tiếng đồng hồ rồi đấy. Tháng trước tiền điện thoại chả gọi gì cũng mất tới gần hai trăm”. Hai trăm chứ hai triệu cũng phải gọi, đàn bà biết gì, nằm im đấy, sốt ruột! Định phun cả khối cáu sườn vào câu quát ấy nhưng rồi chợt nghĩ thấy cái sự gọi này nó tốn kém, nó lung bung thật, lung bung như một trời sóng điện đang rối nhằng trên kia nên đành thôi. Dạo này về già, tự dưng hai tiếng “đành thôi” đầy vẻ nhẫn chịu cứ hay bị tuồn ra đầu lưỡi đến lạ! Nhưng thôi cái này, cái kia sao thôi được? Lại một đống giả thiết, một đống những câu hỏi đốt nhoay nhoáy trong đầu. Có thể họ cho địa chỉ sai mà cũng có thể cậu trực ban nhớ sai nhưng sĩ diện không chịu nhớ lại. Nhưng dù sao họ cũng đã gọi, tức là cuối đường hầm cũng đã có chút tia sáng. Nán chờ. Đã gọi rồi, không thấy đến, chắc chắn họ sẽ còn gọi nữa. Kìa, bà này, nằm lùi vào! Chưa chi đã ngáy. Đúng là đàn bà, chả biết lo biết nghĩ gì cả. Bà thử một lần chạy giấy chạy tờ cho nó như tôi xem có nằm đấy mà ngáy được nữa không. Đấy, lại ngáy...
Minh họa: Lê Anh Vân
Nhưng rồi một ngày, hai ngày, ba ngày... Một tuần... Gần hai tuần nữa thắc thỏm trôi qua nhưng vẫn chưa thấy thằng bé báo về có tin gì mới. Vậy là thế nào nhỉ? Hay chỉ là tin bịa mà cái tay trực ban đó chơi khăm thằng bé? Bậy nào! Lính với nhau cả, ai lại chơi ai như thế. Hay là cái nhà Tùng Hải kia thấy gọi không đến, sinh tự ái mà bỏ mặc cho biết thân. Bà này, hay là ta nhờ truyền hình họ nháy cho mấy chữ, thời buổi sóng hình đang làm chủ mọi phương tiện thông tấn, cứ nháy vào cái anh này là chắc ăn nhất. Tôi nói bà nghe kịp không? Thì ông đi nháy ngay đi, để lâu cứt trâu hoá bùn. Lần đầu tiên bà vợ tỏ ra sốt sắng mặc dầu vẫn cố hỏi thêm một câu: “Nhưng nháy thế... Có tốn nhiều tiền không hả ông?”. Lại tiền! Chán, tôi ngồi dậy pha trà ngồi uống một mình cho đến sáng. Vấn đề bây giờ không hẳn chỉ còn là vấn đề giấy má nữa mà nó đã nới rộng đường biên sang chuyện con người hành xử với con người. Con người tại sao lại nỡ cho nhau một cái địa chỉ mù mờ làm khổ nhau như thế.
Để dự phòng theo kiểu hình thành phương án tác chiến lộ mật, trước khi đến truyền hình, thử làm một cú trinh sát qua các điểm có liên quan đến việc làm lại giấy tờ xem sao. Biết đâu là nó có thể cũng rất dễ chịu... Nhưng không ổn! Rất không ổn! Nguyên đứng đọc thể lệ với hàng chục hàng trăm đề mục lớn nhỏ khác nhau thôi là đã hoa mày chóng mặt lên rồi nói chi đến trực tiếp tiến hành. Chỉ còn duy nhất một cách là nháy, nháy cật lực, nháy vài lần liên tục như kiểu người ta nháy cái thứ băng vệ sinh Softina trên màn hình. Nháy và chờ. Đến nước ấy mà không xong thì đành chịu, chờ nó về nó tự lo chứ bố nó vốn xưa nay là rất dị ứng với các loại thủ tục giấy tờ. Kể cả giấy tờ kết hôn, mối mọt ăn sạch bách cả rồi nhưng ngại, đã bao giờ có ý định xin lại đâu. Mà có tính li hôn đâu để xin lại.
Nhưng mọi dự đoán sôi sủi đã hoàn toàn bị chặn đứng ở ngay trước cổng đài truyền hình bởi câu nói rất ư là sành sỏi của một vị xe ôm có mái tóc đầu đinh cùng ngồi chờ uống nước sau khi đã nghe thủng câu chuyện: “Bố già rơi vào bẫy của nó rồi bố già ơi!”. Bẫy! Ai bẫy? Chả lẽ truyền hình của nhà nước mà cũng có bẫy à? Một tràng cười bắn cả vụn kẹo lạc ra ngoài miệng: “Ai nói truyền hình, bố mà vu thế có ngày con chết sặc gạch. Nói là nói cái thằng nó chủ móc giấy tờ của bố kia”. Chủ móc? Rơi chứ có ai móc đâu. Lại một tràng cười nữa. Lần này là vụn bã chè. “Thế thằng con quý tử của bố có đổ xăng, có rửa ráy gì không?”. Có. “Thế thì trúng phóc bà lang trọc rồi. Những chỗ đó bao giờ cũng có mấy đứa lảng vảng. Chỉ cần nắp yên kệnh lên như cái giống đàn bà kệnh mông lên một tí là xong béng. Giấy tờ chứ đến tiền nong, tài liệu cũng xong béng”. Thế à?... Nhưng nó lấy làm gì? Toàn những thứ không dùng, không tiêu được cả. Thế bố mới chết, mới ra tiền”. Tôi... Tôi hiểu. Tức là họ muốn chuộc lại? “Thì vưỡn!”. Nhưng muốn chuộc tại sao họ lại cho nhầm địa chỉ? “Không nhầm đâu. Địa chỉ giả đấy. Giả để bố phải đi tìm. Càng tìm càng không thấy lại càng lao đi tìm như con bạc khát nước, tìm đến khi nào bố thấm mệt, bố điên đầu, bố chửi toáng lên rằng thà mất mẹ nó tiền trăm tiền triệu còn đỡ khổ nhục hơn thì chính lúc đó nó sẽ cho bố địa chỉ thật và khi ấy, nó hét bao nhiêu bố chả sẵn sàng chịu bấy nhiêu theo giá trị từng loại giấy. Ví như loại tài liệu mật, loại chứng từ tham nhũng, loại bút tích ngoại tình..., cần bỏ thì hàng trăm triệu cũng bỏ. Công nghệ đánh đòn cân não đấy bố ạ! Bố về nghỉ cho khoẻ, đăng truyền hình chỉ mất tiền toi”.
Đúng là vừa bị ăn một gậy chí tử vào não thật. Trời ơi! Chả lẽ đời nó lại chó má như thế, chả lẽ con người lại có ngón nghề lưu manh hạ đẳng đến thế. Vậy thì còn tin được cái gì, tin được vào ai trong cõi hỗn mang chuyên lừa nhau, ăn thịt nhau ghê tởm như thế này nữa cơ chứ. Không tin ngay vào cả cái miệng trống hoác của gã xe ôm nói chuyện bẩn thỉu mà cứ tởn lên như kể chuyện hội làng kia nữa. Mà... Mà có khi chính gã là cái thằng móc trộm cũng nên.
Đêm hôm đó, cả hai vợ chồng đều không ngủ được. Đau vì mất giấy tờ thì ít, đau vì nhân tình thế thái thì nhiều. Đau quá! Đau đến tận xương tuỷ. Đau thêm cả cái đau bị mua xe dỏm lần trước cộng vào. Cuộc sống này, xã hội này rồi sẽ trôi nổi về đâu khi con người cứ mỗi ngày mỗi đánh mất nhân tính đi một chút? Bỗng xa xót chạnh nhớ đến ngày xưa, cái ngày còn bom đạn hay ngay cả cái ngày còn bao cấp thiếu thốn ấy, con người đối xử với con người đâu có đến nỗi tệ hại dường này. Lại trở dậy châm một bình trà âm thầm ngồi uống. Uống trong tiếng thở dài nặng oằn như tiếng tàu hoả vào ga của bà vợ. Được rồi, một suy nghĩ loé lên thật là kiêu hãnh, cứ để cho mày đánh đòn, mày hét giá, mày điện lại, tao sẽ không thèm nhúc nhích nửa bước, sẽ không thèm mất một đồng một cắc nào hết. Thà mất thì thôi, không có xe đi nữa thì thôi chứ quyết không thể tiếp tay cho bọn lang sói ngang nhiên lộng hành giữa thanh thiên bạch nhật được. Nào, đánh đi! Tiếng cựa mình. Cái gì thế hả ông? Ông nói cái gì mà toàn những đánh với đánh cả thế? Cứ kiểu này rồi không khéo ông tái phát bệnh thần kinh lại mất, rõ khổ! Tiếng nói như rên ấy khiến sự kiêu hãnh trong tôi chùng hẳn. Ờ, suy cho cùng mình làm thế chỉ có thiệt mình, còn nó, chúng nó vẫn cứ sống nhơn nhơn, đâu làm sao!
Cuối cùng mệt quá, lăn ra ngủ, ngủ một giấc ngủ nặng nề toàn mộng mị những mặt ma mặt quỷ. Mãi đến lúc bà vợ đi chợ về gọi mới gượng tỉnh lại. Chưa tỉnh hẳn thì một tiếng gõ cửa đã vang lên. Lại mấy ông bạn già rủ sang đánh tổ tôm, chán ốm, chả có việc gì làm hay sao mà cứ tổ tôm tổ cua tối ngày thế không biết hả mấy cái vị cả đời không đọc trọn một cuốn sách kia. Không nhé! Hôm nay thì không nhé! Đang mệt. Bà bảo hộ là tôi đang mệt.
Nhưng không phải. Đứng trước cửa chẳng có ông tổ tôm nào hết mà là một người đàn ông trung tuổi, gầy, đen, mặt lầm lầm, quần áo nửa lính nửa dân đúng kiểu dân giang hồ chạy chợ. Giọng ông ta khàn đục như cái người suốt đêm chỉ la cà quán xá:
- Cho hỏi... Đây có phải nhà cậu Nam, Phan Thành Nam không?
Chết cha rồi, cái gì thế này? Cùng với cú giật thột thoáng nghĩ đến thằng con trời gầm đã phạm cái gì ở đơn vị là một linh cảm về cái chuyện kia khẽ cháy lên...
- Vâng! Nhà cháu Nam đây. Có chuyện gì không ạ?... Anh vào chơi!
- Tôi đang có chút việc bận. Chả là cách đây một tháng, tôi có bắt được...
Vang lên một tiếng nổ lớn trong đầu. Thế là rõ rồi! Chính là chuyện ấy và chính là hắn đây, chỉ cần nhìn người ngợm, nhìn con mắt cô hồn trắng dã kia là biết. Chỉ khác hắn không gọi mình đến mà tự vác xác đến để chơi con bài sát ván cho nhanh đây. Được rồi, dù sao nhà ngươi cũng đã đến, rất tốt, còn hơn là phải thắc thỏm chờ đợi, cám ơn! Nào, chơi thì chơi, ta nhận chiến, xem chú mày định giở trò gì nào. Bắt đầu!
- Bắt được giấy tờ phải không? - Mặt lạnh như băng nhưng vẫn đủ tỉnh táo đánh mắt để bà vợ tiến đến tạo thành thế hỗ trợ hùng mạnh - Anh cứ nói. Có gì cứ nói thẳng.
Một chút chau mày hiện lên trên nét mặt gồ ghề của người khách:
- Vâng!... Rất tiếc là mãi tận giờ tôi mới mới đến được đây để hai bác phải lo...
- Không! Chúng tôi không lo gì cả. Có chuyện quái gì mà phải lo - Càng lạnh.
- Vậy bây giờ xin trao lại cho hai bác kẻo cháu nó... Đây, tất cả là bốn cái, chắc là đủ.
Mẹ nó cầm vội lấy như giật, lóng ngóng gỡ từng tấm đưa ra ánh sáng nhìn... Đúng bốn cái, vẫn còn sạch sẽ lắm.
- Điều kiện? - Bắt đầu nổ phát súng khai mào.
- Điều kiện... - Lại ngỡ ngàng
- Điều kiện gì cơ ạ?
- Điều kiện kèm theo.
- Kèm theo?
- Phải! Kèm theo. Thời buổi này không ai giúp không ai cái gì bao giờ.
- Kìa ông... - Bà vợ nói nhỏ vào tai tôi.
Một chút lặng đi...
- Thế hai bác nghĩ rằng tôi đi hai chục cây số đến đây chỉ để đòi cái kèm theo đó?
- Còn cái gì hơn nữa chăng?
- Và tôi hoàn toàn có thể ngồi nhà gọi điện lại cho hai bác xuống lấy.
- Xuống thế nào được khi cú điện đó chỉ là điện giả.
- Điện giả?
- Minh Khai, Liêu Xá, hỏi Tùng Hải... Mu mơ như thế mà lại không giả à?
- Minh Khai, Liêu Xá, Tùng Hải? - Đôi mắt trũng sâu mở tròn.
- Lại có gì khác nữa chăng? May mà tôi đã kịp dừng lại chứ không có đi cả đời con đến đời cháu cũng không ra.
Một tiếng cười cũng khàn đục:
- Khổ quá! Ai lại cho địa chỉ như thế. Hôm đó tôi đã nói kĩ với người nhận điện của đơn vị cháu Nam là xã Minh Khai, huyện Từ Liêm, thôn Lai Xá chứ không phải Liêu Xá, hỏi nhà ông Tùng bà Hải, Tùng là tên tôi.
Đến lượt hai vợ chồng nhìn nhau... Thế có chết bố người ta không. Nếu biết vậy thì đâu có cơ khổ thế này. Nhưng cái đó để sau, giờ phải quay lại trọng tâm đã. Nắm chắc đằng chuôi là cái xếp giấy rồi, tôi tiếp tục giành thế thượng phong, quyết không nhân nhượng, mủi lòng. Bài học mủi lòng đã phải trả giá quá đắt, không có trả gì nữa hết:
- Được rồi. Có thể đồng chí trực ban nghe không kĩ. Cũng có thể thằng con tôi nhớ sai. Vấn đề bây giờ là anh cho biết tổng giá trị là bao nhiêu? (Dưới một triệu là còn chịu được, tôi nghĩ nhanh trong óc, hoàn toàn đáng so với cái công làm lại từ đầu nhưng trên một triệu là dứt khoát lót lá mời anh bạn ra khỏi nhà).
- Ông kìa... - Lại câu nhắc nhỏ cộng thêm cái kéo tay của bà vợ.
- Giá trị gì ạ?
- Tiền chuộc?
- Chuộc?
- Phải. Chuộc. Tức là để có lại được tệp giấy này, tôi phải trả anh bao nhiêu?
- Ông bà định trả?
- Trả theo đúng luật chơi. (Tôi học khẩu khí của gã xe ôm). Ta cứ sòng phẳng với nhau cho dễ.
Người khách thoáng lặng đi rồi cặp môi bợt bạt hơi nhếch lên thành một cái cười rõ nhạt:
- Nếu biết ông bà thế này thì tôi đã không đến đây. Không bao giờ đến đây.
- Nhưng anh đã đến.
Giọng tôi đã có phần chùng lại trong một cảm giác hồ nghi mơ hồ trong khi bà vợ, theo bản năng tinh nhạy của đàn bà hình như đã dò ra điều gì, lại bấm nháy chồng xoành xoạch...
- Vâng. Tôi đã đến và bây giờ tôi sẽ về. Tất cả chỉ có vậy thôi.
- Tức là anh...?
Lần này thì người khách nhăn mặt nhìn ra ngoài nắng một lúc, định không nói gì nhưng rồi lại quay lại, giọng khó nhọc như đang lên cơn đau bao tử:
- Qua chứng minh thư, tôi biết cậu con ông bà là bộ đội, tôi cũng từng là bộ đội. Trong cuộc sống bộ đội, cái sự thất lạc giấy tờ là phiền phức lắm. Cho nên vô tình nhặt được, đem trả, thế thôi. Bây giờ chào ông bà, tôi về. Cho hỏi thăm cậu Nam, nhắn lại đừng để mất lần nữa.
- Nhưng anh... anh cũng cần có một chút gì chứ! - Giọng tôi không còn ra giọng người nữa.
- Ông bà vẫn muốn sòng phẳng? - Người khách chợt hỏi một tiếng khô lạnh.
- Vâng! Chí ít cũng là như thế...
- Vậy thì sòng phẳng: Từ nhà tôi lên đây hai mươi cây số, mỗi cây số hết một ngàn đồng xe ôm, tính cả chuyến về nữa, vị chi là bốn chục ngàn, xin ông bà đưa lại cho tôi.
Lại một tiếng nổ nữa vang trong lồng ngực! Bà vợ vội cuống quýt chạy vào, lúc trở ra trên tay đã có một xấp giấy hai chục ngàn.
- Dạ... Sao lại thế được ạ. Cái lòng của bác mới là vô giá, vợ chồng tôi có nghĩ gì đâu, chỉ xin thay mặt cháu cám ơn và cứ mạnh dạn gửi bác gấp mười lần.
- Không, đã nói rồi, tôi chỉ lấy bằng đúng tiền xe. - Người khách rút lấy hai tờ, số còn lại đặt trả lại trên bàn - Đáng lẽ tôi cũng không lấy nhưng tại ông nhà đây muốn sòng phẳng. Thôi, chào ông bà!
Ông khách nói xong quay lưng đi luôn. Để mặc hai vợ chồng đứng tưng hửng với xếp giấy bạc nằm bẽ bàng trên tay, nhìn nhau không ra cười không ra khóc...
C.L
VNQD