Truyện ngắn. MA VĂN KHÁNG
Mười toa tàu, toa nào toa nấy chật khăng khăng. Người và hàng ngồn ngộn, đầy tới nóc, tràn ra cả lối đi. Lối đi vốn đã khiêm tốn, nay trên thực tế đã biến mất. Vậy mà sự đi lại vẫn là một nhu cầu. Người bán hoa quả, bán bánh kẹo, bán nước. Trẻ con bán thuốc lá, bán kẹo mè xửng và singum, đĩa CD tươi mát, nhẩy chuyền như sóc con. Đã thế lại còn mấy người tàn tật lê lết, bò lổm ngổm qua các bì gạo, các bao hàng nghẽn lối, như vượt qua chướng ngại vật ngoài mặt trận, chìa ống bơ, nón rách kêu xin lòng nhân từ đoái thương. Và chầm chậm chuyển dịch từ toa này sang toa khác, cùng với nhân viên nhà tàu đi làm nhiệm vụ, là hai cha con người hát xẩm mù, giọng tân cổ giao duyên, nghiêng lệch như tàu vào cua gắt.
- Đi đ. đâu mà khỏe đi thế không biết!
- Nước chè lóng đê ê…
- Ê! Mè xửng của mày có pha cơm nguội không đấy, lỏi?
- Bánh chưng trong là đất có phải không, ông lão? Hê hê…
Tất nhiên, những tạp âm inh tai nhức óc cũng bắt đầu giảm dần từ khi con tàu chuyển bánh, rời ga. Lúc này, đa phần bọn trẻ con bán hàng rong đã xuống tàu. Tuy vậy, quang cảnh trong mỗi toa chẳng vì thế mà thông thoáng ổn định. Tàu chạy, chính nó tạo ra một cơn lốc. Một cuộc rung lắc, văng đảo liên hồi. Vật và người, lập tức rơi vào trạng thái không an toàn. Nghĩa là có thể rơi đổ, hoặc bị xô ngã bất cứ lúc nào.
Khôn ngoan, những người bán quà bánh, hoa quả đã ngồi túm lại với nhau ở đầu nối các toa. Và những tưởng sự đi lại giờ đây chỉ còn là đặc quyền và ưu thế trội của các nhân viên nhà tàu thì hóa ra không phải. Vẫn còn một người bất chấp tình trạng không an toàn, vẫn thản nhiên thực hiện công cuộc di chuyển một cách rất từ tốn và điềm nhiên. Mà đâu có phải là đi tay không như các nhân viên nhà tàu. Anh đi, hai tay bê một chồng sách cao ngất ngưởng tới tận cái cổ ngỏng; sau lưng lặc lè một ba lô cóc và bên sườn lủng liểng một túi vải, cái nào cũng căng ních toàn sách là sách.
Anh là người bán sách trên tàu! Anh vừa khó nhọc lần mò từng bước chân vừa cất tiếng rao nhẹ tênh tênh:
- Đắc nhân tâm. Quẳng gánh lo đi mà sống. Sông Đông êm đềm, Bác sĩ Zhivago, Năm vở bi kịch của Shakespeare, Tuyển tập Bunhin... Sách kinh điển có giá trị rất khó tìm, xin mời bà con cô bác nào!
Dừng lại trước một khoang tàu toàn cánh đàn ông trung niên, anh đổi giọng:
- Mảnh đất lắm người nhiều ma. Nỗi buồn chiến tranh. Bến không chồng, Cõi người rung chuông tận thế. Đối chiến. Mình và họ. Đơn tuyến. Đáy giếng. Gã tép riu. Bác sĩ trường khoa… Sách được giải thưởng, sách cực hay đây!
Hơi nhún người xuống để các mặt sách, gáy sách tiệm cận hơn với đám người nọ, nhưng không thấy một nét mặt nào tỏ ra là hưởng ứng, anh lại thẳng người lên, đi tiếp. Và lại cất tiếng:
- Sách mới ra lò mà đã có tiếng vang mời bà con mua nào: Con chim Joong bay từ A đến Z, Chim ưng và chàng đan sọt, Sương mù tháng Giêng, Nhiệt đới gió mùa, Con ngố… đây.
Lối đi vào toa ghế dọc tua tủa chân người và ngổn ngang bao bịch. Anh phải vừa chú mục giữ để chồng sách trên tay khỏi đổ vừa phải luôn miệng xin lỗi mọi người, không ngưng lấy một giây quảng cáo cho các cuốn sách hay, sách đẹp để các bác, các anh các chị mua đọc, vừa giải trí vừa bổ ích, khi về lại có quà tặng bà con ở nhà.
Xem chừng lời rao chẳng hấp dẫn được ai, anh liền dừng chân, hơi cúi xuống, nâng cao rảnh đùi trái, đặt chồng sách đang ở trên tay lên đó, rồi quài cánh tay ra sau gáy, kéo từ miệng chiếc ba lô vẫn đeo trên lưng mấy tập sách mới, thế vào chỗ mấy quyển sách cũ; động tác chuyển đổi mặt hàng diễn ra thật mau lẹ và an toàn, thoáng cái anh đã bê trên tay một chồng sách mới và lại cất giọng vang vang:
- Xin mời bà con cô bác mua tập tranh truyện Tôn Ngộ Không, tức Tây Du ký mới xuất bản gần đây. Truyện viễn tưởng khoa học: Hai vạn dặm dưới biển. Các vật thể lạ trong vũ trụ. Có người ngoài hành tinh hay không. Sách phục vụ đông đảo bà con các lứa tuổi đây!
Đứng lại trước đám mấy bà buôn hoa quả đường dài Bắc - Nam mặt hoa da phấn, vàng đeo đầy cổ, đầy tay, đang nhồm nhoàm nhai bánh bao, anh tươi cười vui vẻ:
- Sách rẻ lắm. Chỉ ngang tiền hai cái bánh bao thôi. Mời các bá, các chị mua nào!
Một bà đeo hoa tai vàng, má bánh đúc, xộ xệ như cái đụn rạ ngừng nhai, nguýt anh một cái sắc lẻm, dài giọng:
- Dở hơi cái chú này! Sách của chú có no được bụng như bánh bao không mà dám đem ra so sánh, hở!
Anh cười rộng lượng, nhã nhặn:
- Cô ơi! Cô có biết rằng, con người ta ngoài cuộc sống ở tầng vật chất hàng ngày là cơm áo còn có một tầng sống nữa là lí tưởng và mộng mơ, còn có một khoái cảm là hiểu biết nữa không?
- Cái gì? Khoái cảm? Khoái cảm gì cũng chẳng bằng khoái cảm cái… lỗ mồm!
- Khoái cảm các… cái lỗ.
- Hí hí… Đàn ông bảy lỗ, đàn bà cửu khổng, chú có biết không, hở chú bán sách?
Đám các cô các bà tham gia câu chuyện ngừng nhai bánh cùng cười ré lên.
Chợt có tiếng gọi ở đầu toa. Anh bán sách vội nhanh chân bước tới. Thì ra là một gã đàn ông trung niên mặc áo phông Pháp trắng tinh, đeo kính gọng vàng, vẻ trí thức, cò cò ngón tay ra hiệu gọi anh và khi anh bước tới gần thì hất hàm, lên giọng:
- Lày! Núc lãy cậu rao cái quyển gì mà nắm ma nắm quỷ ấy nhẩy?
- Dạ, thưa anh, cuốn Mảnh đất lắm người nhiều ma, sách đoạt giải văn chương, tái bản lần thứ mười, đã dịch ra tiếng Pháp tiếng Anh ạ!
Hào hứng, anh đặt chồng sách lên rảnh đùi vừa nâng cao, tay thoăn thoắt lần tìm, rồi reo to mừng rỡ:
- Đây rồi! Quyển này bán đắt như tôm tươi! Em đã đóng thêm bìa cứng để phục vụ người sành chơi sách, anh ạ. Anh lấy quyển này nhé. Chỉ có năm mươi chín ngàn thôi, anh ạ!
Gã đeo kính trắng gọng vàng cầm quyển sách, đầu gật gật:
- Để xem đã! Lày, nhưng anh hỏi: Bán sách rong trên tàu thế lày có kiếm được không? Có nhiều người mua sách không?
Anh bán sách chớp chớp mắt, nhanh nhẩu:
- Dạ, cũng tùy hôm, tùy lúc, anh ạ. Gặp phải cái anh ba mươi tuổi mà đã sáu cái tàu há mồm, văn hóa chỉ đến lớp nhất trường làng, còn vay nợ nhà nước dăm chục triệu… thì trăm bạc họ cũng chẳng bỏ ra mua sách đâu. Còn loại tóc xõa gáy, ngực xăm đầu lâu, đi xe đạp bỏ hai tay thì sách chưởng, chuyện tình ướt át lâm li rẻ tiền đắt mấy họ cũng xài. Nhưng loại đó đâu có phải văn hóa, em không bán!
Khấp khởi, anh ngước lên hai mắt kính trắng bóng của gã nọ, giọng không giấu nổi hồi hộp:
- Anh mua cuốn này đi! Nó vào loại best-seller đấy!
- Bét xe nơ nà cái mẹ gì thế, cậu?
- À, là loại sách đang bán chạy ý mà anh.
Gã đeo kính ập cuốn sách lại, bĩu mỏ:
- Nhưng mà lày, truyện đ. gì mà tuyền chữ nà chữ thế. Chữ cứ niền tù tì thế lày. Chẳng thấy gạch đầu dòng mẹ gì. Đọc thế chó lào được!
Anh bán sách thẳng người dậy, mỉm cười:
- Anh ơi! Sao anh lại chê chữ ghét chữ! Chữ là một phát minh lớn của con người đấy anh ạ. Có chữ thì mới có sách. Có chữ có sách thì mới lưu truyền được kiến thức và điều hay lẽ phải từ đời này sang đời khác được. Thành ra Lỗ Tấn tiên sinh văn hào người Trung Hoa đã nói: Từ khi loài người có chữ thì quỷ thần trong núi phải khóc than đấy, anh ạ.
- A! Mày nại định dạy ông đấy à, thằng bán sách oe con!
Mặt bỗng đỏ tía, xếch hai vai chiếc áo phông Pháp trắng tinh, gã đeo kính trợn trừng. Anh bán sách nhún vai, nhũn nhặn và cứng cỏi:
- Em nói thế có gì mà anh bảo là dạy anh. Điều gì mình chưa biết có người khác nói cho hay thì cần phải cám ơn người ta chứ! Mà anh có biết câu nói này nữa không: Today a reader, tomorrow a leader. Hôm nay đọc sách, mai làm sếp!
Cau mày, gã nọ vùng vằng hai cánh tay, sừng sộ:
- Hứ! Nói đéo nghe được! Ối thằng làm sếp mà nó có đọc sách đéo đâu! Thôi, cút mẹ mày đi. Rõ điếc cả đít ông.
Miệng cười tủm, anh bán sách ôm chồng sách đi. Tàu huýt còi, tăng tốc. Anh bị xô về đằng trước, suýt buột tay, trượt chân. May, đã quen với mọi bất trắc, phũ phàng, anh choãng chân giữ ngay được thế cân bằng, nên người không ngã và chồng sách vẫn an toàn.
Anh sang toa khác. Rồi toa tiếp, toa tiếp. Vẫn cái chồng sách ấy. Vẫn cái ba lô, túi vải ấy. Vẫn cái dáng vẻ tươi vui, nhanh nhẹn bất chấp thờ ơ ghẻ lạnh ấy. Vẫn cái thái độ nhẫn nhịn, chuyên cần, say mê, thấp thoáng tí chút cao ngạo và tự tin ấy.
Nhưng đang lanh lảnh cất tiếng rao hàng đầy thiện ý mời mọc, vì một cú giật mạnh của đầu tàu, anh vội ôm chồng sách cùng với cái ba lô, túi sách kềnh càng nọ chúi rúi vào bên ghế một gã đàn ông đang ngửa đầu ra sau ghế ngáy rầm rầm.
- Làm cái gì thế, ông con giời!
Gã đàn ông râu rậm, bụng xệ, bặt tiếng ngáy, ngáp dài một cái, ngồi thẳng dậy, hai mắt đỏ ngầu thao láo. Anh bán sách cúi xuống, khe khẽ:
- Em xin lỗi anh!
- À thằng bán sách. Bán đ. gì không bán lại đi bán sách hả mày!
Anh cười hì hì:
- Vì bố em đặt cho em cái tên có duyên với sách mà. Anh mua sách đi. Nhiều cuốn hay lắm!
- Xem nào. Này, mày có chuyện Cô giáo Thảo không?
Anh nhíu mày:
- Nó là chuyện gì thế, anh?
Gã râu rậm nhệch môi:
- Chuyện học trò chim cô giáo. Cô giáo làm tình với học trò ấy!
- Em không có! Mà anh đọc làm gì những cuốn sách nhảm nhí ấy. Đọc chúng hư người đi đấy anh ạ.
- Thế có quyển gì bọn trẻ nó vẫn gọi là sách ngôn tình trai gái chim chuột nhau, kéo nhau lên giường, lột quần áo nhau thoải mái không? Hay có quyển gì nói về ma quỷ thật rùng rợn không? Mà mỏng thôi! Dầy cả trăm trang, xem làm đ. gì. Để mắt mà xem video con heo còn khoái hơn!
Chưa kịp trả lời gã râu rậm, nghe thấy một tiếng còi gắt ở đầu toa, anh bán sách liền đứng thẳng dậy. Bộ quần áo bộ đội xanh rêu đã cũ. Mặt trái xoan, da mịn. Mày rậm. Mắt sáng. Môi tươi. Gương măt ngời ngời sự tự ý thức về giá trị của mình. Một viên cảnh sát đeo lon thượng úy lủng lẳng chiếc còi trước ngực, đang từ từ tiến lại. Đám người bán hàng quà bánh tụ tập ở đầu toa hốt hoảng í ới gọi nhau chạy qua lòng toa xuống toa dưới. Cao to lừng lững, mặt vuông, da ngăm, mép trắng bợt, hai con mắt lầm lì của viên cảnh sát lia ngang lướt dọc, rồi đậu lại trên người anh bán sách. Có lẽ là là định quát một câu, đại để Ai cho phép mày bán sách rong ở đây, nhưng nhìn thấy chiếc biển gài ở túi áo anh bán sách có dòng chữ Sở văn hóa tỉnh - Nhân viên bán sách, nên y liền mím môi, lừ lừ tiến tới. Và chẳng nói chẳng rằng, y đưa tay lần sờ chồng sách rồi nhẹ như không, rút tọt một quyển, cắp vào nách, bước đi.
Minh họa: Tào Linh
- Anh cảnh sát! Sao lại thế?
Anh bán sách kêu. Viên cảnh sát quay lại, mặt lầm lầm:
- Cái gì thế mày?
- Đó là cuốn Đơn tuyến, tiểu thuyết của nhà văn Phạm Quang Đẩu, giải nhất một cuộc thi, viết về một người trinh sát tài ba dũng cảm của ngành công an. Giá bán 105.000 đồng.
- Thì viết về ngành tao, tao lấy đọc không được à.
- Không được anh ạ.
- Thế mày có biết ai nói câu này: Lấy sách cũng như lấy hoa của người khác là một hành vi văn minh không?
Anh bán sách lắc lắc đầu:
- Anh cố tình hiểu sai ý tưởng nọ rồi. Câu nói có ý nghĩa tương tự nó là thế này kia: Cho mượn sách là một sự dại dột. Mà mượn được sách rồi lại đem trả thì là một hành động quá ngu. Nhưng đó là những câu nói của các bậc danh sĩ nói với nhau theo cách nói của các bậc đại phu. Còn ở đây, báo cáo thượng úy, lấy sách mà không trả tiền người bán là một hành vi phạm pháp. Nghiêm trọng hơn khi người vi phạm lại là người có chức quyền ạ!
*
* *
Anh là Thư. Chị gái anh là Thi. Dòng họ Ngô của cha mẹ anh, ông bà anh vốn nòi thi thư. Gia phả dòng họ ghi: Năm 1583 cụ tổ đời thứ 18 đậu Tiến sĩ khai khoa. Năm Quý Sửu 1613 thời Vua Lê Kinh Tông, một cụ đỗ Đệ tam giáp, một cụ đỗ Đình nguyên. Gia đình anh mấy đời nay đều ở nông thôn. Nghề chính là chăn tằm làm ruộng. Nhưng sách vở chữ nghĩa học hành rất coi trọng. Chẳng tham ruộng cả ao liền/ Chỉ tham cái bút cái nghiên ông đồ. Ông nội là hương sư. Bố làm thầy giáo bình dân học vụ. Mẹ anh kể: Theo lệ cổ, lúc mới sinh ấu danh của anh là Bầu. Đầy năm mới làm lễ đặt tên. Sau khi bố anh cúng vái trời đất, thánh thần, tổ tiên xong thì anh được đặt xuống sàn nhà, trước một phía là ba quả trứng gà, một phía là ba cuốn sách cổ. Bố anh bảo con thích cái gì thì bò về phía ấy lấy đi. Kết quả, anh bò về phía mấy quyển sách. Biết đọc biết viết, chẳng mấy khi anh rời cuốn sách. Ngồi trên lưng trâu cũng có quyển sách. Đi học, từ tiểu học đến trung học, anh là học sinh giỏi toàn diện, đặc biệt là môn văn luôn đứng đầu lớp.
Bán sách! Tuy là công việc tạm thời của Thư, nhưng thử hỏi, có cái nghề ấy không? Nhân loại 9 tỉ người hiện nay đang làm việc trong bao nhiêu ngành nghề? Alvin Toffler, học giả có hạng về xã hội học của phương Tây, trong trước tác của mình, sau khi thống kê, quy về có tới hai trăm bốn mươi ngàn đầu mối; trong đó có những nghề lạ hoắc, như nghề kích động chính trị, thì chắc cũng có nghề bán sách báo. Đó là nói cả thế giới. Còn ở nước ta chắc cũng có nhưng hiếm hoi lắm. Lục lọi mãi mới thấy có bài vè của Nhà thơ Tú Mỡ viết những năm 30 của thế kỉ trước thế này: Tôi chỉ là một đứa trẻ con bán sách báo. Khắp phố phường chân sáo nhảy tung! Tôi đem những món văn chương chào khắp. Này tạp chí, này tân văn, tôi cắp nách. Đón mời chư vị mặc khách tao nhân. Phận nhỏ mọn có chi mà vênh váo. Nhưng bán văn chương ai bảo là nghề hèn.
*
* *
Tàu huýt còi vào ga Vinh. Đã đến giờ ăn trưa. Thư qua một toa nữa. Ở đây anh bán được tập Thơ Tuyển Việt, Trọn bộ truyện ngắn Việt Nam, Toàn tập Nam Cao, Bộ ba tiểu thuyết Sông Đông êm đềm, 5 vở bi kịch của Shakespeare, Tuyển tập Bunhin và hai cuốn Bác sĩ Zhivago. Những người mua rối rít cám ơn anh. Ở toa tiếp, anh gặp một đoàn sinh viên Khoa văn Đại học Sư phạm đi nghỉ mát, họ mua gần hết cả chục quyển tiểu thuyết nổi tiếng anh giới thiệụ. Rồi còn xuýt xoa nói rằng lùng mãi từ lâu rồi mà chưa mua được chúng. Chao ôi, những cuốn sách nói như Nam Cao, quý mến và nâng niu như những ngón tay! Những cuốn sách phóng chiếu hình ảnh con người của một thời đoạn! Những cuốn sách lưu giữ bóng hình cuộc sống đã qua! Những cuốn sách đọc xong thấy tâm hồn mình trở nên tươi đẹp như vừa đi qua một cánh đồng lúa chín, như vừa được hít thở hương thơm ở một khu vườn hàng ngàn bông hoa thược dược và hải đường đang đua nở. Phấn khởi, qua toa này Thư đi đến toa tiếp, toa ăn ở cuối đoàn tàu.
Ở toa ăn, Thư thân với một cô bé hàng xóm tên Ngọc. Thư học trên Ngọc ba lớp, đi bộ đội, đóng quân ở biên giới Lào Cai hai năm về thì cô bé hàng xóm học hết lớp 9 đã mười bảy tuổi. Như một lẽ thường tình và vô cùng lạ lẫm, hai người bỗng thấy cần có nhau như duyên trời đã định. Như đã cùng đọc một cuốn sách hay không dứt rời ra được. Mấy mảnh ruộng mẹ anh trồng lúa đã bị xung công dự án làm đường, chỉ còn mấy mảnh nương. Bố anh già yếu chỉ quẩn quanh việc nhà. Anh đi xin việc. Có mỗi tấm bằng phổ thông. Chẳng đâu nhận. Có người anh họ ở Phòng Văn hóa huyện gợi ý anh đi bán sách. Rồi xin giấy phép của Sở Văn hóa cho anh. Bán sách, lờ lãi chẳng được bao nhiêu. Giỏi lắm mỗi tuần chỉ đưa về được cho mẹ mấy trăm ngàn. Nhưng bù lại anh có được cơ hội đọc bao nhiêu cuốn sách hay. Những cuốn sách hồi đi học, mới chỉ được nghe thầy dạy văn giới thiệu nay mới có dịp đọc. Những cuốn sách làm giàu thêm tâm hồn người. Hơn nữa, đây còn là thời gian con người dừng lại để tính toán thêm đường đi nước bước trước cuộc đời còn ngổn ngang. Ở bộ đội anh là chiến sĩ được tuyên dương hai lần vì dũng cảm trong các cuộc truy bắt tội phạm xuyên biên giới. Anh có bằng tốt nghiệp phổ thông loại giỏi. Anh mới có 21. Anh có thể thi vào đại học hoặc trung cấp nghề. Nhẩn nha rồi tính!
*
* *
- Mời bà con mua sách nào! Nhà thơ Tế Hanh khi đau ốm viết: Bạn bè người thân xa dần hết. Chỉ còn sách ở lại với ta thôi. Dạ, sẽ là hơi nhàm nếu bảo sách là biểu tượng của tri thức và hiền minh. Nhưng nếu ta nâng mình lên một cấp độ thì sách chính là biểu tượng của vũ trụ. Nên một nhà hiền triết đã viết: Vũ trụ là một cuốn sách mênh mông. Còn kinh nghiệm sống của nhân loại thì cho rằng: Một con người có thể trở nên tốt đẹp bằng hai cách. Một cách là gặp gỡ những con người tốt đẹp. Cách thứ hai là có được những cuốn sách hay, đấy ạ!
Tiếng rao của Thư! Tiếng rao của một con người nồng nhiệt, chân thành và tin tưởng. Của một kẻ biết sống thực sự với cuộc đời ở cả tầng lí tưởng, lãng mạn, với những khát vọng về hiểu biết, sự hoàn thiện của tinh thần và đang tha thiết muốn truyền cảm tâm tình cho mọi người. Chỉ tiếc lúc này tiếng rao của Thư chìm trong mớ hỗn âm ồn ĩ của thực khách. Toa ăn đông ken và nóng hừng hực vì nhiệt lượng tỏa ra từ hai bếp lò đỏ rực. Thư nhìn thấy Ngọc. Mấy gã đàn ông to cồ cộ đang nhâu nhâu vây quanh Ngọc. Loáng thoáng thấy cả cái gã mặc áo phông Pháp đeo kính trắng nói ngọng và gã rậm râu hai mắt thao láo. Láo nháo, chộn rộn và ầm ĩ. Cho một suất cơm đi, em gái! Lày! Đây nà anh ăn vì người đẹp đấy nhé. Ừ thì xới cho anh một đĩa đầy đi. Nhưng mà đĩa của em có sạch, có trinh nguyên không đấy! Hé hé...
Tội nghiệp! Ngọc xinh xắn bé nhỏ, tóc mây bết trên vầng trán đầm đìa mồ hôi, mặt đỏ rừ. Hơn chục khách đàn ông đàn bà nằm ngồi ngả ngốn trên mấy hàng ghế trong toa ăn vừa tán chuyện vừa thúc giục Ngọc và nói năng đến là thô tục. Thư nghe mà gai cả người. Mà chỉ muốn thét to một câu: Thôi đi các người! Nhưng biết làm sao được bây giờ. Người ba đấng của ba loài... Tàu xe là chốn chạ người, là nơi dân tứ xứ qua lại. Chưa kể, lúc này, họ là khách hàng, họ là thượng đế. Phải nhịn nhục chiều lòng họ. Cả mấy chị em nhân viên nhà tàu làm ở toa ăn đều hiểu vậy. Ngọc mới gia nhập hội, cũng hiểu vậy. Nhất là lúc này người khôn của khó. Bố bị đột quỵ, nằm liệt đã ba năm, Ngọc phải bỏ học để đi làm, kiếm thêm tiền phụ giúp mẹ thuốc thang. Khổ thân con gái! Công việc phục vụ ăn uống cho hành khách trên chuyến tàu xuyên Việt có đâu nhàn nhã. Một tuần liên tục bảy ngày, ngày nào cũng bật dậy từ bốn giờ để khơi lò, nhóm bếp, rồi mua bán, vận chuyển, chế biến, bưng bê, và thu dọn. Ngày hè thì nóng nôi, người ướt đẫm mồ hôi. Chân tóc lúc nào cũng dầm dề. Và tiếng rít của bánh xe tàu hòa trong tiếng gió cuốn lúc nào cũng ù ù trong đầu.
Quay lại, chợt nhìn thấy Thư, Ngọc liền gạt mấy sợi tóc dính trên trán, nhoẻn cười:
- Anh Thư. Anh chờ em một tí nhé.
- Em cứ đơm cơm cho mọi người đi. Anh chờ được mà.
Suất cơm tiếp Ngọc bê đến cho người đàn bà buôn xoài, đeo hoa tai vàng, má bánh đúc, người mà khi ở toa trên đang ăn bánh bao thì Thư mời mua sách. Suất tiếp theo là của gã đàn ông mặc áo da cừu, mặt mũi hầm hố, dữ dằn. Suất thứ ba là của gã gầy choắt, mặc áo dạ nâu, đeo kính đen. Cả hai ra dáng công tử con nhà giàu, thạo ăn chơi, nhưng điệu bộ thật trai lơ, cùng háu háu nhìn Ngọc như thú dữ nhìn mồi. Mấy đĩa cơm tiếp theo là của đám trai trẻ, mặc áo bò quần bò, tóc tai bù xù, hôi hám; họ mới đi đào vàng về. Còn hai suất tiếp nào có phải ai xa lạ. Gã mặc áo phông Pháp đeo kính trắng nói ngọng cả en nờ lẫn e lờ. Gã râu rậm chỉ thích sách ngôn tình. Hai gã ở toa trên Thư đã từng biết. Giống hệt nhau, cả hai gã khi nhận suất cơm thì đều đưa tay vuốt má Ngọc và ghé tai cô thì thầm câu gì khiến Ngọc phải nghiêng đầu tránh né.
Đưa tay dứt đôi miếng thịt đang cắn ở mấy chiếc răng cửa, bà buôn xoài nhìn gã mặc áo phông Pháp, làu bàu:
- Việc đ. gì mà sợ! Tao đã làm luật với nó rồi. Mà tao có lạ gì nó. Cái thằng thượng úy mặt sắt đen sì, hai mép thàm làm ăn trắng bợt, chuyên ăn quỵt bún riêu con Thúy lác ở chợ phường tao chứ đứa đ. nào!
- Sao bảo bà và cái Thúy lác ghen nhau nói xấu ông ấy?
- Ghen là hèn! Chết ngay tao cũng đ. thèm rên rỉ nhé!
Gã áo phông kính trắng nhoai cổ nuốt miếng cơm, trợn mắt:
- Bà chị nói thế là chỉ đúng có một nửa. Ghen là yêu. Đ. ghen là đ. yêu! Đơn giản có vậy thôi.
- Đơn giản có vậy thôi! Này, thằng chuyên chạy hàng thuốc Tây kia. Mày bán thuốc giả thì mặc mẹ mày! Chứ mày nói thế tao đ. nghe được. Lộc trời không giữ được, kêu chó ai! Có đúng không, hả thằng râu rậm, chuyên hàng second-hand kia?
Thấy nhắc đến mình, gã râu rậm đặt đĩa cơm xuống mặt bàn, lướt mắt qua gương mặt tròn đầy có hai con mắt lá răm rất lẳng của người đàn bà buôn xoài, cười hị một tiếng cụt ngủn:
- Lửa tình nung má em bừng cháy. Trông bà chị cũng biết Hoạn Thư phải gọi bằng... chị rồi.
Tít mắt, bà buôn xoài cười rung má, đắc chí:
- Nó là thằng đàn ông. Nó quèn quẹt ở đâu, mặc nó. Tao chỉ cần lúc hữu sự như lúc này nó đứng ra chống lưng cho là được. Nói thật chứ, thời buổi hiện đại, kéo quần lên một cái là xong, chứng cớ ở đâu mà ghen cho nó mệt.
Gã đeo kính râm ngồi cạnh gã mặc áo da cừu từ nãy vẫn im, giờ bật một tiếng cười, rồi ghé tai bà buôn xoài. Không hiểu gã nói gì, bà này liền cong môi:
- Sợ đ. gì!
Nói rồi, nhót miếng thịt đút tỏm vào mồm, nhồm nhoàm:
- Tao là chính phủ, tao cho tự do mở nhà chứa! Sợ cái đ. gì! Tay không bắt giặc mới tài chứ. Các nước văn minh nó cho công khai làm đĩ đấy. Này, con bé!
Nghe thấy lần thứ hai tiếng người đàn bà nọ, Ngọc vừa bưng đĩa cơm lại cho Thư mới quay lại.
- Tao gọi mày đấy, em ạ. Này, sao chúng bay không làm bún riêu cua mà bán có phải đắt hàng không?
- Vâng. Chúng cháu cũng đang tính ạ.
Bà buôn xoài đặt cái đĩa đã trống trơn xuống mặt bàn, móc túi áo trong, miệng nhọp nhẹp:
- Này! Cơm chúng mày bán hai mươi lăm ngàn một suất. Nhưng cả cơm và thức ăn chỉ đáng cho chó ăn. Tao chỉ trả mười lăm ngàn thôi!
- Thế nà không được, bà chị ơi!
Gã mặc áo phông Pháp ngoác miệng kêu. Bà buôn xoài dẩu mỏ:
- Việc của tao với bọn nhân viên toa ăn. Can đ. gì đến mày, thằng mặt mẹt!
- Cảnh giả, khoái khẩu thì về nhà. Còn đây nà giá nhà lước. Xin bà chị hiểu cho. Và cũng thông cảm cho cô em xinh đẹp của tôi, có phải không em?
Ngọc không đáp và lại né người, tránh bàn tay phải của gã nói ngọng lại vừa thình lình vươn ra để vuốt ngực mình. Bà buôn xoài nhó nháy hai con mắt, vứt năm tờ bạc mệnh giá năm nghìn lên mặt cái thúng cơm trước mặt Ngọc, nguýt dài qua mặt gã nọ:
- Lại định xí xớn với con bé hả? Được đấy, tuy mày khí già, mặt mẹt ạ! Này cô bé! Đây, tao thí cho đủ hai mươi lăm ngàn. Nhưng, mày phải hiểu, tao đâu có phải là người keo kiệt. Mai tao đi Sài Gòn làm chuyến xoài đầu mùa, thế mà đêm hôm đó một con bạn hàng đến gõ cửa xin vay năm mươi triệu. Năm mươi chứ một trăm triệu tao cũng thừa. Nhưng không phải là lúc này. Lúc này là nó ngắt ngọn lộc trời của tao rồi!
Tai ù ù ào ào như có gió thổi, Ngọc bê thúng cơm đi.
Tàu hú một hồi còi dài. Dàn bánh thép dồn, xiết như dao liếc trên một đoạn đường cong.
- Ngọc ơi! Sắp đến ga Phú Trạch rồi đấy!
Nhận ra tiếng chị Tổ trưởng, Ngọc quay lại đáp: Em nhớ rồi ạ. Ngọc nhớ rồi. Ga Phú Trạch thịt bò rẻ, chỉ có chín chục ngàn một cân. Chị Tổ trưởng đã phân công Ngọc và một chị nữa xuống mua. Ga Thuận Lý thì cũng Ngọc và chị ấy xuống mua trứng vịt. Cứ thế! Ga Đà Nẵng thì một mình Ngọc xuống mua cá thu. Ga Tuy Hòa, Quảng Ngãi thì mua gà và đường. Còn tàu tới ga Nha Trang thì Ngọc không thể quên xuống mua cà phê và hoa quả... Kiếm sống là cả một công cuộc nhọc nhằn, công phu, tỉ mỉ, chịu thương chịu khó và cả nhẫn nhịn.
Lát sau, thấy Ngọc vác một bao tải nặng rau quả, bánh trái ở ga Nha Trang lên, đặt phịch xuống sàn tàu, hai mắt đỏ hoe, Thư vội chạy lại, lấy khăn tay đưa cho Ngọc:
- Sao thế em?
Ngọc lắc đầu, lí nhí:
- Có lẽ là bụi than tàu rơi vào mắt em.
- Nói thật đi! Có chuyện gì, hả Ngọc?
- Không thật mà!
- Có gì thì bảo anh, để anh xử bọn ba que càn rỡ ấy.
- Đừng anh! Không có gì thật mà.
- Thật là thế chứ?
- Thật mà!
Thư ngẩn người. Anh biết là Ngọc không muốn nói. Không muốn nói vì sợ Thư buồn, Thư lo. Hai gã đàn ông ấy là hai gã buôn thuốc Tây giả và áo quần qua tay. Chị Tổ trưởng vừa cho Thư biết, chúng nháp nháy Ngọc từ mấy chuyến tàu trước rồi. Cứ tàu đến ga nào dừng lâu để tác nghiệp kĩ thuật là hai thằng ma cô bám Ngọc tán tỉnh sàm sỡ rồi vừa ép buộc vừa rủ rê Ngọc vào nhà nghỉ và hứa sẽ cho Ngọc thật nhiều tiền. Vừa rồi, ở ga Nha Trang hai thằng du côn đã dở cả trò vũ lực để định thực hiện hành vi dê chó, Ngọc đã quấy đạp cắn xé quyết liệt mới thoát khỏi tay chúng.
Tàu đã chuyển bánh. Hai người đứng ở đầu toa. Ngọc ngẩng lên, hai con mắt đang long lanh lệ bỗng mở to hết cỡ nhìn Thư khe khẽ: Anh có bán được nhiều sách không? Thư gật gật đầu. Rồi đột ngột ôm choàng lấy cô gái bé nhỏ, và càng lúc càng siết chặt lấy cái thân hình thiếu nữ đang rung lên từng cơn xúc động. Tàu tăng tốc, rung lắc nhịp nhàng, gió tạt vào đầu toa òa òa từng đợt. Ngọc à. Em đừng sợ gì hết nhé! Anh đã đọc nhiều sách, anh hiểu thêm nhiều điều quan trọng. Em có biết không, chỉ cần cầm quyển sách lên, giở trang sách ra, nhìn vào hàng chữ là đã thấy lòng mình bình tĩnh, tâm thái đã yên hòa rồi, em à. Bình tĩnh và yên hòa rồi thì thấy chẳng còn gì đáng bận tâm và sợ hãi cả, thấy mình có sức mạnh, thấy mình can đảm hẳn lên. Chúng ta có những cuốn sách hay là bạn bè, có nhiều người tốt đồng hành, chúng ta đâu có bé nhỏ cô đơn. Can đảm lên, em! Vâng, em hiểu! Em hiểu! Anh cũng thế nhé. Đừng xa em, anh Thư à. Tiếng hai người chìm nổi trong tiếng gió cuốn và tiếng dàn bánh thép siết trên đường ray của con tàu. Một con tàu trên đó có mặt tất cả các loại hành khách thuộc thập loại chúng sinh, như cuộc sống đang hiện ra hàng ngày ở quanh ta.
Hà Nội 2018
M.V.K
VNQD