Tản văn. PHAN TRUNG NGHĨA
Mấy cơn gió bấc rao ngọn, thế là tết đã về đến thềm cửa. Tôi ngồi thừ ra mà nhớ chuyện đời xưa, quả là người già có khác.
Hơn bốn mươi năm trước, thời kì đất nước đói kém, hoàn cảnh riêng của gia đình tôi rất gieo neo. Tôi làm phóng viên cho báo tỉnh Minh Hải, lương ba cọc ba đồng mà lại có một vợ hai con. Vợ con tôi sống dưới quê với ba tôi để ông đùm bọc, còn tôi thì ở tập thể tại cơ quan. Cứ chiều thứ bảy là tôi cuốc bộ từ thị xã Bạc Liêu bảy cây số về thăm nhà. Đùng một cái trung ương quyết định di dời “thủ phủ” tỉnh Minh Hải từ thị xã Bạc Liêu về thị xã Cà Mau, cách quê tôi non tám mươi cây số. Sau đó nhà nước cấp cho tôi một căn hộ nhỏ. Thế là tôi lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan. Nếu để vợ con ở lại thì rất khó lòng trong thăm viếng, dạy dỗ, vì thời đó đường từ Cà Mau về Bạc Liêu rất khó đi, mỗi chuyến đi mất nửa ngày trời. Còn nếu mang đi thì ba tôi phải sống làm sao. Lúc bấy giờ má tôi mới mất, em gái tôi thì đi lấy chồng xa, nhà chỉ còn ba tôi với thằng út Mĩ, mười mấy tuổi. Vợ tôi cương quyết theo chồng với một lí do rất chính đáng: Cho các con có điều kiện học hành. Còn tôi vì tương lai các con đành ngậm ngùi chấp nhận. Ba tôi nghe, ông buồn rơm rớm nước mắt. Kể từ đó ba tôi lâm vào cảnh gà trống nuôi con.
Thời đó mới có phong trào xổ nước mặn vào ruộng để bắt tôm tép tự nhiên. Ba tôi cũng làm, nhưng ông chỉ có mười một công đất nên thu hoạch không đủ sống. Năm nào cũng vậy, gần tết là ông nằm võng thức trắng đêm để suy nghĩ xem cách nào trả được mười giạ lúa mượn, cách nào lo cho thằng út một bộ đồ và mâm cơm cúng ông bà... Không biết ông học ở đâu cái cách làm ăn là trồng cây bình bát trên bờ kinh vuông tôm rồi lấy mầm cây mãng cầu xiêm tháp vào. Khi nó lớn, gốc là cây bình bát nhưng ngọn lại là cây mãng cầu, trái cũng mãng cầu, có điều ăn không ngọt bằng mãng cầu xiêm thuần chủng. Cứ sáng sớm, ba tôi bẻ mấy trái rồi xách qua xóm Cả Vĩnh, cách một con sông để bán kiếm một ít tiền mua dầu lửa, nước mắm... Có bữa đi công tác lên Bạc Liêu tôi tạt qua xóm Cả Vĩnh, gặp ba tôi đi bán mãng cầu về, thấy tôi, ông sượng sùng giấu chén tương ra sau lưng như sợ tôi thấy. Tôi tìm một chỗ vắng rồi dừng xe lại mà đau, mà ứa nước mắt rồi xuống đò qua thăm nhà cũ. Thấy tôi, thằng út đã lớn tòng ngòng mà tính như con nít, nhào ra ôm tôi như mừng má đi chợ về. Thật là những kẻ thiếu tình thương. Đã 10 giờ sáng rồi mà bếp núc lạnh tanh, thằng út chờ ba tôi mang gạo về mới nấu cơm. Hôm đó đã là 28 tháng Chạp, vậy mà gia đình ba tôi chưa thấy mùi tết, bánh trái, dưa chưng gì cũng chưa có. Tôi hỏi: “Ăn tết sao ba?”, ba tôi bảo “Mai tát đìa rồi mới tính con ơi”. Tôi ra sau hè, nhìn cái đìa có mấy con cá sạc ăn mống - niềm hi vọng “ăn chơi” một năm của ba tôi mà chạnh lòng.
Minh họa: Bùi Quang Đức
Từ ngày vợ con tôi ra đi, căn nhà của ba tôi hiu quạnh đến phát sợ. Đặc biệt là những dịp tết, thấy nhà người ta gói bánh, luộc bánh đêm giao thừa tươm tất ba tôi tủi lắm. Vì thế mà trừ những năm bận rộn, tôi đều dẫn vợ con về ăn tết, xong, bầu đoàn thê tử tôi xuống đò về Cà Mau là ba tôi đứng ở bến sông nhìn theo con đò đến khuất vàm sông rồi mới vào nhà lấy vạt áo lau mắt.
Hằng năm, đến hai tám tết mà tôi không về là ba tôi đứng ngồi không yên, sau đó ông quơ vội vài thứ gồm mấy kí nếp, mấy trái dừa khô lột sẵn, mấy nải chuối, mấy trái mãng cầu để làm quà quê rồi tất tả ngồi xe đò xuống Cà Mau để cho con, cháu ăn tết. Ý ba tôi là những thứ quà ấy để cho gia đình tôi gói bánh tét. Năm đó là những năm đất nước chuyển mình bước vào cơ chế thị trường, lương bổng cũng đỡ nên đời sống gia đình tôi cũng khá dần. Tết vợ tôi không gói bánh tét mà ra chợ mua lủ khủ các loại bánh trái hoa quả, thứ quà mà ba tôi mang lên giống như của thừa, không phù hợp với nhu cầu của người thành thị. Thường thì qua tết rồi mà bọc nếp vẫn còn để nguyên trong xó bếp, mấy trái mãng cầu mấy nải chuối xiêm không ai ăn đã chuyển sang vàng úng. Ba tôi nhìn thấy, mắt ông chứa chan một nỗi niềm, rồi lặng lẽ về quê. Đó là năm cuối cùng ba tôi xuống Cà Mau ăn tết với cháu nội, vì ông mất cách đó gần một năm.
Đời tôi có hai việc ân hận, một là không lo được cho má tôi sung sướng lấy một ngày, hai là việc xử lí những món quà quê của ba tôi năm đó, để ông mang nỗi buồn xuống mộ.
Sau này, niềm ân hận thúc giục, hàng năm cứ ba mươi tết là tôi về quê để kịp làm mâm cơm cúng rước ông bà. Tôi thắp nhang, lạy tạ ba má tôi. Và cũng không biết duyên cớ gì, mười năm như một, thằng út lại bẻ mấy trái mãng cầu trên những cây do ba tôi trồng và mấy nải chuối ở vườn nhà, cũng do ba tôi trồng để gửi cho tôi mang về nhà làm quà tết. Tôi thắc mắc trong lòng, nghi ngờ rằng đó là lời trăn trối của ba tôi nhưng không dám hỏi, chỉ sợ mình tự chọc vào nỗi đau của mình.
Gia đình riêng của tôi ngày càng khấm khá theo sự phát triển của đất nước, tôi ở nhà lầu, tết đến quà cáp bánh trái thừa mứa. Những trái mãng cầu, những nải chuối quê của em tôi gởi theo năm tháng cũng lạc điệu dần so với nhu cầu của đời sống đô thị, cứ như một món đồ thừa, không cần thiết ở nhà tôi. Có một năm, giống như hồi ba tôi còn sống, đến mùng ba tết mà những trái mãng cầu, những nải chuối vẫn còn nguyên, không ai đụng đến chuyển sang vàng úng, tôi ngồi nhìn chằm chặp rồi sự tủi buồn trong lòng dâng lên không chịu được. Thế là như thằng khùng, tôi bê hết ra bàn mà xẻ rồi kêu vợ, con ra ăn. Nhìn đôi mắt lạnh tanh hung tợn mà chứa chan nỗi buồn thăm thẳm của tôi, vợ con tôi hoảng sợ nên ngồi lại “ăn tết chuối, mãng cầu”. Tôi ăn thô tục nhồm nhoàm như một thằng điên đang đói. Mãng cầu, chuối ngọt mà tôi thì thấy mặn, như lẫn trong đó có nước mắt đổ ngược vào tim.
Cũng từ đó gia đình tôi có cái nếp sinh hoạt, hễ tết đến, thằng em út gởi mãng cầu, mấy nải chuối, cô em thứ năm biếu ba đòn bánh tét, chế sáu cho một bịch bánh bông lan... Vợ và con tôi lại cất cẩn thận, để khi giao thừa sắp lên bàn thờ ba má tôi (sau này nhà tôi thờ) rồi vợ chồng con cái thắp nhang lạy tạ công ơn cha mẹ ông bà, sau đó cả nhà ngồi ăn mừng năm mới. Đưa miếng mãng cầu xiêm lên miệng, tôi chợt nhớ đến ba tôi thân gà trống cặm cụi trồng cây để mót từng đồng từng cắc nuôi con. Mỗi tết về lại khệ nệ xách những thứ trái quê, vượt đoạn đường gần trăm cây số mang quà cho cháu nội. Đưa miếng bánh tét lên ăn, tôi chợt nhớ đời má tôi nghèo, quanh năm cấy thuê gặt mướn để lo cho bằng được nồi bánh tét cho con ăn vào dịp tết. Tôi ăn mà nhớ cái tuổi thơ đói khổ, thức chờ giao thừa bên nồi bánh tét...
Giờ đây, những thứ ấy đối với tôi không chỉ là món ăn bình thường mà ẩn sâu trong nó nhiều điều để thương để nhớ, để tự răn mình.
Tết đến, hẳn nhiều người sẽ nhận được những món quà quê. Đó là lộc của đất quê hương. Hãy định thần nhìn ngắm thật kĩ, ta sẽ thấu hiểu trong đó chứa chan tình người tình đất của quê nghèo.
P.T.N
VNQD