Hoàng Mai tửu

Thứ Hai, 25/02/2019 00:24

Truyện ngắn dự thi. TRIỀU LA VỸ

1.

Tháng Sáu năm Nhâm Tuất, Nguyễn Ánh chiếm được Phú Xuân liền tức tốc lên ngôi Cửu Ngũ để chính danh với thiên hạ, lấy niên hiệu là Gia Long. Từ Phú Xuân, vua đem quân tiến ra Bắc đoạt lấy Thăng Long thu giang sơn về một mối. Cuối năm đó, vua làm lễ Hiến phù trước Thái miếu, lấy nghĩa Xuân Thu mà “tận pháp trừng trị” cừu thù Tây Sơn. Đầu năm sau, vua đích thân vào tận Quy Nhơn thị sát việc an dân và ban ân mưa móc.

Nhưng vua vào nơi này còn vì một lẽ khác.

Vừa đến Quy Nhơn, vua cho đòi ngay Đinh Văn Nhưng ở thôn Bằng Châu đến hầu. Đinh lão tiền bối viện cớ tuổi cao sức yếu xin phép không đến. Vua đang ngồi trên sập rồng lim dim mắt thưởng thức món chình mun Châu Trúc nổi danh đất Phù Ly, nghe báo thế liền đập tay, nghiến răng trèo trẹo:

- Thằng già này quá quắt lắm. Bản lĩnh nó bao lăm mà dám coi thường ta?

Tả hữu vội vàng can:

- Bệ hạ! Xin bớt giận. Lão đó gàn gàn dở dở nhưng võ công cao cường, ngay đến Nhạc, Huệ cũng phải cúi đầu kính cẩn một thưa thầy hai thưa thầy. Dân chúng khắp vùng lại rất trọng thị nể vì. Nếu lấy đầu lão e lòng dân thêm oán.

Vua Gia Long cười gằn:

- Ta là đế vương, đi tới đâu cây cỏ phải rạp mình tới đó. Đầu của trăm họ kiếm ta còn lạ gì, sá chi đầu của một lão gàn. Chẳng qua là…

Vua im bặt. Bọn tả hữu biết ý đều cúi đầu lui ra. Ai cũng bấm bụng nhịn cười.

Đồn rằng, Đinh lão tiền bối có đứa cháu gái tuổi đã ngoại tứ tuần mà vẫn trẻ trung xinh đẹp, da thịt trắng trẻo nõn nường trông phơi phới như tuổi vừa mới mười chín đôi mươi. Hơi thở và châu thân của nàng lúc nào cũng ngan ngát hương mai mỗi độ xuân về. Nàng còn có tiếng sáo mê hoặc khiến nguyệt thẹn hoa hờn, ai trót nghe một lần thì ngơ ngẩn cả đời. Vua chặc lưỡi. Của quý ấy muôn đời chỉ một, không biết giành lấy thưởng thức sao đáng bậc quân vương…

2.

Nắng trải mật trên những cánh đồng lúa chín. Xa xa có tiếng trống chầu, tiếng kèn nhị rất vui tai, rồi xuất hiện một đoàn rước kiệu rồng rồng rắn rắn đi quanh con đường dọc bờ sông Thạch Yển hướng về giữa làng Bằng Châu. Đoàn rước kiệu chỉ toàn thanh niên trai tráng, tay vung cào cỏ, mỏ gãy, cuốc xẻng, chĩa ba vừa đi vừa hô vang:

Bùng binh chi tướng

Quýnh vướng chi quan

Bộn bàng chi chức

Chảng chảng ngang thiên...

“Ông Chảng ngang thiên” Đinh Văn Nhưng ngồi ngất ngưởng trên một cái ghế thang làm bằng tre gọi là kiệu có bốn người khiêng, hai bên có hai cây du du che nắng dùng làm lọng. Đinh lão chỉ dùng kiệu lúc vào thành Hoàng đế thăm vua Thái Đức Nguyễn Nhạc hay lúc ra thăm đồng ngày được mùa. Lệ thường, mọi người kéo ra xem rất đông, ai cũng cười vui như hội. Thế nào sau hôm rước kiệu, mọi người trong làng Bằng Châu cũng được nghỉ việc đồng áng vài ngày để tổ chức ăn chơi chè chén.

Nhưng hôm nay mọi người có vẻ không hồ hởi lắm. Đoàn rước đi thật mau về phía từ đường họ Đinh.

Đoàn rước đã vào tới sân. Đinh lão xuống kiệu, sai gom các đồ nông trang và chiếc kiệu tre ra cánh đồng trước để đốt. Mọi người lặng lẽ tuân theo. Mắt buồn thăm thẳm. Triều Nguyễn hiện đang truy sát gắt gao bất cứ kẻ nào có dính líu tới Tây Sơn. Tàng trữ vũ khí, dù là đồ nông cụ trong lúc này vô cùng nguy hiểm.

Lửa cháy rừng rực. Những thanh tre ứa nhựa như khóc.

Đinh lão khẽ thở dài. Cả đời lão không màng danh lợi, vậy mà lòng cứ xốn xang khi chiếc kiệu hóa tro tàn.

Trăng lên ngang con sào.

Ánh trăng như ngọc.

Đinh lão chậm rãi trải chiếu hoa giữa sân, bày cuộc tri âm.

Rượu Hoàng Mai sóng sánh bát sành, hương mai ngào ngạt. Lão nâng bát. Hơi rượu chảy rần rần huyết quản khiến Đinh lão thấy lòng bỗng tươi mới trẻ trung. Ôi, ước gì có Huệ nhi ngồi đây cùng cạn một chén trăng để lão thấy mình hồn nhiên xuân trẻ như buổi chiều nắng mềm như lụa ấy.

3.

Chiều đó, Lữ nhi bị con bạch mã đá hậu, nội thương rất nặng. Huệ nhi vội vàng cõng em vào nhà, đặt nằm lên chiếc phản gõ đặt ở chái nam ngôi từ đường. Đinh lão đặt hai ngón tay lên vùng “thốn quan xích” trên cổ tay trái của Lữ nhi vừa nhịp tay bắt mạch vừa ư ử hát một đoạn tuồng “Ôn Đình chém Tá”. Giọng lão lúc trầm lúc thanh, lúc thổ lúc kim chắc nghe rất dị nên Huệ nhi cứ tròn mắt nhìn lão như nhìn một quái nhân.

Bắt mạch xong, bất ngờ lão vỗ vai Huệ nhi, giọng giòn tan:

- Huệ nhi, biết uống rượu không?

- Dạ, cũng chút chút.

Lão bật cười ha hả:

- Chút chút hử. Được được. Nam vô tửu như kì vô phong, à. Bàu đá với ông chơi nghe. Mau, mấy nhỏ!

Thằng cháu nhỏ lật đật bưng ra một hũ sành đầy rượu vừa vớt dưới giếng lên. Đồ sành châu Đồ Bàn nổi danh bốn phương nhờ thứ phù sa đặc biệt của sông Côn và tạo nên thương hiệu độc nhất vô nhị của vùng đất Kinh xưa là gốm làng Sành. Rượu Bàu đá ủ trong hũ sành, giữ hơi bằng lá chuối rồi thả xuống giếng đá ong chừng một năm mới đem lên uống thì ngon phải biết. Lão mở cái khằn nắp hũ, mùi rượu thơm ngào ngạt khắp cả phòng khiến cái mũi hếch sư tử của lão cứ phập phồng động cựa. Lão múc rượu vào ấm, xong khằn hũ cẩn thận rồi sai thằng cháu đem thả xuống giếng như cũ.

Lão chậm rãi rót rượu ra li, tăm sủi cườm rộn rạo trên mặt rượu. Li nâng lên. Rượu nóng hừng hừng từ cổ họng lan xuống thực quản, nóng ran cả dạ dày. Lão thấy cả người ấm sực và lòng lâng lâng sảng khoái. Mặt Huệ nhi đỏ bừng. Ánh mắt sáng rực. Hà hà, thần men chịu thằng nhỏ hồi nào vậy cà. Rượu Bàu đá nếu không khéo uống, uổng chẳng nói chi, lỡ sặc thì toi!

Bấy giờ, lão mới rót thêm một li nữa, tợp một hớp rượu rồi phun vào chiếc khăn đang vắt trên ghế. Thế rồi lão bảo Huệ nhi đỡ em ngồi trên phản gõ, mặt quay vào vách đất, cách cái ghế ngồi của lão chừng tám thước. Lão hét lên một tiếng, vung khăn vào không khí. Chiếc khăn mềm mại trong tay lão vun vút như một cái roi mây. Những hạt rượu trắng sáng lóng lánh như những bông mai chiếu thủy bay tới tấp vào lưng của Lữ nhi, xếp một hàng dài như sao sa dọc theo sống lưng, rồi cuồn cuộn chảy về tứ chi. Có gì mà ngơ ngác thế Huệ nhi, ông đang dùng khăn thay roi, gọi là nhuyễn tiên, “Cách không đả huyệt” vào Tiểu Chu thiên mạch Nhâm Đốc. Tiểu Chu thiên mạch Nhâm Đốc có cả thảy bảy đại huyệt còn gọi là luân xa kiểm soát toàn bộ kinh mạch trong cơ thể và đều là huyệt tử. Phải là người có võ công thượng thừa, rành về phép điểm huyệt mới được dụng công điều hòa các luân xa, vì chỉ cần một chút sơ suất có thể làm tổn thương cơ thể, tẩu hỏa nhập ma hay thậm chí nguy đến tính mạng. Các thầy thuốc trứ danh trong vùng này dù rất rành về kinh mạch nhưng chỉ dám dùng “Thập tam vị phương gia giảm” và dùng kim bổ tả để hóa giải những nội thương ở các huyệt đạo mà thôi.

Lữ nhi sau khi được điều hòa kinh mạch thì nằm trên phản gõ ngủ khì, hơi thở nhẹ nhàng đều đặn. Bấy giờ, lão mới ném cái khăn xuống đất cái bạch, tự rót cho mình một li rượu ngửa cổ uống ót ót, rồi vỗ đùi đét đét, miệng cười rổn rảng:

- Tuyệt diệu, tuyệt diệu. Đã lâu ông mới có một bữa đả huyệt sướng tay. Sảng khoái, sảng khoái à.

Huệ nhi chắp tay:

- Cảm ơn ông Chảng nhiều.

Lão vuốt chòm râu bạc:

- Chưa được, chưa được. Thằng Lữ còn phải uống Hoàng Mai tửu mới mong hồi phục hoàn toàn chân khí.

- Hoàng Mai tửu?

- Đúng vậy, là Hoàng Mai tửu, hà hà. Rượu cũng sắp hết rồi, đêm nay ông và con đến Thanh Liêm hái hoa mai dầm rượu nghe.

Con sông Thạch Yển chảy qua vùng Thanh Liêm uốn khúc rất đẹp, phù sa làm cho vùng đất này trở nên màu mỡ, rất thích hợp cho việc trồng mai. Làng ba mặt giáp sông. Khi lão và Huệ nhi đến nơi thì trăng đã lên quá cây sào. Đang giữa tháng Ba mà cạnh bờ sông có một vườn mai rộng mênh mông, lô nhô cây cao cây thấp nhưng tất cả đều nở hoa vàng rực. Huệ nhi ồ lên kinh ngạc:

- Đẹp quá, đẹp quá. Không ngờ đã cuối xuân mà hoa mai vẫn rộ.

Lão cười nhẹ:

- Hà hà. Đây là vườn mai độc nhất vô nhị của lão Cù. Lão đến định cư ở Thanh Liêm này lúc nào ông không nhớ. Lão không vợ không con, lúc ở chỗ này lúc ở chỗ khác, tính tình ương ương dở dở, chỉ thích chơi rặt một loại mai tứ quý. Bọn ông làm bạn với nhau là nhờ vườn mai này đấy.

Rồi bất chợt lão giật giọng hỏi:

- Huệ nhi, con biết Hoàng Mai tửu chứ?

- Dạ thưa, con nghe bảo rằng vào giữa tháng Giêng khi tỉa cành và thay đất cho mai, người ta thu hái hết thảy hoa, đem phơi chừng một nắng rồi ngâm vào rượu gạo chừng ba tháng thì uống

- Ha ha ha. Đấy là rượu của bọn phàm phu tục tử. Hoàng Mai tửu phải lấy rượu Bàu Đá ngâm với hoa mai vừa héo bởi nội công ngoại kích.

Mắt Huệ nhi tròn xoe:

- Nội công ngoại kích là sao hả ông?

- Này nhé, nếu con nhìn kỹ vườn mai sẽ thấy các gốc mai được trồng cách đều nhau, nhưng có cây cao cây thấp. Đấy là mai hoa thung. Con phải múa quyền, múa roi, múa kiếm hay đấu võ trên mai hoa thung rồi hái những bông hoa vừa nở bị đả thương khô điếng ngay trên cành chưa kịp rớt xuống đất. Hãy nhớ bách hoa nhất tửu, phải đúng một trăm bông hoa mai như thế ngâm trong một lít rượu Bàu Đá vừa mới chưng cất từ lò ra chưa kịp trổ cườm.

- Khó vậy sao ông?

- Chưa khó đâu. Thằng Lữ bị tổn hại chân khí rất nặng nên nhất định phải dùng nội công từ đan điền chuyển đến đầu cây roi này rồi điểm vào những bông mai đã nở bung để chúng cuộn về thành nụ mà vẫn còn dính trên cành.

Huệ nhi vỗ tay reo:

- Ôi, hay quá, hay quá. Ông Chảng xuất chiêu ngay đi.

- Hà hà, con xem đây.

Lão nói xong liền vỗ nhẹ cây roi xuống đất, nhún người bay vút lên cây mai gần nhất. Lão đứng tấn trước, chân trái làm trụ, hai tay cầm hờ cây roi, thế đứng nhẹ nhàng như một con bướm vừa đậu xuống cánh hoa. Thoắt cái, cây roi vụt tới nở ra như một bông mai, vừa lúc ấy lão đã bay vụt qua tán mai kế bên, rồi liền đó thân ảnh đã tới tán mai kế bên nữa như thể chân lão chỉ kịp điểm nhẹ vào nhụy hoa, bóng người chập chờn lúc ẩn lúc hiện, bóng roi vun vút lấp loáng ánh trăng. Những thân mai dưới chân lão rùng mình chuyển bộ, lúc tấn lúc thối, khi hữu khi tả, nhẹ nhàng uyển chuyển như rồng bay trong mây, phượng múa trong mưa…

Minh họa: Phạm Hà Hải

4.

Con ngựa bạch cất tiếng hí một thôi dài. Tiếng hí cắt ngang dòng hồi tưởng của Đinh lão. Tiếng hí hình như nghẹn lại nơi họng ngựa, âm thanh không đều nhịp như đau đớn trong lòng, như sợ hãi điều gì. Mi khó ở chăng? Chiều hôm qua, sau khi bọn thuộc hạ của vua Gia Long rảo quanh mấy vòng rồi về, ta thấy mi lạ lắm. Đôi mắt ướt. Cánh mũi phập phồng. Móng gõ bồn chồn khắc khoải. Có điều chẳng lành chăng? Hay mi đang nhớ tiếng sáo mê hoặc như mùi ngựa cái của Huệ nhi?

Thời bấy giờ, họ Đinh nổi tiếng khắp Quy Nhơn về nghề nuôi ngựa. Chuồng ngựa của họ Đinh đông đến vài trăm con và toàn là ngựa hay. Nhưng chỉ mỗi con ngựa bạch này là được lão yêu quý như con.

Bạch Long Câu là ngựa quý hiếm, lông trắng như tuyết, mắt đỏ như lửa, eo nhỏ, chân khỏe, ngày chạy ngàn dặm chưa đổ mồ hôi. Con ngựa bạch này khi ấy còn ngang bướng bất kham, chưa chịu cho giữ hàm bắt dây cương.

Ngày ấy, sau những giờ luyện võ khổ nhọc, ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ lúc nào cũng xúm xít ở chuồng ngựa cùng lão.

Lữ nhỏ tuổi nhất nên chỉ làm mỗi việc bỏ cỏ cho ngựa ăn. Lữ biết cỡi ngựa nhưng không giỏi. Có lần hăng máu Lữ lân la định cỡi con bạch mã liền bị nó đá hậu té nhào suýt chết. Sau lần đó, ngoài học võ Lữ chỉ còn mê đá gà và thường theo bọn thiếu niên trong làng tìm gà giỏi để chọi, riết thành ghiền. Cũng nhờ rành các ngón đòn hiểm của gà chọi mà sau này Lữ tự tạo ra một bài võ nổi danh gọi là “Hùng kê quyền”, dành dạy cho nghĩa quân Tây Sơn.

Nhạc giỏi chăn ngựa và có nhiều chiêu trò thuần phục ngựa hoang. Nhạc bấy giờ đã hăm mấy tuổi, người cao lớn đường bệ, dáng đi oai vệ như rồng. Cả chuồng ngựa răm rắp nghe theo sự xếp đặt của Nhạc vì lúc nào Nhạc cũng sẵn cỏ tươi mật ngon và roi gai, không con nào muốn bị đòn hay bị bỏ đói bỏ khát.

Còn Huệ nhi thích chinh phục ngựa, nhất là ngựa chứng. Huệ nhi bấy giờ đang tuổi nhổ giò, mặt đầy mụn, nhưng khuôn mặt vuông vức nghiêm trang, tướng đi như cọp rất ra dáng một thiếu niên anh tuấn. Đàn ngựa rất sợ uy phong của Huệ nhi. Riêng con bạch mã mỗi lần gần Huệ nhi luôn có ý dè chừng. Một lần, Huệ nhi xin lão dắt ngựa ra đồng cỏ. Con ngựa bạch dùng dằng mấy lần không chịu cất vó. Huệ nhi liền trừng mắt, con ngươi như có lửa hừng sáng khiến bờm ngựa đang dựng đứng bỗng đổ xuôi. Ngay tức khắc Huệ nhi nhảy phóc lên mình ngựa, hai đùi kẹp chặt vào hông, hai tay ôm ghì cổ ngựa, thúc gót giục ngựa phi nước đại. Sau mấy lần tung vó định hất ngã kẻ cỡi ngựa bất thành, con bạch mã ngoan ngoãn chạy theo tiếng lệnh sang sảng oai hùng của Huệ nhi.

Bấy giờ Tuần phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên ngoài cái tật háo gái háo rượu còn rất mê ngựa, nghe họ Đinh có con ngựa quý bèn cho người gạ mua nhưng giá nào lão cũng không chịu bán. Quan Tuần phủ tức lắm nhưng không dám dây vào vì sợ phiền phức. Sau có kẻ tâm phúc bày mưu, Tuyên bèn đưa trát về Bằng Châu bắt nộp Bạch Long Câu cho quan phủ để dâng lên Quốc phó Trương Phúc Loan, nhưng tình thực giấu chơi riêng trong phủ. Đinh lão biết vậy nhưng đành phải tuân theo và cứ thở ngắn than dài mãi.

Hè năm đó, như thường lệ ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ lại về Bằng Châu học võ. Nghe mất con bạch mã ai nấy đều sững sờ. Huệ nhi mấy ngày liền không thiết ăn uống gì. Một sáng nọ, Huệ nhi thì thầm với lão, rồi chiều ấy, trước những người thân tín của họ Đinh, Huệ nhi háo hức trình bày kế giải cứu con bạch mã. Kế này hơi mạo hiểm, nhưng ai nghe cũng tán thành.

Đêm đó, gần chỗ ở quan Tuần phủ bỗng nghe có tiếng sáo trúc nỉ non. Trong chuồng ngựa của quan Tuần phủ, con Bạch Long Câu nghe tiếng sáo cứ gõ móng bồn chồn, thỉnh thoảng lại hí lên một tràng thê thiết. Hôm sau, gia nhân trong phủ phát hiện một con ngựa hay trong chuồng đã chết tự hồi nào, da thịt lạnh ngắt. Quan Tuần phủ cho kiểm tra mấy lượt nhưng không rõ nguyên nhân. Chừng mươi ngày sau lại chết thêm một con ngựa nữa, mọi thứ cũng y chang như con thứ nhất. Chỉ chưa đầy hai tháng có đến năm con ngựa hay cùng chung số phận như vậy khiến cả phủ nhốn nháo, quan Tuần vô cùng kinh hãi. Bấy giờ có một thầy pháp đi ngang qua nghe chuyện lạ liền xin vào xem thử rồi phán rằng con ngựa trắng này đã thành tinh nên nếu cứ để trong phủ thì không những ngựa mà cả người cũng nguy đến tính mạng. Quan nghe phán vậy sợ lắm liền đem ngựa bạch bán rẻ cho bọn con buôn.

Bọn con buôn đó là con cháu họ Đinh đã chực sẵn ngoài phủ. Còn gã thầy pháp cao tay ấn kia không ai khác chính là Nhạc nhi.

Khi Huệ nhi ngồi ngoài phủ Quy Nhơn thổi sáo làm mê hoặc mọi người thì lão phi thân vào bên trong, lẻn đến chuồng ngựa dùng “Âm chưởng cách không” đả vào cuống tim của ngựa khiến ngựa chết ngay tức khắc không để lại thương tích gì. Đó là chiêu “Tồi tâm chưởng” đã tuyệt tích giang hồ.

Sau kỳ tích “Mượn tiêu đoạt ngựa” đó, Huệ nhi trở thành thầy dạy sáo bất đắc dĩ cho cô cháu ngoại hay nhõng nhẽo dỗi hờn của Đinh lão.

Cô cháu ấy chính là Tiểu Mai. Cha mẹ mất sớm, Tiểu Mai được lão yêu thương và chiều chuộng từ bé. Lúc lên bốn tuổi, sau một buổi chiều dầm mưa bắt dế ngoài đồng, Tiểu Mai mắc cảm mạo phong hàn rất nặng, suýt bỏ mạng. Nhờ lão giỏi y thuật và nhờ được bổ âm kịp thời bằng Hoàng Mai tửu, Tiểu Mai thoát chết nhưng lớn lên thể trạng cứ mảnh mai gầy guộc. Bù lại, Tiểu Mai có làn da trắng trẻo, khuôn mặt thanh tú, giọng oanh vàng thơm dìu dịu hương mai khiến ai gặp cũng yêu quý và muốn được gần gũi chuyện trò.

5.

Đã mười lăm năm kể từ ngày Huệ nhi xa Bằng Châu chinh chiến Bắc Nam, chiều nào Tiểu Mai cũng đứng tựa cửa héo hon như mình hạc, thân mai.

Đinh lão nhìn cảnh ấy không chịu, buột miệng hỏi:

- Con nhớ thằng Huệ ư?

- Kẻ vô tình ấy, cháu nhớ làm gì.

Tiểu Mai quay ngoắt người chạy ra chuồng ngựa. Thoắt cái, Tiểu Mai và con bạch mã đã như một chấm mờ nhỏ xíu xa tít cuối cánh đồng cỏ.

Cây mai già run rẩy, gió chiều thổi qua tàn cây nghe như một tiếng thở dài rất khẽ. Rồi Đinh lão ngã bệnh. Huệ nhi nghe tin vội vã về thăm. Nghe lão bảo cần có Hoàng Mai tửu để hồi phục chân khí, Huệ nhi cùng với Tiểu Mai xách giỏ đi hái hoa mai.

Đêm ấy, lão nấp bên bờ sông Thạch Yển hồi hộp chờ một cuộc tri âm. Dưới ánh trăng sáng rực như gương, cây thương trong tay Huệ nhi bỗng như có phép thần. Nó thoắt ẩn thoắt hiện, lúc cương lúc nhu, biến ảo khôn lường. Khi thì mềm mại uyển chuyển như rắn, lúc lại dũng mãnh hùng tráng như rồng, nhưng cây thương ấy tuyệt nhiên không hề chạm vào các cánh hoa chứng tỏ Huệ nhi đã luyện “Cách không đả thương” đến công phu thượng thừa. Đây là các chiêu thức liên hoàn của “Độc lư thương” vô địch do chính Huệ nhi nghiền ngẫm tạo thành. Trận Rạch Gầm - Xoài Mút, lão nghe kể mà lòng sướng rân rằng Chiêu Tăng và Chiêu Sương một đao một kiếm liên thủ nhưng không địch nổi Huệ nhi, chỉ trong vòng có năm mươi chiêu thì đao và kiếm đã bị đả bại. Trận chiến oai hùng đó, giặc Xiêm và bè lũ cõng rắn cắn gà nhà bị đánh tơi tả trên sông Tiền, “Độc lư thương” của Huệ nhi từ đó cũng uy chấn trời Nam.

Đinh lão nín thở chờ đợi. Đêm dường như bất động. Ánh trăng vỡ ra sáng rỡ lúc Huệ nhi và Tiểu Mai đứng tần ngần nhìn nhau bên chiếc giỏ đựng đầy hoa mai vàng đã nở rộ vừa gặp âm lực của “Độc lư thương” cuộn lại thành nụ...

Rượu Hoàng Mai lão đã ngâm và đợi Huệ nhi từ ngày đó đến giờ. Đêm nay, lão có say khi độc ẩm cùng những chìm nổi bể dâu…

6.

Buổi sáng sớm ở Bằng Châu bỗng trở nên ngột ngạt trong một mớ âm thanh hỗn độn.

Trời nóng hầm hập.

Từng vạt cỏ nhàu nát.

Con ngựa bạch lồng lên. Hai chân trước dựng đứng. Mắt long sòng sọc. Chợt nó giậm mạnh hai chân trước, tung vó đá hậu. Cú đảo đột ngột khiến tráng sĩ suýt ngã lăn quay xuống đất. Tráng sĩ rạp người trên mình con ngựa chứng, hai chân đang kẹp chặt bụng ngựa bất ngờ thúc một đạp rất mạnh vào bọng dái kèm với một cú đấm trời giáng vào màng tang khiến con bạch mã ngơ ngác hí lên một tiếng thảm thiết, rồi theo cú thúc gót của tráng sĩ nó lao lên phi nước đại mấy vòng quanh bãi cỏ. Ngựa dừng bước. Miệng sùi bọt mép. Ánh mắt lấm lét sợ hãi. Tráng sĩ nhảy xuống ngựa, ném dây cương cho Đinh lão, trán lấm tấm mồ hôi. Tiếng reo hò vang như sấm dậy.

Tráng sĩ cất một tràng cười ngạo nghễ, ánh mắt sắc lạnh. Thì ra, đó là vua Gia Long. Vua có dáng người trung bình, khuôn mặt rắn rỏi, màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi. Không quan tâm đến Đinh lão đang xuýt xoa vỗ về con ngựa bạch, vua Gia Long hất hàm hỏi:

- Đinh lão, ta cỡi ngựa thế nào?

- Cổ nhân đã dạy, nhìn dáng ngựa chạy biết kẻ cầm cương. Bệ hạ hỏi chi khó thế.

Vua Gia Long nhíu mày khó chịu:

- Huệ giỏi hơn ta chăng?

Đinh lão bật cười ha hả:

- Khiển ngựa hay, điều phục ngựa chứng Bệ hạ không bằng Huệ. Nhưng trị ngựa phản chủ thì chắc Huệ còn thua xa lắm.

Vua nén giận, nắm tay bóp mạnh vào đốc kiếm mặt vẫn tỉnh như không:

- Thanh kiếm của ta không bén bằng cây thương của Huệ à?

Đinh lão giả vờ khúm núm thưa:

- Lão đâu dám nói thế. Kiếm thuật của Bệ hạ chấn động nước Nam, ai nghe cũng kinh sợ. Hôm nay thể nào Bệ hạ cũng phải múa vài chiêu cho lão mở mắt mới được.

Vua Gia Long rủa thầm. Thằng già chết giẫm, dám chơi xỏ ta ư. Ngụy Huệ đoản mệnh khiến kiếm báu của ta phải ngủ vùi trong vỏ rồng. Được, hôm nay để ta cho ngươi toại nguyện rồi tiễn về suối vàng cũng không muộn.

Vua tuốt kiếm. Tấn trước. Mũi kiếm chênh chếch hướng về cây mai tứ quý đang nở hoa cách xa chừng hai chục bước. Ánh thép sắc lạnh, rợn một màu chết chóc.

Vua Gia Long chợt đảo tấn, kiếm quang lóe lên. Trong tích tắc đã tung ra ba chiêu. Khi vua hồi bộ tra kiếm vào vỏ thì từ xa những bông mai vừa hé cánh mới chấp chới rơi xuống đất trong tiếng xuýt xoa thán phục của tả hữu.

Đinh lão vỗ tay reo:

- Hay quá, hay quá. Chiêu “Đoạt hồn” của Bệ hạ cổ kim chưa ai luyện thành. Đúng là tuyệt đỉnh công phu. Chỉ tiếc là…

- Lão chưa phục ta chăng?

Đinh lão cười tủm tỉm:

- Tâm Bệ hạ không yên, lòng Bệ hạ đầy sân hận nên chiêu thức tàn độc quá mức khiến kiếm báu đã bị tổn thương.

Vua Gia Long rút kiếm ra khỏi vỏ. Đầu mũi kiếm bị mẻ một mảnh nhỏ. Nhà vua kinh hãi nhận ra. Lúc thu kiếm về chuẩn bị tra vào vỏ, vua bỗng thấy hổ khẩu đau thốn, mũi kiếm run bần bật mấy nhịp liền. Khi ấy vua ngỡ mình lâu ngày quên luyện tập nên sức khỏe có phần giảm sút, ai dè. Sức công phá của thạch khí bắn ra từ tay Đinh lão thật kinh khiếp dù lão mới dụng có hai thành công lực.

Vua Gia Long chưa kịp phản ứng gì thì từ trong nhà một thiếu nữ đẹp như hoa bước ra thỏ thẻ giọng oanh vàng:

- Ông ơi, đã tới giờ uống thuốc.

Đinh lão đỡ lời:

- Chỉ là bệnh vặt của tuổi già, Bệ hạ chớ bận tâm chi.

Thiếu nữ dâng bát thuốc cho Đinh lão rồi quay sang vua Gia Long khẽ cúi đầu thưa:

- Tiểu Mai xin chào Bệ hạ.

Da Tiểu Mai trắng như tuyết. Môi nàng thắm như hoa hồng. Hơi thở của nàng ngan ngát hương mai.

Vua Gia Long sững sờ đánh rơi cả kiếm.

- Nàng đẹp lắm. Đẹp lắm… Đẹp hơn ta tưởng tượng.

- Bệ hạ quá lời chăng?

Vua vội vàng:

- Nàng chê ta không biết thưởng thức cái đẹp trời ban cho mĩ nhân ư. Ôi, hãy thổi cho ta nghe khúc sáo mà nàng tâm đắc nhất.

Tiểu Mai vân vê vạt áo:

- Tiểu Mai chỉ sợ mắc tội khi quân vì tiếng sáo quê mùa của tiểu nữ có thể làm Bệ hạ thất vọng.

Vua Gia Long vội xua tay:

- Không sao, không sao... Ta cho phép. Ta cho phép...

Tiểu Mai tựa lưng vào gốc mai tứ quý. Mắt nàng sáng long lanh. Nàng đặt môi lên sáo trúc. Tiếng tơ dìu dặt. Lúc trầm. Lúc bổng. Vua Gia Long nhắm mắt. Tay nhịp. Đầu gật gù... Trời xanh biêng biếc. Một cánh cò vừa chao nhẹ cuối chân trời. Con sông Hương trước hoàng thành dùng dằng sóng xô đôi bờ.

Bỗng tiếng sáo dồn dập thảng thốt và thổn thức bi thương. Vua thấy lòng bấn loạn... Lửa. Lửa. Ngùn ngụt cháy. Khắp nơi khói dựng thành cột. Kinh thành tan hoang. Chạy, chạy, chạy. Kẻ thù truy sát sau lưng. Ngã ba Long Xuyên nhốn nháo. Đứa bé mới mười ba tuổi nấp sau gốc dứa dại đái dầm dề ra quần vì sợ. Thất Kỳ Giang dậy sóng. Phù sa bầm như máu. Xác thuyền tả tơi. Những tay chèo hối hả hụt hơi. Tiếng hò reo của kẻ thù dậy trời dậy đất. Biển mịt mùng. Bão. Hồn phách lênh đênh. Ôi, lạy cao xanh! Đói. Và khát. Thật kinh hoàng. Bao nhiêu tủi nhục. Không, không, không. Nàng không được kể cuộc đời đầy bất hạnh và hèn đớn của ta…

Tiếng sáo của Tiểu Mai đã dứt từ lâu mà hồn phách của vua Gia Long như còn phiêu diêu đâu đó trên sóng nước lưu vong mịt mù ngoài đảo vắng. Đúng là tiếng sáo thần sầu quỷ khốc không thể xem thường! Vua vội vàng lên kiệu hối tả hữu hộ tống về thành Bình Định quên cả lời từ biệt mĩ nhân.

7.

Vua Gia Long bần thần suốt mấy ngày trời, lòng lúc nào cũng tơ tưởng đến Tiểu Mai và tiếng sáo ma mị của nàng. Đến lúc không dừng được, vua bèn lệnh đem quân tới Bằng Châu đưa bằng được Tiểu Mai về cung thì Đinh lão tiền bối và cô cháu gái đã biến mất cùng con Bạch Long Câu. Vua Gia Long cho truy lùng khắp nẻo nhưng không tìm ra tung tích. Vua giận lắm, đòi san phẳng cả làng Bằng Châu. Bọn tả hữu vội vàng can ngăn vì làm thế khác gì vả vào mặt vua, làm trò cười cho thiên hạ. Vua bèn sai đào gốc mai tứ quý trong sân nhà Đinh lão đem về Phú Xuân trồng trong vườn thượng uyển. Cây mai ở đất mới rất tốt và luôn trổ hoa đúng hạn nhưng tuyệt không có hương thơm. Điều lạ là mỗi khi có gió thổi qua thì cành lá lao xao phát ra tiếng sáo nỉ non ma mị. Vua Gia Long suốt ngày quanh quẩn bên gốc mai thở ngắn than dài, người tiều tụy hốc hác, mặt ngơ ngác như kẻ mất hồn không thiết tha gì tới triều chính. Triều đình phải nhờ pháp sư lập đàn giải hạn. Cội mai bị đào lên đem đốt thành tro rồi ném xuống sông Hương đoạn nước chảy xiết phía trên điện Hòn Chén, ở chính nơi xương cốt của “ngụy” Huệ bị giã nát rồi vứt xuống trước đó. Ít lâu sau dọc hai bên bờ sông xuất hiện một loại cỏ dại lá xanh mướt và mềm mượt như nhung, ngắt vò nhẹ rồi đưa lên mũi ngửi thì thấy thoang thoảng hương mai…

Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội, Tuyên Quang, tháng 10/2018

T.L.V

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)