Giải thưởng cống hiến trọn đời

Thứ Sáu, 22/02/2019 00:12

. THU TRÂN

Dạo này cha mất ngủ liên tục. Cả nhà phản đối vì cái lí do mất ngủ hết sức là vô duyên. Má nói, phải chi ổng tương tư con nào, đàn đúm con nào, má cũng ngơ luôn, cho ổng đàn đúm, cho ổng tương tư. Cha nghiêm mặt bảo, không được đùa, đó là ý nguyện chính đáng của tui. Tôi bảo với cha, cha thích gì con cũng chiều, nhưng cái ý nguyện này thì bó tay. Con không thể muối mặt để bọc lót nọ kia cho cha, cha à. Cha bảo, bọc lót gì, đúng tài thì được thôi chớ. Đừng nghĩ vậy cha ơi, đời không như là mơ đâu cha à. Cha bực mình lớn tiếng, mày làm quan này quan kia với người ta để làm gì, khi mà không làm được gì cho cha hết. Quan gì cha ơi, cái thằng phó có cũng như không, không thích thì thôi, thích thì nó sai chạy có cờ. Cha nói con không làm được gì cho cha hả, bận tối mắt tối mũi, mà muốn in cuốn sách nào có cuốn sách đó, rồi ra mắt sách, rồi chở sách đi tặng, cha muốn gì nữa cha.

Xong rồi cụ giận, cáo bệnh mấy ngày. Tôi lo cơm cháo, thuốc men luần quần cả tuần. Má thương con gái bảo, thôi kệ ổng đi, tám mươi tuổi mè nheo như con nít ấy mà, hơi đâu chiều, con. Cha làm quá, riết rồi tôi cũng nằm mơ, mơ thấy cái Giải thưởng cống hiến trọn đời. Phản đối ý nguyện được nhận Giải thưởng cống hiến trọn đời trước khi hết cơm gạo về với tổ tiên của cha, nhưng tôi không giận ông già. Cái khí chất mộc mạc, chân tình của người vùng sông nước miền nam như cụ, mới ra chuyện này chuyện kia về cái ý tưởng lóng lánh ấy cho tôi bá láp bá xàm. Chứ mà cụ cao cơ, kín đáo, chắc thắng… thì làm sao tôi dám hó hé chuyện này chuyện kia được.

Tôi bảo với cụ rằng:

- Cha, con nghe người ta nói làm nhà văn, giải thưởng giải thiếc chỉ là phù du ám ảnh, điều quan trọng là mình viết được bao nhiêu cuốn sách lay động cõi nhân gian bé xíu này…

- Thôi đi mày, cho tao xin, trứng mà đòi khôn hơn vịt hả. Mày thấy hôn, con Tám Anh, thằng Tư Nghĩa viết lách có ra gì mà tụi nó còn nhận được Giải thưởng cống hiến trọn đời từ đời tám hoánh, tao vầy mà không đủ tiêu chuẩn sao?

Và cụ còn bảo thêm, không đủ tiêu chuẩn, sao Hội Văn nhân thành phố gửi mẫu hồ sơ về cho cụ.

- Trời ơi cha à, nhà văn nào người ta cũng gửi, mấy cái bà hành chính ở hội không làm việc đó thì làm cái gì.

Cụ vỗ bàn cái rầm:

- Thôi đừng lắm chuyện, mày không chạy được để tao chạy, lấy vé đi, mốt tao bay về thành phố!

Tôi còn lì lợm dấm dẳng thêm:

- Cha à, thương con đi, cái chuyện này kì lắm. Mình mà chết rồi đâu cần này nọ cha. Cha thấy hôn, Việt Nam mình, thế giới này may ra người ta còn nhớ đến tiên hiền Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, mà lâu thiệt là lâu người ta mới nhắc tới mấy ổng…

- Ý mày nói cha mày mà ra cái đinh gì đó phải không? Nói cho biết nè, tao không mơ thành Nguyễn Du, Nguyễn Trãi. Nhưng con Tám Anh, thằng Tư Nghĩa được Giải thưởng cống hiến trọn đời thì tao cũng phải được!

*

* *

Nói dây cà ra dây muống thì kiểu gì tôi cũng phải hoàn tất bộ hồ sơ xin xét Giải thưởng cống hiến trọn đời cho cụ. Đến chuyện tác phẩm kèm theo, cụ lôi ra năm quyển sách dày hơn cái gối nằm bảo, như vầy là chắc thắng. Tôi thẳng ruột ngựa bảo, thắng gì cha ơi, chuyện chống tiêu cực, chuyện xóm làng phố thị sau ngày hòa bình cha viết hổng hay, cha lục tìm mấy cái truyện ngắn được giải thưởng Cửu Long Giang gì đó hồi thời cha đánh, nó đầy lửa cha à…

Cha nhìn xa xăm ra hàng cau trước nhà:

- Ừa, mày nói cũng phải, nhưng mà chuyển nhà mấy lần, cha làm mất mẹ nó hết rồi. Giờ sao?

Nội cái chuyện truy tìm lại mấy truyện ngắn một thời ám ảnh của cụ ở trong rừng cũng đủ hộc xì hơi. Rủ một con em máu mê văn chương trong cơ quan, tôi với nó chèo xuồng vô trong ngọn, tìm các cô các bác ngày xưa chiến đấu cùng đơn vị với cha, may ra họ còn giữ những tờ báo, tạp chí in tác phẩm của cha làm kỉ niệm, mà mượn lại để photo làm bằng một thời viết máu lửa của ông già.

Vòng đời viết lách của nhà văn, tôi nghĩ nó như một đồ thị hình sin. Thời hoàng kim của cha là lúc chiến đấu ở trong rừng. Cha viết hừng hực, viết máu lửa, viết rất nhanh, người ta biết đến cha bằng danh xưng nhà văn hơn là chiến sĩ. Cha rất tự hào khi có tôi nối nghiệp cha. Nhưng tôi giờ gác bút đi làm chính trị, không còn thời gian ngẫm ngợi viết lách như xưa. Chuyện này cũng khiến ông già buồn lắm. Nhưng biết làm sao được, mỗi người có một ngôi sao chiếu mệnh, phải không cha. Chính vì từng là nhà văn nên tôi rất tin vào những tác phẩm có nhà văn dự phần. Hầu hết những tác phẩm viết hừng hực, viết máu lửa, viết nhanh… đều là tác phẩm hay, tác phẩm có đời sống xanh tươi riêng nó. Sau này hòa bình, cha vẫn cần cù ngày ngày bên trang viết, cày ngày tám tiếng đàng hoàng, nhưng tôi thấy cha viết rất cực, rất hoang mang. Có lần tôi bảo, hay thôi đi cha à, mình làm nhà văn chỉ cần người ta nhớ đến một tác phẩm của mình…

Thế là cha nổi cơn thịnh nộ:

- Ý mày sao? Là kêu cha gác bút đó hả? Mày mê chính trị thì cứ làm nghe con, cha mày có con đường của riêng cha, còn sống còn viết con à.

Tôi thương cha ngậm ngùi không dám nói. Những tác phẩm rất dày sau này của cha không được mọi người nồng nhiệt đón nhận. Có lẽ nó không phải là đời sống của cha nên nó không được xanh tươi. Ông già như con hổ sống trong rừng từ tuổi mười lăm đến quá nửa đời người mới dong tiếng kèn chiến thắng trở về thành phố. Rồi ngồi trong bốn bức tường viết về đời sống chung quanh thì hỏi làm sao mà hay được. Nể tiếng tăm ông già, ban đầu các nhà xuất bản còn in kế hoạch A cho vài cuốn. Sau ông già viết nhiều quá, con gái phải bỏ tiền in kế hoạch B cho ông. Sách ông viết thời bình chất đầy trên kệ, nhưng cứ nhàn nhạt chung chung, không có cuốn nào đáng nhớ cả. Sách tự in ra nhiều, làm sao phát hành cho hết, bán thì quá sức “chợ chiều” trong các nhà sách, thế là cha có hẳn một kế hoạch cùng má chèo xuồng đi tặng sau khi con gái trang trọng làm cho buổi lễ ra mắt sách. Hai ông bà bỏ trắng một đêm ghi tên bạn bè đồng nghiệp của cả hai thời còn đương chức đương nhiệm, sau đó đến bà con họ hàng cháu chắt. Thú vị nhất là danh sách đồng chí đồng bào cũ ở trong bưng trong ngọn thời kháng chiến. Má cười thật tươi, nụ cười hiếm hoi mỗi lần má chèo xuồng đưa cha đi:

- Được à, cái vụ vô bưng vô ngọn này coi bộ được à. Vùng đầu con sông, cây trái tươi xanh bốn mùa, con người ta sống chí tình chí cốt, ít thay đổi nên chắc cũng quý sách cha mày trước sau như một.

Nghe má nói câu này, tôi thương má dạt dào. Má kể hồi đó trong rừng, ông bà ngoại đâu cho má lấy cha, nói nó nhà văn khùng khùng mát mát mày chịu nổi hôn. Má đâu thấy cha khùng khùng mát mát, chỉ thấy nhà văn đẹp trai đĩnh đạc, đi đâu cũng được người ta quý như vàng.

Nhiều hôm tôi đi làm về muộn, vẫn chưa thấy cha má chèo xuồng về. Hỏi, ông chồng tôi nói hai ông bà đi vô ngọn tặng sách. Tôi sốt ruột không ăn uống gì được. Chờ mãi mới nghe tiếng nước róc rách trước bến sông nhà. Má bước lên càu nhàu:

- Nhà ông Ba Đáng sâu muốn chết, trời tối mò mà bắt vô cho bằng được, may không kẹt con nước ròng, không thì giờ này ở giữa đồng cho muỗi nó chích no nê.

Cha bước lên sau, cười khà khà:

- Vậy mới chí tình chí cốt chớ, bà thấy ông Ba mở sách tui đọc liền mấy trang hông.

Chồng nhìn tôi như trách móc:

- Mai mốt em thuê đò máy chở cha má đi, chớ để tự chèo vầy, anh thấy lo quá em à!

Tôi nhìn về phía cha:

- Anh nói với ổng kìa!

Cha lên tiếng:

- Mướn đò chi cho tốn tiền, bây. Cha má còn sức còn chèo được, hai đứa tao còn bơi ngon mà. Với lại thích đâu ghé đó, ghé cả ngày, vậy mới tuổi già thong dong chớ!

Mỗi lần đòi đi tặng sách, con cái không cho đi là giận là bệnh, trời nào chịu nổi. Chỉ có má mới chịu nổi cha, mới chịu dong thuyền ra sông ở tuổi bảy mươi cùng ông già tám mươi nghiện chữ. Cái sức mạnh “nhà văn đẹp trai đĩnh đạc, đi đâu cũng được người ta cũng quý như vàng” đã khiến cô du kích chịu thương chịu khó năm xưa ấy luôn luôn như nhất trong tình yêu son sắt.

*

* *

Chèo xuồng đi tặng sách xong một thời gian bỗng cha than thiếu nguồn tương tác. Tương tác thật sự khó khi mấy ông trong chi bộ ấp, cái chi bộ mà cha đang sinh hoạt ấy, không thiết tha gì đọc sách. Còn tổ phụ lão của cha, gặp nhau các cụ chỉ kể bệnh và khoe cháu, cho nên ông già lênh đênh. Tôi bảo, con mở phây búc cho cha nha. Cha nói không quen máy móc, đánh máy chữ còn không biết, ở đó mà phây búc với phây béc. Tôi bảo, mở cho cha, nhưng người thao tác là con, tối về con rảnh, mở ra cho cha tha hồ tương tác. Cha đọc người ta viết cho cha, cái gì khó hiểu con giải thích thêm. Xong, con sẽ viết trả lời lại cho người ta cái gì mà cha muốn nói với họ. Hình ảnh tag lên con lo, truyện của cha post lên con cũng lo, được chưa. Khoan đã con, tag, post là cái gì. Là gắn hình gắn chữ lên cái ô máy của cha đó. À, hiểu rồi, giống như mày mần thơ kí cho cha vậy hả. Dà, cứ coi như là thơ kí đi, nhưng lúc nào tui rảnh mới làm nha ông.

Phải nói rằng, tôi thật sự hối hận khi kéo cha vào “dịch vụ phây búc”. Bạn bè tôi, mấy thằng lính lác của tôi yêu món bánh xèo lá chát của má đãi khi họ đến chơi nhà, mà đã like và “còm” truyện cha lia lịa. Họ chơi ác, đưa cha lên tận mây xanh bằng ngôn từ có cánh lóng lánh. Kiểu như đàn bà con gái, già trẻ xấu đẹp gì đưa hình lên cũng “chị xuynh thuế”, “em đẹp như thiên thần”, “ánh mắt tuyệt vời ông mặt trời”… Thế là các bà các chị tha hồ photoshop và tưởng mình đẹp thiệt, trẻ thiệt. Cha cương quyết đòi tôi làm hồ sơ xin xét Giải thưởng cống hiến trọn đời một phần cũng vì cái hội chứng phây búc giết người bằng nước đường thốt nốt này.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Rồi tôi cũng đi vô trong ngọn, vô vùng sông nước xa xưa ấy, gặp lại các cô các bác một thời là bạn bè đồng chí của cha má tôi. Đúng như má nói, họ đã già hết, đã cũ kĩ hết rồi, mà cái tình vẫn đầy ắp như xưa. Họ trân trọng từng kỉ niệm thời còn ở chung lán lá dừa với nhau, ăn chung với nhau mẻ cơm độn khoai mì, đỡ thay nhau từng cơn mưa rừng sốt rét và thậm chí, chết cho nhau từ những viên đạn địch bắn hú họa lạc loài. Tôi đã khóc dài theo những câu chuyện mà các cô các bác kể. Và tôi cũng thấy rất tự hào về người lãnh đạo tài hoa luôn biết hi sinh vì mọi người là ông cha nghiện chữ của tôi. Chỉ tiếc rằng, các bác các cô mà tôi gặp lại sau bao nhiêu năm ấy, tất cả đều nghèo, họ ở sâu quá xa quá nên cánh tay chèo thuyền của cha má tôi không với tới. Ăn bữa cơm nghèo với mọi người, chỉ có rau dưa mắm muối, mà tôi thấy ngon biết bao, ngon vì cái tình, cái tình đẹp như mơ mà thời này phải đãi như đãi vàng mới có. Tôi nghĩ trời thương tôi, chứ không phải thương cái mong muốn có được Giải thưởng cống hiến trọn đời của cha tôi, nên trong số những người tôi gặp, có cô có bác vẫn còn giữ mấy truyện ngắn viết về chiến tranh của cha. Truyện nào truyện nấy in trên giấy ố vàng, màu mực nhem nhuốc, được xếp chung trong gói kỉ vật của họ; có khi là những lá thư, hình ảnh, lọn tóc đồng đội hoặc giấy chứng nhận huân chương, huy chương kháng chiến.

Khỏi nói, cha tôi vui mừng xiết bao khi gặp lại những đứa con tinh thần của mình. Tôi photo hết các bản và thuê người đánh máy lại hết các truyện. Cha háo hức như một đứa trẻ khi chờ đợi để đọc lại các truyện của mình (bản gốc nhem nhuốc quá, cha không đọc được). Coi như hồ sơ giấy má tạm ổn, chiều chủ nhật rảnh rỗi, cơm nước xong, tôi mời cha má ra bàn trà trước nhà uống nước. Tôi đưa cha một chiếc phong bì và bảo:

- Đây là tiền con biếu cha má về thành phố chi tiêu cho cái vụ Giải thưởng cống hiến trọn đời. Hai ông bà nói sao nói, tui hổng quen chuyện đồng tiền đi trước này nha. Con đã đăng kí vé máy bay rồi, tiền khách sạn ăn uống dạo chơi thành phố mấy ngày con đưa sau.

Má tôi ngớ ra:

- Ụa, có chuyện này sao, con?

- Chớ cha hổng nói gì với má kế hoạch về thành phố sao?

- Có nghe nói đi nộp hồ sơ, đi thăm lại mấy ông nhà văn bạn cũ của cha con, chớ má đâu có nghe nói cái vụ đồng tiền đi trước đâu?

Tôi nghe cục ức dâng lên trong lòng:

- Má hỏi cha đó!

Lúc này cha tôi mới rít một hơi thuốc dài:

- Hội đồng xét duyệt giải thưởng có năm bảy ông gì đó phải hông con?

Tôi ngước mắt nhìn hai con thằn lằn đang đeo bám nhau trên trần nhà:

- Vụ đó con hổng biết à. Thì cha nói ra gặp mấy bác mấy chú bạn văn của cha mà hỏi. Làm sao mà cha gặp đủ được hết mấy ông trong hội đồng thì giỏi à!

Má bắt đầu ngắc ngứ trên đỉnh hoang mang:

- Trời à, công lao mình, mình viết, giờ muốn được thưởng cũng phải chung tiền nữa hay sao!

Cha càu nhàu:

- Thôi im đi, bà đờn bà con gái đái không qua ngọn cỏ, biết gì! Chỉ là cám ơn người ta thôi, chứ mà chung tiền thì bao nhiêu mới đủ!

Tôi mát mẻ:

- Dà, tiền trà nước nhẹ nhàng thôi mà, một năm lương của con đó cha!

Cha đẩy xoẹt phong bì về phía tôi:

- Thôi, trả lại một năm lương của mày. Con cái ăn nói vậy đó, giúp cha mà nói nghe hỗn hào bội bạc!

Xong rồi cha rít thuốc liên tục. Má nhoài người cầm lấy phong bì:

- Ông này, nói vậy con nó buồn. Bấy lâu nay, nó không lo cho mình đủ thứ thì ai lo. Có điều chuyện này phải bàn cho rõ ràng, tui nghe hai cha con ông úp mở hổm rày mà không hiểu gì hết. Nè con gái, chứ bộ ai muốn được xét giải thưởng đều phải trà nước như vậy hết sao con?

Tôi chiêu ngụm trà cái ực cho cục tức rớt xuống:

- Không phải tất cả đều vậy, nhưng hên xui má à. Có những người được xét không phải tốn đồng nào, bởi công lao thành tích của họ quá rõ ràng. Có những người ở giữa, chưa chín lắm…

- Hườm hườm đó…

- Dà, đúng rồi má, hườm hườm như cha con đó, năm ăn năm thua à...

- Nhưng vụ chi ít chi nhiều này do ai đặt ra?

- Chẳng ai đặt ra cả, tại cái tình hình nhũng nhiễu nó thế, lâu dần thành lệ má à. Mà đất nước mình, nhiều khi lệ còn thiêng hơn luật.

Như chưa hiểu gì hết, má gằn giọng:

- Chung quy lại, cái vụ này do ai?

Tôi lại ngước lên trần nhà nhìn hai con thằn lằn:

- Do người ta thích một cái gì đó mà không giải thích nổi má à.

Cha đứng lên, xô ghế cái rầm:

- Hai má con bà im mẹ nó đi, bên hỏi bên đáp nghe muốn bể cái đầu!

*

* *

Tập truyện kháng chiến của cha đánh máy xong, tôi cho đóng thành tập, làm mới tinh tươm ra mấy bản, thấy cũng được. Cha nằm võng suốt hai ngày để đọc lại tập truyện. Đọc chậm rãi, đọc từ từ như đang hút điếu thuốc ngon sợ hết.

Một chiều, cơm nước xong, vẫn nằm đu đưa trên võng, cha biểu má kéo ghế ngồi cạnh bên nói chuyện. Cha không đả động gì đến tôi và chuyến đi về thành phố, có vẻ giận. Người già hay dỗi như trẻ con, dỗ dành hoài tôi bắt mệt, thôi kệ, lúc nào thích thì ông già lên tiếng vậy. Tôi ngồi đan áo len cách không xa chỗ hai ông bà nói chuyện, cho nên chẳng cần ngóng nghe mà cũng nắm hết sự tình.

- Má con Sen à, mấy bữa nay bà đọc hết truyện của tui chưa?

- Rồi, còn đọc trước ông nữa à, tui thấy ông giơ giơ cuốn sách trước mắt như đánh vần hoài hổng xong vậy.

- Hổng phải, đọc sách phải nhâm nhi mới thấm chớ bà. Bà thích truyện Bông cóc kèn hông?

- Thích, tui thương cô giáo Mỵ trong đó quá. Hi sinh lúc còn quá trẻ, bộ cổ che chở cho mấy đứa nhỏ thiệt đó hả ông?

- Thiệt mà, bữa đó còi hú báo động mấy lần mà mấy đứa nhỏ ham chơi không chịu vô hầm. Cổ phải từ hầm leo lên lùa từng đứa như lùa vịt vậy, tới đứa cuối thì hai cô trò bị trúng trái trên đường cổ cõng thằng nhỏ chạy vô hầm, tám đứa nhỏ trong hầm không xây sát một miếng thịt nào hết.

- Sau đó lớp học Hoàng Oanh của cô Mỵ giải tán hả ông?

- Không, có cô khác tình nguyện thay cô Mỵ liền, tình hình chiến khu mấy năm đó khó khăn vậy, nhưng mình cương quyết không để con em cán bộ du kích thất học.

- Mà nè, ông!

- Gì?

- Đọc cái giọng kể của ông, tui thấy hình như ông có cảm tình với cô Mỵ thì phải?

Cha im một chút rồi e hèm:

- Mà cũng có sao đâu bà, cô giáo tình nguyện dễ thương mà phải hông?

- Lúc đó mình quen nhau chưa?

- Quen gì mà quen, bà thụt lại một hai tuổi nữa thì thành học trò cô Mỵ rồi, ở đó mà hỏi han lộn xộn!

Cha đốt một điếu thuốc rồi nói tiếp:

- Trong các truyện tui viết ở cuốn này, bà thích truyện nào nhứt?

- Tui thích truyện trèo cây hái dừa của thằng Út giao liên. Thằng nhỏ bị mấy ông bên kia giết tội ha, mà sao tàn ác vậy cà?

- Bà hổng biết chuyện này thiệt hả, tui kể bà nghe nhiều lần rồi mà!

- À, nhớ lộn rồi, ông kể bà nào nghe á, chớ hổng phải tui.

- Chời, già còn ghen, khó chịu quá! Tui kể cho nghe nè. Hồi đó ban chỉ huy miền ba người tụi tui ém ở hầm nhà thằng Út. Giặc phát hiện, nhưng chúng nó không biết hầm ở đâu. Bắt thằng nhỏ khai, nó không khai, thế là giặc xẻo hai tai thằng nhỏ ra máu cho tới chết. Má thằng Út thấy con chết ngay trước mắt mình, bà điên tiết cầm dao xả tán loạn cái đám giặc đó…

- Rồi sao nữa?

- Thì nó bắn bả chết chớ sao. Tui ở dưới hầm nghe ngóng tình hình điên lắm, cầm súng chực xổ lên mấy lần, tính trả thù cho má con thằng Út, nhưng anh Tám chỉ huy miền nói phải, không lấy trứng chọi đá được, manh động chỉ có chết, ba đứa tui làm sao đánh lại mấy chục thằng súng ống đầy người kia…

- Rồi sao nữa?

- Rồi không làm được gì, tụi giặc đành rút. Người yêu thằng Út cũng là giao liên miền, cổ đến khui hầm, đưa tụi tui đi. Cái đoạn này, tui hư cấu thêm chuyện người yêu thằng Út cho nó lâm li, chớ hồi chết, Út nhỏ xíu hà, yêu yết gì, đâu mười lăm mười sáu tuổi gì đó. Người giao liên thiệt sự đến đưa tụi tui đi là cậu Năm Cảnh của thằng Út.

- Ừa, mà sao truyện nào ông viết cũng buồn, nhân vật chính không chết cũng bị thương hà.

- Chiến tranh mà, biết sao được! Bữa nào tui với bà trở lại bưng thăm mấy nhân vật của tui nha. Đọc xong mấy truyện này tui buồn quá bà ơi!

- Sao buồn?

- Thì thấy đời nó phù du quá, chỉ có tình người là đáng kể. Như tui với bà đây, mình sống với nhau tới răng long đầu bạc, mai mốt chưa biết ai đi trước…

- Ông thích ai đi trước?

- Bà đi trước đi, để tui lo cho bà.

- Thôi, ông đi trước, tui đờn bà, lo cho ông đàng hoàng hơn.

- Bà đi trước…

- Ông đi trước…

Cha đứng lên, đến bên má, ôm ghì xiết vai vợ nồng nàn:

- Thôi đừng nói nữa, nghe vô duyên lắm má con Sen à, hàng xóm nghe được, lại tưởng vợ chồng mình giành nhau lột da sống đời. Chuyện sống chết có số, nói trước bước không qua. Thôi, ám ảnh quá, tui quyết vầy, tối nay bà nhớ chuẩn bị ít gạo tương mắm muối, mai vợ chồng mình vô bưng, thăm lại bạn bè đồng bào chí tình chí cốt xưa, được không?

Tôi thấy má rút khăn lau nước mắt cho cha. Người già khóc ráo hoảnh như trời đang nắng chói chang bất chợt đổ mưa ào ào. Bất chợt cha đổi giọng với con gái cũng như khi cha khóc:

- Sen à Sen, ra đây cha biểu!

Nghe giọng cha, lòng tôi chùng xuống, thái độ cay nghiệt phủ phàng dành cho cha khi nói về chuyện Giải thưởng cống hiến trọn đời biến mất. Nếu mà cha nói: “Mày đặt lại vé máy bay, đưa lại phong bì cho tao với má mày bay về thành phố…”, thì hức hức, tôi sẽ đứng khoanh tay và đánh vần từng chữ rằng: “Thưa-cha, cha-má-muốn-làm-gì-thì-làm, con-không-dám-cay-nghiệt-phủ-phàng-nữa-đâu”. Nhưng không, cha lại nói khác:

- Thôi con à, cha nghĩ kĩ rồi, mai này về với đất, mỗi người cũng chỉ mang theo được sáu tấm gỗ tàn thôi. Con dẹp cái vụ hồ sơ với giải thưởng giải thiếc gì đó đi nha. Cha với má mày còn không bao nhiêu ngày nữa trên cõi đời này, thì cố mà sống sao cho tình ra cái tình, nghĩa ra cái nghĩa, mới xuôi tay nhắm mắt được con à. Quên đi, quên hết đi nghen con! Con đừng buồn cha vì những gì cha nặng lời với con mấy bữa rày nghen!

Tôi nghe sướng rơn trong lòng, nhưng giả vờ nắm níu:

- Sao nản chí anh hùng sớm vậy cha. Con thấy tập truyện trong chiến khu này của cha ngon lành, mình cứ tiến cử coi sao nghe cha?

- Cử kiếc gì mày ơi, chuyện khổ đau máu lửa của mình với đồng bào đồng chí, đọc lại thấy trào nước mắt, mà giờ đem để lên bàn cân cho họ nâng lên đặt xuống sao? Thôi đi con à, cả đời cha, chỉ cần cuốn sách này là đủ, mày nói đúng đó Sen à…

Tôi nhìn ra bến sông trước nhà, những giọt nắng cuối ngày hắt qua kẽ lá ô rô sáng bừng lên rực rỡ…

T.T

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)