Trước khi viết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá, tôi nghĩ đến Thương. Khi viết xong, gặp lại Thương, thì thấy may mà tôi không gặp lại Thương trước khi viết, nếu gặp, chắc chắn tôi không viết nổi truyện ngắn đó.
Thương là nguyên mẫu của nhân vật May (trong truyện); Pao (trong phim Chuyện của Pao), còn mẹ Già - bà Mao, là bà May - người mẹ Mông không sinh ra Thương.
Tôi chơi với Thương từ lúc tôi chưa vào lớp một. Cái xóm nhà tôi ở có cả người Kinh, người Tày, người Dao, người Mông. Thương có được đi học, nhưng chỉ lớp hai, lớp ba là bỏ. Thương là chị cả trong một gia đình có một ông bố, hai bà mẹ và năm đứa con: Thương - Anh - Nhớ - Bằng - Thắng. Đứa em kế Thương, thằng cu Anh, ở nhà gọi là Chài. Tại vì Thương có một bà mẹ là người Kinh, nên năm chị em Thương mới được đặt tên theo kiểu người Kinh như vậy. Duy chỉ thằng Chài, lại ảnh hưởng theo cách người Tày thường gọi con trai lớn trong nhà.
Vì sao Thương lại có hai bà mẹ? Bố Thương tên là Chú và mẹ Già lấy nhau nhiều năm không có con. Khi bố Thương đi dân công làm đường Hạnh Phúc thì gặp mẹ Hoa của Thương. Đường làm xong thì ông Chú dẫn bà Hoa về nhà ở. Không cưới xin gì. Rồi lần lượt bà Hoa sinh ra năm đứa con. Nhà Thương rất rộng, pha tạp giữa kiến trúc nhà của người Mông lẫn người Tày, lẫn người Kinh: mái lợp lá cọ, ba gian, mỗi bên có một cái buồng cửa ra vào che bằng một tấm ri đô hoa đỏ, gian bếp có bếp lò, có gác bếp trên treo lúa cum và ngô buộc thành túm. Hai căn buồng ấy một dành cho mẹ Già, một dành cho mẹ Hoa. Ông Chú thích ngủ ở buồng nào thì ngủ. Bọn trẻ con ngủ trên phản ngoài nhà.
Tôi chứng kiến bà Hoa lần lượt sinh bốn đứa con sau Thương, và đứa nào cũng được bà May chăm bẵm cặm cụi nuôi nấng y như thể chúng do chính bà sinh ra vậy. Bà Hoa thì cứ bận buôn bán gì đó, đi vắng suốt, hầu như đến nhà chỉ thấy có bà May.
Tôi hay cho Thương quần áo cũ, vì tôi không có em, mà tôi lại cao lớn hơn Thương một cái đầu. Và có khi cái áo tôi cho Thương năm trước, năm sau lại đến lượt cái Nhớ hoặc thằng Thắng mặc.
Đấy là một phần của Thương trước khi tôi viết Tiếng đàn môi sau bờ rào đá.
Khi tôi đưa Ngô Quang Hải, đạo diễn phim Chuyện của Pao lên Hà Giang gặp Thương, Thương và chồng, hai con đang ở trong một ngôi nhà vừa xây ở lưng chừng một quả đồi khô khốc, tường chưa quét vôi, nền chưa láng xi măng. Sau nhà là một con lợn nái sề đang vác cái bụng to đi lại lặc lè, vốn liếng của Thương đang để tất ở đó. Bà May khi ấy đang sống trong một ngôi nhà cùng với Thắng, đứa con út vừa đi bộ đội về, cách nhà Thương một đoạn.
Một năm sau đó, tôi lại đến.
Một chuyện rất buồn vừa xảy ra: Đứa con trai nhỏ của Thương, đi học về, cùng bạn chui vào trong bể nước đầu nguồn, nơi tích trữ nước cung cấp cho cả thị xã để tắm, và chết đuối trong đó.
Thương ngồi đó, trước bàn thờ con và chỉ biết lau nước mắt. Thằng con trai lớn thì ngồi thừ trước hiên. Thương nói: Nó (thằng bé), học giỏi lắm, không như anh nó đâu. Nhưng nó cũng nghịch hơn thằng anh nhiều. Ai mà nghĩ được là nó lại dám mò lên tận đỉnh núi rồi chui vào cái bể cơ chứ.
Hỏi: Thế bố chúng nó đâu?
Trả lời: Chắc đi uống rượu rồi. Làm được đồng nào cho vào chai rượu hết.
Những gì có thể bán được Thương đã đem bán làm đám tang cho con. Giờ phải chạy ăn từng bữa. Chồng sáng vác cưa đi, chiều vác cưa về với một cái bụng đầy rượu. Mặc vợ mặc con.
Bà May nghe tin tôi đến tất tả chạy ra, vớ lấy điếu cày, vo một cục thuốc to tướng nhét vào nõ, châm điếu, rít mấy hơi liền, khói phả mù mịt. Rót hai chén rượu đầy, tôi một bà một, uống cạn. Tôi hỏi:
- Cô dạo này thế nào ạ?
- Vẫn thế, vẫn hút được thuốc, uống được rượu.
Thương chen vào:
- Chúng nó đang đòi bán nhà đấy.
- Ai cơ?
Thì thằng Chài, thằng Thắng, cả cái Nhớ nữa. Cứ đòi bán để chia nhau.
Bà May rít thêm hơi thuốc:
- Tao có mắng mấy câu thì chúng nó cãi: Bà có đẻ ra tôi đâu mà mắng tôi.
- Hồi bà ngã gãy chân, còn chả đứa nào thèm hỏi han cơ - Thương đế thêm.
- Cái Thương cứ bảo tao ra đây ở, nhưng tao ở làm sao được, còn chồng con nó nữa chứ. Cuối cùng, còn mỗi con bé này thương tao thôi.
Tự dưng tôi thấy buồn ghê gớm. Tôi đã chứng kiến bà May trước mặt ôm thằng Thắng, sau lưng địu cái Nhớ, vừa nấu cám cho lợn, cuốc đất trồng rau, lội suối xúc cá. Ông Chú đã mất vì ung thư gan mười mấy năm trước, bà Hoa còn mất trước cả ông Chú. Rốt cuộc, chỉ có mình bà May gồng gánh, nuôi nấng từng ấy đứa. Vậy mà khi đã trưởng thành, chỉ có Thương còn nghĩ được trước sau, nghĩ được công sức, ân tình mà người đàn bà Mông này dành cho năm chị em, còn lại, đều quên hết như thể dòng nước đã trôi qua vậy.
Bà May không may mắn được như nhân vật trong phim, Thương cũng không biết đến tình yêu là gì. Và cả hai chưa hề xem phim, cũng không đọc truyện của tôi. Những thứ ấy, với họ như là sản phẩm của thế giới nào khác. Bà May và Thương chỉ láng máng biết rằng tôi đã dựa vào cuộc đời họ để viết gì đó, và từ đấy họ lên phim. Họ ríu rít khi tôi về, là vì tôi với Thương đã có chung một tuổi thơ đầy thương mến ấy mà thôi.
Bây giờ, nơi được lấy làm bối cảnh bộ phim Chuyện của Pao ở Sủng Là, Đồng Văn đã trở thành một điểm du lịch không thể thiếu được trên hành trình lên cao nguyên đá. Thế nhưng, nguyên mẫu của hai nhân vật ấy chưa một lần đặt chân tới. Họ còn bận lao động quần quật lo cho cuộc sống thường ngày. Câu chuyện của quá khứ đã vùi sâu, rất sâu trong kí ức. Chỉ có tôi chưa bao giờ quên hình ảnh bà May, phốp pháp trong chiếc váy Mông đồ sộ, khăn áo đầy mùi khói bếp, và địu trước cõng sau những đứa trẻ không phải do bà sinh ra. Giờ, đã cuối đời, ngồi hút thuốc lào và lặng lẽ thở dài khi nhắc đến cái cuộc đời vẫn còn đang tiếp diễn một cách khó khăn, mỏi mệt và không ít buồn phiền. Tôi không biết mình có thể làm gì cho bà, để như một sự biết ơn về cái thân phận hiếm hoi ấy đã níu giữ tôi trở lại với một vùng đất nặng trĩu ân tình.
Tôi sẽ không gặp lại một thân phận thứ hai như thế trong đời, cũng khó có thể viết một truyện ngắn nào mà nguyên mẫu lại ám ảnh đến như vậy.
Nhà văn ĐỖ BÍCH THÚY
Dựng xong căn lều trên mảnh nương mới được bạn tồng nhường cho, ông Chúng mang mấy chiếc nồi bé sang, cả gạo, muối, dầu thắp, cả một con trong đàn chó canh nhà. Lúc bà hỏi ông, định đi luôn không về hay sao mà mang lắm thứ thế, ông bảo phải qua sông, lại cũng xa nữa, nên thỉnh thoảng ông phải ở lại. Thực ra chính ông cũng biết đó chỉ là cái cớ, chứ nếu ông đi vắng thường xuyên thì nhà ông như thiếu tường đất, mưa không biết lấy gì mà che, gió không biết lấy gì mà chống. Chưa kể gần đây thỉnh thoảng lại có nhà trong bản bị mất trộm dê lợn, có nhà đã mất cả bò. Thế mà cánh cổng gỗ vào nhà đã có từ đời ông bà, chưa một lần thay, cài then thì cũng chỉ để đánh lừa mắt thôi, người khỏe xô nhẹ là bật ngay ra rồi. Chẳng phải ông không biết lo việc nhà, chẳng phải ông bỏ đi để hàng ngày được rượu thịt một mình. Lúc này ông thấy trong nhà mình khó ở quá, giống như trời sắp mưa giông mà mấy ngày liền không mưa được. Nhìn dáng con May ngồi thái dọc mùng trắng cho lợn mới thấy thời gian trôi đi nhanh quá, thằng Trài cũng cao hơn con dao quắm dựng góc nhà rồi. Chỉ còn phải lo cho hai đứa con một vài năm nữa thôi, đến lúc chúng như con chim rời tổ thì với ông sống hay chết, no hay đói, giàu hay nghèo cũng chẳng cần phải nghĩ đến nữa. Cả bà chắc cũng nghĩ như ông thôi...
Ông Chúng sang nương, mấy ngày đầu nhà vắng quá, bữa cơm nào cũng mang thừa bát đũa. Đến tối May sang ngủ chung với mẹ Già. Thường thì cứ phải đến lúc May chập chờn ngủ rồi mẹ Già mới vào. Hôm nào mẹ cũng phải đi một vòng xem lại cửa cổng, dập hết than trong bếp lò, mang chó ra buộc gần chuồng ngựa. Lúc mẹ Già vào, May ôm lấy mẹ thật chặt. Người May nóng gần bằng cái bếp lò, mẹ Già bảo thế.
Đêm nay May đi ngủ muộn, phần vì nhà đã vắng càng vắng - thằng Trài mang ngựa đi lấy giống, mẹ Già đi xem bệnh cho trẻ con nhà Chứ - phần vì ngoài kia, sau bờ rào đá, có tiếng đàn môi tự dưng cất lên, gọi mãi, gọi mãi. Tiếng đàn ấy May gặp ở mấy phiên chợ rồi, lần nào cũng đuổi sau lưng, May đi nhanh thì theo nhanh, May đi chậm thì theo chậm, bây giờ lại dám theo về tận nhà người ta nữa. Đã mấy lần May đứng dậy, ngập ngừng định đi ra cửa mà chân cứ run lên lại ngồi xuống. Chiếc khăn thêu được vài đường đã nhầm, kim lại đâm vào ngón tay mấy lần. Sau rồi May cũng giữ được chân mình mặc kệ tiếng đàn môi ấy, dội lửa vào củi rồi vào buồng. Tiếng đàn còn quanh quẩn mãi bên ngoài mới chịu đi. Tiếng bước chân ngựa cũng ngập ngừng. Đi ngựa là người ở xa đến rồi. Đi xa mà đứng lâu như thế dưới sương có khi lại ốm.
May nằm mãi cũng chẳng ngủ được. Trên gác nhà, con mèo mẹ tha đàn con đi đi lại lại suốt, lục sục trong đống ngô bắp. Nhà không có đủ người, gió lùa từ đầu hồi này tới đầu hồi kia, nghe mỏi cả tai. Nhắm mắt rồi mở mắt, May cố không nhìn vào cái hòm gỗ to lù lù góc buồng. Trong cái hòm ấy mẹ Già cất một bộ váy áo đẹp lắm, thêu bảy màu như cầu vồng, mẹ bảo bao giờ con May lấy chồng thì mẹ cho mang theo. Vậy mà mới đêm hôm qua, lúc gần sáng May thức giấc lại thấy mẹ già mở hòm lấy bộ váy áo ấy ra. Mẹ Già định mặc váy áo đẹp đến thế đi đâu? Hết mùa cưới rồi, họ hàng chắc cũng không còn ai cưới vợ cưới chồng cho con nữa. Mẹ Già đi đâu? Hay là mẹ Già định đi hội chợ hai bảy tới đây? Nếu thế thì... thì sao hở May? Có phải vì bố bỏ sang nương không? Hay vì bố biết mẹ Già định đi hội chợ tháng ba năm nay mà bố đi? Lâu lâu không nghĩ đến chuyện bố mang gạo muối sang bên kia sông Nho Quế, bây giờ nghĩ lại mới thấy có điều gì đó không bình thường, không giống như việc đàn ông các nhà khác làm lều trên nương canh dê bò, canh khỉ trên rừng về phá. Càng nghĩ càng thấy khó tìm lối ra, càng khó ngủ. Tự dưng May lo lo, không rõ mình lo gì, nhưng như có ai đốt lửa trong bụng. Ngoài hè, giọt sương đọng trên mái tranh rơi xuống bể nước đá cạn khô càng lúc càng to, nghe giống tiếng mưa lác đác.
Năm nay trời rét đậm hơn mọi năm, lại rét muộn nữa. Rét muộn thì sẽ rét lâu rét dài, tháng ba tháng tư có nắng rồi vẫn rét. Ra giêng hoa đào hoa lê mới đua nhau nở, ai cũng bảo năm nay Tết mùng năm tháng năm sẽ mất vui. Nhưng Tết mùng năm còn lâu mới tới, trời thay đổi tính nết thì con người khổ, khổ vì gieo hạt ngô lúa xuống đất mãi vẫn chưa thấy lá chồi lên. Đất càng ngày càng khô đi. Ở những nương đá mới xếp đất xẹp gí xuống, đợi hạt giống đâm mầm lá lên mới bón thêm phân được. Nhưng lo thì cứ lo vậy thôi, hội hai bảy vẫn chẳng kém vui hơn mọi năm đâu.
Có tiếng chó đầu nhà rên ư ử, đuôi quẫy đập vào tường đất lạch phạch. Ông Chúng về. Mẹ Già mới về trước một lúc lập cập ra mở cửa, xuýt xoa:
- Về sớm thế? Sao không để sáng hẳn ra, sương tan cho đỡ lạnh.
- Ừ... - Tiếng ông khàn khàn - Cũng định thế. Nhưng có mấy người trên Xín Cái xuống sớm, bảo cho đi nhờ thuyền sang bên này, tiện thể về luôn. Ở nhà có việc gì không?
- Vẫn thế thôi, chỉ có mấy thanh chuồng ngựa sắp gãy. Hôm nào ông về lâu lâu thì sửa nhé.
- Được rồi, cứ để đấy, tí nữa tôi sửa luôn.
Ở nhà này thứ gì cũng cũ, cũng già. Cả cái chuồng ngựa cũng thế. Ngày xưa bố ông Chúng dựng bằng gỗ lim từ lúc con trai út chưa ra đời. Mấy chục năm rồi, không nhớ đã có bao nhiêu đời ngựa, bây giờ mới hỏng cần phải sửa là bền quá còn gì.
Trời sáng hẳn, ông Chúng đi một vòng quanh nhà, xem kĩ chỗ chuồng ngựa chuồng dê rồi mang dao, cưa ra sửa luôn. Bà ra theo ông, xem có cần gì thì giúp. Vừa làm ông Chúng vừa bảo vợ:
- Mẹ Già này, năm nay xuân muộn, người đi chợ hai bảy đông lắm, nấu được ít rượu ngô đem bán thì tốt quá.
- Không phải nấu cũng còn đầy kia kìa. Trước tết nhà Sùng nhờ nấu mấy nồi cho nó lấy con dâu mới, sau họ hàng giúp nhiều quá lại không dùng đến.
- Thế thì bà mang ngựa thồ đi bán nhé.
Giọng nói của ông có gì khang khác, bà cảm thấy thế. Rượu nhà mình tự nấu, để bao lâu cũng được, càng để lâu uống càng ngon. Mà từ giờ đến tết năm sau còn có bao nhiêu dịp cần đến rượu, sao ông lại giục bà đi bán. Bà nhìn mãi sang ông nhưng ông vẫn cắm cúi làm, như không để ý, như chỉ vô tình nói ra chuyện đi chợ bán rượu. Ai cũng biết mang rượu đi chợ hai bảy để người bán người mua uống cùng với nhau. Uống cho say rồi người mua không nhớ trả tiền cũng được, mà nhớ nhưng trong túi chỉ còn vài đồng không đủ mua túi muối, mang ra trả cũng được. Chợ ngày hai bảy nhưng từ hai mốt, hai hai đã lác đác có người, có rượu. Cả năm cúi mặt ngoài nương, cúi mặt vì hạt ngô hạt đậu, về nhà cúi mặt vì con lợn con gà, mãi mới có lúc thảnh thơi. Không bị trẻ con quấn chân nên ở chợ mọi người tha hồ chơi, tha hồ uống rượu. Đàn ông quên dao, quên nỏ, đàn bà quên chảo cám, quên cái đũa cả, chẳng ai chê cười.
Giữa ông Chúng với vợ đúng là có bao nhiêu thứ khó nói ra thành câu thành tiếng. Tất cả cũng chỉ tại một người mới đến, rồi lại đi trước tết. Đi luôn thì thôi, đằng này còn hẹn ra xuân sẽ quay lại. Nếu đúng lời hẹn thì người ấy cũng sắp quay lại rồi.
Trước tết một tháng, đúng hôm mẹ Già với May làm bánh khảo thì nhà có khách. Khách ấy là mẹ Hoa. Lúc May ra mở cổng, May nhận ra mẹ Hoa ngay, nhưng mẹ Hoa cứ đứng nhìn May mãi, nhìn không chớp mắt. May không nghĩ mình lớn đến mức khó nhận ra thế. Ngay lúc ấy May đã quay lưng đi như chạy vào nhà ngay, mặc kệ mẹ Hoa kéo lê cái túi to đùng trên đất đi sau. Người May tự dưng nóng bừng lên, hai đầu gối run bần bật. Có cái gì đó như một cơn gió lạ đã ùa đến, rồi sẽ hất tung mọi thứ trong nhà lên, sẽ chẳng có thứ gì được ở yên chỗ của mình nữa. Sao tự dưng mẹ Hoa lại về, sao không đi luôn. Chị em May đã sắp quên chuyện cũ đi, giờ lại phải nhớ hay sao?
Mẹ Hoa đi vào trong nhà, cúi đầu chào bố đang ngồi bên bàn uống nước. Bố May nhìn ra:
- À... lại về nhà đấy!
- Vâng... - Mẹ Hoa lí nhí, đầu cúi thấp hơn nữa, tay mân mê hai cái quai túi đặt trước mặt.
- Về làm gì? - Bố hỏi mà như không hỏi.
- Em... em về chơi thôi. Xem mọi người thế nào.
- Thế nào à? Chẳng thế nào hết. Người lớn thì già đi, trẻ con thì lớn lên...
Minh họa: Vũ Đình Tuấn
Bố nói như không có người đứng nghe ngay trước mặt. Bố gọi May, gọi thằng Trài. Chỉ mình thằng Trài vào, còn May đứng đầu hồi, như không nghe tiếng bố.
Mẹ Già đi ra, bảo mang củi ướt ngoài chuồng ngựa vào cho mẹ gác lên bếp lò, ghé vào tai May nói như mắng:
- Không được thế con gái à. Mẹ Hoa chứ có phải người lạ gặp ngoài đường đâu. Lâu quá mới về nhà, nhưng con gái vẫn không quên đâu, phải thế không?
May quay lại trả lời mẹ Già:
- Con còn nhớ hơn cả mẹ, mẹ Già ạ. Nhớ hết. Nhớ cả con bò bị người ta dắt đi...
- Ầy, chuyện cũ đừng nhắc nữa. Cái gì cần nhớ hãy nhớ, cái gì nên quên phải biết quên. Hôm qua trời mưa nước suối đục, nhưng không đục mãi được. Con người cũng thế...
Mặc kệ mẹ Già nói gì thì nói, May cũng không tự bắt mình quên được. May chạy ra chạy vào, hùng hục mang tất cả số củi ướt ngoài chuồng ngựa vào chất cao gần chạm gác bếp ở sau lò. Một thanh củi rơi cả vào chảo cám đang sôi sùng sục. Mặc kệ. Mồ hôi túa ra trên mặt May, áo váy bê bết đất. Chuyến cuối cùng, thằng Trài đứng chặn ở cửa, nhìn chị từ trên xuống:
- Chị là đứa trẻ con bốn, năm tuổi à?
May mím môi. Thằng Trài người thì to thật đấy nhưng ý nghĩ thì bé, bây giờ đã dám nói cái giọng ấy với chị nó rồi cơ đấy. May giằng tay em ra, mang số củi ướt vào phía sau bếp lò, cầm lấy thanh củi trong chảo cám quấy tung cả lên.
Mẹ Già về làm vợ ông Chúng đã hơn hai chục năm. Ngày ấy cả vùng này biết tiếng cô Mao đẹp người, nết cũng đẹp, con gái bản trên làng dưới không ai dám nhận mình thêu thùa, dệt vải vừa nhanh vừa đẹp như cô. Cả vùng cũng chỉ có nhà anh Chúng chồng đủ bạc trắng, đủ gạo, rượu như bố mẹ Mao thách cưới, vậy là Mao về làm dâu nhà Chúng. Trước ngày cưới, cả đêm tiếng chân ngựa bồn chồn ngoài bờ rào đá làm Mao thức trắng. Mờ sáng thì con ngựa ấy bỏ đi, một lúc sau thì tiếng đàn môi cất lên từ sau hẻm núi. Tiếng đàn môi nghe rất xa. Mao ngồi dậy, nhìn qua ô cửa bé bằng hai bàn tay, thấy ngoài trời mù mịt sương ập xuống mảnh sân, vườn, nhìn từ nhà ra bờ rào đã không thấy rõ. Tiếng đàn môi từ rất xa kia lại giống như mũi tên xuyên qua sương dày đặc, lao đến. Tiếng đàn môi buồn rầu, trách móc. Mao lặng lẽ khóc, từ hôm ấy Mao không bao giờ nghe tiếng đàn môi dành cho riêng mình nữa.
Sau ngày cưới một năm, hai năm, rồi ba năm, chờ mãi mà vợ chồng Mao vẫn chưa có con. Lúc đầu nhà chồng còn chạy tìm thầy tìm thuốc sau thấy không làm được gì đành thôi. Bố chồng, mẹ chồng nối nhau đi, thương con dâu như con gái nên không đành mở miệng bảo con trai đi tìm vợ mới, dù cả họ chỉ còn mỗi một người đàn ông trẻ nhất là Chúng.
Còn lại hai vợ chồng, bao nhiêu lần Mao nói với Chúng, hay là Chúng để Mao về nhà mẹ đẻ, cho Chúng đi lấy vợ mới, nhưng Chúng không nghe. Chúng phải giữ lấy Mao như giữ cánh cửa trong nhà mình. Chúng biết mình chẳng tìm được ở đâu một người thay được chỗ của Mao. Mỗi lần có việc phải ra khỏi nhà Chúng cũng đều cố gắng nhanh nhanh cho xong việc để còn về. Chúng sợ Mao ở một mình lại buồn, sợ Mao đắp nửa chăn, nằm nửa giường lạnh không ngủ được.
Năm ấy, người ta mở đường lên Thượng Sơn, cả bản nhà nào cũng phải có một người ra khuân đất đá. Ngày nào Mao cũng dậy sớm đồ xôi, nướng gà cho Chúng ăn no, còn gói để Chúng mang theo ăn trưa luôn. Nhưng càng ngày con đường càng xa, làm xong không kịp về nhà, Chúng phải mang gạo đi, đến công trường góp nấu cơm chung với người ta. Vài ba hôm Chúng mới tranh thủ về được một lần. Lần nào cũng động viên Mao chịu khó ở một mình ít ngày nữa, đường sắp xong rồi.
Nhưng cũng phải hết mùa khô thì con đường nối mấy xã với nhau mới hoàn thành. Căn nhà rộng vắng bóng Chúng lâu quá nên chỗ nào cũng thấy lành lạnh, ngày Chúng về Mao đang ốm, đã mấy hôm liền không ăn uống gì.
Nhưng Chúng không về một mình. Đi theo Chúng còn có một người cùng trong đội dân công. Người ấy là một cô gái trẻ hơn Mao mấy tuổi, người miền xuôi.
Mao lặng lẽ chuyển đồ đạc của mình sang căn buồng của mẹ chồng trước kia. Căn buồng thường xuyên được Mao quét dọn, nhưng thiếu người ở nên cứ như cái nhà hoang. Lúc Mao mang cái hòm riêng từ ngày về nhà chồng ra thì Chúng đứng ở cửa buồng, đưa tay ra như muốn giữ Mao lại. Mao nhìn vào mắt Chúng, nhìn thẳng. Chúng không chịu được ánh mắt Mao phải quay mặt để Mao bước ra. Đêm hôm ấy Chúng ngồi gọt chuôi dao bên bếp lò, muộn lắm mà không đi ngủ. Mao dọn dẹp nhà cửa xong cũng không đi ngủ mà mang bó mùng trắng ra thái. Hai người không ai nói gì, chỉ nghe tiếng dao thái vào thân mùng phầm phập. Mao đứng dậy, đổ dọc mùng vào chảo cám, cúi xuống đẩy mấy gộc củi vào sâu trong bếp, lúc ấy Chúng mới kéo áo Mao, bảo Mao ngồi xuống cạnh mình. Nhưng hai người ngồi cạnh nhau rồi mà Chúng vẫn cứ gọt mãi, gọt mãi cái chuôi dao, gọt cả vào ngón tay, máu ứa ra. Đưa ngón tay bị đứt lên miệng. Chúng không biết bắt đầu như thế nào. Mao vẫn nhìn chằm chằm vào bếp lửa, ánh lửa hắt lên mặt Mao đỏ hồng, tự dưng Chúng thấy sờ sợ Mao, thà Mao cứ nói gì thật to với Chúng còn hơn.
Từ hôm ấy nhà có ba người. Ba người ngủ ở ba cái giường, ba góc nhà. Ba người không mấy lúc nói chuyện với nhau, Mao dưới bếp, Hoa trên nhà, Chúng ngoài vườn, chỉ bữa cơm mới ngồi gần nhau. Đêm nào cũng nghe thấy tiếng kọt kẹt từ ba cái giường. Dậy sớm hay dậy muộn thì cả ba người đều quầng hai mắt. Sống thế thì khổ quá, rồi đến lúc ốm cả thì sao? Một đêm, Chúng ngồi dậy, đi đến cửa buồng bên phải, cửa buồng cài chặt bên trong, Chúng đứng một lúc lâu, khe khẽ ho, nhưng cửa vẫn đóng kín cũng không nghe thấy tiếng người trong buồng thức dậy. Lúc ấy, buồng bên trái tự dưng có tiếng khóc. Tiếng khóc của người đang úp mặt xuống gối. Cửa buồng bên ấy lại không cài, chỉ khép hờ. Trời lạnh mà mồ hôi vã ra đầm đìa trên mặt Chúng...
Sau khi con bé May ra đời, Hoa ở lại chứ không bỏ đi như Chúng nói với Mao. Nhưng đúng là Hoa không quen làm nương, không biết trỉa đậu, vun đậu, nhóm cái bếp lò cũng không nổi. May được hai tháng tuổi thì mẹ Hoa để May ở nhà với mẹ Già rồi xuống phố huyện mở sạp bán giày vải, thỉnh thoảng mới về.
May bé như con mèo con. Từ sáng đến tối khuya, lúc nào cũng nằm trong địu trên lưng mẹ Già. Không biết bao nhiêu lần May ngậm hai bầu ngực mẹ Già, nhay đến bật máu vì thèm sữa. May lên hai tuổi, còn chưa trèo qua được bậu cửa thì mẹ Hoa đẻ thêm thằng Trài. Thằng Trài lại ngồi trong địu, thay chỗ của May, lại nhay bầu vú chưa bao giờ có sữa của mẹ Già.
Mẹ Hoa ngày càng ít về, mỗi lần về cũng chỉ một lúc, không kịp ăn cơm lại đi. Lần nào về cũng mang cho hai chị em May cả túi kẹo màu to tướng, cả giày dép áo quần. Nhưng lần nào cũng vậy, chị em May lại mang kẹo ra đổ vào máng ngựa, quần áo cũng không mặc đến, mặc váy áo mẹ Già dệt quen rồi. Quần áo mẹ Hoa mang về cứ để mãi trong hòm.
Năm May lên mười một tuổi, em Trài lên chín thì mẹ Hoa về nhà lần cuối cùng rồi đi hẳn. Lần ấy mẹ Hoa ăn cơm rồi ngủ lại một đêm với ba mẹ con. Bố May đi săn không về, chị em May đi ngủ sớm, sáng hôm sau thức dậy đã không thấy mẹ Hoa đâu. Mẹ Già cũng chỉ bảo là mẹ Hoa đi sớm lắm, khắc tự dậy mở cửa rồi đi. Cũng đêm ấy, con bò cày bị mất trộm, ai đó đã tháo thanh cài cửa chuồng dắt bò đi. Nhà chỉ có một con bò cày, mất bò thì người phải làm thay bò thôi. Gần trưa hôm ấy ông Chúng mới đi săn về, May ôm lấy chân bố, kể chuyện mẹ Hoa về, chuyện mất trộm bò. Không thấy bố và mẹ Già nói gì với nhau về chuyện ấy. Mấy đêm liền bố May không ngủ, ngồi uống rượu khan ngoài hè, xung quanh là đàn chó con lớn con bé nằm chồng lên nhau.
Vụ mùa năm ấy, vụ sau nữa, hai bố mẹ May phải mang cuốc đi cuốc đất thay bò. Bàn tay mẹ Già đã chai càng chai thêm, vết chai dày cộp như miếng cháy trong nồi cám. Đêm nào mẹ Già cũng lấy hai bàn tay đầy vết chai ấy xoa lưng cho hai chị em May dễ ngủ.
Mẹ Hoa đã đi suốt bao nhiêu ngày bao nhiêu tháng, ai cũng nghĩ là mẹ Hoa không bao giờ về nữa. Mấy lần ông Chúng xuống huyện cũng không thấy Hoa ngồi bán hàng ở đó. Bằng ấy ngày tháng, đủ cho bọn trẻ con sắp thành người lớn cả rồi, Hoa còn trở lại. Chẳng lẽ giống như người đi mãi mà không tới được nơi cần đến, không còn sức nữa nên quay về tìm chỗ nghỉ chân?
Mẹ Hoa về làm cái gia đình đang yên ổn như tổ chim trên cao lộn tung cả lên. Hoa đã nói những gì ông Chúng chẳng nhớ hết, vì ông không muốn nghe thì nói gì cũng thế thôi, chỉ đến khi mẹ Hoa ngỏ ý đưa con bé May với thằng Trài về xuôi thăm họ hàng, ăn tết, thì ông quát lên. Nhà ông không phải vườn ổi hoang, ai thích đến hái thì cứ hái như bọn trẻ chăn bò.
Nói với ông khó quá thì mẹ Hoa tìm mẹ Già. Sau một đêm, thức dậy ông thấy hai mắt mẹ Già trũng xuống, tay bưng chậu cám run như phải cảm. Ông cứ chờ xem bà có nói gì với mình không nhưng bà im lặng mãi, cắm cúi làm, không buồn ngẩng mặt lên.
Mẹ Già thì tránh mắt ông, ông lại tránh mắt mẹ Hoa. Mẹ Hoa vẫn đẹp như bông lê đang độ nở rộ ngày trời ấm. Mẹ Hoa chỉ kém mẹ Già mấy tuổi mà trông như con gái của mẹ Già. Có lúc mẹ Hoa nhìn ông, nhìn muốn cháy cả mặt. Lúc mẹ Hoa vén quần rửa chân, để lộ hai bắp chân tròn hơn cả bắp chân con May, thì ông xua tất cả những ý nghĩ lạ sắp đến trong đầu mình đi. Mẹ Hoa lại vào ngủ trong buồng trái, không cần ai bảo. Từ ngày mẹ Hoa đi, ông ngủ một mình ở đấy. Mẹ Già lấy cớ đã ngủ quen bên kia với bọn trẻ con, dứt khoát không chuyển đồ sang lại nữa.
Ông lại ngồi uống rượu khan. Lưng áo ông lạnh buốt. Sau lưng ông là cửa buồng trái khép hờ, trước mặt là ngọn đèn cạn dầu, ngọn lửa cháy đã có mùi khét của bấc.
Mẹ Hoa không sao nói chuyện được với May. May tránh mặt mẹ đẻ. May bảo với bố, mẹ Hoa chỉ như con thú hoang ở đâu lạc vào nhà mình thôi, lúc nào không muốn ở nữa thì khắc bỏ đi. May biết, lúc nào phía sau, bên cạnh mình cũng có ánh mắt mẹ Hoa nhìn mình. Thằng Trài khác May, nó đã chịu nói chuyện với mẹ Hoa. May đâm ra ghét cả Trài, hai chị em cũng không nói chuyện với nhau nốt. Lúc nào May cũng chỉ thấy hai bàn tay khô như hai cành mua cong queo, đầy vết chai dầy như miếng cháy trong chảo cám của mẹ Già trước mắt mình.
Mãi đến lúc mẹ Hoa xách túi đi May mới nhìn thẳng vào mẹ một lần, lần đầu tiên từ hôm mẹ về. Và May đã giật mình, đã tự dưng thấy đau buốt trong ngực. Hai mắt mẹ Hoa - đôi mắt mà mẹ Già vẫn bảo là thứ để người khác nhìn vào nhận ra May - đôi mắt ấy đỏ như chảy máu, mí mắt sưng to, hai gò má mẹ Hoa trắng nhợt. Nhưng May vẫn không nói với mẹ Hoa một lời nào, miệng May như có ai khâu chặt lại.
May đã quay mặt đi, tránh ánh mắt mẹ Hoa, May không đủ sức nhìn lâu hơn. Mẹ Hoa đi, một lúc đã không thấy đâu giữa những triền ngô xơ xác vừa qua vụ thu hoạch. May vùng chạy khỏi nhà, chạy về phía con suối nằm rất sâu trong rừng. Mẹ Già đang giặt ở đấy, váy áo ướt phơi đầy trên những tảng đá lớn trên bờ suối. May chạy xuống ngã dúi vào mẹ Già, khóc oà lên:
- Đi... đi rồi, mẹ Già ơi! Mẹ Hoa ấy...
Mẹ Già ôm lấy vai May. Nước suối lạnh buốt đập vào gờ đá, bắn ướt chân váy hai mẹ con. Mẹ Già khe khẽ thở dài...
May gặp người ấy rồi. Có một tối ngồi trong nhà, nghe tiếng đàn môi gọi mãi, giục mãi. May đã liều bước chân ra cổng. Người ấy ở Thượng Sơn xuống, còn trẻ lắm, hơn May một, hai tuổi là cùng, nhưng May chỉ đứng cao đến vai người ấy. Dưới ánh trăng hạ tuần mờ mờ May không nhìn được rõ mặt, nhưng cảm thấy rất rõ ánh mắt như lửa cháy của người ấy nhìn mình như thế nào. Đêm đầu tiên, May chỉ dám đứng một lúc, run quá, chạy vội vào nhà, May sợ mình đứng thêm nữa thì ngã mất. Dần dần đỡ sợ hơn, May đứng thêm một lúc, có hôm sương rơi ướt vành khăn mới vào nhà. Giờ thì May đã nhận lời đi hội chợ hai bảy với người ấy.
Ngày mai Chử đợi May ở ngã ba, từ ngã ba đến chợ còn một đoạn nữa, đến nơi chắc trời cũng tối rồi. Cả đêm May không ngủ được. Đã cố tình đi ngủ muộn mà đến lúc vào giường, nằm mãi vẫn chưa thấy gà gáy. May nói dối mẹ Già là cái Ly rủ May sang nhà nó làm bánh, mẹ Già không nói gì, chỉ dặn đến nhà người khác phải nhớ chào hỏi người già, không được đi ngủ trước người già như ở nhà mình.
Trời mờ sáng, May đã dắt ngựa ra. Con ngựa đen như hiểu ý May, ngoan ngoãn để May đặt yên lên lưng.
May run quá, chỉ sợ gặp người quen trong bản, người ta kể lại với bố mẹ thì thế nào cũng bị mắng vì tội nói dối. Nhưng sợ thì cũng cứ đi, có người đi cùng mình thì còn sợ cái gì. Không ngờ ở chợ ấy May gặp đến ba, bốn đứa bạn gái cùng bản, đứa nào cũng đi với một anh con trai lạ. Nhìn thấy nhau, không đứa nào nói gì, cứ làm như không quen, quay mặt đi mới tủm tỉm cười. Đêm xuống, có một thanh niên đốt đống lửa to ở giữa bãi còn, ai có cái gì mang theo thì bỏ ra ăn chung. May và bạn May cũng buộc ngựa một góc rồi ra đấy ngồi cùng. Xung quanh đống lửa càng lúc càng đông người, toàn con trai con gái trẻ. Giờ thì không có ai xấu hổ nữa. Má đám con gái đỏ rực nhưng là vì ánh lửa. Ai cũng như mình thì việc gì phải xấu hổ.
Sáng hôm sau, đúng ngày hai bảy tháng ba, mặt trời mãi mới nhô lên sau cánh rừng đỏ rực. Chử kéo tay May ra phía người ta ngồi thành hàng dài, rượu đựng trong can to để trước mặt. Nhưng ngồi uống rượu lâu cả buổi thì chỉ có người già thôi, bọn thanh niên ghé qua một tí rồi tìm chỗ khác, ít bị người ta nhìn thấy mà ngồi.
Vừa ngồi xuống một hàng rượu, chưa kịp nói gì với người bán thì đột nhiên May kéo Chử đứng bật dậy:
Đi! Đi chỗ khác. Nhanh lên.
Vừa nói May vừa kéo Chử đi như chạy, xa chỗ bán rượu càng nhanh càng tốt. May vừa nhìn thấy, May không nhìn nhầm, nhất định May không nhầm, người mặc váy áo rực rỡ như cầu vồng ấy là mẹ Già. Mẹ Già đang ngồi sau quẩy tấu gùi rượu, mặt đỏ rực. Còn người phía bên kia có phải là bạn của mẹ Già? Là người thề không bao giờ chơi đàn môi nữa từ ngày mẹ già đi làm dâu, có phải người ấy không?
May kéo Chử đi, còn Chử nhìn May, nhìn mãi không nói được câu gì. Nhà Chử chỉ có hai bố con. Mẹ Chử chết bệnh từ khi đứa con trai đang bám bậu cửa tập đi. Lên sáu tuổi, Chử đã được bố dạy thổi kèn, lên mười tuổi Chử đã theo bố lên nương. Biết chuyện, bạn May có đứa đùa, bảo May về nhà ấy làm dâu thì sướng, vì Chử thổi kèn còn hay hơn cả bố, vì May không phải chiều mẹ chồng...
Muộn lắm May mới về tới nhà. Mẹ Già đang ngồi hong tay trước cửa bếp lò mới bén lửa, giục May lấy nước ấm đi rửa chân tay. Mẹ Già đã mặc bộ váy áo ở nhà nhưng lại quên thay khăn. May ngồi xuống bên cạnh. Mẹ Già bảo bố đưa mẹ Hoa xuống phố huyện chưa về, mẹ Hoa mới lên chiều hôm qua. Mẹ Hoa lại lên. Chuyện ấy có đáng nghĩ đến không? Sao mẹ Già chẳng nói gì thêm? May ngập ngừng:
- Mẹ Già định... định thế nào?
- Thế con gái bảo mẹ phải làm gì? - Mẹ Già quay sang nhìn May rồi lại quay đi, cằm tì lên hai đầu gối, tay cầm thanh củi dụi mãi vào bếp lò đang cháy to dần, một lúc lâu mới tiếp:
- Con gái à, làm dâu mà không làm mẹ thì chỉ là cái cục đá kê chân cột nhà chồng thôi. Ở hai mươi, ba mươi năm, ở đến lúc chết cũng chỉ là cục đá kê cột thế thôi...
Nghe mẹ Già nói May ứa nước mắt ra. Vậy là hai mươi năm nay mẹ Già vẫn nghĩ mình chỉ là cục đá, mẹ Già không nhận chị em May hay sao? Mẹ Già định trả chị em May cho mẹ Hoa như người ta mượn ngựa rồi trả ngựa hay sao? Trả xong rồi thì mẹ Già làm gì nữa? Chẳng lẽ bằng ấy tuổi rồi còn định sang nhà khác tiếp tục làm cục đá kê cột? May kéo ghế ngồi xích lại gần mẹ Già hơn một tí, không biết nói gì cho phải, bụng dạ đau thắt như có ai cầm dao sắc mà cứa.
Khuya rồi vẫn không thấy bố về. Bây giờ đường tốt rồi, người ta đi về chỉ mất chưa hết nửa ngày, vậy mà bố đi lâu thế? Chẳng ai bảo ai nhưng hai mẹ con đều có ý chờ, chờ đến tàn gộc củi mới đi ngủ. Nhưng vừa nằm một lúc, chập chờn ngủ thì May nghe có tiếng đàn môi cất lên. Tiếng đàn ngay ngoài cổng gỗ chứ không gọi ở đầu nhà như lần trước. May định mặc kệ, vừa mới chào nhau, mùi tóc quen quen còn chưa bay hết, lại buồn ngủ nữa. Nhưng tiếng đàn cứ gọi mãi, gọi mãi, mà tiếng đàn môi đêm nay cũng có gì khang khác, dài hơn, trầm hơn, ngập ngừng hơn, vẫn tràn qua bờ đá vừa dày vừa cao như suối chảy. Nghe bao nhiêu lần mà lần nào May cũng hồi hộp, tim đập thình thịch. Đột nhiên mẹ Già khẽ khàng ra khỏi chăn, chắc lúc đi ngủ mẹ quên chưa buộc con chó ra ngoài chuồng ngựa rồi. Đợi mẹ mở cửa, May cũng tung chăn ra. Ra bảo Chử về đi thôi. Về nghỉ mai còn đi làm chứ.
May đi như chạy ra sân, đầu va cả vào dây phơi treo đậu tương, định ra rồi vào luôn để mẹ Già không biết. Nhưng vừa đi qua sân bất chợt May sững lại. Ngay trước mặt May, chỉ cách hai bước chân là mẹ Già. Mẹ Già quay lưng lại phía May, đầu cúi xuống, tấm khăn tuột trên vai, tay mẹ Già đang nắm chặt thanh gỗ cài hai cánh cổng...
May bíu lấy gốc lê, cố thở thật khẽ. Ánh trăng cuối tuần mờ quá. Gió lạnh từ trong khe núi ào ra, mấy chiếc lá lê già còn sót lại rụng nốt, quệt vào bờ rào đá lạt sạt...
Đ.B.T
VNQD