.Truyện ngắn dự thi. PHAN THẾ PHIỆT
Bà nội tôi nghiện thuốc lào và nước đái trẻ con. Thuốc lào làng tôi có cả chục người dùng, còn nước đái trẻ con chỉ có bà là một. Lên bốn tuổi tôi đã được điếu đóm hầu bà. Bà thường sai tôi đi xin lửa bằng cách ra cây rơm rút một nắm vanh tròn lại, dặn bỏ than vào giữa. Khi trở về tôi chạy một mạch, khói bốc ngùn ngụt trên tay. Tôi vội chuyển lửa vào đóm tre ngâm rồi đưa cho bà. Cách hút thuốc của bà không như mấy ông hàng xóm. Các ông phà khói nhanh, rít một hơi là xong. Bà khác, nhồi thuốc đầy nõ, hút từ từ, từng nhát thở, mỗi nhát lại xòe ra hai bên khóe miệng một luồng khói. Tôi chực sẵn, hễ thấy thuốc chưa cháy hết mà đóm sắp tàn là tiếp lửa sang que khác ngay.
Tôi chưa biết mặt cha. Ngày cha đi trận, bà nói tôi còn trong bụng mẹ. “Đi trận là răng hả bà?”. “Là đi đánh giặc”. Tôi sẽ hỏi nữa nếu không có con Nhái sang. Nhà con Nhái cách nhà tôi một bờ dâm bụt. Bà hay đem con Nhái ra làm gương cho tôi, rằng cùng tuổi mà mẹ nó đã được nhờ. Nó biết đun bếp, nhặt rau, quét nhà. Mẹ cười cười: “Nhái là con so, khôn hơn là phải”. Bà không nói gì, ra hiệu cho tôi điếu đóm. Có lần tôi hỏi bà: “Con Nhái là người răng gọi nhái?”. Bà kể: “Vợ chồng ông Đoan (cha mẹ Nhái) đẻ nhiều mà không nuôi được đứa nào. Bà bày cho ông Đoan đặt tên con thật xấu thì ma quỷ nó mới chừa ra. Quả nhiên sau đó đậu được con Nhái và thằng Cóc. Thằng Cóc nằm trong số mấy đứa trong xóm bị bà dựng dậy mỗi sáng để đái vào gầu chằm bằng mo cau. Đứa nào cũng lèm nhèm, nhăn nhó. Mặc, bà dắt ra mé sân, cho đái ra ngoài đoạn đầu, chỉ xin đoạn giữa. Có hôm bà vừa mang gầu đến cổng ai đó, được chủ nhà thông báo đêm qua cháu nó ấm đầu. Thế là nước đái không tốt, bà đi sang nhà khác. Tôi là thằng cuối cùng bà thức dậy. Tôi phụng phịu: “Sao bà không bắt con Nhái?”. Bà chửi “Tổ cha mi” rồi nâng gầu lên uống một hơi bằng hết. Mẹ nói thầm vào tai tôi: “Nước đái con gái không uống được. Con phải ngoan, cha về thưởng thật nhiều kẹo”. Hồi mẹ nằm ổ đẻ tôi, bà nhường hẳn cho mẹ tôi ba tháng nước đái. Mới sáng ra bà đã mang về một gầu đầy. Mấy bữa đầu mẹ uống vào nôn ra mật xanh mật vàng. Bà nạt: “Thì cũng là thuốc, phải chịu khó uống cho lành bụng, trừ phong thấp, đuổi tà khí”.
Cha về. Đột ngột quá, bà cứ run lẩy bẩy nhìn cha không nói nên lời. Cha xốc nách tôi, tung lên cao: “Đáng mặt con trai! Khá lắm”. Cha nói với bà: “Mẹ ơi, con hành quân qua nhà, chỉ tạt về được một lát lại phải đuổi theo đơn vị”. Bà nắm tay tôi kéo ra sân nói nhỏ: “Đi với bà sang dì Hợi bắt gà về làm thịt, mau”. Vừa nói bà vừa lôi tôi ra cổng. Tôi vùng vằng: “Bà đi một mình cũng được, cháu về với cha”. Bà quát: “Bà nói phải nghe”. Tôi bị bà đẩy lên trước. Hễ tôi khựng lại bà lại giục đi như giục bò cày. Tôi giận bà, nước mắt ròng ròng, ống tay áo quệt mãi vẫn không hết. Đã nhiều lần tôi nghe bà nói cha cao to, mặt tròn, mắt sáng như sao, nhưng vừa rồi tôi đã nhìn kĩ được đâu. Đến nhà dì Hợi, tôi không nghe bà đả động gì đến gà vịt mà nói chuyện đâu đâu. Tôi lóe lên ý định trốn. Nhè lúc bà đang mải chuyện, tôi chạy vụt đi. Loanh quanh vài quãng ngắn trong xóm, tôi đã ra đến cánh đồng. Trời không trăng nhưng sao nhiều vô kể. Tôi nghe như có ai thình thịch đuổi sau lưng. Những đụn rạ dưới ruộng dọc hai bên đường như lũ quỷ mang tơi sùm sụp vùn vụt trôi về phía sau. Mồ hôi tóa ra vì sợ, tôi vấp ngã đến mấy lần. Về đến cổng, tôi òa khóc gào lên: “Cha ơi, mẹ ơi!”. Trong nhà không còn sáng đèn, cửa đóng im ỉm. Tôi đấm vào liếp cửa gào to hơn. Phải một lúc sau mới có ánh đèn hắt ra. Cửa mở, cha dang tay ôm tôi vào lòng. Tôi giận bà, đấm thùm thụp vào ngực cha.
Mẹ lau mặt cho tôi, mắt rân rấn nước.
*
* *
Hôm xã tổ chức lễ truy điệu cha, tôi không thấy bà khóc trong lúc mẹ vật vã gào thét điên loạn. Từ đó về đêm nhà càng nồng nặc mùi thuốc lào. Một mình bên ngọn đèn leo lét, bà ngồi bất động trên chiếc chõng tre. Bóng bà in lên vách. Chốc chốc lại có một đám khói vờn quanh. Tóc bà trắng xóa, lưng còng gập xuống, đi lại phải chống gậy. Nếp nhăn trên mặt bà xô chồng lên nhau. Ngày trước bà ăn khỏe, mỗi bữa ăn ba bát cơm đầy độn khoai sắn. Bây giờ mẹ lựa cơm riêng, bà cũng chỉ ăn lưng bát rồi thôi. Sáng sớm, bà không còn đi gom nước đái trẻ con nữa. Nhớ có lần mẹ kể bà góa chồng sớm, ông nội mất đột ngột trong một canh bạc lớn. Ông thua hết sạch ruộng vườn, nhà cửa. Từ đó bà nuôi con trong cơ cực trăm bề. Bà là người đàn bà đẹp. Vì đẹp mà cái khổ của bà phải nhân lên không biết bao nhiêu. Hàng đêm bà cài then chốt cửa, nơm nớp mỗi khi có tiếng gõ. Bà hết van xin đến đe dọa. Để chống chọi qua thì xuân sắc, bà đã phải tự làm cho mình lem luốc, méo mó đi. Từ hai bàn tay trắng bà lại có ruộng có vườn, có được ngôi nhà nhỏ. Cha lớn lên sức vóc, giống bà ở dáng người to khỏe, khuôn mặt tròn, cái miệng cười tươi.
Cối xay nhà tôi bị hỏng, đổ lúa vào là nhả lúa ra. Đã một dạo mẹ phải đi xay nhờ hàng xóm. Bà gọi chú Huỳnh đến sửa hộ. Chú Huỳnh là thợ đóng cối giỏi nhất làng. Bà nói thế. Cối của chú xay nhẹ, gạo ra đều dáng đẹp. Chú lại là người dễ tính. Cơm thợ nhưng dọn tươi một chút là chú ý kiến ngay. Chú không biết uống rượu, duy nhất chỉ nghiện chè xanh. Chú Huỳnh mồ côi cha từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng. Hiện giờ chú đang sống cùng bà nội đã trên tám mươi tuổi. Nhà chú chỉ cách nhà tôi mấy con ngõ. Tôi hay đến nhà chú chơi nhờ dán diều, coi đóng cối. Chú vừa làm vừa kể chuyện cho tôi nghe. Giọng chú đều đều trong tiếng cúc cách của vồ nện đất. Không hiểu sao gần ba mươi tuổi chú vẫn chưa có vợ. Chú Huỳnh đi khám tuyển bộ đội mấy lần đều không trúng. Nghe nói sức khỏe chú có vấn đề.
Chú Huỳnh xem xét chiếc cối. Chú lắc đầu, bưng thớt trên xuống nói với bà:
- Cối dùng lâu quá rồi, đóng mới thôi bà ạ!
Bà vê một mồi thuốc bỏ vào nõ rồi nói:
- Anh cứ sửa tạm cho bà, sang năm ta đóng mới. Nhà chẳng hàng xay hàng xáo chi.
Chú Huỳnh mượn cái mủng đưa cho tôi:
- Cậu lại đằng chú lấy hộ nửa thúng ni đất sét được không?
Tôi gật đầu đi ngay. Đó là thứ đất đã được phơi khô, đập nhỏ như cát mịn luôn sẵn có trong nhà chú. Trưa mẹ đi chợ về mời bà tấm bánh kê, cho tôi khúc sắn luộc rồi vội vã vào bếp nhóm lửa. Tôi ăn chưa hết khúc sắn bỗng nghe chú Huỳnh đánh lưỡi mấy cái, ngoảnh lại thấy bàn tay chú đỏ lòm, từ một ngón tay máu đang giọt giọt xuống nền nhà. Chú bị lưỡi dao bập vào khi đang chẻ dăm từ một khoanh gỗ dẻ. Tôi sợ hãi gọi to:
- Mẹ ơi, chú Huỳnh...
Mẹ hốt hoảng chạy lên. Bà đưa cho mẹ nhúm thuốc lào bảo đắp vào vết thương. Mẹ cầm tay chú Huỳnh để băng vết thương, hỏi:
- Đứt sâu lắm không anh?
Chú Huỳnh cười hiền:
- Nỏ can chi!
Chú Huỳnh nhìn xoáy vào mặt mẹ. Mặt mẹ đỏ bừng, khẽ cúi xuống nói nhanh:
- Nỏ can chi, người răng mà...
Suốt bữa cơm tôi thấy chú Huỳnh cứ lóng ngóng vì ngón tay đau. Mỗi khi chú gắp thức ăn hai mẩu vải buộc cứ vương vướng trên mâm. Hình như mẹ chẳng hề để ý đến sự có mặt của chú Huỳnh mà chỉ nhăm nhăm tiếp thức ăn cho bà. Cơm nước xong, chú cầm vồ cầm nọ ngay. Chú nói phải xong việc trong buổi chiều vì từ mai bận việc. Khác với lúc ăn cơm, khi làm xem ra chỗ tay đau chẳng ảnh hưởng gì tới các động tác của chú. Nhập nhoạng tối cũng vừa xong việc, chú Huỳnh cho đồ nghề vào chiếc hòm gỗ nhỏ, nói với bà:
- Cháu có chút việc phải đi ngay.
- Không được, bận chi thì bận cũng phải cơm nước đã - Bà chặn chú lại - Cũng phải công sá cho anh, vất vả cả ngày trời.
- Công sá chi mô, con giúp bà thôi mà.
Chú Huỳnh vội vã bước nhanh ra cổng, mẹ chạy theo, lát sau quay vào nói tỉnh khô:
- Mẹ ơi, ăn cơm thôi, nguội hết cả rồi.
*
* *
Một hôm, chắc là đã khuya lắm, trời se lạnh. Tỉnh giấc vì hụt hơi ấm của mẹ, tôi hé mắt. Gian ngoài vẫn sáng đèn. Tiếng rít thuốc của bà nghe mồn một. Tiếng dế kêu ri rỉ âm u. Tôi nín thở chờ đợi điều gì đó sắp xảy ra. Một chút, có tiếng bà thẽ thọt:
- Tôi nói với chị nhiều rồi, đoạn tang cha thằng Quảng chị cứ tử tế mà đi bước nữa. Mà cái anh Huỳnh còn ở ngoài nữa không? Ra mời anh vô đây.
- Mẹ ơi! Mẹ đừng bắt tội anh Huỳnh. Tại con, con trót dại.
Minh họa: Lê Huy Quang
- Nói chi mô, là tôi bàn với anh ta nên có lời cho đàng hoàng rồi về mà ở với nhau - Im lặng một lúc, bà tiếp - Tôi được mỗi cha thằng Quảng, chị được mỗi thằng Quảng. Tôi hai mươi tám tuổi chồng chết, chị hai mươi nhăm tuổi chồng hi sinh...
Im lặng. Tôi nghe được cả tiếng muỗi vo ve trong màn. Một lúc sau bà mới nói tiếp, giọng chùng xuống:
- Nhưng tôi khác, chị khác. Cảnh nhà, thời thế của tôi khác, tôi có muốn cũng không được. Hòa bình dân chủ rồi chị làm rứa hóa ra tôi cấm đoán, không biết điều. Ngó bộ anh Huỳnh cũng là người tốt. Nhưng phải thật lòng yêu thương người ta. Túng quẫn làm liều thì rồi khổ mình trước.
Mẹ khóc. Hình như mấy lần mẹ định nói mà không nói được. Khói thuốc lào tràn vào làm tôi suýt bật ho. Vẫn là giọng bà nhưng không còn gay gắt nữa:
- Cha thằng Quảng đoản mệnh nhưng là vì nước vì dân. Mẹ là mẹ liệt sĩ, con là vợ liệt sĩ, phải để cho người ta nhìn vô. Ngày trước mẹ chẳng có ai bỏ mồm lấy một lời. Buổi nớ cũng có đêm mẹ bỏ cha thằng Quảng một mình rồi chạy đi. Dọc đường gặp người thì sợ. Nhưng ra đến sông Vẹn, trăng suông mà mẹ cởi hết mấn áo, mong có ai đó nhìn thấy mà đến, đui què mẻ sứt chi cũng được, miễn là đàn ông. Không có ai, mẹ nhảy xuống sông, nước lạnh vẫn không khỏa lấp đi được. Mãi đến khi rùng mình ớn lạnh mới sực nhớ đến con nhỏ. Về đến nhà cha thằng Quảng khóc không còn ra tiếng. Mẹ biết cơ sự của con với anh Huỳnh đã lâu nhưng chưa biết nói răng, bữa ni thằng Quảng tỉnh dậy khóc gọi mẹ... Thôi thì thắp đèn chờ con. Đằng mô thì cũng cởi mở ra.
- Mẹ thương con mà con thì hư hỏng - Mẹ tôi nghẹn lời - Từ nay co... on...
- Nói rứa là không được, mẹ thật lòng mà con thì chưa. Thôi, khuya quá rồi, vô với cháu kẻo lạnh.
Mẹ vào giường nhẹ nhàng nâng đầu tôi gối vào tay mẹ. Mẹ hôn lên trán tôi như bao lần. Bất thần tôi quay người cùng lúc đưa tay đẩy mặt mẹ ra. Không hiểu sao tôi nghĩ cần phải làm thế để mẹ hiểu rằng tôi cũng biết rồi. Mẹ ngồi dậy dùng cả hai tay xoay mặt tôi lại. Mẹ nói thầm mà nghe như gào: “Con”. Tôi gỡ tay mẹ vùng dậy. Mẹ dằn tôi xuống. Bà hốt hoảng chống gậy đi vào, hỏi:
- Mẹ thằng Quảng làm chi rứa?
- Dạ, cháu nó mơ ngủ mẹ ạ.
Tôi hét to lên trong tiếng khóc òa:
- Bà ơi, cháu ra với bà!
*
* *
Chiến tranh leo thang của Mĩ ngày càng khốc liệt. Làng tôi cách cầu Cao trên quốc lộ 7 không xa nên đã bị trúng bom nhiều lần. Người chết, nhà cháy nhưng người ta vẫn chủ quan. Lần này cán bộ đến từng nhà kiểm tra hầm hào, ai làm chưa tốt phải làm lại. Nhà tôi được khen là gương mẫu chấp hành. Chú Huỳnh, cha dượng tôi từ đội trực chiến về, nói khen thì khen, vẫn chưa được, phải đào cho bà cái hầm ngay dưới giường bà nằm. Hầm phải rộng để bà ở dưới đó cả ngày đêm. Dượng lo vì ít ai như bà, sợ máy bay đến nỗi mỗi lần có kẻng báo động là chân tay bủn rủn, mặt cắt không còn hột máu, không nói được, chỉ ra hiệu như người mất trí. Ngược lại ai cũng quen cái cảnh bom đạn. Nhiều người còn tỏ ra bất cần. Máy bay bổ nhào trút bom còn vọt lên khỏi hầm xem tên lửa của ta rượt đuổi, các loại đạn phòng không vây bủa rồi reo hò khi máy bay trúng đạn bốc cháy. Bà khóc, nói trời còn có mắt, cha thằng Quảng hi sinh đã có dượng Huỳnh lo cho bà. Ấy là sau khi mẹ và dượng Huỳnh đăng kí kết hôn, mẹ để tôi ở với bà nhưng cơm gạo mắm muối cho bà cháu vẫn do dượng và mẹ lo liệu. Gần một năm sau mẹ sinh em Huy, bà nội dượng Huỳnh mất, chiến tranh ập đến, dượng bàn với mẹ nhập hai nhà lại làm một để tiện xoay trở. Thế là mẹ lại về với bà cháu tôi. Có dượng Huỳnh mọi việc đâu ra đấy. Em Huy đi nhà trẻ, mẹ lo làm công điểm. Dượng Huỳnh ở đội trực chiến nên công điểm nhiều gấp đôi của mẹ. Dượng tranh thủ đánh tranh lợp được mái nhà mới. Hầm chữ A của nhà tôi vào loại chắc chắn, an toàn nhất xóm bởi phía trong cùng được ghép một lớp bao tải đựng cát, sau mới cho đất lên. Làm hầm cho bà, dượng Huỳnh chu đáo đến nỗi bà phải can ngăn. Dượng Huỳnh có đến chục tấm ván vừa rộng vừa dài. Tôi và mẹ đem về, dượng cưa ngắn dùng ghép nền hầm, kè bốn chung quanh. Đang mùa đông nên phía trên nền ván rải một lớp rơm rồi trải chiếu lên. Hầm vừa làm xong, tôi tụt xuống lăn từ bên này sang bên kia khoái ơi là khoái. Thằng Huy cười toe toét nhoài người khỏi tay mẹ. Tôi làm bò cho nó cưỡi nhong nhong quanh hầm. Mẹ nói, mẹ con bà cháu ngủ luôn dưới hầm cũng vừa. Dượng Huỳnh hướng dẫn cho mẹ lúc có máy bay phải dìu bà xuống hầm thế nào. Nếu nhà sập hay bốc cháy phải thoát ra ngoài ra sao. Bà bảo mẹ bắt con gà trống to nhất bầy làm thịt. Tôi nhảy cẫng lên vỗ tay, thằng Huy vỗ tay theo phô bốn chiếc răng hạt nếp trắng muốt.
Bữa cơm vội vàng, ăn xong trời vừa sập tối. Dượng Huỳnh bế em Huy hôn tới tấp lên khắp người nó. Dượng xoa đầu tôi rồi chào bà để lên cầu Cao. Mẹ chạy theo khoác thêm cái áo Tôn Trung Sơn cho dượng. Xa xa đã chập chờn pháo sáng khi mờ khi tỏ trong tiếng máy bay ầm ầm không dứt. Bà đã xuống hầm ấp thằng Huy. Mẹ thắp đèn phòng không giục tôi học bài, tranh thủ khi chưa có máy bay. Tôi ê a lượt ngang lượt dọc mắt đã ríu lại. Mẹ bế tôi đặt xuống ổ rơm mềm ấm... Đang băng băng chạy theo con diều đứt dây thì kẻng báo động làm tôi bừng tỉnh. Mẹ kéo tôi gọi to:
- Dậy, dậy, thằng Quảng dậy mau.
Ngoài trời pháo sáng địch thả sáng đến rợn người. Tiếng máy bay liên tiếp rú rít qua mái nhà. Mẹ bế thằng Huy cúi xuống hét vào tai bà: “Mẹ đừng sợ, thằng Quảng ở đó với bà”. Mẹ đã theo giao thông hào ra ngoài cùng với tiếng khóc thét của thằng Huy. Bỗng căn hầm chao đảo, tiếng bom nổ rùng rùng. Tôi lay bà lúc này đang cuộn tròn trong chiếc chiếu. Một tay bà nghều ngào thò ra ý nói bà còn sống. Mẹ trở vào, trời rét mà mồ hôi đầm đìa trên mặt, nói như người hụt hơi: “Chúng lại đánh cầu Cao rồi”. Có tiếng máy bay vòng lại. Mẹ hét: “Nằm xuống!”. Liên tiếp những trận động đất làm ngôi nhà oằn mình rào rào, răng rắc. Những chớp rạch xé trời, sấm sét xé tai...
*
* *
Mờ sáng, người ta đem dượng Huỳnh về trên một chiếc võng cáng. Đầu dượng quấn băng kín mít, máu thấm ra ngoài ướt đẫm, đôi mắt dượng nhắm nghiền. Dượng nằm bất động, cái áo Tôn Trung Sơn bị rách một mảng ở vùng ngực, máu đầm đìa. Mẹ quỳ xuống lay gọi: “Anh Huỳnh, anh Huỳnh ơi!”. Không có tiếng trả lời. Mẹ hét lên một tiếng nghe rùng rợn rồi ôm chặt lấy dượng Huỳnh. Mọi người xúm vào gỡ mẹ ra. Mẹ quẫy đạp, giằng xé rồi lả đi.
Đôi mắt bà đột nhiên mờ đi rất nhanh. Bà ngồi lặng lẽ dưới hầm suốt ngày đêm. Con Nhái ngày nào cũng sang giúp bà những việc cần thiết. Đêm nó lại sang ngủ cùng bà. Nhà tôi có thêm bát hương. Gian giữa thờ ông nội và cha tôi, gian bên thờ dượng Huỳnh. Mẹ đi lại vật vờ như cái bóng. Hôm xã tổ chức làm lễ truy điệu dượng Huỳnh, mẹ gắng gượng ra chịu tang. Nhưng khi thấy con Nhái bế em Huy mang dải khăn trắng trên đầu mẹ lại khuỵu xuống.
Có điều lạ, từ ngày dượng Huỳnh hi sinh, bà không còn sợ máy bay nữa. Mỗi lần chúng đến ném bom đánh phá, bà vẫn điềm nhiên nhả khói thuốc lào
P.T.P
VNQD