Cá từ bản Lúp

Thứ Tư, 20/03/2019 15:15

Bút kí. NGUYỄN VĂN TOAN

Từ thành phố Hà Giang ngược quốc lộ 2 lên cửa khẩu Thanh Thủy chừng bốn cây số sẽ tới bản tôi - bản Lúp. Bản Lúp thuộc xã Phương Độ, một trong ba xã có tên bắt đầu bằng chữ Phương, hai xã kia là Phương Thiện, Phương Tiến. Bản toàn người Tày sống dưới những mái cọ nhà sàn yên bình. Hầu như hộ nào trong bản cũng có một ao cá trước nhà, đó là lối sinh sống của người Tày chúng tôi gắn với sự ưu ái của thiên nhiên. Ba xã vùng ven thành phố Hà Giang này đều thuộc dãy Tây Côn Lĩnh trùng điệp, nhiều suối và nước mạch, riêng bản tôi có hai con suối chảy qua. Lại thêm dòng Lô từ cửa khẩu Thanh Thủy chảy vào đất Việt trước khi đi vào thành phố Hà Giang cũng không quên tạt ngang lấy ít phù sa từ đất bản Lúp.
Tập tục ở đây, mỗi khi có một hộ ra ở riêng, làm nền nhà bao giờ khoảnh đất bên cạnh cũng được đào sâu xuống lấy đất đắp nền, dựng nhà xong là có luôn vuông ao thả cá, thường là cá bỗng. Giống cá này kén nước, ao nông, nước tù chúng không chịu được. Muốn nuôi cá bỗng phải bắc máng vào ao, nước phải chảy liên tục vào cọn nước giã gạo khiến nó luôn ụp xòa tạo oxi mới hòng nuôi.
Nguồn nước mạch ngầm từ khe sâu vùng núi quê tôi rất hợp để nuôi cá bỗng. Con bỗng nuôi thuần trong ao khắp các vùng Hà Giang là giống cá thuộc chi họ cá chép sống nhiều ở sông Đà hung dữ, cùng họ với loài cá mà người dân ở một huyện của tỉnh Thanh Hóa coi như cá thần chỉ thờ không dám thịt. Vậy mà cũng con cá ấy khi thả vào ao nước bên nhà sàn quê chúng tôi lại thành một loại cá đặc sản nức tiếng. Những con cá vẩy xanh, má hồng này ở lưu vực sông Lô và hai dòng sông là sông Gâm, sông Miện nằm trên địa phận hai huyện Bắc Mê, Quản Bạ sinh sôi rất nhiều.
Không ai biết con bỗng được thuần hóa ở quê tôi từ bao giờ. Chắc hẳn cha ông chúng tôi phải nuôi loài cá này từ lâu lắm, bởi trong những câu chuyện truyền miệng liên quan đến lịch sử của bản, con cá bỗng xuất hiện không ít. Bà nội tôi vẫn hay kể về cụ nội, một thợ săn, một người chài lưới có hạng, dù nhà cách dòng Lô gần ba cây số nhưng mỗi tối cụ đều dao cài thắt lưng, vai đeo chài đi quăng cá cả đêm, lúc về bao giờ cũng xách theo con chiên vàng ruộm hoặc cụ bỗng dài cả mét. Có người thì kể thời Pháp thuộc, bọn Tây mũi lõ rất thích lên các tổng Phương Độ, Phương Thiện quê chúng tôi để xem chọi cá bỗng. Cá bỗng đực cũng giống như chim họa mi đực, rất kị ghét nhau, hễ chạm mặt là đánh nhau bong vẩy tróc vây đến khi một con nằm ngửa phơi bụng mới thôi. Cụ tôi lúc bấy giờ có chút chức sắc trong tổng, có nhiều ao cá nên nhà nghiễm nhiên trở thành một đấu trường cho quan Tây hưởng thụ thú vui ấy. Hai chú bỗng đực được thả vào một vuông ao nông và nước trong, mỗi con buộc một sợi chỉ khác màu ở đuôi để phân biệt. Cá lao vào nhau khiến cho mặt nước sôi lên sùng sục. Trên bờ quan Tây mặt lông mày lá cười phớ lợ, một tay vỗ đùi bôm bốp mỗi khi thấy miếng đánh hay, tay kia thò vào lu đất đựng bạc trắng hoa xòe bốc một nắm vứt ra mặt bàn đánh cược với nhau. Tới thời kì chiến tranh biên giới, vùng Ba Phương nằm gọn trong tầm pháo địch, cả vùng phải sơ tán xuống xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên; mọi đồ đạc, gia súc đều được mang theo, duy có ao cá là phải để lại. Sau gần hai năm ở nhờ, người dân xã tôi trở về quê thì những vuông ao phần bị trúng đạn pháo, phần bị người ta tháo nước bắt sạch cá. Dựng lại nhà sửa lại ao, cá bỗng từ các dòng suối được bắt về, qua hơn chục năm lại có đàn cá bỗng tung tăng quanh các cầu ao.
Những năm gần đây du lịch phát triển, con cá bỗng Phương Độ “lên đời” trở thành đặc sản. Gọi là đặc sản, nhưng cá lại chẳng có nhiều, vì chúng phàm ăn nhưng chậm lớn. Nuôi cá ở đây là nuôi lấy niềm tự hào, nuôi truyền thống cha ông để lại. Nhà nào trong ao có đàn cá vẩy xanh má hồng này bơi lội là có một tài sản lớn có thể vuốt râu cười khi khách gần xa tới. Dân quê tôi quý con cá này hơn bất kì vật nuôi nào, chỉ những ngày lễ như mùng 5 tháng 5, tết cá mùng 9 tháng 9 mới quăng chài bắt lấy một hai con để nướng ăn với xôi, hoặc làm nhân bánh cá. Còn những ngày thường phải là khách quý cỡ thông gia, anh em kết nghĩa mới được gia chủ xuống tay thịt cá bỗng mời.

*
* *


Dòng Lô trong quá khứ là một con sông xanh biếc chỉ đổi màu khi vào mùa mưa lũ, ngày thường cá tôm nhìn từ trên bờ rõ mồn một. Thời ấy cá bỗng, cá chiên nhiều vô kể. Nhưng càng về sau ngày nước sông Lô đục nhiều hơn ngày trong, dân sống hai bên bờ đông hơn, các loại cá ít hẳn, đến khi các nhà máy thủy điện mọc lên thì cá bỗng gần như tuyệt chủng. Còn hai dòng sông Miện, sông Gâm đều bắt nguồn từ các ngầm đá, lưu lượng nước ít hơn nhưng về độ trong đến nay ít nhiều vẫn giữ được, một thời cũng là nguồn cung cấp cá bỗng giống tự nhiên cho các ao cá trong vùng. Nước sông Miện bắt nguồn từ huyện Quản Bạ thuộc vùng cao nguyên đá, gần như xanh ngắt quanh năm, nhưng vào mùa lũ con nước đục ngầu bùn đất và lá mục, đó là mùa săn bỗng giống. Vợt bắt cá bỗng con được làm từ chạc cây trành rộng, tiện nhất là lấy chạc thân cây sắn, còn thân vợt se khít cắt từ màn ngủ. Bố tôi vẫn kể mỗi lần đi bắt cá con sông Miện cả đi cả về mất một ngày mà chỉ được vài chục con, cũng chưa chắc là cá bỗng. Có khi bắt được cá chày, cá mi, hai con này cũng cùng loài với cá bỗng nhưng khó thuần hơn, mang về thả mưa to thường theo nước bơi ra ngoài.
Cá bỗng ngoài tự nhiên muốn sinh sản phải có dòng nước lớn chảy ào ào ngày đêm. Một con bỗng cái đẻ trứng thì có cả chục con bỗng đực vây quanh phóng tinh dưỡng trứng. Hàng triệu triệu trứng cá tản vào các dòng chảy, lớn dần thành cá con. Qua sự sàng lọc nghiệt ngã của tự nhiên, chỉ một số rất ít cá con có thể sống sót, trưởng thành. Còn cá bỗng nuôi trong ao quê tôi, đến mùa vẫn đẻ hàng ngàn trứng nhưng cá đực ít, lại bị các con khác ăn trứng nên chẳng bao giờ nở được cá con. Mãi sau này có chú Hộ, một thương binh quê ở xã Đường Âm, Bắc Mê mày mò gây được cá bỗng đẻ thường mang cá con đến bán cho cả vùng. Năm nào cũng vậy, cứ đến hè khi người đàn ông cụt tay gùi can nhựa đi vào bản là nhà nào cũng mang chậu, xô ra đợi. Cá giống chỉ nhỉnh hơn que tăm trâu một chút mà cả bản tranh nhau mua, người nào chậm chân không mua được còn chạy theo ông chú cụt tay ấy hẹn lần sau đến bản phải vào nhà mình trước.


*
* *


Nguồn cung tại chỗ không đủ cầu, làng tôi xuất hiện thêm nghề mới - bán cá giống, nghề phụ lúc nông nhàn của đàn ông, con trai trong bản. Bán cá đơn giản, chỉ cần sức khỏe và ít vốn để mua vài lạng cá bột là đủ để bắt đầu một chuyến buôn đường dài.
Mua một chiếc can nhựa loại hai mươi lít, việc đầu tiên là vặn cái nắp ra vứt đi. Can đựng rượu, đựng nước mới cần nắp, can đựng cá mà để nắp thì chưa ra khỏi ngõ cá đã chết sạch. Sau này dân dưới xuôi lên thường đựng cá bằng túi nilon bơm oxi, có thể đi khắp nơi rao bán, nhưng mua cá này thả xuống ao thì chúng sốc nước chết vô số, may mắn lắm mới sống được vài con. Thế nên can nhựa vẫn là dụng cụ hành nghề hữu hiệu nhất của dân buôn cá bản. Người dân vùng cao núi đá khan nước, vác can đi khắp vực sâu tìm mạch nguồn lấy nước về, còn đàn ông bản tôi vác can đầy cá giống đi bán tứ phương. Gần thì năm, sáu cây số đường núi lên bản Nà Thác, Khuổi My, Lùng Vài..., xa hơn thì đi các xã Phú Linh, Kim Thạch... Đi buôn càng xa thì càng có lãi, như người Kinh hay nói “một đồng xa ba đồng gần” nên từ khi có xe máy những con đường ngoằn ngoèo của các huyện vùng cao Hà Giang cứ vào mùa cá bột lại thấp thoáng hình bóng của những người bán cá giống bản Lúp.

Sắc xuân Hà Giang - Ảnh: ST


Cứ độ tháng tư, những con cá ken đặc như đám mây theo những chuyến xe ô tô từ miền xuôi lên Hà Giang. Chép, mè, trắm cỏ, trôi, bỗng là những giống cá mà dân miền núi ưa nhất. Cánh buôn cá chỉ việc xách can ra mua lại theo cân lạng. Khách quen có thể lấy cá trước, bán xong mới trả tiền; có người còn chấp nhận cá “quay đầu”, nghĩa là đi cả ngày không bán được vẫn cho trả lại cá.
Nghề bán cá giống ở bản tôi có từ khoảng đầu những năm 90. Thời của tivi đen trắng và xe đạp, những người không có xe thì cuốc bộ với can cá giống óc ách nước trên vai lên các bản người Dao. Người có xe đạp đèo can cá rong ruổi cả ngày trong các xã lân cận khu vực thị xã. Sau này là thời kì của xe máy Tàu, đàn ông bản tôi thành những tay phân phối cá giống cho khắp các huyện vùng cao.
Bán cá giống cực nhọc, nhưng cũng có cái vui, ấy là được đi nhiều, tiếp xúc với đồng bào khắp vùng miền. Bà con Dao, Mông, Tày... đều coi người bán cá giống là khách quý, tiếp đón nhiệt tình.
Hồi ấy, cứ xế chiều, quán nước giữa bản trở thành nơi đội quân bán cá sau ngày bươn bải tụ về kể chuyện. Có anh ỉu xìu với can cá dang nắng cả ngày chẳng bán được cuối cùng phải về gạ bán cho người đầu tiên hỏi mua với giá thấp nhất. Cũng có người phải về tay trắng, đi cả ngày bán không được đến lúc gặp nhà muốn lấy lại không có tiền, không có gì để đổi đành cho nợ. Nợ cá giống là cái nợ dai kéo đến tận mùa sau khi cá nuôi thịt được mới trả công người bán. Nhưng thế vẫn còn hơn để cá chết, cá chết vì mùa hè nóng đi đường xa một can hai mươi lít nước đan dày kịt cá con, người không có kinh nghiệm không thay nước, cá chết. Có thay nước nhưng thay kiểu ào ạt đổ nước cũ ra cho nước mới vào ngay cũng chết, lại có trường hợp thay nước vào đúng hôm mưa tầm tã cá vẫn chết, đấy là do ít kinh nghiệm, hứng nước mưa từ các mái brô ximăng đổ vào can nên cá đồng loạt chết ngắc. Nhưng cũng có người số may lên đến nơi bán được ngay lại còn được cái hẹn ngày mai lấy tiếp. Còn có anh ngà ngà say miệng đặc hơi rượu, líu lo chỉ cái lồng buộc nghiêng vẹo trên yên xe với chú lợn cắp nách ụt ịt bên trong, ấy là bởi gặp nhà quen mời rượu nhiệt tình chẳng tiện chối, can cá họ lấy nhưng không trả bằng tiền mặt mà đổi ngang bằng lợn.
Để bán được một mẻ hàng, dân bán cá phải đèo can đến những bản heo hút, rao khản cổ mới có người gọi vào xem cá. Người dân miền núi xem cá thú lắm, ấy là xem... thằng bán cá trước. Gọi lên nhà rót nước trò chuyện đàng hoàng rồi mới quyết định mua hay không. Khi mua, nhà kĩ tính bắt đổ ra chậu đếm từng con một, nhưng đa phần người bán nói số lượng cá là người mua tin. Có nhà mời người bán cá vào ngồi nói chuyện gần hết buổi mà vẫn không mua, nhưng hết ấm chè, lôi chai rượu ra ngồi tiếp, nói chuyện thêm một lúc thì thấy... ưng cái bụng, can cá đã được đổ ra ao từ lúc nào không hay.
Dân vùng cao lấy chén rượu làm đầu câu chuyện, lúc xem cá mời rượu, mua cá đổ xuống ao chưa đưa tiền luôn mà giữ lại ăn cơm uống rượu tiếp, khi nào say cả chủ lẫn khách mới đưa tiền cho về. Có khi chồng tiếp say lăn ra ngủ trước đến lượt vợ ngồi tiếp đến bao giờ khách đổ gục tại mâm mới thôi. Buôn bán như thế, vui lắm chứ, nhưng cũng nguy hiểm. Chú tôi từng buôn cá giống. Một chuyến lên mạn Bắc Mê, chú được khách quen mời cơm rượu, mồi nhắm là cá mua vụ trước. Cái giống uống rượu vào thì hai mắt dễ buồn ngủ, trên đường về chú tôi vừa nhắm mắt vừa đi xe, được đoạn đường thì đâm vào cột mốc gẫy mất một bên xương quai xanh, từ đấy thôi nghề bán cá dạo.


*
* *


Để ý mới thấy cả vùng xung quanh thành phố Hà Giang không bản nào theo nghề buôn cá giống như bản tôi. Ngay cả hai bản sát cạnh cũng vẫn là khách hàng của dân buôn cá bản tôi. Đó là chỗ “chống móm” khi không muốn đi xa, hoặc lúc đi bán tứ phương ế, cá “quay đầu” lại mang sang hai bản ấy tìm người cần đổ cho họ với giá gốc hoặc nhỉnh hơn tí chút.
Gần như tất cả đàn ông thanh niên trong bản tôi ít nhiều đều từng đi bán cá giống. Nhưng bán cá thành nghề chỉ có một vài người, trong đó ông Trần Văn Mô là kiên trì nhất với nghề, bán cá từ thời vác can bộ, lai dắt bằng xe đạp, tới thời xe Dream Tàu lang bạt khắp hang cùng ngõ hẻm đến bây giờ đã hơn hai mươi năm.
Từ Bắc Mê, Đồng Văn, Yên Minh, đến mạn phía Tây, Hoàng Su Phì, Xín Mần, xó xỉnh bản Mông, Dao, Nùng…, nhà nào có ao nuôi cá đều biết đến người bán cá này. Bán cá cũng chia địa phận, ai bán quen vùng nào thì coi như làm chủ vùng ấy, chỉ người ít đi mới mò vào địa bàn người khác vì có đến trước cũng chẳng bán được, dân chỉ lấy của người quen. Địa bàn của chú Mô rộng hơn vì chỗ nào ông cũng từng bán lâu dài. Đi nhiều, tiếp xúc lắm nên ngồi nghe ông kể chuyện đi buôn cả ngày không hết. Có lần ông phải vác can đi bộ theo chân người dân gần chục cây số đường rừng, “miệng nó bảo gần thôi, ba lần quăng dao là tới mà mình theo nó gần ba tiếng đồng hồ, đến lúc quay ra thì trời tối mịt từ khi nào”. Có lần ông đèo can cá giống đi nửa buổi không ai hỏi, gần trưa vừa mệt vừa đói thấy một ngôi nhà vách nứa, mái cọ lụp xụp, cửa mở thì dừng lại tính xin chén nước. Từ ngoài nhìn vào ông thấy tối om rờn rợn, nhưng vẫn đánh bạo bước qua cửa. Tới giữa nhà thì thấy một thân thể treo lơ lửng, ông sợ quá quay đầu chạy mất mật, bỏ cả xe và can cá.
Tôi có dịp theo chân ông Mô đi bán cá ở xã Du Già, một trong những địa phương vùng sâu vùng xa của tỉnh Hà Giang. Có hai đường để vào thì cả hai đều hiểm trở. Một đường từ thị xã Hà Giang theo cung đường Hạnh Phúc, đi hết thị trấn Yên Minh, tới xã Mậu Duệ rẽ vào. Bắt đầu từ đây đường đa phần là cấp phối dân sinh đá to như cái bát, đi hết địa phận Mậu Duệ tới xã Lũng Hồ bám theo đường nhìn xuống vực suối Nậm Lang hun hút gần ba mươi cây số là tới Du Già. Đường kia cũng chẳng kém cạnh gì dù có gần hơn vài cây số, đi theo trục quốc lộ 34 đến địa phận xã Minh Ngọc rẽ vào xã Minh Sơn, từ đó đi theo con đường ngoằn ngoèo vượt đỉnh Lũng Dầm quanh năm mây phủ mới đến vùng lòng chảo trên cao này. Do địa hình gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài nên nơi đây có nhiều nét rất riêng. Về văn hóa, có tục vỗ mông kết duyên của người Mông rất đặc sắc, có chợ phiên Du Già họp vào các ngày cuối tuần đông đúc nhất nhì vùng cao nguyên đá. Về tự nhiên, địa phận xã Du Già là nơi họp lại của sông Nậm Lang, con sông nhỏ nhưng cực khó xác định cửa ra vì đặc thù vùng lòng chảo. Ngoài dòng Nậm Lang còn vô số mạch ngầm và suối nhỏ chảy từ các hang đá tụ về Du Già rồi chảy đi đâu không rõ.
Ngồi trên con Dream đời đầu đèo hai can cá giống, người đàn ông nhỏ thó ấy phi vun vút trên các vòng cua tay áo, tôi phải cố lắm mới theo kịp. Chúng tôi đến Du Già đã gần trưa, cái nắng của vùng cao không quá gay gắt mà lại làm sáng thêm các chùm hoa mua tím, hoa vông đỏ ối bên đường. Du Già đang vào mùa đổ nước, các thửa ruộng hai bên đường vang tiếng người, tiếng máy cày, tiếng nước đổ ào ào. Đi bán cá với chú Mô chẳng phải mất công rao “cá giống đê, ai mua cá giống đê” bao giờ. Trên đường vào trung tâm xã, người nào nhìn thấy chúng tôi đều chào chú Mô như một người thân thiết.
Đi một vòng trung tâm xã không có ai hỏi mua, cuối cùng hai chú cháu đi sâu vào bản người Mông, tìm tới nhà anh Giàng Mí Lùng, một khách quen của chú, trong thôn Giàng Trù A. Anh Mí Lùng là Phó Chủ tịch Mặt trận xã. Anh tiếp chúng tôi trong căn nhà trình tường mát rượi bên dòng suối Khuổi Rịa. Chỉ chỗ thay nước cho hai can cá xong, anh vào nhà pha trà đợi khách. Anh có hai đứa con, một trai một gái, con trai anh mới tám tuổi đang đứng giã ớt khô trong góc bếp, mùi ớt rang phả ra thơm lừng.
Nhà anh Lùng có hai ao cá thì chỉ có một ao còn nước chảy ra chảy vào, ao còn lại rộng hơn nhưng nước tù. Lúc anh ra xem cá, hai đứa con anh chạy theo chân bố thi thoảng lại thay nhau ghé mắt vào xem những chú cá con trong can với vẻ thích thú. Khi đổ can cá xuống ao, anh nói: “Bây giờ ít nước vậy thôi chứ mưa to từ trên các đỉnh núi đá nước tuôn ào ào, trắng xóa như thác chảy xuống, lúc ấy chẳng ai dám ra khỏi nhà”. Tôi hỏi anh mấy năm nay còn xảy ra lũ quét chết người không, anh nói dân mình giờ đã đề phòng hơn lại có thêm hệ thống dự báo lũ quét nên chưa có gì đáng tiếc xảy ra.
Anh Lùng một mực giữ chúng tôi lại ăn cơm trưa, nhưng chú Mô từ chối. Chú nói nhỏ với tôi, họ mời nhiệt tình mình không ở lại cũng ngại, nhưng ở lại thì phải uống tới say bẹp. Cần phải giữ sức để theo nghề. Chú nói chú thích làm nghề này vì chẳng gò bó, thu nhập ổn, lại được quen biết nhiều. Và cái vui nhất là được thấy những con cá mình mang tới thả xuống những vuông ao các bản từng ngày lớn lên. Cảm giác như thấy những hạt giống mình đem đi gieo vào đất nương từng ngày nảy nở ấy, thích lắm.
Tôi cũng có cảm giác giống chú Mô. Mỗi khi đèo hai chiếc can nhựa đi tới các bản làng, nhìn những con cá sủi tăm dưới các vuông ao là lòng tôi rộn lên và đinh ninh đấy là cá của mình, những con cá giống từ bản Lúp

N.V.T

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)