Nước Đức thống nhất, nhiều nhà máy Đông Đức cũ giải tán, chúng tôi, những lao động Thợ khách(1) người Việt thất nghiệp, để được ở lại phải tìm cách tự kiếm sống. Chúng tôi bung ra tự do bán hàng trên đường phố, nhà ga, ở chợ phiên. Sự hoạt động như những phân tử tự do ấy tạo nên cuộc sống đầy va chạm, giúp chúng tôi thâm nhập sâu thêm xã hội Đức, khiến nhiều quan hệ trở nên sâu sắc với người dân bản địa. Hans - nhân vật chính trong truyện ngắn Một người Đức là một trong những người bạn đã quen, rồi thân với nhau trong cảnh huống ấy. Nếu xưa kia ở trong một nhà máy, người ta chỉ được nhìn bên ngoài, quan sát bên ngoài, không hiểu biết sâu sắc, thì nhiều người Việt và kể cả người Đức thường mất thiện cảm với dạng người như Hans. Dạng người khi nước Đức thống nhất, khi đại đa số các nhà máy lạc hậu của Đông Đức giải tán, họ trở thành đám người thất nghiệp, và sự chán chường đẩy họ thường tụ tập trước các siêu thị để say bét nhè ngày lại ngày. Một số người trong bọn họ cũng sa vào hội chứng dân tộc cực đoan và không thích người nước ngoài. Hans ban đầu cũng nhìn chúng tôi như một nguyên nhân làm họ thất nghiệp. Tiểu sử Hans, khi ở tuổi thiếu niên nông nổi đã từng cầm súng chống tăng bắn cháy một xe tăng Hồng quân. Nhưng rồi hoàn cảnh hay số phận đưa chúng tôi lại gần và có điều kiện tìm hiểu để cảm thông mà hiểu nhau hơn. Và câu chuyện đời sống thực diễn ra gần như mọi sự tôi kể trong tác phẩm. Thông qua người bạn gồ ghề, ban đầu dường như khó chơi này, tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị về Hans nói riêng và người Đức nói chung. Họ, những người Đức gốc gác nông dân trong bản chất sâu thẳm có nhiều điểm tương đồng với người Việt ta.
Người Đức rất yêu mảnh đất sinh ra họ, tự hào về dân tộc mình. Những truyền thống tốt đẹp ấy đang biến thái và cũng có hai mặt của nó. Nó có thể tạo thành sức mạnh lớn lao để kiến tạo nước Đức hùng mạnh khi họ đòi hỏi và đấu tranh cho nước Đức thống nhất, khi cùng hô vang: Chúng ta là một dân tộc (Wir sind ein Volk). Song khi bị lợi dụng trong những biến động chính trị, đẩy sang chủ nghĩa dân tộc cực đoan thì vấn đề lại khác đi. Trong lịch sử, nước Đức là nơi đã gây ra hai cuộc thế chiến đầy máu và nước mắt. Nhân vật Hans của tôi đủ từng trải để nhận ra điều ấy và chính điều đó làm rõ thêm nhiều điều nằm sâu trong con người Đức. Trong mạch nhận thức nước Đức và những biến đổi chính trị của nó, khi nhìn ở nhiều mặt khác nhau thì Một người Đức hay Vườn Maria đã ra đời. Riêng truyện ngắn Một người Đức này, tôi không dùng thủ pháp khác lạ nào nhằm khai thác mạch truyện. Nó được kể trung thành theo lối viết kinh viện của các nhà văn lớn Đức như Heinrich Boll. Các chi tiết được xây dựng tỉ mỉ, công phu để phục vụ chủ đề, xây dựng nên khuôn mặt sắc nét của nhân vật. Tự nhận xét, đây là một trong những truyện thành công ở giai đoạn mở màn để tôi quay lại với văn chương trong một cảm hứng mới. Nó ngùn ngụt hiện ra từng đêm khi cầm bút, trong cả lòng yêu thương và căm giận, nhưng chủ yếu vẫn là mạch của sự yêu thương, chia sẻ giữa những chủng tộc, đặc biệt khi cơ nhỡ, sa ngã, được khắc họa đậm nét.
Ngày nay khi thế giới có nhiều thay đổi, nếp sống của nhiều dân tộc cũng thay đổi. Nước Đức cũng đổi thay khá nhiều ở kinh tế hội nhập thế giới. Những người Đức trẻ trong sự biến đổi ấy đang đánh mất dần truyền thống của cha ông mình. Sự thay đổi ở giới trẻ Việt cũng nhìn vào đời sống hiện đại ở phương Tây và ít người nghĩ rằng, có những thay đổi nội tại của họ đang giết dần cái gốc tạo nên sức mạnh của chính dân tộc mình…
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ
Hôm đó, trời đột ngột trở gió. Một ngọn gió mạnh, bất ngờ quật đổ hai cái bàn bày đầy áo quần của vợ chồng tôi và hung hãn định xé nát tấm bạt ô, để rồi thổi tốc toàn bộ ô, bạt và cả người vợ nhỏ bé của tôi đang tàn sức cố níu lấy chân ô.
Vợ tôi kể lại việc ấy. Tôi cố tưởng tượng ra cảnh hắn từ hè đường lao tới. Như không, nhẹ nhàng hắn nắm phắt chân ô, giữ im tất cả trước làn gió hung hãn còn cố thổi phần phật tấm bạt và những gọng ô run rẩy. Nhớ lại, vợ tôi chưa hết sợ hãi, cô hổn hển nói: “Không có hắn, em cùng với ô sẽ bay ra đường phố!”.
Tôi quyết định đi tìm hắn để cảm ơn. Việc tìm kiếm có lẽ không khó. Vợ tôi đã tả: “Hắn to cao! Người sặc sụa mùi bia, rượu”. Lại bảo, hắn có nói với em rằng, khi có khó khăn gì, cứ đến quán Hoa Anh Đào mà tìm! Hoa Anh Đào thì rõ cả rồi! Nó là quán ăn nhanh chỉ cách chúng tôi hơn cây số. Thế là bọn tôi gặp nhau và tôi biết hắn.
Hắn tên thân mật là Hans. Tôi dùng từ hắn ở đây có vẻ hơi xược. Vì Hans khi ấy đã sáu nhăm tuổi. Còn tôi mới bốn bảy. Nhẽ ra, tôi phải dùng từ anh, hay ông từ đầu truyện mới đúng. Nhưng khi nghe vợ tả, kể... tôi cứ hình dung Hans theo đúng nghĩa từ hắn. Vả lại, gọi Hans bằng anh hay ông tôi e không hợp với truyện này. Với tôi hai từ ấy nghe xa lạ và khách sáo.
Khi tôi đến quán, Hans ngồi trong góc phòng nhỏ, người như hòa chìm vào vách gỗ thông đã chuyển màu. Hắn ngồi bất động. Trước mặt là một vại bia lớn đã gần cạn. Tôi đến gần lịch sự hỏi: “Thưa! Ông có phải là người đã giúp đỡ vợ tôi trưa qua không?”. Hans giương đôi mắt to, xanh đục, đầy những tia máu nhỏ ẩn dưới đôi lông mày màu hung hung có nhiều sợi bạc, hơi dài nhìn tôi ngạc nhiên và nhún vai. Tôi hỏi lại, cố dùng từ gọn diễn tả lại câu chuyện đã xảy ra. Hắn có vẻ lơ đễnh ngồi nghe. Mặt hơi cúi xuống, nhưng mắt hắn, đôi đồng tử màu xanh cứ ngước xoáy lên trần quán. Rồi, khi thủng chuyện, Hans bất chợt vỗ vào vai tôi. Cái vỗ nhẹ của hắn làm tôi suýt ngã chúi. Bởi hắn to con lắm! Có lẽ trên tạ rưỡi. Bàn tay nặng trịch, những ngón như quả chuối ngự vít tôi xuống cái ghế cạnh hắn. Hans không thèm nhắc gì đến việc tôi đã cảm ơn. Hắn gọi bà chủ quán (bà ta có bộ mặt nhăn nhó khi cười. Trông tựa như một mụ phù thuỷ nào đó trong truyện cổ tích): “Một bia lớn!”.
Chúng tôi ngồi uống im lặng với nhau. Quán nhậu nhỏ mà lúc nào cũng ồn ào. Những người Đức ở ngoài đường lầm lì vô cùng, vậy mà ở đây họ ăn to, nói lớn ra phết. Tiếng Đức, âm vực thấp, trầm, khi có hơi men càng khó nghe, nhưng tôi thấy đáng yêu hơn khi nó hòa chếnh choáng trong bia rượu. Tôi nghĩ vậy, trong khi Hans ngồi như con gấu câm nín. Hắn uống rất chậm và thi thoảng lại đưa bàn tay thô kệch xoa đám bọt bia trắng rây ở hai mép. Tôi không hiểu gì thêm về con người ấy trong lần gặp này, dù tôi đã cùng hắn uống đến ba vại bia Schultheit cực đậm. Tôi cáo từ hắn ra về. Hans xoa đầu tôi như xoa đầu một trẻ nhỏ và hơi cười cười, mặc nhiên để tôi thanh toán toàn bộ tiền bia với phù thuỷ. Hắn ngồi đó đến khi nào, tôi cũng không rõ. Tôi trở lại chỗ bán hàng, không hề nghĩ rằng, từ nay, tôi có thêm một người bạn mà sau này, mỗi khi nghĩ đến, tôi và vợ rất buồn.
Hai tuần sau, Hans đột ngột mò tới chỗ vợ chồng tôi bán hàng. Hắn gọi vợ tôi là “Maedchen”(2). Tôi cải chính rằng, cô ấy là vợ tôi. Hans xin lỗi và gọi lại vợ tôi bằng từ Frau, bà Nguyễn. Tôi thông cảm cho hắn, vì nhiều người Đức, chứ không riêng hắn, đôi khi cũng nhầm như thế. Con gái, đàn bà Việt ta, đều nhỏ nhắn. Vợ tôi trắng, nên nom trẻ hơn tuổi, trông bé nhỏ như trẻ con. Tôi hỏi Hans vài câu xã giao. Lại bảo, sao hôm nay không đến quán uống. Hans phẩy tay. Thì ra, hắn vừa đi công chuyện về. Hans từ chỗ giải quyết tiền hưu tới. Có việc gì đó trục trặc và hắn bực dọc nói: “Tao đã làm việc hơn bốn chục năm cho nước Đức. Tao có quyền”. Hắn đặc biệt nhấn mạnh từ “nước Đức”, nhấn thêm vào câu “tao có quyền” hai lần. Để cho Hans dịu đi sự tức bực nào đó, tôi kéo hắn tới một quán ăn nhanh và gọi bia. Hans uống, sau ngụm thứ hai, hắn bình tĩnh trở lại và lơ đãng nhìn ra khúc đường nườm nượp xe cộ chạy. Hans nói: “Nhưng tất cả ổn cả rồi!”.
Chúng tôi đứng với nhau hơn một giờ trên hè đường. Hắn hỏi tôi từ đâu đến và rất chăm chú nghe tôi kể. Tất nhiên, tôi đã nói rằng, chúng tôi là người Việt đến đây theo lời mời của nhà nước DDR, chứ không phải là vô cớ tới Đức, như bọn đầu trọc thường lấp liếm đi sự thật ấy. Rằng, chúng tôi ở lại nước Đức kiếm sống ngoài đường phố cũng là theo hiệp định. Tôi cũng nói rõ là, việc làm ăn hôm nay, trên hè phố, chúng tôi không muốn, nhưng nước chúng tôi còn nghèo lắm. Vả lại nước Đức cũng đầy khó khăn, thất nghiệp hơn bốn triệu người. Hans có thể hiểu tôi định nói gì. Hắn nghe với thái độ thông cảm, rồi bảo: “Tao hiểu, hiểu rồi và tao không khi nào căm thù người nước ngoài như bọn đầu trọc. Chúng nó điên cả rồi!”. Lại tỏ ra thông cảm, Hans còn kể: “Sau chiến tranh, mọi việc đều rất khó khăn. Chúng tao cũng đã như vậy rồi! Chiến tranh là điều bẩn thỉu lắm! Nhất là khi những người trực tiếp tiến hành lại mụ mị, không nhìn rõ thực chất của nó”. Hắn chỉ ra con đường bê tông mới sửa láng bóng, nói tiếp: “Cách đây bốn chục năm, tao còn là trẻ con. Con đường này, khi ấy còn lát đá, nhỏ, hẹp. Xe tăng Nga tiến vào thành phố. Tao và thằng Guenter, nó chết rồi, mười ba tuổi, xông ra. Tao nhặt một khẩu súng bắn tăng mà ai đã đánh rớt, rồi nhằm xe tăng Nga siết cò. Bùng! Cái xe đi đầu bốc cháy. Tao hoảng sợ bỏ chạy. Hai ngày sau qua đó, mùi thịt cháy còn khét lẹt. Mày có biết không, trong đó năm mạng người”. Hans lợm giọng, nhổ một bãi nước bọt xuống đường: “Bây giờ nhớ đến chuyện ấy, khi nào tao cũng tởm lợm”. Tôi tò mò hỏi: “Rồi sau đó?”. Hans đưa tay quệt mũi, nói tiếp: “Tất nhiên là tao rông thẳng về nhà. Cũng không dám nói với ai là thằng Guenter đã chết thế nào”. Hắn nhún vai, dù sao cũng đã như thế. Chúng tao là bọn trẻ con, còn Hitler thì ngày đêm gào lên, chúng ta phải chiến đấu cho nước Đức. Hắn buồn buồn kể tiếp: “Sau đó thành phố này tan nát hết. Cả nước Đức chịu hậu quả do chúng tao gây nên. Tan hoang. Khốn nạn. Chúng tao rất đói. Tao phải thường đi xin và ăn cắp thức ăn của người Nga, người Mĩ, Pháp. Tao vắt trộm sữa bò. Những con bò cái gầy guộc người ta giấu trong rừng. Thế rồi là Đông Đức. Chúng tao xây lại thành phố. Tao lái máy cày cho nông trường. Cuộc sống chẳng tồi gì, với tao. Rồi hai phần nước Đức hầm hè, cãi nhau, xây tường và lại phá tường. Thống nhất, tao thất nghiệp một năm, chỉ uống rượu. Rồi lại có việc. Tao đi đào, phá những con đường cũ. Bốn năm. Bây giờ tao về hưu”. Tôi hỏi, khi Hans đã ngừng, đôi mắt hắn buồn buồn: ‘‘Hans! Bây giờ thì ra sao?”. Hans không nói thêm. Hắn cười đột ngột, giơ đôi bàn tay cho tôi nhìn. Đấy không chỉ là lòng bàn tay bình thường. Có năm sợi thép rắn câng, gồ lên trong đó. Tôi sờ vào. Không thể tưởng tượng được. Hans còn khoẻ lắm.
Sau bận ấy, Hans hay ra chỗ chúng tôi bán hàng chơi. Thường là sáng sớm. Hắn luôn đi cái xe đạp cũ kĩ, hiệu Diamant và nhiều lần vỗ vỗ vào cái yên bằng da xịn, như có ý bảo: “Còn tốt chán!”. Một lần tôi hỏi: “Sao mày không mua ô tô mà đi lại?”. Hắn trợn mắt: “Tao chưa bị điên”. Hans chỉ vào một chiếc xe tải, hiệu Man, hỏi tôi: “Mày có biết nó nặng bao nhiêu tấn không?”. Tôi cười, lắc đầu. Hans hơi dằn giọng: ‘‘Nó, hơn bốn chục tấn đấy. Còn khi nó chạy với tốc độ chín mươi cây số trên giờ thì đất sẽ không chịu sức nặng bốn mươi tấn đâu. Một sức ép khủng khiếp sẽ xuất hiện, tàn phá tất cả. Cả tao. Cả mày. Hiểu không? Mày sao có thể hiểu được điều ấy. Ngu lắm. Chắc mày cũng chỉ như bọn thanh niên của chúng tao, luôn ham của lạ thôi!”.
Hôm sau nữa, vợ tôi ốm. Cô phải ở nhà. Hans lại tới. Hắn thấy thế, giúp tôi dọn hàng, bày bàn, căng ô bạt. Hans có sức, nên công việc cứ như không. Hắn cũng khéo léo không ngờ khi dựng ô. Vài người khác chưa quen đã không làm được như hắn. Bộ phận hãm ô khi bung ra, cụp vào, rồi liên kết với các bộ phận khác, rất khó nhận ra. Vậy mà, chỉ thoắt nhìn, hắn đã làm rất thạo. Tôi khen, mày thạo thế! Hắn thản nhiên: “Mọi việc nhỏ, to, sau khi cân nhắc, xem xét đều trở nên dễ dàng”. Tôi nhớ, khi ấy, hắn còn tự chỉ vào đầu và bảo: “Tao là người Đức gốc. Chính cống”. Tôi cười, hắn cũng cười. Nhưng hắn lại vặn: “Sao mày cười?”. Xong, hắn đập vào vai tôi một cái. Lại một cú đập nữa làm tôi liêu xiêu. Hắn đã bao lần nhẹ nhàng, thân mật với tôi kiểu ấy.
Một ngày đẹp trời khác. Hôm ấy hắn có vẻ vui. Có thể, Hans nhớ đến chuyện mấy hôm trước, đột nhiên nói: “Mày cũng không ngu đâu. Hôm nọ tao đùa đấy”. Tôi phẩy tay và mời hắn đi ăn sáng. Hans không ăn, cũng không uống bia hay cà phê. Hắn đề nghị tôi mua cho một li rượu. Thứ nâu nâu, sóng sánh như mật, đóng trong chai nhỏ xíu. Hắn giải thích: “Rượu này uống bổ dạ dày”. Vợ tôi mang mấy miếng bánh kẹp bơ tới. Nhìn những miếng bánh mì phết dày bự bơ, Hans lắc đầu: “Người Đức không kẹp bơ như thế kia! Bơ cần phết mỏng, kĩ, cho ngấm vào ruột bánh”. Nói rồi hắn quay ra tôi, đùa: “Ở nước mày chắc nhiều bơ lắm?”.
Tháng tư năm ấy, trời sầm sì. Đường phố vắng tanh. Tôi không bán được hàng. Bữa đó Hans ngồi với tôi đến trưa. Có lẽ là dịp cởi mở, hắn nói về hắn. Hôm ấy, tôi mới biết, Hans có hai con trai. Hiện tại hắn sống độc thân. Hắn phàn nàn: “Nước Đức cách đây không lâu, chúng tao đối xử với nhau trong nhà và ngoài đường tương tự như chúng mày. Còn hôm nay, hai thằng con tao bỏ đi Tây Đức kiếm ăn. Chúng không khi nào về thăm thằng già này! Năm năm rồi!”. Hans xòe bàn tay ra, phô mấy quả chuối ngự. Tôi cũng được biết thêm rằng, vợ Hans đã chết ba năm trước vì bệnh tim. Nhắc đến đấy, Hans thật thà nói: “Con mụ béo phì như heo ấy chết đi, tao không còn ai nấu nước tắm cho nữa!”. Thảo nào mà người hắn gây thế! Tôi nghĩ.
Thời gian trôi nhanh thêm hai năm nữa. Hai năm, Hans già đi rất nhanh. Hôm nào, hắn còn cạo râu nhẵn nhụi, mà giờ đây chẳng chịu chăm chút gì. Trên má đang chảy, những sợi râu vàng hung bàng bạc thi nhau vô tổ chức mọc. Cái cằm vẫn đỏ au, nhưng xệ hẳn xuống. Trong khi ấy, thị xã chúng tôi vùn vụt thay đổi, đẹp lên từng ngày.
Người ta gần như cuốc sạch những đường phố chính. Thay vào đó là những con đường láng bóng, đen nhẫy. Người ta đào bới rất nhanh, như có phép mầu, thay thế toàn bộ hệ thống dẫn nước nóng, lạnh, điện thoại, ga nấu, cáp truyền vô tuyến... Bao cửa hàng, nhà băng, siêu thị, khách sạn... cũng đua nhau mọc lên san sát, chan hòa ánh điện màu. Tất cả rực rỡ, sang trọng, phô phang sự giàu có với tốc độ chóng mặt. Sự thay chuyển đó, làm chúng tôi, những kẻ Thợ khách, ăn nhờ ở đợ, cũng vui lây.
Vậy mà tôi có cảm giác Hans thờ ơ với tất cả. Tôi không hiểu vì sao, con người như hắn, một tay Đức nòi, lại có thể lãnh đạm với sự thay đổi của thị xã quê hương hắn như thế. Tôi đắn đo định hỏi cho ra, nhưng chưa có dịp nào thuận lợi để làm việc ấy.
Minh họa: Lê Trí Dũng
Một lần, sát Noel, tuyết rơi trắng xóa cả trời. Hans ra nơi tôi bán hàng. Hắn thấy tôi bán hàng kém, nên chẳng trò chuyện, im lặng bên nhau đến hai giờ.
Trên bãi đậu ô tô cũ của thị xã, người ta đương đào hai vệt hào rất rộng, sâu để tìm kiếm gì đó. Đèn pha thắp sáng chói suốt ngày đêm. Máy móc, xe cộ lạ kiên trì thăm dò. Tôi nhìn rõ tại đấy, những gốc cây rất lớn, nham nhở than đen và khối mảnh quan tài vỡ nát được móc lên từ đất sâu. Tò mò, và để phá tan sự buồn chán, tôi hỏi Hans việc trên. Hắn có vẻ rầu rầu, trả lời: “Bọn chúng muốn xây trên đó một siêu thị, một trung tâm bán ô tô lớn và một tổ hợp các nhà băng. Thành phố cũng nhân đây tìm hiểu một vụ cháy, cách đây hơn hai thế kỉ, có phải xảy ra chính xác tại đó không. Ngọn lửa phát ra từ một cơn giông. Nó cho ra tro khu rừng sồi lớn và lan nhanh, thiêu hủy luôn một nửa thành phố. Song thật vớ vẩn! Chúa trừng phạt cả thôi! Mà đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ nhoi, so với những cái, con người như tao và mày đây, đã, đang tàn hại mảnh đất này!”. Hans móc trong túi ra một mảnh giấy và chùi mũi, xì mạnh. Hắn chỉ sang bên kia đường, nơi vừa cách đó không lâu, mọc thêm một trạm xăng mới: “Khi cha tao còn sống, ông ấy bảo, hồi còn nhỏ, ông phóng ngựa thục mạng dọc dải rừng từ kia, ba bốn giờ mới hết dải rừng để tới hồ Con Nai Đen thuộc Grossberg”. “Ừ, tại Grossberg có một cái hồ rộng, tao biết!”. Hans ngắc ngư cái đầu và nói tiếp: “Mày biết không? Tới thời tao bắt đầu biết đi, chỉ còn một nửa dải rừng thôi. Bây giờ thì hết sạch. Những vạt cây mỏng, nhỏ đan xen kia, đâu phải là rừng!”. Tôi nhìn theo hướng tay Hans chỉ. Trong chiều đông, khói từ những căn nhà đang đốt than sưởi bốc lên bảng lảng, quẩn trên những ngọn thông non màu xanh đen. Nom thật ảm đạm. Tự nhiên tôi có một cảm giác hoang tưởng. Tôi nhớ đến những đoàn xe tăng từ hai hướng ì ì bò ra đấu pháo nhau. Có ai đó, như bóng Hans giương súng lên. Và, tiếng nổ rất lớn. Tôi tỉnh phắt. Thì ra, một cái xe tải cỡ bự tắc xăng đã vù ga, thả trong không gian một làn khói đen sậm, chầm chậm bốc lên bầu trời.
Tháng tư năm sau, thành phố cấp cho vợ chồng tôi giấy phép xin nhà ở xã hội. Chúng tôi được công ti nhà cho một căn hộ tại khu phố cổ. Nhà có hai phòng rộng. Ban công nhìn ra thảm cỏ xanh, rất đẹp. Nhưng nhà không có phòng tắm. Tôi dễ tính, thế là ổn rồi! Vả lại, chỗ ở cũ của chúng tôi chỉ có một phòng chật. Tôi có thể đặt trong phòng bếp một cái quầy nhựa tắm đứng. Song vợ tôi nhất quyết không đồng ý. Cô ấy có lí khi nói: “Em đứng bán hàng cả ngày dưới trời lạnh. Phải có bồn cho em ngâm mình”. Như vậy, chúng tôi sẽ từ chối căn hộ ấy và phải chờ đợi một sự phân bổ khác. Tôi rất thắc mắc, cứ tự hỏi, sao ở thập kỉ này, cả hai phần nước Đức giàu như thế, còn tồn tại cái thứ nhà không có chỗ tắm. Thật là lạc hậu. Tôi gặp Hans, nói điều trắc ẩn ấy. Hans tỏ ra giận dữ sau khi nghe tôi. Hắn nói, sùi cả bọt mép. Đại để, tôi là thằng ngu, ở Đức bao năm rồi mà chẳng biết gì. “Mày đừng nghĩ là người Đức, từ Tây sang Đông, nhà ai cũng có nơi tắm hiện đại như mày muốn. Nhà tắm với bồn trắng tinh, vòi mạ vàng sáng quắc hả? Tân thời cả đấy. Nước Đức này, cách đây chục năm, nhan nhản những ngôi nhà không có cái phòng tắm như mày muốn”. ‘‘Vậy thì người ta tắm ở đâu?”, tôi hỏi.
Hans lôi thốc tôi về nhà hắn. Đấy là lần đầu tiên tôi đến nhà Hans sau ba năm quen biết. Chúng tôi đi như chạy trên con đường lát đá, rẽ trái, phải và xiên qua một vệt rừng nhỏ. Chúng tôi đến trước một cái cổng nan gỗ ghép thưa rất nặng. Hai cánh cổng buộc hờ bằng một sợi thép to. Hans nóng nảy thốt lên, ‘‘Scheisse! Scheisse!(3)”, khi sợi thép cứ bướng bỉnh níu hai cánh cổng lại. Rồi bọn tôi đi dọc con đường mòn nhỏ. Hai bên là vườn, mênh mông cây ăn quả. Tháng vào xuân, không gian ngan ngát hương hoa đủ loại. Những bông hoa tuylip như những ngọn đuốc nhỏ, âm thầm thắp sáng từng đoạn trên thảm cỏ xanh biêng biếc. Tại một mảnh, cỏ mọc cao, có lẽ chủ nhân chưa kịp xén, thấy tôi nhìn, hắn thanh minh: ‘‘Máy xén cỏ hỏng. Mấy hôm nay tao bị đau lưng quá, không cắt chúng bằng liềm được!”. Một con chó Đức nòi từ đâu bất ngờ lao đến. Nó có bộ lông vàng hung với dải màu đen tuyền chạy dọc sống lưng. Cậu ta, sau khi mừng chủ cứ hít hít chân tôi làm tôi sợ phát khiếp. Thấy thế, Hans mắng nhẹ. Nó lập tức vâng lời, rời tôi và vun vút lao như tên bắn trước ông chủ.
Ngôi nhà Hans khá lớn. Một tầng, lợp ngói. Nom nó cũ kĩ quá!
Hans không đưa tôi vào nhà ngay. Hắn lôi tôi xuống tầng hầm. Lối xuống lát đá trắng nhờ. Cỏ, rêu mọc xanh xanh từ kẽ đá. Hắn đẩy cánh cửa nặng trịch. Cửa gỗ ken két chuyển động, lộ ra một căn hầm tối như chan mực. Lần sờ, Hans bật điện. Bóng đèn nhỏ yếu ớt tỏa sáng làm căn hầm hơi bừng tỏ. Hans chỉ tay. Trong nhập nhòa, tôi nhìn thấy một cái bồn to, dày. Có lẽ nó bằng gỗ. Tôi lay thử. Rất nặng. Có thể khi ấy Hans cười nhạo. Trong hầm tối, giọng hắn nghe dồn dập, loảng xoảng: ‘‘Mỗi năm một lần. Chỉ một lần, trước ngày Chúa giáng sinh, vợ tao có nhiệm vụ đun nước thật nóng đổ đầy vào đó. Tất nhiên là nước rất thơm, nấu bằng vài đám lá thảo mộc sẵn trong vườn. Bây giờ chúng mày thích tắm trong bồn men trắng mỏng dính có phải không? Thế mà là tắm à! Phải đúng thứ bồn gỗ dày thế này. Nó giữ ấm lâu đấy! Ngâm trong đó vài giờ. Thôi thì không còn gì thoải mái hơn! Vợ tao kì cọ, tra thêm nước nóng cho tao. Tao để chai rượu bên cạnh, nhâm nhi. Uống cho cạn! Thế! Đấy mới là tắm!”.
Tôi và Hans chui lên khỏi hầm. Hắn móc ở cái kệ gỗ sát cửa hầm mấy cái lọ nhỏ phủ đầy bụi, lau nhanh vào vạt áo. ‘‘Cho mày”. Hans đưa đám lọ cho tôi: ‘‘Mứt táo, lê tao nấu đấy. Ngon lắm! Không như thứ mày mua ở tiệm đâu!”. Tôi nhìn, cạnh góc lên khỏi hầm, một lưỡi hái dài ngoẵng dựng đó. Lưỡi sáng quắc. Chắc chủ nó mới mài.
Tôi tò mò hỏi: ‘‘Mày nói một năm mày tắm có một lần. Bẩn lắm! Chịu sao được?”. Hans cười: ‘‘Bọn tao không đến nỗi tởm như vậy!”. Hắn quay ngay xuống hầm, lôi từ đâu ra một cái bao tay đã cũ. Móc trong ấy ra một miếng xà phòng đầy những vết nứt, cho tôi xem, rồi lại nhét vào túi. Đoạn, hắn lấy nước lạnh từ một vòi cao su kế đó, xả nước vào một chậu nhỏ. Hans cởi phắt áo, cúi xuống. Hắn vã nước vào ngực. Xoa cái túi cũ lên đám lông ngực cho tới khi nổi đầy bọt trắng. Xong, Hans kì cọ ngực, vai, hai cánh tay rất cẩn thận. Rồi, Hans đứng lên, vỗ mấy cái trên lồng ngực đã ửng đỏ làm hai tảng thịt đầy lông lá rung lên và thích chí nói: ‘‘Mày có thể làm thử. Nhanh, gọn, không tốn thì giờ”.
Năm ấy Hans bị đau chân. Hắn vấp ngã ở nhà vườn. Thời điểm này, ở khắp các quán bán hoa, người ta bán nhiều vòng kết bằng cành thông cắm hoa, nến, quả thông khô để đi thăm mộ như xứ ta vào dịp thanh minh. Hans khập khiễng tới chỗ chúng tôi bán hàng, vay vợ tôi năm mark. Hắn bảo: ‘‘Tao thiếu tiền mua hoa”. Tôi hỏi khi nào hắn đi tảo mộ. Hắn nói: ‘‘Ngay”. Tôi tò mò, muốn theo hắn cho biết. Hans đồng ý.
Nghĩa trang thành phố nằm kế trường trung học, không xa lắm. Mãi nửa giờ trôi qua chúng tôi mới tới được nghĩa trang. Hans đi khó nhọc, thở phì phò. Chân hắn chưa lành. Hans dẫn tôi theo dọc lối nhỏ rải sỏi lạo xạo. Chúng tôi thinh lặng bên nhau qua những ngôi mộ to, nhỏ, đa dạng. Nhiều ngôi mộ óng ánh như mới làm. Đá hoa cương bóng, lấp lánh tỏa màu huyền ảo trong nắng.
Hans chậm rãi đặt vòng hoa khô, tươi trên ngôi mộ mà hắn nói với tôi là mộ cha. Hans thắp cho cha mình một ngọn nến. Gió se sẽ. Lá ở vài cây non kế đó rung lên khe khẽ. Những cánh hoa tươi của Hans và ngọn lửa của cây nến đỏ đang cháy, se sẽ run rẩy. Chỉ có Hans của tôi là im phăng phắc. Tôi lắng nghe. Không có lời cầu xin gì, dù nửa lời, của Hans dâng tới cha hắn. Hành vi của hắn như vậy, có thể chứng cho suy tư của tôi không? Tôi chợt nhớ tới tháng ba tảo mộ trong làng tôi. Người ta, sau khi dọn cỏ và sang sửa đôi chút trên phần mộ tổ tiên, đa phần đã khấn, cầu xin đủ thứ từ người đã khuất. Còn tại đây, hắn, một gã Đức nòi đang cúi lả đầu. Đôi vai dày u giờ sụp xuống. Tôi nhìn, con mắt hắn khô ráo. Và, trong ráng chiều ấy, tự nhiên tôi có cảm giác, tôi thương con người tôi và hắn làm sao. Hans như gốc sồi già rồi, to lớn, gồ ghề, đen sậm, cong queo, nổi bật trên nền trời chiều đỏ ôi ối đang dần tắt.
Hans chỉ cho tôi ba ngôi mộ nữa. Hắn chia vài đóa hoa nhỏ cho ba phần mộ. Theo hắn, đấy là kị, cụ, ông nội của Hans. Mộ to nhỏ khác nhau. Nhưng cả bốn chiếc, dưới những tấm bia, đều có một cái đế sắt vó ngựa, gắn chặt vào xi măng. Hans nói: ‘‘Nghĩa trang này mới có ba, bốn trăm năm thôi. Còn một cái nữa, tuy nhỏ, nhưng lâu đời hơn, nằm ngay trong trung tâm thị xã”. Có thể tại đó còn mộ thủy tổ của dòng họ hắn chăng? Tôi tự hỏi. Vì có lần, Hans nói, cả dòng họ nhà hắn, đấy là theo lời bố hắn, đều phát sinh trên mảnh đất này.
Tôi chia tay Hans tại ngã ba, không quên đùa rằng, nếu sau này mày tiêu, có cho phép tao gắn vào ngôi mộ một cái bánh xe đạp Diamant không? Hans nghiêm mặt nói: ‘‘Không! Vẫn phải là một cái móng sắt ngựa!”.
Trở về chỗ vợ, tôi chợt nghĩ đến ngôi nhà và mảnh vườn của Hans. Cái bơm nước bằng tay gỉ hoét tại góc vườn. Nhà kho sau nhà còn cơ man đồ cũ. Những chiếc đinh to, mũ vuông, có lẽ dùng vào việc ghim vó ngựa. Bốn năm cái lưỡi hái mòn vẹt khác nhau... Mấy cái thùng đầy ốc vít các loại mà từ đó, có lần Hans tìm cho tôi một con ốc vừa in trên cái ba-đờ-sốc ô tô của tôi vừa mất. Tôi lại nhớ có lần, Hans nhặt được một xu dưới đất. Hắn chùi vào quần, nhổ bọt một cái và đút tiền vào ví. Thấy tôi nhìn, vì một xu thì không mua được gì, chả bõ công nhặt, Hans lạnh lùng trách: ‘‘Bọn Việt Nam chúng mày thích làm giàu như cánh Do Thái. Song chúng mày kém chúng nó đấy. Có câu, phải biết làm giàu từ một xu”. Tôi cười. Hans quát: ‘‘Sao cười?”. Con người ta, tuy khác nhau tiếng nói, màu da, nhưng xét cho cùng, về bản ngã, có lẽ na ná như nhau cả thôi.
Thực tâm mà nói, tôi quý Hans. Mấy năm từ khi biết nhau, Hans đã chẳng giúp đỡ vợ chồng tôi nhiều lần đó sao. Cuộc sống xa xứ vốn buồn tẻ, nay lại có thêm một người bạn. Con người ấy, vừa thô ráp lại có vẻ lạnh lùng, vừa chân thành, luôn thẳng thắn như ruột ngựa. Hans có tật hay say sưa. Điều ấy khác tôi, song chưa khi nào vì quá chén mà Hans sàm sỡ với vợ tôi cả. Ở Hans, cũng có nét cực đoan hết sức. Hắn có lần bắt tôi, một kẻ lưỡi đã cứng, phải phát âm một từ tiếng nước hắn hàng chục lần. Và, khi vẫn không chuẩn, hắn có vẻ tức tối như tôi đã làm điều gì xằng bậy. Những điều tương tự như thế, liệu có trái ngược giữa bản tính lầm lũi, đôi việc trong sinh hoạt tỏ ra xuề xoà, rồi nhiều lúc suy tư lại đầy chặt tính triết lí của Hans không? Hay, con người ta là tập hợp những mâu thuẫn?
Tôi cũng không quên kể là hắn rất sòng phẳng. Sự sòng phẳng quá khiến cho người ta hay liên hệ tới sự keo kiệt. Lần vay năm mark, hắn có hẹn thứ sáu tới, hắn trả. Thứ sáu đến, vợ chồng tôi nghỉ chợ vì mưa. Hans đội mưa đến tận nhà vì năm mark chết tiệt ấy rồi lại tất bật ra về. Rõ tội! Đấy là Hans mà!
Mùa đông thường quá lạnh. Nhất là khi cả ngày, mười tiếng đứng trong băng tuyết bán hàng. Tôi đặt cho vợ hai cái lò sưởi ga mà vẫn rét. Hans biết vậy đã mang từ nhà hắn tới một tấm gỗ rất dày. Hắn kê dưới chân vợ tôi và nói: ‘‘Không được ngồi nhiều nhé. Phải thỉnh thoảng đi lại! Lạnh đi ngược từ đất lên là chết đấy, con gái ạ!”. Điều ấy rõ quá rồi! Đi lại, khí huyết sẽ lưu thông. Chân ấm thì thận ấm. Thận ấm là chẳng lo ngại gì cho sức khỏe nữa.
Có thể vì nhiều điều nho nhỏ khác nữa của anh bạn già ấy, vợ tôi cũng quý Hans ghê. Cô ấy có lần đan một cái khăn khá cầu kì và tự tay choàng vào cái cổ trâu của hắn. Một lần, tuyết rơi dày cả mấy tuần, Hans ho sù sụ. Thấy thế, ái ngại cho hắn ở trong khu vườn mông quạnh, vợ tôi thốt lên: ‘‘Mày cần gì ở cái vườn rộng bát ngát ấy? Sao không bán quách nó đi? Có tiền, mày chẳng lo gì nữa! Mua một cái nhà mới. Mày không phải củi than lôi thôi để sưởi nữa. Lại có hàng xóm quây quần. Muốn chết mòn trong cái nhà cũ vắng ấy à?”.
Hans chăm chú nghe vợ tôi nói, không phản ứng gì. Chỉ nhẹ nhàng: ‘‘Chúng mày chưa hiểu tao”. Thấy thế, tôi phụ họa theo: ‘‘Hai đứa con mày đi biền biệt. Tới lúc mày tỏi rồi, chẳng có ma nào về làm vườn nữa đâu!”. Không ngờ, đấy là một đòn chí tử giáng xuống hắn. Hans trợn cặp mắt lóe sáng, mặt đỏ dừ, lông mày chua chủa dựng ngược: ‘‘Thằng ngu! Tao không bao giờ bán nó. Mày không bao giờ được phép nhắc lại việc này nữa! Mày có biết mảnh vườn ấy, ngày xưa là cái gì không? Là đầm lầy! Mày hiểu chưa! Thằng Hans này biết rõ điều ấy lắm. Mỗi khi thục xẻng xuống nửa mét, tao sờ vào lớp mùn than nhây nhẫy... Nơi đó thấm cơ man nào mồ hôi, máu của chúng tao. Mày không bao giờ hiểu ra đâu! Ừ! Tao sẽ chết. Nhưng nhất quyết thể nào cũng có đứa con tao trở về. Nó không trở về thì cháu tao sẽ trở về. Nếu cháu tao không về thì sẽ có đứa nào đó trong số con cái cháu tao tìm về. Đây là mảnh đất của gia đình Hans. Của dòng họ... Mày nghe thủng cả rồi chứ!”. Hans dừng nói, hổn hển thở. Ở hắn, đây là lần đầu và duy nhất tôi thấy một sự xúc động ghê gớm. Tôi cần nói thêm, khi ấy, hắn nhấn rất mạnh vào cụm từ dòng họ gì đó, dài dằng dặc, mà khi thân người Đức chẳng khi nào xưng lên, làm tôi phát hoảng đến độ quên phắt tên dòng họ của Hans.
Liền sau cơn thịnh nộ kể trên, tôi vội vã xin lỗi Hans. Tôi cố thanh minh đủ cách, nhưng hình như hắn bỏ ngoài tai. Hắn chỉ chào vợ tôi như mọi lần và lạnh lùng bắt tay tôi, rồi bỏ về. Đấy là lần đầu tiên Hans giận dỗi. Bẵng đi ba tuần hắn không thèm ra chỗ chúng tôi. Vợ tôi nhắc tới Hans luôn. Một ngày, cô ấy bảo: ‘‘Bốn tuần rồi, Hans không tới. Nó ốm đấy, anh ạ! Ta đi thăm nó đi. Nó chỉ có thể giận anh, còn với em thì nó không thể không lại thăm em được!”. Đàn bà thường có lí khi họ nói về lĩnh vực tình cảm. Tôi đồng ý thu xếp thăm hắn, dù khi đó là vụ bán hàng, gặt hái trong Noel, chúng tôi rất bận.
Vợ tôi mua một chai rượu trắng nặng độ, loại Hans rất thích. Tôi mua thêm ít thịt xông khói, thứ thật ngon, để nhậu làm lành với hắn. Chúng tôi đi ô tô khoảng mười phút là đã đến khu vườn của Hans.
Tới nơi, tôi gọi to sau khi giật mãi cái dây chuông lòng thòng mà không thấy ai trả lời. Tôi nhớ, từ khi quen thân, Hans đã sửa lại cái hệ thống cổ lỗ gọi cửa ấy. Hắn còn để tôi tinh nghịch buộc vào cạnh chuông bốn cái đinh ngựa, nhằm chuông phát tiếng kêu to hơn. Vậy mà chẳng có ai thưa. Cổng lại khép hờ thế kia thì Hans chỉ có thể quanh quẩn đâu đây thôi! Nhìn vào, con chó nòi xô ra mừng rít sau cánh cổng. Tôi đẩy cửa, nắm tay vợ kéo vào theo. Không như mọi lần, con chó của Hans hít hít và hơi quẫy đuôi. Hôm nay nó tỏ ra đặc biệt quý mến vợ chồng tôi. Rối rít, tít mù, nó xô tôi rõ mạnh và kêu lên chin chít, rồi càm chặt ống quần tôi kéo đi. Tôi giật mình. Linh cảm mách bảo cho tôi rằng, có việc gì đó đã xảy ra với Hans rồi. Thế mà con người ta vẫn cứ hi vọng. Tôi nhớn nhác đảo mắt tìm khắp vườn, hi vọng, có thể từ đâu đó, Hans sẽ hiện ra.
Không! Khu vườn đông mênh mông, trắng lạnh, im ắng đến ghê người. Hai chúng tôi chạy như bay theo con chó. Tôi hơi mừng, khi thoáng nhìn thấy bóng Hans đang ngồi trên cái ghế bành to cũ (mà chỉ hắn được sử dụng) nơi gốc thông già. Có lẽ lại sưa rồi! Tôi nghĩ vậy, khi nhìn loáng thoáng thêm chai rượu trên cái bàn nhỏ trước mặt Hans. Mừng quá, tôi gọi: ‘‘Hans! Hans!”.
Hắn không trả lời.
Hans im lặng.
Cả khu vườn đầy tuyết trắng xóa, im lặng. Chỉ có tiếng vọng của tôi, nhòe vang, như từ cõi xa xăm nào run run dội về. Và, tiếng con chó trung thành của người bạn già. Nó, phủ phục dưới chân Hans, cái lưỡi đỏ thè dài liếm liếm mãi chiếc giày to, đen, nhàu cũ, đăm đắm đôi mắt đầy lệ và thi thoảng tru lên thảm thiết.
Vợ tôi gần như khụy xuống. Cô ấy run rẩy, trĩu nặng níu chặt lấy tôi và nghẹn ngào nước mắt hai hàng gọi: ‘‘Ối trời ơi! Anh Hans ơi!”.
Tôi rùng mình.
Hans đã chết!
Hắn ngồi đường bệ trong cái ghế sồi như hôm nào. Trên vai, giờ đây có đám tuyết trắng phau không tan. Tay trái Hans đặt lên ngai ghế. Tay phải đặt trên bàn, cạnh chiếc máy điện thoại luôn phủ đầy bụi mà Hans rất ít dùng. Chai rượu dang dở có lớp băng đóng cứng ngoài vỏ đè góc một tờ giấy nhỏ. Tờ giấy mà ngày nào vợ tôi ghi nguệch ngoạc trên đó số điện thoại của gia đình tôi.
Tôi thét lên: ‘‘Hans! Hans!”.
Người bạn già của chúng tôi ngàn thu thinh lặng. Thân xác như tạc cứng bằng một nguyên liệu nào đó. Đôi mắt anh chẳng còn sinh khí, giờ đây trừng trừng nhìn, như cố tìm gì trong cõi vô định; như tìm gì, dù điều ấy tưởng như mong manh, vô ảnh, vô hình, song anh và chỉ anh biết rõ; như Hans còn sống, đang nhìn rõ mảnh vườn vô vàn thân yêu của dòng họ anh. Những cây ăn quả cổ thụ, những luống hoa tươi đằm thắm, không gian ngập hương trên thảm cỏ xanh mát như nhung trải... Tất cả, tất cả... Cả bao tiếng chim ngọt ngào, thanh bình, ríu rít mùa nào và hàng sồi già đứng sát chân rào, bữa trước đến thăm anh còn rực rỡ cháy sáng trong chiều đông, những trảng lá đỏ ối...
*
* *
Bây giờ vợ chồng chúng tôi đã chuyển sang khu nhà mới. Nhà mới, các thiết bị đều là thứ sản xuất modern cho thập kỉ tới. Rất sạch sẽ và tiện dụng. Chỗ nào cũng thơm tho và sáng choang. Song mỗi lần, khi vặn nước cho vợ tôi ngâm mình, trong làn hơi bốc lên mù mịt, tôi đều chợt nhớ tới người bạn già của chúng tôi: Hans - hắn! Tưởng như hắn ngồi đó, trong cái bồn bằng gỗ sồi dày và văng vẳng tiếng nói:
- Tắm thế này mới là tắm!
Nước Đức, tháng 12/1997
N.V.T
---------
1. Từ dùng trong nhiều văn bản của Đức chỉ số người Việt Nam sang Đức từ thời Cộng hoà Dân chủ Đức, lao động theo hiệp định và được quyền ở lại hợp pháp.
2. Người con gái chưa chồng, trẻ.
3. Scheisse: Một lời đệm tục tĩu, người lịch sự không nói từ này.
VNQD