Mùa cói

Thứ Hai, 11/03/2019 09:03

.Truyện ngắn dự thi. PHẠM THU HÀ

Trước năm bảy mốt, thị trấn tôi chưa có cây cói. Sau người ta xây đập ngăn sông trữ nước cho thủy điện, cánh rừng nguyên sinh như lá phổi xanh chợt thủng một lỗ, nước cạn, cá trong dòng sông chết trắng ởn, mùi hôi tanh nồng nặc, đất quanh hồ lúc nào cũng úng nước, nuốt rừng mục ruỗng vào lòng rồi thành đầm lầy. Cây cối chết, lúa và hoa màu cũng không sống nổi, nơi ấy giống như một vết thương hở giữa lòng rừng nhiệt đới từng một thời không ai chạm tới. Rồi người ta mang cây cói đến. Cói được trồng quanh hồ để giữ đất không sạt lở, rồi cói được gặt về làm đồ đạc, giường chiếu.
Và cói đã trở thành một phần không thể thiếu của thị trấn.


*
* *


Cho tới rất lâu về sau, mỗi lần ngoài trời đổ mưa, chẳng cứ những cơn mưa rào xối xả trắng xóa trời đất hay những cơn mưa phùn rả rích làm khung cảnh lạnh ẩm, tôi lại trở về với cánh đồng cói trong tâm tưởng.
Dù lúc đó tôi đang đi giữa đường giờ tan tầm đông người qua lại, đang đứng bên vỉa hè của một con phố Hà Nội nhếch nhác, đang ngồi trong căn phòng thuê trọ nhìn ra ô cửa sổ chỉ nhỏ bằng cỡ bức tranh Đông Hồ, bất kể là đang làm gì, chỉ cần chớp mắt làm khung cảnh gãy đoạn, tôi sẽ về với mê cung màu xanh lá cây của mình, nhìn xuống hai cánh tay, thấy chi chít những vết xước dài đỏ vì bị hoa cói cứa vào. Và cả mùi hăng nhẹ ấy, mùi cói tươi, cái mùi hơi mơ màng, ngai ngái, mà nhạt đến nỗi phải bẻ thân cây ra đưa lên mũi ngửi mới thấy, cái thứ mùi tôi cứ ngỡ nhiều năm rồi đã gọt rửa không còn dấu vết, lại bất chợt ngửi thấy vào một giây phút bất chợt, trong lòng sững sờ.
Tất cả vẫn còn nguyên đây…
Những cây cói cao hơn đầu người mơn mởn mọc sáp rạp với nhau dày đậm, che khuất tầm nhìn, để người ta lạc giữa một màu xanh nhức nhối, dẫu có dùng tay gạt đi biết bao nhiêu là bụi cói thì hết lớp này vẫn là một lớp khác.
Không có thứ cây nào lại kì lạ thế, suốt đời đâu ai chăm bẵm, lớn lên như thổi, vừa mới cắt sạch hôm trước, bẵng đi một cái lứa mới đã lớn đến ngang bụng. Tôi chỉ thấy cói yếu đuối vào duy nhất những ngày bão nhiệt đới, gió thổi thốc thổi tháo, cói nằm rạp xuống đất tả tơi, ngập trong bùn đất. Đầm cói trước đó còn xanh mởn giờ chỉ còn là một hồ nước xám xịt, trống vắng.
Rất nhiều lần, tôi nghĩ lũ sẽ cuốn phăng cánh đồng cói đi, như đã đang và sẽ cuốn theo rất nhiều thứ ở cái huyện bé nhỏ ấy. Lũ mùa mưa miền núi tợn vô cùng, dẻ đồi sạt ngang vào dòng chảy, nhà cửa tan thành từng mảnh mà trôi đi. Lũ nuốt tất thảy không tha gì, kể cả con người. Vậy thì cớ sao cói vẫn sống sót? Sau những trận lũ kinh hoàng nhất, đồng cói sẽ là thứ đầu tiên đứng thẳng và xanh trở lại. Thân cói ngậm nước nở ra, đọt non lên cả hàng chục phân hiên ngang như chưa từng tổn thương vì bão. Mẹ tôi bảo, thế nên cánh đồng cói mới đang ngày càng rộng ra, thêm mênh mông, thêm hoang hoải, ngoài cói ra chẳng có loại cây nào sống nổi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên như vậy. Đôi lúc tôi nghĩ mình ngưỡng mộ, nhưng đôi lúc tôi lại nghĩ mình khiếp sợ một sức sống quá mức mãnh liệt đến thế.
Và thường cuối tháng tám, cuối mùa mưa, là lúc người ta gặt cói.
Tâm tưởng trở về một mùa cói thật lâu rồi, khi tôi mới chỉ hơn mười tuổi, những cơn bão khủng khiếp nhất đã qua đi, mưa tan gần hết, chỉ còn lại chút ướt át, dịu dàng. Tôi ngồi ở giữa con thuyền lá, mẹ chèo vào đồng cói bằng con mương nhỏ chạy xiên qua đầm đến tận hồ. Vào mùa khô, đôi khi con mương cạn nước, nhưng thời gian này trong năm thì lúc nào cũng xuôi dòng cả.
“Chỉ hai ngày nữa là gặt cói được”.
Mẹ tôi cắt một cành, tước thân cây ra xem rồi nhận xét.
Từ ngày thủy điện xây xong, dòng người dưới xuôi lũ lượt lên xây dựng vùng kinh tế mới rồi tạo thành thị trấn này. Ngoài đào vàng và đá đỏ, chúng tôi còn thêm nghề làm chiếu cói. Vậy nên đứa nhỏ năm sáu tuổi đã biết quý cây cói rồi. Tôi cũng biết theo mẹ đến nhà máy dệt cói mỗi hè, làm mấy công việc lặt vặt từ sáng đến chiều, kiếm đủ tiền sách vở cho năm học mới. Thành ra, trong những ấn tượng sớm nhất mà tôi có, mùa cói giống như một bức tranh màu nước, hơi loang lổ, nhưng rực rỡ vui tươi. Tôi nhớ mình thích vô cùng cái không khí rộn rã tấp nập xua tan đi sự ảm đạm của một thị trấn nhỏ thường thấy, đa số phụ nữ đều làm công việc bán thời gian ở nhà máy, mọi người có dịp tụ tập, vừa làm vừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Chiều nào trên con đường cắt ngang thị trấn để về nhà, tôi nhìn đâu cũng thấy đủ sắc của một phổ màu, từ bầu trời hoàng hôn ráng đỏ, những ngôi nhà lợp mái cọ quét vôi màu đất đến con đường phủ đầy cói đang phơi dở, dẫm lên vừa mềm vừa xốp, chẳng biết là cói vàng hay nắng muộn vàng, ấm áp vô cùng.
“Hai mẹ con có cần tôi trở về không?”.
Mùa cói năm ấy, trên đường về nhà vào một hoàng hôn nào đó, đã có người cười đùa hỏi chúng tôi như vậy.
Mẹ vẫn dắt tay tôi, mắt nhìn thẳng, chân bước nhanh, còn tôi thì tò mò ngoảnh đầu lại nhìn…
Từ mạn đông thị trấn nơi có nhà máy đi bộ về mạn tây nơi có căn nhà gỗ của chúng tôi nằm tách biệt trên một quả đồi, khoảng cách vừa đủ để mặt trời từ đỉnh lặn về sau núi. Vạt nắng vàng óng cuối cùng kéo bóng hai mẹ con thật dài rộng in trùm lên những búi hoa đồng nội mọc dại ven đường. Trời sẽ ngả tím xám và côn trùng sẽ bắt đầu kêu.
Tôi mở cửa, bật đèn ngoài sân rồi nhóm bếp nấu cơm. Mẹ tôi tính lặng lẽ, tôi cũng ít lời, nhìn thế nào bữa cơm cũng ảm đạm.
“Sắp khai giảng chưa?”. Mẹ hỏi.
“Tuần sau ạ!”. Tôi đáp.
Vậy thôi.
Khi tôi rửa bát là lúc mẹ tắm. Trăng sắp rằm sáng vô cùng, chầm chậm soi hơi nước thơm mùi trà xanh tỏa lên nghi ngút theo những gáo nước trượt dài trên thân thể một người phụ nữ vừa mới ba mươi. Trăng càng sáng tôi càng thấy rõ làn da mẹ trắng mịn. Trăng thì lạnh mà hơi thở mẹ thì ấm. Mái tóc mẹ tôi dài đen tuyền, dính bết lên lưng, chớm chạm đến hông, dính cả lên hai bầu ngực.
Tôi chẳng bao giờ đẹp được như mẹ, ngay cả sau này, khi vào độ tuổi rực rỡ nhất trong đời. Ướt át, êm đềm… Và đôi mắt với hàng mi lúc ngước lên thì đủ ngây dại, lúc rũ xuống lại chan ngập một nỗi buồn kín đáo.
Vẻ đẹp ấy đã ám ảnh tôi, bất kể mẹ làm gì. Tắm rửa, giặt giũ hay chỉ đơn giản thôi, ngồi một mình yên lặng ngoài hiên vào một chiều mưa xám xịt. Giờ tôi biết, những kí ức sâu đậm nhất, hóa ra lại là những hình ảnh đơn giản nhất. Mẹ tôi trầm lặng khiến tiếng mưa cũng trở nên im lìm. Mẹ tôi nhìn mãi sâu vào những hạt mưa, bóng lưng đổ xuống hiên gỗ. Một kí ức không có âm thanh, một kí ức tôi sẽ mãi hồi tưởng qua tấm lọc đen trắng. Một kí ức tôi chưa thể hiểu vào thời bấy giờ, nhưng rồi tôi sẽ hiểu, và tôi sẽ biết vào lúc trưởng thành tự trải qua, rằng chỉ tương tư mới làm một người đàn bà đẹp đến mức ấy.
Mùa cói vẫn dang dở cho đến cả khi mưa tan đi và cánh hoa phượng cuối cùng mục nát trên sân trường, đám trẻ con thôi không đến nhà máy nữa mà trở lại trường học.
Tôi không thích trường học. Tôi hay lơ đãng nằm nghiêng trên mặt bàn gỗ lành lạnh chằng chịt vết thước kẻ và bút xóa, nhìn ra đầm cói bên ngoài khung cửa sổ. Trước mùa cói ấy, tôi nghĩ đầm cói là một thứ tuyệt vời, đẹp đẽ, xanh dập dìu, xanh nhức mắt. Tôi thường trốn vào đó để tránh đám bạn học vào những giờ ra chơi. Trẻ con có thể thật tàn nhẫn, vì trẻ con chính là phiên bản sơ khai, thành thật, không che giấu của con người. Chúng có thể trở nên giống như một thứ ung nhọt mọc trên sự khuyết thiếu của cuộc đời người khác, mà ở trường hợp của tôi, sự khuyết thiếu ấy chính là không có bố.
Bố tôi mất khi tôi mới năm tuổi, chưa đủ lớn để hiểu về cái chết, để biến cái chết thành một nỗi đau. Kí ức của tôi về ngày hôm ấy vẫn còn, tôi đứng bên cạnh bà ngoại, nhìn người ta hạ chiếc quan tài xuống cái huyệt rất sâu.
Khi người ta bắt đầu lấp huyệt, bà đưa cho tôi một nắm đất, bảo tôi ném xuống. Tôi làm theo, trong lòng không buồn đau hay vui sướng. Và rồi tôi sẽ quên dần mình từng có một người bố. Hai mẹ con cứ thế sống cùng nhau, thiếu vắng dáng hình người đàn ông trong những năm sau đó ở căn nhà gỗ trên đỉnh đồi. Riết thành quen. Nhưng rồi những đứa trẻ học cùng tôi sẽ hỏi:
“Bố mày đâu?”.
“Mày không có bố à?”.
Tôi đem câu hỏi này hỏi mẹ, mẹ tôi không đáp mà ngồi bưng mặt khóc. Vì vậy về sau tôi không hỏi những việc như vậy nữa. Mỗi lần bị trêu chọc tôi lại chạy thật nhanh, sâu vào những cánh đồng cói. Một mê cung xanh bát ngát nhưng đủ thân thuộc để không bao giờ bị lạc. Đó dường như là một thế giới khác, tất cả những muộn phiền đều bị tiếng cói xào xạc làm tan đi, an toàn vô cùng, riêng tư vô cùng. Thứ duy nhất còn lại ngoài màu xanh lá cây là bầu trời cao trống trải. Tôi lót áo nằm lên nền cỏ ẩm, ngủ quên lúc nào không hay. Trong cơn mơ tôi vẫn nhớ mẹ tôi là một người đàn bà đẹp. Đẹp thì cũng chẳng phải tội, nhưng góa chồng mà lại đẹp, càng ngày càng đằm thắm bất chấp cuộc sống vất vả, giật về biết bao nhiêu cái nhìn thì đích thực là tội lớn. Một vẻ đẹp hớ hênh không thuộc về ai, cám dỗ cứ như viên mật đường đặt trước tổ kiến, hút đến tất cả những ham muốn, khát khao trong lòng đàn ông và đố kị, dè chừng trong lòng đàn bà. Điều ấy tôi nhận ra từ những ngày quá bé. Họ vẫn trêu ghẹo mẹ mỗi khi có dịp, mỗi khi bắt gặp mẹ ở một nơi vắng vẻ. Họ túm lấy cánh tay mẹ tôi, hỏi: “Em làm gì mà sao da dẻ mịn màng được vậy?”. Mẹ tôi sống lưng thẳng tắp, dứt khoát giật ra đáp: “Anh đừng làm vậy, chị nhà mà thấy lại nghĩ ngợi lung tung!”. Họ tới gọi cửa nhà tôi vào mỗi tối, sỗ sàng nhét ít tiền vào ngực áo mẹ tôi cùng câu: “Anh cho con em tiền mua bộ quần áo mới!”. Mẹ tôi sợ hãi đẩy ra: “Anh làm cái gì thế? Tôi la lên bây giờ, ai cần tiền của anh bao giờ!”. Người ta cười giả lả: “Em cứ cầm đi, anh có đòi của em cái gì đâu, anh thấy hai mẹ con thiếu thốn nên muốn giúp đỡ thôi”.
Những việc như vậy, lâu dần mẹ tôi không còn khóc, rất hiếm chuyện có thể làm mẹ khóc nữa, tới mức tôi tưởng như dưới một thân hình đàn bà căng tràn sức sống như vậy, là một tâm hồn chai lì chết lặng. Tôi từng nghĩ, như thế cũng tốt. Ngõ nhà cô phụ vốn lắm điều tiếng thị phi, mặc kệ những gì người ta đồn thổi, chúng tôi chỉ cần nhau là đủ.
Mùa cói năm ấy khắc nghiệt lạ thường, nắng thì vỡ đầu mà mưa thì vỡ đập. Thủy điện chẳng rõ làm sao trục trặc, suốt hai tuần liền tối nào cũng cắt điện. Đến tuần thứ ba thì có một đoàn kĩ sư từ dưới xuôi tới thị trấn, nghe nói để vá chỗ đập bị hỏng. Những người lạ luôn thu hút sự chú ý của người dân ở một thị trấn nhỏ. Qua những câu chuyện bập bõm tôi nghe lỏm người lớn kể và thi thoảng thấy đoàn kĩ sư đi ngang đâu đó. Tôi hình dung thế này, họ là những người thành thị mặc áo sơ mi, quần âu, lịch lãm, khác hẳn những người dân lao động thô kệch chỗ tôi. Họ đến từ một thế giới khác, nhìn thấy được mà không thể chạm vào, giống hệt như những quả cầu thủy tinh đẹp đẽ đặt trong tủ kính cửa hàng lưu niệm.
Buổi chiều cuối tuần nọ, tôi đứng ở góc đồi nhà mình tưới dàn mướp đắng thì thấy hai người trong đoàn kĩ sư đang men theo con đường đất nhỏ mà đi lên, gió mang tiếng trò chuyện vang rất xa, tôi nghe bập bõm, định chạy vào gọi thì đã thấy mẹ đứng lặng yên trước hiên nhà nhìn hai bóng người nhỏ dần dần biến thành to, xuất hiện ngay ở trước cổng.
Đàn ông nhìn chằm chằm vào mẹ thì tôi gặp nhiều rồi, nhưng chẳng mấy khi mẹ nhìn lại người ta.
Chuyện cũng chẳng có gì, chỉ là nhà tôi ở vị trí thuận lợi để đặt một loại máy đo cảm biến nào đó, nên họ tới thuê đất. Tôi không rõ chuyện gì đã xảy ra, nhưng buổi sáng hôm ấy, rồi sáng hôm sau nữa, khi thứ máy móc kia được lắp đặt xong, trước khi rời đi, một trong hai người kĩ sư nói gì với mẹ, tôi thấy mẹ lặng im không đáp, nhưng lúc quay đầu bước vào nhà, chẳng biết là do nắng hay gió, hai gò má ửng hồng. Khóe môi rất lâu rồi chưa từng vì một người đàn ông mà cười mỉm lúc ấy thoáng run run.
Tối ấy tôi thắp nến ngồi học bài, thi thoảng ngước mắt lên thấy mẹ vẫn đang bận rộn đan rổ cói, ánh lửa bị gió hiu hiu thổi bập bùng hắt lên gương mặt nghiêng của mẹ lúc sáng lúc tối. Mẹ giục tôi đi ngủ trước. Tôi nằm yên lặng trong màn rất lâu, nhìn dáng hình mảnh mai của mẹ bên ánh đèn cầy. Một lọn tóc tuột ra, mẹ dùng tay cài nó vào sau mang tai, rồi như nhớ đến điều gì, ánh mắt mẹ chợt thẫn thờ. Mẹ nén một tiếng thở dài, ngẩng đầu lên như tìm kiếm điều gì trong không khí, hai bờ môi khẽ tách ra, bàn tay chầm chậm buông lá cói đang đan dở, tự chạm vào hai bầu ngực căng tức như muốn bục ra khỏi hàng cúc sau lớp áo vải. Thiêu thân bị ánh nến trong đêm thu hút, bay lòng vòng xung quanh.
Giờ nhớ lại, có những chuyện, xảy ra từ khi tôi còn rất nhỏ, quá nhỏ để hiểu, để biết, để thấy những cảm xúc sau này sẽ vì thế mà xoay vần, khiến loài cây đáng nhẽ là thân thương mà cuối cùng lại thành một sự ám ảnh. Rất lâu về sau, khi đủ sức lực và quyết tâm để chạy đến một khung trời khác, tôi miết những ngón tay mình trên cửa kính hoen gỉ của chiếc xe khách, nhìn ra bên ngoài cánh đồng cói đã bị che khuất bởi núi đồi. Kể từ mùa cói đó, tôi đã luôn khát vọng rời đi, thế mà lúc thực sự bỏ sau lưng tất thảy, tôi lại thấy thân thể mình biến thành đất, thành nước, thành cái đầm đã nuôi dưỡng hàng trăm vạn cây cói qua hết năm này đến năm khác, và đau đớn như thể người ta đang nỡ lòng nhổ giật đi từng bụi rễ cắm sâu trong lòng.
Tôi từng nghĩ có một mùa cói, chỉ một mà thôi, đã trở thành bao lơn đời mình, nơi bao lơn xẻ cuộc đời tôi thành hai nửa, ép tôi giã từ những ngây ngô trẻ thơ để mang tâm tính muộn sầu của một người con gái. Nhưng giờ tôi hiểu rằng đó không chỉ là một mùa cói duy nhất, nó là những mùa cói trải suốt bao nhiêu năm tháng xếp chồng lên nhau, cùng tôi lớn lên, tuy có rất nhiều kí ức đã rụng rơi, nhưng những gì còn lại cũng đủ xếp thành một bức tranh hoàn chỉnh.
Có lẽ tôi đã sớm nhận ra những dấu hiệu của chuyện ấy, bắt đầu từ đôi mắt một người đàn bà cô quạnh bỗng một ngày chợt sáng lên bất thường, rồi đến những đêm mẹ tôi châm đèn, bôi son dặm phấn ra ngoài thật muộn. Khi trăng đã lên cao và sương đêm mịt mờ, tôi ngó tà áo gấm lụa lất phất rời đi, mờ lẫn vào mùi hoa quỳnh rồi đứng một mình ngoài sân ngửa cổ đoán tìm vị trí của các chòm sao, rốt cuộc, chòm sao thì không thấy, chỉ thấy ánh trăng muộn thật lạnh…
Ở thị trấn của tôi có một người đàn bà điên. Về sau tôi mới biết thì ra thị trấn nào cũng có một người điên như vậy. Bà ta là nỗi khiếp sợ của tất cả trẻ con trong xóm với đôi mắt trắng dã, hàm răng vàng như ngô và mái đầu bù xù. Mụ điên sống dựa vào lòng tốt rơi rớt của mọi người hay việc nhặt rác quanh thị trấn, và sau hàng rào táo gai ngôi nhà tăm tối của bà, đám trẻ chúng tôi tự dọa mình bằng việc truyền tai nhau những câu chuyện hãi hùng, mụ điên ăn thịt trẻ con. Rồi tôi đủ lớn để biết rằng đó không phải sự thật, tôi đủ lớn để nghe thấp thoáng người ta kể rằng người đàn bà điên cũng từng là một thiếu nữ. Thiếu nữ bị người tình bỏ rơi ngay trước ngày cưới, thiếu nữ vì thế mà thành ra ế chồng, sống cô quạnh một mình để rồi bị cuộc đời hãm hiếp đến mức sinh ra một đứa trẻ chết non. Hồi ấy mẹ tôi thường lên ngôi chùa trên núi đỡ việc làm cỗ chay mỗi dịp tuần rằm, tôi vắt vẻo đi theo, và chứng kiến một lần sư thầy mang cơm cho bà điên.
Tôi ngây thơ hỏi sư thầy: “Thầy ơi, vì sao người ta lại bị điên hả thầy?”.
Sư thầy đáp: “Có những người mà trần gian đối với họ giống như địa ngục, vì vậy nên họ tự giải thoát mình đến một thế giới khác. Những gì còn lại chỉ là xác thịt trần tục mà thôi”.

Minh họa: LÊ ANH


Tôi nghĩ ngợi hồi lâu: “Như vậy thật đáng thương”.
Sư thầy cười bảo: “Có gì là đáng thương? Trần gian là nơi tràn ngập đau khổ, người tỉnh mới đáng thương”.
Tôi sẽ tin những lời đó cho đến một buổi chiều mưa phùn rả rích giăng trắng khung cảnh làm đầm cói càng thêm mênh mông hoang hoải, mùi cỏ và đất nồng hơn bao giờ hết, trên đường đi học về, ngay chỗ ngã tư dưới chân đồi, người ta xúm đông xúm đỏ xem điều gì đó. Tôi đã không kìm được lòng tò mò, xen vào giữa đám đông để nhìn thứ gì gây chú ý đến vậy. Rồi tôi nghe thấy những tiếng gào hét, gầm rú không giống như là của một con người. Ở giữa lòng đường, không một mảnh vải che thân, người đàn bà điên đang lên cơn động kinh, hai tay tự đập mạnh vào đầu như thể muốn bể nát hộp sọ ra, dãi nhểu xuống tận cằm và cơ thể chằng chịt những vết xước do cọ xát với lòng đường đầy sỏi đá. Tôi nhớ mình đã rất muốn cất lời, nói gì cũng được, cầu xin ai đó hãy làm điều gì để xoa dịu sự khốn khổ kia đi. Tôi nhìn quanh để tìm kiếm một gương mặt biểu hiện sự đồng cảm nhưng những bóng người cao lớn xung quanh thật lạnh lùng. Họ bàn tán chỉ trỏ mọi việc với một thái độ thật dửng dưng nếu không nói là thích thú, giống như xem chương trình khỉ đi xe đạp mà lâu lâu đoàn xiếc rong vẫn biểu diễn mỗi khi ghé qua thị trấn.
Tôi lách ra khỏi đám đông và chạy trốn vào đầm cói mênh mông. Tôi lang thang trên những con đường đất nhỏ xíu cắt ngang cánh đồng. Mưa lâm thâm làm bầu trời lạnh trắng xóa không một gợn mây, kéo không gian thành thật dài và rộng. Đầm cói đã ấp tôi vào lòng, vỗ về che chở khi tôi cần một mình nhất. Đầm cói hứa sẽ luôn cho tôi một chỗ trú an toàn.
Nhưng rồi mùa cói ấy, cánh đồng đã phản bội tôi.
Giữa mê cung màu xanh đẹp đẽ của mình, tôi vô tình bắt gặp một cặp tình nhân đang thả lên trời những hơi thở gấp gáp, gió lay ngọn cói xào xạc cỡ nào cũng không át được âm khúc hoan lạc.
Thấp thoáng qua đọt cói non đang mọc dở, hai bóng người cuốn lấy nhau, làn da họ trắng sáng giữa chiều lất phất, lấp lánh chẳng biết mồ hôi hay hạt mưa, nổi bật lên trong sắc xanh bạt ngàn. Người phụ nữ trì níu bàn tay người đàn ông trên bầu ngực mình, gấp gáp đòi hỏi, một nhu cầu khẩn thiết đến mức có cái gì vỡ toạc ra không khí, tràn về dữ dội như đập thủy điện mùa bão tháo nước…
Những mùa cói cứ đến rồi lại đi, năm mười bảy tuổi, vừa tốt nghiệp cấp ba, tôi cho vài ba bộ quần áo cùng tiền đủ cho học kì đầu vào một chiếc túi vải. Mẹ tôi luôn không đồng ý với quyết định ấy. “Sao con không học ở Thái Nguyên cho gần, đi lại tiện. Hà Nội đắt đỏ, lấy đâu tiền mà sống?”.
Lúc ấy tôi chẳng nghĩ ngợi nhiều chỉ muốn đi thật xa khỏi thị trấn, chỉ muốn đến một nơi không quen biết ai, để sự tồn tại của mình giống như khói bếp chiều, cứ bay lên cao rồi tan hẳn, không để lại một dáng hình, một mùi hương.
Mẹ không vui vì tôi kiên quyết ra đi cho đến tận ngày cuối cùng. Tiết trời hôm ấy vừa lạnh vừa ẩm, mưa phùn rả rích làm không gian trắng mờ, chúng tôi bước cạnh nhau trên con đường đất khúc khuỷu dẫn xuống đồi, ven đường hoa xuyến chi trắng đến nhức nhối trong mưa. Mẹ tôi cầm ô, tôi cầm túi xách, hai người im lặng hồi lâu, mấy lần mẹ hít vào một hơi sâu, định nói gì rồi lại thôi, rốt cuộc cũng cất lời: “Con giận mẹ à?”.
Tôi không hề chuẩn bị cho câu hỏi ấy, sững sờ quay sang.
“Có phải con giận mẹ không?”. Tôi chưa kịp đáp, mẹ tôi lại hỏi.
Tôi như con rối gỗ đột nhiên bị người ta cắt mất dây điều khiển, không sao cử động nổi. Tôi có giận không? Nếu có, vì sao? Tôi không biết câu trả lời, tôi cắn môi nhìn ra cánh đồng cói không hề đổi khác sau ngần ấy năm, cảm thấy trái tim băng lạnh.
Những năm đầu tiên ở thành phố tôi ngu ngơ vụng dại biết bao điều. Tôi không hẳn là muốn, nhưng nghĩ nhiều đến cái chết. Có những ngày liên tục tôi chỉ nằm một mình trong căn phòng trọ xập xệ, nhìn ánh sáng qua cửa sổ để đoán ngày và đêm. Lại có những ngày tôi làm đến kiệt sức, đi gia sư, đi bưng bê cho quán phở đêm, lên trường ngồi ngật ngưỡng trong lớp học… Tôi bán mình với một cái giá rẻ mạt cho qua loa quãng đời sinh viên rẻ rúng. Tôi chỉ không muốn phải trở về, tôi cũng không hiểu sao lại như vậy, nhưng tôi vẫn mơ mình lạc trong một đầm cói, sình dính ngập đến đầu gối, vùng vẫy thế nào cũng không thoát ra được. Đầm cói ép chặt, đè nén khiến tôi không thở nổi, đầm cói giễu nhại, cào cấu vào những ê hề trong lòng.
Mẹ tôi hỏi, con có giận mẹ không?
Câu hỏi này, cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao trả lời được. Tôi cứ mãi quay về một mùa cói như xem lại một bức tranh cũ. Bức tranh mà càng để lâu, theo thời gian lại càng mờ nhạt, mông lung. Đã có thời, chỉ cần nhắm mắt lại là mọi âm thanh, màu sắc sẽ ùa về rõ nét đến mức dường như đưa tay ra có thể chạm tới. Từ thứ mùi hăng của cỏ, sắc trắng xanh của bầu trời và âm thanh cói xào xạc ấp vào nhau. Nhưng càng ngày, tôi càng mất thời giờ để hồi tưởng về những gì đã xảy ra. Và không phải lúc nào sự hồi tưởng ấy cũng thành công, đôi khi cái chậu tưởng kí của tôi bị nhiễu loạn bởi một điều gì đó từ bên ngoài, đôi khi lại là do chính tôi không thể nhớ lại, ngắt quãng như chuỗi domino mất đi một tấm thẻ.
Có lẽ tôi sẽ lại bắt đầu từ một buổi chiều mùa ấy trên đường về nhà, có người ghẹo mẹ tôi.
“Hai mẹ con có cần tôi trở về không?”.
Mẹ vẫn dắt tay tôi, mắt nhìn thẳng, chân bước nhanh, còn tôi thì tò mò ngoảnh đầu lại nhìn, chợt sững sờ. Đó là người kĩ sư thủy điện mới trở lại thị trấn. Người ấy đã đến vào những mùa cói hồi lâu về trước…
Khi mà bố tôi mất tôi mới năm tuổi. Năm tuổi thì đủ để biết những gì và nhớ những gì? Tôi cũng không rõ nữa. Nhưng một trong những kí ức sớm nhất mà tôi có, chính là ngồi trên cano bố chở tôi đi vào lòng hồ. Hồ mênh mông, trập trùng những ngọn đồi ngập dở dang, xanh đến nhức mắt, xanh đến tan nát cõi lòng. Nếu không nhờ bức ảnh đen trắng ngày ngày nở cùng một nụ cười nhìn cuộc sống hai mẹ con qua lư hương nghi ngút trên bàn thờ, thì có lẽ tôi đã quên mất gương mặt ông. Trong kí ức của tôi chỉ còn lại một bóng lưng đang lái cano nhàn nhạt. Bố tôi vì chuyện gì đó mà cười rất to, tiếng cười suýt nữa bị tiếng động cơ vỗ nước ì oạp át đi.
Bố tôi từng là công nhân trong nhà máy thủy điện. Mỗi lần có đoàn kiểm tra từ thành phố tới, bố lại dong thuyền chở họ thăm thú khắp nơi. Những người đàn ông trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của công trình, và nhà máy thủy điện thì nằm sừng sững như một con quái vật xám xịt giữa màu xanh của nước non núi đồi. Dong thuyền từ sáng đến ráng chiều, bố sẽ mời mọi người đến nhà ăn cơm. Chúng tôi trở lại bến nơi có gốc cây gạo già, hoa nở đỏ mặt hồ. Mẹ tôi đứng đợi ở bờ, tà áo phấp phới bay, mái tóc dài như suối, gương mặt bị ánh hoàng hôn nhuộm hồng.
Vẻ đẹp của mẹ không chỉ làm bố con tôi ngẩn ngơ, mà còn làm ngẩn ngơ cả những người đàn ông khác. Tôi sẽ nhớ mãi, khi vô tình quay đầu bắt gặp ánh mắt người ta nhìn vào dáng hình mẹ, sự khát khao như là cơn sóng mãi quẩn quanh trên mặt hồ.
Vào mùa cói người kĩ sư ấy trở lại thị trấn và gặp mẹ tôi, hỏi: “Em không nhớ tôi à?”.
Mẹ tôi im lặng rất lâu, rồi đáp: “Em nhớ”.
Hóa ra, người đàn bà chỉ thực sự đẹp khi được yêu. Ánh mắt sáng, môi hàm tiếu, hai gò má không cần ráng chiều cũng đỏ. Để rồi trên cánh đồng cói thủa ngây dại của mình, tôi bắt gặp mẹ và người bạn cũ của bố cuộn vào nhau giữa chiều thu mưa lất phất. Tôi lùi từng bước thật khẽ, quay lại con đường đất dẫn ra phía bên kia cánh đồng. Mùa ấy hoa cúc dại nở vàng một góc trời, tôi cứ mải miết, mải miết chạy đến khi thân thể rã rời, mồ hôi thấm ướt lưng áo, hai chiếc giày nhuộm nâu màu bùn. Tôi lang thang đến tận chân núi nơi có những thửa ruộng bậc thang. Lúa sắp chín thơm ngào ngạt, tôi nhắm mắt lại, nằm vật ra bãi cỏ ướt đọng đầy mưa, nghe tiếng côn trùng bắt đầu rì rào. Chẳng biết thái dương tắt từ lúc nào, chỉ thấy trời ngả dần sang sắc tím. Phía tây chân trời không bị núi bao phủ, những dải mây màu hồng sáng lên rực rỡ, tôi đưa tay với lấy, càng cố với càng không sao nắm bắt nổi. Mắt tôi xông đầy hơi nước làm cảnh vật bị mờ đi trong phổ sáng chạng vạng, một thứ sắc màu nhòe nhoẹt ám ảnh mà nhiều năm rồi tôi không sao quên nổi.
Khi ấy tôi còn quá nhỏ để gọi tên được những rối bời trong lòng. Tôi chỉ muốn hét thật to, muốn xóa tan những cảm xúc lạ lẫm mà cay đắng lần đầu trong đời phải nếm trải, những ngây ngô, ích kỉ tuổi thơ chợt thành câm lặng. Lần đầu tiên, tôi nghĩ rằng tôi nhớ bố vô cùng.
Rất lâu về sau, tôi vẫn sẽ tìm kiếm một thứ để đổ lỗi cho những hối tiếc của tôi và mẹ. Tôi thường bắt đầu từ mùa cói ấy… Nếu không có mùa cói ấy… Nhưng rồi tôi sẽ đổ lỗi cho mùa cói năm năm trước đó, mùa cói đã mang bố tôi đi. Cơn lũ kinh hoàng khi thủy điện mở cửa xả nước, bố tôi chết trương trong lòng hồ ba ngày sau mới thấy xác. Và tôi sẽ đổ lỗi cho hồ, giá đừng có hồ, giá đừng có cây cói. Hồ nhân tạo là vết thương hở trong lòng rừng nhiệt đới, và cũng là vết thương hở trong lòng tôi. Giá mà người ta không xây thủy điện ở nơi này, để mặc thị trấn nấp mình trong những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn.

*
* *


Có một đầm cói người ta không bao giờ gặt. Những cây cói ấy gốc đỏ lạ thường, lớn nhanh như thổi, sống lâu năm thân chuyển sang màu xanh nâu, ống thành thân gỗ. Xác bố tôi được chôn ở đó. Lễ hạ huyệt diễn ra trong tiết trời hệt như hôm nay, chiều thu, mưa phùn.
Và có lẽ những hờn ghen ngây ngô của tôi đã không bị xẻ nửa nếu tôi không biết rằng, lâu rồi mẹ tôi mới được sống như một người đàn bà, được ngã vào tay một người đàn ông và yêu say đắm. Lâu rồi mẹ mới cười vui, mong đợi, hạnh phúc. Mẹ sẽ yêu vụng dại và ngây ngất… Mẹ sẽ chờ người tình mỗi đêm thao thức, một tiếng gõ cửa thành niềm vui, một lá thư tay cũng đủ để sung sướng cả ngày.
Mẹ tôi như không biết đến gì ngoài sự mù quáng của mình, bất chấp một người bạn già của gia đình lo lắng.
Bác Hoan thảng thốt: “Mày cặp với nó, thế nó có cho mày cái gì không?”.
“Em đâu có cần cái gì!”.
“Giời ơi, sao mày dại thế, xin được cái gì thì phải xin đi chứ. Còn nếu nó không cho thì phải dừng lại ngay, cuộc sống mày ở đây, con mày lớn lên ở đây, nhỡ có điều tiếng gì nó chỉ phủi đít đi là xong, còn mày thì sống làm sao được ở cái chốn này nữa!”.
Mẹ tôi như đứa con gái ngày đầu biết yêu bướng bỉnh không nghe lời cha mẹ. Và rồi cuối cùng cũng chuốc phải đắng cay. Khi hoa sữa tàn, mùa cói cũng hết. Trời khô và hồ lại cạn nước… Người kĩ sư bỏ mẹ tôi để về với gia đình dưới xuôi không chút lưu luyến. Mẹ tôi ngồi chết lặng ngoài hiên dưới cơn mưa cuối mùa, nhìn những hạt nước vô tình rơi xuống mặt đất. Người ta sẽ rời đi, áo sơ mi vẫn trắng và mái đầu chải chuốt, để lại chúng tôi ê chề trong những lời đồn thổi về một người đàn bà góa lăng loàn và một đứa con gái không phải máu mủ của người chồng đã chết. Kể từ mùa cói ấy, những lời nói đó sẽ đeo đuổi cuộc đời chúng tôi, hằn vào tôi những vết gạch sâu hoắm quãng thiếu thời. Trong một thị trấn nhỏ, người ta không quên điều gì, và cũng không tha thứ cho điều gì cả.
Nhan sắc của người đàn bà từng đẹp như giễu cợt, như trêu ngươi rồi cũng sẽ tàn phai.
Chỉ có những nỗi đau là mắc lại trong lòng…
Nhiều năm rồi, giờ tôi lặng im nhìn những kí ức đang tan dần vào quên lãng. Được mất, buồn vui, rồi cũng sẽ như đồng cói xanh ngút ngàn kia, ngày ngày, vươn mình lên với trời

P.T.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)