Hoa vàng mấy độ

Thứ Ba, 16/04/2019 12:45

.Truyện ngắn dự thi. TRẦN THANH CẢNH

Tôi vào giới thiệu sách ở Sài Gòn, xong việc, mấy ông bạn rủ đi chơi miền Tây. Tôi hào hứng nhận lời ngay, vì thực tình mới chỉ nghe người ta tả về cảnh sắc sông nước nơi đó chứ chưa đến bao giờ.
Mấy hôm liền, bọn tôi lang thang dưới đó. Nhưng thật ra là cưỡi ngựa xem hoa chứ chưa cảm nhận được gì nhiều. Cảnh sắc thôn quê có lạ hơn ngoài Bắc. Còn phố xá thì cũng vậy. Cũng lem nhem nhà ống bán buôn. Cũng lộn xộn giao thông xe pháo. Cũng người thì nhởn nhơ ăn nhậu tối ngày, kẻ thì tất bật kiếm miếng đút miệng. Buổi trưa hôm cuối của chuyến đi, bọn tôi về đến chân cầu Rạch Miễu bên sông Tiền. Sát bờ nước có một nhà hàng nhìn rất nên thơ, bèn rẽ vào ngồi. Vì là khách nên mấy ông bạn nhường tôi gọi món. Tôi hô lẩu mắm. Một món ăn mà tôi thích nhất của phương Nam. Có nhiều người xứ Bắc không ăn được món này. Nhưng tôi thì mê ngay từ lần đầu được một người bạn mời nếm thử. Ngào ngạt muốn điếc mũi. Nhúng một đũa rau đắng, thêm vài bông điên điển, bông súng, thanh kèo nèo qua nồi, rồi đưa cả vào miệng nhai. Hương vị sắc màu của đất trời phương Nam như ngấm đượm vào tim óc...
“Chú người Bắc à?”. Một người đàn ông khá già, gương mặt rám nắng rắn rỏi bước tới bàn nhậu, hướng ánh mắt vào tôi hỏi.
“Vâng. Cháu ngoài Bắc vào chơi”.
Không đợi mời, ông kéo ghế ngồi vào bàn chúng tôi. Một trong những đức tính mà tôi thích nhất của người phương Nam là họ không màu mè cảnh vẻ. Họ sống thật, cư xử với người xung quanh bằng sự chân tình hồn hậu. Ông già là chủ nhà hàng. Nghe tiếng tôi gọi món biết là người Bắc rặt nên ra hỏi chuyện. Ông vốn dân tập kết năm năm tư rồi trở lại quê sau bảy lăm. Sau vài câu giao đãi biết ông từng có hai mươi năm ở trên cái thị trấn nhỏ quê tôi với vợ là cô giáo, cô Hồng. Trong trí nhớ của tôi hiện lên láng máng hình ảnh cô giáo dạy văn cấp ba gần nhà xưa. Nhưng hình ảnh ông thì tôi chịu. Không tìm ra nét quen thuộc nào. Có lẽ nắng gió phương Nam dãi dầu cùng với thời gian đã làm phôi pha nhiều thứ.
Người Việt hình như mang trong máu mình cái tính ưa túm tụm quần cư. Có người nói đấy là tâm lí của kẻ yếu. Yếu nên cứ phải tụm vào với nhau, dựa hơi nhau. Người lại bảo đó là cái thâm căn cố đế của văn hóa làng xã. Ở cùng thì cả đời có khi chả hỏi nhau câu nào, nhưng đi xa khỏi bản quán một chút mà gặp nhau là hương hương khói khói! Thế nên thốt nhiên tôi và ông già chủ quán tên Cơ bỗng thành ra gần như là “đồng hương” gặp nhau ở miền đất mới. Có một mối giao cảm nào đó tức khắc được thiết lập. Và như thông lệ, chúng tôi chạm cốc nhiệt tình.
“Bốn mươi năm rồi tao chưa quay lại phố Hồ bay ơi!”. Sau vài li ông chủ nhà bùi ngùi thốt lên. Ông Cơ kém cha tôi vài tuổi nên tôi gọi là chú cho thân tình. Ông bảo: “Bây thích món đặc sản miền Tây nào nữa để tao đãi?”. “Cho cháu thêm ít rau đắng và bông điên điển là đủ rồi. Và nghe chú kể chuyện đời mấy chục năm qua...”. “Ồ. Chuyện nhỏ!”. Chú Cơ kêu nhân viên mang thêm rau, đồ nhắm, rượu ra. Rồi bắt đầu câu chuyện bên bờ sông mênh mang lộng gió...
Hồi chú Cơ là bộ đội tập kết ra Bắc, chuyển ngành về làm giáo viên chính trị tại trường cấp ba ở phố Hồ thì bọn tôi bé tẹo. Chú Cơ tìm hiểu cô Hồng là giáo viên dạy văn cùng trường. Nghe dân phố râm ran là chú Cơ đã có vợ trong Nam, chưa có con. Nhưng vợ chú đã bỏ theo người khác. Bấy giờ chú Cơ còn khá trẻ mà thấy thui thủi một mình cũng tội nên mọi người xung quanh hò nhau ghép đôi cho họ. Những đêm sáng trăng, hai người hay đến đầu phố phía con đê, nơi có một cái lô cốt to tổ bố của Pháp cũ án ngữ. Họ lên nóc ngồi hóng mát và tâm sự. Bọn trẻ ranh chúng tôi tới núp dưới chân lô cốt rình xem. Rồi chạy đi phô cho cả hàng phố biết là hôm nay cầm tay nhau rồi, hôm nay “mi” nhau rồi. Bọn tôi cười sằng sặc khi bắt gặp chú Cơ ra sườn đê, hái một bó to hoa điền thanh, thứ hoa từ loài cây mà hồi ấy hợp tác xã nông nghiệp gieo đầy sườn đê làm phân xanh. Ai lại đi chơi cái giống hoa phân xanh ấy làm gì! Thế nhưng chú bảo đây là loài hoa quý nhất của quê mình. Chú ôm bó hoa sang phòng cô Hồng. Chả biết hai người làm gì với bó hoa vàng rực rỡ kia mà ít lâu sau thấy họ thành vợ chồng.
“Tao ở phố Hồ hai mươi năm, mua cả đất, làm cả nhà. Ba đứa con đều sinh ra ở đó. Tao tưởng đấy sẽ thành quê hương. Thế nhưng không phải mày ạ. Sau bảy lăm có một cái gì đó thôi thúc cựa quậy không yên. Nó cứ cồn cào ngày đêm khiến tao không chịu nổi, phải trở về miền Tây”.
“Cháu nghe dân phố nói, khi ấy chú quay lại miền Nam là vì bà vợ trước”.
“Không hẳn thế! Tao nhớ quê. Tao vốn đã xác định lấy phố Hồ làm quê hương. Ba má tao mất vì bom hồi chín năm rồi. Nhà có mỗi mình tao. Họ hàng gần gũi ruột thịt cũng hầu như không. Nhà cửa vườn tược đất đai cũng chả có gì. Thế mà tao vẫn cứ nhớ điên loạn. Tao nhớ nhất con kinh bên hông nhà! Hai bên bờ con kinh ấy mọc đầy những cây điên điển. Mùa nước nổi cũng là mùa điên điển đơm bông, hai bên bờ nước vàng tươi rực rỡ. Mà mỗi khi cô ấy chèo xuồng trên con kinh ấy, chao ôi là thướt tha. Đẹp không tả được. Nhà cổ cũng bên kinh, cách nhà tao một thôi chèo...”.
Tôi nhấc chai rượu rót đầy li chú. Không nói gì, chú Cơ cầm lên uống cạn một hơi, “khà” một tiếng khoan khoái rồi xoay người nhìn ra sông. Lúc ấy đã ngang chiều, nắng xiên xuống mặt dòng sông rộng mênh mông lấp lánh sóng. Những tia sáng rỡ phản chiếu lên khuôn mặt người đàn ông phong trần đang ngồi bên bờ. Trong phút chốc tôi bỗng thấy chú Cơ đẹp lạ. Sinh động. Hoàn toàn không giống hình ảnh ông giáo khô cứng nghiêm cẩn dạy môn chính trị ngày xưa. Ánh mắt chú long lanh khi nhắc lại chuyện tình yêu thời trai trẻ...
Cô giáo Hồng dạy văn ở phố tôi không được đẹp gái lắm. Người cô cao khẳng, gầy khô. Năm đó cô cũng khá tuổi rồi. Dân phố tôi đã liệt cô vào hàng sắp ế. Bởi hồi ấy trai trẻ vào chiến trường hết còn mấy ai đâu. Cô Hồng không có nhiều lựa chọn. Cô đồng ý lấy chú Cơ sau khi có “tổ chức” xác nhận là vợ cũ của chú đã đi lấy chồng khác. Cô về ở với chú Cơ đẻ liền ba đứa con, hai gái một trai. Rồi chú Cơ về thăm quê và không quay trở ra Bắc nữa, cô bán nhà, ôm ba đứa trẻ vào Nam tìm chồng.
Chú Cơ kể, về thăm quê vốn là vùng căn cứ cũ, rất nhiều khó khăn. Thế là lãnh đạo nơi đó mời luôn ở lại làm việc trong ngành giáo dục. Sau khi xa quê hai mươi năm, chú cũng muốn đóng góp gì đó cho huyện nhà. Chú nhận lời và mua một căn nhà nhỏ trên thị trấn để ở. Vì nhà chú sâu mãi dưới bưng, mà lúc ấy đường sá chưa phát triển như bây giờ nên đi lại không tiện. Chú cũng định sửa sang nhà cửa xong thì sẽ quay ra Bắc đón vợ con vào. Nhưng chú chưa kịp quay ra, thì cô Hằng tìm đến...
Cô Hằng là vợ cũ của chú Cơ.
“Trời ơi. Mày không tưởng tượng nổi tao bàng hoàng như thế nào khi nhìn thấy bả ôm hai thằng con trai, ngồi ở cửa nhà tao lúc chiều đi làm về đâu. Bả vẫn y như xưa, vẫn mắt phượng mày ngài sắc như dao. Má đỏ môi hồng. Vẫn óng ả như hồi con gái. Tao biết bả lấy chồng khác từ lâu nên hồi về quê tao chỉ qua hỏi thăm bà con lối xóm họ hàng cũ rồi tuôn luôn lên thị trấn ở với mấy ông đồng đội cũ, có dám nhòm ngó chi đâu. Tao nghĩ ghe nào chèo ấy an phận rồi. Thế mà nghe tin tao về, bả bỏ ngay ông chồng lính cộng hòa cũ, xách hai thằng con trai đến tìm tao”.
“Thế rồi chú tính sao?”.
“Tính sao lúc ấy nữa? Cho bọn trẻ vào nhà, nấu cơm nước cho ăn, tắm rửa đi ngủ. Rồi bả bảo, em cần nói chuyện với anh!”.
“Cô ấy nói thế nào?”.
“Bả nói vầy: Em với anh xưa là nhân duyên hẹn ước thề bồi sống chết có nhau. Vì hoàn cảnh đất nước nên chúng ta mới phân li. Em phải lấy ba sắp nhỏ cho đỡ bị o ép. Chứ lòng em lúc nào cũng chỉ có anh. Chỉ nghĩ đến anh. Nay anh về rồi, em nói với ổng kia rồi, em về với anh!”.
“Chú có nói cho cô ấy biết là có vợ con ngoài Bắc rồi không?”.
“Có chớ. Nhưng bả bảo: Nếu lòng anh còn có em, yêu em, vẫn nhớ lời thề xưa thì viết thư nói cô Hồng đi lấy chồng khác. Con mang vô đây em nuôi cả được mà! Tao lúc đó rối trí quá, chẳng biết tính sao bèn bỏ lên cơ quan ngủ”.
Tôi vốn biết đàn bà con gái miền Tây nổi tiếng đẹp và mãnh liệt trong tình yêu. Nhưng đến như bà vợ đầu của chú Cơ thì quả là tôi chưa từng nghe. Cuộc đời tôi chứng kiến khá nhiều cảnh huống oái oăm, tình yêu ngang trái. Thế nhưng cái chuyện người đàn bà đã lấy chồng mới, có hai con rồi mà vẫn ôm con về với mối tình đầu không nửa giây do dự thì quả là tôi mới biết lần đầu...
Hôm sau ông chồng của cô Hằng cũng tìm tới nhà chú Cơ.
Ông là người xã kế bên nên hầu như biết nhau cả. Là trung sĩ coi máy trong đội giang thuyền của bên cộng hòa, nên sau bảy lăm chỉ phải đi học tập vài hôm rồi về chạy thuyền của nhà đi đánh cá. Ổng nói với chú Cơ:
“Hồi xưa khi lấy tôi, cô Hằng có giao hẹn, nếu ông còn sống trở về thì tôi phải để cho cô ấy quay lại với ông. Tôi đã đồng ý. Giờ ông trở về đây rồi... thì mọi việc do cô ấy quyết định!”.
Bữa ấy cô Hằng làm chầu nhậu ngay tại nhà. Cũng lẩu mắm.
“Cô Hằng nấu ăn ngon lắm. Hồi còn đang hẹn hò, tao du kích trong bưng, thỉnh thoảng có đợt yên yên là mò về nhà cổ. Cổ làm nồi lẩu mắm cho nhậu với ông già quên chết luôn”.
“Thế cái hôm gặp ông chồng cô ấy thì hai người nói chuyện sao?”.
“Thì biết tính sao trong cái cảnh ấy mầy? Hai thằng đàn ông cứ nhậu thôi. Nhậu một hồi bỗng ôm vai bá cổ nhau khóc. Nói thương cho cái thân mình, thương cái nước mình. Rồi nhậu tiếp. Tao xỉn luôn. Sáng dậy thì ông kia đã bỏ đi”.
Cô Hằng nói với chú Cơ là chồng cô đã viết giấy li hôn để lại. Từ giờ trở đi chúng mình lại đoàn tụ. Chắc cũng có một phần do ông ấy hơi lo ngại cái vụ mình là người của chế độ cũ. Chú Cơ là người chế độ mới, hứng lên quy cho cái tội cưỡng ép vợ cán bộ tập kết cũng nguy.
Thế nhưng ngay hôm đó thì cô Hồng cũng dắt theo ba đứa trẻ từ ngoài Bắc vào, đến thẳng cơ quan giáo dục nơi chú làm việc.
Lúc này thì mọi người trong huyện đã biết hết mọi chuyện của gia đình chú Cơ. Nhưng cũng không ai biết khuyên phải quấy ra sao. Lãnh đạo huyện đành chỉ gọi lên bảo muốn xử sao cho êm thấm là tốt. Không được để xảy ra chuyện gì om xòm làm xấu hình ảnh cán bộ cách mạng.
“Thế chú đưa cô Hồng và bọn trẻ đi đâu?”.
“Đi đâu được? Cổ kiên quyết không đi đâu mà đòi về nhà!”.
“Chú nhốt hai sư tử một chuồng à?”.
“Tầm bậy! Hai cổ đều hiểu lẽ mà. Không có chuyện nhảy bổ vào nhau cắn xé như mấy bả phố mình đâu mày ơi!”.
Tôi bỗng chợt nhớ cái chuyện đánh ghen lừng lẫy ở phố tôi hồi xưa.
Ông Lam trưởng ngân hàng huyện (hồi ấy chưa gọi là giám đốc) tuy có vợ ở quê nhưng vẫn chăm sóc liền hai cô nhỡ nhàng, chồng chết hay chồng đi xa gì đó tôi không nhớ. Một cô là nhân viên ngân hàng ở ngay khu tập thể kế bên. Một cô bên cửa hàng thực phẩm tươi sống đối diện qua đường. Cả tuần ông cứ đánh võng qua hai chỗ. Chiều thứ bảy thì, “cắt cơm, bơm xe, nghe thời tiết, liếc đồng hồ”, về quê với bà vợ già, tối chủ nhật lại lên. Thế nhưng có một tuần ông ốm, không về quê được. Mà chủ nhật thì nhân viên cấp dưỡng cơ quan cũng nghỉ nên không có người nấu ăn. Hai cô bồ bèn te tái chạy về nấu cháo cho vào cặp lồng xách lên phòng bón cho người tình. Giá như ông Lam phân công cho một cô nấu trưa, một cô nấu tối thì không nên chuyện. Đằng này ông chả nói gì, thế là trưa ấy cả hai cô cùng vào. Họ vốn biết nhau. Và cũng biết rõ mọi chuyện của nhau. Cơ mà không nhìn thấy thì cũng mặc kệ coi như không ai biết ai. Bởi bình thường ông Lam là một tay đàn ông to khỏe, rất cường tráng. Chiều đến ông vẫn đánh bóng chuyền với cánh cơ quan xung quanh, nhảy lên đập cắm vạch ba mét uỳnh uỳnh. Thế nên chăm hai cô vẫn rất ổn!
Hai cô xách cặp lồng cháo vào cho người tình.
Cô ngân hàng mua con gà ri nấu.
Cô cửa hàng thực phẩm tươi sống có tim cật lợn mới mổ.
“Anh ăn cháo gà với ngải cứu cho giải cảm”.
“Anh ăn cháo tim cật với hạt tiêu cho chóng khỏe”.
“Chóng khỏe để làm gì? Để lại hầu l. con đĩ à?”.
“Cái con đĩ này! Tội mày suốt ngày ám l. vào nên đang khỏe như vâm mới thành ốm bề bệt ra thế này chứ!”.
Lời qua tiếng lại, hai cô bỏ cháo, mặc kệ người ốm nhảy xổ vào túm tóc đánh xé nhau. Chủ nhật mọi người đi vắng hết nên chẳng có ai can. Hai cô nhảy ra sân ngân hàng vật lộn gào thét chửi bới giằng tung quần áo nhau ra. Om xòm. Dân phố hiếu kì, lũ trẻ ranh chúng tôi chạy vào xem cười bằng thích. Ông Lam phần vì mệt, phần vì nhục nên đóng chặt cửa không ra. Mặc kệ hai bà nhồng nhỗng tiếp tục nhảy nhót chửi nhau rồi lại nhảy bổ vào túm tóc móc nhau.
May mà có người đi báo công an chứ không có khi tan tành thật. Thế là công an cho người lên áp giải hai cô về đồn giải quyết. Sau vụ ấy thì ông Lam bị mất chức, về hưu non. Còn hai cô nghe nói cũng bị kỉ luật rồi chuyển đi làm chỗ khác. Nên chuyện đàn bà mà lên cơn ghen thì sợ lắm, bất chấp lí lẽ phải trái thể diện. Lúc ấy họ hoàn toàn bản năng...
Máu tò mò cố hữu nổi lên bừng bừng không kìm được, tôi quay sang hỏi tiếp:
“Thế lúc đầu tiên cô Hồng và cô Hằng gặp nhau thế nào chú?”.
“Thì về cơ bản là họ cũng biết mọi chuyện cả rồi nên biết làm sao. Đành cứ đưa về nhà thu xếp ăn ở cơm nước cho bọn trẻ thôi”.
“Là cháu hỏi lúc đầu giáp mặt nhau kia”.

Minh họa: Đặng Tiến

“À, vụ đó tao chủ động chớ. Tao bảo đây là Hồng, còn đây là Hằng. Hai người có nguýt nhẹ nhau cái rồi xoay sang người sắp cơm, người thu xếp chỗ nằm cho bọn trẻ thôi. Cơm nước tắm rửa xong, bọn trẻ đã lên giường thì ba nhân vật dắt nhau ra vườn nói chuyện. Mà thực ra tao cũng đếch biết nói thế nào. Một đằng người yêu cũ, vợ cũ tuy chưa có con chung nhưng tình sâu nghĩa nặng từ thuở còn thơ. Vả lại cổ đã tuyên bố nếu tao hắt hủi mẹ con cổ, cổ sẽ ôm cả hai đứa nhảy xuống sông Tiền cho khuất mắt. Cái vụ này thì dám lắm, tao chơi với cổ từ nhỏ tao biết tính mà. Còn cô Hồng cũng nói, em đã bán hết nhà cửa ôm cả ba đứa con máu thịt của anh vào đây rồi, anh có định đem chúng ra ngoài đường bỏ là tùy. Rối ruột quá đâm cùn, tao bảo hai bà, tôi cán bộ đảng viên nên không được hai vợ, tôi chỉ được chọn một. Hai bà tự đàm phán với nhau. Xong rồi thì một bà vào buồng với tôi, một bà ngủ với con!”.
“Thế rồi sao?”
“Hai bả rì rầm ngoài vườn khuya lắm. Tao đã thiếp đi rồi thì thấy... cả hai vô buồng! Một bà vào nằm trong. Một bà nằm ngoài. Tao nằm giữa”.
“Ái chà chà! Trò chơi ba người, bánh mì kẹp pa tê à! Sướng nhất chú!”.
“Tầm bậy! Sướng cái khỉ khô! Đời đàn ông của tao chưa bao giờ khổ như đêm đó chứ sung sướng cái nỗi chi!”.
Chú Cơ kể, hai bả nói bên tình bên nghĩa ông bỏ ai cũng không đành. Khó cho ông. Mà bọn tôi cũng không ai muốn bỏ ông cả. Thôi thì bọn tôi chấp nhận làm chị em. Không gây lộn thắc mắc kiện cáo chi hết. Ông cứ xử sao cho công bằng là được.
“Tao nằm ngay đơ giữa giường. Bên trong là cô Hằng. Bên ngoài là cô Hồng. Cả hai người đàn bà năm ấy mới gần bốn mươi. Gái trẻ có cái non tơ mơn mởn của gái trẻ. Gái một con có cái rực rỡ của gái một con. Gái đẻ hai, ba lứa xong, con hết sài đẹn, đến kì thảnh thơi son rỗi, lúc bấy giờ lửa nồng mới đượm, mới tới cao trào đàn bà mầy ơi... Hai bả nằm bên cạnh tao trong đêm mà thấy hơi nóng bốc lên muốn xém sườn luôn. Nói thiệt mày nghe, thậm chí tao còn nghe rõ tiếng thân thể đàn bà của hai cổ đang chuyển rần rần kia. Thế mà tao phải nằm yên thúc thủ. Mà năm đó tao mới hơn bốn chục, đang sung lắm chớ. Lại mấy tháng ròng chưa được tí gì! Tao dợm mình xoay nghiêng bên này định tính thì bà kia đã nhéo sườn đau điếng. Hai bả bắt tao nằm thẳng tắp ngay đơ cả đêm. Không cho cụ cựa quờ quạng bên nào. Không được cư xử thiên lệch”.
“Kakaka... Thế là mỡ không treo mà mèo vẫn nhịn thèm à chú?”.
“Thì thế!”.
Cả đêm ba người không ai ngủ được chút nào nữa. Sáng ra họ ngồi dậy nhìn nhau. Bỗng nhiên phá ra cười. Cười sằng sặc. Cười như điên. Cười như bọn trẻ con chơi trò thọc lét. Hai cổ túm vào vai tao mà đấm, nhéo mà cười sặc sụa, giàn cả nước mắt nước mũi. Nếu bọn trẻ không nghe tiếng, dồn hết cả vào cửa buồng, trố mắt đứng nhìn ba người lớn thì không biết bao giờ mới dứt cơn cười lạ kì ấy.
Cô Hồng bảo, thôi anh đưa chị Hằng với hai đứa nhỏ về quê, lo chỗ ăn ở nhà cửa cho ổn rồi lại lên đây. Trên này để em trông nom.
Cô Hằng thì cười hí hí bảo, cho chị mượn tạm ảnh mấy bữa nghe, rồi lại trả về đủ bộ.
Chú Cơ nghe họ nói mà cứng họng.
Chả biết đêm qua hai người đàn bà thỏa thuận với nhau thế nào mà giờ nghe chừng có vẻ thân ái đoàn kết lắm. Nghe mà rối bời ruột gan. Bởi ngày ấy chuyện vợ nọ con kia rất phức tạp. Còn tổ chức, còn cơ quan đoàn thể... Không đùa được đâu!
Chỉ có bọn trẻ con hai nhà tổng cộng năm đứa là vô tư. Chúng đã kịp nhận nhau và phân ngôi cao thấp theo tuổi. Và đã kịp gọi má Hằng, má Hồng. Đến lạ. Hình như trẻ con nó dễ làm thân nhau hơn. Và có vẻ như chúng đã cảm nhận được tình thế bất khả của người lớn mà nương theo chăng...
“Đời chú thế là quá ổn còn gì!”.
“Ổn cái con tườu! Đó mới là bắt đầu chặng đường khổ ải nhất của đời tao”.
Bởi không dám quyết phụ bà nào nên chú Cơ đành gánh cả. Một bà dưới vườn. Một bà trên thị trấn. Thế nhưng biết sẽ không ổn với cơ quan nên chú Cơ chủ động xin nghỉ việc. Chú bắt đầu cuộc vật lộn mưu sinh kiếm ăn nuôi con đúng nghĩa khi đã ở tuổi ngoại tứ tuần. Chú làm đủ việc từ thuê mướn rồi sang làm chủ ghe thương hồ đó đây khắp miền Tây.
Rồi cô Hằng sinh thêm một đứa con gái. Tổng cộng sáu con hai bà. Cũng may là đất miền Tây dễ sống, kiếm đâu cũng được cái nuôi con. Chỉ có cái sự dạy bảo bọn trẻ và vất vả đi lại giữa hai nơi mà thôi.
“Thế ông chồng cũ của cô Hằng đâu không đón hai đứa con ruột của mình về mà lại bỏ mặc cho chú cả vậy?”.
“Ồ. Quên chưa kể bay nghe. Cô Hằng hồi trẻ đẹp nhiều người mê lắm. Chồng thứ hai của cổ cũng mê sẵn. Tao đi tập kết ra Bắc cổ ở nhà bị bên cộng hòa hăm he gây khó dễ. Ổng bèn tới gạ gẫm về với ổng. Cổ giao hẹn gá tạm cho yên, khi nào tao về là thôi. Ổng gật đầu cái rụp, nhưng bụng nghĩ chiến tranh liên miên thế này đâu có ngày đó. Thế mà rồi có thật! Hôm uống rượu chia tay ở nhà tao, sáng sớm ổng lẳng lặng ra về. Sẵn thuyền máy đi đánh cá của nhà, ổng dông tuốt một mạch sang biển Mã Lai tị nạn luôn. Rồi qua Mĩ. Xong”.
Tôi lặng người ngồi ngắm chú Cơ. Một người đàn ông miền Tây điển hình. Da đỏ rám nắng. Tóc bạc cắt ngắn. Ánh mắt vẫn rất tinh nhanh. Và rượu thì, hình như đàn ông miền Tây họ uống rượu thay cho nước, hệt như cánh đàn ông trên rẻo cao phía Bắc, nơi tôi cũng đã từng ở mấy năm. Vốn là thầy thuốc, nhiều khi nhìn họ uống như vậy tôi tự hỏi, chả lẽ lục phủ ngũ tạng của họ bằng thép sao. Họ không biết rằng thế là hủy hoại sức khỏe kinh khủng thế nào sao. Nhưng tôi cũng đã quan sát và âm thầm rút cho mình kinh nghiệm ở đời là, những nơi mà người ta uống rượu với nhau hết mình, thậm chí say xỉn tại trận thì thường là họ rất thật thà, hiếu khách quý người. Chú Cơ vẫn chạm cốc đều với mấy anh em trong tốp chúng tôi. Chạm xong là cạn. Kệ không so đo để ý người đối tửu. Nhưng chú vẫn hoàn toàn tỉnh táo. Giọng nói vẫn rành rẽ chưa hề có biểu hiện gì méo tiếng mất hình...
“Thế rồi mọi việc cũng dần qua mày ạ. Sắp nhỏ nuôi mãi rồi cũng lớn. Cũng được học hành đầy đủ, công việc đàng hoàng. Cơ mà khổ thân hai bà nhà tao quá...”.
“Sao chú?”.
“Hồi vất vả khó khăn bóp mồm bóp miệng nuôi con thì không sao. Đến hồi bọn trẻ trưởng thành thì bà nọ rủ bà kia lăn ra ngã bệnh rồi đi cả trong một năm. Bỏ tao chơ vơ hơn chục năm rồi. Hình như hai bả rủ nhau đi xuống đó cho có chị có em sao đó mầy ơi...”.
Chú Cơ kể, sau hơn chục năm vượt biên thì ông chồng cũ của cô Hằng trở về nước xin bảo lãnh cho hai thằng con trai sang bển. Nói mãi cô Hằng mới đồng ý. Cô bảo hỏi ý kiến ông Cơ. Bởi ông là người đã nuôi dạy chúng thành người và cư xử với chúng không khác gì con ruột.
“Thế chú bảo sao?”.
“Ồ. Lúc đó thì đất nước mình đổi mới rồi, cởi mở rồi. Mọi việc đã được nhìn nhận khác chứ không còn thiên kiến như xưa nên tao bảo hai thằng nhỏ, các con nên đi sang bên đó có điều kiện phát huy tốt khả năng của mình hơn. Vả lại ổng là ba ruột các con, nay cũng già rồi ở một mình không có người chăm sóc cũng không tiện. Thế giới nay nhỏ, đâu cũng là nhà mà”.
Nghe xong câu này của chú Cơ thì tôi quên hẳn cái hình ảnh ông giáo xưa. Trước mắt tôi là ông già miền Tây tốt bụng phóng khoáng nay đang ngồi kể lại chuyện đời cho nghe. Hình bóng ông thầy nghiêm cẩn ngày trước trên bục giảng ngôi trường phố huyện như chẳng có gì liên quan đến người đàn ông hiện tại. Đời biến đổi thật lạ lùng. Nhiều cái không thể đem sách vở lí lẽ ra giải thích được. Mà chúng ta đành tin vào số phận cuộc đời của mỗi con người. Thậm chí là của cả một dân tộc, của cả một đất nước hình như đã được một đấng tối cao nào đó quyết định cả rồi. Đó gọi là định mệnh. Nghe kể thì các con chú đều học hành thành đạt cả. Cô út nay cũng là thạc sĩ dạy một trường phổ thông trên thành phố.
“Thế sao chú không lên thành phố với các con mà ở dưới này làm nhà hàng chi cho vất vả?”.
“Tao ở phố không quen mầy ơi. Hồi ra khỏi nhà nước đi làm ăn buôn bán thương hồ riết thành nghiện sông nước. Hai thằng bên Mĩ cũng về bảo đón tao sang bển ở cho vui. Nhưng tao không đi. Chúng bèn bảo: Ba già rồi nghỉ ngơi sông nước đi, chúng con gửi tiền phụ ba dựng cái nhà hàng bên sông, thuê người làm, ba trông coi thôi. Ba cứ ngắm sông nước hàng ngày là được mà! Nhưng tao cũng không chịu”.
Chợt chú Cơ khoát tay chỉ ra mé bờ sông cạnh nhà hàng: “Tao đã phải gieo cả một vạt điên điển kia kìa. Tay bển ấy đến mùa điên điển trổ bông mà khỏe người là cũng bay về đây đó. Hai thằng già ngồi nhậu ngắm bông điên điển rồi chảy nước mắt với nhau bay ơi...”.
Tôi nhìn theo hướng tay chú Cơ. Xa xa, xấp xới bên mép nước một vạt cây điên điển đang trổ hoa vàng rực rỡ. Gió từ sông thổi vào, vạt hoa xao động rung rinh, rập rờn như một dải lụa mềm óng vàng tươi. Tôi chợt nhớ, hình như ngoài Bắc độ này triền đê đầu phố quê tôi cũng đang phủ đầy sắc hoa tươi màu nắng của điền thanh...

T.T.C

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)