Gió già

Thứ Năm, 06/06/2019 09:15

.Truyện ngắn dự thi. VŨ THANH LỊCH

Tinh mơ, ông Biểu ngồi thu lu trên mỏm đá ven hồ, chỗ có giàn mướp vàng đang đợi nắng để bung hoa. Đôi mắt ông dõi về đâu xa lắm. Xa. Không có đích.
Ông Biểu gầy, da bánh mật, tóc muối tiêu. Ai gặp ông ngồi bên hồ lần đầu dễ nhầm là bức phù điêu trang trí trong khuôn viên ngôi biệt thự mới xây theo lối cổ.
Ban mai rạng dần. Vài con bươm bướm rập rình quanh bụi huệ tây còn khum cánh, một con vui tính đậu lên tóc ông Biểu, nhưng ông không hay biết. Làm sao ông biết được khi trong mắt ông chỉ có duy nhất hình ảnh Thuỵ Khuê.
Thuỵ Khuê không trẻ nhưng đẹp. Cái đẹp nền nã và sâu sắc. Cái đẹp không dễ nhận ra trong lần gặp đầu tiên. Bởi vậy, bao nhiêu lần ông về Sa Linh công tác là bấy nhiêu lần Thuỵ Khuê lo đón tiếp, thu xếp chỗ ăn nghỉ chu đáo, nhưng ông không hề hay biết. Ông càng không biết sẽ có lúc Thuỵ Khuê khắc vào tâm trí ông nhiều và sâu như vậy.
Ông Biểu tuổi cao, sức không còn khoẻ, nhưng nơi nào cần nói chuyện hay giảng bài về đền đài lăng tẩm là ông nhận lời ngay. Ông say mê nghiên cứu những thứ đã cũ từ khi còn trẻ, rồi cả đời sống chết với nó, rồi muốn mang cái biết ấy mà chia sẻ cho nhiều người. Ông tính, chia sẻ thì kiến thức còn sinh lời, để trong đầu thì đầu cũng có lúc chết. Chết rồi thành ma. Nếu các vị thần linh còn tin dùng ông như lúc ông còn ở trần gian thì khi thành ma ông cũng sẽ loanh quanh đâu đó ở đền đài lăng tẩm mà tiếp tục bảo vệ nó, tiếp tục phục vụ thần linh, biết đâu sức bảo vệ của ông lúc ấy lại tốt hơn bây giờ thì sao… Nghĩ cho vui vậy, chứ ông thừa biết thần linh toàn do con người nghĩ ra rồi tôn lên cả. Ông mê là mê cái cách mà ông bà ta tạo ra thần linh, rồi truyền giữ tất cả những thứ liên quan đến thần linh như một bảo bối. Cái bảo bối thực thực hư hư mà chắc như dây neo, giữ cả con tàu to đùng không mất phương hướng khi bơi ra đại dương nhiều sóng gió. Cả đời ông Biểu đi khắp hang cùng ngõ hẻm, núi cao sông rộng, lần tìm mật mã của sợi dây neo, nói lại cho những người trẻ tuổi nghe để trân quý nó. Cũng có người nghe, cũng có người không, nhưng ông biết mình không cuốn chúng vào những u mê mờ mịt. Ông không biết thần linh trú ngụ nơi nào, có thật hay không, nhưng cái nhà của thần linh là có thật, những thứ đồ dùng trong nhà thần linh là có thật, và cả niềm tin của mọi người vào thần linh cũng có thật. Lấy cái có thật ấy để chứng minh cái không thật, lấy cái không thật để bảo vệ cái có thật. Vòng luẩn quẩn ấy, mãi sau này ông mới nhìn ra.
Bây giờ ông đã già. Ai dám bảo một người sống trên đời hơn chín chục năm không phải người già. Hồi mới sáu mươi, rồi bảy mươi, có đôi khi ông vẫn hoài nghi về cái sự già đang đến với mình, nhưng giờ thì không thể nào hoài nghi được nữa. Không thể hoài nghi nên ông buồn. Nhất là lúc này, ông muốn hoài nghi quá. Có nhiều thứ hoài nghi tốt hơn là biết rõ. Chả lẽ cứ coi như mình không biết rõ. Không cần chả lẽ nữa, thực là mình chưa biết rõ. Một ông già trăm tuổi cũng không thể biết rõ điều gì sẽ diễn ra vào ngày mai thì tại sao mình, mới ngoài chín mươi phải biết, kể cả mình có thêm con mắt thứ ba biết nhìn thấu cả thế giới bên kia thì cũng không thể biết rõ được, chỉ đoán thôi. Giờ, mình đừng đoán nữa. Kệ cái gì nó đến thì đến. Cứ thế đi…
Cứ thế đi.
Kệ!
Cứ thế đi.

Mùi gió thơm thoảng đến rồi biến đi đâu khiến ông thảng thốt. Không biết là cơn gió thơm thật hay là ảo giác. Mà là gì cũng không quan trọng. Quan trọng là ông đang thấy rõ đó là mùi tóc. Mùi tóc Thuỵ Khuê, lúc cô ấy mang cốc nước đặt lên bục cho ông nhấp giọng, cho cổ đỡ khô khi nói nhiều. Cô ấy còn đang tìm chỗ đặt cái cốc lên để vừa tầm tay thầy mà không làm ảnh hưởng đến việc quay phim chụp ảnh của người khác, thì lão gió già tai ngược thổi thốc đến, vậy là tóc cô ấy tung lên vài sợi, quệt vào má thầy. Cái tóc gì mà trơn, mà mềm như nước vậy, lại còn thơm như hoa bưởi đương độ đòi ong về thụ phấn. Nó làm lớp da nhăn chùng trên mặt ông rung lên cơn co giãn nhẹ, làm cánh mũi ông động đậy, làm hồn vía ông thảng thốt. Lâu nay ông cứ nghĩ mình già quá rồi nên mấy cái tế bào cảm giác ở da ở mũi không hoạt động nữa. Vậy mà lúc ấy, ông đứng lặng mất vài giây. Lặng vài giây ở cuối câu nói còn dễ cho qua chứ lặng ở giữa câu thì không ra làm sao cả. Mang tiếng một ông thầy đầy chữ thật, kinh nghiệm thật và tài diễn thuyết thật mà câu nói không tròn nghĩa, bỏ dở giữa chừng thì còn ra làm sao! Nếu người nghe hiểu cho là do người già nói chậm thì còn được, chứ họ nghĩ chữ của ông là chữ giả thì phí cả đời tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi. Mà chả lẽ ông lại đi lấy cái sự già để bao biện cho sự nói không tròn câu ư? Già. Nói không thông nữa thì còn nhận lời đi giảng làm gì cho nhọc thân, rồi thiên hạ họ nghĩ mình tham, rồi bọn trẻ nít nó coi thường… thì… có phải phí cả đời một ông giáo già chân chính không! Ông Biểu cật vấn mình như vậy suốt từ lúc rời khỏi bục nói chuyện ở hội trường trung tâm văn hoá thành phố Sa Linh đến giờ.
Bục cao hơn sàn hội trường năm bậc. Lúc ông rời bục, Thuỵ Khuê lại đến, đỡ ông bước xuống. Cô đâu biết rằng cô đỡ làm ông run hơn là không đỡ. Nhưng dù run vì cái gì thì ông vẫn phải đi bên cạnh cô cho khỏi ngã. Ông không dám tự tin là mình sẽ không ngã nhưng vẫn bảo cô rằng, cảm ơn chị, tôi vẫn còn đi được, chị làm thế này là nhắc tôi đã già rồi đấy. Ông vẫn nói đùa như thế mỗi khi có ai đó quan tâm đến mình. Cô ấy bảo, dạ, vậy em không làm phiền lòng thầy, nhưng mà nếu thầy cần một chỗ vịn thì… Cô ấy nói gì đó nữa nhưng hai tai ông không nghe rõ, có thể lão gió già tai ngược lại thổi mất mấy chữ ấy đi. Hoặc là ông mải hít vào thở ra theo nhịp thở phập phồng của cô ấy, hoặc là ông đang mải chú ý để bước vững chân qua năm bậc xi măng trải thảm hơi cao so với tầm bước của mình. Bậc cao và hẹp, chả may trượt chân thì cả hội trường sẽ nghĩ ông là ông giáo già thật, cả cái cô Thuỵ Khuê này cũng sẽ nghĩ như thế. Cả hội trường nghĩ ông già thì kệ, ai chả đến lúc già. Còn Thuỵ Khuê nghĩ mình già thì sao nhỉ? Ờ! Sao nhỉ? Đầu óc ông chỉ luẩn quẩn có bằng ấy ý nghĩ từ khi rời bục bước xuống hội trường. Rồi nó, cái ý nghĩ ấy, còn kéo dài đến tận bây giờ, khi ông đã rời xa Sa Linh mấy chục giờ đồng hồ. Chả nhẽ, sợi tóc thơm mềm như nước kia rạch vào não ông một vết sâu hoắm rồi dồn quét tất cả những thứ liên quan đến Thuỵ Khuê vào đó mà không rạch lối thoát, khiến nó cứ lùng nhùng, luẩn quẩn trong đầu ông.
Lúc ông bước xuống đến sàn hội trường mà không bị trượt ngã, ông đã nghĩ khả năng giữ thăng bằng của mình vẫn tốt như ngày xưa.
Đợt làm việc kết thúc, như mọi lớp học chuyên đề, ngoại khoá, tập huấn gì gì đó diễn ra dài ngắn khác nhau trên khắp đất nước này, như những lớp bồi dưỡng chuyên môn ông đã về giảng ở Sa Linh nhiều năm trước, những năm ông chưa từng biết Thuỵ Khuê. Những năm Thuỵ Khuê chỉ là một cô nhân viên phục vụ trong hội trường. Những năm ông không cần để ý đến Thuỵ Khuê hay Thuỵ Khuê không va chạm gì đến ông, hay lão gió già chưa trêu ngươi ông. Là gì thì cũng kệ, tầm này thì ông cũng đã rèn xong cho mình khả năng không tiếc những thứ đã qua nữa rồi.
Thật là không tiếc nữa.
Ông Biểu đi ra cửa. Bước chậm kiểu người già. Thi thoảng còn ngoái lại phía sau như tìm kiếm cái gì. Phía sau ken đặc người là người mà ông không nhìn thấy ai. Phía sau ồn ào hỗn độn các âm thanh y như trẻ con tan học, lại còn chèn thêm tiếng băng đĩa í éo hát bài ca giã bạn, vậy mà ông vẫn giật mình thảng thốt khi tiếng Thuỵ Khuê cất lên: “Thưa thầy, hình như thầy quên gì ạ!”. Tiếng nói nhẹ, trong văn vắt, ấm sực như than lửa, cái ấm - nóng - ngọt lịm, vị ngọt bây giờ thi thoảng ông vẫn thấy thấm vào tai rồi lan xuống khắp cơ thể, nó làm các tế bào trên từng bộ phận cơ thể ông cựa quậy không yên. Với tính hay bông đùa, lẽ ra ông phải nói rằng “Hình như tôi quên một ít âm thanh của mình trong hội trường”, hoặc là “Tôi chỉ đang ghi nhớ cái chỗ tôi đứng lỡ mai các cụ có rủ tôi đi mây về gió thì tôi còn lướt qua đây thăm các bạn”… Ấy vậy mà ông không trả lời được, đành chỉ cười rồi tập trung tất cả ý nghĩ vào bước chân, để bước cho đều và vững. Ông đã bước đi đều và vững như thế cho đến khi rời Sa Linh.
Bây giờ còn lại một mình với những tia bình minh mỏng và mềm như tóc, ông Biểu cố hình dung khuôn mặt Thuỵ Khuê, oán trách ông trời không cho đôi mắt ông sáng thêm. Mà cũng tại mình không để ý từ đầu, ba ngày lên lớp sáu buổi, cô ấy đều mang nước lên bục vài lần, mình uống hết thì thay cốc mới, nước nguội cũng thay cốc mới vừa đủ ấm cho mình nhấp môi, chăm chút mình đến thế còn gì. Bao nhiêu lần cô ấy đứng gần sao mình không để tâm quan sát xem khuôn mặt cô ấy thế nào. Mà cũng tại cô ấy, sao đến buổi cuối cùng mới khiến mình chú ý. Cũng không phải tại cô ấy. Tại lão gió già. Lão ghét mình hay thương mình mà thổi cái tóc thơm mềm ấy lên má mình. Chả nhẽ, mình lại phải nhìn bằng đôi mắt thứ ba? Ừ nhỉ, đôi mắt thứ ba, đôi mắt thức. Đôi mắt của những người có duyên làm việc gần gũi với thần linh. Ông đã tự yêu cầu mình chỉ được dùng nó cho công việc, cũng không phải mọi việc, chỉ dùng cho những việc thiêng thần bí. Ông được thần linh cho con mắt thứ ba để phục vụ các ngài, để nhìn thấy những gì đã thuộc về ông, của ông và do ông, vậy nên ông luôn nhắc mình phải thật cẩn trọng khi dùng nó. Ông không dám chắc mình có được phép dùng con mắt thứ ba để tìm kiếm Thuỵ Khuê. Chín mươi tuổi. Được phép hay không được phép. Không được mà cứ làm thì điều gì sẽ xảy ra. Thần linh phạt ta hay ta phạt ta. Phạt bằng cái chết hay phạt bằng cái mất. Cái chết thì ai rồi cũng sẽ nhận. Cái mất thì sao đây? Mất! Là xoá sạch dấu vết của ta trên cõi trần ai này. Hay mất tất cả những thứ ta vừa có. Mà có thật là ta đã có? Nếu thật có, thì mất có nhất thiết phải để mất không?
Hít một hơi dài, ông Biểu nhìn vào khoảng không đang ửng hồng xung quanh, rồi chặc lưỡi. Kệ! Ông thả lỏng cho xúc cảm trôi đi, đi đâu cũng được. Chả tội gì ông phải kìm nén những thứ tự nhiên đang diễn ra trong con người mình, đi ngược lại tự nhiên chẳng phải là điều điên rồ nhất trên quả đất này hay sao.
Lão gió già lại thổi từ đâu đến một luồng hương quen thuộc. Quen vì ngày nào ông cũng thấy. Nó bay đến từ hàng rào bê tông phủ đầy hoa hồng leo quây xung quanh khu đất rộng mênh mông của căn biệt thự. Cháu dâu của ông thích hoa hồng. Hàng rào hoa đó là quà tặng sinh nhật mà thằng đích tôn của ông làm tặng vợ. Tặng vợ, nhưng nó sợ ông tủi thân nên bảo rằng cháu làm khu vườn đẹp như vườn thượng uyển này để ông thư giãn, chứ ông suốt ngày lụi cụi trong những ngôi đền miếu lụp xụp, xập xệ, sặc sụa mùi khói nhang thì tổn thọ lắm… Sư cha nó, nó biết thừa ông nội nó không ưa gì thứ hoa chăm cỏ xén. Nhưng cũng phải thành thực rằng hương hoa hồng đúng là dễ chịu thật, nó thơm nồng nàn vào buổi sáng, thoang thoảng vào buổi trưa, ngọt đậm khi chiều tà. Bây giờ nó đang dở chứng, nó nồng nàn cả khi bình minh mới nhú. Ông thấy rõ là nó đang chui qua các lỗ chân lông thấm sâu vào cơ thể, khiến ông châng lâng trong cảm giác thật khó diễn tả. Nếu lúc này có Thuỵ Khuê ở đây, chỉ cần cô đứng chải tóc dưới những bông hồng đẫm sương kia và khi ánh mặt trời nhặt dần từng hạt sương mỏng, hương tinh khiết của hoa hồng sẽ thấm vào từng sợi tóc, thấm vào da thịt cô ấy, và đôi mắt cô ấy hẳn sẽ ngời lên rực rỡ. Và cả bầu trời, hoa hồng, dòng sông, con đường..., tất cả mọi thứ sẽ chỉ còn trong đôi mắt ấy thôi. Nếu mình nhìn vào đôi mắt ấy, nếu mình chạm vào mái tóc ấy. Nếu những đôi bàn tay chạm vào nhau… chạm… như một cái bắt tay chẳng hạn. Không, cứ như một cái cầm tay đi. Người già chậm chạp, cử động gì cũng chậm, cầm tay lâu một chút cũng có sao đâu… Ông Biểu không nghĩ tiếp nữa, ông đã nghe rõ những mầm mạch trong cơ thể mình nô nức như dòng người trẩy hội, các ngón tay ấm sực, các ngón chân ấm sực, lồng ngực phập phồng cảm giác như hò hẹn người yêu thuở nào xa xôi lắm, cái cảm giác khiến ông nhớ mình thời xuân trẻ. Cái thằng Biểu rụt rè, nhìn thấy con gái là sợ, tim đập loạn, chân tay lóng ngóng, mặt nóng phừng phừng, không kéo giãn nổi quai hàm lên để mở miệng mà nhả ra vài từ tử tế. Cái thằng Biểu không cha không mẹ, được một nhà sư đón về chăm nuôi từ khi còn bé tí, nhờ lòng thơm thảo của người làng mà lớn lên, được nhà sư dạy dỗ kinh sách, được cô giáo trường làng kéo qua cánh cửa lớp học rồi mở ra vài ô cửa khác, rồi cứ theo đó mà đi miết đến giờ.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Hồi ấy, sư thầy bảo Biểu không có duyên tu hành nên không cần xuống tóc. Biểu lớn lên, được học hành như hết thảy bạn bè cùng trang lứa. Năm Biểu mười lăm tuổi, người ta đốt phá hết các đền chùa miếu phủ, Biểu không còn chỗ ở, theo đám thanh niên xung phong lên mạn ngược khai hoang mở đất. Giữa nơi rừng thiêng nước độc, giữa chốn rừng núi thâm u, Biểu cũng như bao nhiêu người tha hương, chỉ biết trông vào sự bảo trợ của thần linh mà kiên tâm vững dạ gieo trồng, sinh cơ lập nghiệp. Cũng ở nơi rừng rú thâm u ấy, Biểu phát hiện ra vô số chứng tích về sự tồn tại của thần linh từ ngàn đời nay. Biểu bắt đầu rèn tập để sử dụng con mắt thứ ba theo cách sư thầy truyền dạy. Rồi lấy vợ, sinh con. Thuận theo tự nhiên. Cuộc đời Biểu, chưa khi nào ép mình cưỡng lại tự nhiên, chưa khi nào diễn biến bất thường, hoặc là mọi điều bất thường xảy đến, Biểu đều có cách làm cho nó bình thường, ít ra là trong ý nghĩ, và đối diện với nó như đối diện với những điều bình thường xảy đến trong đời mỗi người. Vậy nên từ khi nghỉ hưu, mỗi lúc ngồi kiểm đếm lại đời mình, ông không thấy có trở ngại nào đáng kể.
Ông Biểu hít thở đều, thả lỏng mọi giác quan, thả lỏng ý nghĩ. Đôi mắt không nhìn vô định nữa mà thu về, nhìn đăm đắm vào con bướm trắng đang chập chờn quanh mấy bông hồng sát tường bao. Trong đám hồng đang rung rinh gọi bướm ong kia, hình như có một bông vừa hé cánh. Cánh hồng ngậm đầy sương trắng, những giọt sương ảo ảo mờ mờ như muốn lách qua kẽ cánh hoa mà rớt xuống hư vô. Cái cánh hoa ấy, sao mà gợi tình, bảo sao nó được người ta chọn làm hoa tình yêu, rồi còn ai đó nữa, gọi hoa là bộ phận sinh dục của cây, thật chẳng sai tí nào. Cái cây mơn mởn đơm tình trước mắt khiến ông thật khó mà thư thái thưởng hương hoa trong tinh sương thinh lặng. Ông nghe rõ tiếng nhúc nhích của từng tế bào trong mạch huyết, những cơn chuyển động nhanh dần, râm ran dưới lớp da đồi mồi rồi lại chậm, lại nhanh. Nó khiến ông thấy bàn tay trở nên tươi mới và ấm nóng. Ông đặt bàn tay này lên bàn tay kia, những ngón tay chạm vào nhau, miết vào nhau, nóng hổi, rạo rực. Cái vòng đeo tay kêu bíp bíp, tiếng kêu nhanh dần, gấp gáp hơn. Cái vòng tay nhắc huyết áp của ông đã lên cao, cần phải uống thuốc để hãm nó lại. Nhưng ông không nghe thấy. Ông chỉ còn thấy mọi nguồn mạch dồn về chính giữa cơ thể, cái đoạn giữa con người, chẳng phải tim gan phèo phổi cũng chẳng phải ruột non ruột già. Cái đoạn giữa, đoạn giải thoát hay đoạn hồi sinh, lúc này ông không biết gọi là gì nữa. Giải thoát, nếu nó thực sự giải thoát được. Hồi sinh… liệu có thể hồi sinh một cá thể động vật cấp cao đã tồn tại hơn chín mươi năm? Hồi sinh… hồi sinh ở nơi nào? Cái nơi ấy… nơi bông hoa hồng đang he hé cánh sắp sửa tướt xuống vài giọt sương lấp lánh như pha lê kia ư?
- Ông ơi, ông có bỏ thuốc trong túi không vậy, có thì uống đi chứ để cái đồng hồ nó kêu mãi vậy?
Tiếng thằng cháu đích tôn đang tập thể dục cách vài mét khiến ông Biểu giật mình. Sư cha nó, nó không cho ông nó giải thoát hay không cho ông nó tái sinh… Tái sinh, ừ thì nó chính là sự tái sinh đã hiện hữu trước mắt ông đây thôi. Ông vừa nghĩ, vừa chậm chạp gỡ từng ngón ở bàn tay phải khỏi cái nắm giữ của bàn tay trái, rồi lần vào túi áo pyjamas lấy thuốc. Bàn tay run run, rung theo nhịp đạp xe trên máy tập thể dục của thằng cháu ở đằng kia. Thằng cháu cao to lừng lững, từ chỗ ông ngồi mà nhìn về phía nó, thì mặt trời không xói thẳng vào mắt ông được, chỉ nhìn thấy vài tia sáng thoát ra xung quanh nó thôi.
- Ông có nghe không vậy? Ông uống thuốc chưa?
- Rồi.
- Sao đồng hồ vẫn kêu?
- Chắc bị lỗi, đồ điện tử ấy mà…
Ông Biểu quên mất là cái đồng hồ ấy, thằng đích tôn sang nước ngoài công tác, đến đúng cái hãng sản xuất tốt nhất thế giới mua về biếu ông. Nghe đâu, cái đồng hồ bằng cả năm lương giáo sư hưu của ông. Chả lẽ máy xịn mà mới dùng có dăm chục ngày đã lỗi. Tại cái máy hay tại người dùng? Tại huyết áp ông thất thường hay tại cái máy không đủ thông minh để nhận ra tim mạch ông đang chảy lại hồi trai trẻ? Tại cái gỉ gì gi cũng được, miễn là cái thằng oắt con kia đừng bước gần thêm đến ông thì tốt. Chỉ cần nó đến gần, nó sẽ phát hiện ra ông nội nó đang nghĩ cái gì, hoặc ít nhất, nó cũng biết tình trạng của ông nó ra sao. Nó là truyền nhân của ông cơ mà, một bản sao thì đúng hơn. Nó hơn ông nội nó nhiều thứ, cũng thua ông nội không ít vì nó không mồ côi, không sống dật dờ trong những ngôi đền đình chùa cũ, không lớn lên bằng cách nhặt nhạnh tấm lòng thơm thảo của người đời…
- Ổn rồi, ra tập nốt còn đi làm.
Ông Biểu ra lệnh. Giọng cố làm ra vẻ rắn rỏi quyết đoán, nhưng không ngăn được thằng cháu đến gần hơn.
- Ông nội có tâm sự gì phức tạp à?
- Cha tiên nhân mày, chả có gì phức tạp sất.
- Cháu tập tiếp đây.
Ông Biểu không nói nữa, thằng cháu cũng không hỏi gì thêm, nó đạp xe tiếp trên máy tập thể dục cho đến khi máy tự động tắt theo giờ đã cài đặt trước rồi về đi làm.
Ông Biểu ngồi bên tảng đá cho đến khi nắng hong khô mọi hạt sương trên cánh hồng, trên thảm cỏ, và lũ bướm ong dập dìu kín trên những bụi hồng leo đã bung nở rực rỡ đủ mọi sắc màu.
Suốt cả ngày hôm ấy và nhiều ngày sau nữa, trong đầu ông Biểu vẫn đầy ăm ắp những ý nghĩ về Thuỵ Khuê. Những ý nghĩ cứ trở đi trở lại, những hình ảnh gần gũi với Thuỵ Khuê cứ rõ dần rồi mờ, rồi lại rõ, càng ngày càng đằm thắm mặn mà.
Bao nhiêu đêm không ngủ, ông Biểu cố hình dung lại những hình ảnh ít ỏi về Thuỵ Khuê trong những lần về Sa Linh công tác. Bao nhiêu sáng tinh mơ trở dậy ông lại ngồi thu lu cạnh tảng đá ven hồ, nhìn về phía dòng sông, nhìn bức tường rào bằng hoa hồng, nhìn những ánh bình minh nhặt từng giọt sương lấm tấm trên cánh hồng, trên lá cỏ, nghe cơ thể mình râm ran tiếng gọi Thuỵ Khuê.
Một ngày. Thuỵ Khuê đến. Nấp sau bụi hoa hồng màu cánh sen, mỉm miệng cười với ông Biểu. Nụ cười nhẹ, tiếng chào cũng nhẹ như sợ ai nghe thấy. Đôi môi tô son màu hồng đậm khẽ bật lên hơi thở dồn và ấm. Ông Biểu đứng sững, không tin vào mắt mình. Nhưng ông vẫn thả lỏng cho cơ thể mình từ từ trôi vào cơn lốc đang mạnh dần lên theo nhịp thở của Thuỵ Khuê, nhịp thở của cô hoà dần vào nhịp thở của ông… Cứ thế. Ông gần thêm, gần thêm đến Thuỵ Khuê, gắn lên đôi môi tươi hồng của Thuỵ Khuê nụ hôn nồng nàn son trẻ. Nụ hôn nở bừng khiến mọi hơi ấm trong cơ thể chạy dồn lên đỉnh đầu, rần rật theo cột sống rồi bật thoát nơi đáy lưng. Những giọt sương còn sót lại trên cành hồng đổ dồn về phía ông, nhướm ướt.
Đúng vào lúc ấy, ông Biểu bàng hoàng nhận ra mình đang ngoạm chặt một bông hoa vừa hé nở.
Hụt hẫng. Bẽ bàng. Mồ hôi rịn trên trán. Dọc sống lưng, nơi cơn ấm vừa lao vút qua giờ là luồng khí lạnh, lan dần từng đoạn, từng đoạn nhỏ, khiến tay chân ông rã rời. Ông nằm xuống, thiếp dần đi trên thảm cỏ xanh mướt.
Thằng cháu đích tôn của ông Biểu ngày nào cũng vừa tập thể dục vừa trông chừng ông nên nó biết cần làm gì mỗi lần ông mệt. Nó cũng là đứa gắn bó với ông nhất. Cũng vì nó theo nghiệp của ông, mê mẩn với đền đài lăng tẩm, nên khi bố mẹ cho ra ở riêng, nó đòi ở chung với ông. Ông cũng thích ở với cháu hơn ở với thằng con trai chỉ mải mê làm ăn buôn bán. Cả hai ông cháu còn một thứ chung nữa, ông thì muốn trút lại hết những thứ của cải chất đầy trong đầu mình ra giấy, ra sách, còn thằng cháu đích tôn thì muốn gom vét cho bằng hết những thứ của cải ấy để làm vốn, vậy nên hai ông cháu cứ kè kè cạnh nhau. Cháu đòi theo ông cho lớn thêm, còn ông bảo cháu mày đi đâu làm gì cho ông làm với để ông khỏi thành lão già vô dụng. Khi ông đi giảng bài thì nó theo vừa làm trợ giảng, vừa lo toan sức khoẻ cho ông, vừa tranh thủ ghi chép. Nó biết ông nội nó mỗi lần lên diễn đàn thế nào cũng ngẫu hứng tuôn ra đầy thứ đáng giá, ghi lại chả bao giờ thừa.
Một chiều, thằng cháu đích tôn đi làm về, hớn hở:
- Ông nội, cháu nhận được công trình mới dưới Sa Linh, phục dựng lại cái chùa cổ bị phá từ hồi chiến tranh, cháu xa ông vài hôm nhá, ông ở nhà có đi đâu nhớ cầm theo thuốc, mà đừng có đi đâu một mình.
Sa Linh… nghe hai tiếng ấy, ông Biểu đã muốn ngưng thở, tim đập rộn ràng, cái đồng hồ kiểm soát huyết áp ở tay lại kêu tít tít.
- Bao giờ đi?
- Sáng mai. Nhanh thì tối, chậm thì ngày kia cháu về.
- Ừ…
Ông Biểu trả lời như tiếng thở hắt ra. Tim muốn nghẹn lại. Như vui quá. Như run rẩy quá. Như buồn nhớ quá. May là thằng cháu mải chuyện với vợ nên không để ý. Ông đứng thẳng lưng, hít thở sâu theo cách mà ông đã rèn luyện để giữ cân bằng cơ thể, cân bằng để cái đồng hồ nó đừng kêu tít tít và thằng cháu đừng cảm thấy gì.
Thêm một đêm chi chít chữ Sa Linh và hình ảnh Thuỵ Khuê trong đầu ông Biểu.
Thêm một đêm những vết tóc của Thuỵ Khuê nhằng nhịt trên má ông Biểu.
Thêm một đêm ông Biểu thức chong chong hít hà mùi tóc thơm mềm và nghe tiếng chân lão gió già nghễu nghện vút qua.
Thêm một đêm, những âm thanh trong trẻo nồng nàn thoát ra từ đôi môi tô son màu cánh sen rót vào tai ông Biểu.
Thêm một đêm ông Biểu cuộn chặt gối ôm vào lòng, miết nén những căng cứng nhướm ướt.
Thêm một đêm…
Tinh mơ ngày mới, ông Biểu không ngồi thu lu cạnh tảng đá ven hồ nữa mà ngồi cạnh cánh cửa ô tô của thằng cháu:
- Mày không chê ông già thì cho ông đi cùng ông tư vấn thêm cho, đã mất công phục dựng chùa thì làm cho đàng hoàng, giữ cái hồn cốt cũ nhưng để lại được dấu ấn thế kỉ này thì tốt.
Thằng cháu reo lên:
- Thần hộ mệnh của cháu đây chứ đâu.
“Sư cha nhà nó”, ông Biểu vẫn hay lầm rầm mắng thằng cháu như vậy bất kể khi nó làm ông vui hay buồn hay tức giận. Vui với chả buồn, về Sa Linh thì có gì vui, có gì buồn… Thuỵ Khuê… Sa Linh… buồn… vui… hay hờn ghét? Về. Sa Linh có phải quê đâu mà về. Mình chỉ đi Sa Linh công tác thôi mà. Đi với chả về… Chỉ hai cái chữ đi về mà ông nghĩ ngược nghĩ xuôi suốt dọc đường dài, quên cả hỏi xem thằng cháu định làm gì với công trình mới nhận này.
Thằng cháu vào làm việc với đối tác ở tỉnh và gọi họ đi cùng về nơi cần phục dựng chùa. Ông Biểu bảo “mày đi một mình cho lớn người, có lão già này bên cạnh, người ta tưởng mày vẫn cần bảo mẫu, mà nếu họ chỉ chú ý đến mày thì lại coi ông như của nợ, tội ra”. Ông nói vậy, chứ thực tình, từ lúc xe đi chậm rồi dừng hẳn, ông đã tìm thấy nhà văn hoá trung tâm thành phố Sa Linh, nó chỉ cách chỗ xe dừng chừng dăm phút đi bộ.
Nhà văn hoá đang mở cửa chính, lớp bụi trên sảnh chi chít dấu giày dép. Tiếng loa trong hội trường thi thoảng văng ra hiên ít lời nói, đủ để chắc chắn rằng người ta đang hội họp chứ không phải đang hát hò trình diễn. Hội họp. Liệu Thuỵ Khuê có ở đó để mang nước lên cho người nói? Liệu khi cốc nước mang lên bục, lão gió già có thổi tóc em lên má ai đó kia không? Liệu sợi tóc mềm có buộc em với ai đó kia không? Liệu em có sánh bước cùng họ trên những bậc thềm trải thảm đỏ và nói với họ những lời ngọt ngào… Liệu em có… Ông Biểu thấy cơn nóng tràn dần lên mặt, mồ hôi rịn ra bên thái dương, tim đập nhanh hơn và cái đồng hồ ở tay đang nháy đèn sắp sửa kêu. Ông dừng lại bên ngoài tấm rèm cửa. Tấm rèm dày cụp, ngăn ánh sáng không xói thẳng vào diễn giả, ngăn những bước chân xô bồ không tràn từ ngoài vào hội trường, ngăn những bước chân thiếu nghiêm túc không bước ra ngoài tán chuyện phiếm. Chỉ cần vén tấm rèm, ông sẽ biết tất cả trong hội trường, và có thể nhìn thấy Thuỵ Khuê. Ông sẽ biết kẻ đang đứng ở vị trí của mình trên bục kia là ai, Thuỵ Khuê có ở đó không, có đến gần kẻ đó không… Ôi cô gái có đôi môi tô son màu cánh sen đậm, cô gái có mái tóc đen dài thơm hương hoa bưởi, cô gái diện tấm áo dài nhẹ như cơn gió...
Có tiếng vỗ tay ran ran, có thể đã đến giờ giải lao, hoặc là chuyển từ diễn giả này sang diễn giả khác. Nếu giải lao Thuỵ Khuê sẽ ra ngoài này. Nếu chuyển diễn giả, Thuỵ Khuê sẽ lên bục và thay cốc nước. Cốc nước trong suốt sóng sánh theo ánh đèn quanh bục, thứ ánh sáng trong trẻo như khuôn mặt tươi hồng và đôi mắt lấp lánh của Thuỵ Khuê… Liệu có ai ngoài ta nhìn thấy ánh sáng ấy…
Không có tiếng ồn của giờ giải lao. Vậy là người lên bục nói sẽ thay đổi. Vậy là Thuỵ Khuê sẽ xuất hiện… Ông Biểu giơ tay chạm vào tấm rèm, chạm mà chưa biết có kéo ra không.
Có bàn tay gạt tấm rèm từ phía trong. Một cô gái tóc dài, áo dài bước ra. Ông Biểu giật mình lùi lại, bước chân loạng choạng. Cái đồng hồ ở tay kêu tít tít liên hồi trong khi cô gái lướt nhanh về phía phòng nhân viên phục vụ, nhanh đến nỗi tà áo sau bị gió hất tung lên còn tà trước lách qua hai ống quần tung ngược về phía sau như đuôi con rái cá.
Ông Biểu đứng lặng trên sảnh. Rất lâu. Không suy nghĩ, không cảm xúc, không tiếng kêu tít tít của cái đồng hồ trên tay. Không âm thanh trong hội trường vọng ra. Không tiếng xe cộ ầm ào phía đường hắt lại. Không tiếng lá cây rơi ngoài sân. Không ánh nắng xiên qua cành lá đốt khét đám sân trải nhựa. Ông Biểu lọt thỏm dưới những hàng cột bê tông cao to lừng lững trước sảnh, góp thêm một bức phù điêu cho triển lãm điêu khắc đang diễn ra trong khuôn viên nhà văn hoá trung tâm thành phố.
Thằng cháu đích tôn gọi điện:
- Ông ra xe đi, mình về chùa cho sớm.
- Ừ.
Ông lùi lũi bước về phía thằng cháu, nắng rải lênh láng trên mặt đường. Đến nơi, ông lên tiếng:
- Thư thả mà đi, về đến nơi vào chiều cũng được, khi nào mặt trời mọc ở đằng tây thì đo vẽ tính toán mà làm cái mái hứng thật nhiều ánh sáng tự nhiên vào.
- Mặt trời mọc ở đằng tây! Ông làm cháu nhớ Puskin rồi đấy(1).
- Sư cha nhà anh!
- Ông ý có bài thơ gì ấy nhỉ. Bài gì có cái câu nhưng không muốn em bận lòng thêm nữa, hay lòng ta phải gợn sóng u hoài…
- Tiên sư cha nhà anh… lòng em hay lòng ta… ông đọc lâu rồi quên mất…
Ông Biểu lẩm bẩm không thành tiếng, tựa nhìn ra bên ngoài cửa kính ô tô. Những bóng người xuôi ngược lướt qua. Lão gió già đi ngược chiều, lao vun vút về phía sau. Ruột gan ông cuộn lên cơn co thắt. Nhẹ. Nhưng cũng khiến một giọt nước mắt long ra khỏi đôi mi đã nhăn chùng, loang dưới vành kính lão mà không tràn được xuống má
Tháng 3/2019
V.T.L


----------

1. Thi hào Nga Puskin giỏi ứng tác thơ từ thuở nhỏ. Có lần, trong giờ văn ở trường, thầy giáo bảo một học sinh làm thơ tả cảnh mặt trời mọc. Anh bạn này nghĩ mãi mới ra một câu:
Mặt trời mới mọc ở đằng tây...
Cả lớp cười ồ lên vì câu thơ vô lí quá. Ai chẳng biết đằng tây là phía mặt trời lặn.
Thầy giáo bảo Puskin tìm cách chữa cho bạn. Puskin liền đứng dậy đọc tiếp:
...Thiên hạ ngạc nhiên chuyện lạ này,
Ngơ ngác nhìn nhau và tự hỏi:
“Thức dậy hay là ngủ nữa đây?”

Thế là tránh được điều vô lí, mà bốn câu lại hợp thành một bài thơ ngộ nghĩnh. Sau đó ít lâu, bài thơ được đăng trên báo Người đưa tin châu Âu với đầu đề Gửi bạn làm thơ. Bạn bè trong lớp vô cùng hãnh diện về nhà thơ của lớp mình.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)