Tuyết mai Yên Tử

Thứ Năm, 13/06/2019 09:05

.Truyện ngắn dự thi. TRIỀU LA VỸ

 

 

1.
Mới đầu đông mà cây mai trước sân nhà Tùng đã nở rộ. Nhụy vàng ươm. Năm cánh trắng muốt. Nắng chiều hanh hao run nhè nhẹ trên những cánh hoa mỏng mảnh khiến lòng Tùng cứ thấy bồn chồn.
Đây là cây tuyết mai cha đã đào được trên non cao Yên Tử quanh năm mù sương. Dáng liễu. Xa xa trông yểu điệu thướt tha như thiếu nữ đang làm dáng bên hiên nhà, thanh thoát mềm mại như chim hạc đang xòe cánh múa.
Bà nội kể rằng năm đó cha Tùng chỉ mới mười ba tuổi, đi hái củi và lạc vào rừng sâu khiến cả nhà suốt đêm như ngồi trên đống lửa. Bà nội sụt sùi lo âu bên góc nhà, ông nội đi ra đi vào đứng ngồi không yên, mới tờ mờ sáng đã vội vàng xách rựa lên núi. Tìm mãi mới gặp cha ngồi nghỉ trưa cạnh suối Rồng, mặt mày nhếch nhác, tóc tai bù xù nhưng ánh mắt ngời ngời, tay ôm gốc mai sáng rực một màu trắng tuyết.
Nhưng cây mai trồng xuống vườn nhà đằng đẵng mấy năm không chịu ra hoa lần nữa. Ông bà nội lo lắm, nghĩ vẩn nghĩ vơ rồi dẫn cha đi chùa lễ Phật cầu duyên. Lễ xong thì cha gặp mẹ. Duyên lành phúc tốt, mẹ về làm dâu xóm Tiều Phu trong tíu tít mừng vui của cả nhà. Giữa mùa hạ năm ấy, đang tiết trời nắng nóng cây tuyết mai bỗng tự nhiên rụng lá rồi bần bật đâm chồi nảy lộc và bừng bừng kết nụ trổ hoa. Khỏi phải nói ông bà và cha đã mừng vui như thế nào trước điềm lạ phúc lành.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Tháng chạp năm đó, giặc Mông Thát vào cướp nước. Cha lên đường. Ông nội trao cây rìu báu cho cha, lặng lẽ không nói gì. Bà nội rưng rưng quàng vào vai cha chiếc túi gai đựng chiếc áo len cũ sờn và một nắm cơm vắt muối vừng. Mẹ cầm tay cha đặt lên cái bụng thon thon căng tròn của mình, miệng cười như mếu, mắt long lanh. Cha đi. Đầu ngửng cao. Vụt nhanh ra khỏi ngõ. Nhẹ tênh như một cánh chim bằng. Lưỡi rìu thép trên vai cha sáng lòa kiêu hãnh trước ban mai rực lên những tia nắng hồng.
Mùa xuân ấy bên gốc mai gầy guộc mảnh mai, mẹ lặng lẽ ngồi đan áo mũ cho đứa con sắp sinh. Tùng ra đời lúc hoa mai rụng trắng một khoảnh sân vừa chớm vàng rực nắng hè.
Giặc tan. Mọi người hớn hở tìm về đoàn tụ, sum vầy. Bóng cha vẫn biền biệt. Xuân về. Hè sang. Thu qua. Đông tới. Bao mùa cây tuyết mai trụi lá thay hoa là bao mùa mẹ đứng tần ngần tựa cửa đợi cha về.
Tùng thở dài. Lần nào nhớ cái dáng gầy gầy mảnh mai của mẹ, Tùng cũng thấy mắt mình cay cay. Bất chợt, tay Tùng chạm khẽ vào chiếc khăn len đang quàng trên cổ. Đấy là món quà vô giá của một người đàn bà kì lạ. Mùi vải vóc tinh tươm hay mùi người đàn bà có ánh mắt buồn hanh hao giống mẹ cứ thoang thoảng đâu đây khiến lòng Tùng rưng rưng xúc động.

2.
Đó là một buổi trưa cuối thu, gió se se, nắng nhẹ. Cây tuyết mai trước sân nhà Tùng sau tiết hàn lộ không hiểu sao lại nảy lộc kết nụ, nhưng chỉ nở duy nhất một bông.
Người đàn bà đứng thẫn thờ bên gốc mai, ánh mắt buồn vương vít trên những cánh hoa trắng. Áo nâu. Tóc vấn gọn. Cổ cao trắng ngần. Chiếc khăn len vắt hờ một bên vai. Khuôn mặt thanh tú. Dù ăn mặc giản dị nhưng trông người đàn bà rất sang trọng quý phái. Cái cách đưa khẽ những ngón tay thon lên vuốt những sợi tóc mai lòa xòa trước trán sao giống quá, giống đến nỗi suýt chút nữa Tùng đã chạy ào ra gọi mẹ.
Năm đó Tùng mười bốn tuổi nhưng trông gầy gầy nhỏ nhỏ như một đứa bé mới lên mười. Mẹ Tùng bạo bệnh mất vừa tròn năm.
Bà nội bước ra với một bát trà cúc trên tay.
- Mời lệnh bà dùng trà.
Người đàn bà nhón tay đỡ lấy bát nước, giọng nhẹ nhàng như trách:
- Xin cụ đừng gọi như thế nữa. Hãy gọi cháu là Mai Hoa.
- Nhìn hoa nở, hẳn lệnh… à, hẳn cô đang nhớ trăm hồng ngàn tía đang khoe sắc trong vườn thượng uyển?
Người đàn bà cười buồn:
- Không, cháu chỉ nhớ Thượng hoàng thôi.
Người đàn bà ấy đến trò chuyện với bà nội cách đây vài hôm. Đó là một cung phi. Tùng nghe bà nội kể rằng khi vua nhường ngôi cho con rồi vào núi đi tu, Ngài đã cho giải phóng tất cả phi tần trong cung. Nhưng họ quá quyến luyến nên đã tình nguyện tìm đến chân núi cất nhà để ở, mong một ngày nào đó Ngài hồi tâm chuyển ý. Nơi họ ở là xóm Mụ và xóm Nường, cách xóm Tiều Phu không xa lắm.
Người đàn bà nhẹ đưa những ngón tay thon dài chạm khẽ lên những cánh mai gầy guộc, giọng nói chợt khàn đi:
- Mai cháu lên Yên Tử tìm Thượng hoàng.
Không gian như chùng hẳn xuống. Bà nội trầm ngâm hồi lâu:
- Đại Sĩ rất chặt dạ. Ngài đã chọn am tranh và cuộc đời thanh bần giữa tịch mịch núi non hẳn đạo tâm rất lớn, không dễ gì lay chuyển.
- Không, không, không. Không thể nào… Đạo là đời. Ngài không thể chạy trốn cuộc đời, cụ ạ. Con người ấy có thể quên đi cung vàng điện ngọc nhưng sao có thể vô tâm trước bao thân mai cành liễu héo hon?
Người đàn bà úp ánh mắt đau đớn và khinh bạc vào hai bàn tay mình. Vai run. Lòng Tùng bỗng chênh chao hụt hẫng. Mắt cay xè. Ôi, ước gì mình còn mẹ!
Người đàn bà chợt ngửng mặt lên nhìn như đuối vào nhánh tuyết mai:
- Cháu xin cụ nhánh mai này làm quà cho Thượng hoàng nhé.
Bà nội thở dài:
- Cô còn nặng tình thế sao ta nỡ dửng dưng.
Bà nội chậm rãi đi vào bếp tìm cây rựa cái.
Người đàn bà đứng bên cội mai gầy vân vê vạt áo hồi lâu như đang nghĩ gì lung lắm. Bỗng bà quay phắt lại và bắt gặp ánh mắt non tơ ươn ướt của một cậu bé đang len lén nhìn sau liếp cửa. Người đàn bà nhìn Tùng, âu yếm gọi:
- Nhóc con, ra đây với ta.
Tùng rón rén bước về phía người đàn bà. Dường như có một thứ vô hình nào đó khiến Tùng thấy mình và người ấy thân thiết gần gũi. Người đàn bà chùi vệt nhọ nồi trên má, vuốt lọn tóc lòa xòa trước trán rồi quàng chiếc khăn len vào cổ Tùng. Bà nhìn Tùng mỉm cười hài lòng. Nụ cười sáng trưng như cành mai ông nội trưng trong bình, ấm như miếng gừng mẹ rim ngày tết!
Bỗng người đàn bà kéo mặt Tùng ấp vào ngực mình, giọng nghèn nghẹn, thổn thức:
- Ước gì ta cũng có một đứa con.
Bầu ngực tròn căng nóng hực và thơm tho của người đàn bà khiến Tùng suýt nghẹt thở.
Người đàn bà rời khỏi ngõ từ lâu rồi mà Tùng còn đứng ngẩn ngơ như người mất hồn bên gốc tuyết mai có một nhánh hoa vừa bị cắt đang ứa ra một giọt nhựa trong vắt.
Mấy hôm sau, cả xóm Tiều Phu nhà Tùng và xóm Mụ, xóm Nường gần bên bỗng xôn xao khi hay tin một cung nữ trẻ đẹp trầm mình dưới suối Hồ Khê, trên tay còn cầm một nhánh tuyết mai gầy guộc chỉ có một bông hoa trắng muốt.

3.
Đôi chim hạc chao cánh bay ngang vườn chiều. Chúng sóng đôi vừa bay vừa kêu ríu ran. Tùng cười khẽ khi nhìn theo đôi chim hạc quấn quýt bên nhau nhỏ dần nhỏ dần, cuối phương trời xa, mắt long lanh. Tùng sắp làm bố rồi đấy!
Tháng giêng năm ngoái có hai người khách lạ dừng chân trước ngõ trầm trồ chỉ trỏ cây tuyết mai nhà Tùng. Đầu họ quấn khăn lụa, cổ quàng khăn len, chân đi giày cỏ. Áo và khăn còn đẫm hơi sương. Có lẽ họ vừa xuống núi.
Tùng mời họ vào uống trà cúc và ngắm hoa mai nở.
Người đàn ông trung niên dường như không hứng thú lắm khi bắt chuyện với người lạ nên ngồi chưa ấm chỗ đã vội xin phép đi quanh vườn ngắm hoa, vãn cảnh.
Người con gái tuổi chừng đôi tám, mặt đẹp như trăng rằm, da trắng như tuyết vừa ngắm cây mai vừa reo lên khe khẽ:
- Ôi tuyết mai tuyết mai, đẹp và thơm quá!
Tùng thoáng bối rối:
- Cha tôi đào được nó từ đỉnh Yên Tử mù sương lúc cha còn trẻ con đấy. Nhưng mãi cho đến khi mẹ tôi về và sinh ra tôi nó mới chịu ra hoa lần đầu.
Người con gái nói như hờn dỗi:
- Ôi! Anh thật có phúc quá.
- Cô nương không vui chăng?
Giọng cô gái chợt trầm hẳn:
- Mẹ ta mất lúc ta vừa mới bốn tuổi. Còn cha ta… Ôi, ta sắp phải xa người mãi mãi mất rồi.
- Cha cô ốm nặng ư?
- Không, không… Cha ta vẫn khỏe.
Nói rồi người con gái đang ngồi bên bàn đá chợt đứng bật dậy bước đến bên cội mai, tay chạm nhè nhẹ trên những cánh hoa gầy mảnh trắng tinh, giọng mỏng tang như một hơi thở trộm:
- Ước gì nơi đất khách quê người, ta có nhành mai làm bầu bạn.
Tùng đã hiểu. Người con gái kia sắp sửa lên xe hoa về làm dâu xứ lạ, chắc phải ở một nơi xa tít tắp nghìn trùng nào đó. Bỗng nhiên, một nỗi bực bội khó chịu cứ dâng lên ngập ngụa trong lòng khiến giọng Tùng như dại đi:
- Sao cha cô nhẫn tâm thế?
- Không, không. Cha ta là một người nhân hậu, một người quảng đại. Cha ta rất yêu thương ta. Chỉ vì… Ngươi, ngươi… không hiểu được đâu. Đó là số phận của ta, là duyên nợ của ta thôi

Minh họa: Nguyễn Đăng Khôi

Tùng đi như chạy vào nhà. Chàng vái mấy vái trước bàn thờ gia tiên rồi nhẹ tay nhấc nắp chiếc lư thờ bằng gỗ, nhón tay kéo ra một gói vải đỏ. Đó là toàn bộ những hạt tuyết mai Tùng đã nâng niu dành dụm bao năm, chỉ chờ khi cưới vợ chàng sẽ lấy ra đem gieo quanh vườn nhà.
Giờ, Tùng trao nó cho một người con gái lạ lẫm mới gặp nhưng lòng chàng đã thấy thân thiết tự kiếp nào.
Người con gái cầm gói hạt mai run run không nói thành lời, mắt nàng mọng đỏ, cánh mũi phập phồng. Lòng Tùng bỗng đầy ắp một niềm xao xuyến khó tả.
Người đàn ông trung niên đã đứng bên họ tự lúc nào, giọng ấm và vang:
- Thưa công chúa, đã đến lúc hồi loan.
Công chúa? Nàng là công chúa của Đại Việt ta ư?
Tùng đứng lặng im như hóa đá khi hai vị khách nói lời từ biệt…

4.
Tùng được vợ như trời thương mà cho vậy.
Một chiều nọ lúc gánh củi vừa về tới rừng trúc, Tùng chợt thấy bồn chồn khó ở, linh tính mách có điều chẳng lành. Trước mặt Tùng không xa lắm, những cây trúc xao động và mấy con chim rừng dáo dác bay vụt lên. Không gian nồng nặc một mùi tanh tưởi chết chóc. Tùng vội đặt gánh củi xuống vệ đường, tay cầm rìu chậm rãi tiến từng bước. Ngay tức khắc Tùng nhận ra một con cọp vằn to lớn đang gầm gừ nhe nanh trước một cô gái mảnh mai yếu ớt.
Tùng và chúa sơn lâm quần nhau một hồi. Cả hai đều thấm mệt. Mấy vết cào trên cánh tay sau hai cú vồ hụt của hổ rịn máu và nhức buốt khiến Tùng thấy nôn nao chóng mặt. Chúa sơn lâm ngồi bệt cách Tùng chừng mấy bước chân, nhe nanh gầm gừ. Bị hai vết chém chí tử ở lưng và đùi, có vẻ nó đang đuối dần. Chợt chúa sơn lâm gầm lên một tiếng, đuôi đập mạnh xuống đất, toàn thân vụt về phía trước. Nhanh như chớp, Tùng đảo bộ, lưỡi rìu thép vung lên một vòng sáng loáng trước khi bổ một cú trời giáng vào sọ con mãnh thú.
Tùng ngồi bệt xuống đất. Trong bóng chiều nhập nhoạng, bên xác chúa sơn lâm, người con gái nằm thiêm thiếp mê man, mái tóc xõa bồng bềnh trên khuôn mặt trái xoan tái nhợt nhưng đầy vẻ quyến rũ. Chiếc áo lụa xộc xệch trễ tràng trên bầu vú trắng nõn khiến Tùng thấy lòng mình nôn nao khó chịu. Chàng cài lại khuy áo, vuốt lại mái tóc mây và bồng người con gái đặt lên bãi cỏ non mềm mượt sát bụi trúc.
Đêm đó, bên bếp lửa tí tách giòn rụm tiếng củi khô, người con gái rủ rỉ kể Tùng nghe chuyện đời mình.
Nàng tên Cúc, quê tận vùng Hoan Ái xa xôi. Cúc vào cung lúc mới mười ba tuổi. Ai cũng tưởng đời cung nữ sướng lắm, nào ai hiểu nàng phải chịu bao điều đắng cay, chua chát. Đã vậy, suốt mấy năm ròng chỉ một lần Cúc được nhìn thấy mặt rồng từ xa. Rồi Thượng hoàng bỏ cung vào núi đi tu, nàng đi theo cùng nhiều người khác và tạm nương náu ở xóm núi này khi Thượng hoàng bảo ngài không cần ai nữa.
Sớm nay Cúc đi hái củi với vài cung nữ ở bìa rừng quen thuộc. Trời oi quá, mọi người phải dừng tay sớm và tụm lại nghỉ trưa dưới những gốc cây. Chỉ còn Cúc ham hái củi, đi sâu vào rừng. Đi mãi đi mãi nhưng loanh quanh hoài không thấy đường về và gặp chúa sơn lâm...

5.
Một ngày có tiếng chim khách kêu rộn ràng ngoài ngõ nhà Tùng.
Khách là một sư thầy gầy gò, áo chàm đầy bụi, vào xin nghỉ qua đêm. Tùng gật đầu ngay. Chàng quá quen với những người khách lỡ đường xin ngủ lại. Họ thường là nhóm khách hành hương hay một vài sư thầy lên Yên Tử tầm sư học đạo. Tùng không ưa cái người mà bọn họ hay cúi đầu kính cẩn gọi là Trúc Lâm Đại Sĩ kia. Chàng thường chặc lưỡi than thầm. Thiên hạ sao cứ rỗi hơi tìm đạo ở một người không mấy nghĩa tình thế nhỉ. Này nhé, hàng trăm cung tần mĩ nữ phải chịu cảnh góa bụa khi ông ấy vào núi đi tu. Đã vậy, mấy chục phi tần đã liều mình ở suối Hồ Khê để mong Đại Sĩ hồi tâm nhưng ông ấy có động lòng đâu. Ông ấy còn lú lẫn gả con gái yêu cho vua Chiêm nữa chứ. Mỗi lần nhớ chiếc khăn len và gói hạt mai là mỗi lần Tùng thấy xót xa buồn bực trong lòng.
Một lần, lúc đuổi theo con nai rừng, Tùng lạc đến suối Rồng. Tùng tò mò tìm đến am tranh của Đại Sĩ. Chàng muốn biết vị đại sư được nhiều người kính trọng kia hành đạo như thế nào. Tùng rón rén di chuyển giữa các gốc thông, hồi hộp tiếp cận mục tiêu. Khi còn cách am chừng chục bước chân chàng nghe có tiếng ngâm thơ, giọng ngâm cứ ngật ngà ngật ngưỡng như người say rượu:
Giây khô cây ngã
Thầy tu áo vá
Đau não điên đầu
Có có không không…

Bỗng nghe hỏi dồn:
- Phật nói vô ngã mà không phải vô ngã là sao?
Câu trả lời chưng hửng:
- Ngươi tìm cám vàng trong đống cứt sư tử à? Cứ hỏi như thằng ngủ mê ấy.
Lại nghe hỏi:
- Đại sĩ, Đại sĩ. Sinh tử vô úy là thế nào?
Câu trả lời như ai tạt nước lạnh vào mặt Tùng:
- Chọc mù mắt ngươi đi.
Tùng đứng sững. Mắt nảy đom đóm. Tai cứ u u ong ong. Chợt nghe một tiếng thét lớn. Rồi tiếng gậy trúc đập chan chát lên mặt bàn. Sau tiếng gậy là tiếng mắng mỏ gấp gáp hối hả, vừa khàn vừa chát:
- Con chồn hôi kia tỉnh mau, tỉnh mau!
Cửa bật mở. Hai vị sư chạy ào ra sân. Trò trước. Thầy sau. Áo nâu xộc xệch. Gậy trúc vung lên vun vút. Hai người chờn vờn đuổi nhau trên sân như hai đứa trẻ con đang chơi trò mèo bắt chuột. Tùng đi thẳng một hơi ra suối Rồng vục nước ấp lên mặt. Cơn bực mình tan dần. Ôi, sư với sãi, thật chẳng ra làm sao cả!
Sau lần đó, mỗi khi gặp mặt các sư thầy, Tùng chỉ nói qua loa cho xong chuyện. Chàng thấy chẳng hứng thú chút nào với những người mượn đạo lánh đời kia.
Nhưng người khách này khiến Tùng thấy gần gũi thân tình ngay. Khuôn mặt phúc hậu. Nụ cười hiền. Dáng vẻ ung dung tự tại. Hiếm có vị sư nào để lại trong lòng Tùng và ông nội nhiều tình cảm và sự quý trọng đến thế.
Đêm ở miền sơn cước vón lại trong cái rét càng lúc càng đậm.
Họ đang chuyện trò rôm rả quanh vuông bếp giữa nhà. Giọng ông nội vang lên sang sảng:
- Nửa đêm, bọn lão vừa áp sát trại giặc thì nghe pháo lệnh nổ vang rền. Bọn lão liền xốc tới. Tiếng hò reo rung chuyển mặt đất. Lửa cháy ngút trời. Bọn Mông Thát hoảng hồn không kịp mặc giáp lên ngựa, cứ thế chạy nháo nhác như một bầy vịt. Lão vung rìu lên, chém đến mỏi tay…
Tùng nói như reo lên:
- Trận Đông Bộ Đầu hả nội? Trận đó nội được thưởng công đầu mà.
- Ha ha ha. Phải phải. Trận Đông Bộ Đầu oai hùng nhất đời nội đó con.
Ông nội cười rung hàm râu bạc, mái tóc trắng như mây bồng bềnh, bóng người chập chờn nhảy múa trong tiếng lửa reo tí tách.
Ngày thường, ở tuổi lục tuần, Tùng thấy nội chậm chạp lắm, lúc nhớ lúc quên. Nhưng mỗi lần nhắc chuyện đánh giặc Thát, nội lại nhanh nhẹn hoạt bát hẳn. Và nhớ dai lắm. Thì đấy, ánh mắt nội hừng như lửa kia kìa. Mặt rạng rỡ. Trông nội cứ như trai mười bảy không bằng!
Vị khách nhìn ông nội cười to, giọng cũng hào sảng không kém:
- Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện Nguyên Phong! Hay lắm, hay lắm. Thật là sướng lòng hả dạ. Thế tôi hỏi cụ, vào năm Thiệu Bảo thứ sáu lúc giặc Thát tính vào cướp nước ta lần nữa, hai vua cho mời các phụ lão vào dự yến, cụ có đến dự không?
- Có chứ, có chứ. Lão phải đi mất mười ngày mới tới Thăng Long đấy.
Ông nội nhìn bếp lửa, mắt sáng long lanh, kể tiếp:
- Năm đó giặc đông và dữ dằn lắm. Thượng hoàng cho mời phụ lão cả nước về họp trước điện Diên Hồng. Thượng hoàng đích thân ban yến rồi hỏi kế đánh giặc. Thượng hoàng hỏi: Hòa hay đánh? Hỏi vừa dứt lời bọn lão đã vung tay lên hô to, muôn người như một, tiếng hô rung chuyển cả điện rồng. Đánh, đánh, đánh. Phải đánh chứ. Đánh cho chúng chừa cái thói láo toét cậy mạnh hiếp yếu. Đánh cho chúng vỡ mật kinh hồn không dám mò sang ta nữa chứ. Sát Thát. Sát Thát. Sát Thát…
Ông nội ngừng lời, với tay bưng bát nước uống rồi vuốt râu cười khà khà:
- Lúc đó lão yếu sức lắm rồi, có múa nổi cây độc phủ nữa đâu. Nhưng đã có thằng con trai lão thay. Nó khỏe và giỏi lắm. Lúc đó nó mới mười bảy tuổi chớ mấy. Cha của thằng nhỏ này này.
Tùng nhìn ông nội mắt nhòe cay. Kể tới đoạn này thế nào nội cũng khóc cho coi. Nhưng lạ chưa, lần này giọng nội chỉ chùng xuống, buồn hiu mà trầm hùng:
- Thằng con trai lão là tướng tiên phong dưới trướng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản đấy. Đánh cừ lắm. Giặc Thát cứ nghe tên là khiếp vía bỏ chạy. Nhưng giặc tan bao năm rồi mà nó không về ông ạ.
Vị khách khẽ thở dài:
- Giặc Thát tàn bạo. Dân ta nhà nào cũng mất mát đau thương, cụ ạ. Ba lần vào cướp nước, ba lần thua thê thảm nhưng chúng không từ bỏ dã tâm ăn tươi nuốt sống nước Đại Việt. Nếu giặc lại đến, cụ lại cho cháu lên đường chứ?
- Nhất định thế rồi.
Nội đáp rất cương quyết và khảng khái. Rồi nội hướng ánh mắt về phía Tùng:
- Trông cháu nó gầy gầy thế nhưng nội lực khá lắm. Đường phủ chém đầu giặc Mông Thát năm xưa của lão giờ nó đã múa thành thục lắm.
Nội nhìn ra liếp cửa, ánh mắt xa xăm như đang ngóng chờ ai, giọng nội như thể đang nói với chính mình:
- Có vợ rồi, nhanh nhanh sinh con, có cháu cho ông bà bồng thôi, Tùng à.
Nội ôm ngực ho sù sụ một tràng dài rồi đi nằm. Nội là vậy đó. Thoắt buồn. Thoắt vui. Cứ ào ào hừng hực như người lính xông lên tuyến đầu rồi đột ngột lịm tắt như ngọn bấc hết dầu khi chợt nhớ đứa con trai độc nhất không về.
Vị khách cũng đã về chỗ ngủ. Lửa trong bếp sắp tàn. Tùng bỏ thêm củi, chu miệng thổi. Lửa hừng lên nổ rôm rốp. Không gian về khuya yên ắng. Tiếng thạch sùng tặc lưỡi nghe nao nao. Một làn hương tuyết mai quen thuộc len qua liếp thưa chạm khẽ vào lòng Tùng khiến chàng ngẩn ngơ xúc động. Tùng gục đầu bên bếp lửa thổn thức. Ước gì trong mơ được gặp mặt cha. Ước gì nhìn thấy bóng rìu oanh liệt của cha giữa trùng trùng đầu giặc Mông Thát rơi rụng bên bờ sông Như Nguyệt...

6.
Nắng vừa lên nửa cây sào thì nhà sư chào lên đường. Tùng cắt một nhánh tuyết mai đẹp nhất làm quà.
Tùng ngập ngừng định hỏi sư thầy vài câu thì bà nội và vợ chàng đi chùa Hạ đã về. Tùng vội vã chạy đến cầm tay đưa hai người đến chào ra mắt sư thầy đang đứng tần ngần bên gốc tuyết mai.
Cúc vừa chạm mặt sư thầy đã lật đật quỳ xuống:
- Cung nữ Cúc Hoa xin ra mắt Thượng hoàng.
Mặt Cúc Hoa tái nhợt. Môi run rẩy. Đôi mắt cúi xuống giấu cái nhìn bối rối. Tai Tùng như ù đi. Tim chàng đau nhói. Chàng nhìn sững sư thầy. Đôi mày bạc khẽ nhíu lại. Một thoáng thảng thốt ngỡ ngàng trong đôi mắt sâu thăm thẳm khiến Tùng thấy ngẩn ngơ khó chịu. Chỉ một khắc thôi, sư thầy đã lấy lại vẻ ung dung tự tại, bước tới đỡ Cúc đứng lên, giọng bình thản:
- Trông cô không được khỏe lắm. Vậy nên cô nhầm ta với ai đó chăng?
Bà nội vội đỡ lời:
- Cháu dâu tôi bụng mang dạ chửa lại thêm đường xa mệt mỏi nên quáng mắt nhìn gà hóa cuốc đấy. Xin sư thầy bỏ lỗi cho nhé.
Sư thầy mỉm cười gật đầu. Thế rồi sư thầy đặt đôi tay mảnh dẻ của Cúc lên đôi bàn tay sần chai vững chãi của Tùng, giọng nhẹ nhàng:
- Hai con rất đẹp đôi vừa lứa. Trúc Lâm Đại Sĩ thầy ta nếu biết được tin này sẽ vui lắm đấy.
Nói rồi sư thầy quay người đi thật nhanh ra khỏi ngõ. Dáng gầy liêu xiêu. Cành tuyết mai nghiêng nghiêng run rẩy trên con dốc mờ sương. Bà nội ngước nhìn theo mãi, mắt hoe đỏ. Cúc dụi khuôn mặt nhòe ướt vào ngực Tùng. Chàng ghì vai vợ thật chặt cứ như sợ nàng mọc cánh bay đi mất. Nắng rực rỡ chói chang. Những cánh hoa mỏng mảnh trắng muốt lay nhè nhẹ trong gió. Cả khu vườn nhà Tùng bỗng chốc thơm nức mùi hương tuyết mai quen thuộc

T.L.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)