Vài năm nay, phong trào nam giới mặc áo dài các dịp lễ tết rộ lên. Sau khi thấy bạn bè mặc khá nhiều, tôi nổi hứng mua một cái áo dài vải đũi. Nó được may kiểu truyền thống, thay vì thêu rồng phượng, nó có màu xanh ghi trơn. Khoác một chiếc áo dài, dường như thấy mình gần với cội nguồn hẳn, ai nấy yên chí rằng mình đang tái hiện bóng dáng cha ông. Tôi mặc lên cũng được khen đẹp, nhưng sau một hồi đi lại, đứng ngồi tiếp khách thì hai ống tay áo cùng vạt áo mau chóng bị nhăn. Không lẽ lại chạy vào buồng, cởi áo ra để là? Tôi nghĩ, ngày xưa các cụ giữ áo ra sao nhỉ? Thời Khổng Tử, bàn là chắc chưa có, vải thì chắc thô sơ mà vị sư biểu này khi tiếp khách nhất định “mặc áo ngay ngắn, phía sau cũng chỉnh tề như phía trước” (trong khi tôi không tài nào giữ nổi sự thẳng thớm quá ba phút). Liệu nỗi bận tâm của tôi về độ nhàu của áo có giống người xưa? Ngoài áo dài, tôi cũng chỉ còn lựa chọn là áo sơmi. Tôi cần một cái bàn là (bàn ủi).
Khoảng hơn chín mươi năm trước, cửa hiệu điện máy Cơ Quang 138 Hàng Bông liên tục đăng trên Hà thành ngọ báo những quảng cáo về quạt điện Marelli, bóng đèn Phillips, ấm đun nước và bàn là hiệu Calor. Quạt điện và bóng đèn đương nhiên thuộc vào những nhu cầu cấp thiết, còn bàn là thì quả thực phải đến mức có nhu cầu ăn diện bảnh bao người ta mới sắm, hơn nữa lại dùng bàn là điện, thứ mãi đến những năm 1980 vẫn là một món đồ xa xỉ khi bằng cả một gia tài nhỏ. Vào thời bắt đầu Đổi mới, phong trào xổ số kiến thiết lên cao, trên tivi hôm nào cũng có thông báo giải đặc biệt trả bằng hiện vật, trong đó luôn có một cái bàn là Liên Xô. Bàn là đương nhiên có trong danh sách mua về của những người đi học hay lao động xuất khẩu ở Đông Âu, cho dù nhiều lúc chẳng có điện để cắm. Bàn là trở thành một biểu tượng văn minh. Kể cả lúc đời sống khó khăn, nhu cầu diện một bộ cánh phẳng phiu ra đường vẫn có.
Với đàn ông Việt Nam bây giờ, mua áo sơmi có lẽ là việc đầu tiên nghĩ đến khi đi làm (“Mua cái áo nghiêm túc sếp mới có cảm tình”). Ngoài việc chọn cho được cái áo vừa vặn, màu sắc hợp lí, vấn đề khả năng chống nhăn của chất vải mang tính quyết định. Việc này lại liên quan đến thành phần sợi vải. Đa số chọn 100% cotton (sợi bông) vì mát và thấm mồ hôi, nhưng vải cotton truyền thống lại dễ nhăn, nên có khi phải cắn răng chịu nóng mà chọn áo có pha nylon (tức là polyester). Tuy nhiên, bây giờ công nghệ dệt đã cho ra loại vải sợi bông chống nhăn, nên cánh đàn ông thở phào. Có điều, như mọi vấn đề thẩm mĩ thời trang nam giới nước nhà, độ nhàu của áo chưa cấp thiết bằng những thứ khác. Quảng cáo thời trang và mĩ phẩm cho nam giới vẫn chủ yếu là keo xịt tóc, thuốc lăn nách và kem trị mụn. Cái bàn là nếu có xuất hiện trong quảng cáo cũng ở trong tay người phụ nữ, phụ họa cho một thông điệp gia trưởng (“Kiếm con vợ về để nó giặt, là quần áo cho”).
Trong nhiều nỗi lo âu của đàn ông, một cái áo không phẳng phiu gây một cảm giác bất an (dù là thứ chót cùng). Tần suất các hình ảnh truyền thông về người đàn ông thành công trong các bộ quần áo phẳng lì (tất nhiên đi kèm cơ thể hoàn hảo) khiến ta chột dạ về cái áo là dối treo trong tủ. Mặc cái áo như vậy đi công chuyện, ta kém tự tin. Tôi không nói đến tâm lí của chứng “rối loạn lưỡng cực” khi ta khó chịu bứt rứt trước các món đồ thiếu trật tự (cứ theo lí luận này thì người Việt Nam ít bị mắc chứng đó nhất khi đi ngoài đường - giao thông thiếu trật tự nhưng ai nấy không còn đủ sức bứt rứt nữa). Ta ái ngại thấy độ nhăn của áo như tố cáo độ nhăn của làn da. “Quần áo nhăn như lò xo” là sự mô tả có lẽ chủ ý dành cho tác phong sinh hoạt hơi bị bê bối, gợi lại kí ức về những cái quần đùi dễ nhăn thời bao cấp kém sexy, vốn phô ra những cặp giò đa phần khẳng khiu của thời đói ăn. Cái sự nhăn nhúm khiến ta xấu hổ như bị tố cáo phẩm hạnh tồi tệ.
Nền văn hóa đề cao tính “chuyên nghiệp” của giới cổ trắng toàn cầu đã ấn định một cảm quan về áo sơmi nhất thiết phẳng lì. Ngay cái tên gọi “cổ trắng” (white collar trong tiếng Anh hay col-blanc, từ tiếng Pháp này đẻ ra cụm từ “cổ cồn trắng”) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của áo sơmi như một thiết chế nhận diện giai tầng. Giới tư bản công nghiệp tiêu dùng đã gây ra cuộc cách mạng quần áo may công nghiệp và thứ đi kèm chúng là cái bàn là kinh điển. Nghĩ mà xem, nhận phòng khách sạn ở bất cứ đâu xong, bạn cũng thấy có một cái túi hay giỏ đi kèm một tờ giấy thông báo về dịch vụ giặt là - thứ dịch vụ quen thuộc nhất. Xem ra, nếu không có một bộ quần áo phẳng phiu mà vẫn muốn được ngưỡng mộ, bạn phải là Bùi Giáng. Ta về rũ áo đười ươi/ Trút tờ phong nhã cho người phụ nhau/…/ Em về rũ áo mù sa/ Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.
Các dữ kiện văn hóa đã gieo cấy vào tôi đủ lâu (và khá linh tinh) để đến giờ tôi chắc chắn rằng bất cứ khoảnh khắc cài cúc áo hay duyệt lại mình trong gương đều thấm một suy tư về “cái tôi” khi bước ra đường. Cái nền văn hóa đã xác định “hơn nhau tấm áo manh quần” hay “y phục xứng kì đức” đã khiến cho trang phục cất tiếng nói trước lời chào. Thờ thì dễ, lễ thì khó, câu ngạn ngữ về sự nhiêu khê của thực hành tín ngưỡng hoàn toàn đúng với việc chải chuốt bề ngoài, có được quần áo rồi lại còn phải biết giữ cho phẳng phiu.
Nghe có vẻ tôi vân vi hình thức quá nhỉ? Chưa khi nào người đàn ông thời hiện đại vất vả về vẻ ngoài như ngày nay… Hượm đã, chắc không? Tôi thấy tranh thời cổ điển châu Âu thế kỉ XVII - XVIII, vị quý tộc nào trông cũng đỏm dáng như một con chim trĩ vậy. Tôi thấy thời Phong kiến, các cụ cũng khổ bỏ xừ về đường ăn mặc (cụ Khổng Tử đề cao các đức người quân tử nghiêm ngặt đường ăn mặc như đã nói, thịt không vuông không ăn, chiếu không ngay ngắn không ngồi). Những cuốn nghi lễ cung đình hay giới trí thức dành nhiều chữ bàn về cái ăn mặc của các tầng lớp, quy định ngặt nghèo lắm, nào là cổ giao lĩnh với trực lĩnh, nào là kiểu tóc kiểu mũ nón, vô số quy chế mệt mỏi. Thời gian để các cụ thực hành nghiêm chỉnh đạo ăn mặc của người quân tử xưa hẳn chỉ thua thời gian lướt mạng xã hội mỗi ngày của chúng ta ngày nay. Cho dù bậc đệ nhất nhà nho tài tử là Nguyễn Công Trứ tuyên bố trong Hàn nho phong vị phú:
Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu
Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú.
Thì cách mặc này thực tế đầy ý thức về một tiêu chuẩn “phong vị” đã định hình. Ngay sự phản kháng “ngất ngưởng” (tên bài hát nói của ông) cũng vận đến lối ăn mặc để thể hiện cái tôi xuất-xử của ông quan gốc Nghệ này.
Áng văn được lấy làm tiêu chuẩn văn chương nước Việt là Truyện Kiều đã dùng nhiều từ ngữ để tả về ngoại hình và dĩ nhiên, quần áo của các nam nhân, thậm chí qua trang phục tác giả còn kịp tiết lộ bản chất các chàng. Dường như nữ nhân vật chính bị “quyến gió rủ mây” nhiều lần trước vẻ ngoài “chải chuốt áo khăn dịu dàng” của các chàng, từ Kim Trọng “cỏ pha màu áo nhuộm non da trời” đến Mã Giám Sinh “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” hay Sở Khanh “một chàng vừa trạc thanh xuân”. Lúc Kiều than thở “khi sao phong gấm rủ là, giờ sao tan tác như hoa giữa đường”, chẳng biết có phải đấy là tâm sự Nguyễn Du, một cậu ấm con quan đầu cựu triều lưu lạc nhiều năm gió bụi, nhưng bao nhiêu thế hệ người Việt đã vận vào kiếp đời mình rồi. Vải vóc quần áo thực sự là một từ khóa quan trọng trong “áng quốc văn” này. Hàng triệu triệu người Việt đã nhiễm cái cảm giác về xiêm áo từ bấy đến giờ.
Từ thời “giầy giôn anh dận, ô Tây anh cầm” của Tú Xương trở đi, quần áo kiểu Tây đã thay thế dần áo dài khăn đóng. Trong bài viết mở đầu tập Thi nhân Việt Nam nổi tiếng, nhà chủ trương phê bình nghệ thuật vị nghệ thuật Hoài Thanh đã xác thực ảnh hưởng của việc “chúng ta ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây. Chúng ta dùng đèn điện, đồng hồ, ô tô, xe lửa, xe đạp... còn gì nữa! Nói làm sao cho xiết những điều thay đổi về vật chất, phương Tây đã đưa tới giữa chúng ta!” vì “một cái đinh cũng mang theo nó một chút quan niệm của phương Tây về nhân sinh, về vũ trụ, và có ngày ta sẽ thấy thay đổi cả quan niệm của phương Đông. Những đồ dùng kiểu mới ấy chính đã dẫn đường cho tư tưởng mới” (Một thời đại trong thi ca). Lí lẽ này của Hoài Thanh gần với các nghiên cứu cho rằng hành vi thường nhật tạo nên căn cốt văn hóa cộng đồng, ở đây là hình ảnh con người tiêu biểu của một cộng đồng đã bị lối phục sức Tây phương khuôn định. Nhưng thật lạ, các bài thơ nổi tiếng ông chọn trong tập của các thi sĩ Thơ mới lại ngập tràn xiêm y điển cố “mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm” (Vũ Hoàng Chương) hoặc hoài niệm “cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen” (tất nhiên, Nguyễn Bính) - tuyệt đại là áo các người đẹp. Không một bài thơ nào nhắc đến áo sơmi của nam giới. May ra có Thế Lữ nhắc đến trong một lời tự giới thiệu: Rũ áo phong sương trên gác trọ. Duy nhất Huy Cận nhắc đến sự ngăn nắp: Sớm nay hồn em như tủ áo/ Ý trong veo là lượt xếp từng đôi. Cái bàn là nằm ở đâu trong những dữ kiện xiêm áo này?
Phố Hàng Bông như quảng cáo bàn là ở thập niên 1920, chính tên tiếng Pháp là Rue du cotton, trùng tên loại vải cần bàn là. Trong nhiều thập niên, phố này thịnh về nghề may đo quần áo, nhất là các bộ cánh nghiêm túc. Một công đoạn nhất thiết phải dùng bàn là là dựng cổ áo sơmi. Đã có nhiều năm tháng nghề dựng cổ áo được ghi hẳn ra biển hiệu. Có khi cái áo sơmi đã sờn rách rồi, nhưng thay cổ áo mới, khoác bên ngoài một cái áo vest (“tốt đẹp phô ra”), thế là vẫn giữ phong độ để đi công chuyện. Cái cổ cồn trắng trở thành một chỉ dấu của “người làng Tây”, “người nhà nước”. Nhìn rộng ra quang cảnh đô thị, việc cư dân chăm chút cho bộ cánh phẳng phiu cũng tựa như mặt tiền những cửa hiệu phố cổ che bớt những nhôm nhoam tù hãm bên trong các căn nhà ống hun hút. Chính ở trên một căn gác phố Hàng Bông năm 1943-1944, chàng thi sĩ từng dệt gấm thêu nhung “sắc mạnh huy hoàng áo trạng nguyên”, nhưng thực tại thì “tôi ngồi giở quần áo cũ ra vá giữa một bóng chiều thu đông lạnh và héo xám như hoa khô” (Những bước đường tư tưởng của tôi - Xuân Diệu).
Nhưng tấm áo nam giới nổi bật nhất trong thơ ca Việt quãng nửa sau thế kỉ XX lại là “chiếc áo nâu suốt một đời vá rách” (Chế Lan Viên) hay “tấm áo nâu rướn mình đi từ cõi rừng cao” (Phạm Duy), xen với “màu áo chú bộ đội, mới trông là màu xanh, như màu lá trên cành, trộn vào màu xanh rêu đá” (Nguyễn Văn Tý). Những tấm áo này dĩ nhiên không có nhu cầu là lượt, chỉ có nhu cầu được “các mẹ thức thâu đêm vá áo” (cũng nhạc của cụ Nguyễn Văn Tý). Những tấm áo thô sơ cần lao đọng lại một kí ức chưa dễ phai mờ. Mãi cho đến gần đây, áo sơmi mới đi vào âm nhạc với bài hát Chàng sơmi của Hà Anh Tuấn, khẳng định áo sơmi như một căn cước xã hội của nam giới khi mà mặc vào, cùng em bước đi bao đường/ thấy vững tin khi em nhìn, nhận được bao ánh mắt trong lành. Anh chàng tự hào được người yêu gọi “chàng sơmi”. Hà Anh Tuấn chắc chẳng phải nghĩ đến việc là áo sơmi, kể cả người yêu chàng ta - ngôi sao nào lại tự đi là quần áo?
Thành thật mà nói, tôi thích áo phông hơn, vì khả năng co giãn và nói chung là chúng dễ mặc hơn áo sơmi nhiều. Mỗi lần mặc áo sơmi lên, tôi thấy mình trịnh trọng hơn hẳn - tôi đã mất công là nó mười lăm phút. Tôi hồi hộp đi ra ngoài đường trước con mắt phán xét của xung quanh, rồi mau chóng nhận ra rằng áo sơmi làm tôi lẫn vào đám đông nhanh hơn bất kì áo nào khác. Không ai thấu hiểu nỗi lo về vết nhăn do tôi sơ ý để bàn là đè lên ở vạt trước. Họ còn mải chú ý vượt đèn đỏ ở vài giây cuối cùng
N.T.Q
VNQD