Gà trên đỉnh Cơi Pòn

Chủ Nhật, 21/07/2019 09:31

.Truyện ngắn dự thi. KIỀU DUY KHÁNH

- Téc… te… te… e…
Có tiếng gà gáy trên cây đào ngoài sân. Ồ, tiếng gà sao nghe lạ quá. Không giống tiếng gáy của con trống chuồng, cũng chẳng phải tiếng gáy của mấy con trống choai mà bà Vùa mới mua về để chuẩn bị làm cưới. Tiếng gáy nghe như tiếng khèn của người mới tập thổi. Nó cứ è è, khàn khàn như bị nghẹn, như bị đuối hơi khiến bà Vùa đang nấu nồi rượu ngô phải bỏ dở việc đứng dậy đi ra ngoài. Vừa nhìn lên cây đào trước cửa, bà bỗng rụng rời chân tay, khuôn mặt đỏ hồng vì bếp lửa bỗng chuyển màu tái nhợt như cái rau cải úa phơi sương. Bám vội vào cánh cửa để khỏi ngã khuỵu xuống, bà ú ớ gọi:
- Ới Thồng ơi, con gà… con gà mái hoa mơ nhà mình nó gáy…
Không có tiếng đáp lại. Bà chợt nhớ ra là thằng Thồng cùng cái Máy, vợ sắp cưới của nó đi bản xa mời cưới từ sáng sớm rồi.
Rút vội cái then cài cửa, bà ném mạnh về phía con gà. Cái then ném trúng cành đào con gà đang đứng khiến nó giật thót bay vội về phía vườn, nhưng vẫn cố ném lại phía sau tiếng te… te… ẹc… như trêu ngươi.
Can rượu bên bếp đầy tràn lênh láng. Nhưng giờ bà Vùa không còn tâm trí đâu mà để ý đến nồi rượu nữa. Tiếng gáy của con mái mơ khiến bà thấy hoang mang, lo sợ. Từ xưa đến nay, con gà mái chỉ biết đẻ, biết ấp, biết nuôi con thôi, thế mà hôm nay nó lại biết gáy tiếng gáy của con gà trống, chắc có chuyện không tốt sắp đi vào nhà mình rồi. Phải tìm thầy cúng chỉ cho ta cái lối đi tránh được hạn. Nghĩ thế, bà Vùa vội vã đi khỏi nhà.

*
* *


Từ nhà ông Lở về, lão Vạng hầm hầm tức tối như có đám lửa lớn đang cháy ở trên đầu. Đi đến góc nhà, bê cả chum rượu ngô lên, ngửa cổ nốc một hơi dài rồi ném “choang” vào vách. Bà Xí đang làm giấy ngoài sân vội chạy vào, ngơ ngác chẳng hiểu chuyện gì, nhưng bà biết tính chồng nên chẳng dám hỏi, lẳng lặng nhặt những mảnh chum vỡ để gọn vào góc rồi ra làm tiếp mẻ giấy đang dở.
Men rượu bắt đầu ngấm rần rật trong người. Men rượu khiến cho cái tức của lão càng bùng lên thêm. Hừ, thằng Tráng Lao Lở nó là anh em họ xa với ta, thế mà nó khinh ta quá. Hôm nay nhà nó làm cúng lớn, nhưng tối qua nó đến chỉ mời “mai ông anh sang nhà để uống với nhau chén rượu ngô mới nấu, bốc cùng nhau miếng thịt lợn mỡ thơm” chứ không nói gì đến việc nhờ lão cúng. Hóa ra nó đã mời thầy cúng Vàng Thào ở tận bản Pá Po đến. Lúc uống rượu nó lại đến mâm, “mời thầy cúng nhỏ một chén rượu thơm”, thế khác gì nó bốc bãi cứt trâu mà ném vào mặt lão. Tính ra, lão còn làm thầy cúng trước lão Vàng Thào kia mấy năm. Nhưng cả bản này đều coi thường lão, đều chỉ coi lão là ông thầy cúng nhỏ. Cúng lễ nhỏ họ mới mời lão, còn những lễ cúng to thì đi mời thầy cúng Vàng Thào ở tận bản xa. Lão Vàng Thào thì có gì hơn lão, chẳng qua lão có được cái sừng trâu thiêng của con trâu bị sét đánh chết nên được thành thầy cúng trùm khăn.
Ở bản nhà nào cũng phải có một cái sừng trâu bên trái của con trâu đực to. Cắt lấy đoạn đầu sừng nhọn nhất chẻ ra làm hai mảnh đặt trên ban thờ để dùng khi nhà có người ốm, người chết, khi làm cái lễ đặt tên cho đứa trẻ… Cái sừng nó sẽ cho biết người nhà vì sao mà ốm, đứa trẻ được ma ông bà cho cái tên gì, ma bố mẹ về đòi ăn cúng con gì…
Nhưng đã làm thầy cúng thì phải có được cái sừng trâu thiêng mới nói chuyện được với ma cúng để biết được cái bệnh của người ốm, mới được đọc bài Khua kệ để dẫn người chết đi lên mường trời. Cái sừng trâu thiêng là cái sừng của con trâu tự chết và không bị mất máu ra ngoài. Lão Vàng Thào trước đây cũng chỉ là thầy cúng nhỏ, nhưng từ ngày lão có được cái sừng của con trâu bị sét đánh cháy đen thì lão được người mo già của bản làm lễ công nhận là thầy cúng trùm khăn.
Lão Vạng đã cất công đi khắp các bản xa bản gần để tìm con trâu tự chết mà chưa kiếm được con nào. Cả bản này coi thường lão. Lão sẽ bỏ nghề thầy cúng. Từ giờ có đứa trẻ khóc đêm, người già đi lạc lối ban ngày, người ốm nặng ốm nhẹ thì sang mà gọi lão Vàng Thào đến cúng cho.
Lão đem hai mảnh sừng ra hủm Tà Dê ném xuống. Cái tức trôi đi, lão ngẩng mặt nhìn sang, bên kia bờ suối, đối diện chỗ lão đứng, một đàn trâu đang nhởn nhơ gặm cỏ. Con trâu đực đầu đàn to và đen bóng như hòn đá núi. Cặp sừng con trâu to như hai cái bắp đùi, nhọn hoắt, sắc lẻm tựa hai lưỡi dao mèo vừa tôi trong than cây dẻ, cong vút gần chạm được vào nhau. Đẹp quá. Lão Vạng đứng ngẩn ngơ ngắm con trâu. Rồi cúi xuống ngắm hủm Tà Dê. Trong đầu lão bỗng mọc lên một cái mầm đen. Lão liền đi lên ruộng lúa non nhổ một khóm rồi đi về phía con trâu đực. Nó đủng đỉnh đi theo bó lúa thơm ngon trong sự thèm thuồng. Lão Vạng cứ thế nhử con trâu đi dần ra phía vực…
Ùm…
Con trâu mất đà lao xuống như một tảng đá, nước bắn tung trắng xóa.
Lão Vạng vội luồn theo lối tắt, lủi nhanh về nhà.
Bây giờ thì lão khề khà ngồi bên bếp lửa uống rượu với món thịt chuột nướng và đợi. Lão đợi chủ trâu phát hiện ra con trâu chết đuối sẽ mời lão đến cúng cõng vía con trâu lên, để vía con trâu chết không về bắt những con trâu khác đi theo. Lão sẽ tìm cách có được cái sừng trâu và thành thầy cúng lớn. Tiền bạc, lợn gà sẽ tự đến nhà lão.

*
* *


Chiều chạng vạng, vừa nhìn thấy đàn trâu về đến cổng, ông Chứ đã thấy sự khác lạ. Con trâu đực đầu đàn đâu? Trời ơi, cái con trâu đực đẹp, to nhất bản, nhiều người buôn trâu tận Thanh Hóa, Hải Phòng lên trả số tiền đủ làm một cái nhà to mà ông không bán. Ông định cuối năm nay cho vợ chồng thằng Mang ra ở riêng sẽ cho nó để cày nương. Sao hôm nay nó không dẫn đàn về như mọi lần? Nó đi đâu? Nó bị bắt trộm hay bị hổ tha rồi? Không đâu. Chắc nó mải đi chơi với con trâu cái đẹp nhà ai mà quên đường về thôi. Ông Chứ tự trấn an mình, xong gọi vợ và mấy đứa con chia ra khắp các ngả mà hú gọi con trâu. Nhưng tìm hết những nhà có trâu, rồi soi đèn đi tìm cả đêm mà vẫn không thấy bóng dáng nó đâu. Ông Chứ không còn thiết ăn uống. Ông lồng lên, đôi mắt trũng sâu đỏ ngầu, má tóp lại.
Đến ngày thứ ba, khi đi qua con suối Nặm Lẹ, ông vô tình nhìn xuống cái hủm Tà Dê sâu hoắm. Cái gì tròn căng, trương phềnh lên thế kia. Trời ơi! Con trâu của ta… Con trâu của ta nó chết đuối rồi… Ông Chứ lao ùm xuống hủm. Mấy thanh niên bản đi thăm ruộng gần đó vội lao đến vớt ông lên.
Ông Chứ ngồi trên bờ hủm như một cái xác, mặc lay mặc gọi. Mồ hôi trên mặt, trên cổ ông cứ thế mà rịn ra chảy ròng ròng, tong tỏng. Rồi mồ hôi cũng không còn để mà chảy nữa. Khuôn mặt ông khô quắt, xám đen lại như bị hun khói.
- Ngọ... ọ... ẹ...
Có tiếng nghé con gọi mẹ từ xa vẳng lại. Ông Chứ bỗng bừng tỉnh. Ông vùng dậy, chạy như lao về phía nhà ông anh trai cả.
- Ối anh Vạng à, con trâu… con trâu nhà tôi nó chết đuối ngoài hủm Tà Dê rồi. Chắc tôi cũng đi chết theo nó thôi anh Vạng à. Anh ra cúng gọi cái vía nó lên giúp tôi. Vía nó phải nằm dưới nước mấy hôm chắc lạnh lắm rồi… Ối anh Vạng ơi…
Lão Vạng giật thót. Con trâu chết đuối ngoài hủm Tà Dê? Con trâu ấy chẳng lẽ lại là của nhà thằng em Lao Chứ à? Tuy là anh em ruột, nhưng từ nhỏ lão và ông Lao Chứ không hợp nhau, nên hơn năm rồi lão không đến nhà em trai, làm sao mà biết con trâu ấy là của nhà em mình? Một thoáng ân hận vởn qua đầu như một vệt sương mỏng. Nhưng rồi vệt sương ấy qua nhanh, thay vào đó là một niềm vui âm ỉ. Hầy, con trâu ấy là của nhà thằng em ruột, thế thì cái sừng chắc chắn sẽ về tay ta thôi. Lão vội đứng dậy chuẩn bị đồ nghề rồi đi cùng ông Chứ.

Minh họa: Bùi Trọng Dư

Không thể làm thịt con trâu được nữa, nhưng ông Chứ vẫn nhờ đám thanh niên bản vớt lên bờ, đợi lão Vạng cúng cõng vía nó lên nhập vào xác, cho ông anh cắt lấy cái sừng bên trái rồi mới đem chôn.
Có được cái sừng thiêng, lão Vạng vội đến ông mo già xin làm lễ để trở thành thầy cúng trùm khăn. Người mo già đã yếu lắm, mấy năm nay mo không còn đi cúng được nữa, ngày ngày chỉ ngồi bên bếp lửa để giữ cho ngọn lửa khỏi tàn, cục than luôn đỏ. Mo nhìn cái sừng trâu rồi lại nhìn lão Vạng. Mo lắc đầu lấy tay ra hiệu bảo lão Vạng về. Lão bèn chạy vụt vào ban thờ nhà mo vồ lấy cái khăn trùm rồi chạy vụt đi. Mo nhìn theo, ú ớ định nói gì, nhưng mo không đủ sức gọi nữa, bất lực nhìn theo.
Lão Vạng đi khắp bản để khoe lão đã được người mo già làm lễ cấp phong cho làm thầy cúng lớn, lại còn được truyền cho cái khăn trùm thiêng cùng những bài cúng bí truyền. Mọi người nghe đều tin lời của lão. Những bản gần, bản xa có việc cúng đều tìm đến lão năn nỉ.

*
* *


Bà Vùa tất tả chạy sang nhà lão Vạng. Còn chưa bước vào đến cổng, bà đã phệu phạo:
- Ối thầy cúng ơi, giúp tôi với… Có cái chuyện không tốt rồi…
Lão Vạng đang cho hai mảnh sừng trâu uống rượu. Sáng nào cũng vậy, trước khi ngồi khề khà uống rượu với thịt nướng là lão lại lấy một cốc rượu mới, thả hai mảnh sừng trâu vào trong cốc rượu, rồi thắp lên một nén hương. Phải đợi que hương cháy hết lão mới lấy mảnh vải lanh lau sạch hai mảnh sừng, đem để lên ban thờ rồi mới lấy cốc rượu đã ngâm sừng ngồi uống với tảng thịt bò treo gác bếp bà vợ già đã vùi sẵn trong tro nóng.
Lão Vạng tỏ vẻ khó chịu và bực bội ra mặt khi bị bà Vùa quấy rầy trong lúc đang làm việc thiêng. Hày, con mụ già khô quắt như cái cây khát nước này đến sớm thế chắc lại xin cái ngày đẹp để làm cưới cho thằng con trai mụ đây. Nghĩ đến thằng Thồng con trai mụ là lão lại tức sôi máu. Bản này thiếu gì đứa gái đẹp sao nó không bắt làm vợ mà lại chọn con Máy? Con Máy không phải họ hàng, con cháu gì của lão nhưng nó là đứa gái lão mê tít từ hôm nhìn thấy nó tắm ở ngoài máng nước cuối bản. Cái con Máy nhìn ngoài không đẹp nhưng lúc nó tắm sao mà đẹp, mà trắng thế. Ngay cả lúc nằm trên cái bụng bèo nhèo của mụ vợ già lão cũng tưởng đang nằm trên bụng con Máy.
Lão không thể bắt Máy về làm vợ, nhưng lão cũng không muốn Máy về làm vợ thằng trai nào. Thế mà thằng Thồng láo toét lại dám bắt đứa gái lão thích về để ma nhà nhận mặt. Lão muốn phá đám cưới chúng nó mà chưa biết tìm cách gì thì bà Vùa tìm đến. Nhưng không phải bà Vùa đến xem ngày tốt để cưới vợ cho con trai. Bà luýnh quýnh ngồi xuống bên cạnh lão Vạng, giọng đầy vẻ lo lắng:
- Thầy cúng Vạng à, con gà mái nhà tôi nó biết gáy đấy. Có chuyện không tốt sắp đến cửa nhà tôi phải không?
Cái bực trong người lão Vạng bỗng bay đâu hết. Trong đầu lão lại mọc ra cái mầm đen mới.
- É, con gà mái mà đi gáy thay tiếng gáy của con gà trống là sắp có cái hạn lớn đến nhà đấy. Nhưng mà cái hạn thế nào, có gỡ được không thì phải cúng mới biết được.
Cắm mấy nén hương lên ban thờ, lão Vạng lắc lư, lầm rầm đọc. Lão đọc nhanh như con sóc chạy, lão đọc dài còn hơn con đường đi nương. Câu này chưa hết thì câu khác đã nhảy ra, những từ cứ nối nhau, giẫm vào chân nhau mà nhảy ra từ cái mồm thâm sì đầy râu ria, những từ nghe mà chẳng hiểu được gì. Rồi lão cầm lấy hai mảnh sừng trâu tung vào giữa mảnh giấy dó để trước mặt. Hai mảnh sừng trâu đều ngửa tênh hênh lên trời. Lão bỗng rú lên:
- Thằng Thồng với con Máy không làm vợ chồng được đâu. Con Máy có vía của con ma núi Chếu đi theo rồi, nếu lấy nó về làm vợ thì nó sẽ hút hết máu thằng Thồng đến chết, rồi nó hút máu cả nhà bà nữa đấy. Con gà mái biết gáy cũng có cái vía của con ma núi, phải bắt con gà đến đây để ta thu hết phép của nó. Về bắt ngay đi không nó trốn mất không tìm được đâu.
Phải nhờ mấy đứa trẻ con dồn mãi bà Vùa mới tóm được con gà mái mơ ôm sang. Giờ lão Vạng đang ngồi trước ban thờ. Lão đã chuẩn bị sẵn con dao mèo sáng loáng và cái thớt để trước mặt từ bao giờ. Con gà bị trói chặt để lên cái thớt. Lão lầm rầm cúng. Xong bài cúng, lão cầm con dao mèo lên. Hai chân con gà được đặt ra giữa cái thớt.
- Tóc… tóc… quác…
Chỉ bằng hai nhát chặt, sáu ngón chân con gà đã nằm lăn lóc trên cái thớt, máu chảy đỏ loe. Lão Vạng đưa cho bà Vùa con gà, ề à:
- Con gà ma này đã bị chặt hết ngón, nó không bới tìm thức ăn được nên sẽ chết nhanh thôi, bà mang nó vào trong rừng sâu mà vứt để nó không biết tìm lối về nhà. Còn mấy ngón chân gà, ta sẽ cho vào trong cái túi bùa bằng vải lanh, bà về cho thằng Thồng nó đeo vào cổ để con ma không còn hại được nó nữa. Nhưng nhớ không được cho nó lấy con Máy đâu đấy.

*
* *


- Phải bỏ cái đám cưới này đi thôi, hai đứa mày không làm vợ chồng được đâu thằng Thồng, cái Máy ạ. Hôm nay ta vừa ở nhà thầy cúng Sồng Lao Vạng về, thầy cúng bảo thế đấy. Thằng Thồng phải đeo cái túi bùa này vào. Đeo đến lúc già, lúc chết mới thôi.
Thồng và Máy bàng hoàng không còn tin vào tai mình. Sao nả lại nghe cái lời còn xấu hơn con chuột hôi, còn độc hơn con rắn xanh mùa đẻ của lão Vạng ấy. Máy đã được ma nhà ta nhìn mặt thì thành người của nhà ta rồi, mà trong bụng Máy đã có đứa con của con rồi đấy, nả đừng đuổi Máy về nhà.
Khuôn mặt bà Vùa chợt rạng lên. Cái Máy có đứa con trong bụng à? Thế thì bà sắp có thằng cháu để bế rồi. Đang định nói gì, nhưng những lời của lão Vạng lúc sáng lại văng vẳng bên tai. Mặt bà chuyển sang màu tái xám lạnh lùng.
- Thầy cúng bảo không sai được đâu. Đứa con trong bụng cái Máy ta sẽ lấy lá cây chau nhia cho uống mà bỏ nó đi thôi. Nếu chúng mày không nghe ta thì ta đi ăn lá ngón mà chết ngoài bờ suối, mặc kệ chúng mày làm gì thì làm.
Rồi bà hầm hầm bỏ vào trong bếp, mặc cho Thồng và Máy chạy theo khóc lóc van nài…
Con gà rừng đã gáy hai lần trên núi, con gà nhà đã gáy ba lần ngoài chuồng mà Máy và Thồng vẫn không sao ngủ được. Tiếng thở dài của Thồng xót ruột cả màn đêm, nước mắt Máy ướt đẫm cả cái gối rồi mà chưa nghĩ được cách gì để thay đổi được ý mẹ. Máy sờ tay lên bụng. Máy không thể uống cái lá độc để bỏ đứa con. Máy cũng không thể quay về nhà với bố mẹ nữa. Ma nhà chồng đã nhìn mặt Máy rồi thì Máy đã thành người của nhà họ Thào, nếu bỏ về thì chỉ làm khổ bố mẹ. Nhưng mẹ chồng đã quyết định như thế, Máy cũng không thể ở lại nhà họ Thào. Đợi tiếng gà rừng gáy lần thứ ba, con gà nhà gáy lần thứ tư, Máy quay sang Thồng thì thầm:
- Mình cố ngủ một lúc đi cho đỡ mệt, đừng nghĩ nhiều quá thế, rồi nả sẽ nghĩ lại thôi. Tôi dậy đồ nồi xôi để hôm nay đi làm ở cái nương xa.
Máy cặm cụi vo gạo chất bếp đồ xôi như không có chuyện gì. Đợi chõ xôi bốc mùi thơm cơm nếp mới, Máy lặng lẽ rời nhà. Máy cứ đi, đi mãi về phía núi xa. Không biết đi về đâu, nhưng Máy phải đi thật xa để không ai còn tìm thấy Máy được nữa.
Khi mặt trời lên thì Máy đã đi đến một cánh rừng sâu cách bản xa lắm rồi. Đôi chân đã thấy mỏi nhừ, Máy ngồi xuống bên hòn đá nghỉ. Có tiếng loạt xoạt ở bụi cây bên cạnh. Nhìn sang, thấy một con gà mái hoa mơ bị trói chặt đang nằm thoi thóp. Hai bàn chân con gà đã bị chặt đứt hết các ngón. Máy đi đến nhấc con gà lên. Ai mà ác cái bụng thế. Chặt hết ngón chân nó đi thì sao mà bới tìm thức ăn để sống. Suy nghĩ một lúc, Máy ôm theo con gà, tiếp tục đi mãi vào rừng sâu.

*
* *


Bà Vùa lại chuẩn bị làm đám cưới cho Thồng. Đây là lần thứ năm bà cưới vợ cho con trai.
Ngày Máy bỏ nhà đi, Thồng đã đi tìm mấy mùa trăng từ bản gần đến bản xa mà không gặp được Máy. Không gặp được Máy thì Thồng thành cái xác biết đi. Cái hồn nó bỏ đi theo Máy luôn từ hôm ấy. Và giờ Thồng lầm lì như khúc gỗ nhội ngoài suối. Sáng sớm tinh mơ Thồng đã vác cuốc đi nương, chiều tối không rõ mặt người mới lững thững về nhà. Làm xong cái nương nhà mình thì vác cuốc sang làm hộ nhà bên cạnh, chẳng ai nhờ cũng cứ làm, làm để quên đi cái nhớ Máy.
Bà Vùa bắt Thồng đi bắt vợ mới, nhưng Thồng không chịu đi. Thồng không đi thì bà tự tìm vợ về cho Thồng. Nhưng đứa gái nào về làm vợ Thồng cũng chỉ được hơn năm là lại bị bà Vùa tìm cách đuổi ra khỏi nhà vì “có chồng rồi mà sao cái eo vẫn nhỏ như eo con kiến Co Nhía, cái bụng sao cứ mãi lẳn tròn như thân con cá trắm suối Thia. Không biết sinh cho nhà họ Thào đứa con thì sao mà xứng làm dâu họ Thào”.
Nhưng đứa dâu lần này thì bà hi vọng nhiều lắm. Cái Danh đã có một đời chồng, lại đẻ một đứa con rồi, bà yên tâm về làm dâu nhà bà nó cũng sẽ đẻ cho bà một đứa cháu. Danh lại là con gái của ông Pủ chủ tịch xã nên đám cưới lần này bà phải làm thật to, thật sang cho xứng với nhà ông thông gia.
Lợn làm cưới, bà đã đặt mua của đám thợ săn được một con lợn lòi hơn hai tạ cột sẵn ngoài gốc đào. Gà thì có cả một sân, nhưng lần này bà không thịt gà của nhà. Nghe nhiều người bảo trên đỉnh núi Cơi Pòn quanh năm mây trắng phủ có một cái nhà nhỏ, người ở đấy nuôi một giống gà lạ lắm. Loại gà từ da đến thịt đều đỏ tươi như quả móc tạy chín. Ăn một miếng thịt của nó thì cái thơm, cái ngọt cứ ở trong mồm mấy ngày chưa chịu bỏ đi. Thỉnh thoảng ở dưới huyện lại có người đánh xe con lên thuê những thanh niên khỏe trong bản tìm lên mua giúp. Lần này bà quyết tìm mua giống gà quý ấy về để làm cưới. Bà Vùa tìm đến nhà Mùa A Phềnh, thằng này vẫn được thuê đi mua gà về cho khách hoặc dẫn khách lên núi mua gà, nó thạo cái đường lên đó nhất. Bà sẽ bảo nó đưa lên tận trại gà để chọn những con ngon nhất, đẹp nhất rồi thuê nó vác về.
Con đường lên núi Cơi Pòn vừa xa vừa dốc, lại phải leo qua những mỏm đá tai mèo lởm chởm, nên đi từ sáng sớm đến tận quá trưa mới lên được tới đỉnh. Bà Vùa thấy đôi chân mỏi như muốn rụng hẳn ra, mặt tái nhợt vì mệt, vì đói, chẳng còn sức đâu bước tiếp. Bà ngồi phịch xuống tảng đá ven đường mà thở.
- Téc… te… te… e…
Có tiếng gà gáy quanh đây nghe rất gần.
- Chỉ còn chục cái bước chân nữa là đến chỗ bán gà rồi, phải đi ngay không tối không kịp về đến nhà đâu bác Vùa à.
Bà lại cố đứng lên, thổn thển bước theo Phềnh.
Căn lều nhỏ đã hiện ra trước mặt. Tiếng vỗ cánh phành phạch, tiếng gáy te te, tiếng mổ nhau quang quác. Gà, nhiều gà quá, con nào cũng một màu giống hệt nhau đang lục tục chạy quanh người chủ đòi ăn.
Bà Vùa quên cả cái mệt, thập thễnh chạy về phía căn lều.
Bỗng dưng bà đứng sựng lại. Đôi tay bà chới với. Rồi bà khuỵu xuống, lăn đùng ra đất. Bà ú ớ muốn nói gì mà không sao nói nổi. Phềnh hoảng hốt bế bà dậy. Bác Vùa à, bác làm sao thế? Có phải bị cảm không? Có mua gà nữa không? Nhưng bà Vùa không trả lời được, chỉ cố lắc lắc cái đầu. Phềnh hoảng quá vội cõng bà lên lưng rồi cứ thế mà chạy như lao xuống núi…

*
* *


Sau chuyến lên núi đó bà Vùa biến thành một con người khác. Bà không nói, không cười, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác. Tin bà Vùa bị cái bệnh lạ đến tai lão Vạng vào một buổi sáng sớm. Trong đầu lão chợt nghĩ tới con lợn lòi bà Vùa mua về chuẩn bị làm cưới vẫn đang trói để ở gốc cây đào trước sân. Lão vội đi sang nhà bà Vùa.
- Mẹ mày bị cái bệnh thế này mà sao không gọi ta sớm hả thằng Thồng. Sáng nay có người nói ta mới biết, ta phải vội cúng xem mẹ mày làm sao. Cái sừng trâu thiêng nó bảo cho ta biết trên đỉnh núi Cơi Pòn ấy có một loại nấm độc to như cái ô. Cái nấm màu đen, nó tỏa ra cái mùi cũng có màu đen như chậu nước nhuộm vải. Ai ngửi phải cái mùi đen ấy thì bị bắt mất hết chín cái vía. Vía mẹ mày bị giữ ở trên đỉnh Cơi Pòn rồi, phải lên cúng gọi nó về ngay, không thì mẹ mày chỉ sống được chín ngày nữa thôi. Nhưng cúng gọi vía thì phải làm to lắm đấy…
Thồng không tin cái sừng trâu thiêng và những lời của lão Vạng, nhưng mẹ bị nặng thế này, đi chữa khắp nơi chẳng khỏi, giờ cũng đành theo. Phềnh lại được gọi đến để dẫn Thồng và lão Vạng đi lên núi Cơi Pòn. Leo quá trưa mới tới được căn lều hôm trước. Nghe tiếng gà gáy téc te, lão Vạng quên cả cái mệt. Lão hú hỉm mừng. Lão cũng mới chỉ nghe về con gà lạ chứ chưa được ăn miếng thịt nó lần nào. Hôm nay phải bảo thằng Thồng mua vài con về làm cúng mới được. Lão nhúng nhính bước nhanh về phía căn lều. Bỗng lão khuỵu xuống, rú lên, mắt trợn trừng nhìn về trước, hai con ngươi như muốn nhảy cả ra ngoài. Phềnh vội đỡ lão dậy, hốt hoảng:
- Thầy cúng Vạng cũng bị cái bệnh như bác Vùa rồi. Anh Thồng à, về thôi có ma đấy…
Rồi Phềnh cõng lão Vạng chạy ngược trở lại. Thồng ngơ ngác bước về phía căn lều. Kia, trước cửa lều là Máy. Đúng Máy rồi. Máy đang ngồi xe lanh, bên cạnh là một thằng bé chừng năm sáu tuổi đang nô với đàn gà. Những con gà mái hoa mơ giống hệt nhau, chân con nào cũng cụt ngủn đến khớp, không có cái ngón nào. Chúng mải mê nhặt thóc, thỉnh thoảng lại vươn cổ gáy một tràng téc… te… te… e...
Thồng muốn chạy lao đến bên Máy nhưng đôi chân Thồng như dính chặt vào đất. Muốn gọi Máy mà cổ họng cứ nghẹn lại. Cái túi bùa trên cổ như đang thắt chặt dần khiến Thồng ngạt thở. Thồng dứt tung cái túi quăng mạnh về phía cuối vườn. Lũ gà tưởng được ném cho miếng mồi vội chạy ào đến tranh nhau mổ.
Nhưng rồi chúng thất vọng bỏ đi.
Bên góc vườn lăn lóc cái túi bùa đã bị rỉa nát bươm và những ngón chân gà đã khô quắt, xỉn đen…
31/1/2019
K.D.K

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)