Sông Hậu xuôi về

Thứ Tư, 19/06/2019 14:53

 

Tôi viết truyện ngắn Sông Hậu xuôi về vào khoảng đầu năm 1999. Chị hai của tôi không phải là nhân vật trong truyện. Tôi cũng không phải là em Thắm của chị hai Hường nhưng truyện ngắn là từ câu chuyện kể của chị hai tôi. Chị đã sống với các nhân vật trong truyện và dõi theo họ bằng tình cảm của chị, quan tâm đến số phận các nhân vật ấy còn hơn cả tôi.
Từ câu chuyện ấy, tôi cảm thấy, nhiều khi đời sống nhà văn của mình nếu không chịu “lặn tìm” thì sẽ dễ trở nên võ đoán, viết gì đó rất lớt phớt bên ngoài, trong khi cuộc sống và các số phận đời người luôn thẳm sâu và vô cùng đến không sao biết hết. Ai là người biết được, chị hai Hường thương em của mình như thế nào? Và ai thương các con của mình như má của em Thắm? Những người phụ nữ làm mẹ, làm chị bình thường ấy không ở đâu xa cả, họ ở ngay đây, trong bàng bạc sông nước ở miền quê xa xôi hẻo lánh của cuộc đời này…

Nhà văn NGUYỄN LẬP EM

 

Dạo ấy, đã gần ba tháng, từ ngày tía má tôi gả chị hai Hường về miệt biên giới, cứ mỗi lần nghe tiếng còi “tu... tu...” của con đò bến chợ ngang qua khúc sông trước cửa nhà là má tôi và tôi lại ngóng ra bến nước. Má tôi trông tin chị hai Hường hoặc là bà trông cả người nữa. Bà muốn được biết chị tôi có yên ấm ở nhà chồng hay không, có mạnh khỏe hay không và bà mong chị, nếu có thể, thu xếp về thăm nhà một vài ngày. Đó là nỗi lòng của người mẹ với sự an phận khi con gái phải theo chồng. Còn tôi mong nhớ chị bằng nỗi buồn da diết của đứa em bé bỏng mà trong chừng ấy năm của chừng ấy tuổi đầu, tôi và chị đã cận kề, quấn quýt với nhau như hình với bóng. Tôi chẳng muốn lí giải tình cảm gắn bó giữa hai chị em mặc dù, cho đến bây giờ, láng giềng vẫn bảo tôi và chị không là ruột thịt. Người ta bảo, bởi vì tía má tôi chỉ có mỗi mình chị hai tôi nên ông bà mới xin thêm con nuôi phòng khi sau này phải gả con gái đi xa. Người ta còn nói rõ là lúc ấy, vì ngoại tôi bệnh kéo dài nên má tôi cho chị Hường về quê để chăm ngoại. Hơn nửa năm, ngoại tôi lành bệnh. Má tôi về thăm bà sẵn đón con gái về nhà. Trên đường về, thấy có người đem cho đứa trẻ mới sinh, má tôi và chị hai biếu người ấy ít tiền rồi bồng tôi về nuôi dưỡng. Người ta bảo là nói lại theo lời kể của má tôi. Tôi đem chuyện đó hỏi má và chị hai. Má tôi chỉ “ừ” cho qua chuyện. Chị Hường có lẽ sợ tôi tủi thân, dỗ dành:
- Người ta nói gì cũng mặc kệ! Cưng không phải con nuôi của nhà này đâu!
- Không phải con nuôi, là gì?
- Là con ruột, ruột thiệt là ruột!
Dù sao, tôi vẫn thích tin lời của chị hai hơn bởi vì tôi không muốn mình là con nuôi của tía má và cũng không muốn mình là em nuôi của chị hai Hường.
Dạo tía má tôi gả chị hai Hường tôi đã xấp xỉ mười hai tuổi. Ở vào tuổi ấy, tôi chưa hiểu hết mọi điều, mọi lẽ nhưng đã có thể cảm nhận qua từng sự việc. Hôm chuẩn bị đám cưới, chị hai Hường khóc suốt còn má tôi thì buồn hiu. Tôi lẩn quẩn bên má và chị mà chẳng chia sẻ được gì. Có lẽ, vì còn bé quá nên tôi chưa đủ sức để cảm thông với nỗi niềm lớn lao của má và chị hai tôi. Đêm nhóm họ để rạng sáng ngày sau đưa dâu, chị hai ôm tôi vào lòng rồi thút thít khóc. Tôi đã muốn khóc theo chị dù không hiểu vì sao chị lại buồn đến vậy. Má tôi bước vào buồng. Thấy tình cảm của chị em tôi như vậy, bà đứng sững giây lát rồi hạ giọng nói với chị Hường:
- Nó còn nhỏ lắm, chưa hiểu được đâu. Con đừng nói gì với nó! Sáng mai con cứ về bển. Có gì, con nhắn tàu đò về cho má biết tin...
Chị Hường lau nước mắt, cúi xuống hôn lên tóc tôi rồi bảo tôi chạy đi chơi để chị còn sắp xếp tư trang, vật dụng mang theo. Tôi rời chị, ra khỏi buồng, nơi hai chị em vẫn ngủ chung suốt từ lúc tôi còn ẵm ngửa, mà lòng đầy hoang mang, thắc mắc. Tôi linh cảm chị tôi sẽ gặp điều bất trắc trong cuộc cưới xin này hoặc là má và chị tôi không hài lòng về đám cưới. Nhưng vì lẽ gì chị hai tôi lại lặng thinh làm theo ý của tía tôi, ưng lấy người chồng mà hình như chị không muốn lấy?
Tôi biết, chị hai tôi đâu quá dễ dãi để chọn lấy một tấm chồng. Trước đây, chị tôi đã từng lắc đầu từ chối nhiều đám nhờ mai dong đến xin hỏi cưới. Như vậy mà dần dà, chị tôi đã tròm trèm ở tuổi ba mươi. Có lẽ, như những đứa em quá yêu mến chị mình, tôi thấy chị hai tôi là ngon lành nhất. Sự ngon lành ấy, phải kể đến ba điều, đáng khiến chị tôi treo giá ngọc. Đó là... thứ nhất, chị tôi tuy không đẹp lắm nhưng rất có duyên. Thứ hai, chị tôi là người phụ nữ có tài nấu nướng. Chị biết nấu nhiều món ăn mà món nào cũng hợp khẩu vị của tía má và tôi. Chị lại biết làm nhiều thứ bánh. Thứ ba, chị tôi có tài đặc biệt, mà không phải anh thanh niên nào cũng sánh được, là tài đánh võ, đi quyền. Khoản này, chị hai tôi được sự truyền dạy chu đáo của tía tôi. Cần phải nói thêm, tía tôi là người giỏi võ, tiếng tăm lan khắp một vùng. Ai nghe đến tên thầy Tám Mạnh cũng đều kính nhường, quý trọng. Tía tôi không mở lò luyện võ tại nhà. Những khi trà dư tửu hậu, vui bạn, đẹp lòng, ông mới dạy cho ai đó vài đường quyền, vài thế võ. Ông không đánh giá quá cao sở trường võ nghệ của mình. Theo ông, người ta sống được với nhau không phải hơn thua bằng vũ lực; chỉ lẽ phải ở đời mới thu phục được nhân tâm. Ông truyền dạy võ thuật lại cho chị hai tôi cũng như nội tôi đã truyền dạy lại cho ông, giữ cái nếp cha truyền con nối. Chị Hường tập võ, đi quyền từ lúc còn tấm bé. Khi ấy, tôi chưa có mặt trong cuộc đời này. Má tôi kể rằng: thuở chị Hường mười sáu, mười bảy tuổi, có ba anh thanh niên ở làng bên rủ nhau đến, muốn thử tài của chị. Mấy người ấy rót rượu mời tía tôi, xin phép. Tía tôi gọi chị Hường ra, hỏi chị có nhận lời thi đấu với họ hay không. Chị gật đầu, mời họ ra sân. Có cả tía má tôi cùng ngồi xem, chị hai tôi lần lượt hạ từng người một. Ấy là tôi nghe chuyện do má tôi kể lại. Còn bây giờ, chị hai Hường thay tía tôi truyền dạy võ nghệ cho tôi. Ngày học chữ, đêm tập luyện võ, tôi đã hết sức cố gắng mà thấy mình còn phải học tập lâu lắm mới thành thuộc như chị hai tôi được.
Thế đấy! Người nhiều tài như chị tôi thì anh chồng phải thế nào mới xứng! Tôi thấy chị tôi lắc đầu trước bao đám mối mai, cứ nghĩ chị tôi chê họ kém tài, thua sức. Vậy mà... Mọi sự lại bắt đầu từ chỗ tía tôi. Tía tôi vốn là người thích giao thiệp, hay kết thân bằng. Ông không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, không kén lựa tuổi lớn, nhỏ chi cả. Ông lấy chuyện nhân nghĩa làm trọng, lấy đức độ mà cư xử với nhau. Những khi rảnh việc, ông thường rong ruổi đi chơi, giao du cùng bè bạn. Có khi ông đi vài ngày. Cũng có lúc thuận đường, vui bạn, ông lang bạt hàng chục ngày. Lần ấy, ông đi ngược sông Hậu lên miệt biên giới chơi, có gần nửa tháng. Thấy tía tôi bình yên trở về, cả nhà đều mừng. Tía tôi vui vẻ hơn. Bữa cơm ở nhà sau chuyến đi xa, tía tôi xởi lởi báo tin là đã lựa được chỗ để gả chị hai tôi. Má và chị hai tôi chống đũa vào chén, nhìn tía tôi. Hai người chưa kịp nói gì, tía tôi đã cười khà khà:
- Rằm này họ tới!
Mọi khi, tía tôi vẫn để vợ, con bàn bạc, trao đổi việc nhà nhưng khi ông đã quyết định như vậy thì sẽ không có ai trong gia đình dám trái ý ông. Má tôi hỏi:
- Đám đó ra sao?
- Thẳng(1)... được lắm!
Tôi nghe tiếng “được lắm” của tía tôi đầy vẻ hài lòng và tin cậy. Rồi tía tôi nhìn nét mặt đầy vẻ băn khoăn của má tôi, nói với giọng cảm thông:
- Tội nghiệp thẳng! Vợ của nó chết đã ba bốn năm mà hai đứa con hãy còn nheo nhóc lắm!
Má tôi kêu lên:
- Trời đất!
Bà ngó sững tía tôi. Sau cái phút bất ngờ ấy, má tôi xụ xuống, không hỏi han, nói năng chi nữa. Chị hai tôi không nói tiếng nào, cúi mặt, và riết chén cơm rồi buông đũa, đi xuống bếp.
Từ ấy đến rằm, tôi thấy má tôi và chị hai kém vui. Thỉnh thoảng hai người lại thì thầm với nhau. Kém vui là sự bất thường của má và chị hai tôi mà nguyên nhân có lẽ do sự hứa gả cưới đầy trớ trêu của tía tôi. Còn thủ thỉ với nhau vẫn là cái cách trao đổi quen thuộc của hai người phụ nữ trong nhà này. Tôi chắc rằng má và chị hai tôi đang tìm cách chống lại quyết định của tía tôi. Tôi cũng hi vọng việc cưới gả này chỉ là chuyện tía tôi vui miệng mà thôi.
Ngày rằm cũng đến. Sáng hôm ấy tàu đò xuôi dòng sông Hậu về ngang bến nước trước cửa nhà tôi thì bấm còi, tắt máy. Ông chủ tàu gọi với lên bờ:
- Anh Tám ơi! Có khách!
Tía tôi “ờ” thật lớn để dưới bến sông nghe tiếng, rồi ông vừa đi ra vừa cười nói:
- Vậy mà chắc lời dữ, a!
Tôi và má tôi cũng vội ra sân, ngóng xuống bến sông coi khách nào đang tới. Tôi thấy tàu đò tấp vào bến. Trên tàu bước xuống cầu chỉ vỏn vẹn có ba người đàn ông. Họ xách trong tay cặp rượu và cặp vịt trống tơ. Tía tôi đón khách vào nhà. Má tôi chào khách rồi nhận cặp vịt đem xuống bếp lo làm đồ nhậu. Bà bảo chị hai tôi châm trà mang lên mời khách. Tôi chạy vào buồng, vén màn, lén ngó ra nhà trước thấy tía tôi ngồi với khách trò chuyện vui vầy. Khách gồm hai người già, một người hơi trẻ. Tôi đoán chừng, hai người lớn tuổi kia là họ nhà trai hoặc là ông mai, ông mối; còn người đàn ông hơi trẻ đầy vẻ phong trần kia có lẽ là anh rể tương lai của tôi. Tía tôi vui lắm. Ông và mấy người khách nói đủ thứ chuyện, chuyện đất đai, mùa màng, thời tiết, cả chuyện giá lúa, giá cá, giá thịt nữa. Rồi tía tôi hỏi người đàn ông hơi trẻ:
- Thằng Vẹn! Bây tính chừng nào?
Anh ta nhìn xuống, như suy tính, rồi ngước lên nói với tía tôi:
- Con tính, phải trước mùa nước nổi, chú Tám à! Bởi vì... sau đó, con còn phải lo chuyện cá, mắm nữa!
Bấy giờ, tôi không hiểu anh Vẹn phải lo chuyện cá, mắm trong mùa nước nổi là chuyện gì. Sau khi khách đã ra về, tía tôi mới giải thích để mấy mẹ con tôi biết là anh Vẹn sinh sống bằng nghề đánh, bắt cá trên sông, nghề hạ bạc. Mỗi năm, vào mùa nước lũ từ sông Mê Kông đổ về đồng bằng sông Cửu Long theo hai ngả sông Tiền, sông Hậu thì cá trên nguồn cũng đổ về theo. Ngoài ra, còn nguồn cá từ sông, hồ, mương, rạch, đìa, bàu trong đồng bằng theo nước tràn bờ lên đồng, bơi lội khắp nơi kiếm ăn và sinh sản. Người sống nghề giăng câu, đánh lưới được mùa cá suốt ba bốn tháng nước nổi lêu bêu ấy. Người ta đánh bắt được đủ loại cá. Người ta bắt cá, được ít thì để ăn hoặc đưa ra chợ bán, được nhiều thì làm mắm phơi khô cũng để dành bán, để ăn. Nếu ai thơm thảo với thân bằng, quyến thuộc thì sau khi bán, để dành lại một ít khô, mắm làm quà cáp, biếu xén. Má tôi nghe chuyện chắc lưỡi:
- Cực khổ! Con Hường ưng nó rồi sẽ cực khổ theo...
Tía tôi cười nhẹ:
- Biết sao mà sướng mà khổ, bà? Mình cậy nó là người sống có nghĩa, có tình, biết quý vợ, thương con, trọng cha, kính mẹ... là được. Tôi chắc là con Hường về với nó sẽ không đến nỗi khổ thân đâu!
Má tôi chau mày nhưng không cãi với tía tôi. Bà thường nhường nhịn chồng để gia đình êm ấm. Bà vẫn dạy bảo chị Hường và tôi rằng tía tôi luôn là điểm tựa về mọi mặt trong cuộc sống của mấy mẹ con. Không phụ lòng tin cậy của má tôi, tía tôi cũng đã từng chứng tỏ ông xứng đáng hơn những khi quyết định việc nhà. Và như thế, tôi biết sẽ không có gì thay đổi quyết định của tía tôi về cuộc hôn nhân của chị hai tôi.

*
* *


Đến tháng thứ tư, sau ngày đám cưới của chị hai Hường, ông chủ tàu đò chuyển đến nhà tôi mảnh thư của anh Vẹn báo tin chị hai tôi bị bệnh. Má tôi nóng lòng, bảo tôi ở nhà với tía, rồi theo tàu đò đi chuyến sớm hôm sau, ngược dòng sông Hậu lên Long Bình thăm con gái. Má tôi đi rồi trở về với vẻ mặt buồn so. Tía tôi hỏi. Bà dần dừ mãi mới nói:
- Nó ốm nghén, lại nhớ thằng Thắm nữa!
Thắm là tên tôi. Tôi vừa lo cho sức khỏe của chị hai tôi vừa vui vì biết chị hai cũng thương nhớ tôi như tôi đã mong nhớ chị. Tôi đòi tía má cho tôi được đi thăm chị hai. Má tôi “ừ”. Đêm ấy, tôi cứ nằm, không ngủ được, háo hức với chuyến đi sắp đến. Tôi nghĩ đến đường xa, cảnh lạ. Tôi nghĩ đến niềm vui gặp lại chị tôi... Đang lơ mơ nghĩ, tôi bỗng nghe tiếng tía tôi gắt gỏng:
- Tại sao bà giấu tôi?
Tôi nghe tiếng má tôi lào thào. Lâu lắm. Tôi lại nghe tiếng tía tôi:
- Thằng Vẹn biết chưa?
Tiếng má tôi lại lào thào. Tiếng tía tôi, nghe buồn hơn:
- Thằng Thắm biết không?

Minh họa: Trương Đình Dung


Tôi nghe tiếng má tôi sụt sịt khóc. Tôi cố căng tai để lắng nghe câu chuyện hình như có liên quan đến mình, nhưng tôi không nghe tiếng của tía má tôi nữa. Có lẽ, tía má tôi đang mải nghĩ ngợi và buồn phiền. Tôi cảm thấy có điều gì đó bất an cho chị hai tôi, cái cảm giác mà tôi đã có lúc thấy má và chị hai tôi buồn khóc trong đêm nhóm họ hồi đám cưới. Điều gì đó có liên quan đến chị hai tôi, đến tôi và bây giờ lại liên quan đến anh Vẹn nữa. Điều gì đó mà má và chị hai tôi đã giấu tía tôi, lại không muốn cho tôi được biết. Điều gì đó mà má và chị hai tôi đã định biến nó thành chuyện riêng tư của chỉ hai người. Nhưng bây giờ thì không được nữa rồi. Hình như anh Vẹn đã biết. Tía tôi cũng vừa mới biết. Còn tôi đang đầy thắc mắc, băn khoăn. Điều gì đó mà tôi chắc rằng sẽ chẳng bao giờ tôi được biết ngọn ngành, gốc rễ. Tôi thật không thể nào biết được những bí ẩn riêng tư của má và chị hai tôi.


*
* *


Lần ấy, chị kể với tôi là có một chiếc ghe bầu, cũng giống như chiếc ghe bầu đang đậu dưới bến sông trước cổng đình, đã mang anh ấy đi.
- Ảnh là người gốc gác làm ruộng ở miệt vườn của mình. Ảnh đóng vai Lục Vân Tiên đánh cướp, cứu Nguyệt Nga, hay lắm! Coi bộ, ảnh là người có nghề võ, nghe cưng!
Rồi giọng chị như than thở:
- Ảnh về hát có một lần, hồi năm đó. Người hào hiệp chỉ có ở trong tuồng hát, chớ ngoài đời sao có được!
Tôi cãi:
- Sao không? Nếu như có ai bị nạn, em sẽ cứu...
- Cưng thích hào hiệp như Lục Vân Tiên, hả?
- Ừ! Còn chị? Chị thích làm gì?
- Chị không thích làm gì hết. Chị như cô Nguyệt Nga gặp nạn mà... không có Lục Vân Tiên để cứu nguy.
- Thì em sẽ cứu chị. Em sẽ đánh cướp...
Tôi chợt nhớ ra:
- Chị giỏi võ hơn em mà! Chị sợ gì cướp?
Chị hai Hường lắc đầu cười buồn:
- Chị không sợ cướp. Chị sợ thói đời bội bạc, lừa lọc thôi. Mà thôi... Bỏ chuyện đó đi!
Vậy rồi, hôm chuẩn bị đám cưới của chị, chị vừa ngồi làm bánh vừa dặn dò tôi:
- Chừng nào có gánh hát về hát cúng đình, cưng nhớ hỏi thăm ghe bầu coi có ảnh về không.
- Hỏi sao mà biết?
- Hỏi người tên đó, quê ở Vĩnh Trạch...
Má tôi đang ngồi gần đấy, nghe thấy câu chuyện của chị em tôi, gắt:
- Đến nông nỗi như vậy mà mày còn thương tưởng, trông đợi nó, hả Hường?!
Chị hai tôi, chù ụ:
- Con lấy chồng đã đành! Còn thằng Thắm…
Má tôi quát:
- Thôi đi! Tao biểu mày câm đi! Nghe chưa?
Chị hai tôi gục mặt xuống, lặng thinh. Tôi thì lấm lét vì chưa bao giờ tôi thấy má tôi giận dữ với chị em tôi như vậy cả.


*
* *


Sau khi tôi và má tôi đi thăm chị hai Hường về, tôi thấy tía tôi có vẻ buồn bực lắm. Ông quạu cọ, cự nự, quát tháo trong nhiều ngày liền. Tôi chẳng hiểu vì sao và chẳng thấy có lí do gì khiến tía tôi phải bực mình đến vậy. Má tôi vốn có tánh nhường nhịn chồng, bấy giờ bà đầy vẻ nhẫn nhục hơn.
Tía tôi ngã bệnh sau gần cả tháng buồn phiền. Tôi linh cảm gia đình tôi đang diễn ra chuyện gì đó nghiêm trọng lắm. Được tin tía tôi bệnh, chị hai tôi và anh Vẹn cùng về thăm. Chị tôi hốc hác vì vừa qua cơn đau ốm. Chị bước vào nhà, gặp mặt tía tôi, đã òa khóc. Tía tôi ngồi trên bộ ván ở nhà trước, thấy con gái về, ngoảnh mặt, lặng thinh. Anh Vẹn vào theo sau chị hai tôi, chào hỏi tía tôi. Tía tôi chỉ “ờ” lấy lệ. Thấy bộ tía tôi đang giận, anh Vẹn và chị hai tôi đi luôn ra nhà sau chào hỏi má tôi. Tôi sà đến bên chị hai tôi. Chị ôm tôi rồi lại khóc. Tôi không hiểu gì cả. Tôi muốn hỏi chị hai tôi điều gì đó mà cũng không biết hỏi gì.
Cuộc sum họp của gia đình tôi, từ sau khi chị hai tôi lấy chồng, đã bắt đầu bằng không khí nặng nề như vậy. Nhưng sau đó, mọi việc dường như cũng ổn thỏa hơn. Tôi thấy má tôi và chị hai tôi vừa nấu ăn vừa thủ thỉ với nhau ở nhà bếp, anh Vẹn và tía tôi ngồi với nhau ở nhà trên. Tôi núp sau vách buồng, lén nghe câu chuyện giữa tía tôi và anh Vẹn. Tía tôi ngồi, lâu lắm mới nói:
- Vẹn à! Tía... có lỗi với con!
Anh Vẹn nhăn mặt, lắc đầu:
- Tía đừng nói vậy mà con đắc tội. Tía má đã thương con, không chê con nghèo khổ lại gãy gánh giữa đường, đã gây dựng cho con và em hai. Con mang ơn tía má. Còn chuyện kia, con đâu chấp nê gì. Chẳng qua là tại vì phần số em hai khổ... Bữa nay, vợ chồng con, trước, về thăm ba má, sau nữa, định nói với ba má về chuyện thằng Thắm... Con tính đưa nó về sống với vợ chồng con mà vợ con không chịu. Vợ con muốn để thằng Thắm ở lại với tía má để nó đỡ đần tía má lúc tuổi già...
Tôi nghe tiếng của tía tôi và anh Vẹn rõ mồn một nhưng không hiểu gì cả. Sao tía tôi lại xin lỗi anh Vẹn? Phần số chị hai tôi thế nào mà khổ? Chuyện kia là chuyện gì mà anh Vẹn bảo là chẳng chấp nê? Ý chừng anh Vẹn và chị hai tôi lại muốn dắt tôi theo. Tình cảm trong tôi bộc phát, chống đối lại ý định của anh Vẹn. Dù tôi rất mong nhớ chị hai tôi nhưng tôi không muốn theo chị mà bỏ tía má tôi ở lại một mình. Tôi bước ra, chạy đến ôm chân tía tôi:
- Em không theo anh chị hai đâu. Em ở với tía má, hà!
Anh Vẹn chồm tới, xoa đầu tôi, cười:
- Cưng ở với tía má, phải giỏi, nghen!
Tôi “dạ”, sung sướng ngước nhìn lên mặt tía tôi. Tôi thấy hình như tía tôi muốn cười mà không cười nổi.

*
* *


Cho đến bây giờ, chị hai tôi vẫn sống đầm ấm cùng anh Vẹn. Mỗi năm, vợ chồng chị về thăm tía má tôi và tôi hai lần, một lần vào dịp tết và lần nữa vào sau mùa nước nổi. Vợ chồng chị về, mang cả cháu bé cùng về thăm ngoại. Thằng bé bụ bẫm, rất dễ thương. Chị hai tôi nựng con, vui miệng nói với má tôi:
- Nó giống thằng Thắm hồi nhỏ quá, hả má?
Má tôi không ừ, cũng không lắc đầu. Bà chỉ thở hắt ra. Chị hai lại ôm vai tôi, hôn lên tóc tôi, hỏi:
- Tía dạy võ cho cưng tới đâu rồi?
Tôi không trả lời, bước lui ra, bỏ bộ đi cho chị xem mấy thế võ mới tập. Chị xem, ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói:
- Là ruột thịt, tía mới dạy cho cưng ngón đòn hiểm đó! Cưng đừng dạy lại cho người ngoài, lỡ người ta biết được phản đòn là mình chết đó

N.L.E

 

-------
1. Thằng ấy

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)