Phía dưới cầu vồng

Thứ Ba, 25/06/2019 08:47

.Truyện ngắn dự thi. LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

Tân bất thình lình thức giấc vào buổi sáng ngày thứ hai mươi của trận chiến, khi một đợt pháo kích dữ dội vào thành phố. Đó là trận pháo kích dài nhất anh chứng kiến trong những ngày vừa rồi. Khu vực Tân trú ẩn pháo dội tứ phía, ngói bay rào rào. Các chiến sĩ giải phóng quân chỉ trỏ, tăng cường phòng thủ các vị trí chiến đấu, địch sắp đổ quân.
Tân nhìn qua mé đường trường Trần Cao Vân, thấp thoáng bóng người trong một nhà gần đó. Anh chạy vào miệng la lớn:
- Sao không di tản vậy? Chết đến nơi giờ!
Nhìn lại thì ra là nhà của thầy Ký dạy môn sử hồi học đệ nhị. Thầy đang ngồi trên giường, gương mặt buồn bã ngước lên. Trên giường một người nằm phủ mền kín từ đầu đến chân. Thầy nói người con đầu mười lăm tuổi của thầy trúng đạn mất hôm qua, vợ thầy đi lạc mấy ngày nay vẫn chưa về. Chỉ còn thầy và hai đứa nhỏ áo quần nhếch nhác, sợ sệt nhìn Tân.
- Đợt tấn công này ác đấy, phải đi thôi thầy!
Tân kéo thầy và hai đứa nhỏ chạy ra ngoài. Vừa lúc một trái pháo rơi trúng nhà, toàn bộ đổ sập. Thầy Ký sụt sùi một tay ôm đứa bé, một tay dắt đứa lớn lòng còng chạy về hướng bắc tìm đường lánh nạn. Tân chạy về vị trí đơn vị, tại ổ kháng cự, mười lăm người chết gục, mỗi người một tư thế. Địch quân tràn tới. Đạn bắn rào rào sau lưng. Tân bắn trả. Một viên đạn trúng tay trái. Tân nén đau lao nhanh vào con phố hẹp, những chiếc mũ sắt không ngừng “xì xồ” truy kích. Anh lách vội vào phía sau nhà thờ hiếm hoi trong thành Nội.
Pháo từ bên kia đổ tới, phía bên này bắn trả liên hồi.
Rồi một khoảng im lặng kéo dài giữa cuộc chiến ập đến.
Hình như Tân đang chết dần thì phải. Trong cơn chập chờn Tân nhớ hình như Hằng có lần đưa anh về nhà trên đường Kim Long. Hai người lẫn vào từng đoàn áo dài trắng đạp xe đi về. Khi đó, dòng Hương ngập khói sóng, xa xa, mây phủ vờn Kim Phụng. Đôi hàng cây bằng lăng trổ hoa tím, điệp trổ hoa vàng làm hậu cảnh nổi bật cho những tà áo dài trôi trong chiều. Tân đi theo em qua từng con đường thành Huế. Nhưng càng đến gần thì càng xa. Tân càng đuổi thì Hằng càng đi nhanh hơn. Quãng đường phía trước mờ mờ, ảo ảo. Tân muốn chạm vào Hằng mà không được. Hằng phía trước bé quá, mờ dần, rồi mất hút.
Anh giật mình ú ớ gọi. Hằng ơi… Hằng…
Tân choàng tỉnh. Máu bết trên đầu chảy xuống mặt. Một bức tường lớn đã đổ ập trên người Tân, những miếng kính vỡ đâm vào đầu buốt nhói. Tân khẽ cử động tay chân nhưng bất lực. Cánh tay trái trúng đạn vẫn không ngừng rỉ máu. Bầu trời vốn đã xám xít lại nhuộm thêm khói lửa, bom đạn nom càng rầu rĩ, thảm hại. Bỗng nhiên, Tân nghe tiếng thút thít đâu đó trong giáo đường. Tiếng khóc chừng như cố dằn lại, không thành tiếng. Nấc. Tiếng pháo tiếng súng chợt rộ lên chát chúa. Người khóc bỗng khóc to hơn thành tiếng thống thiết trong bấy nhiêu thanh âm hỗn loạn. Tân nghiêng đầu, nhìn qua một bên chiếc bàn dài gãy đôi, vừa kịp thấy một người lính Mĩ ngồi trên chiếc ghế ba chân dựa vào lưng tường nhà thờ.
Anh rụt tay vớ lấy một mảnh kính định sẽ đương đầu với hắn. Nhưng tay lính Mĩ vẫn ngồi yên trên ghế, vai khẽ rung. Anh nhìn nghiêng qua gương mặt da trắng, điểm chút tàn nhang thấy vệt nước mắt lăn trên má. Gã lính Mĩ đã vứt mũ, ba lô nặng trĩu và súng dưới chân, hai tay ôm đầu.
Hắn đang nhớ nhà?

*
* *


Tân nhớ là giữa trận chiến đã lén lút về nhà. Căn nhà trống không, một chiếc giường gãy vạt, một manh chiếu mốc. Chiếc tủ đầy ắp sách giờ cũng tăm tối, trống rỗng, vì mối mọt, vì những bàn tay không thiết tha chữ nghĩa. Bên bức bình phong, những bông hoa trà mi mỏng manh sắc trắng đang tàn úa tháng ngày. Bom đạn réo dội ngoài kia, anh Tạo, chị dâu và hai cháu chắc đã kịp lánh ra ngoài tránh nạn.
Ý nghĩ về anh Tạo thoáng đến, bộ quân phục cảnh sát quốc gia và giấc mơ Mĩ đã dựng một barie ngăn cách anh em một nhà. Những ngày Tân xuống đường tranh đấu là những ngày hai anh em chì chiết, cãi cọ nhau về lí tưởng. Tân không thích chiếc áo cảnh sát quốc gia anh mặc, để làm gì, hay là để a dua và dẹp bạo động, với gậy gộc hơi cay trút xuống sinh viên, đồng bào và cả Tân nữa. Những ngày giỗ cha mẹ, hai anh em nhất quyết không chịu ngồi cùng một mâm.
“Có nó thì không có tui”, anh Tạo nói.

Tân lồng lên: “Anh ăn cơm Mĩ thì đừng có làm phách!”.
Cho đến khi Tân lên rừng, không còn liên lạc gì với gia đình nữa, không nhớ cả anh Tạo, chị dâu và vô số kỉ niệm ấu thời của hai anh em cách nhau năm tuổi, cùng nằm chung một giường, mỗi sớm mồng một cùng theo mẹ lên chùa cầu an. Biết làm sao được trước cơ sự này, khi cuộc chiến đã phân định trong lòng nó cả giới tuyến hữu hình và giới tuyến vô hình.
Mà cũng chỉ mới mấy năm thôi, mọi thứ thay đổi nhiều quá. Nhớ sao gương mặt xanh xao của Võ khi đưa mật lệnh của tổ chức, đề nghị Tổng hội sinh viên làm một cuộc tuần hành phản đối việc Tổng thống Thiệu ra Huế. Cậu đã bị cảnh sát mật hỏi han, đánh dập lưỡi. Trong những ngày tranh đấu, Võ hòa lẫn vào bè bạn, luôn ở tuyến đầu hô khẩu hiệu, ăn lựu đạn cay, dùi cui, đấm đá liên hồi. Võ bây giờ đi đâu, Võ ơi, Tân không tin cậu chết trên đồng Chiết Bi mất xác như bạn bè nói.

*
* *


Tên lính Mĩ vẫn khóc.
Một quả pháo rơi ngay cổng giáo đường.
Hắn lại khóc to hơn, tưởng như át hết thảy âm thanh của chiến tranh. Làn da hắn thoáng chút sạm sau bao nhiêu ngày ở miền nhiệt đới, vẻ mệt mỏi, kiệt quệ hằn trên gương mặt. Mới nhìn qua cứ ngỡ là một chiến binh kì cựu của lực lượng thủy quân lục chiến Hoa Kì, nhưng kì thật đó là một chàng trai mười chín hai mươi, trạc tuổi Tân trong cuộc chiến này. Hắn có dáng thư sinh, có thể tình nguyện vào quân đội để thực hiện những ước mơ tuổi trẻ của xứ cờ hoa, thực thi công lí sen đầm trên mảnh đất Việt Nam xa xôi này. Bây giờ, tên lính lại nấc, nấc liên hồi đau xé, dằn vặt. Nước mắt nước mũi trào ra, hắn lấy tay áo quệt qua.
Tân nhớ rằng mình cũng đã khóc lặng lẽ giữa hoàng hôn. Bên cạnh là Hằng, cũng đang rấm rứt tiếc thương cho tất cả những gì đã từng gắn bó. “Em khóc làm gì mãi thế!”, Tân gắt, câu nói ấy, anh cũng đã nói trong buổi cuối cùng em lên Thiên Mụ để giã biệt theo lí tưởng.
Một ngày trước quyết định cuối cùng, anh Tạo rủ Tân vào khách sạn Hương Giang ăn điểm tâm. Anh vừa nhận lương và có chuyện muốn nói với Tân.
“Nghe anh một lời thôi, dù sao gia đình mình chẳng còn ai cả, chỉ còn hai anh em mình”.
Thấy anh năn nỉ mời mọc nên Tân gật đầu. Anh Tạo mặc thường phục, quần tây áo sơmi xanh cộc tay rồi hai anh em uống cà phê Beurre Bretel, nhâm nhi bánh Paté Chaud hảo hạng. Đã lâu rồi, ít khi hai người có dịp ngồi bên nhau, Tân đã lớn, khó bảo, không như ngày xưa, hễ anh Tạo trừng mắt thì đâu lại vào đó. Tân nhìn dòng Hương ban mai trong xanh, lững lờ với những chiếc thuyền nhỏ chầm chậm qua về chợ Đông Ba.
Anh Tạo lấy hết lời nhỏ nhẹ để khuyên bảo Tân: “Em gắng học đi, đừng tham gia vô mấy phong trào sinh viên chi đó nữa! Giờ anh chỉ còn em là người thân. Học mãn khóa, ra trường, đi làm, đi dạy, anh có thể xin được cho em một chỗ tốt trong thành phố này, thậm chí cả Đà Nẵng, Sài Gòn”. Tân không nói gì. Anh Tạo vẫn kiên nhẫn: “Nghe anh đi, rồi em sẽ có một cuộc sống khác, cha mẹ sẽ mừng!”.
Bấy giờ Tân mới nói: “Cuộc sống khác là sao. Đất nước tao loạn, chiến tranh, người chết, có ngày nào không nghe tiếng súng nổ đâu anh”. Tân nhớ tới những bản tin trên tờ báo ngày, những trận đánh, thương vong, lời kêu gọi của các chính khách, Dinh Độc Lập, cố vấn Mĩ, biểu tình, đàn áp. Quên sao được hôm sáu trăm sinh viên Huế đi biểu tình bị ngăn chặn, bố ráp. Cảnh sát ném lựu đạn cay vào đoàn người. Nhiều bạn sinh viên quá khích bị bắt lên xe. Những cây đàn guitar bị đập vỡ, khẩu hiệu bị đốt cháy nham nhở trên con phố dài. Trong công viên bên bờ sông, mười bốn sinh viên đứng đầu có Tân, Hằng, Võ và nhiều bạn khác bị vây lại, bắt quỳ, đặt hai tay lên đầu chờ chở về đồn. Cảnh sát quốc gia chửi những câu thậm tệ. “Học không lo học, bây làm loạn chi. Đi tù mọt xương hết”. “Bọn này phải đày Thừa Phủ, Côn Đảo cho biết mặt hư đốn”. Một lính Mĩ da đen bồng súng đi tới, hắn kéo phẹc mơ tuya quần, móc cái chày cối đen thủi đen thùi ra cười khoái chí. Hắn dí của nợ ấy trước mặt các bạn nữ. Những người bạn của Tân cúi đầu, nhắm mắt. Hắn đến trước Hằng, dí dí vào trán vẻ khiêu khích rồi khạc bãi nước bọt xuống đất. Mùi vị tệ hại, xấu xa, tật nguyền của chiến tranh đã thực sự thấm trong từng thớ đất, mạch nước, cây cỏ của thành phố này. Tân điên người vùng lên định tống một cú thôi sơn vào mặt hắn. Một mớ dùi cui bổ xuống. Mọi người vùng vằng, đả đảo quân bán nước, cướp nước.
Giờ Tân ngồi trước anh, nhớ lại chuyện cũ lòng sôi sục: “Người Mĩ và đám lính ngoại quốc đổ bộ vào đất nước mình. Nhục nhã như vậy anh biết không? Bao giờ mới có cuộc sống khác. Em không tin!”. Anh Tạo có vẻ bực: “Giờ mi muốn chi?”. “Em sẽ đấu tranh, đấu tranh đến cùng”, Tân nói. “Mi có vô tù, tau không thăm, có chết, tau cũng không mang xác mi về!”.

*
* *


Bức tường đè lên mình nặng quá, dường như cả cơ thể Tân đang xẹp xuống, rã ra. Qua thanh gỗ ẩm mốc, anh nhìn mái ngói giáo đường thủng lỗ chỗ hắt tia sáng nhờ nhợ và những vệt mưa bay xuống. Mưa bắt đầu tỉ tê trên ngói, hòa cùng tiếng khóc lẻ loi của kẻ thù trước mặt. Lòng anh trống rỗng, cạn cợt. Chiến tranh tàn nhẫn quá, đã thay đổi số phận và cả tâm hồn luôn bị giày vò của muôn vạn con người lầm lũi, trầm kha trên xứ thần kinh cổ kính. Từng hình ảnh của ngày vào cuộc chiến hiện ra trước mắt như thực, như mơ.
Bảy giờ tối hôm công chiến, các đơn vị của Đoàn 5 bắt đầu rời cửa rừng. Đoàn quân đi lặng lẽ trong đêm tối, mưa lâm râm, sương mù đầy trời. Sau hơn một tháng đi bộ, trèo dốc lội suối theo đường giao liên vượt Trường Sơn khi lên rừng, Tân trình diện cùng các bạn sinh viên trước Thành ủy Huế. Phong trào sinh viên bị đàn áp nặng nề và những người đứng đầu như Tân sẽ vào tù nếu như vẫn ở trong thành phố. Vốn học Văn khoa nên Tân được bố trí làm việc trong báo Giải phóng, một bộ phận của Ban Tuyên huấn tỉnh. Lần về thành Huế này, ngoài nhiệm vụ thu thập thông tin, anh được lệnh làm hoa tiêu dẫn đơn vị tấn công vào một cửa thành.
Đêm tết thành Nội im lìm, chừng nghe được tiếng thở gấp của bấy nhiêu chiếc mũ tai bèo. Trời se se lạnh, đây đó xác pháo giao thừa rơi vãi, mùi thuốc pháo lẫn trong màn mưa. Tân hít thật sâu để lấy lại bình tĩnh, phổi căng chực mùi hương của mứt tết, của bánh chưng thơm bùi. Năm ngoái, cũng giờ này anh đang ngồi bên bếp lửa thưởng trà, mệ ngoại tụng kinh cầu an cho cả nhà. Nam mô A Di Đà Phật! Mệ ơi! Anh hít thở đầy tiếc nuối. Người chỉ huy đứng sát bên, thì thầm hỏi các vị trí công sự của địch, số lượng quân và trang bị vũ khí. Cửa thành Tân thuộc nằm lòng, bao nhiêu ụ súng, hầm ngách, biết mặt cả tay trung úy đôi lần cà phê trong quán mụ Trang. Tiến công. Cả đơn vị chia thành các mũi lao về phía trước. Đêm tối nhập nhoạng. Súng nổ chát chúa bên tai Tân mới biết cuộc chiến thật sự như thế nào. Những phút đầu tiên, nhiều bộ đội giải phóng trúng đạn nằm trên đường, dưới hộ thành hào, bên mương nước, trên con đường đầy xác pháo. Một anh bạn người Hà Nam mới quen chạy trước Tân chỉ một bước bị lựu đạn trên thành quăng xuống, ngã gục trước mặt. Người chỉ huy tiếp tục điều các mũi tiến lên.
Tân đứng như trời trồng.
Chiến tranh bắt đầu bày ra gương mặt thật khổ đau của nó và chỉ có những người nằm xuống mới biết được chiến tranh đã thật sự kết thúc như thế nào. Hình bóng thướt tha của Hằng hiện lên trong giây phút ấy.
Giờ này em đâu?

*
* *


Có tiếng người nói trước ngôi giáo đường rồi im lặng.
Không khí đặc quánh, ngột ngạt, thứ yên lặng giữa những phút giao tranh. Hắn khóc nhỏ lại rồi mở mắt ngó nghiêng xung quanh, hai chân thả xuống đất, không còn bó gối nữa. Nhưng nước mắt vẫn cứ chảy. Tân và hắn đang ở giữa cuộc chiến tranh. Tân sắp chết còn hắn vẫn sống. Tân không biết cái chết như thế nào nhưng chắc rằng nó lớn hơn một giọt nước mắt.
Anh nhớ những ngày khi cuộc giao tranh chưa vươn vòi đến thành phố và trong anh chưa nuôi suy nghĩ là mình phải làm gì ngày mai. Năm đó, người Mĩ đã bắt đầu vào thành phố. Những chiếc Jeep chở các cố vấn quân sự đi lại trên đường, những lính MP vào ra các công sở. Họ luôn nở nụ cười với các nữ sinh duyên dáng đi bộ trên hè phố, những nụ hôn gió bước ra từ các rạp ciné. Bằng vốn Anh ngữ cơ bản Tân nghe được một vài gã lưu manh buông lời trêu ghẹo thô tục. Sự nhốn nháo của những người tóc vàng đã làm thay đổi hẳn nền nếp của cố đô nho phong, nền nã khi nhiều khu nhà mới mọc lên, nhiều dịch vụ được cung cấp để đáp ứng nhu cầu của họ. Với bộ quân phục tinh tươm, vẻ lịch sự, nụ cười, những cái chìa tay nhuốm mùi chocolate, người Mĩ đang cố gắn nhãn mác hòa bình lên mọi sinh hoạt của người dân Huế, che đi những vũ khí tối tân có thể khai hỏa bất cứ lúc nào trong các căn cứ quân sự. Những người xa lạ ấy đã thay đổi Tân, thay đổi Hằng và rất nhiều người bạn cùng trang lứa.
Thu! Trong giấc mơ của mình mãi về sau này, Hằng vẫn luôn gọi tên cô, rồi ú ớ tỉnh giấc. Cô úp mặt lên vai Tân nức nở. Thu ơi! Thu ơi! Tân không làm sao lau hết những giọt nước mắt tưởng chừng vô tận chảy ra từ một giấc mơ cay đắng.

Minh họa: Đặng Tiến

Vào tháng 5 năm đó, Tân đứng đợi người yêu, rồi túc tắc đạp xe chở Hằng về. Bên cạnh, Thu đạp song song, trìu mến nhìn hai người bạn. Họ đạp xe chầm chậm, theo đường dọc bờ sông An Cựu vòng lên ga xe lửa, rồi xe Thu đi trước, xe Tân theo sau một đoạn. Tân mải nói chuyện với Hằng, không để ý Thu đang đi phía trước cách xa mình.
Đột nhiên, một chiếc xe Jeep chở bốn lính Mĩ đi sau bóp còi inh ỏi, buông lời trêu ghẹo các nữ sinh trên đường. Chiếc Jeep vượt qua Tân, đánh vòng một khoảng khiến anh chùng tay lái. Nó chạy lên, mấy tên lính kẻ vỗ tay, người chỉ trỏ. Chiếc Jeep nhấn ga, đi sát xe Thu. Tân kịp nhìn Thu dạt vào vỉa hè, mặt tái nhợt. Bỗng một bàn tay đầy lông thò ra giựt chiếc nón lá Thu đang đội. Có chuyện không hay với Thu rồi, Tân nói với Hằng rồi cố sức đạp lên. Chỉ kịp thoáng thấy màn đôi co trong chớp mắt. Tên lính dùng hết sức kéo chiếc nón về phía mình. Thu ghì lại rồi mất tay lái rồi loạng choạng ngã xuống đường, đầu bạn kề ngay bánh xe Jeep.
Toác…
Một tiếng hét ngắn ngủi, đau đớn vang lên. Tân mất tay lái, ngã xuống đường. Mặt anh và người yêu không còn một giọt máu. Họ vội vã chạy đến bên Thu. Lính Mĩ trên xe đã nhảy xuống chỉ chỉ, trỏ trỏ ra bộ bối rối. Thu nằm dưới bánh xe, đầu vỡ toác, biến dạng. Máu và chất trắng nhày nhụa lẫn vào nhau, quăn queo từng bụm tóc ướt. Hằng thấy cảnh ấy ngất đi. Tân đau đớn liều mình nhảy vào đấm vào mặt một lính Mĩ. Hắn co lại. Một tên khác sực ôm lấy Tân. Anh vùng vằng trước cú siết.
- Sorry... Sorry…
Có tiếng một gã lính nói, chừng hối lỗi. Người đi đường mau chóng tụ lại. Nhiều tiếng than trách, chửi bới lính Mĩ ác đức. Có tiếng còi cảnh sát. Đám đông dạt ra. Hằng nằm bên cạnh xác Thu trên mặt đường nhựa đen loáng. Hôm đó, tiếng ve đầu mùa kêu da diết như đưa tang.

*
* *


Gương mặt biến dạng của Thu hiển hiện trước những cuộc tấn công, như một động lực để Tân xông lên phía trước. Trưa mồng hai tết, khi lá cờ Mặt trận treo lên đỉnh kì đài, Tân cũng có mặt, ngây ngất trước cảnh tượng huy hoàng phút chốc đó. Bộ đội nghe tin vui mừng, nhiều người nhảy lên như hòa bình đã đến. Họ gần như đã làm chủ thành phố Huế. Chỉ còn Bộ tư lệnh Sư đoàn 1 tại căn cứ Mang Cá, khu phái bộ cố vấn Hoa Kì MACV và một số cứ điểm khác do được phòng thủ tốt, hỏa lực chi viện mạnh nên vẫn kiên quyết chống trả.
Tân mường tượng hòa bình không còn xa nữa. Tự dưng anh nảy ra ý định đi tìm Hằng. Em sẽ mừng lắm khi biết người yêu đã về đây cùng đoàn quân chiến thắng. Ý định đó ngay lập tức bị loại bỏ khi các đợt tiến công tái chiếm thành phố liên tục nổ ra những ngày sau đó. Hầu như đêm nào anh cũng chong mắt thức trắng. Cái chết gần quá, tưởng như có thể sờ được. Anh viết tin trong chiến hào, trong một ngôi nhà đổ nát. Nhưng giấy mực chưa kịp khô đã vội tung tóe cùng đạn pháo. Họ phải liên tục đương đầu với các đơn vị nhảy dù chiến thuật, các chi đoàn thiết xa vận, các lực lượng bộ binh chủ lực của địch quân kiên quyết lấy lại thành phố. Đến mồng ba tết, người Mĩ đã điều thủy quân lục chiến ra trận địa. Liên tục những ngày tiếp theo, Sài Gòn và Mĩ huy động một lực lượng lớn ra tái chiếm Huế với các chiến đoàn dù tinh nhuệ, thiết xa hạng nặng. Pháo kích liên tục ngày đêm, pháo bắn vào nhà dân lẫn trận địa. Bao nhiêu công trình cổ kính của triều Nguyễn tan theo bụi khói. Không phút nào Tân không thấy người ngã xuống, xác người gục trên chiến hào, trong nhà, ngoài ngõ, trên đường, dưới mương. Đầu anh căng ra, đau nhức trước áp lực của những trận chiến. Tân chợt nuôi ý nghĩ muốn làm thơ, muốn được đi học cùng bạn bè, muốn cầm tay Hằng đi dưới hàng bút bút mỗi chiều yên ả.

*
* *


Tay lính Mĩ vẫn sụt sùi khóc, trông ảo não vô cùng.
Khuôn mặt này khác nhiều khuôn mặt lính Mĩ khác Tân đã thấy.
Tân ớn lạnh nhớ về ngày thứ mười sáu của trận chiến. Bom napalm, bom đại, hỏa tiễn... được máy bay điên cuồng trút xuống. Pháo hạm các cỡ từ ngoài biển dội vào. Dưới mặt đất là pháo tự hành, xe tăng và đủ loại hỏa lực của các sắc lính tinh nhuệ. Sự bám trụ kiên cố của quân giải phóng khiến người Mĩ cay cú muốn phá hủy thành phố, bất chấp tất cả.
Tân không còn lòng dạ nào cầm bút viết sau hai ngày ra công sự chống thủy quân lục chiến tràn sang. Người chết nhiều quá, họ phải chôn chung xác trong những nấm mồ tập thể. Lính trận, công chức, người buôn bán, người già, trẻ nhỏ, phụ nữ, đàn ông… Bạn bè mới đó chào nhau một tiếng thân thương đã vội nằm xuống. Ba người bạn ngày trước cùng lên rừng thì có người hi sinh trong đống đổ nát trong một dinh thự trên đường Mai Thúc Loan không cách nào lấy ra được. Tư, bạn học cùng Văn khoa, nằm hấp hối trong lán quân y. Tân tới thăm, Tư ú ớ: “Nhớ nói với mạ là tau vẫn khỏe nghe chưa! Mai mốt hòa bình tau sẽ về”. Hôm sau, Tân chôn Tư. Anh ứa nước mắt. Cơ thể anh mòn mỏi, cạn rỗng trước những nhát cuốc, lưỡi xẻng. Nước mắt nhỏ xuống cùng mồ hôi lẫn máu.
Hòa bình là gì?
Tân lờ đờ đi trong mơ hồ bom đạn, đi qua vô vàn đám cháy, những hố chôn, đi suốt đêm trên bao nhiêu con phố đổ nát, những miếu tự cháy dang dở rồi thiếp đi dưới chân tượng Phật trong một ngôi chùa chỉ còn trơ chánh điện. Nam mô A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật. Câu Phật hiệu vang lên nhắc anh về trận chiến anh vẫn đang tham dự.
Tân vội vã tìm về…

*
* *


Pằng… pằng… pằng…
Tiếng súng giờ đã gần hơn, ngay trong giáo đường. Tay lính Mĩ im lặng, ánh mắt ủ rũ nhìn lên tượng Chúa, nhìn xuống đất, vẻ chán chường. Hắn nhìn vào đống đổ nát, chiếc bàn gãy. Hắn thấy ánh mắt Tân chăm chăm nhìn mình. Hắn lộ vẻ ngạc nhiên. Tân gồng người nắm chặt mảnh kính tướm máu. Nhưng anh biết làm gì, khi mọi cử động đều không thể.
Tân chờ đợi.
Tay lính Mĩ cũng chờ đợi.
Bất thình lình ba lính Mĩ đi lom khom, chĩa súng dáo dác và bắt gặp tay lính khóc. Một trong ba gã quát hàng tràng chửi bới, rồi đưa tay tát bốp vào mặt gã lính trẻ mấy cái khiến hắn choáng váng bổ dúi xuống nền nhà. Giờ tay lính trẻ không còn khóc nữa, lúi húi mang ba lô, đội mũ, đeo súng vào chỉnh tề bước ra chiến tuyến. Tên chỉ huy ra lệnh lục soát, tìm diệt. Hắn cố nhìn về đống đổ nát, liến láu tìm ánh mắt lạc trôi của một kẻ khác phía, không biết thường dân hay địch quân bị thương đang nằm kia.
Tân nhắm mắt chờ cái chết đến với mình.
Tay lính Mĩ tỏ ra tỉnh táo hơn. Hắn nói trong mệt mỏi.
- Không có gì. Đi thôi.
Tiếng bước chân hối hả đi ra như khi đi vào trả lại sự yên tĩnh cho giáo đường. Sao họ không kết thúc mình ở đây, đau quá, nhức quá. Nhưng rồi một loạt pháo dội mạnh xuống mái giáo đường, ngói bay rào rào, từng mảng tường vụn vỡ. Những cái bóng ngã xuống, vùi trong đổ nát. Tân thở dài những hơi thở cuối, cùng lúc một tiếng chuông đâu đó cất lên trong thành Nội.
Chiến tranh sẽ sang trang mới, ngày mai. Ngày mai. Sau khói lửa, cuộc sống sẽ lại nảy mầm, sớm quên đi chuyện ai đã buộc dải khăn tang cho mùa xuân dạo ấy. Tân thấy gương mặt Hằng rạng rỡ nụ cười thăm thẳm trong hố sâu của đôi mắt nhắm nghiền. Tân nắm tay Hằng, bước đi giữa cánh đồng đầy hoa trắng muốt lên tận sườn núi. Em vận áo dài trắng, nón nghiêng, guốc mộc đợi anh bên gò cỏ hoang. Tân cài một bông hoa trắng lên mái tóc nàng. Hương bưởi đậm vấn vít cả một không gian. Họ cứ đi mãi trên cánh đồng, quên cả đói, cả khát, cứ mãi lướt êm êm giữa biển hoa cỏ, lắng nghe diệu âm và ngửi hương thanh khiết. Hằng nói bầu trời trong xanh lạ thường, xanh sâu thẳm, ngút ngát như có thể nhìn thấy những gì sau màn xanh đó. Tân hỏi có còn nhớ những ngày Huế cũ không. Hằng gật đầu: “Điều đó rồi cũng qua đi!”.
Cuối cùng, cầu vồng hiện lên khắp nơi, hàng ngàn, hàng vạn chiếc cầu vồng trên nền trời xanh. Cầu vồng chi chít, to, nhỏ, lớn, bé, tỏa thứ ánh sáng diệu kì quấn trong cây cỏ, rơi trên đôi mắt trong. Kia vợ chồng anh Tạo và hai cháu đang vẫy tay chào Tân và Hằng. Anh Tạo mặc sơvin gọn gàng, đầu chải chuốt điển trai, chị mặc áo dài tím, tay ôm bó sen hồng. Cả nhà cùng lên đồi Vọng Cảnh, cùng đứng ngắm mưa giữa bóng thông hiu quạnh. Bên bờ kia, từng ruộng cúc vàng dầm mình trong mưa, để màu sương khói nhuộm dần lên hương sắc của tháng năm điêu linh, mòn mỏi
L.V.T.G

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)