Nghệ thuật làm thuê

Thứ Sáu, 28/06/2019 09:37

.Truyện ngắn dự thi. ĐOÀN NGỌC HÀ

Đêm hình như đã nhợt đi. Thỉnh thoảng ồ lên một lúc ở ống khói nhà máy xi măng Hoa Vàng thổ lên trời những quầng sáng. Bên kia sông, khu bệnh viện phụ sản Nam Đồng lấp lánh một vài cái xe dũi vào đêm qua cầu ra phía đại lộ Bờ Sông.
Nhà hàng Cao Kỉnh vẫn còn đông khách.
Một thằng người lù lù như bóng đêm hiện hình. Nó đội bóng tối, nhìn kĩ thấy tấm vai trần trương căng và nung núc, đôi chân Ăngtê khiêng cái mông vòng thúng ùn ụt bước đi đổ vào đêm. Không nhìn rõ mặt. Một chiếc chuồng sắt đóng khung bằng cả gian nhà tối tăm, hôi hám. Lũ chó trong đó sực tỉnh sau cơn rên rỉ, ùa về phía bóng đen tru lên hưng hức, rú rít, chồm chồm trong cơn đói. Hung hăng, chúng cắn vào các lỗ cáo sắt lạo xạo, tưởng như cái lồng sắt khổng lồ cũng rung lên, bẹp rúm. Chỉ có bóng tối mới chứng kiến hết vẻ tàn khốc của những bộ răng đầy sức hung tàn của những con vật bị giam cầm, những tử tù sẽ bị hành hình bất cứ lúc nào.
Bóng đen đứng lại, thu thành một cục. Cục người ấy từng là một nông phu. Nó đã mất tất cả. Nó lấy vợ chỉ qua cái đè gái non gẫy bờ rào, chuyên mày tao với vợ, thứ ngôn ngữ man dại của vợ chồng nông dân bấy giờ. Thuở yên ấm, nó cấy những ruộng nếp ngon, ăn như được hưởng một thứ thuốc tiên từ thượng cổ, nhưng cấy đến gần năm mẫu mà nghèo vẫn hoàn nghèo. Cấy ruộng để nuôi lũ nhà lầu xe hơi ấy à, tao ra tỉnh làm một cuốc xe ôm bằng cả vụ! Nó khoát tay. Con vợ bảo, ở nhà thôi, thiên hạ bây giờ chó lắm, không chen nổi đâu!
Nhưng nó đã quyết rồi. Ngày đầu lên bến xe, khí thế ngùn ngụt, nó xăng xái chào mời, níu người nọ, kéo người kia, hạ giá cuốc để “chiêu” khách. Được hai chuyến, giữa lúc đang hí hửng mơ về cục tiền kha khá cuối tháng mang về ném vào mặt con vợ mà “hứ” thì “uỳnh”, cái xe vừa kịp dựng chân chống đổ kềnh. Rõ một trận “sấm rung bão giật” tối tăm. Tỉnh lại, đến khi lau sạch “tiết canh” ở miệng, nó mới lờ mờ hiểu trận đòn vừa rồi qua những câu trống không của mấy thằng xe ôm đứng gần đó. Nó bị đánh vì là “thằng mất dạy”, vì “đứng ở chỗ không phải của mình”. Lê cái thân ê ẩm ra ngoại ô Cống Ngầm, sau một đêm gối đất nằm sương, nó cố gắng cắt nghĩa xem ở bến xe ấy, cái nơi mà nó kiếm sống lương thiện ấy, chỗ của nó là chỗ nào. Nhưng càng nghĩ, nó càng thấy mịt mờ. Sáng ra, khi còn đang lưỡng lự có nên quay về bến xe không thì một chiếc xe hơi xịch trước mặt nó. Từ cửa xe, tòi ra một người đàn ông có đôi lông mày xếch như hai lưỡi dao bầu chọc tiết lợn. Hai lưỡi dao bầu ấy nhướng nhướng lên ngắm nghía nó một hồi giống như gã đồ tể ướm ướm dao vào cổ con lợn đang nằm trên phản. Sau vài câu hỏi han, nó được mời đi ăn sáng để bàn công việc. Câu chuyện “cảm thông, chia sẻ” rồi giải thích lãnh địa lãnh đeo của đám xe ôm ở bến xe khiến đầu nó sáng dần. Nó rưng rưng cảm động khi người đàn ông ấy bảo, mày chở tháng cho tao, chỉ việc ra sân bay lấy thuốc về đại lí Con Ó, tao trả mười triệu! Mừng, và nó rút ra điều thứ nhất, muốn làm thuê được phải biết tìm chủ để phò! Nó bắt đầu khởi nghiệp nhưng khổ thân, cũng mới được vài chuyến thì bị công an bắt vì tội vận chuyển ma túy. Cũng may, đường dây này công an đã mật phục từ lâu nên họ biết nó hoàn toàn vô tình nên không vướng vào lao lí. Khi lão cai thuốc vào tù thì nó bơ vơ khắp Hà thành kiếm việc. Nó biết mọi ngõ ngách ở cái xứ toàn bọn thượng lưu gọi nó bằng Cu bởi hình thù đặc sệt dân bùn đất lùn tụt, nhìn chỉ thấy vai, mặt mũi rắn câng như một cục đất sét, răng đen sì mà lại không có cổ. Tắc ống hỉ? Gọi thằng Cu! Cái thằng “cổ đi vắng” ấy tài vét cống lắm đấy! Nó còn hơn một con chuột, tụt xuống bên này, ới một cái, đã ló đầu bên kia. Đa số các cống, giòi bò thành từng đống, vì ngụp lặn trong đó nên người nó lúc nào cũng có giòi. Lúc nhận tiền công, nó đội cái vai ụ lên rung rung cho giòi rơi xuống lổng nhổng để nài thêm. Khi có công nghệ hút cống, tất cả các khúc ruột ở thủ đô được dọn dẹp bằng một thứ máy hút bùn siêu tốc thì nó thất nghiệp. Lân la đến các công sở tìm việc, nó bị đuổi như một con chó. Cho tới lần nó đến một cơ quan nằm vạ nằm vật ngoài cổng thì chợt có tiếng gọi: Cu! Mày lấy cái giẻ kia lau bóng ghế xe này tao xem! Chưa hết, gã vừa quát tiến lại xách tai nó: Cả việc hướng dẫn người ta “tè” nữa, nghe chưa! Từ đấy, nó quên mình là một thằng người hẳn hoi, thằng người ba tư tuổi, có một cô vợ xinh ở quê và hai đứa nhóc. Nó quên hết để kiếm tiền. Gã ấy (sau nó biết là trưởng bộ phận hành chính) nói thật đểu rồi giao cho nó hai mươi ba cái xe vào ra cơ quan, chỉ việc lau chỗ ngồi của những cái đít thơm ninh ních chức vị vừa rời ghế. Những cái đít đàn bà nây nẩy nóng, lau xong, nó ngửi cái khăn vẫn thấy cái mùi ngan ngát, ngầy ngậy của giàu sang thị thành. Kết cục, nó được mỗi tháng dăm triệu gửi cho vợ. Nó nhận ra điều thứ hai: Muốn làm thuê bền phải biết luồn vào chỗ sang trọng, tìm những anh có máu mặt mà néo lấy, nếu cần thì phải dùng sách ăn vạ. Lại khổ thân nó, là vì nó thật thà, có một bà xuống xe, chắc nín lâu quá nên không chịu nổi, chạy xồng xộc thế quái nào lại vào nhầm toilet nam mà không kịp cả đóng cửa. Thấy vậy, nó vội vã lao theo. Nó lao theo bởi cũng vừa lúc đó, có một ông bụng núc ních vừa nhớn nhác ra khỏi phòng với cái mặt bì ra của kẻ tào tháo đuổi. Khổ nó thế. Đáng lẽ nó phải chặn cái “nhớn nhác” đang lao đến thì ma xui quỷ khiến thế nào, nó lại lao vào trong cảnh báo cho người đàn bà đúng vào lúc bà ấy đang thả ba ba ra bể! Ba mặt một nhời, hai năm rõ mười nhé! Một ngày sau đấy, nó mất việc. Bây giờ thì nó lại lang thang. Thằng người ba tư tuổi đầu vật vờ ở các công viên. Thứ đầu óc tinh xảo trong nghệ thuật kiếm việc đã khiến nó biết thỏa hiệp và thương lượng với bọn đánh giày cầu bơ cầu bất. Rồi đó, nó leo đến đỉnh tót vời của công việc “chăm sóc bàn chân Việt”. Cu! Cu! Bọn ăn nhậu quen tên nó, ngồi bảnh chọe trên ghế, hất hất những cái chân giày cho nó đánh ngay khi vẫn mang trên cẳng. Vừa đánh, nó vừa mân mê xương khớp cho người ta dễ chịu. Để lấy lòng khách, có khi nó còn cúi xuống hôn hít. Được khách, được tiền nhưng khổ thân, nó gặp một gã khó tính có tiền sử bệnh gút. Vô tình, nó làm đau cái khớp, cáu tiết, gã hất tung mũi giày vào mặt nó. Nó ngã, vẫn chưa tha, lộp cộp đi đến, gã nhẹ nhàng đặt đế giày trên mặt nó, rồi cứ thế dận đi dận lại, chà như chà một con sâu. Thì ra thằng đểu chơi trò cười. Nó lạy, thằng kia tha và rút tiền trả nó để xứng đáng cuộc chơi! Trong một bụi hoa công viên, nó nhìn đồng tiền qua máu mũi. Rõ một tờ năm trăm ngàn! Nó khóc. Nó khóc nhưng nó có tiền. Và tiền cũng chưa là gì khi nó rút ra điều căn cốt thứ ba: Muốn làm thuê và trở thành kẻ làm thuê siêu hạng phải biết chịu nhục, càng nhục càng có tiền.

Minh họa: Ngô Xuân Khôi


Nó về quê sau một trận sốt mê man vì lao phổi. Nó ức. Đời lắm thằng giàu quá. Càng giàu càng đểu. Nó thấy ra cả một cái biển làm ăn hùm sói, vừa thịnh vượng vừa giành giật. Cái biển làm ăn ấy chẳng đâu xa, mà ngay cạnh xóm: nhà máy xi măng Hoa Vàng với cầu máng xi măng đang ào ạt chảy. Viên giám đốc complet trắng toát, kính trắng, mũ nồi nâu, cái Mercedes do cô vợ mang váy ti gôn thếp bạc lóng lánh thỉnh thoảng vẫn lướt qua trước cửa nhà nó. Năm ngàn công nhân sau giờ làm việc đi ăn uống và ra bãi tắm đầu sông như một đàn sếu giời xòe váy rợp đất. Văn minh công nghiệp, văn minh dầu tắm thơm thốc thẳng vào cửa nhà nó. Cái bến sông gió lộng chiều chuộng bọn đàn bà thay váy. Hình như bọn chúng thả cả mông lẫn vú để trêu tức nó. Nhà hàng thằng Cao Kỉnh đẫm đìa khách, với món xúp vịt nấu riềng mẻ và món canh “nhất vị tráng dương” nổi tiếng thu tiền tỉ. Tao kém gì mày hả Kỉnh? Cơn uất làm nó hực lên. Nó đã lăn lộn nhầy nhụa trong thiên hạ. Nó đã nhục lắm... Gọi vợ vào nhà, nó bảo, thửa cho tao mấy con dao sắc! Ăn cướp à? Vợ nó rùng mình nhưng ngay tối hôm ấy bọn lái chó đem đến cho nó một lũ “ẳng ẳng”. Nó thức đêm đập đầu chó nấu xúp. Nó học được cách chế xúp cầy của người Tàu, món thịt nhừ nấu với tám vị thuốc Bắc gọi là “Bát vị cẩu”. Khủng khiếp, trong “Bát vị cẩu” có một vị cực kì bí mật được chế bằng phân chó sao tẩm bột riềng thơm vẹo mũi, đến Thượng đế cũng nhỏ rãi. Nhưng cả tháng trời chỉ lơ thơ mấy vị khách. Hàng ế nhè! Hay người ta nghi ngờ cách làm ăn của nó? Không! Chẳng qua, nó chưa tạo được tăm tiếng mà thôi! Khổ cho nó là hàng Kỉnh vẫn đông nghịt khách. Sáng ấy, nó vừa tỉnh giấc thì thấy tiếng léo nhéo bên ngoài của bọn sếu giời. Có cả tiếng kêu ré và tiếng ồn ào. Nó bật tung cửa sổ và thấy rõ một con cá vàng pha sắc tím lấp lánh đang giãy giụa trên cây gạo cao ngất gần nhà lão giám đốc. Gì thế? Vợ nó đi vào cấm cẳn, lũ rửng mỡ, có cái váy của mụ vợ giám đốc mà cũng ồn lên như chợ vỡ. Nó dụi mắt, lững thững đi ra. Nó ngửa mặt. Nó muốn cười. Con mụ giàu nhất xứ, nổi tiếng ăn chơi, tới trăm mẫu váy, có cái đẹp nhất bị gió giật ném lên cây. Nỡm ơi là nỡm! Nhưng cũng chính lúc ấy một tia sáng bật lên trong đầu, tia chớp rút đúc từ nghệ thuật làm thuê muôn phần tủi nhục của nó. Này Cu, đời có cái gì mà không nhục. Càng nhục càng kiếm được nhiều tiền! Được, được lắm, nó nghĩ ra rồi. Nó bay đến gốc cây gạo trong lúc bọn thợ máy, bọn văn phòng, quản trị và đám công nhân nữ đang nhốn nháo tìm cách. Nó rẽ đám đông và ngoăn ngoắt trèo lên như một con mèo. Nó đậu ở ngọn gạo rồi! Như lúc leo lên, nó lại văn vắt trườn ra một cành. Chỗ mút của cành gạo càng nhỏ, người ta càng phải nín thở. Nó vồ được cái váy trong tiếng reo như thác phía dưới và theo thói quen nghề nghiệp từ những năm nào, nó vẫn phải dí cái váy mềm thơm nức vào mũi để ngửi.
Động tác ấy khiến nó rơi xuống...
Tưởng nó chết. Nhưng chỉ vỡ xương vai, gẫy tám cái xương sườn, ộc máu ổ bụng, não bộ vẫn còn nguyên xi, cái mũi hay ngửi chỉ mẻ một tí. Ba tháng nằm viện, nó trở về. Để trả công nó, viên giám đốc complet trắng cùng cô vợ hoa lệ dừng xe vào ăn quán nhà nó khiến dân tình tròn mắt há miệng. Sau sự kiện ấy, cửa hàng nhà Cu trở thành một thương hiệu! Cái mõm của con chó đồng bằng bây giờ sủa thành đô la, khép mở hầu bao của một nông phu từng nếm trải vạn phần đê nhục. Anh Cầy Cu! Anh Cầy Cu ơi! Cho xin tô Bát vị nào! Cho tô Bát vị! A anh Cu, món nầm chân chó ninh nhừ còn không? Cho đây món gan chó ninh táo tàu... Tiếng gọi ran. Nghệ thuật chế món gâu gâu xứ Việt bắc thang lên mây vì Cu khỏa tay chế biến món độc chiêu bổ dưỡng. Thực khách rào rào. Cầy Cu hút khách một góc trời. Nhà hàng Cao Kỉnh thoi thóp. Mẹ mày! Cầy Cu sướng rơn. Nó vung tay thuê thêm nhân viên tạp dề. Thuê thợ đập đầu chó quai búa mười lăm cân. Đầu bếp thuê từ xứ Lạng nói oe óe tiếng Quảng Đông. Tậu bãi để xe. Điện thâu đêm. Đầu khách dũi xuống những tô Bát vị. Bát vị, Bát vị, ôi trời, chân ngà, váy cộc, môi non mớm bát Yên hoa ràn rạt, cổ đài hoa, vai ngọc nặn, chân sếu giời, chân đất cát, chân dận Adidas, xe Maybach dòng Mercedes, đùi chó béo xén bằng dao Nhật, mắm tôm Hải Kiều vắt chanh quấy phồng, cắn miếng riềng đánh sột, Bát vị, Bát vị nào! Bát vị nữa...
- Anh Cầy Cu đẳng cấp! Ối anh Cu đẳng cấp!
- Anh Cầy Cu vạn tuế! Vua cầy vạn tuế!
Bọn chân giày hét váng. Cầy Cu đứng trên một cái ghế ngóc đầu như một con cóc tía, chắp hai cục tay vái như kiểu chào của các nguyên thủ, miệng lẩm nhẩm chửi thầm, mẹ chúng mày, ông cho thiên hạ chúng mày hốc cứt chó để ông làm giàu đấy!
Tội thân, Cầy Cu mới học có lớp hai. Đầu Cầy Cu có hai ngăn, một ngăn chứa nhục, một ngăn chứa tiền. Cầy Cu muốn rửa nhục bằng tiền. Ở cái xã hội giàu có mà khinh người này, Cầy Cu muốn trả hận bằng tiền. Cu đã từng lặn cống, từng bị một con mụ suýt nữa đái vào mặt. Cu biết bọn chân giày réo tên Cu, dành cho Cu ngôi vị đế vương nhưng đâu phải tôn trọng Cu, chúng chỉ giễu cợt một thằng người, một cục người xấu xí và cổ quái, cõng trên mình cả một núi vai lồ lộ. Cu sực tỉnh, thì ra giàu có mà vẫn không thể rửa được cái nhục bị khinh bỉ. Bao giờ mới rửa được cái khinh bỉ?
Bỗng.
Tất cả tán loạn. Ghế xô. Bàn rượu tung tóe. Những tô Bát vị ninh to bằng cả cái chậu con còn bốc khói bị hắt văng xuống sàn. Tiếng chân chạy sàn sạt, tiếng phụ nữ rú, sóng người nghiêng ra cửa.
Một thứ giống thai nhi bị nạo chỉ to hơn con ếch một tí vừa được vớt ra từ nồi ninh Bát vị!...
Đêm đã nhợt đi. Thỉnh thoảng ở khu nhà máy Hoa Vàng lại hộc lên một quầng sáng. Thằng người lù lù đội bóng tối nhìn về phía nhà hàng Cao Kỉnh vẫn đông người ra vào. Bây giờ thì đàn chó càng rú rít bằng những cú quăng mình lên tới tấp. Bộ răng đã đói ngấu đòi cắn xé bất cứ một thứ gì. Cầy Cu ngước nhìn căn lầu cỡ mươi tỉ của mình. Thôi hết! Cái thứ trong nồi ninh Bát vị đã đủ sức đánh sập căn lầu, đánh sập đời nó. Người ta đã kinh hoàng rời bỏ nhà nó để tiếp tục đến nhà hàng Cao Kỉnh. Cao Kỉnh! Biết đâu thằng chó ấy, món canh nhất vị tráng dương... Khốn nạn! Đời nó đã khốn nạn lắm rồi. Bọn con nợ sắp kéo đến. Tại nó, tại nó cả, nó nghiến răng, nhỏ nước mắt, nó chưa kịp nhận ra cái nghệ thuật đểu cáng thứ tư, nghệ thuật cạnh tranh!
- Xoạch!
Sau động tác giật chiếc khóa, nó đĩnh đạc bước vào cái lồng sắt.
Hột ơi! Tên đầy đủ của nó là Nguyễn Văn Hột. Được tin, tôi về thắp hương cho nó. Nó là con ông chú tôi. Chú tôi đã tám lăm tuổi, có mình nó. Thấy tôi, ông khóc quá, nước mắt nước mũi rểu rảo trên khuôn mặt quả gấc héo: “Cháu ơi! Thằng Hột chết rồi. Thượng cổ nhà ta vẫn làm ruộng, làm ruộng mà chăm chỉ thì phong lưu, có sao đâu, đằng này nó lại đi đú với cái thời thổ tả”

Tháng 01/ 2019
Đ.N.H

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)