.Bút kí. PHẠM HỌC
Mọi dòng sông đều đổ về với biển. Nhưng con sông này nằm trên biển thì đổ về đâu? Tôi tự hỏi và thầm nghĩ, có lẽ con sông tự chảy vào thẳm sâu cõi lòng của chính mình... Tôi đang nói đến dòng sông Mang (huyện đảo Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), nơi gắn liền với chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm thời nhà Trần. Để hôm nay, sông Mang vẫn mang trong mình biết bao huyền thoại...
Dùng dằng, con sông không chảy
Thuyền chúng tôi xuất phát từ bến Con Quy (xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn) để bắt đầu chuyến du thủy trên sông Mang. Con thuyền gỗ rời bến. Tiếng máy vang lên chậm rãi, chắc nịch khiến tôi cứ ngỡ như mình đang nghe từng bước chân từ một nơi nào đó rất mơ hồ đã đi qua vùng đất này.
Trong lịch sử, người phương Bắc chỉ nhìn thấy cái đứt gãy của núi non trên biển nên gọi Vân Đồn là Đoạn Sơn. Cao Hùng Trưng, một người sống ở thời mạt Minh sơ Thanh, chép rằng: “Vân Đồn Sơn, tức Đoạn Sơn ở huyện Vân Đồn trong biển. Hai ngọn núi đứng đối nhau, một dải nước chảy thông ở giữa, tại đó đóng kè gỗ, dựng làm cửa biển. Nhà dân dọc hai bên bờ. Thời Lý thuyền buôn các nước tụ tập nhiều ở đó”. Cái “dải nước chảy thông ở giữa” mà Cao Hùng Trưng đề cập không gì khác chính là dòng sông Mang.
Mọi sự tồn tại đều có lí của nó. Trên đất liền, nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp, chảy mãi thì thành sông, suối. Trên biển, cũng có thuỷ triều, hải lưu. Sông Mang sinh ra, tồn tại để tự khẳng định mình. Dòng Mang dài độ chừng vài cây số. Để đi hết con sông chỉ mất chừng hai tiếng. Đấy là lúc thuận buồm xuôi gió. Cũng quãng đường ấy mà chạy ngoài biển động có khi mất cả ngày. Mà nếu gặp gió mùa đông bắc nữa thì không tài nào nhích lên được.
Bắt đầu từ Cửa Đối, sông Mang uốn lượn làm duyên với núi non thành một dải như thể thắt lưng xanh khổng lồ của cô gái làng Liễu Mai sơ ý bỏ quên trong một đêm trăng tình tự. Gọi là sơ ý thôi chứ thực ra có tình ý trong đó cả. Chỉ tội cho chàng thôn dân quê mùa không biết đó là vật làm tin mà giữ chặt vào lòng. Để đến nỗi khăn rơi xuống biển hoá thành một dòng xanh mênh mang.
Tôi chưa có điều kiện đi hết hơn ba nghìn cây số bờ biển của Việt Nam ta, nhưng có lẽ dòng Mang là con sông duy nhất trên đất nước hình chữ S này “đăng kí hộ khẩu” ở trên biển. Thêm nữa, cũng bởi nằm giữa biển, bốn bên là biển (chính xác là bốn vịnh: vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vịnh Vân Đồn và vịnh Bắc Bộ) nên sông chẳng có thượng nguồn và hạ lưu nên ít người nhận thấy mặt nước chảy trôi bao giờ.
Mỗi khi thủy triều lên, nước từ hai đầu dồn về khúc giữa. Từ tốn và nhẹ nhàng như phút giây lưu luyến ban đầu. Khi thủy triều rút cũng vậy. Nước lặng lẽ chảy ra hai đầu, phơi dần những bờ bãi từ tốn, bịn rịn như cảnh tống biệt cố nhân. Nếu ai đó cả đời gắn bó với sông mới phát hiện ra sông có chảy thì sóng cũng lặng, nước cũng trôi lững lờ. Tôi áp tai vào thành con thuyền gỗ để nghe cho được tiếng nước chảy vỗ vào hai mạn. Dù cố gắng đến mấy cũng chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng máy nổ trong khoang.
Nhờ biển lặng, sóng êm mà sông Mang là nơi rất thuận lợi cho các loài hải sản trú ngụ. Đây là vựa tôm cá khổng lồ. Người dân ở đây bảo, xưa ngán nhiều đến nỗi chỉ cần vơ một cái là đầy rổ. Cá sẵn đến mức chỉ cần buông câu một lát đã kéo lên chú cá vài ba cân. Nước lặng sóng dừng cũng thuận lợi cho thuyền bè đi lại. Bà con ngư dân đi biển mỗi khi mưa bão cũng tìm vào buông neo cập bờ, nhờ con sông Mang bao dung dang tay che chở.
Nhưng cũng chính cái êm đềm của sông đã bị thế lực ngoại bang lợi dụng. Lần thứ ba xâm lược nước ta, đại quân Nguyên Mông đang thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, đoàn thuyền lương tiếp tế chắc chắn sẽ tìm con đường đi ngắn nhất, nhanh nhất chứ không dại gì mà đi ngang ra Cát Bà để đối mặt với sóng gió biển khơi. Sông Mang là lựa chọn tối ưu. Ít ra, các tay chèo cũng tận dụng được ba cây số biển êm rồi vát ven bờ qua Hòn Đũa mà vào. Thêm nữa, hai bên sông có núi cao che chắn, thử hỏi có chỗ nào giấu được mười bảy vạn thuyền lương hay hơn đi vào đường này. Còn rủi thay nếu đi đúng vào hôm có gió mùa đông bắc thì chạy vào sông Mang mà vát thuyền theo hình chữ chi vẫn có thể đi được.
Sông Mang và những mạch ngầm
Sông Mang không đầu không cuối hiền lành kia đã không để bị lợi dụng. Hay nói đúng hơn, con sông đã trở mình, dịu êm bề nổi mà dữ dội bề sâu. Cái mạch ngầm dữ dội của dòng sông đã cuộn chảy nhấn chìm đội quân cướp nước, vinh danh những nhân vật huyền thoại, chiến công lẫy lừng. Trong đó không thể không kể đến là danh tướng Trần Khánh Dư, người có khí tiết ngay cả khi thất thế. Sinh thời, Trần Khánh Dư là vị danh tướng sống và làm việc liên tục dưới sáu triều vua Trần (Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông). Từ khi tham gia và lập công trong kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, năm 1258 đến năm mất 1339 (sử sách không ghi rõ năm sinh của ông), ông đã nắm giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong triều đình, như Phó đô tướng quân, Phiêu kị đại tướng quân, Trật hầu, Tử phục thượng vị hầu, quyền chức Phán thủ…
Về danh tướng Trần Khánh Dư có rất nhiều giai thoại. Một lần vua Trần Thánh Tông đi dạo trên sông, thấy bến Bình Than đẹp nên thả neo đậu ở đó. Trong đêm ngủ ngon vua chiêm bao thấy thuyền lật, đang lúc nguy khốn thì lập tức có một người mặt mũi, dáng vẻ đại tướng đã nâng thuyền lên cứu giúp. Vua giật mình tỉnh dậy mới biết mình nằm mơ. Kì lạ hơn, hôm sau vua đi lên bờ thì gặp đám trẻ nhỏ nghêu ngao hát:
Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn
Hỏi rằng chi đó? Gửi rằng: than!
Đói no miễn được đồng tiền tốt
Hơn thiệt nài bao gốc củi tàn!
Muốn giữ lửa hương cho vẹn kiếp
Thử xem sắt đá có bền gan?
Nghĩ mình nhem nhuốc toan nghề khác
Nhưng sợ trời kia lắm kẻ hàn.
Vua thấy sự lạ trong lời đồng dao, hỏi ra mới biết câu hát đó là của người bán than, tên là Khánh Dư, họ Trần, là con của Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt, sống bằng nghề bán than chứ không sống bằng bổng lộc của cha. Vua biết người này có tài nên triệu về kinh giúp nước. Qua những trận chiến ác liệt Trần Khánh Dư tỏ ra là một tướng giỏi nên vua rất sủng ái bèn nhận làm con nuôi. Nhưng khốn nỗi, không lâu sau đó, Trần Khánh Dư lại thông dâm với công chúa Thiên Thụy nên bị cách hết chức tước bổng lộc phải về ở ẩn tại Chí Linh tiếp tục với nghề bán than.
Sông Mang hôm nay vẫn là nơi neo đậu của tàu thuyền trong khu vực. - Ảnh: PV
Khi quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần nữa, vua Trần Nhân Tông cho họp các tướng soái tìm kế sách cứu nước. Đang họp thì vua trông thấy chiếc thuyền chở than đi qua, người trên thuyền nghêu ngao đọc Một gánh càn khôn quẩy xuống ngàn liền cho quân đuổi theo gọi lại. Một người bán than mặc áo ngắn, đội nón lá, dáng vẻ rất bụi bặm quay lại trả lời: “Lão là người buôn bán có việc gì mà phải triệu”. Quân lính về tâu lại với vua, vua nhất mực khẳng định: “Phong thái như thế đúng là Nhân Huệ Vương đấy, ta biết người thường không dám nói thế”. Vua xuống chỉ ban áo mũ, ghế ngồi cùng bàn việc nước. Lúc này Trần Khánh Dư đã đưa ra chiến lược, kế sách rất hay hợp ý vua và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Từ đó, Trần Khánh Dư nhanh chóng được khôi phục chức tước, xoá bỏ án phạt, lại còn được cử ra trấn giữ Vân Đồn...
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư được phong chức Phó đô tướng quân, có toàn quyền quyết định mọi vấn đề an ninh ở Vân Đồn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba, năm 1287. Được giao trách nhiệm trấn giữ vùng biển, nhưng Nhân Huệ Vương đã không ngăn được giặc vượt qua An Bang tiến về Vạn Kiếp. Sau đó, gặp lúc Ô Mã Nhi đem chu sư ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền tải lương của Trương Văn Hổ, Khánh Dư đánh nhau với Ô Mã Nhi bị thua và “Thượng hoàng được tin, sai trung sứ xiềng Khánh Dư giải về kinh”. Nhưng đây cũng là lúc bản lĩnh của một danh tướng có tài được thể hiện rõ ràng nhất: Ông đã xin ở lại ba ngày để lập công, nếu không thành sẽ tự tìm về kinh chịu tội.
Trần Khánh Dư hiểu rằng, với ba mươi vạn quân, nhà Nguyên khó mà có thể huy động hàng chục vạn phu phen gánh gạo theo quân tiếp viện bằng đường bộ được nên phải đi đường biển. Bởi vậy, mười bảy vạn thạch lương mà Trương Văn Hổ mang theo qua Vân Đồn là toàn bộ sự trông cậy của đại quân Nguyên Mông. Phá tan đoàn thuyền tiếp lương cũng chính là chặn cái yết hầu của địch. Quả nhiên, Trần Khánh Dư đã đẩy Thoát Hoan vào cái bi kịch đại quân đến mà đoàn thuyền lương chưa đến, ngày ngày phải trèo lên núi ngóng chờ. Còn Ô Mã Nhi thì chạy ra cửa biển Đại Bàng, rồi ra tận cửa biển An Bang mỏi mòn mà không thấy. Cả Thoát Hoan và Ô Mã Nhi đâu có ngờ rằng, hầu hết thuyền lương của quân Nguyên đã bị Trần Khánh Dư nhấn chìm xuống sóng nước dòng Mang.
Trần Khánh Dư không chỉ là danh tướng trấn giữ về quân sự, ông còn giữ mạch nguồn văn hoá cho vùng đất bên sông. Ông là người chấn hưng văn hoá, cổ vũ tinh thần dân tộc. Dưới thời Trần, Vân Đồn nhận được sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Thăng Long, không chỉ có vị thế trọng yếu của một vùng biên viễn, mà Vân Đồn còn là địa điểm quan trọng trong hệ thống thương mại châu Á. Tại đây, Nhân Huệ Vương đã thể hiện tư chất của một thương nhân rất thành thạo nghề buôn. Có thể nói, với những gì thể hiện ở Vân Đồn, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư là một quý tộc có tư duy thương nghiệp đầu tiên và điển hình nhất thời Trần.
Sử sách kể lại, khi mới đến trấn giữ Vân Đồn, ông rất bực tức vì ở đấy làm nghề buôn bán sinh nhai, ăn uống, y phục đều trông vào khách buôn phương Bắc cho nên quần áo đồ dùng theo tục người Bắc. Ngay lập tức ông cho điểm duyệt quân các trang, hạ lệnh rằng: “Quân đóng ở Vân Đồn là để ngăn giữ giặc Hồ, nên không đội nón của phương Bắc, trong khi vội vàng khó lòng phân biệt, nên đội nón Ma Lôi (Ma Lôi là tên một hương ở Hồng Lộ, Hải Dương, làng này khéo nghề làm nón, nên lấy tên làng làm tên nón), ai trái lệnh tất phải phạt”.
Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết: “... Khánh Dư đã sai người nhà mua nón Ma Lôi từ trước, chở thuyền đến đậu trong cảng rồi. Lệnh vừa ra, sai ngầm báo người dân trong trang: “Hôm qua thấy trước vụng biển có thuyền chở nón Ma Lôi đậu”. Do đấy, người trong trang tranh nhau mua nón, ban đầu mua không tới một tiền, sau giá đắt, bán một chiếc nón giá một tấm vải, số vải thu được đến hàng nghìn tấm”. Như thế, tư tưởng “người Việt dùng hàng Việt” không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ thời Trần (!).
Gần bảy thế kỉ sau chiến thắng của Trần Khánh Dư, sông Mang lại nổi sóng. Bom Mĩ quần đảo dòng sông. Ông Vũ Xuân Tính, một cư dân ven sông kể cho tôi nghe những kỉ niệm năm 1964, ông cùng chúng bạn tản cư sang bên kia sông khi máy bay Mĩ ném bom tiêu diệt đoàn tàu chi viện cho chiến trường miền Nam. Sự kiện mới như ngày hôm qua làm hai khoé mắt ông ngân ngấn nước. Có chừng hai mươi vụ ném bom. Làng ông có mười người chết. Bên bờ bắc sông Mang những nơi chưa kịp tản cư người chết nhiều hơn. Có hai người bạn nối khố của ông cũng nằm lại đáy sông Mang này. Cũng may, con sông bao dung như lòng mẹ ôm ấp chở che, không đưa thi thể ra biển nên nhiều ngày sau dân làng tìm thấy họ.
Là một lão ngư thực thụ, ông Vũ Xuân Tính chỉ cho tôi những luồng lạch chương cát. Nào là cống Ông, cống Bà, hòn Tỏi, hòn Cồn Trắng, hòn Cồn Trụi, hòn Đầu Trâu... Ông bảo đó là nhờ trước kia, nhiều đêm ông cùng với đoàn thuyền vận tải lên đường chi viện cho chiến trường. Ông mơ ước giá như đừng có chiến tranh bom đạn, ông được sống lại tuổi học trò, cùng bạn bè vượt núi vượt sông xách bồ lên núi hái thanh mai.
Ông Tính cũng cho biết, mỗi năm sông Mang bồi lắng thêm độ chừng mười phân. Nhưng mạch ngầm nước sông Mang không vì thế mà bị chặn. Mà cũng chẳng ai chặn nổi mạch ngầm ấy cả. Cái mạch nước lờ lợ kia ngấm qua đất cát Quan Lạn mà trở nên ngọt ngào. Chẳng thế mà xưa kia, các cụ nhà ta đã đào giếng ven sông để lấy nước ngọt. Con gái tắm nước giếng ấy cũng như đẹp hơn. Thế nên mới có câu ca Ra đi tóc mới chấm vai/ Tắm nước giếng Hệu tóc dài ngang lưng.
Nước sông Mang là nước biển. Thượng nguồn và hạ lưu đều là biển. Biển nuôi dưỡng con người. Biển tạo nên mạch đập văn hoá. Biển còn tạo ra một sự khao khát đoàn viên. Lại nhớ truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng nở ra trăm con, năm mươi con theo mẹ lên núi, năm mươi con theo cha xuống biển. Sự chia li ấy làm nảy sinh tâm thức dân tộc Việt luôn hướng về biển. Lịch sử của người Việt cũng là lịch sử từ núi xuống biển. Biển là nơi khơi nguồn, cũng là nơi trở về. Thảo nào mà con sông Mang trên biển kia cứ dùng dằng không chảy...
Cụ Phạm Văn Phiệt ở thôn Sơn Hào, xã đảo Quan Lạn bảo tôi rằng có thể trước kia cái tên của dòng sông là Man mới đúng, sau này đọc chệch thành Mang. Sông Man nghĩa là con sông nhấn chìm bè lũ man rợ đến cướp nước. Chẳng biết cách lí giải của cụ có đúng không còn tôi vẫn thích gọi là sông Mang, nghe nó mênh mang thơ mộng. Ai lại đi đặt cho con sông một cái tên đầy hận thù.
Chuyện về ba danh tướng họ Phạm
Nằm bên bờ sông Mang là xã đảo Quan Lạn. Hiếm có một vùng đất nào trên đất nước ta lại đặc biệt, giàu bản sắc văn hóa như xã đảo này. Tôi lang thang gần như khắp các xóm làng Quan Lạn để tìm hiểu, khám phá mà chỉ thấy rằng những gì mình biết về nơi này còn quá ít và nhiều khi còn mơ hồ nữa.
Tôi ghé thăm đình làng, xúc động khi nghe cụ thủ từ giới thiệu về bài vị của ba vị tướng họ Phạm. Ông Hoàng Giáp, nguyên Trưởng phòng Sưu tầm (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) và cộng sự đã chỉ ra rằng ba anh em họ Phạm từng là phó tướng của Trần Khánh Dư, thần phả tại đình trùng khớp với tên được ghi trong bài vị thờ tại từ đường họ Phạm làng Khê Chanh, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Chiến công của ba vị tướng họ Phạm này được dân gian lưu truyền như huyền tích. Một vị là “ông Nhòm” có tài nhìn xa, vị thứ hai là “ông Hô” có tài ăn sóng nói gió, cổ vũ động viên hô hoán cho dân đảo rất có uy tín, vị thứ ba là “ông Đục” có tài lặn đã bơi ra sông Mang lặn xuống đục chìm thuyền giặc. Khi nhận lệnh vua đem quân ra Vân Đồn, tuy là một tướng tài nhưng do chưa am hiểu địa thế nên Trần Khánh Dư có lẽ không tránh khỏi lo lắng. Được ba anh em họ Phạm đầu quân, Trần Khánh Dư vui mừng khôn xiết. Bằng những biệt tài của mình, ba anh em dũng tướng họ Phạm đã bày kế đem thuyền giấu vào sương mờ dày đặc trên sông Mang. Đoàn thuyền vận chuyển lương và quân tiếp vận của tướng giặc Trương Văn Hổ đi vào đã bị những mũi tấn công thoắt ẩn thoắt hiện trong sương mù cắt đội hình. Toàn bộ năm trăm chiến thuyền, bảy mươi vạn hộc lương chở hàng vạn quân hoặc bị đốt cháy hoặc chìm xuống đáy biển sâu.
Trong trận hải chiến thắng lợi lẫy lừng đó, ba vị tướng họ Phạm đều đã hi sinh. Thi thể ba ông trôi trên sông Mang, dạt vào bờ, được người dân vớt lên, chôn cất và dựng đền thờ. Ngoài bài vị được thờ chung ở đình Quan Lạn, mỗi vị được dân lập một miếu thờ riêng. Phạm Công Chính được thờ ở miếu giữa làng, miếu thờ Phạm Quý Công ở núi Đồng Hồ và miếu thờ Phạm Thuần Dụng ở núi Sao Ỏm. Vua Trần đã truy tặng tước hiệu và biểu dương công trạng của ba vị tướng họ Phạm, còn dân làng thì tổ chức lễ hội bơi chải để tưởng nhớ và tri ân những người đã hi sinh vào dịp 18/6 âm lịch hàng năm.
Quan Lạn là một xã đảo độc đáo, vừa giữ được thiết chế văn hóa truyền thống giống trên đất liền, lại vừa có những nét rất riêng. Ngoài con sông Mang đặc thù, Quan Lạn còn có nhiều bến: bến Cái Làng, bến Cống Cái, bến Con Quy... Quan Lạn cũng có nhiều giếng làng, và nổi tiếng nhất là giếng Hệu đã đi vào ca dao. Ở giữa biển khơi nhưng mạch nước các giếng bao giờ cũng trong cũng ngọt như mạch ngầm văn hóa vẫn tuôn chảy tự bao đời.
Sông Mang kết thúc ở hòn Cồn Giai. Cồn không lớn lắm. Tôi mường tượng nếu như dòng sông Mang là một câu văn hào hùng thì Cồn Giai là dấu chấm câu. Chấm đấy, nhưng không phải kết thúc, bởi Cồn Giai mở ra cả một biển trời mênh mông. Cái mênh mông của biển cả tự bao đời. Giáo gươm bỏ lại dưới lòng sâu, sông Mang trôi về phía biển khơi hiền lành như thuở hồng hoang. Anh bạn đồng hành với tôi thì lại ví hòn Cồn Giai như giai điệu khép lại một trường ca bất hủ...
P.H
VNQD