.ĐỖ PHẤN
Chữ “phường” trong tiếng Việt có hai nghĩa. Một là tập hợp những người làm ăn buôn bán nhỏ có chung nghề nghiệp. Hai là để chỉ bọn người hạ đẳng đáng khinh. Phong trần mài một lưỡi gươm/ Những phường giá áo túi cơm sá gì (Kiều - Nguyễn Du). Hình như nghĩa thứ hai này là một ám ảnh không nhỏ cho nên trong một thời gian rất dài người Hà Nội dùng cách gọi đơn vị hành chính dưới cấp khu phố là “tiểu khu” - “tiểu khu” chính là “phường” theo cách gọi từ sau 1980.
“Buôn có bạn, bán có phường” là thành ngữ cổ của người Việt gắn liền với lịch sử phát triển thương mại. Nông thôn xa xưa áp dụng thành ngữ này ở chợ. Hàng rau, hàng gạo tự thu xếp ngồi vào một khu vực trong chợ để tránh cảnh “hàng thịt nguýt hàng cá”. Ở thành phố nghìn năm tuổi như Hà Nội còn để lại rất nhiều dấu ấn của việc kinh doanh này. Đó là những con phố có tên “hàng…” để chỉ cụ thể một mặt hàng mà người ở đấy sản xuất buôn bán. Cho đến những năm sau hoà bình 1954 những con phố ấy vẫn còn nhiều gia đình làm nghề hoặc buôn bán chính mặt hàng đó. Phố Hàng Chiếu bán chiếu, phố Hàng Đồng bán đồ đồng, phố Hàng Da làm đồ da và đóng giày, phố Hàng Đường bán đường và mứt… Nhưng cũng đã có nhiều con phố không còn làm hoặc buôn bán những mặt hàng làm nên tên phố ấy nữa. Phố Hàng Vải bán thang tre và có nhiều hiệu thuốc bắc kéo dài sang phố Lãn Ông. Phố Hàng Gai bán đồ mĩ nghệ và khắc dấu. Phố Hàng Lược họp chợ hoa vào dịp tết, phố Hàng Cân bán giấy, bìa… Nhiều con phố không những không buôn bán mặt hàng ấy nữa mà còn mất cả tên. Phố Hàng Giò thành đoạn đầu phố Bà Triệu bây giờ. Phố Hàng Cỏ giờ nằm cuối phố Trần Hưng Đạo. Hàng Nâu thành phố Trần Nhật Duật. Phố Hàng Bột thành đường Tôn Đức Thắng.
Những năm chiến tranh chống Mĩ và bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội việc buôn bán không được khuyến khích với thành phần tư doanh. Hầu hết các cửa hàng cửa hiệu phải vào hợp tác mua bán, sản xuất. Thành ngữ “buôn có bạn, bán có phường” chỉ còn được lưu hành trong đám chợ búa sản xuất nhỏ lẻ theo nếp cũ. Đại khái muốn mua chiếc mắc áo uốn bằng mây thì lên đầu Ngõ Gạch. Mua bộ quân cờ tướng thì lên phố Tố Tịch có vài nhà tiện gỗ. Cân thuốc bắc thì lên Lãn Ông. Dĩ nhiên những mặt hàng như thế chỉ có dân phố biết chỗ mà mua. Cái tên phố chẳng còn nói lên điều nó cần nữa.
Minh họa: Đỗ Dũng
Những hàng hoá sản xuất công nghiệp từ vải vóc chăn chiếu cho đến giường tủ, xe đạp, đồ điện, giấy bút, xà phòng tất thảy đều phải vào cửa hàng mậu dịch. Trong những cửa hàng bách hoá ngày ấy có khi chỉ là hàng trưng bày cho đẹp mắt mà không phải để bán. Tấm biển kẻ tay nắn nót bằng bút máy dòng chữ “Hàng mẫu không bán” là thứ rất quen thuộc trong các tủ kính trưng bày. Hàng công nghệ phẩm và lương thực thực phẩm tất cả đã được phân phối bằng tem phiếu.
Cuối những năm bao cấp, vài con phố mới sinh ra những nghề nghiệp mới hoàn toàn. Phố Huế chuyên về xuống khung, uốn ghi đông xe đạp khi có nhiều du học sinh từ Liên Xô về mang theo những chiếc xe cuốc Sputnic cao lênh khênh. Vài năm sau gần như cả con phố Huế đã là một cửa hàng phụ tùng xe đạp dài dằng dặc kéo cả vào trong Chợ Giời. Con phố nhỏ êm đềm Triệu Việt Vương có dăm quán cà phê cũng có thể tạm gọi là phố cà phê với lượng khách đều đặn kín chỗ. Khâm Thiên biến thành phố thợ may với hàng chục cửa hàng. Phố Phùng Khắc Khoan là một chợ vải rất được chị em thị dân tín nhiệm. Phố Thuốc Bắc biến thành chợ đồ kim khí. Phố Cát Linh bán gạch ốp lát và thiết bị vệ sinh. Và Hàng Ngang, Hàng Đào là trung tâm mua sắm quần áo vải vóc, hàng công nghệ phẩm và đồ xa xỉ.
Với sức mở mang thương mại như vũ bão bây giờ, chuyện “buôn có bạn, bán có phường” chỉ còn là khái niệm tương đối. Khi mà tất cả những căn nhà mặt phố đều đã trở thành cửa hàng thì việc lựa chọn cho mình vị trí đúng ngành nghề kinh doanh là vô cùng khó khăn. Hơn nữa, khách khứa bây giờ có nhiều lựa chọn hơn cho nên đã có nhiều con phố thất bại phải chuyển nghề. Phố Phùng Hưng một thời bán lẩu Thái mở ra đến hàng chục điểm bán hàng giờ đã im ắng hẳn. Tìm một hiệu may ở Khâm Thiên bây giờ rất khó. Phố Huế chuyển từ phụ tùng xe đạp sang xe máy và cũng nhiều nhà đã bỏ nghề mở hàng khác.
Khách hàng còn có thêm lựa chọn nữa khi các cửa hàng thi nhau quảng cáo trên mạng. Rất nhiều cửa hàng online chuyển hàng đến tận nhà. Người ta sẽ đến đúng địa chỉ cần mua sắm mà không cần quan tâm lắm nó ở phố nào. Chỉ miễn là gần nhà.
Tất nhiên vẫn có những mặt hàng buộc phải đến những nơi tập trung đông đảo của ngành nghề đặc thù. Mua căn hộ chung cư buộc phải đến những vùng ven nội ngút ngàn xây cất. Đơn giản vì “hàng hoá” ấy không thể mang vào phố được. Mua đất đai trang trại còn phải đi xa hơn nữa. Duy chỉ có một loại hàng hoá mà ngay cả đến người Hà Nội cũng chẳng hiểu vì sao nó chưa bao giờ có những địa điểm kinh doanh tập trung. Đó là hàng phở. Một con phố không bao giờ có đến hai hàng phở ăn được. Ai đó muốn mở một hàng phở cạnh bên một hàng phở nổi tiếng xếp hàng dài dằng dặc thì gần như thất bại đã cầm chắc trong tay. Thậm chí chính những hàng phở nổi tiếng cũng hiếm khi mở ra một chi nhánh mà mang lại thành công.
Đ.P
VNQD