. Thiếu tướng HOÀNG ANH TUẤN
(Tưởng nhớ các Liệt sĩ Trường Sơn)
Trung tuần tháng 8 năm 1969, chúng tôi được lệnh lên Lạng Sơn nhận xe. Lúc này xe của Liên Xô chi viện, chuyển quá cảnh qua Trung Quốc, về tập kết ở Đồng Đăng - Lạng Sơn rất nhiều. Xe để trên các quả đồi thấp bạt ngàn. Nhìn rất sướng mắt. Tiểu đoàn được nhận một loạt xe Zil-157 mới tinh màu cánh chả long lanh. Nhận xe xong, chúng tôi đưa về tập kết ở khu vực cạnh Hồ Tây, gần khách sạn Thắng Lợi sau này. Khi đó, dọc đường là một rặng ổi dài mấy trăm mét, cánh lái mắc võng từ cây nọ sang cây kia, vừa nói chuyện vừa ăn ổi thoải mải. Sau đó một số xe đi nhận hàng, số không có hàng thì về tập kết tại Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa bảo dưỡng kỹ thuật, chờ số xe nhận hàng vào để nhập tuyến.
Cuối tháng 8 năm đó, trời mưa to, mưa triền miên, nhưng thực hiện lệnh trên, chúng tôi vẫn nhập tuyến, vào theo đường 20. Khi vào tuyến, Tiểu đoàn 52 được biên chế về Binh trạm 14, đóng từ Kilômét số 4 đến Kilômét 12 đường 20 - tính từ Phong Nha vào.
Những chuyến xe trên đường Trường Sơn - Ảnh: Peter
Những ngày đầu Tiểu đoàn 52 về với Binh trạm 14, các đồng chí Hoàng Trá - Binh trạm trưởng, Bùi Thế Tâm - Chính ủy binh trạm... xuống thăm và động viên chúng tôi. Trước đây ở tuyến trong, chúng tôi cũng đã biết tiếng các ông, ngược lại các thủ trưởng cũng đã biết tiếng Tiểu đoàn 52 và Đại đội 1 là những đơn vị xe thiện chiến. Anh Bùi Thế Tâm nhắc chúng tôi rằng lúc này Mỹ ngừng đánh phá miền Bắc. Chúng sẽ tập trung đánh tuyến chi viện Trường Sơn. Đặc biệt chúng cũng đã nắm được quy luật nhập tuyến của ta vào đầu mùa khô, nên đơn vị không được chủ quan mất cảnh giác, công sự ngụy trang cẩn thận, phòng gian bảo mật nghiêm ngặt. Chuẩn bị tốt để trận đâu ra quân thắng lợi, xứng danh Đơn vị Anh hùng.
Trong thời gian củng cố tổ chức lực lượng, chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô, chúng tôi được tin Bác Hồ mất. Cũng như biết bao người dân, người lính, chúng tôi không may mắn, hạnh phúc có được một kỉ niệm riêng nào đó về Bác Hồ. Nhưng tin Bác mất đến, tất cả đều cảm thấy mình mất đi một ngưởi gần gũi, thân yêu nhất. Ngoài rừng, mưa tầm tã. Trong lòng buồn trĩu nặng và trống rỗng!
Từ đần chiến dịch vận tải mùa khô (1969-1970), địch tập trung đánh chặn các trục vượt khẩu. Với đường 20, chúng tập trung đánh ở Kilômét 54 - khu vực Cà Roòng, nơi đặt Sở chỉ huy Binh trạm và khu vực Kilômét 68 biên giới Việt Lào.
Đứng ở Kilômét 39 một thời gian. Tiểu đoàn 52 lại chuyển lên Kilômét 65 - đây là địa bàn địch đánh ác liệt nhất. Trong những chiến dịch hủy diệt của địch, trên một chiều dài ngót nghét hai chục kilômét từ cua chữ A đến đèo Phu La Nhích là một vùng tử địa. Nơi này chỉ một màu đỏ quạch đất ba dan, cây cối bị băm nát, xé toác, trơ gốc bên những hố bom khổng lồ… Khi địch đánh dữ, Tìểu đoàn chúng tôi dồn đội hình lên tiếp cận Khu C, mật tập, chớp thời cơ đưa ngay hàng vào tuyến. Phát hiện thấy đội hình xe tập trung ở đây, địch tập trung đánh chặn. Nhiều đêm, chúng tôi đã nhập hàng, nhưng không vượt nổi trọng điểm, đành phải quay về, chờ đêm hôm sau. Vào một đêm, tình hình diễn ra như cũ - nhận hàng rồi nhưng xe không vượt nổi cua chữ A. Lúc này, tôi cảm thấy không cần phát hiện xe, địch vẫn đánh. Cứ theo quy luật chập tối, chúng đem bom phá, bom đào ném xuống trọng điểm, sau đó rải bom bi, bom từ trường, bom nổ chậm, không cho ta khắc phục ngay. Trong khi đang căng óc ra tính toán cách khắc phục ách tắc, tôi nhận được điện của anh Bùi Thế Tâm - Chính ủy binh trạm.
Anh Tâm nói chậm nhưng rắn đanh lại:
- Đồng chí Tuấn đấy à! Đồng chí có biết vì sao mà Binh trạm điều Đại đội 1 lên đây không?
- Báo cáo Chính ủy, em biết ạ - Tôi từ tốn trả lời, em biết địch đánh rát, nên các thủ trưởng điều Đại đội 1 ngọn cờ đầu của binh trạm lên khắc phục ách tắc.
- Biết vậy sao vẫn không vượt được trọng điểm?
- Báo cáo Chính ủy đường tắc hết rồi. Còn xe chúng tôi đã sẵn sàng.
- Tắc thì phải làm đường, tìm đường mà đi chứ! Đồng chí phải nhớ trách nhiệm, vị trí của đơn vị Anh hùng chứ!
Thủ trưởng đã nói vậy, anh em chúng tôi phải cố mà tìm cách khắc phục. Liền đó, tôi và anh Hà Dư tìm gặp lực lượng kho hỏi xem có đường tránh nào không và kết cục là tìm được đường tránh. Cảm ơn các anh công binh đã cho chúng tôi lối thoát.
Mấy hôm sau, anh Bùi Thế Tâm xuống đơn vị, gặp chúng tôi, anh nói:
- Tuấn ạ, đêm đó, các cậu làm ăn được đấy. Cứ bó tay như mấy hôm trước thì nguy to. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên cứ khảo bọn mình vì sao ATP tắc! Mình và anh Trá như ngồi trên lửa.
- Cảm ơn Chính ủy động viên. Tối đó, Chính ủy gọi em bằng đồng chí là em biết tình hình căng lắm rồi. Có mấy khi Chính ủy gọi em là đồng chí đâu! Nhưng cũng may có anh em công binh làm cứu cánh.
Đứng ở Kilômét 65 một thời gian, Tiểu đoàn 52 chuyển về Khe Tum - Kilômét 44. Ở đây có một con suối cạn, khá dài. Chúng tôi cho cải tạo lòng suối, ven suối để toàn đội hình tiểu đoàn đóng ở đó.
Vào cao điểm mùa khô, khi địch tập trung đánh phá, chặn cắt các trục vượt khẩu thì đường 20 Quyết Thắng - tuyến đường lợi hại nhất luôn là mục tiêu số 1. Ngoài những trọng điểm, tập đoàn trọng điểm đánh phá đã nằm trong tọa độ của địch từ lâu như ATP, Văng Mu, Lùm Bùm... đã hình thành những trọng điểm mới. Ví như, khu vực Chà Là (kỉlômét 25), trước đây tiểu đoàn đứng chân, là những cánh rừng nguyên sinh, khá kín đáo, thì nay đã bị đánh phá, hủy diệt thành bình địa. Đây cũng là thời gian, đại đội và Tiểu đoàn tôi mất đi những đồng đội gần gũi, thân thương nhất.
Trong một đêm chỉ huy đơn vị chuyển hàng vượt trọng điểm cua chữ A, xe của đồng chí Gọt vòng quay một hố bom giữa đường mà chiều hôm đó công binh lấp chưa đầy, vì “non cua” nên xe rệ xuống hố bom. Chúng tôi cho bắn ba phát AK báo tắc đường và ngay lập tức chạy tìm hầm chỉ huy của đơn vị công binh ở phía bắc ngầm Ta Lê. Tại đây thường xuyên có tổ máy húc của Vũ Tiến Đề túc trực để san lấp hố bom, cứu kéo. Tới nơi thấy Vũ Tiến Đề như gặp vị “cứu tinh”. Lúc này anh Đề đã là cán bộ đại đội. Tôi nói ngay:
- Anh Đề giúp chúng tôi với. Xe cậu Gọt nó nằm trên trọng đìểm, không kéo ra nhanh thì làm mồi cho máy bay địch mất. Chúng vẫn thả pháo sáng ở cua chữ A.
- Anh yên tâm, để tôi.
Vũ Tiến Đề nói đúng năm từ và ngay lập tức anh nhảy lên máy húc khởi động: Phạch phạch... phạch phạch... máy húc lầm lũi tiến ra trọng điểm. Cùng lúc anh em chúng tôi xuống hố bom bới, móc dây cáp. Xe của Gọt được kéo kên khỏi hố bom nhẹ nhàng. Đề còn lùi máy hủc ủi mấy lượt lấp bằng những quãng đường lồi lõm.
Cảm ơn và chia tay Vũ Tiến Đề, toàn đội hình xe tiếp tục hành trình. Qua Phu La Nhích, gần đến trọng điểm Chà Là, thì máy bay địch ào đến rải bom bi. Thấy ánh chớp nhì nhằng và nghe tiếng nổ ran đều, biết là bom bi, tôi lệnh cho anh em chạy tiếp. Tiến thêm chừng vài trăm mét, thấy một xe dừng ở phía trước, bảo Lê Văn Trà ngồi yên trên buồng lái, tôi nhảy xuống, chạy lên hỏi dồn:
- Xe cậu Thất phải không, người và xe có sao không mà dừng lại?
- Xe trúng bom bi anh ạ, thằng Khánh bị thương nặng lắm.
Tôi nhào tới, mở cánh cửa buồng lái, thì Khánh đổ cả người vào tôi, máu trào ra từ hai lỗ thủng ở ngực, và cũng từ hai lỗ thủng ấy, tôi nghe tiếng phì phì, phì phì, chắc là vết thương thấu phổi. Ngay lập tức, Trà chạy lên đỡ để tôi ngồi ôm lấy Khánh. Tôi bảo Nông Văn Thất cho xe chạy nhanh lên Lùm Bùm, may ra cấp cứu kịp. Xe chạy được một quãng đến cây số 19 thì Khánh ngả hẳn vào tôi và tắt thở. Em ra đi trong vòng tay tôi mà không trăn trối một lời. Thất dừng xe, chúng tôi đứng lặng bên nhau, không tin là Khánh đã hi sinh. Nhiệm vụ và chiến sự đang nóng bỏng, không cho phép chúng tôi dùng dằng trên trọng đỉểm. Tôi và Trà bế Khánh về xe tôi để Nông Văn Thắt tiếp tục bám đội hình đơn vị. Chúng tôi đưa Khánh đến một trạm trực của công binh, nhưng oái ăm lúc đó không có ai trực.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật
Theo quy định của Bộ Tư lệnh, khi các đơn vị hành quân hoặc truyền hàng qua tuyến, nếu có người hi sinh sẽ giao lại cho công binh có trách nhiệm chôn cất, nếu là thương binh đưa đi điều trị ngay.
Chờ một lúc, công binh không thấy, thì xe của Lê Hồng Huân (Đại đội 4) lên, dừng lại hỏi:
- Có chuyện gì mà anh đứng ở đây, anh em đâu cả anh Tuấn?
- Khánh hi sinh rồi. Mình chờ công binh để gửi lại, nhờ các anh mai táng, nhưng chưa thấy. Đơn vị đã đi cả, nhưng không thể để Khánh một mình ở đây. Không khéo lại trúng tọa độ lần nữa thì khổ.
- Đúng anh ạ, ta tìm hầm đưa tạm cậu ấy xuống - Huân tiếp lời tôi.
Tìm được hầm, chúng tôi đưa Khánh xuống. Một lúc sau mấy chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 24 công binh hộc tốc ra, tìm thấy chúng tôi dưới hầm.
Một anh vừa thở vừa nói:
- Các anh thông cảm, chúng em vừa về tới lán thì nhận điện báo từ Ca Tốc rằng có tử sĩ ở đây. Anh Tuấn đang ở lại chờ công binh, nên chạy ra ngay. Nhưng khổ một nỗi các anh ở dưới hầm, tìm mãi mới thấy.
Chúng tôi loay hoay đưa Khánh lên khỏi hầm. Chỉ mới đặt em dưới đất một lúc mà xác đã hơi cứng, hầm chật, nên đưa lên hơi khó. Sợ em bị đau, chúng tôi lựa lách một lúc mới được. Cùng lúc xe của anh Giang Văn Phẩm - Chính trị viên phó đại đội lên, tôi phân công anh Phấn ở lại cùng với công binh chôn cất Khánh, còn tôi đuổi theo đội hình xe. Tôi dặn anh Phấn tổ chức mai táng Khánh chu đáo, nhớ vẽ sơ đồ mộ chí để sau này dễ tìm kiếm, cất bốc…
Xe của tôi và Lê Văn Trà cùng xe của Doãn Tiến Phượng chạy tiếp, tăng tốc để đuổi kịp đội hình. Qua Cốc Mạc, đến cây số 86 - gần bản Văng Viêng, lại thấy một xe nằm bất động phía trước, lờ mờ trong quầng sáng bụi đất của một đợt bom vừa xong. Tôi xuống xe, băng lên thì thấy xe của Phạm Văn Hộ trúng bom bi, Hộ hi sinh. Hộ quê Thanh Hóa - một thanh niên hiền lành, dí dỏm, được mọi người rất quý. Để trọn nghĩa với anh em, tôi giao nhiệm vụ cho Lục - trung đội trưởng đi cùng xe chở hàng theo đội hình, còn tôi và Dần - lái phụ ở lại cùng công binh ở cung đường Điện Biên tổ chức mai táng Hộ. Anh em công binh dùng ván xẻ sẵn đóng quan tài, sau đó chúng tôi đưa Hộ ra một khu đất đã có tới vài chục ngôi mộ, lớp đã cũ, lớp còn màu đất mới. Không hương, không hoa, không nghi lễ… chúng tôi lẳng lặng vun vén cho em một nấm mồ nhỏ. Tôi tin rằng những giọt nước mắt âm thầm trong đêm của chúng tôi rơi xuống nám đất này sẽ làm ấm lòng em!
Lo xong công việc của Khánh và Hộ cũng gần trọn đêm. Hôm sau, chúng tôi đón xe của đại đội để trở về.
Vào một đêm trung tuần tháng 4 năm 1970, tôi đi cùng xe của Kim Ngọc Quản, chạy cuối đội hình xe, lộ trình giao hàng vẫn như cũ. Thời gian này, chúng tôi chủ trương địch đánh, nhưng người không thương vong, xe không hỏng, vẫn cứ chạy. Vì nếu hễ địch đánh mà dừng lại, chờ chúng thôi đánh mới đi, may chăng cả đêm chỉ chạy được vài chục cây. Đêm đó, mấy chục cây số đầu, đội hình xe tiều đoàn chạy rất ngon. Đến Kilômét 89-90 đường 128, gần Noọng Cà Đeng, qua ánh lửa chóp đầy, rồi tiếng bom nổ kéo dài phía trước, chúng tôi biết địch đã tọa độ. Tiến lên chừng một cây số, trong mịt mù khói bụt, thấy một xe đứng bất động. Nhảy khỏi buồng lái, tôi hỏi xe của ai? Vì sao dừng lại? Thì thấy Dần - lái phụ, mới hôm nào cùng tôi chôn cất Khánh và Hộ, nghẹn ngào nói:
- Anh Tuấn ơi, anh Khôi chết rồi!
Tôi nhào đến buồng lái, thấy Dần đang ôm chặt Khôi, máu từ ngực Khôi chảy lênh láng. Một mảnh bom phát quang làm cong vô lăng và phạt ngang ngực, làm Khôi chết ngay. Tôi bảo Dần ôm Khôi ngồi dạt sang phải, còn mình tìm búa gò vô lăng lại; sau đó tôi cầm lái, cho xe nổ máy, đưa Khôi lên Kilômét 91-92. Thấy xe rù rì bò lên, anh em công binh trực ở đây hỏi như quát:
- Xe làm sao mà vừa chạy vưa bò như vậy?
Xe dừng, tôi và Dần bế Khôi xuống, rồi chỉ cho mọi người thấy Khôi đã tắt thở, còn vô lăng bị cong queo... Tất cả lặng đi.
Phạm Ngọc Khôi quê Cao An, Cẩm Giàng, Hải Dương, nhập ngũ năm 1965. Khôi đẹp trai, vui tính; sống rất chân thành, trách nhiệm với anh em, bạn bè.
Tôi đề nghị anh Phấn ở lại cùng công binh tổ chức mai táng cho Khôi. Không quên dặn anh vẽ sơ đồ mộ chí cẩn thận (sau khi chiến tranh kết thúc, mộ của Khôi đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Lần nào vào viếng nghĩa trang, tôi cũng tới thắp hương cho Khôi). Tổ trực kỹ thuật của Tiểu đoàn ở Kilômét 92 đã nhanh chóng thay vô lăng cho xe của Khôi. Sau đó tôi bố trí Hoàng Văn Mần sang lái xe của Khôi, tôi ngồi cùng với Mần; để Dần sang xe của Mần, vì cậu ấy vẫn bị cái chết của Khôi ám ảnh, không dám cầm lái.
Chúng tôi đến Kilômét 94 - gần bản Nhang Nhao, lại bị máy bay đuổi rải một tua bom bi nữa, nhưng tất cả đều an toàn. Vào đến Tha Mé, cũng đã gần sáng. Lúc này vừa mệt, vừa mất ngủ, anh nào anh nấy rã rời, mắt cứ díp lại. Tuy vậy vẫn phải giao hàng nhanh để tìm chỗ giấu xe. Khi giao hàng, anh em phát hiện trên thùng xe còn mấy quả bom bi tròn như quả cam, chưa nổ. Đã có kinh nghiệm, tôi cho anh em thận trọng, nhẹ nhàng nhặt đưa ra xa, đào hố sâu chôn chặt. Nếu có nổ trong lòng đất cũng không gây sát thương được.
Trong một chuyến chỉ huy đại đội nhận hàng ở Khu C, vào giao ở Lùm Bùm, tôi ngồi xe của Nông Văn Thất, đi cuối đội hình. Lượt đi vào địch có đánh, nhưng cả đại đội an toàn, vào giao hàng và quay ra trong đêm. Khi quay về đến gần trọng điểm Ca Tốc thì địch ném bom từ trường, bom rơi lề đường. Lúc này đã 3 giờ sáng. Nếu nằm lại gần trọng điểm vài giờ nữa thì khó lòng thoát khỏi con mắt cú vọ của đám OV10. Xe dừng, tôi hỏi anh em công binh trực chiến ở đó có đường tránh không, thì được trả lời đường tránh cũng bị vướng bom từ trường. Suy nghĩ một lúc, tôi quay sang hỏi Nông Văn Thất:
- Có cách gì khắc phục không Thất?
- Thủ trưởng còn không biết, huống chi chúng em! Thất trả lời, đúng với cách ứng khẩu của người dân tộc vùng cao.
- Có dám phóng qua chỗ bom không?
- Cách này thì em làm ngay.
- Thành công là năm mươi năm mươi thôi, nhưng vì không có cách nào khả dĩ hơn lúc này. Đã quyết thì ta làm ngay. Tôi vừa giải thích vừa như ra lệnh.
Tôi hô anh em sẵn sàng vượt trọng điểm và nhẹ nhàng nhảy lên ca bin cùng Thất. Sau khi cho xe nổ máy, tăng ga, lấy đà, Thất cho xe lao nhanh qua trọng điểm. Khi qua trạm gác barie gần một trăm mét, tôi nghe một tiếng “ục’ rất lớn, và xe khựng lại. Như một phản xạ, Thất bật kêu:
- Chết rồi, xe bị rồi!
Tôi nhảy xuống xe, qua làn khói bom và bụi sặc sụa, vẫn nhìn thấy một hố bom lớn tướng ở phía sau, hố bom cách mép đường chừng 5 mét, kiểm tra xe không thấy hỏng hóc gì, tôi bảo Thất nổ máy tiếp. Tiếng máy rộ lên, niềm vui cũng rộ lên.
Tô hô lớn:
- Toàn đại đội vượt trọng điểm!
Tuy mới chỉ thắng địch bằng ý chí, nhưng bước đầu, chúng tôi đã vượt qua lực cản là sợ bom từ trường. Về sau, công binh ta có nhiều cách vô hiệu hóa loại bom nguy hiểm này: Khi thì tìm kiếm, tháo gỡ, khi thì dùng xe phóng từ gây nổ... Đã hơn bốn mươi năm trôi qua kể từ ngày “thi gan” với bom từ trường, giờ đây nghĩ lại vẫn khó lý giải được sao khi đó mọi chuyện sống chết thật giản dơn. Và ý chí con người quả là mạnh hơn bom đạn. Trước sự mất còn, sống chết ai mà không tính toán, nghĩ suy. Nhưng với chúng tôi khi đó, tính toán cũng nặng nề về cảm tính, giản đơn. Xe qua nhanh có cơ thoát chết và ngược lại, không biết tính mạng của Thất, của tôi và bao anh em khác sẽ ra sao. Nhắc lại kỷ niệm trên, lòng tôi nhói lên nỗi nhớ thương Nông Văn Thất. Sau một thời gian là lính Đại đội 1, do yêu cầu nhiệm vụ, Nông Văn Thất được điều sang đơn vị khác và người con ưu tú cùa Thái Nguyên đã hi sinh trong một lần chuyển hàng và vĩnh viễn ở lại với đại ngàn Trường Sơn.
Với Đại đội 1 anh hùng, sau khi tôi được bổ nhiệm chính trị viên phó Tiểu đoàn 52 thì anh Hà Dư được bổ nhiệm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn ô tô 871 cũng thuộc Binh trạm 14. Anh Chu Hữu Tâng được bổ nhiệm Đại đội trưởng thay anh Dư. Chính trị viên đại đội là anh Giang Văn Phấn. Hai đại đội phó là Lê Hồng Huân và Kim Ngọc Quản.
Bước vào mùa khô này, chúng tôi thấy không khí rất khác thường. Sau này mới biết là toàn tuyến đang khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch phản công của ta nhằm đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của địch. Cái khác thường khi bước vào đầu mùa khô này là thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thủ trưởng binh trạm thay nhau xuống kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp, ráo riết. Xe pháo được tăng cường tổ chức được củng cố. Hàng hóa của tuyến sau thuộc Tổng cục Hậu cần chuyển vào các tuyến vượt khẩu rất nhiều, đặc biệt là đường 20 Quyết Thắng.
Với hy vọng phá sự chuẩn bị của ta, địch tăng cường chặn cắt các tuyến vượt khẩu. Đường 20 - con đường lợi hại nhất, ngắn nhất để ta chuyển hàng vào khu vực đường số 9, từ trước đã bị đánh mạnh, nay quy mô, cường độ đánh phá của máy bay địch càng ác liệt hơn. Tọa độ đánh phá của địch kéo dài trên 20 kilômét, từ khu vực Kilômét 68 (biên giới) vào cua chữ A, Ta Lê, đèo Phu La Nhích - Chà Là, Ca Tốc. Trong tập đoàn trọng điểm đó, thì Chà Là được địch cho là “tử địa”, vì nơi đây là giao điểm của ba con đường: 20B, 20C và 20D, lại kẹp gỉữa dãy Phu Ác và Phu La Nhích.
Theo thống kê của lực lượng công binh chốt giữ trọng điểm, có ngày địch sử dụng 30 lượt B52 và trên 100 lượt máy bay cường kích đánh phá hủy diệt Phu La Nhích - Chà Là.
Để khắc phục hậu quả địch đánh chặn trọng điểm, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Phó Chính ủy Hoàng Thế Thiện và cản bộ tham mưu công binh, tham mưu vận tải xuống cùng cảc đồng chí Hoàng Trá - Binh trạm trưởng, Bùi Thế Tâm - Chính ủy binh trạm... trực tiếp chỉ đạo giải tỏa. Theo đó, Binh trạm l4 được tăng cường một đơn vị công binh, tổ chức mở đường tránh QZ25 từ phía tây chân đèo Phu La Nhích (nơi đứng chân sở chỉ huy Tiểu đoàn 33 công binh) vào tới Ca Tốc. Với QZ25, ta tránh được trọng điểm Chà Là. Cùng vởi đường tránh QZ25 nối vào QZ25, công binh mở thêm QA9 dài 17 kilômét, tạo thành một trục chạy song song với đường 20 từ cua chữ A vào tới Lùm Bùm. Sau khi đường tránh QZ25 hoàn thành, trọng điểm Chà Là được giải tỏa, đường 20 - hướng đột kích chủ yếu cơ bản thông suốt.
Càng gần đến ngày ta mở chiến dịch, thì hoạt động đánh chặn các cửa khẩu của địch càng ác liệt. Sau tổng công kích đợt 1, Binh trạm 14 chọn dịp Tết Nguyên đán Tân Hợi (1971) phát động tổng công kích đợt 2. Những ngày giáp Tết, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, Tham mưu trưởng Vận chuyển Nguyễn Chúc (Chúc Sẹo) xuống thăm và động viên chúng tôi. Là thủ trưởng cũ của tôi từ hồi còn là Đoàn xe 3 - Đoàn An Khê, anh Nguyễn Chúc hỏi tôi về số đầu xe trang bị, tình hình kỹ thuật xe. trình độ tay lái... của anh em. Tôi nói vui:
- Những cái đó, anh hỏi anh Kim, là cán bộ chính trị, lại là cấp phó, làm sao em nắm chắc được!
- Cán bộ chính trị cũng phải biết chứ - anh Chúc nửa đùa nửa thật. Hơn nữa, cậu có phải gốc là cán bộ chính trị đâu. Là lái xe cứng cựa, lại am hỉểu cả kỹ thuật nữa, phải không?
Anh em thân tình, tôi mới dám nói vui như vậy, sau đó tôi báo cáo anh cụ thể các nội dung công tác chuẩn bị, tổ chức tốt, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm của anh em rất cao; thường xuyên sẵn sàng nhận nhỉệm vụ, sẵn sàng vào những nơi nguy hiểm nhất nếu cần.
Công việc chuẩn bị hoàn tất, chu đáo, sau bữa cỗ tất niên sớm, chíều tối ba mươi Tết, chúng tôi phát lệnh tổng công kích. Tiêu chuẩn đón giao thừa của anh em lái xe có một nắm xôi to, bánh bích quy, ba viên kẹo chống ngủ, hai điếu thuốc.
Không khí ra quân rất ấn tượng. Xe “Câu lạc bộ” của binh trạm xuống Khe Tum tuyên truyền động viên bộ đội. Nữ thanh niên xung phong với những bộ quân phục mới nhất tới động vỉên anh em. Nam nữ vui vẻ, quấn quýt bên nhau trong chiều ba mươi Tết giữa đại ngàn Trưòng Sơn - một cảnh tình hiếm hoi, gây xúc động mạnh. Nhưng khi anh Kim phát lệnh xuất quân, thì chị em đã biến lên trên các triền đồi hai bên đường, đứng từ xa vẫy tay, gọi í ới... Thật bất ngờ, nhưng cũng dễ hiểu, chị em mình cũng ý tứ, sâu sắc lắm! Tránh ra xa để khỏi mang tiếng ra quân gặp phụ nữ - xúi quẩy... Lại một biểu hiện mang đậm tính nhân văn làm cho tôi hết sức xúc động cho dù nếp nghĩ ấy là cũ xưa!
Tiểu đoàn chúng tôi xuất phát từ Kilômét 44. Phía trước cách chúng tôi trên một chục kilômét. Tiểu đoàn 781 cũng đã xuất phát. Trong tốp đi đầu đội hình Tiểu đoàn 52 có anh Nguyễn Kim. Tôi đi “chặn hậu" cùng với đại đội cùa Kim Ngọc Quản.
Tiết trời Tết, mưa bụi lay phay, se lạnh. Chừng hơn chục kilômet đầu không có gì xảy ra. Đội hình xe đi gọn, giữ cự ly giãn cảch. Qua ngầm Ta Lê, xe ngược đèo nhìn xuống thấy từng chấm đèn gầm, đèn rùa từ từ tiến. Qua Kilômét 65, tôi nắm qua tình hình để báo về sở chỉ huy binh trạm. Anh Trá, anh Tâm rất phấn khởi, hẹn chúng tôi thắng lợi trở về đón năm mới! Qua ngầm Ta Lê, lên đỉnh đèo Tam Đảo (nơi đây có ngã ba anh em lái xe quen gọi là đỉnh Tam Đảo), chúng tôi gặp bộ phận công binh do Vũ Tiến Đề phụ trách. Tôi cho dừng xe, xuống gặp gỡ, chúc mừng năm mới Vũ Tiến Đề và anh em trực. Anh em tôi ôm chặt nhau, chúc nhau sức khỏe, bom đạn tránh xa... để hoàn thành nhiệm vụ. Phút chia tay nhau trong tĩnh lặng, như có linh tính mách bảo, Vũ Tiến Đề nhắc tôi:
- Anh Tuấn ơi! Cứ im ắng thế này, có thể B52 sẽ đánh đấy. Anh giục anh em đi nhanh lên!
Tôi cảm ơn anh Đề và giục anh em nhanh chóng vượt đèo Phu La Nhích. Khi đó đèo, phát hiện thấy một xe dừng phía trước, tôi cho dừng xe, hỏi nguyên nhân. Từ xe phía trưởc, Hoàng Văn Gọt gọi to:
- Thủ trưởng ơi, không biết vì sao mà dồn cả lại rồi!
Nhớ lời Vũ Tiến Đề vừa dặn, tôi hô to:
- Tất cả chú ý, đề phòng B52 rải thảm!
Vừa dứt lời, thì ầm... ầm… ầm…, một loạt bom B52 rải thảm làm cho núi đồi rung chuyển. Anh em nhào xuống xe, chui vào gầm xe, tìm chỗ trũng ẩn nấp. Sau ba loạt bom, không gian im ắng, khói bụi mịt mù, lác đác có mấy đám cháy... một sự im lặng đáng sợ. Tôi lệnh cho anh em kiểm tra người, xe, hàng hóa có tổn thất không. Một lúc sau, anh em bảo cáo không anh nào sây sát gì, riêng xe thì hỏng bảy chiếc. Rất may là cả ba loạt bom không trúng đội hình xe, trệch sang bên đưòng. Bảy xe hỏng là do đá rơi vào bẹp nắp ca-bô, hỏng két nước...
Chúng tôi đang kiểm tra đội hình thì một tốp hai chiếc F.4 lao đến. Nhưng ngay lập tức pháo phòng không của ta bắn mạnh, F.4 hoảng sợ, bay mất hút. Liền sau đó, máy húc của công binh đến giúp chúng tôi kéo mấy xe hỏng vào hang 34 để sửa chữa. Số xe lành lặn tiếp tục chuyển hàng vào phía trong. Khi chúng tôi vào tới Lùm Bùm thì một số xe đã trả hàng xong đang quay về. Chúng tôi trả hàng xong thì bảy xe hỏng cũng đã được khắc phục, kịp vào tới nơi. Như vậy, đêm giao thừa - đêm mở đầu tổng công kích, mặc dù bị B52 rải thảm, nhưng tiểu đoàn tôi đã may mắn, không tổn thất.
Thú thực, khi ở Phu La Nhích, tôi đã nghĩ tới tình huống bị B52 xóa sổ. Nhưng kết quả thực tế thì ngược lại. Đội hình xe tới nơi an toàn, có tới 60 phần trăm xe thực hiện được một đêm một chuyến. Đây là kết quả của sự hiệp đồng chặt chẽ giữa lái xe với công binh, pháo phòng không. Về tới đơn vị, chúng tôi nhận được điện của chỉ huy trạm biểu dương tiểu đoàn đã “ra quân thắng lợi”...
H.A.T
VNQD