Kẻ đội váy

Thứ Hai, 26/08/2019 08:58

.ĐỖ VĂN NHÂM

Mau về đánh dậm cùng em/ Kẻo tay buôn lưới định tòm tem sông...
Ka Ka, bạn tôi, cái lão dở hơi ấy về hưu đã đốc chứng làm thơ. Thơ hắn, bài được bài không, phần lớn tầm phào vô hại như hai câu tôi dẫn ở trên. Chơi với nhau từ bé, đến lúc trưởng thành lần lượt làm lính, rồi mỗi kẻ bị đời quăng quật mỗi phương, biết về nhau không ít, nhưng mà thú thực, tôi nhớ nhất chuyện hắn ta rúc váy bà nội, nhớ còn vì có liên quan đến tôi.
Cho nên tới tận bây giờ, nghĩa là đã nhiều năm trôi qua, kí ức tuổi thơ vẫn tươi nguyên, tôi luôn tin hắn ta có thể làm được mọi chuyện, nói to tát một chút, hắn sẽ có một sự nghiệp huy hoàng, trừ việc làm một thằng lính trinh sát, một tay chuyên khua sương đá mìn. Thế nhưng cái thằng nhãi ấy, ồ không, ngay cả khi đã cao lớn lộc ngộc, hắn vẫn xứng danh trang nam nhi đệ nhất sợ đêm tối ở làng Cự Hà, khiến tôi không khỏi bất ngờ khi gặp hắn trong bộ đồ trận đầy vẻ phong trần bụi bặm.
Chuyện đã quá lâu bây giờ nhắc lại nghe xưa cũ như tiếng thở dài méo mó han gỉ đầy thương tích của một thời đại khác. Thì chẳng thời đại khác là gì. Thời đó còn chiến tranh, trong rừng sâu Tây Nguyên, một chiều hôm xa lơ xa lắc, tôi dẫn toán quân tới điểm hẹn, nhận bàn giao mục tiêu từ trinh sát đơn vị bạn. Trung đoàn chúng tôi mới vào chiến trường này, đang làm bước đệm, lót ổ để trung đoàn hắn chuyển xuống Cánh Trung, mạn Gia Lai. Chờ đón bọn tôi, hóa ra là hắn ta. Tay đại đội trưởng trinh sát lừng danh Cánh Bắc B3, vốn là một nhóc tì học đến lớp ba lớp bốn, đừng nói ra ngõ lúc tối trời, hôm nào trót dại tống đẫy nước vào bụng, chẳng may muốn tè đêm, báo hại bố phải cõng đi, là thằng Ka Ka đấy ư?
Thú thực, cái sự bán tín bán nghi còn lởn vởn trong đầu tôi tận đến lúc tiềm nhập, có lẽ phải qua hàng rào thứ hai hay thứ ba, tôi mới toàn tâm toàn ý bám theo hắn. Đêm ấy hai thằng chui đủ chín hàng rào, trước hàng rào cuối cùng, một hàng rào đơn, thì dừng lại. Nói chính xác giọng điệu quân sư điều nghiên, đúng lúc thằng lính gác vừa đi tuần qua, Ka Ka đã lách vai sang được bên kia hàng rào, thì buộc phải lùi lại. Từ trung tâm cứ điểm, dưới một lều bạt cách hắn ta chừng dăm bảy chục thước nhô lên một bóng người... Một phụ nữ... Chính xác, một phụ nữ! Cô ta rảo bước hướng tới cái lô cốt toán trinh sát Việt cộng vừa đột nhập chưa thành. Dưới ánh đèn dù chập chờn lúc sáng lúc tối, tuy nằm ở phía sau thằng Ka Ka một quãng, và dù kín đáo trong vạt cây thấp cùng áo cỏ ngụy trang, tôi vẫn nhận ra đấy là một người nữ rất trẻ, thiếu nữ hay thiếu phụ, vợ con lính hay mấy ả Phượng hoàng, gái điếm? Đi qua cái lô cốt gần hàng rào, một lô cốt tiền tiêu quân đồn trú chỉ dùng khi cần, cô ta dừng lại, đèn pin trong tay lóe sáng. Dải đất phía trước lô cốt, như rất lâu sau đó bọn tôi trườn qua nhận biết, lính đồn thường đi tuần nên bằng phẳng, không một sợi cỏ. Đèn pin quét ngang, ánh sáng rọi đến mức tôi phải tránh mắt đi. Người nữ trẻ thong thả cởi váy, ngồi xuống...
Cô ta làm gì đó rất lâu, chốc chốc lại soi đèn pin vào phần dưới cơ thể. Khỉ gió, thằng Ka Ka quần cụt áo cộc nằm trong bụi cỏ ngoài hàng rào, cách cô ta chỉ vài sải tay. Ngày hôm sau, mọi việc cần làm đã xong, lúc hai toán trinh sát chia tay, tôi bỏ nhỏ vào tai Ka Ka:
- Váy con bé hồi đêm đẹp nhỉ!
Hắn lùi lại, xoay ngang, thình lình tung cước. Cú ra chân nhẹ, vừa đủ quét tôi ngã bổ nhoài xuống cỏ. Dựng tôi dậy, ôm ghì lấy tôi, hắn thì thào:
- Cố giữ lấy cái gáo. Khi nào yên hàn về quê, kể nốt chuyện váy áo nhé!
Hắn rảo bước, khuất nhanh như rừng sâu hóa phép. Phía bờ tây sông Sa Thầy, nẻo quân cánh hắn ta đi, vòm trời tấy đỏ những vết bỏng lớn nhỏ chồng lên nhau, dắt díu nhau, kéo thành một vệt thật dài, tráng lệ mà hãi hùng.

*
* *


Bây giờ tôi kể chuyện hồi bé, thằng Ka Ka rúc váy bà nội hắn như thế nào.
Váy bà nội Ka Ka màu đen, như váy bà tôi, như của mọi bà lão làng Cự Hà quê tôi thuở ấy. Váy bằng vải phin trắng, diềm bâu hoặc tơ tằm, nhuộm nâu chín nắng, nhuộm bùn bảy nắng, như tôi nhớ vậy, đột chỉ khâu quây tròn ba khổ vải chồng lên nhau, bền, cứng quèo, khi dùng thêm cái ruột tượng thắt ngang lưng túm lại, bên dưới xòe ra giống cái nơm úp cá. Ka Ka hơn tôi một tuổi, cùng học lớp ba, gầy nhẳng, cao hơn tôi ba đốt ngón tay, khôn hơn mấy bậc. Trừ tài bắn súng cao su và trò phóng phi tiêu, tôi kém hắn mọi bề. Nhưng lần ấy hắn ta thua. Tôi thách hắn lấy được ổi chín trong vườn nhà tôi. Ba lần thằng Ka Ka đột nhập đều bị tôi phát hiện, hắn vọt rào, chớp mắt sau biến mất, không bắt tận tay day tận trán hắn được. Chiều nọ, bọn nhóc chúng tôi bày trò chơi khăng. Gốc đa đầu ngõ chật tiếng trẻ con, đang vui thằng Ka Ka nhăn nhó kêu đau bụng, ngồi thêm một lát, hắn thất thểu bỏ cuộc. Nhớ ngay tới cây ổi đào, nhưng tôi giả đò làm thinh. Hò hét, vụt tiếp một chầu khăng, tôi mới lách rào, dông lối tắt luồn về. Rặng ổi rung rinh. Kẻ trộm đấy, áo ca rô sọc xanh trắng, quần cộc màu cháo lòng, cái đầu húi cua trọc lốc đang nhấp nhô kia, không phải Ka Ka thì thằng nào! Tôi nâng súng cao su, nẩy liền hai phát, tôi biết chính xác không trật viên nào. Chục viên đạn đất tôi luôn thủ sẵn trong túi, đều đã nhuộm phẩm đỏ. Thằng lỏi, hơn cả một con mèo, lăng mình xuống vườn không một tiếng động.

Minh họa: Phạm Minh Hải

- Ka Ka...
Tôi vọt lên tường, hô to. Thằng Ka Ka vừa chạy vừa gãi mông. Thoắt cái, phía sau bờ giậu ô rô đã lặng tờ. Tôi quăng đất đá gạch vụn để sẵn ở chân bờ rào về hai phía, vừa ném vừa hô hoán, chủ ý buộc thằng Ka Ka chạy theo cách của mình. Bục, bục, bục... Rào, rào, rào... Bên kia vườn một lùm cây khẽ động đậy. Rồi im tăm tắp. Tôi lách qua bờ giậu, đón đầu. Đây là lối đi còn lại tôi chưa kiểm soát được. Cuối lối ấy, một cây rơm... Bà nội thằng Ka Ka đứng lom khom, dạng chân chèo, rút rút xếp xếp. Bữa rơm tối cho vợ chồng nhà bò đang đợi bà lão. Mất tiêu thằng ba trợn, tôi lùi sâu hơn vào giữa cây rơm với bờ giậu, tấp một nắm rơm lên đầu, nằm bẹp, căng mắt căng tai.
Trời tối dần.
- Ra đi. - Bà nội thằng Ka Ka làu bàu. - Bà ngứa quá... Nó về rồi...
Tôi tẽ nắm rơm, khẽ nhô đầu lên. Thằng láu cá đâu nhỉ? Chỉ có mỗi bà nội hắn. Bà lão, hai chân dang thật rộng, chống hai tay vào đống rơm, đứng lom khom, cái váy lùng nhùng... lùng nhùng... phô ra mảnh quần màu cháo lòng, một phần vạt áo kẻ xanh sọc trắng. Thằng Ka Ka đấy, hắn ngồi thụp hẳn xuống, giật lùi, giật lùi... rồi cái đầu cạo trọc tòi ra khỏi váy. Hắn phẩy tay phủi bụi, làu bàu:
- Rậm bỏ xừ. Chỗ í bà cũng có tóc à!
- Mả cha mày... Ka Ka ơi, hết khôn mày dồn đến dại, ngu ơi là ngu, tóc đâu mà tóc...
Tôi cười sặc sụa.
- Mả cha mày... Thằng giặc con nhà Hiên hử! - Bà nom thấy tôi rồi, bà réo tên u tôi. - Mả cha con mẹ Hiên, dạy con thế hử! Mả cha chúng mày...
Bà quát, tay vung roi bò, búi tóc xổ ra phất phơ cùng rơm rạ. Hai thằng lao phứa qua đụn rơm bà lão mới xếp, vượt bờ giậu, phóng ra đường. Thoát ngọt. Trời tối hẳn, Ka Ka nép vào tôi, bóng tối khiến hắn thành một đứa khác hẳn, tôi phải dắt tay đưa về tận cửa, lúc ấy dưới bếp, trong nhà đã đỏ lửa sáng đèn. Tôi thấy không cần phải vạch dấu đạn đất nhuộm phẩm đỏ trên mông, trên lưng áo thằng Ka Ka nữa. Thua cuộc, hắn nhận chăn kèm con bò của tôi hai buổi. Tôi chơi đẹp, trừ một buổi, tặng kèm một giỏ ổi đào. Hắn vừa nhai vừa dặn:
- Đừng phô chuyện tao rúc váy bà, nghe chưa!
Tôi ừ. Thằng Ka Ka lụng bụng:
- Hứa đi!
Tôi vênh mặt hứa.


*
* *


“Yên hàn, về quê kể nốt chuyện váy áo nhé!”.
Lời hẹn của Ka Ka nửa tình thực nửa bông đùa mà thấm tháp những mấy chục năm hai thằng tôi mới về cùng sống ở quê. Tôi về trước, dựng căn nhà nhỏ trên nền cũ, trước sân trồng mấy khóm hoa: hồng, cúc, thược dược...; một gốc đào, một cây mai, vạt đất còn lại rộng hơn trồng rau; cả vuông vườn phía sau nhà dành cho cây ăn quả: mít, ổi, xoài, bưởi..., tiếng là cây lưu niên nhưng giống mới, ba bốn năm đã được hái lộc. Ka Ka giao cơ ngơi cho con ngoài phố, hai vợ chồng hắn về sau tôi vài năm. Nhà mới dựng trên nền cây rơm ngày xưa. Khi làm móng phát hiện dấu tích một căn hầm bí mật. Lục lại, chắp nối những mảnh vụn nghe được tự thuở bé con, hỏi thêm mấy bậc cao niên, hình dung mờ mờ một đường dây câu chuyện gia đình từng làm cơ sở, nuôi giấu cán bộ, du kích tận hồi chín năm.
Biết là biết vậy, lòng ấm áp thêm cùng sự hiếu kính với các bậc sinh thành. Không một mảnh giấy tờ chữ nghĩa nào làm chứng, cũng không có ý định tìm kiếm, thu thập các dữ kiện, thủ tục đệ trình công nhận gia đình có công với dân với nước. Người Cự Hà xưa thường vậy, làm việc nghĩa mau quên. Tôi biết Ka Ka nghĩ như mình. Bạn tôi hơn chục năm cuối đời bộ đội chúi mũi viết tổng kết chiến tranh, bây giờ “hiu hiu” bụng còn sót ít chữ, không ngó ngoáy thì ngứa chân ngứa tay. Là hắn ta bảo thế, nên hắn làm thơ. Làm thơ có khó nhằn như một gã trai nhát đêm phấn đấu thành một tay trinh sát giỏi không? Chả biết, hắn bảo hắn ghép vần để đầu óc bớt trì đọng, thêm nữa cho vui, chứ thơ phú văn vẻ nỗi gì. Làm lính thì khác, hắn bảo những ngày đầu bộ đội, hắn tập vượt qua đêm tối mỗi ngày. Thơ hắn, hình như tôi đã nói, bài được bài không, có vui vẻ, có tầm phào vô hại.
Hôm qua, chăm cá dưới ao, tưới tắm vườn tược xong, hắn ới tôi sang. Hai cựu chiến binh ngồi trên lối đi nối đầu thềm hai ngôi nhà, dưới vòm lá, bên li trái cây xay. Vợ Ka Ka, tôi ngọt giọng mời ngồi cùng nhưng chị mỉm cười, ý nhị từ chối, se sẽ bước đi. Người đàn bà đã tròn sáu chục, dung nhan còn đằm thắm nhiều nét của thời xuân sắc. Một con chim bói cá từ mặt ao vút lên, một tích tắc màu xanh dương vừa mất hút vào vô tận. Tôi nhìn theo hướng chim bay... Chúng ta đang già đi rất nhanh. Mùa đông tháng giá cả rồi. Ka Ka ừ ừ, chốc sau lại bảo, mùa thu thôi, nói mùa thu cho đỡ cũ kĩ già nua. Rồi hắn đọc: Thu lần lữa nép bên hè muộn/ Rơm vàng nhớ lúa buổi tròn cây/ Mẹ gọi xanh lên trời biền biệt/ Tuổi thơ nhặt lại mãi không đầy!
Bài này được, tôi vỗ tay khen, có phong vị thơ phú, có bóng dáng thân phận con người, dù hơi buồn. Gớm, còn bày cả trò nhặt lại tuổi thơ kia đấy, cái tuổi thơ nghịch như giặc nhà trời. Hắn ta có vẻ khoái, cười ngất. Nhân lúc đang vui, tôi thì thầm, nghe nói bây giờ cựu đại tá vẫn bắt vợ dẫn đi tè đêm phải không? Ka Ka trợn mắt, xoáy một cú đấm dứ chạm huyệt trấn thủy người đối diện. Tôi né kịp, khóa được cổ tay kẻ tấn công. Cánh tay ấy, cánh tay này tuy còn đầy đặn mà đã nhão lắm.
Chiều buông chầm chậm. Nắng dịu. Gió nồm nam như đến giờ, lộng thổi. Nền trời rất cao, rất xanh, tôi lại nhìn lên đấy. Ka Ka ngồi im, hắn đang dõi về đâu đó. Tôi lẳng lặng, cạn li sinh tố. Lão bạn kéo ghế lại gần.
- Cậu còn nhớ chuyện cô gái ở hàng rào ngày xưa chứ?
- Nhớ, hôm ấy...
- Hôm ấy, cô ta bị đau. Một căn bệnh phụ nữ, một uất ức, nỗi niềm? Cô ta rên, kêu trời, nức nở, nghèn nghẹn...
Ka Ka xoay xoay li nước trái cây chưa cạn trên tay, người thừ ra như để nhớ lại chi li mọi điều.
- Cô ta cố kìm nén, cậu ở phía sau, không nghe được đâu. Trẻ lắm, đẹp lắm. Thoạt đầu, thú thực, tớ cũng ngó lên. Ghìm súng, nhưng dao găm trong lòng tay sẵn sàng. Món phóng dao của tớ cũng được. Sau thì nằm im, thấy cám cảnh quá, lòng chùng hẳn xuống, nhói lên một niềm thương xót.
Lão bạn uống cạn li trái cây xay, ngước nhìn một áng mây vàng nhạt vừa tụ lại bên trời, một chốc sau mới nói tiếp:
- Cô ấy con nhà lành, tớ nghĩ thế!
Tôi nhớ lại, lúc trở vào cô ta đi thong thả, cái dáng thanh thoát in lên nền trời đêm, giống như một chiếc lá đen thẫm chầm chậm rơi xuống sườn đồi. Vậy đó, y như lời hẹn ước tưởng vui vẻ mà vô cùng hệ trọng trong buổi chiều hôm ráng trời Sa Thầy tấy đỏ, hai thằng tôi đã mang thân xác về quê, khấu đầu cúi lạy tổ tiên, cha mẹ khi đất nước đã yên bình, và dù có vẻ không định trước, hắn ta đã kể nốt câu chuyện về một đêm trong đời chinh chiến năm xưa bên hàng rào kẽm gai. Tôi muốn chép lại câu chuyện, chuyện của tôi và hắn ta nữa, tất cả. Lão bạn ngẫm nghĩ, rồi cười bảo, được được.
Vậy là tôi viết, thêm bớt một chút, làm mờ nhòe ít nhiều người thực, chuyện thực, lại viết trại tên hắn ta, tôi gọi kẻ đội váy trứ danh, tay mũi trưởng trinh sát thần sầu nổi như sóng vỗ toàn cõi B3 thời ấy là Ka Ka. Người làng Cự Hà quê tôi, ai đó chẳng hay đọc được câu chuyện này, dù muốn tọc mạch, tiếu lâm cũng chẳng biết đường nào mà lần
Đ.V.N

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)