.Truyện ngắn dự thi .TRẦN NGỌC DIỆP
Sáng nay Thịnh lên chùa.
Anh thường lên chùa vào mùng một, hôm rằm, hoặc ngày có lễ cầu siêu. Chùa Tượng Linh nằm trên đỉnh Vãng Vong, ngọn đồi thấp nhất tựa lưng vào dãy vòng cung án ngữ phía sau, bên dưới là dòng suối nhỏ lượn theo cánh núi. Những bậc đá thủng lỗ chỗ được xây với khoảng cách khá cao làm người leo chùn gối. Ngồi giữa một gờ đá nằm ép sát mỏm đất nhô ra giữa hai cây thông đang kẹp vào nhau, Thịnh không cảm thấy mệt. Những năm tháng trui rèn trong chiến tranh khiến sức Thịnh dẻo dai đến kinh ngạc.
Ô hay, nhưng Thịnh bao nhiêu tuổi?
Thịnh không nhớ mình bao nhiêu tuổi.
Thực ra Thịnh cũng không phân biệt con người dựa vào giới tính hay tuổi tác, đối với anh bây giờ, thế giới này chia ra làm hai loại: những người lắng nghe anh nói, trả lời anh và những kẻ phớt lờ anh như một thực thể vô hình.
Sư trụ trì chùa Tượng Linh thuộc vào nhóm đầu tiên.
Sư trụ trì đang ngồi dưới gốc đào, ngón tay rê trên mặt đất gỡ những vật nhỏ. Thịnh tiến đến phía sau lưng:
- Bạch thầy…
Sư vẫn đang cắm cúi nhặt, đôi bàn tay to dày, đỏ đắn đang rút những chân nhang lên khỏi mặt đất.
- Bạch thầy…
Sư bỗng giật mình, Thịnh biết sư giật mình vì mỗi lần như thế ông thường hự một cái trong cổ họng, chỏm mày bạc rủ ngang gò má khẽ rung lên. Ngẩng lên, sư nhìn quanh một vòng như kim đồng hồ nằm ngang, vài giây sau dừng lại chỗ Thịnh.
- Người hữu ý mà thành vô tình, vô lương.
- Bạch thầy, ý người là…?
Sư chạm vào cành đào, những đám lá trút xuống đất tả tơi héo úa.
- Thêm một sinh linh sắp rời cõi ta. Nam mô A Di Đà Phật - Sư lần tay lên tràng hạt.
- Nam mô A Di Đà Phật - Thịnh nói.
- Đã là cây thứ tư trong tuần. Thiện tâm đâu phải cứ đốt thật nhiều nhang cắm lư hương.
Thịnh rời mắt khỏi những thân đào ám khói, vệt nám đen chạy dọc thân như vết máu khô.
Một làn gió thổi đến từ phía sông Rơ Vâu mang theo mùi đất vừa cày vỡ lẫn vị khói ngái nồng cỏ cháy trên những cánh đồng chuẩn bị vào vụ mới. Từ trên đỉnh Vãng Vong nhìn xuống có thể thấy bãi trồng trọt nằm xa xa, từng miếng ruộng được thửa thành những ô vuông như bàn cờ, ở hai đầu góc đụn lại từng đụn cỏ cao đang đốt, khói bay ngược lên trời như những sợi lò xo bị kéo giãn, đu đưa rồi mất hút. Thịnh thích mùi khói. Mùi khói những đêm đông khi Thịnh còn là một đứa trẻ, xuýt xoa cay mắt với củ khoai lùi, hơ đôi bàn chân tê cứng trên ngọn than hồng cho đến khi nóng rực hay ngủ gục bên bếp củi. Mùi khói vẩn trên mái rạ những ngày mưa… Duy có mùi khói nhang làm Thịnh ngột ngạt. Nó len lỏi trong tim trong ngực Thịnh rồi trào lên cổ họng, nhấn chìm anh trong một miền sâu thẳm mịt mùng. Nó cuốn Thịnh xuống vực đen chơi vơi cố vẫy vùng cũng không thể nào thoát được.
Thịnh bước theo sư trụ trì vào trong điện. Chính giữa ban thờ, bức tượng Phật khoác cà sa trễ một bên vai ngồi trên đài sen, những ngón tay chụm vào nhau hướng lên trời, đôi mắt khép hờ nhìn anh hồ nghi.
- Ngươi tới đây xin điều chi?
Thịnh muốn xin điều chi? Anh nhắm mắt, những bó nhang nghi ngút khói hiện ra trong màn đen, người cúi đầu khấn vái, kẻ lạy tạ tứ phương, họ cắm những chân nhang vào tất cả mọi nơi có thể nhìn thấy, dưới bệ thờ, trong lọ hoa, dưới cả những gốc đào, lo sợ không đủ thành tâm.
- Con muốn về nhà.
- Người ta có nhớ con không?
- Con không chắc.
- Người ta không thể trở về nếu không còn ai nhớ.
Sư chậm rãi trở ra, bước qua những bậc tam cấp màu vàng tiến lại gần rặng đào lúc này vừa trải qua một trận gió lớn chỉ còn trơ cành và một vài nụ chồi cố bấu víu. Thịnh đi theo định hỏi thêm, nhưng thấy có người vừa tới tìm sư nên đành lui chỗ khác.
*
* *
Không thể về, không có đường về, Thịnh không chấp nhận sự thật đó. Bao nhiêu năm nay anh luôn tìm cách nhưng nguyện ước vẫn chìm trong vô vọng. Kí ức trong anh như một đêm trăng mùa đông, lúc tỏ lúc mờ, những chỗ cần thiết nhất lại chìm trong mây mù.
Thịnh vòng ra phía sau dãy điện thờ. Một dải tường của ngôi chùa cũ sau trận địch đánh bom bong tróc và phủ rêu nằm toang hoác bên bờ hõm. Cỏ mật cỏ gừng cuộn đầy chân gạch toan trèo lên vùi lấp dấu tích của trận đánh năm nào. Anh ngồi xuống nhặt một hòn sỏi, ném về phía hõm đất, rồi cứ thế tiếp tục nhặt và ném đi trong vô định. Những hòn đá đuổi nhau, va vào nhau, âm thanh rơi tõm xuống hẻm núi rồi vọng trở về đập vào tai Thịnh. Lốc cốc, lốc cốc... tiếng kêu ngày một to dần, đều đều, nhịp nhàng như hơi thở. Lốc cốc, lốc cốc... âm thanh cứ xa dần, xa dần, như vọng về từ đâu đó, thật quen thuộc gần gũi. Ngóng mắt ra xa, Thịnh phát hiện có chiếc xe bò mía lóc xóc trên con đường đầy sỏi rẽ ra từ đám sương mù. Con bò nai cổ kéo, mắt lồi lên, mép sùi bọt. Tiếp đến, một thằng bé chừng mươi tuổi đen như mật mía lao ra dang tay đón về phía chiếc xe.
Cảm giác như ai đó xô mình thật mạnh, Thịnh ngật người về sau.
- Thịnh, nhảy lên xe!
Thịnh ngơ ngác. Người đàn ông đội chiếc nón tơi giật cương “họ” một tiếng để con bò dừng lại. Vầng trán phủ bụi nhíu lại khắc khổ rồi khẽ khàng giãn ra. Ông đưa tay vẫy vẫy:
- Lại đây, con!
Bất giác Thịnh giơ tay ra. Người đàn ông bước qua anh như xuyên qua một làn hơi, cúi xuống ôm đứa bé, xóc lên đầu công kênh rồi đặt nó lọt thỏm vào chồng mía. Con bò khẽ ọ lên, thủng thẳng bước tiếp. Tiếng xe lốc cốc chìm dần theo bóng hình hai cha con hút về phía con đường bụi đỏ. Còn lại một mình trên con đường vắng ngắt, Thịnh thấy lòng hụt hẫng. Ngay giây phút đó, anh cứ ngỡ đôi bàn tay kia sẽ nắm lấy mình, kéo anh ra khỏi cõi mê, nhưng rồi, tất cả lại chìm vào hư ảo. Đôi mắt. Tiếng gọi Thịnh... Sao mà thân quen, trìu mến. Rồi như có một luồng sáng quét qua bóng đêm u tịch, anh chợt à lên sung sướng. Ô kìa, chẳng phải cha anh đó sao. Và thằng bé mười tuổi gầy còm đứng đợi cha trong buổi chiều hoàng hôn phủ xuống con đường đầy sỏi chính là tuổi thơ anh trong những chiều đợi xe kéo mía của cha qua, nhặt những hòn cuội ném ra bờ ruộng...
Thịnh bàng hoàng. Anh hoảng hốt gọi to:
- Cha ơi, cha...!
Không ai trả lời anh. Thịnh đuổi theo, anh lướt đi như gió. Thịnh hét lên:
- Cha ơi, đợi con!
Anh băng qua những dải tường rêu, gờ đá nhọn, những trảng cây. Vách đá dựng ngay trước mặt anh thành bức tường sừng sững. Tiếng hét của anh đập vào đó rồi rơi tõm xuống. Đã bao lần Thịnh tìm đường về quê hương. Anh đã đi qua bao cánh rừng, bao nẻo đường, bao con suối để rồi cuối cùng chỉ dừng chân nơi vách đá này.
Anh biết mình không thể vượt qua.
Trở về thôi. Anh phải về với quê, với mẹ cha, cho dù chỉ để một lần nhìn thấy rồi đi là đủ. Bao nhiêu lần trong kí ức nhập nhòa, Thịnh chỉ mong một lần được nhìn lại cha mẹ thật rõ, được sum vầy cùng gia hương tộc họ, nhưng những ảo ảnh chỉ đến rồi đi mong manh như sợi tóc sẵn sàng lìa đứt bất cứ khi nào.
Tại sao anh không thể vượt qua, tại sao anh không thể nhớ?
Minh họa: Nguyễn Vân Chung
Thịnh vò đầu. Anh lần trở lại Vãng Vong trong vô thức. Phía trước mặt hai cây thông chụm đầu vào nhau trong màn sương bắt đầu rủ xuống đỉnh đồi. Thịnh thấy ớn lạnh, cảm giác như kim châm vào sống lưng. Bây giờ đã quá nửa buổi sáng, chẳng mấy khi sương giăng như thế này. Anh lần mò rời khỏi vùng hõm đất. “Ta phải đi thôi”. Thịnh tự nhủ. Lúc này sương xuống mỗi lúc một dày hơn. Thịnh có thể cảm thấy từng làn hơi nước bồng bềnh phả vào mặt lạnh buốt. Sương phủ dày đặc. Những ngọn thông xanh biến mất trong màn sương. Thịnh rùng mình. Anh đi nhanh về phía trước, nơi sương loãng hơn và có đôi ngọn lá màu xanh.
Khi đám sương dưới cùng được rẽ ra, Thịnh ngạc nhiên thấy trước mặt mình là cánh đồng mía trải dài tít tắp. Những lá mía rạp vào nhau nghiêng mình dạt theo từng đợt gió cuốn. Thịnh ngồi xuống. Mùi mía ngọt lụi trong từng thớ đất, rễ mía bén vào nhau quyện cùng ngọn cỏ non tơ. Thoảng xa trong gió dòng sông vỗ từng lớp nước táp vào triền đê ì oạp.
Ai đó phả vào gáy Thịnh hơi thở nhẹ. Anh quay lại.
- Ai?
Người con gái đứng khuất sau lưng Thịnh, tóc xõa dài phủ rụi lên khuôn mặt mờ mờ.
- Ai đó? - Thịnh hỏi lại.
Cô gái chìa tay ra, bàn tay trắng lạnh như sương nắm chặt vật gì, khuôn mặt chờn vờn sau tầng lá. Thịnh cố gắng nhìn nhưng cơn gió mạnh thổi tới làm rừng mía xao xác ngả nghiêng, bóng người con gái cũng nghiêng ngả. Anh chỉ kịp nhận ra trong gió mùi hương rất đỗi thân quen, đó là mùi thịt da nồng nã của những cái ôm một ngày rất xa.
Một mảng kí ức bong ra.
Tiếng chim cu vức rúc lên một hồi dài. Người ta nói ở đâu nặng âm hồn ở đấy có loài chim đó. Thịnh bỗng thấy mồ hôi toát ra lạnh ngắt như có ai vừa chạm vào người mình. Người con gái quay lại nhìn anh rồi chầm chậm lướt đi, dáng hình nhỏ bé tan lẫn vào khói sương. Dáng hình rất quen, Thịnh định gọi tên cô gái nhưng lưỡi anh bật ra khỏi vành môi chợt cứng buốt trong vòm miệng không thể thốt nên lời.
Không có một cái tên.
- Đợi đã! - Thịnh hốt hoảng đuổi theo nhưng chỉ còn thấy dải tóc đen chập chờn lẫn trong rừng mía, thoắt ẩn thoắt hiện rồi mất hút.
Khắc khoải, chông chênh, kí ức gợn về xao động cứa vào lòng anh nỗi đau không thể nào xóa hết. Bất giác Thịnh xòe tay, sao anh không thể nhớ? Là ai, cô gái muốn đưa cho anh vật gì? Lẽ ra nó phải ở đây, nhưng bàn tay này trống trải.
*
* *
Bà Thi dựng chiếc chổi tre vào góc sân chầm chậm tiến vào nhà. Ngước nhìn bàn thờ lạnh tanh, bà khẽ thở dài. Que nhang cắm trên lư hương như mọi lần chỉ cháy quá nửa rồi tắt lụi. Bà gỡ chân nhang ra khỏi lớp mùn cát dưới đáy lư thả vào hộp gỗ.
- Ông còn sống hay lưu lạc chốn nào? Sao ông không về đây?
Phía ngoài bãi, con thuyền hức lên hồi còi cuối trước khi rời bến. Những đồng mía giờ chỉ còn là kí ức bên các bãi bờ khai thác cát nham nhở. Năm tháng phủ sương lên mái tóc cô gái Thi ngày nào. Nhưng hoài niệm về Thịnh trong buổi chiều hôm đó thì vẫn xanh, sáng hơn bao giờ hết. Đó là buổi chiều cuối cùng trước khi Thịnh lên đường nhập ngũ. Bóng hoàng hôn phủ đỏ sẫm trên cánh đồng nơi hai người lặng im với những thân mía đang chặt dở. Khi Thịnh vác ôm mía cuối cùng gác lên xe bò thì trăng đã lên. Thi lẳng lặng đi ra phía bờ sông định dắt bò tra vào xe kéo thì Thịnh níu tay Thi lại.
- Hượm đã.
- Gì đấy?
- Sao em không nói gì?
Thi biết nói gì đây, chẳng nhẽ Thi nhào vào lòng Thịnh mà khóc, nhào vào lòng Thịnh gào lên anh đừng đi?
- Lại đây ngồi nghỉ một lát đi - Thịnh trỏ tay vào bãi trống.
Hai người tựa lưng vào nhau giữa bãi mía vừa chặt, một khoảng trống nằm lọt thỏm giữa bốn bề mía dựng. Từ dưới đất nhìn lên, mảnh trăng lưỡi liềm lấp ló trên khoảng trời đen hình ô vuông viền bởi những lá mía đâm lên tua tủa như lưỡi kiếm, cao và hút mắt, thỉnh thoảng lại bị che mất bởi làn gió xô rừng mía nghiêng ngả lấp cả bóng trăng. Thịnh ngồi nghe lá mía cọ vào nhau san sát, sắc lẹm, anh nghiêng người lại kéo đầu Thi gối lên vai mình. Thi quờ lên một gốc mía vừa chặt, ngón tay chà trên vết dao vát chéo lạnh ngắt, nước vẫn còn ri rỉ.
- Thi này, rồi em có nhớ anh không?
Thi cúi mặt mân mê những ngón tay. Trên nền đất sương bắt đầu rơi xuống phủ một lớp mùn nước ướt và lạnh. Thịnh hắt mấy lá mía nằm rải rác ra xa chỗ Thi ngồi. Cái giống cây kì lạ, thân thì ngọt ngào mà lá dễ sát thương bởi sắc như dao. Thi thở dài, giọt nước ấm lăn ra từ kẽ mắt, chuồi qua gò má, rơi trên tay Thịnh. Anh ôm Thi vào lòng, hôn nhẹ lên mái tóc thoảng mùi mía, mùi sông, mùi sương trên cỏ. Thân thể người con gái ấm mịn khép dưới vòng tay anh thổn thức. Thi ước mình có thể giữ chặt anh như thế này mãi mãi.
Hai bóng người vùi vào nhau dưới bầu trời đêm thăm thẳm. Lúc này trăng đã nhô cao, mảnh trăng mềm và lạnh nằm chính giữa khoảng trời vuông thẫm. Tiếng dế kêu rỉ rả bên sóng nước vỗ oàm oạp vào triền đê. Chợt Thi nhỏm dậy:
- Anh cầm đi! - Thi đưa cho anh gói nhỏ.
Thịnh mở ra, đó là chiếc vòng tay kết bằng rễ mía tượng gói trong chiếc khăn mùi soa có đôi chim câu chụm mỏ vào nhau. Ở cái xứ đất sống với nghề mía bao đời này bất kì ai cũng biết đó là thứ mía hiếm không mọc trên bãi bằng mà bám mình trên những vách đá cao. Sợi rễ bén lại trên xứ kiệt cùng đá, thăm thẳm sương, đu đưa với khí trời có sức dẻo dai không thứ gì phá nổi. Một thứ mía không dễ gì tìm thấy.
- Làm sao kiếm được?... - Thịnh hỏi rồi bỏ lửng khi anh nắm lấy bàn tay Thi, những ngón tay phồng rộp, kẽ tay nớt nát. Thi cảm thấy anh siết chặt ngón tay mình.
- Á! - Thi khẽ kêu lên.
- Sao phải khổ thế hả Thi?
Thi lặng im.
Lời nói rồi cũng trôi bay, nước mắt chẳng thể níu chân người ở lại, nhưng già làng núi Vọng bảo rằng có một thứ có thể dẫn lối cho người đi xa quay về chốn cũ. Đó là phép linh thiêng bảo hộ cho người ra trận, được kết bởi loại rễ mía ăn sâu vào lòng đá núi, đã bám rễ rồi thì không thể rời đi. Nếu có lỡ rời đi vẫn tìm quay về. Phép thiêng đó Thi đã âm thầm tìm kiếm bao lâu nay, trong những mù sương phủ dày trên núi đá. Vách núi nào người con gái đã bấu chặt ngón tay trèo lên, gốc cây nào người con gái đã bíu vào trong miền hoang vắng? Một hôm, năm hôm, hay ba mươi hôm? Bảy bảy bốn chín rễ mía bện lại thành một vòng tròn mà nơi khởi đầu cũng chính là nơi kết thúc, nơi ra đi cũng là nơi quay trở lại, một sợi dây như chiếc mỏ neo, bám rễ vào lòng người đi xa dẫn bước hồi hương. Thi ngước về phía xa, vách đá trên xứ kiệt cùng cao núi Vọng như một bóng đen sừng sững dựng lên dưới bầu trời sáng trăng thăm thẳm lạnh.
Thịnh không nói gì nữa. Anh nắm chặt chiếc vòng trong tay. Thi nhìn vào mắt Thịnh, trong bóng tối đôi mắt ấy sáng lên đốm lửa leo lắt cháy của những ruộng mía khô bị đốt sau khi thu hoạch ở bờ bên kia sông, những đốm lửa bay lắt lơ rồi tan vào nền trời đêm.
Thi đã tin chiếc vòng tay có thể níu anh quay trở lại, nhưng chỉ có Thi đội khăn trắng trong đám tang cha anh, cái đám tang mà thi hài cụ lẫn vào mùn đất và mảnh bom vương vãi nơi rẻo đất vỡ hoang trên núi. Thi biết mẹ Thịnh mất khi sinh anh và cha anh ôm theo đứa con nhỏ một mình lên xứ này, lấy mật mía thay cho dòng sữa mẹ. Giờ người thân duy nhất của Thịnh không còn, Thi đành gửi thư báo tin vào chiến trường nhưng chẳng thấy hồi âm. Thế rồi khi đồng mía vào vụ mới, người ta gửi lại cho Thi cũng một mảnh giấy, kèm với chiếc ba lô có chiếc khăn tay đôi chim uyên ương gục đầu vào nhau nức nở. Nhưng không thấy chiếc vòng tay. Không thấy Thịnh. Thi đã đưa cả nhà Thịnh về đây thờ phụng.
Bà lão ngước nhìn gian nhà nhập nhoạng. Tấm ảnh trên bàn thờ dửng dưng trước người đàn bà tóc bạc. Bà đóng nắp hộp gỗ, phía trong chất đầy những chân nhang không cháy hết ngổn ngang chồng chéo...
*
* *
- Này, dậy, dậy đi!
Có tiếng gọi và người nào đó vỗ vỗ vào vai Thịnh. Anh choàng mở mắt.
Hai người lính đứng trước mặt Thịnh, nhìn anh đầy nghi hoặc.
- Anh lại ngủ mê ư? - Người lính trẻ tuổi hơn hỏi.
- Không chắc nữa - Thịnh nghe người bải hoải.
Người lính còn lại dõi mắt đăm chiêu nhìn về phía xa. Một lúc sau anh ta quay sang Thịnh nói:
- Thằng Tính về nhà rồi.
- Thằng Hậu cũng về rồi - Người lính trẻ nói chêm vào.
Ba người lính lặng im nhìn về dãy Yên Sơn xanh ngút, nơi một ngày mấy chục năm về trước địch đổ bộ bằng trực thăng tập kích cánh rừng tiểu đội dừng chân.
- Mừng cho tụi nó.
Thịnh nói rồi nhìn về phía am thờ trên núi. Từng tiếng chuông rền vào vách đá rồi thả từng giọt thanh âm vào lặng im. Người ta đồn rằng sư trụ trì chùa Tượng Linh có thể nói chuyện với những linh hồn. Có lần sư trụ trì nói với anh rằng, như đám sương kia không thể rời khe núi, hồn người lưu lạc cũng vậy, chỉ có một thứ gì đó thật thiêng liêng từ người đang sống hút về thì mới quay trở lại được chốn xưa.
Thịnh vẫn ở đây, sau bao năm ngã xuống. Chiến trường đã cũ. Cánh rừng cây đã lên cao, ai còn nhớ từng thớ đất đã nhuộm màu thẫm đỏ. Đôi khi bắt gặp những linh hồn chiến binh lang bạt, bỗng nhiên Thịnh nghĩ lẽ nào họ cũng như anh?
Tiếng chuông ngân lên lần nữa báo hiệu buổi lễ cầu siêu bắt đầu. Những thanh âm rủ rỉ phát ra bay vào trong gió, vởn trong thinh không lẫn vào tiếng mõ và lời niệm nguyện.
Nguyện đem lòng thành kính
Gởi theo đám mây hương
Phưởng phất khắp mười phương
Cúng dường ngôi Tam Bảo
Thề trọn đời giữ đạo
Theo tự tám làm lành
Cùng pháp giới chúng sanh
Cầu Phật từ gia hộ
Tâm Bồ đề kiên cố
Xa bể khổ nguồn mê
Chóng quay về bờ giác.
*
* *
Bà Thi bỗng giật mình.
Có tiếng chuông từ rất xa vọng tới, gióng vang vào từng vách ngăn trong tâm khảm khiến bà bàng hoàng. Ta đã quên điều chi? Bà đã quên điều gì? Nến cốc trên tay bà rơi xuống, vỡ vụn, nhựa nến chảy loang lổ bện vào nhau như rễ mía. Và đó là lúc bà nhận ra một điều đã phai mờ trong xưa cũ. Rễ mía có bám vào nền đá nhưng không bén vào lòng người khắc khoải thì cũng là sợi dây chẳng bao giờ liền chỉ. Bà đã quên lời dặn của già làng núi Vọng, rằng làm vòng phải thành đôi, cái gởi người đi, cái buộc neo trong lòng người ở lại.
Vậy mà bao năm nay bà không nhớ. Bà cứ nghĩ chỉ cần hương khói cho Thịnh là đủ. Những bộn bề lo toan cơm áo dần dà khiến sự mỏi mòn trong Thi như đất núi vỡ hoang thành ruộng, lâu dần chỉ thấy một màu xanh ngô lúa khoai mà quên mất đây từng là cánh rừng. Nhưng có một điều bà băn khoăn, những que nhang chưa bao giờ cháy hết, những lời khấn chưa bao giờ linh nghiệm, và bà chưa một lần gặp lại Thịnh, cho dù chỉ trong mơ.
Thịnh đã không về đây.
Bà Thi lập cập chống gậy bước vào căn phòng tối. Từ gầm giường gỗ mít, bà lôi ra chiếc hòm phủ bụi. Chiếc hòm đựng những kỉ vật thời con gái bà đã mang theo khi về nhà chồng, một khoảng thời gian rất xa sau ngày Thịnh hi sinh. Chiếc hòm đóng nắp như bà đã cố đóng lại những kí ức chỉ chực chờ bàn tay người chạm vào là bung ra. Phía sâu trong đó, nằm giữa ngổn ngang những bức hình, những kỉ niệm cũ là một mớ rễ cây sót lại. Những sợi rễ mía rất dài đã chuyển màu nâu xám tàn tro.
*
* *
Tiếng kinh cầu siêu nhỏ dần rồi kết thúc trong nhịp chày cuối cùng dậm vào chiếc chuông đồng trên núi. Các tăng ni Phật tử rời chùa. Những ngọn nến đã cháy hết. Vẫn như mọi lần Thịnh biết mình chẳng thể nào rời khỏi. Lòng trống rỗng, Thịnh dạo dọc theo con đường nhỏ dẫn ra sau núi. Những ngọn thông ủ rũ cố vươn mình lên nhưng cũng chỉ mấp mé ngang các mô đá nhọn. Thịnh ngồi xuống bên một mép đá, từ phía này có thể nhìn thấy rõ dãy Yên Sơn tím ngắt trong chiều. Thịnh trải tầm mắt về phía xa, nơi dưới cánh rừng có thân anh và đồng đội tan vào trong đó, những cây rừng nay đã xanh um. Thịnh siết chặt bàn tay, những dấu xưa mịt mù trong anh như vệt lông ngỗng thổi bay trong gió.
Làm sao để trở về, Thịnh ơi!
Thịnh không thể nhớ. Từng mảng kí ức cứ chập chờn như một đường vẽ không bao giờ liền nét. Thịnh đã quên điều gì?
Nhớ! Nhớ! Nhớ!
Thịnh đấm vào vách đá.
Dãy núi lặng im phủ bóng chiều.
*
* *
Một sợi, hai sợi, rồi ba sợi…
Bốn mốt, bốn hai, bốn ba…
Bốn tám.
Bà lão lật hết từng thớ vải trong chiếc hòm. Không còn gì nữa.
Vậy là thiếu một sợi rễ mía. Bà thẫn thờ. Tìm đâu ra mía bây giờ khi cánh đồng đã bị vùi lấp dưới những nền đất dựng xây nhà máy. Mía thường còn khó huống chi là rễ mía tượng. Bà nhìn về phía xa, nơi cây cối trên núi Vọng gần như bị san phẳng để các khu du lịch mọc lên như nấm. Vách đá năm xưa đã bị che khuất bởi các biệt thự cao tầng. Nó còn ở đó không? Bà không dám chắc. Nhưng bà không thể bỏ cuộc.
Không, Thịnh ơi, nhất định em phải đưa anh quay trở lại.
Bà Thi quyết định vào núi Vọng thêm lần nữa.
Trời đã ngả về chiều, ngọn núi đá nằm im lìm trong bóng hoàng hôn tịch mịch. Leo qua một quãng bậc thang bằng bê tông, bà cảm giác vách đá cũ hình như ngày một xa hơn. Bỏ chiếc gậy sang một bên, bà chuyển hướng sang lối khác, con đường hoang người leo núi tìm ong. Những bụi cây trở màu đen thẫm, cành khô chìa ra hai bên hăm dọa. Bà bò sát người vào gờ đất mấp mô giữa hai bên sườn đá. Đây là lối để đi, nhưng già thế này rồi, bò chắc ăn nhất. Dọc lối đi những ổ mối đùn lên như bọt mía sủi trong nồi mật cháy. Bà lại nghĩ, lỡ rơi xuống thì làm sao? Lũ mối này sẽ nuốt mình vào lòng đất. Nhưng cả đời bà còn một việc chưa làm xong, thế nên bà tiếp tục bấu ngón tay vào những góc đá, tiến lên trên.
Bò lên được một đoạn, bà Thi thở dốc. Mép đá phía vực nơi ngày xưa bà tìm thấy gộc mía Tượng vẫn còn xa. Những bụi hoa loa kèn núi nhô ra hai bên lối đi. Thứ hoa màu trắng đục, đầu rủ xuống đất như những cụm chuông chùa. Người ta thường bảo đây là loài hoa hướng âm, loài hoa ma quỷ. Những bụi cỏ sa mật nhọn hoắt đâm ngang lối, bà lấy tay cào ra một phía. Bà thấy mình kiệt sức. Mép đá cao nhòa dần vào nền trời, lặng lẽ, trêu ngươi. Thế rồi từ dưới khe núi, sương bắt đầu đùn lên cuồn cuộn. Những bụi cây gờ đất, cả những bông hoa hướng âm cũng mất hút, tất cả bị nuốt vào trong màn sương đục. Bà không còn nhìn thấy gì nữa. Sương bủa vây mịt mùng, sương tràn ra trước mặt, sương len vào những gốc cây. Sương xóa nhòa lối đi thành một dải khói trắng bịt bùng, sương tấp vào đầu, níu dưới chân. Bà nghe ngực mình nghẹn lại, ngộp ngụa sương.
- Thịnh ơi, Thịnh ơi!
Bà hét lên.
*
* *
Một cơn gió bất ngờ thổi đến. Thịnh thoảng thấy mùi thân thương từ kí ức. Mùi mía ngọt dịu. Mùi đất trồng trên bãi. Mùi sương trên cỏ triền đê. Thịnh nhỏm người bước về phía trước. Dọc hai bên lối đi cỏ cây đã khô mờ, Thịnh chợt thấy một chiếc lư hương, ngọn lửa rực lên khỏi miệng lư mang theo bụi và tro ai hóa vàng ngược lên cao vẩn vào không trung. Bỗng hiện ra trong tâm trí Thịnh đốm lửa, đốm lửa leo lét cháy ven sông trong tiếng dế kêu trên cánh đồng mía phủ trăng. Vô thức anh thò tay vào túi áo.
Một chiếc vòng tay!
Chiếc vòng tay bằng rễ mía ai đó đã bỏ vào đây. Thịnh ngờ ngợ nhớ ra cánh tay người con gái vờn trong rừng mía đã chạm vào áo trong cơn mê ban sáng.
Ngọn lửa phực lên như lưỡi hái bắn ra những vùng lân tinh màu đỏ. Và khi những đốm lửa bắt đầu rơi xuống, Thịnh nhìn thấy, ngay bên kia chiếc lư đồng đang cháy, một khoảng sương mù hiện ra chơi vơi, nơi anh neo mình bên mép đá. Một họng súng đen ngòm chĩa thẳng vào anh, loạt đạn vang lên, anh thấy mình rơi vào thẳm sương trắng xóa…
*
* *
Bà Thi sực tỉnh. Trong căn nhà tối đen, một đốm đỏ đang leo lét cháy. Bà cố nhấc người dậy nhưng đầu cứ ong ong u u. Lần mò, bà tiến lại phía bàn thờ. Ai đó đã thắp một que hương, bà có thể ngửi được mùi hương trong căn phòng không khép cửa. Bà lại gần lư hương. Đột nhiên, đốm đỏ lóe lên một ánh sáng xanh rồi tắt lịm. Tiếng chim cu vức rúc lên trên mái nhà ba hồi rồi im bặt. Bà thấy chờn chợn ở gáy.
Thắp đèn lên bà bàng hoàng nhận ra, trên chiếc lư màu mùn đất que hương đã cháy hết, những tàn nhang cuốn lại thành một vòng xoắn ốc quyện vào nhau.
Bà Thi lập cập cúi xuống.
- Lẽ nào, lẽ nào…
Trên bàn thờ tranh tối tranh sáng, bức ảnh chàng trai trẻ nhìn bà lão mỉm cười. Một luồng gió rít lên kéo theo lá khô xào xạc cuốn vào trong bàn thờ mang theo mùi mía thơm dìu dịu.
*
* *
Thịnh bỗng thấy mình nhẹ bẫng. Anh bay lên cao, cao mãi, con sông Rơ Vâu dưới chân mỏng mảnh như một sợi chỉ chảy đủng đỉnh và thanh thản. Anh bay qua những mảnh ruộng mới vỡ chuẩn bị cho ngày mùa còn đỏ au thịt đất, những cánh đồng mía tươi lao xao trong gió. Anh bay qua những triền thông ngăn ngắt một màu xanh óng ánh dưới mặt trời.
Và khi lướt trên đỉnh Vãng Vong, bất chợt Thịnh nhìn xuống.
Trên nền xanh nhung mướt của núi rừng, dưới chân vách đá, những người lính đang ngước lên nhìn, vẫy tay mỉm cười chào tạm biệt anh. Rồi họ lại ngồi xuống cạnh nhau, chờ đợi
T.N.D
VNQD