.Truyện ngắn dự thi. VĂN GIÁ
Giáo sư làm việc ở một viện nghiên cứu của một trường đại học. Vợ mất sớm. Gọi là sớm hẳn thì không phải. Đúng lúc cái thằng cu vừa đi du học ít ngày thì vợ đổ bệnh rồi mất. Ông không còn đủ trẻ để đèo bòng thêm người nữa. Ông đã vào nửa sau của độ tuổi sáu mươi. Nhưng ông cũng chưa đủ già để nguội hẳn lòng. Trong những lúc một mình, nhất là những đêm không ngủ được, cái phần thanh xuân còn ít ỏi của cơ thể bỗng trỗi dậy, rạo rực hồi nhớ và ham muốn.
Bây giờ thì đã khác rồi. Danh chính ngôn thuận, Giáo sư vẫn ở một mình. Nhưng một mình mà lại không phải một mình. Làm nên sự nhập nhằng này là do có một biến cố xen vào như thể tình cờ: sự có mặt của chị ta ở cái chung cư này, cụ thể hơn, ở căn phòng của Giáo sư. Ô, đời sống cứ giời ơi vậy mới gọi là đời sống. Chứ nếu mà cái gì cũng được biết trước hết thì còn sống làm gì.
*
* *
Tuấn và Giáo sư là bạn vong niên. Tính tình rất khác nhau, mà lạ thay, cứ như hình với bóng. Hai người có một chỗ hẹn riêng, vài tuần một lần, đó là cái quán cà phê kiêm ăn sáng. Giáo sư bảo chỗ này làm sạch sẽ, an toàn. Tuấn vặn lại: “Lấy gì mà anh bảo an toàn?”. Trả lời: “Thì cứ trông cách nó làm sạch sẽ, áo quần sạch sẽ, bát đũa bàn ghế sạch sẽ là biết. Với lại ăn miếng sạch vào miệng cảm giác nó cũng khác chứ. Hay nhất là cà phê của nó, rang xay trực tiếp. Ông có thấy màu nước của nó có màu vàng sậm ong óng không, chứ cà phê ở quán khác nước đen kịt”. Trong thâm tâm, Tuấn chưa chịu nhưng im lặng. Để ông ấy ăn uống cho ngon. Người ta ăn uống bằng niềm tin bao giờ cũng thấy ngon hơn.
“Đêm qua mình đi trông ông già vợ nằm viện. Suốt một đêm. Quan sát ông già, nhìn chung quanh, thấy đời sống vô nghĩa biết bao. Sao người ta lại phải chịu đựng đau đớn trước khi chết nhỉ? Sao không cho chết ngay một cách nhẹ nhàng? Đã thế thì đừng phải sinh ra nữa. Tự nhiên sinh ra một cái đống bầy nhầy, cho lớn lên, rồi đầy đọa nó, rồi bắt nó phải chết khổ chết sở. Thật phi lí!”.
“Hôm qua ghê thật, cái bọn Áo vàng xuống đường đập phá cửa hàng cửa hiệu, đốt cả ô tô nữa”.
“Người ta thật vô nghĩa. Trong nhà Phật có chữ “vô thường”. Đời sống hữu hạn lắm. Sao người ta cứ phải sinh ra nhỉ?”.
“Bảo xã hội dân chủ là có tự do. Nhưng tự do kiểu Paris cũng ớn chứ nhỉ?”.
“Mình có tay bạn châu Âu. Năm ngoái mình sang bên ấy thăm nó. Nó khỏe như trâu ấy. Hai thằng còn đi chơi với nhau ròng rã mấy ngày. Thế mà vừa mới đây nghe tin nó chết. Mà nó chết một cách vô lí lắm cơ, không ai có thể tưởng được. Đi picnic, leo lên đỉnh núi trong sương mù. Thế rồi cứ thế bước vào khoảng sương mù rồi mất hút. Chết không thấy xác… Sao lại vô lí thế?”.
“Nếu bọn Áo vàng mà thắng, khéo Pháp đại loạn. Nó sẽ ảnh hưởng đến toàn thế giới. Bởi nó với Đức là hai trụ cột của bọn Liên minh châu Âu”.
“Cho nên thân xác con người chẳng qua chỉ là cái bã, vô nghĩa. Chứ tồn tại thực của con người là ngôn ngữ, mà ngôn ngữ mới là sự thực. “Ngôn ngữ là ngôi nhà của hữu thể”. Tại sao anh nghĩ về cái chết như vậy. Không phải do bản thân cái chết, mà do toàn bộ đời sống tinh thần của anh đã có một diễn ngôn về cái chết. Cái chết trong ý nghĩ của anh là một diễn ngôn của chính anh, anh phát biểu lên trước đám đông. Nó hoàn toàn khác với nội dung cái chết ở người khác. Nhưng muốn nói gì thì nói, mọi cái chết đều có nội dung là sự phi lí, vô thường”…
Cứ thế, trong một quán cà phê kiêm ăn sáng, Giáo sư và Tuấn trò chuyện với nhau theo cách ông chẳng bà chuộc như vậy. Không cùng một chủ đề. Không cùng tiếng nói. Xa lạ và cách bức. Ấy thế mà hai người vẫn chơi với nhau, thỉnh thoảng hẹn hò nhau ở quán cà phê ăn sáng. Kể cũng lạ. Họ xả cho nhau những cái nghĩ thừa, và đón từ nhau những gì mình thiếu khuyết chăng?
*
* *
Hôm nay Tuấn hẹn Giáo sư đến sớm. Vẫn quán ấy. Cả hai quy ước với nhau mỗi khi hẹn nhau ăn sáng là chỉ ở quán ấy. Tuấn đến sớm chừng mươi phút chờ. Giáo sư là người rất chỉn chu về giờ giấc. Mà không chỉ giờ giấc. Không hiểu sao mỗi khi nghĩ về Giáo sư, cái nhớ đầu tiên là chuyện trong ví của ông ta ngoài giấy tờ tùy thân, bao giờ cũng có vài ba mảnh giấy giống nhau ghi rõ tên, cơ quan, số điện thoại khi cần liên hệ khẩn cấp. Có lần ông ấy khoe với Tuấn: “Ông có biết không, nếu tôi có làm sao, tôi chỉ có hai người cần báo gấp, đó là cô em gái tôi và cậu thôi đấy”. Tuấn hỏi sao phải làm thế, ông giải thích rằng phải thế, phận người bây giờ không dám nói trước được điều gì, ngộ nhỡ chết bất đắc kì tử một cái thì làm sao, ngộ nhỡ đi máy bay, ô tô gặp nạn thì làm sao; có khi đang đi bộ trên vỉa hè, tưởng là an toàn nhất rồi chứ gì, thế mà xe còn lao lên tông vào bẹp dí… Trong những trường hợp này, thường Tuấn không tranh luận. Tuấn cười cười bảo: “Cứ lo như ông anh thế này thì tốt nhất là đóng cửa ở nhà, chả phải đi đâu”.
Sáng nay Giáo sư đến cùng với thằng con. Vẫn bộ complet thẳng thớm, chỉ thiếu mỗi cravate do thấy trời có vẻ nóng nên thôi, đầu đội mũ phớt. Từ xưa tới nay, ông vẫn giữ một nguyên tắc hễ ra khỏi nhà là phải phục sức đàng hoàng. Không để cho thiên hạ thấy mình trong bộ dạng nhếch nhác. Mà tại sao lại phải nhếch nhác? Vừa gặp, ông khoe với Tuấn rằng thằng con nó mới tranh thủ về, nhân Noel và Tết tây. Cu cậu sắp tốt nghiệp ra trường rồi, trông ra dáng lắm. Thanh niên Việt quăng quật bên Tây nên sớm chững chạc. Gọi phở. Tuấn giục cháu ăn đi. Thằng cu cúi xuống hí hoáy gầm bàn. Giáo sư bảo ăn đi kẻo nguội. Thằng cu bảo: “Con buộc lại dây giày đã”. Lúc thằng cu ngẩng lên định cầm đũa, Giáo sư bảo: “Con vào trong kia rửa tay đi đã. Ai lại vừa buộc giày xong lại ăn luôn. Con không biết giày tiếp xúc với đất, nó bẩn như thế nào à”. Thằng con khuất phục đi rửa tay. Chắc mấy chục năm nay rồi nó vẫn khuất phục như thế. Tuấn không dám bình luận gì.
Tuấn hỏi: “Cu này học gì bên ấy, anh?”. Giáo sư rạng rỡ: “Chúng nó bây giờ khác cánh anh em mình ông ạ. Sang đấy, với hồ sơ của nó thì nó được quyền chọn học nhiều ngành, có những ngành ở ta rất đang thời thượng, mà về nước có thể hót ra tiền. Nhưng ông có biết không, nó bảo mình: Con học lập trình tin học bố ạ. Bởi con nghĩ, làm cái việc thuần kĩ thuật này đỡ liên lụy, mà cái món này thì thời nào, ở đâu cũng cần. Mình thấy nó có lí. Thế là mình đồng ý. Trong một xã hội, khi nhận thức và thực hành về tự do đang còn thô giản, thì việc lựa chọn của nó là đúng”. Tuấn trầm ngâm. Ừ, nếu cu cậu có được cái tự do ăn phở mà không phải rửa tay sau khi buộc dây giày thì chắc bát phở sẽ ngon hơn.
Tuấn bảo: “Hôm nọ gặp cô học trò nghiên cứu sinh mà anh hướng dẫn đó, nó khen quyển sách mới ra của anh lắm”. Giáo sư thoáng cười rồi vội nghiêm mặt lại: “Mình không tin nó thấy hết được cái hay trong quyển sách của mình. Ông tính, suốt ngày nó say sưa kể chuyện xem phim Hàn Quốc với những diễn viên nọ thời trang kia, làm như trên đời không còn gì ngoài phim Hàn Quốc. Người như thế, tôi không tin”. Tuấn bảo: “Em phải đính chính, ý Giáo sư là phim Hàn tivi? Chứ Hàn nó có một dòng phim nghệ thuật chiếu rạp cũng ghê lắm. Nó chinh phục cả thế giới đấy anh ạ”. “Thì thế, ở đây mình muốn nói đến ý thức về giá trị. Cái người hướng ngoại, sống nông như thế thì chỉ biết đến phim Hàn Quốc trên màn hình nhỏ, thế thôi”. Cu cậu con Giáo sư bàn góp: “Ở bên chỗ con vẫn có một dòng phim thị trường Hàn đấy. Rất nhiều quần áo, túi xách, đầu tóc, thời trang, nhảy nhót, âm nhạc của bọn thanh niên bên ấy cũng lai Hàn cả”. Giáo sư lắc đầu, không nói gì.
Lần này, một nỗi vướng bận không làm cho Giáo sư yên ấy là cái chuyện cu cậu muốn định cư bên châu Âu. Nó bảo có một công ti đã đồng ý tuyển nó làm part-time, rằng đây là một cơ hội rất tốt, lương khởi điểm nằm mơ ở nước mình cũng không có được, rằng nếu thuận lợi, nó ở luôn bên ấy, rằng nếu cần, nó đón bố sang…
Ông thì dứt điểm luôn, không đời nào ông sang bên ấy. Quá lắm, ông chỉ sang thăm thú ít ngày, thế thôi. Ông tính người Việt sống trong nước Việt vẫn là sướng nhất, không đâu bằng. Sang bên kia công việc thì vất vả hơn, tuy là nó trả lương xứng đồng tiền bát gạo, nhưng nó cũng vắt kiệt sức anh luôn. Ông đã sẵn sàng cho việc này rồi. Bất quá, ông sẽ sống một mình, chết cũng một mình. Chả sao. Thậm chí về già, lúc không lo nổi cho bản thân mình nữa, ông sẽ vào nhà dưỡng lão. Ông cho rằng cái chết là tất yếu, hợp quy luật. Cứ thử hình dung xem, giời bắt sống mãi thì cũng khốn nạn chứ, sung sướng gì. Đừng mong vào bọn trẻ bây giờ. Nó khác thế hệ ông lắm. Ông là thế hệ cuối cùng biết thương cha nhớ mẹ khi cha mẹ còn sống, và cả khi đã chết. Chứ bọn trẻ bây giờ đừng hòng. Thế hệ ông, trong trường hợp con độc, khi cha mẹ đã về già, đố ai dám bỏ nhà mà đi sang xứ người biền biệt. Bây giờ chúng nó bỏ đi nhẹ tênh. Nếu khi bố mẹ già cần nó, nó bơm tiền về, chứ nó cũng chẳng thấy cần phải về. Thế hệ con ông cũng là thế hệ đầu tiên sau “Đổi mới” nhẹ nhõm rời bố mẹ để đi sang nước người lập nghiệp.
*
* *
Mới ngoài sáu mươi, mắt Giáo sư đã nhòa mờ lắm. Thời trẻ cận nặng. Đến lúc về già, tự chuyển sang viễn. Được mấy năm, mắt bị đục thủy tinh thể. Mổ đi mổ lại. Bây giờ thấy bảo một mắt 8/10, mắt còn lại 6/10. Mỗi khi đọc, Giáo sư ghé sát mặt vào trang sách. Làm nghề này không thể không đọc. Cái sự đọc của Giáo sư ngày một khó. Nhất là những đận hướng dẫn luận văn luận án cho học viên, muôn phần vất vả. Cuối cùng Giáo sư nghĩ ra một mẹo: yêu cầu học viên đọc lên để ông nghe. Những tài liệu có liên quan đến đề tài, ông yêu cầu đọc hết. Mà lạ lắm, ông giời luôn biết cách đền bù. Cái mắt kém, bù lại, cái tai cực thính cái nhớ cực bền. Nghe xong, ông lên phương án, tính toán, rồi hướng dẫn học trò cứ gọi là răm rắp. Khi làm xong, ông yêu cầu học viên kì công đọc lại gần hai trăm trang bản thảo. Ông nghe, rồi lại bắt giở lại đọc một số chỗ mà ông cho là cần phải chỉnh. Thế rồi, cái luận văn luận án của học trò cũng hoàn thành. Gặp cái đứa học trò sáng trí, có khi lại được một luận án hay.
Sống mãi một mình thì buồn lắm. Mắt mũi thì thế. Không thể cơm hàng cháo chợ. Hằng ngày, cô em út ở cách ông chừng dăm bẩy cây số tranh thủ mua sắm, mang đến nhà cho ông, có hôm nấu cho ông một bữa ăn cả ngày, có hôm sơ chế ra đấy, rồi dặn mấy đứa học trò của ông gần đó chạy sang nấu cho thầy. Vất vả lắm. Cô em gái cũng còn con nhỏ, lại còn bà mẹ chồng ở cùng, mà chồng thì đi suốt ngày. Cái việc chăm sóc ông anh ngày càng trở nên bất tiện.
Một hôm cô em gái đập cửa gấp gáp, rồi ào vào nhà:
“Anh ơi, có chuyện này hay lắm, anh có muốn nghe không?”.
“Chuyện gì mà có vẻ tí tởn thế?”.
“Em có bà chị thân thân, khác cơ quan, quen do công việc, có một cô con gái, nó cũng học cấp hai rồi, bỏ chồng, còn xinh lắm, mới chưa đến bốn mươi. Em ướm ướm rồi, chị ấy có vẻ bắt chuyện. Hay là em làm mối nhé!”.
“Ơ cái cô này, cứ như là bỏ bom ông anh í”.
“Chứ sao nữa. Anh thì cứ phải dội bom mới được. Bây giờ có mỗi thằng con học ở xa, học xong chắc gì nó về. Mà em chăm anh mãi làm sao được. Em thì không ngại vất vả, nhưng công việc, sức khỏe, đi lại đủ thứ, không thể kham mãi nổi. Cho nên…”. Nói đến đây cô em đã sụt sịt nước mắt.
“Thì cứ bình tĩnh xem nào. Cũng phải xem ý cô ấy thế nào, công việc ra sao, người ngợm thế nào, có hợp không đã chứ… Đời sống vợ chồng vừa là một nhu cầu tự nhiên thiết yếu, nhưng cũng vừa là một thiết chế tồn tại từ khi chế độ xã hội một vợ một chồng đến nay”.
“Thôi, em chả biết thiết chế thiết chiếc gì. Anh nghe đây này. Cô ấy làm tạp vụ cho một cơ quan. Trước đây cũng là cán bộ biên chế hẳn hoi, nhưng giờ giảm biên, mất việc, rồi xin đi làm tạp vụ. Em định ban đầu nhờ cô ấy đến giúp anh dọn dẹp nhà cửa, chợ búa cho anh đã, rồi sau hẵng tính”.
“Thực ra thì anh cũng nể cô lắm. Thôi thì tùy cô. Nhưng mà cứ vạn sự khởi đầu, coi như thuê người giúp việc đã nhé. Mọi chuyện đáng kể là ở tính quá trình của nó. Đừng nghĩ đến kết quả vội. Đời sống vốn bất định lắm”.
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú
“Vâng ạ. Anh cứ ở đấy mà bất định với bất an. Anh nhớ là, anh mà có người chăm sóc, chị ấy ở dưới suối vàng cũng mừng cho anh đấy nhá…”.
Mấy hôm sau chị ta được cô em gái dẫn đến. Đây, ông anh của em đây. Như đã nói với chị, anh ấy cả đời chỉ có biết sách và sách, chả biết gì chuyện ngoài đời, đã thế mắt mũi lại kém. Em mong chị giúp anh em, cũng là giúp em.
Được báo trước, Giáo sư ăn mặc tươm tất, đóng bộ complet, cravate đàng hoàng. Nhìn thấy, cô giúp việc hơi lúng túng, vừa vì nể vừa có phần sờ sợ. Người ta cỡ giáo sư, mà những người này thì khó hiểu lắm, thấy bảo lại khó tính nữa, biết thế nào mà chiều. Chị gốc gác là con của một gia đình tiểu thương phố huyện, chăm việc từ bé. Gặp cái thằng chồng chơi bời gái gú nên chị uất quá đành bỏ thôi. Chị chả lo vất vả, chỉ lo không chiều lòng được hạng người này…
Thấy chị ta tần ngần chả nói gì, cô em bảo: “Nếu chị nhận lời, em cũng chỉ mong chị giúp cho anh ấy mấy việc: hằng ngày chị đến đây rồi đi chợ, dọn nhà, giặt giũ, nấu cơm cho anh ấy, và nhất là giúp cho anh ấy xuống khuôn viên dạo bộ lấy vài vòng, chứ cứ ở nhà mãi, không đi đâu, cớm người ra rồi sinh bệnh. Xong ngần ấy việc thì chị về”. “Còn ý ông ấy nữa chứ!” - chị ta bảo. Cô em của Giáo sư mở cờ trong bụng, biết là chị ấy đã nhận lời. Cô quay sang ông anh: “Ý anh thế nào? Người khó tính như ranh í, chả ai người ta muốn giúp đâu, may mà chị ấy nể em đấy nhá”. Đã đến nước này, thì chả nhận lời còn sao nữa. Sau cặp kính dày cộp, Giáo sư cũng đã kịp nom thấy chị ta còn tre trẻ, ưa nhìn, sạch sẽ. Thì chắc cũng phải là người tử tế thì cô em mới chọn chứ.
Hôm sau, chị giúp việc đến như đã hẹn. Giáo sư chủ động câu chuyện: “Tôi cảm ơn cô đã nhận lời. Nhu cầu của tôi thì không có gì phức tạp cả. Tôi theo lối sống tối giản. Cũng mới đây thôi. Minimalism. Cái thằng này có một quan niệm hay, biết tước bỏ những vật dụng không cần thiết, biết trở về với thiên nhiên, đó là cách làm thanh sạch chính mình. Người ta khổ vì những vật dụng vô hạn độ. Tôi hi vọng cô ủng hộ và chia sẻ chủ trương sống của tôi”.
“Những gì ông nói em không hiểu lắm, nhưng… mong ông chỉ bảo dần cho em để em giúp ông được tốt ạ”.
“Cô có biết không, sắp tới tôi muốn thanh lí một số vật dụng, chỉ giữ những thứ tối thiểu thôi. Nhiều cái tưởng như cần, thực ra có mấy khi dùng đến. Tôi lấy ví dụ, như cái radio chẳng hạn. Có tivi rồi thì cái ấy cũng là thừa. Hay cái gối đôi chẳng hạn. Cần gì phải gối đôi nữa. Cái xe máy của thằng con cũng cho đi, biết bao giờ nó về, để chật nhà. Đấy, tối giản là như thế đấy”.
Chị giúp việc từ nãy đến giờ chăm chú nghe, bỗng nhiên quay mặt đi hướng khác cười lén về cái gối đôi mà Giáo sư nhắc đến. Ừ thì ra cái tối giản tối giếc mà ông Giáo sư say sưa chính là cái việc bỏ bớt những thứ đồ dùng không cần thiết!
Chị ta thường đến từ chín giờ sáng, sáu giờ chiều thì về. Buổi trưa, chị vào căn buồng được dành riêng để ngả lưng. Mấy hôm đầu chị hoàn toàn không ngủ. Do lạ nhà. Với lại chị cho rằng căn buồng này chính là chỗ người vợ của vị Giáo sư đã nằm, và có thể đã chết tại đây. Nghĩ thế, chị nhổm dậy đi ra ngoài. Nhìn lên ban thờ, hình một người phụ nữ áo dài màu tím hoa cà u buồn nhìn xuống. Đẹp, trang nhã. Người thế mà giời bắt tội đi sớm thế… Một hôm, nhân cô em gái của Giáo sư điện hỏi thăm, chị mới lựa lời hỏi rằng bà ấy mất năm nào, cái nhà này Giáo sư mua năm nào. Hóa ra chị ấy mất được hơn bốn năm thì Giáo sư mới bán cái nhà cũ để mua cái nhà này. Từ bấy, chị mới yên lòng chợp mắt ban trưa một chút.
Chiều chiều, cư dân của cái nhà chung cư này dần dần quen với hình ảnh một người phụ nữ trung niên khá ưa nhìn đang dắt vị Giáo sư mắt kém đeo kính dày cộp, ăn vận bộ đồ tây mũ phớt đi từng bước chậm rãi trên các lối đi trong khuôn viên. Nếu nhìn kĩ ra thì người dắt người không phải tay cầm tay mà qua một vật trung gian, ấy là cái quạt giấy. Đó là ý tứ của người đàn bà giúp việc. Ai lại cầm tay, người ta trông vào, ngượng chết. Vả lại, chị ta nghĩ, cầm tay cầm chân ai đó cứ phải là người thật thân, chứ nếu không thân, cầm vào, cái tay cứ đơ ra, thậm chí cảm thấy vướng víu, khó chịu. Giáo sư cũng thấy ngay cái giải pháp này là lịch sự, an toàn. Một người giúp việc không thể lại thân mật đến mức cầm tay ông chủ được. Cần phải có một gián cách cần thiết. Ông yên tâm với khoảng cách này, cho rằng tư cách một trí thức là phải vậy. Thỉnh thoảng đôi câu chuyện xen ngang. Ví dụ ông bảo dừng lại nghỉ chút đã. Chị ta lại tìm một ghế đá chỉ cho ông ngồi, rồi cầm quạt phe phẩy cho ông đỡ bức. Ông hỏi về thời tiết. Chị ta trả lời theo cách rất ý tứ, ngắn gọn, như cung cấp thông tin chứ không phải là trò chuyện, rằng hôm nay bao nhiêu độ, mát hay nóng, mưa hay nắng, thế thôi. Một hôm, nghe tiếng đám đông ồn ào, ông nghiêng tai một lúc rồi bảo: “Cái vụ ấy còn xung đột lâu. Trong một thế giới không có gì minh bạch thì xung đột còn xảy ra như một tất yếu. Nhưng để được minh bạch thì phải làm gì? Làm gì?...”. Thì ra bây giờ ông cũng đã quan tâm đến nhân tình thế thái? Nghe những câu mơ hồ kiểu này, chị chả biết nói thế nào, bèn nhắc: “Ông đi cẩn thận, kẻo vấp”.
Ấy thế mà có lúc vấp thật. Chị ta lơ đãng ghé mắt vào điện thoại, thế là ông vấp một cái chúi người về phía trước, chiếc quạt văng ra. Chị ta giật mình, vội túm lấy Giáo sư. Chiếc điện thoại rớt xuống đất. Ôi ông có làm sao không ạ? Hú vía. Em xin lỗi ông. Không sao. Giáo sư an ủi. Chị cho rằng lỗi tại cái quạt. Ngay sau đấy, chị cầm tay ông dắt đi với một vẻ dè dặt không để đâu cho hết.
Lạ một điều là đêm ấy ông lên cơn sốt. Người ông lúc nóng lúc lạnh. Ông cố húp một miếng canh đặt sẵn trong mâm để còn uống thuốc. Ông trùm chăn để cho người thoát mồ hôi. Lúc nằm ốm một mình, ông mới thấy rõ hơn tình trạng sống độc thân. Ngộ nhỡ đêm nay mà mình tắt thở, nằm còng queo thì ra sao nhỉ? Nghĩ thế, ông thấy cần phải trút cái quần đùi áo may ô ra, thay bằng bộ đồ ngủ tươm tất. Chẳng may nếu có làm sao thì cũng phải đàng hoàng chút chứ. Ông không rõ cơn sốt kéo dài bao lâu. Mồ hôi vã ra như tắm. Ngày vợ ông còn, những lúc sốt như thế này, bà ấy thường lấy khăn khô lau mồ hôi liên tục, nếu để ướt, hơi lạnh ngấm ngược trở lại vào thân thì sẽ rất nguy hiểm. Ông cố vùng dậy định lấy khăn khô tự lau, nhưng cảm giác nặng trịch khiến ông đổ vật xuống. Phải gọi cho cô em thôi. Ông với tay cầm điện thoại ở đầu giường.
“Ông gọi em có việc gì không ạ?”.
“Ô, là cô à? Tôi định gọi cho cô em tôi”.
“Sao giọng ông khác thế? Ông có làm sao không?”.
“Không sao. Tôi bị sốt nhẹ thôi. Đã uống thuốc rồi”.
“Sao lại thế được? Ông đã uống thuốc gì rồi?”.
“Tôi…”.
“Thuốc em để trong tủ thuốc. Ông chịu khó lấy uống đi. Uống hai viên nọ hai viên kia nhé. Nếu giảm sốt thì mai em đến sớm… Ông có nghe đấy không? Sao ông im lặng thế?”.
“Tôi vẫn nghe đây. Cô yên tâm, tôi sẽ lấy thuốc uống theo lời chỉ dẫn của cô”…
Chị giúp việc lòng dạ không yên, định gọi cho cô em của Giáo sư, nhưng nghĩ đêm hôm khuya khoắt, lại thôi. Sau chừng nửa tiếng, chị nhấc máy gọi lại cho Giáo sư. Một hồi chuông dài không thấy đáp lại. Chị chột dạ. Tự trấn tĩnh, bệnh sốt cũng không đáng lo, chắc chiều nay Giáo sư đi dạo hơi lâu, lại bị cú vấp nữa, khéo bị cảm gió rồi. Đang bần thần nghĩ, chuông điện thoại vang lên. Thì ra Giáo sư gọi lại. Tạm yên tâm.
Sáng sau chị đến sớm. Có chìa khóa riêng để mở cửa, chị xông thẳng vào phòng. Cầm tay. Đặt tay lên trán. Trời, mồ hôi ướt đầm áo rồi đây này. Ông phải thay quần áo ngay thôi kẻo cảm nặng lên thì chết. Chị mở tủ quần áo của ông, lấy bộ mặc ở nhà, nâng ông ngồi dậy, giục ông thay đồ rồi ý tứ ra phòng ngoài chờ.
Như bài thuốc dân gian muôn thuở, chị nấu cháo cho ông ăn. Trên đường đến đây, chị đã kịp ghé vào chợ sớm, mua hành, tía tô, gừng, một đống lá thơm để cần thì xông cho ông. Cháo chín, chị cầm bát cháo to, thơm phức giục ông ăn. Những giọt mồ hôi to rịn ra trên khuôn mặt ông, chảy xuống cổ, rớt cả vào bát cháo. Chị chạy ra phòng ngoài tìm chiếc quạt, nhưng không thấy. Sực nhớ ra là chiều hôm qua chị đã quên không nhặt nó về.
Chị đến giúp việc cho Giáo sư có dễ đến gần hai năm rồi. Vẫn cứ xưng hô “ông” và “em” như ngày đầu. Chiều chiều vẫn cầm tay dắt vị Giáo sư đi bách bộ, thỉnh thoảng lại ngồi ghế đá. Trên tay chị vẫn có một chiếc quạt giấy. Giờ đây, nó không còn là vật nối giữa tay với tay nữa mà để phe phẩy cho Giáo sư, cho cả hai người mỗi khi họ ngồi nghỉ trên ghế đá. Nhiều cư dân trong xóm kháo nhau ông Giáo sư này có cô vợ rõ ngoan…
*
* *
Như đã hẹn trong điện thoại, Tuấn đến quán cà phê ăn sáng. Lần này thì ông đã ngồi chờ. Bên cạnh ông là một người phụ nữ. Trên tay cô vẫn chiếc quạt giấy quen thuộc như vật bất li thân.
“Giới thiệu với Tuấn, đây là cô giúp việc cho mình”.
“Cảm ơn chị”, Tuấn tủm tỉm, “Hẳn nào lâu nay Giáo sư lười trở lại chỗ này”.
“Tôi mời ông đến ăn sáng, để tạm biệt ông, tôi đi du lịch ít ngày. Thằng cháu nó tổ chức cưới vợ theo cách về Việt Nam chỉ để hưởng tuần trăng mật. Nó không về Hà Nội, mà yêu cầu tôi vào Đà Lạt chơi với vợ chồng nó”.
“Ồ, thế thì mừng quá. Có định tổ chức đám cưới gì ở ngoài này không anh?”.
“Không. Nó đã làm lễ tại nhà thờ bên ấy rồi. Về nước nó chỉ đi tuần trăng mật. Kinh thánh có một câu rất thâm thúy, đại ý: Con cái không bao giờ là của bố mẹ, chỉ có tội lỗi của chúng thuộc về bố mẹ mà thôi… Tuy nhiên thì trước khi sang bên ấy, chúng nó cũng bay ra Hà Nội vài ngày”.
“Một sự kiện đáng để vui, anh!”.
“Chả biết vui hay buồn. Mỗi cá nhân là một cá thể biệt lập, cô độc. Nó có đời sống của nó. Mình có đời sống của mình”.
“Anh đi xa như thế một mình kể ra cũng ái ngại”.
“Mình muốn nhờ cô đây đi cùng. Nói ra cái ý ấy, cháu nó cũng đồng ý. Có cô ấy đi, sẽ yên tâm hơn”.
Nói xong, Giáo sư quay sang bảo cô giúp việc: “Xin lỗi cô, chúng tôi muốn chuyện riêng chút, cô thông cảm nhé”.
Người đàn bà ý tứ ra ngoài. Khi còn lại hai người, Giáo sư bảo:
“Tôi coi ông là bạn thân thiết của tôi, nên hôm nay tôi mời ông đến đây để muốn nhờ ông một việc hệ trọng, tôi không muốn cho cô giúp việc biết, cũng không muốn cho cô em tôi biết, còn với thằng con trai tôi thì càng không”.
Tiếng khuấy thìa lách cách bàn bên vọng lại. Giáo sư rút ra một tờ giấy đưa Tuấn, bảo đọc đi và giữ lại; sau này, nếu có thế nào, ông gặp cô em tôi để bàn bạc, giúp tôi.
Mảnh giấy viết bằng bút mực, nắn nót, rõ ràng. Đúng là chữ của Giáo sư. Chắc ông phải cố gắng lắm mới có một trang viết nghiêm ngắn như vậy. Thì ra nội dung là một chúc thư. Hay có thể gọi là một nhắn gửi tuyệt mệnh.
Trích đoạn: “Nếu tôi có mệnh hệ nào, không còn trên đời này nữa, thì ngôi nhà tôi đang ở là tài sản đáng giá duy nhất mà tôi để lại. Ngôi nhà ấy sẽ bán đi, chia làm ba phần bằng nhau cho ba người: con trai tôi (mặc dù nó chưa chắc đã cần, nhưng cần hay không là chuyện khác), cô em gái tôi, và cô giúp việc. Tôi thương cô ấy. Cô ấy cần tiền nuôi con ăn học và tìm kiếm một công việc thích hợp. Riêng số sách của tôi, tôi muốn hiến tặng cho thư viện trường đại học, nơi tôi gắn bó gần như suốt đời”.
“Sao anh lại vội viết cái chúc thư này thế?”.
“Bây giờ mình cũng có tuổi rồi. Sống chết chả biết thế nào. Làm thế cho nó yên tâm”.
“Bao giờ anh và cô ấy đi?”.
“Tôi đi trước. Cô ấy sau vài ba ngày mới bay vào. Lượt ra cũng vậy. Tôi ra một chuyến. Vợ chồng thằng bé một chuyến. Cô ấy một chuyến”.
“Sao lại không cùng một chuyến mà phải nhiêu khê vậy?”.
“Tôi làm thế là để tránh nếu có tai họa gì xảy ra thì vẫn còn có người trong nhà ở lại”.
Cách mấy dãy ghế không xa, người phụ nữ ấy ngồi cầm chiếc quạt giấy phe phẩy nhẫn nại chờ. Chị nghĩ, cái giống đàn ông đã thân nhau, hễ gặp nhau chẳng bao giờ hết chuyện…
Ngày Rằm tháng Giêng, Kỷ Hợi
V.G
VNQD