Mắt gia đình liệt sĩ

Thứ Tư, 09/10/2019 09:16

.Bút kí. PHÙNG VĂN KHAI

 

Tôi đã từng chứng kiến những nỗi đau, sự mất mát, hi sinh của nhiều đồng đội thời bình mà dường như vẫn không chịu nổi khi bắt gặp ánh nhìn của cháu Cao Diễm Quỳnh, học sinh lớp 5 phường Trung Sơn, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ánh nhìn ấy vừa rụt rè ngơ ngác vừa thẳm sâu như muốn chất vấn. Đôi mắt bé gái mười một tuổi, nó khiến một người lính mấy mươi năm quân ngũ như tôi không khỏi bàng hoàng.

Ngồi bên cạnh, cầm tay bé Quỳnh là mẹ cháu, chị Nguyễn Thị Hạnh, một góa phụ ở độ tuổi bốn mươi. Nước mắt chị dù cố nín vẫn ầng ậng. Phía trước là ban thờ liệt sĩ Cao Đăng Cường, khói hương mỏng mảnh vẽ lên trần nhà những sợi xám bạc hắt hiu. Đôi mắt người trong ảnh nhìn chúng tôi, những đồng đội biết tin anh hi sinh từ nơi xa tìm đến. Nào ai biết trước mình sẽ hi sinh để đôi mắt có ánh nhìn như dặn dò, hay một cảnh tỉnh, hoặc nỗi vui buồn dang dở mà kiếp người khi sống chưa thực hiện được? Căn nhà nhỏ bỗng trở nên rộng mông mênh, dù giữa phố đông mà còn nghe thấy ì ầm sóng biển ngoài kia đang vỗ vào mấy con người đơn độc.

Đôi mắt bé Quỳnh thi thoảng nhìn di ảnh bố, nghẹn đi trước những sợi khói xám hàng ngày mẹ thắp cho cha. Bên cạnh, bàn tay người mẹ khẽ nhấc bàn tay nhỏ của con ấp vào sát mình. Chị như muốn nói một điều gì với bé nhưng lại thôi. Tôi cùng mấy đồng đội chân tay chợt trở nên lóng ngóng, thừa thãi. Cả những lời động viên, những câu hỏi dự kiến sẽ tiếp tục về câu chuyện vừa được chị kể ra bỗng trở nên bé mọn trước đôi mắt cô bé mười một tuổi.

Dù cuộc sống bao giờ cũng có những lí lẽ riêng, song trước đôi mắt như biển khơi sâu thẳm nhưng cũng đầy non tơ ngơ ngác của cháu Quỳnh, tôi như không chịu thấu, như người có lỗi với đôi mắt ấy, với hàng chục, hàng trăm đôi mắt trẻ thơ khác trước di ảnh những người bố liệt sĩ thời bình.

Đôi mắt những con trẻ ngây thơ ấy ám ảnh tôi suốt hàng chục năm cầm bút tới nay.

*
* *


Thượng tá Cao Đăng Cường - Chính trị viên Đồn biên phòng Yên Khương, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa hi sinh đã được gần hai năm. Cũng gần hai năm ấy, đôi mắt cháu Quỳnh luôn hoang hoải bồn chồn như thế. Rồi ngày mai, rồi tháng năm phía trước, đôi mắt ấy không thể trở lại vẻ hồn nhiên, tin cậy, đủ đầy như ngày xưa. Cao Đăng Cường là người vất vả từ tấm bé. Đặc thù của người lính biên phòng là luôn gắn bó với biên cương cột mốc, sông suối núi đồi, khi ở cực Bắc, lúc lại cực Nam mọi vùng miền Tổ quốc. Ai mà nghĩ được trở về quê nhà công tác được gần vợ con lại thành ra như thế.

Anh Cường cưới chị Hạnh năm 1997. Cưới nhau xong, anh vào thẳng Đồng Tháp Mười công tác một mạch mười năm. Mười năm, con dâu ngủ với mẹ chồng hơn chín năm, như một cuộc kháng chiến trường kì, chỉ có chưa đầy tám tháng ở bên chồng. Chị nói chuyện của mình mà như nói về người khác. Đôi mắt nhìn lên di ảnh anh, nói về anh cũng là nói về mình với những câu đứt nối, dù tôi biết chị là người mạnh mẽ. Nếu không mạnh mẽ, sẽ không đủ can đảm làm dâu bộ đội biên phòng, không đủ can đảm lụi cụi một thân một mình nuôi con ăn học trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng cùng người mẹ chồng luôn đau yếu.

Rồi người chồng cũng trở về. Chàng Thiếu tá Cao Đăng Cường tiếng là được thuyên chuyển công tác về quê hương xứ Thanh nhưng lại ở tít tắp đồn Tén Tằn giáp biên giới nước bạn Lào. Cái địa danh chỉ nghe thôi đã thấy xa xôi diệu vợi, còn để đi được đến đồn, nếu như mười năm trước sẽ phải mất đến hai, ba ngày. Ngày trước ở Đồng Tháp Mười, mỗi khi về phép phải ứng nửa năm lương thì bây giờ về nhà cũng tốn già nửa tháng lương, nhiều đận vài tháng liền phải bám đồn, bám bản, bám dân không thể về được.

Có những mùa bị bão lũ chia cắt, anh em đồng đội phải cùng dân ăn củ mài, rau rừng chờ nước rút. Mưa lũ vùng biên giới Việt - Lào vô cùng khốc liệt, có bản chỉ một đêm lũ quét không còn nổi miếng ngói lành. Tỉnh Thanh Hóa nhiều đồn biên phòng cách trung tâm trên hai trăm cây số, có đồng chí nhiều năm xung phong ở lại đồn trực tết vì về nhà không chỉ quá xa xôi mà còn dễ bị lạc lõng giữa xanh đỏ xập xình.

Có người trên bốn mươi chưa lập gia đình cứ như thấy thừa ra giữa các cháu gái thời @ luôn trêu chọc, có bé còn tợn tạo cầm tay, thơm má chú bộ đội biên phòng. Có cặp vợ chồng hàng chục năm không thể sinh nở bởi người chồng công tác nơi biên viễn như ốc đảo chỉ biết lấy dân, lấy bản làm vui. Có đồn cách xa dân chỉ còn biết lấy chim muông, thú rừng làm bầu bạn.

Mấy nghìn kilômét đường biên với hàng vạn cột mốc của trên bốn trăm đồn biên phòng luôn ngày đêm canh giữ, quản lí là hàng vạn cuộc đời và số phận mỗi người lính với vô vàn gian khó, nhiều khi phải hi sinh cả tính mạng trong đấu tranh với tội phạm, làm lá chắn cứu dân trong bão lốc, lũ quét, cháy rừng, sập cầu, vỡ đập… thật không sao kể xiết.

Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng hi sinh khi vượt lũ cứu dân ở đập tràn suối Bôn, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. Khi ấy, lũ ống, lũ quét cấp tập dồn về, tài sản và tính mạng của nhân dân ở các thôn bản vùng Yên Khương bị đe dọa nghiêm trọng. Đã có người chết. Nhiều bản bị lũ phá tan hoang chẳng còn gì. Nhà cửa, trâu bò, lợn gà, tài sản dành dụm cả đời của mỗi hộ dân bị cuốn theo dòng nước xiết.

Nhận được mệnh lệnh cứu dân, ngay trong đêm tối mịt mùng, Cao Đăng Cường và Nguyễn Thành Chủng băng mình vào mưa gió. Đập suối Bôn ngày thường yên bình là thế, phút chốc lũ về trở nên hung tợn bất kham. Dòng nước đục ngầu hung mãnh trùm lên chiếc xe công tác hất phăng nó xuống vực suối đang ầm ầm gào thét. Tầng tầng cây cối vặn mình răng rắc đổ nhào quăng quật vào dòng thác đỏ đòng đọc. Phút chốc, chiếc xe bị cuốn đi vô tăm tích giữa dòng suối giờ đã thành biển nước đặc đụa xác cây cối, xác trâu bò, gà lợn.

Khi lũ còn chưa rút, đồng đội cùng nhân dân không quản gian nguy dò từng ngọn cây tấc nước tìm kiếm các anh mà vẫn bặt tăm. Nước mắt của người sống cứ cạn dần mà thi thể hai anh vẫn ở tận nơi đâu. Ngay cả chiếc xe cũng biến mất như một trò chơi trốn tìm bí ẩn. Phải cả tuần sau, mọi người mới tìm thấy thi thể Thượng tá Cao Đăng Cường trên tít ngọn cây, đôi bàn tay anh vẫn nắm chặt chiếc cặp công tác không rời. Mắt người hi sinh nhắm nghiền, đất đỏ nhầu nhĩ trên khuôn mặt cương nghị đã không nói cười được nữa.

Thật đau lòng, khi tôi viết những dòng này, các anh hi sinh đã được gần hai năm mà thi thể, xương cốt của Đại úy Nguyễn Thành Chủng vẫn còn chưa tìm được. Mười ba ngày sau khi hi sinh, ngày 23 tháng 10 năm 2017, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ truy điệu Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng tại Nhà tang lễ tỉnh Thanh Hóa. Thi thể đồng chí Cao Đăng Cường được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố Sầm Sơn.

*
* *


Tôi nhìn vào đôi mắt anh, người đồng đội thân thiết của liệt sĩ Cường - Đại tá Lê Văn Hùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa mà cảm nhận nỗi đau dường như chưa hề nguôi đi được chút nào. Thời bình tưởng yên hàn, êm ấm bên vợ chồng, con cái mà bỗng chốc tuột mất được ngay, như một sự cướp trắng bất công với người chiến sĩ. Từng có thời gian cả chục năm cùng ở Đồng Tháp với Cao Đăng Cường, Chỉ huy trưởng Lê Văn Hùng quá hiểu tính nết cũng như từng suy nghĩ ruột gan của người đồng đội.

Được về quê hương công tác, Cao Đăng Cường lại lặn ngòi ngoi nước hết đồn nọ đồn kia nơi biên giới. Thương đồng đội cũng chỉ biết để trong lòng chứ người như Cường nơi nào khó khăn anh đều tìm đến. Đại tá Hùng chợt trở nên xa xăm như tìm về ngày còn lặn lội cùng Cao Đăng Cường nơi mênh mông trời nước Đồng Tháp Mười, cùng bà con dân tộc Khmer vạch đước, níu tràm, hái bông sen bông súng, bắt con cá con tôm rau cháo qua ngày. Ở đâu cũng nghĩa đồng bào, tình nào cũng là tình nhân dân rộng lớn. Người chiến sĩ luôn xoắn bện với nhân dân. Càng nơi xa xôi đầu sóng ngọn gió, nghĩa tình càng thảo thơm đùm đậu.

Biết Cao Đăng Cường hi sinh, hẳn bà con vùng Đồn biên phòng 905 Đồng Tháp Mười nơi tiếp giáp nước bạn Campuchia sẽ đau xót lắm. Có người sẽ không tin bộ đội Cường hi sinh… Ngày trước, sông nước sình sạp, rắn rết độc, có cả bom mìn sót lại ở Đồng Tháp Mười anh còn không chết được, bây giờ trở về quê để gần gũi vợ con, chăm sóc mẹ già lẽ nào lá xanh có thể lìa cành dễ dàng thế…

Đại tá Hùng nhìn vào khoảng không phía trước. Là người từng trải qua nhiều cương vị công tác, chạm tới nhiều nỗi đau thân phận, dẫu biết chẳng nỗi đau nào giống nỗi đau nào mà vẫn thấy sự hi sinh của anh Cường, anh Chủng là đặc biệt đớn đau. Những đồng đội ưu tú nhất, luôn hoàn thành xuất sắc nhất mọi nhiệm vụ bỗng đột ngột rời khỏi đội hình không báo trước.

Một lỗ hổng! Hai khoảng trống bất ngờ ngay sát sạt bên mình như một sự vô lí càng khiến người còn sống hụt hẫng. Như lẫn trong đôi mắt của anh, là đôi mắt của người đồng đội đã khuất, cả đôi mắt của người vợ trẻ, đặc biệt là đôi mắt của người con nhỏ dại khi bố Cường hi sinh mới chưa tròn chín tuổi.

*
* *


Đã hơn sáu trăm ngày Đại úy Nguyễn Thành Chủng hi sinh ở đập tràn suối Bôn, đến nay, đồng đội vẫn chưa tìm được thi thể, xương cốt của anh. Người con xã Trường Minh, huyện Nông Cống chưa thể trở về mảnh đất đã chôn nhau cắt rốn của mình. Người cha Nguyễn Thành Đồng sinh năm 1942, người mẹ Trần Thị Nỡ sinh năm 1950 vẫn đêm ngày trông ngóng con về. Những chiếc lá vàng run rẩy trong mưa gió luôn thắc thỏm không yên.

Người sống vẫn phải sống quãng đời phía trước, quãng đời vò xé ruột gan. Mắt người cha thăm thẳm. Mắt người mẹ đục mờ. Còn nữa, mắt người vợ trẻ Lê Thị Thức sớm trở thành góa bụa như những lỗ thủng không đáy in chiếu thẳng vào chúng tôi, đồng đội của anh. Và, đôi mắt của cháu Nguyễn Lê Thành Tâm học sinh lớp 10 khiến chúng ta không thể nào yên được.

Tỉnh Thanh Hóa với những đặc thù giống như một quốc gia thu nhỏ; có núi non hiểm trở với hàng trăm kilômét biên giới, đầy rẫy hiểm nguy từ buôn lậu ma túy, hàng cấm, hủ tục lạc hậu, đói nghèo, thất học sinh ra tệ nạn xã hội; có trung du trù phú dân cư đông đúc; có đồng bằng thành phố sầm uất; có biển rộng đầy tiềm năng…

Thanh Hóa với trên 3,6 triệu dân đông thứ ba trên toàn quốc. Người Thanh Hóa tỏa đi làm ăn khắp mọi vùng miền trên cả nước, lan tỏa khắp châu Á, sang châu Âu, châu Phi, châu Mĩ thì vẫn nguyên đó một phẩm cách con người xứ Thanh lam làm, quyết liệt, lấy thực hành làm phương thức mưu sinh.

Để giữ được yên ổn, nhất là vùng biên giới mênh mông hút hắt, sự đóng góp của người lính biên phòng là không thể đo đếm hết được. Các anh cùng ăn ở sinh hoạt với dân. Có đồn biên phòng nào mà không lấy dân làm gốc. Các anh bản thân cũng còn nghèo khó nhưng phải luôn quên điều ấy để toàn tâm hướng về dân. Có những trận lũ rừng chia cắt hàng tuần, bộ đội biên phòng phải bẻ những gói mì tôm cuối cùng chia cho dân bản.

Đồn nào cũng nhận nuôi các cháu có hoàn cảnh khó khăn để con em người dân tộc thiểu số được đến trường. Con mình ở nơi xa kia vắng bàn tay, trí tuệ của người cha bảo ban học tập nhưng các anh đêm nào cũng sáng đèn chỉ dạy con em người dân tộc vùng biên viễn. Biên cương xanh không chỉ ở cây cỏ, núi đồi, sông suối, mà cái màu xanh bền vững ấy, cái màu xanh yên ổn, trước tiên và trước hết phải là màu xanh của người lính biên phòng.

Bộ đội biên phòng Thanh Hóa tuần tra bảo vệ cột mốc biên giới. Ảnh: PV

Tôi chưa hề gặp Đại úy Nguyễn Thành Chủng, người Đội trưởng Đội Tổng hợp đảm bảo một lần khi anh còn sống. Vậy mà, chỉ nhìn vào đôi mắt trên ban thờ, tôi đã như thấy trọn vẹn về anh. Một con người lam làm, ngay thẳng cùng đôi chút lãng mạn nghệ sĩ. Không lãng mạn sao được khi anh đã chọn biên cương là ngôi nhà rộng lớn của mình. Không lãng mạn sao được khi từ một người lính kĩ thuật học trường Trung cấp Kĩ thuật - Cục Quản lí xe máy - Tổng cục Kĩ thuật từng vào công tác tận vùng đất phương Nam, Sư đoàn 9 - Quân đoàn 4 đến mười năm mới trở về xứ Thanh, nơi sinh ra mình với cương vị Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn biên phòng 126 tỉnh Thanh Hóa.

Lại mười năm, khung thời gian trôi chảy, Nguyễn Thành Chủng được luân chuyển ở nhiều đồn biên phòng khác nhau với các cương vị công tác khác nhau, nhưng vẫn nguyên vẹn một người con Nông Cống nghĩa tình với đồng đội, thơm thảo với dân bản nơi biên cương cột mốc gần gũi như máu thịt của mình. Làm công tác vận động quần chúng, công việc khó có thể kể tên ra, các bản làng gieo neo, hút hắt với vô vàn khó khăn.

Không hiếm lúc, đôi mắt người dân nhìn vào đôi mắt anh bộ đội biên phòng dò hỏi: Có thực như thế không? Có thực làm được không? Đã ngàn đời kiếm ăn ở trong rừng bằng chặt phá, săn bắt, khai thác cạn kiệt chỗ này thì đi chỗ khác, có khi cả bản kéo nhau rời đi trên những sống núi tai mèo không bao giờ trở lại. Bộ đội biên phòng đến bằng đôi bàn tay tần tảo và cái đầu biết lắng nghe dân.

Phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Không thể cứ luẩn quẩn mãi trong mớ bòng bong du canh du cư, không chỉ phương hại đến rừng, đến suối, đến sông mà còn làm cùn mòn, suy nhược nòi giống từ những hủ tục như những vết hằn trên trán con heo nái. Năm năm, mười năm, hàng chục năm, những bản làng đã có tiếng cười, tiếng hát, tiếng cồng chiêng giục gọi mùa lễ hội. Những thẻo ruộng rộng dần ra, bốn mùa hoa trái. Ngô trổ bông. Lúa ngậm đòng. Cây thuốc phiện bị đẩy lùi và biến mất. Quả mít, quả bưởi, quả cam, quà xoài, quả mận gọi nhau về vùng đất núi theo bàn tay anh lính biên phòng.

Một người ngã xuống, mười người, trăm người chụm vào nhau như lửa, cháy sáng mãi, bền bỉ trong công cuộc mưu sinh. Tháng rồi năm, mọi thứ cứ đầy dần như nghĩa tình người chiến sĩ với nhân dân nơi biên giới. Có những chặng đường mình đã đi qua còn không dám nghĩ tại sao lại qua được cái khúc khó khăn dường ấy. Đã có nhiều anh bộ đội lấy vợ là những cô gái dân tộc nơi biên viễn. Họ sinh con đẻ cái, cùng dắt nhau đi tìm những thứ ngày trước không ít người cho là viển vông như điện, đường, trường, trạm với sự kiên gan của người lính biên phòng. Những đứa bé mang hai dòng máu khỏe mạnh, mập mạp, bàn chân choãi ra như cắm xuống mặt đất đầy sỏi đá; còn chưa biết chữ đã thoăn thoắt bấm phím ipad, iphone, đôi mắt sáng, cái miệng mím, mớ tóc xoăn lòa xòa trong nắng gió.

Nguyễn Thành Chủng chắc chắn còn nhiều dự tính, hoài bão về bước đường phía trước của mình, của gia đình, của dân bản đồn Yên Khương đã trở nên quá thân thuộc và vùng đất đang từng ngày thay da đổi thịt. Con đường mịt mùng ngày trước tưởng như đã mở ra sáng rõ, thênh thang, bỗng đâu cũng con đường ấy ông trời đột ngột đóng sập xuống, chặt đứt, cuốn đi vô tăm tích.

Cha mẹ bỗng mất con. Vợ bỗng mất chồng. Những đứa trẻ bỗng đột ngột không bao giờ được gặp bố bằng xương bằng thịt nữa. Ẩn trong mắt họ là muôn vàn những đợt sóng ngầm...

*
* *


Sự hi sinh của những người lính thời bình bao giờ cũng bất ngờ và đột ngột.

Đôi mắt gia đình liệt sĩ Cao Đăng Cường, Nguyễn Thành Chủng còn chưa thôi day dứt, bài viết về các anh còn dang dở, nghẹn lòng thì lại nghe tin có người lính hi sinh.

Mấy hôm trước, khi Đại tá Hùng nói về việc đánh án ma túy trên địa bàn Thanh Hóa, anh bảo, đây là nhiệm vụ luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc, hi sinh nên mỗi khi thực hiện, điều đầu tiên và xuyên suốt phải là sự an toàn tính mạng cho đồng chí đồng đội và nhân dân. Sự manh động của đám người mất nhân tính coi ma túy là tử mạng luôn vô cùng rồ dại nên không phút giây nào được lơ là mất cảnh giác. Vậy mà… Tội ác chồng tội ác, lũ người buôn ma túy nơi địa bàn biên giới bản Đục, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân manh động nổ súng vào tổ công tác ngày mùng 3 tháng 6 năm 2019 vừa qua khiến Thiếu tá Vi Văn Nhất hi sinh, Đại úy Vũ Xuân Vuông và Trung úy Nguyễn Bình Minh bị thương nặng.

Đó là hành vi vừa gieo rắc ma túy cho đồng bào của mình, vừa tước đi sinh mạng của người bảo vệ nhân dân. Dẫu khung hình phạt cao nhất là tử hình cũng không dễ nguôi ngoai sự uất hận, xót thương. Vi Văn Nhất hi sinh khi anh còn chưa kịp nhận quân hàm Thiếu tá. Đơn vị chưa kịp trao bởi anh còn đang phải thực hiện nhiệm vụ phá án khẩn thiết hơn…

Phía sau anh, lại là người vợ trẻ, Lương Thị Chọn sinh năm 1992. Khóc ngất bên quan tài của chồng, chị không ăn, không uống và bây giờ đã không nói nữa, chỉ hờ, người mềm oặt như dãi khoai nước trước nắng nóng như rang. Hai đứa con nhỏ, cháu Trang Nhung chưa tròn tuổi, còn chưa nhận thức được bố đã hi sinh; bé gái đầu lòng cũng mới vừa bốn tuổi, đầu chít vành khăn tang trắng khóc bố trên tay bà, tay bác, tay những người lính biên phòng.

Phía trước là ban thờ anh. Lại là đôi mắt, đôi mắt nhìn chúng tôi, nhìn thẳng về phía trước, kiên nghị và rực sáng. Chúng tôi nhìn vào đôi mắt ấy. Hương khói hôm nay bỏng rát hơn ngày chúng tôi thắp hương cho các liệt sĩ nơi nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Trường Sơn mỗi mùa tháng bảy. Vẫn là những đôi mắt trẻ trung, hồn hậu, dặn dò của thế hệ nọ tiếp vào thế hệ kia, dòng chảy sau hòa chung vào dòng chảy trước.

Đôi mắt các anh, đôi mắt gia đình liệt sĩ mãi mãi ở lại với chúng tôi, với cuộc sống này

P.V.K

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)