Ngủ giữa hoa sen

Chủ Nhật, 27/10/2019 16:02

Không khí bối cảnh trong truyện Ngủ giữa hoa sen đã tồn tại trong tôi từ rất lâu. Vùng quê cói có đầm Hạ với cái gò nổi ấy, cánh đồng ấy, ngôi nhà ấy, cái khung dệt chiếu ấy, cái chợ Đồng Luân ấy… đã có sẵn lâu lắm rồi dù mọi cái tên gọi chỉ là hư cấu. Và cũng đã từ lâu tôi muốn viết trở lại sau những thất bại với văn chương chục năm trẻ dại trước.

Rồi tôi thấy họ, chỉ trong một vài tích tắc vụt qua ô cửa kính ô tô. Một người đàn bà đèo một người đàn ông cụt chân trên xe đạp. Họ có vẻ đang rất vui. Xung quanh là cánh đồng lúa đang vào vụ chín. Đêm đó trở về tôi viết ngay, viết một mạch. Chỉ vài tiếng là xong và không sửa một chữ. Rồi Toại, rồi Thoan, rồi Sật xuất hiện, mồn một mắt miệng tay chân trong đầu tôi. Các nhân vật hiện ra rõ nét với mọi đau đớn, hờn giận, ghen tuông, yêu thương, thất vọng và hi vọng… Tôi viết với kí ức về quê ngoại Thái Bình của tôi, tôi viết với những chi tiết đã từng nghe bà ngoại và mẹ kể về những miếu, những cầu, những quán, những phiên chợ, những con đê… cho các nhân vật được thỏa thuê hiện hình. Câu chuyện hình thành và phát triển rất nhanh bởi nội dung cũng rất đơn giản. Và bởi sau chiến tranh thì còn gì ngoài tình người với những lắt léo của số phận.

 

Nhà văn NGUYỄN ANH VŨ

- Tôi không tin vào những điều kì diệu. Tôi chỉ tin vào những gì là hiện thực. Tôi cũng biết những gì anh định viết ra. Nhưng này! Tôi không tin đâu!

- Vâng! Tôi không phải nhà văn. Tôi chỉ ghi chép lại những gì như tôi biết, như tôi thấy, ở đâu đó. Và đó là những gì mà từ sâu thẳm tôi muốn bày ra. Cũ hay mới, tin hay không, thì tùy. Nhưng lúc này, hãy để cho tôi kể!

*

* *

1. Toại

Tên đầy đủ Nguyễn Văn Toại. Sinh năm: 19... Quê quán: xóm 10, thôn Dâu, xã Dậu Dành, huyện... tỉnh... Thương binh loại 1/4. Toại chỉ còn một chi rưỡi. Nghĩa là trên cơ thể Toại chỉ còn nguyên vẹn một cánh tay trái, một nửa chân phải, đoạn từ đầu gối đổ lên, cánh tay phải đã mất hoàn toàn, chân trái thì đã tháo tới tận khớp háng. Bố mẹ Toại đã mất, em gái đã đi lấy chồng trong khu kinh tế mới. Toại ở trại 27/7 gần chục năm thì có Thoan tới tìm.

 

2. Thoan

Chu Thị Thoan. Sinh năm: 19... Quê quán: xóm 3, thôn Cầu Quả, xã Dậu Dành, huyện... tỉnh... Da nâu đỏ. Gò má hơi nhô cao. Đầu mũi có nốt ruồi son mờ mờ. Thoan bị điếc từ nhỏ do sức ép bom. Thoan là đội trưởng đội 6 ở nông trường cao su Hồng Kỳ. Tới năm 19... nghe tin Toại còn sống, Thoan xin về quê.

 

3. Tờ giấy

Giấy 5 hào 2 in dòng kẻ màu tím nhạt. Chữ viết bằng mực Hồng Hà, không đẹp nhưng nắn nót theo lề là một vết gấp nhẹ. Nội dung:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Kính gửi Ban Giám đốc trại điều dưỡng 27/7

Tôi là Chu Thị Thoan, hiện sống một mình ở xóm 3, xã Dậu Dành... Theo nhu cầu và khả năng của bản thân, tôi làm đơn này gửi tới Ban Giám đốc trại xin đón anh Nguyễn Văn Toại về chăm sóc tại địa phương.

Kính mong Ban Giám đốc xem xét và đồng ý.

Kí tên: Thoan.

 

4. Buổi sáng, Toại khám định kì, thấy nói sức khỏe ổn định, cân nặng 21 kg. Buổi chiều, Toại đọc tờ giấy do lãnh đạo trại đưa, không nói gì, chỉ lắc đầu. Còn một mình, Toại thò tay sờ vào chỗ mà trước kia gắn với cái chân trái, nước mắt chảy ròng. Hồi mới vào đây, những đêm khó ngủ, Toại lại lần tay khắp người sờ nắn những gì còn lại trên cơ thể mình và cũng đã từng khóc như vậy. Ôm háng, Toại khóc tu tu. Nhiều người cùng trại thiếu chân, thiếu tay thì ống quần, tay áo lúc nào cũng phẳng phiu như đầy đủ, như không thiếu thứ gì. Còn Toại, Toại thắt nút tất cả những ống vải lòng thòng thừa ra ấy.

Thoan ra thắp nhang ngoài miếu Cầu Quả, vái vọng ra gò Hạ, rồi lên trại tìm Toại. Trước khi đi, Thoan đã viết thư rằng nếu Toại không đồng ý thì Thoan sẽ xin vào làm ở trại để được sống gần nhau.

Thoan lên được vài bữa thì Toại đồng ý về cùng.

 

5. Thanh niên chi đoàn xã hè nhau vài buổi lợp lại cái mái nhà. Xã đã duyệt cho mấy trăm ngói nhưng Toại không chịu, đòi lợp cói kiểu ngày xưa. Thoan đạp xe xuống Duyên Hưng, gom cả tháng mới đủ cói. Quê cói, quê đay nên ai cũng biết lợp cói thì mát nhưng giờ còn ai lợp nhà như thế nữa đâu. Ông bí thư bảo: “Gớm chiếc nữa! Cái thằng này như địa chủ. Xưa, chỉ có địa chủ mới ăn chơi lợp nhà mái cói dày nửa thước”. Hội cựu chiến binh nói sẽ quyên gạch lát nền, Toại cũng không chịu, bảo cứ nện nền đất thôi. Thoan nhớ hồi nhỏ hay sang nhà Toại ăn trám rồi đóng hạt trám thành hoa trên nền nhà đất nện nhẵn lì... Ú ú ớ ớ cười đùa với nhau được vài năm thì Toại đi bộ đội. Nào kịp biết gì đâu.

...

Thoan lập lại bàn thờ, bốc bát hương cho bố mẹ Toại xong thì sang ở chung. Cũng bánh-kẹo-trà-lá một buổi.

Thoan dọn lại cái bếp, kê cái kiềng gang mới tinh, làm mâm cơm cúng và nấu những bữa cơm đầu tiên cho hai người. Rồi Thoan rào giậu lại vườn tược, đi nhận ruộng, làm các thủ tục chính sách cho Toại. Được dăm bữa thì Thoan dựng ở hiên nhà cái khung dệt chiếu và mang cói về phơi trắng sân. Lâu rồi không làm chiếu, Thoan chao gốc, ngọn sợi không đều tay nên ra cái sản phẩm đầu tiên méo dẹo. Cái chiếu đôi xộc xệch, rải ra giường thì vênh váo như cái bánh đa nướng vội. Thoan và Toại nhìn mà cười lăn cười lóc. Toại bảo cứ nằm lâu rồi nó phẳng. Thoan gật đầu, tay dận lại cái cạp chiếu.

Cái chiếu ấy đón lưng hai người lần đầu nằm cạnh nhau. Thoan định cởi áo thì gặp tay Toại giữ lại. Trong bóng tối, Toại nói cái gì đó mà Thoan không nghe thấy. Hai người cứ nắm tay nhau nằm cả đêm như vậy.

Nước mắt chảy thầm.

 

6. Rồi Toại cũng dần hiểu những lời nói bằng tay của Thoan. Thoan muốn đăng kí kết hôn cho danh chính ngôn thuận. Toại đồng ý. Thoan bồng Toại ra đặt lên yên sau xe đạp rồi lai lên ủy ban xã.

Lúc về, Thoan đi tắt qua cánh đồng. Đường đất, xe long sòng sọc. Mấy lần Toại suýt rơi ra khỏi xe. Toại ghì mỏm đùi cụt vào yên xe, tay trái ôm chặt lấy eo Thoan. Đồng chiều. Mặt trời xuống như cái mâm tròn đựng than hồng, rừng rực. Lúa vụ mùa đang vào độ chín, thơm ngát. Lâu lắm rồi, bao nhiêu năm không nhớ nữa, Toại mới lại được ngắm cánh đồng làng vào một ngày đẹp thế này. Đẹp quá! Mùi mồ hôi Thoan lẫn với hương lúa. Toại hít thật sâu. Tự nhiên Toại muốn hét vang lên rằng “Tôi có vợ rồi. Cô Thoan này là vợ tôi!”. Và Toại đã hét lên như thế. Toại như thấy tiếng mình lan xa theo những con sóng lúa chạy qua mộ bố mẹ, chạy qua miếu Cầu Quả, chạy qua đầm Hạ, chạy qua mom sông, lan về phía chân trời. Đằng xa, đàn chim ngói giật mình vỗ cánh bay vụt lên không trung. Thoan chẳng nghe thấy gì, chỉ thấy Toại ôm mình chặt thì ngoảnh mặt lại cười rồi bỏ một tay ấp lấy tay Toại...

Thoan kéo nước đổ ra thau lớn và chế nửa siêu nước sôi vào rồi cõng Toại ra bờ giếng. Cởi cái áo xanh bạc màu của Toại. Cánh tay áo phải, hai ống quần bị buộc chặt lâu ngày, khó khăn lắm Thoan mới gỡ từng múi ra được. Thoan cố vuốt mấy cái vết thắt ấy cho phẳng.

“Hôm nay, vợ mới được tắm cho chồng đây!”.

Trăng.

Mây trôi miên man.

Nước.

Bàn tay Thoan.

“Hôm nay, chồng mới được vợ tắm cho đây!”.

Bàn tay Thoan.

Miên man.

Nước.

Trăng.

Bàn tay chà lưng, kì cọ nhẹ nhàng tỉ mỉ từng chút, như kiểm kê tài sản, vừa nưng niu ngắm nghía vừa đong đếm chi li kiểu bần nông đếm của.

Toại bíu chặt tay vào thành giếng, ngoan ngoãn cho Thoan tắm. Thoan thấy mùi da Toại gặp nước ấm, giãn nở dưới tay mình. Bàn tay lần xuống bụng, vuốt ve cái lõm rốn rồi sục sâu xuống nữa. Toại giật mình buông thành giếng chặn bàn tay kia lại. Thoan gắn chặt môi mình lên khuôn mặt Toại, gồng gỡ bàn tay duy nhất của chồng ra, ập nó vào ngực.

Và trăng.

Và hôn. Như vậy có phải là hôn không? Không biết! Nhưng vào tuổi ấy, Thoan và Toại hôn nhau. Thoan ú ớ điều gì trong họng. Toại quàng cánh tay trái duy nhất của mình quắp lấy Thoan, dúi dụi. Thoan bế thốc Toại lên, tì siết. Tay Thoan lần xuống thật sâu. Thật lâu. Toại bỗng xoãi xuống, gục mặt vào ngực Thoan, nức nở:

- Anh xin lỗi! Chẳng được đâu, Thoan ơi!... Sẽ chẳng ích gì đâu, em ơi!... Tha lỗi cho anh!

Thoan lắc đầu, cười, lau khô người cho Toại và cõng vào nhà. Trời vẫn trăng. Trăng qua cửa vào giường, sáng xanh. Cái chiếu hôm đầu, nằm mãi vẫn còn vênh vẹo.

Minh họa: Trương Đình Dũng

7. Toại nhận được cái xe lăn do Mặt trận Tổ quốc kết hợp với Hội Chữ thập đỏ mang xuống tặng. Cái xe láng coóng. Thoan bế Toại ngồi lên. Có mỗi một tay, Toại đẩy bánh xe chạy quẩn vòng trong sân nhà, như đèn cù. Đại diện các ban, ngành, đoàn thể hoan hô. Nhưng một tay, có cố thế nào đi nữa thì một tẹo, cái xe lại chạy vòng như vậy. Vòng tròn mỗi lúc một thu hẹp, xoay tít, chóng hết cả mặt đại diện các ban ngành đoàn thể... Toại trả lại, bảo để cho anh em khác đủ hai tay dùng thì tốt hơn.

Thoan sang thôn Đót nhờ bác mộc bên ấy đóng cho Toại cái xe gỗ. Gọi là xe nhưng nó thấp như cái ghế con, bốn bánh gỗ to bằng gang tay. Cái lưng tựa có đóng mấy sợi dây cao su cắt từ săm xe đạp cũ để chằng người cho vững.

Sáng ra, Thoan nhấc Toại xuống xe gỗ rồi ra đồng. Toại buộc sợi dây ngang bụng và dùng cái gậy tre dài nửa mét chống xuống đất mà đẩy xe đi quanh nhà. Xuống sân thì khó khăn nhưng tập dần cũng quen. Toại đẩy cái gậy bên trái một cái, bên phải một cái như chèo đò. Mới đầu hơi nhọc sức nhưng được cái là nó đi thẳng. Trái... phải... trái... phải... trái... phải... thì đã từ đầu sân tới cuối sân. Toại thấy vui, vừa đẩy cái xe đi vừa hát: Bé bé bằng bông. Hai má bằng đồng. Hai tay bằng sắt, hai chân bằng chì. Vợ mua xe gỗ, buộc bé ngồi trong. Bao giờ... rồi cười một mình.

Quen, Toại di chuyển khá thạo với cái xe gỗ. Toại ra vườn hái cà, gieo vừng, nhặt cỏ, bắt sâu và chèo đò đi loanh quanh chơi trong xóm. Mấy bà cụ hỏi: “Lấy vợ sướng không?”. Toại bảo: “Sướng!”. Bọn thanh niên hỏi: “Đến đêm thì tâm sự với bà Thoan câm thế nào, ông Toại ơi?”. Toại trả lời: “Thì cũng như bố mẹ chúng mày thôi”, rồi hề hề cười, bỏ về.

Mùng chín, mười chín, hăm chín là phiên chợ Đồng Luân. Cứ dệt đủ hai chục chiếu là Thoan chằng lên xe đạp, buộc cái xe gỗ của Toại vào đuôi rồi lên chợ. Toại trên xe gỗ như cái rơ-moóc được Thoan kéo đi. Những chuyến đi chợ phiên, cái lưng của vợ gò xuống đạp xe chở chiếu, kéo chồng như găm vào Toại. Cái xe gỗ cồng cộc lăn trên đường. Người cả vùng này đã quen mắt với cảnh hai vợ chồng đi chợ phiên như thế.

Thoan chọn góc mát cho Toại ngồi bán chiếu rồi đi. Toại để ý thấy Thoan có gì đó khang khác. Thỉnh thoảng Thoan lại đi đâu đó không rõ, cứ dấm dấm dúi dúi làm cái gì đó, gặp ai đó, Toại không biết.

Chiều.

Chợ đã vãn. Toại ngóng mãi không thấy Thoan. Chiếu đã bán hết. Mãi mới thấy Thoan quay lại. Tóc mai mướt mồ hôi. Má đỏ căng. Mắt long lanh. Hỏi đi đâu thì không trả lời, chỉ tay vào mấy cuộn đay sau yên xe rồi bối rối giục về.

Đường về thì gặp thằng Sật bán đay nhăn nhở cười với hai người. Thằng Sật em ông bí thư, người cùng làng, răng thuốc lào vàng ệch, tóc xoăn tít, râu quanh mồm rậm rịt lan xuống tận cổ, khi nói hai cánh mũi dày phập phồng nhìn đã to lại càng to. Sật sáu con, góa vợ. Sật bảo để nó đủn cho một đoạn rồi đưa bàn tay ngón nào ngón nấy như cái dùi đục tóm vào yên xe Thoan ngồi và đẩy đi. Sật cong mông đạp vèo vèo. Hai cái xe chạy như bay trên đường đê. Còn Toại và cái xe gỗ bị kéo nhanh, lồng lên thồng thộc, chao đảo. Toại loang loáng thấy như bàn tay Sật đang tóm sát vào mông Thoan. Toại quát dừng lại mấy lần, Thoan thì giằng tay Sật ra nhưng Sật mặc kệ, cứ thế mà đạp, vừa phóng vừa cười vang. Về đến dốc Cầu Cô thì vấp phải cái gồ sống trâu, cả Toại cả cái xe gỗ văng tung lên, kéo rê đi một quãng dài rồi giằng cả Thoan ngã vật xuống. Cái xe gỗ vỡ tan.

Về. Toại quẳng cái xe gỗ vào bếp lửa.

Cả chục hôm, Toại không nói một câu, cứ quay ra quay vào, quanh quẩn vườn tược cây cối. Thoan cứ ra hiệu để nói cái gì thì Toại lại nguẩy đi. Thoan chẳng biết làm cách nào, viết vào sau tờ lịch, gài mép giường: EM MUỐN CÓ CON! Toại nóng mặt, ghi lại luôn: SANG TÌM THẰNG SẬT! Thoan đọc thì cười ngặt nghẽo, thay miếng vải xô bẩn trong quần lót rồi ra giếng giặt, mắt ngân ngấn.

Mấy hôm, vải xô đàn bà phơi trắng sào sân sau.

 

8. Thế mà không biết có những việc gì, Thoan thỉnh thoảng lại vắng nhà. Dạo này còn bảo lên huyện, lên tỉnh gì nữa ấy, có hôm đi cả ngày. Toại ở nhà như ngồi trên lò lửa. Lại nhìn ra ngó vào.

Sật sang, xách theo chai rượu và một đùm gì đó, ông ổng cái mồm từ ngoài ngõ:

- Cu Toại có nhà không đấy?!

- Đi vắng rồi!

“Cu cu cái thằng bố mày! Mẹ cái thằng chó dái, sang đây làm gì?”. Toại lẩm bẩm rồi lấy cái quạt mo đập chiếu chờ Sật vào.

- Nhẽ ra ông phải gọi tôi là anh đấy. Tôi hơn ông ba tuổi. Nhưng thôi, cùng làng, xưa cũng trẻ trâu với nhau, mày tao nhá! - Sật uống cạn chén nước chè, rồi hắt cả chén uống dở của Toại ra sân, rồi rót rượu. - Rượu, Sật này tự nấu đấy. Cạn!

Lâu lắm rồi Toại không uống rượu. Làm chén đầu, vào tới đâu biết ngay tới đó. Tới chén thứ ba thì rần rật hết đầu những vết cụt trên người.

- Sật ạ. Chuyện hôm trước, không có gì, hơi đau một chút thôi. Việc gì mày phải bày vẽ rượu chè. Nhưng này. Nếu mày với Thoan... à, nếu Thoan có tới tìm mày...

- Ùi cái thằng, lằng nhằng! Mày đ. biết gì cả!

- Ừ thì tao cũng quanh quẩn xó nhà, đ. biết gì thật. Nhưng, tiện đây...

- Chả nhưng nhị gì sất. Tao không ve vợ mày đâu. Làng thiếu cha gì gái. Mà... mà... mà có ve thì làm cái đ. gì.

- Thì mày nghe tao nói đã - Toại tợp thêm một ngụm rượu lớn - Thoan, vợ tao muốn có con. Mà tao thì... mày thấy rồi đấy. Chịu thôi! Súng ống đạn dược coi như bỏ đi rồi - Toại bật cười ha hả một tràng dài - Nghe bùi ngùi, Sật nhỉ?! Nhưng tao nói nghiêm túc đấy. Có thể Thoan chưa tới tìm mày, nhưng nếu... thì mày tốt với Thoan một chút! Thoan muốn có con lắm. Giờ đã khó, chứ để lâu hơn chắc... Thà với mày, tao còn biết tông, biết tích. Nói thế, mày hiểu...

Sật ngớ người. Toại dúi chén rượu vừa rót thêm vào tay Sật. Lại cạn. Cạn xong thì Sật cười, cười rũ cười rượi, cười bò lết ra đất:

- Tao đến chết mất thôi. Ngờ đâu tao lại được tín nhiệm việc đó đến thế!

- Thì... thì... tướng mày... “tốn gái” bỏ mẹ! Nhà mày lại ra những sáu đứa, chim bướm đủ cả, chim nhiều hơn bướm. Vợ mày mà không chết sớm có khi đẻ đủ một tiểu đội chứ bỡn. Cười cái đ. gì nữa?!

- Lầm rồi bố ạ. Lầm to, tò lâm rồi! Ừ, thì tao “tốn gái”. Ngày trước á, gái nào biết tao một lần rồi thì cả đời không quên. Tao đẻ với vợ một đứa, đi ba năm rồi về. Cũng quyết tâm làm đủ tiểu đội đấy. Nhưng tiên nhân cha nhà nó! Ở chiến trường. “Đoành”. Cụt đúng thứ bố mày quý nhất! Giá mà mất chân, mất tay còn đỡ. Mẹ nó! Lúc đó tao muốn chết ngay, mày ạ! Tao thấy thương bọn đàn bà quá, mà mình mất béng cái dụng cụ phục vụ chúng nó rồi còn đâu. Tao thương vợ tao nữa. Đi nguyên vẹn, về mất cái con giống. Đ. dám nhìn mặt vợ. Nghĩ, hay là đi tu? Ồi, không! Tính tao mày biết, có mà tu cả vò, tu cả vại. Hề hề. Thì thôi, cứ về hụp mặt vào háng vợ cho sướng. Tội gì!

- Khó tin quá!

- Thật chứ đùa mày làm gì. Tao có mỗi đứa đầu thôi. Mấy đứa kia là do con vợ tao đi “đánh giậm” được đấy. Mông vú nó thế cơ mà... Tao cũng chả chấp, nhà đông trẻ, nó vui. Đêm đến con vợ nó vẫn cứ quắp chặt lấy tao như con hổ cái. Mà tao cũng không để nó thiệt. Râu ria bố mày thế này cơ mà. Lại mấy cái này nữa... - Sật lè cái lưỡi dài thoòng và dứ ngón tay giữa to đoành ra. Cười nhăn nhở. - Hiểu chửa? Cũng bắt chước tao đi là vừa! Mà mày vẫn không tin là tao mất “súng” phải không? Thì nhìn đi này!

Sật đứng lên tụt quần xuống ngang đầu gối. Cặp đùi Sật như hai cái cột lim và nhẽ ra ở cái chỗ trống huếch đó, phải là một bộ đồ nghề hoành tráng lắm. Toại thoáng nhìn rồi né mắt đi.

- Sật! Mày kéo lên đi. Tao tin!

- Tin chưa? Bay cả cụm nhá! - Sật kéo quần, cài lại cái xanh-tuya, nước mắt nhỏ tom tóp. - Còn mày. Tự xem, nếu thấy vẫn còn “ngồng” nọ, “hòn” kia thì cố mà chữa! Vẫn còn hi vọng đấy. Tao mang cho mày thang thuốc bắc, hôm trước Thoan nhờ mua. Ngâm rượu uống thử xem. Tao về!

Tối mịt, Thoan về, lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ, thấy cả cái xe gỗ mới. Mặt tươi như hoa. Toại hỏi đi đâu thì cứ lắc đầu, đưa Toại gói thuốc tây mà hình như nhờ mua tận Hà Nội. Toại vẫn cứ gặng hỏi. Mãi không giữ được, Thoan khoe Toại xem cái bùa mới được sư thầy trên chùa Cả cho. Kèm theo thấy có sớ và giấy ghi hướng dẫn cách làm nghi thức gì đó, nhưng Thoan giật lại, Toại không kịp đọc.

 

9. Trăng.

Rằm tháng năm, trăng sáng nét vành.

Đầm Hạ, cói mươn mướt quanh bờ và sen bát ngát. Đầm có cái lạch nhỏ tên là lạch Diếc nối đầm với sông Dâu. Giữa đầm, trước có cái gò, gọi là gò Hạ. Hồi bé, Toại hay bơi ra bẫy sáo. Trên gò có cái miếu, làng gọi là miếu Cầu Cậu. Năm nào không nhớ, gò bị bom, biến mất. Sau, làng dựng lại miếu trên bờ, gần cầu Quả nên lại gọi là miếu Cầu Quả. Mấy năm nay, không biết do nước đầm cạn đi hay mối đùn mà gò Hạ lại nhu nhú lên, lau le um tùm, ở giữa thấy mọc một cây to, hình như cây sung thì phải. Đêm nay Toại chèo thuyền trên đầm Hạ.

Trước khi xuống thuyền, Toại và Thoan qua miếu Cầu Quả thắp nhang. Tàn ba tuần, Thoan xin ba chân nhang, rồi cùng Toại ra đây. Toại ngồi mũi, chèo thuyền. Mấy năm chèo cái xe gỗ đã làm cánh tay duy nhất của Toại to và chắc nịch. Người Toại lệch hẳn sang một bên do phần cơ thể bên cánh tay còn lại đó được vận động nhiều. Toại cởi trần, những múi cơ cánh tay, bả vai và lưng bóng nhẫy dưới trăng, cuộn lên theo từng nhịp chèo.

Trăng loáng từng vệt hai bên mạn thuyền. Trái... phải... trái... phải...

Thoan cõng Toại lên gò. Thoan cắm ba chân nhang vào dước gốc sung rồi thắp thêm một thẻ nữa. Hai vợ chồng khấn xong thì vái về bốn hướng. Nhang tàn, Thoan hóa vàng. Toại lần dưới gốc sung thấy có một quả chín, bửa đôi đưa cho Thoan một nửa. Xong, cả hai lại xuống thuyền.

Thuyền đầy cánh sen. Toại chèo chậm. Thoan vừa rải cánh sen xuống nước vừa khấn thầm.

Toại chèo hết ba vòng quanh gò Hạ thì Thoan cũng rải hết cánh sen và xong bài khấn. Mệt bã, Toại rút chai rượu ra uống. Thoan cũng uống mấy ngụm. Hai vợ chồng nằm ôm nhau trên thuyền rồi cùng thiếp đi.

...

Con thuyền trôi dần về phía lạch Diếc. Những cánh sen cũng trôi theo thành một vệt sáng dài trên mặt đầm sẫm tối. Và Toại mơ. Trong mơ, Toại thấy Thoan hôn lên khắp người mình. Thoan hôn vào những vết cụt. Hôn tới đâu, chỗ đó lại nảy lên một cái mầm. Những cái mầm trong vắt và lớn rất nhanh. Chẳng biết từ lúc nào Toại thấy trên người mình, chân tay mọc lại đầy đủ cả. Toại ghì siết lấy Thoan và chạy, rồi cứ thế bế Thoan bay lên. Bay trong tiếng trẻ con hát:

Bé bé bằng bông

Hai má hồng hồng

Bé đi sơ tán bế em đi cùng

Mẹ mua xe gỗ

Cho bé ngồi trong

Bao giờ chiến thắng cho bé về phố đông.

Tiếng trẻ hát cứ vang mãi.

Còn Thoan. Thoan phủ người lên Toại, càng lúc càng thấy rõ có một cái mầm đang trồi lên, đang nảy lên. Và cái mầm đã nảy vào trong người Thoan.

Lúc đó, con thuyền đang trôi qua lạch Diếc.

*

* *

- Tôi không nhận mình là nhà văn. Tôi chỉ ghi chép lại những gì như tôi biết, như tôi thấy, ở đâu đó. Và đó là những gì mà từ sâu thẳm tôi muốn bày ra. Cũ hay mới, tin hay không, thì tùy quý vị! Riêng tôi, tôi tin vào những điều kì diệu. Và chính tôi là bằng chứng của một điều kì diệu.

Tôi sinh năm 198X. Quê quán: xóm 10, thôn Dâu, xã Dậu Dành, huyện... tỉnh...

Tháng 6/2008

N.A.V

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)