Không dừng bên nhau

Thứ Sáu, 10/01/2020 14:29

.Truyện ngắn dự thi. LƯƠNG MINH VŨ

Gần ba giờ khuya, chị thức giấc. Đưa tay sang cạnh. Trống trải. Ý thức trở về thực tại, khoảng vài giây, chị tỉnh hẳn. Nằm yên. Tự dỗ mãi cũng không ngủ lại được. Ngồi dậy không biết làm gì để chờ sáng. Hành lí là chiếc va li nhỏ đã sắp xong. Phải đến sáu giờ sáng, cô gái chạy xe ôm, thường ngày chở rau quả ở Tam Đảo mới đến đón chị xuống núi để ra sân bay Nội Bài về Sài Gòn. Rồi ngày sau nữa, chị lại bay về Úc.

Chị mở điện thoại, muốn nhắn tin cho anh. Nhưng rồi kiên định với những suy nghĩ trước đó, lại thôi. Cứ để anh lên lại, chị sẽ liên lạc sau. Chị mở tủ. Chiếc túi xách của anh vẫn còn đó, bộ đồ mặc dở treo trên mắc áo. Chị vơ lấy, mang vào toa lét giặt. Dù sao cũng có việc làm lấp cảm giác cô đơn, một mình nơi xa lạ, giữa canh khuya tĩnh lặng.

Chị ra bàn, pha li cà phê. Muốn viết thư để lại cho anh. Lại do dự, rồi thôi. Có chút gì đó ngượng ngập. Chúng mình đều đã già cả rồi. Ở tuổi này và trong hoàn cảnh này, những lời chia tay, tạ từ, có vẻ buồn cười. Ba mươi năm qua, mình đã nói bao nhiêu lần chia tay, từ giã, sau những lần gặp nhau ngắn ngủi. Chỉ để lòng nặng thêm day dứt. Giờ đây, lúc chị đi, không có anh, cũng là điều hay. Tránh cho cả hai khỏi ngượng ngùng những lời khuôn sáo.

Chị mở cửa sổ. Từ các ngôi nhà trên những đồi núi le lói ánh đèn, ẩn hiện trong sương khói mờ mịt. Mây bềnh bồng khắp nơi, ùa vào đầy phòng. Giữa canh khuya, cả thị trấn tĩnh lặng tuyệt đối. Chỉ có mây là luôn thức. Thật lạ, cả đời chị mới biết đất nước mình có một nơi chốn lạ lùng, độc đáo, vừa hoang sơ vừa diễm ảo đến vậy và thầm cảm ơn anh đã rủ chị đến đây.

Gặp lại chị lần này, anh bảo có người bạn chiến đấu thân thiết, thời đi lính ở K., quê Vĩnh Phúc, hiện đang kinh doanh một khách sạn nhỏ ở Tam Đảo nhiều lần tha thiết mời anh lên chơi. Sẵn dịp chị ở Úc về, anh rủ chị. Rồi không muốn chị áy náy hay vương vấn với những mặc cảm, anh vắn tắt hoàn cảnh gia đình hiện tại. Vợ chồng mỗi người sống với một đứa con. Giờ đã luống tuổi, không còn xung đột như thời trẻ. Con cái cũng đã có gia đình. Không cần thiết phải ra pháp luật, nhưng thực tế cũng giống như li thân. Và tôn trọng nỗi niềm riêng tư của nhau.

Vậy mà, mới một ngày, anh nhận điện của con trai bảo phải về gấp. Một công việc quan trọng liên quan thủ tục giấy tờ ở địa phương cần anh kí xác minh. Thấy anh bồn chồn, do dự áy náy, chị cười an ủi, khuyên anh cứ về. Chị đùa rằng Tam Đảo tuyệt vời ở chỗ trong ngày hiện diện đủ cả bốn mùa xuân hạ thu đông, ở bên nhau một ngày khác gì một năm, lời chán. Anh cười méo mó. Và anh về. Hành lí vẫn để lại. Bảo một hai ngày xong việc, anh sẽ lên lại. Chị ấm lòng và cũng tức cười khi nghe anh dặn dò, chỉ vẽ đủ điều mà quên rằng chị đã là một bà già trên năm mươi. Anh ái ngại chị một mình sẽ buồn mà không nghĩ rằng đời chị có lúc nào vui đâu.

Anh về hôm trước thì hôm sau đến lượt chị nhận điện của thằng con rể bên Úc, báo vợ vừa sinh non đứa thứ hai. Mà nó lại sắp đi công việc qua Tân Tây Lan nên rất mong mẹ có thể về sớm, chăm nom giùm cho vợ con nó. Thế đó, cuộc sống thực tế lại lôi chị ra khỏi khung trời hạnh phúc ngắn ngủi. Chị quyết định về Úc. Trong ngày, chị tính toán, thu xếp công việc, đặt vé máy bay… Tính điện báo cho anh biết nhưng suy nghĩ, rồi thôi. Nếu biết chị đã đi, có thể anh sẽ không lên. Chị biết anh rất mê khung cảnh Tam Đảo này. Cả đời anh cũng vất vả mưu sinh. Hãy để anh lên vui chơi thư giãn. Không có chị anh sẽ buồn. Nhưng đàn ông có nhiều thú vui. Anh cũng có nhiều bạn bè, chiến hữu ở đây.

Chị mở cửa bước ra ngoài ban công.

Vẫn mây và sương khói la đà. Vầng trăng hạ tuần bạc phếch, lặng lẽ cuối trời.

Mọi thu xếp có vẻ ổn, nhưng một ý nghĩ khiến chị nhói lòng. Rồi bao giờ mới gặp lại anh? Hay đây là lần cuối? Đã ba mươi năm. Mỗi người có cuộc sống riêng. Dường như gặp nhau chừng bốn, năm lần ngắn ngủi rồi chia tay. Hồi còn trẻ, những lần như thế, chị đã day dứt, trầm cảm hàng tháng trời. Theo thời gian, tuổi đời chồng chất, nỗi đau trở thành trầm lắng, bàng bạc, dịu dàng hơn. Nhưng vẫn là nỗi đau.

Chị nhớ lần gặp đầu, sau bảy năm xa cách, anh ở chiến trường K. về thẳng Sài Gòn tìm chị. Đã lâu, không liên lạc, không biết tin tức gì về nhau, bảy năm đối diện với với gian khổ, chết chóc, anh cũng đối diện với lòng mình. Bảy năm xa cách, anh nhận ra mình vẫn còn yêu chị như ngày nào. Nhận ra lỗi lầm vì đã bỏ chị ra đi, giờ anh trở về, chuộc lại. Anh sẽ cưới chị.

Nhưng chị đã lấy chồng. Và đã có con.

Bao năm rồi, lần gặp ấy, vẫn là một kỉ niệm buồn hằn vết. Dịu dàng và đắng cay. Lần gặp ấy là khởi đầu cho những trắc trở tương lai. Bao năm rồi vẫn còn ám ảnh chị.

Tháng bảy.

Buổi sáng. Cánh cửa bật mở. Anh bước vào với gói hành lí trên vai. Trong ánh sáng mờ tối, em vẫn thấy ánh mắt anh thảng thốt nhìn em, nhìn đứa bé đang ngủ trong võng. Rồi tất cả nơi anh đều chùng rũ xuống.

Tiếng khóc của con bé thức giấc khiến em choàng tỉnh. Tay run run đưa võng, em bật tiếng à ơi lập bập như muốn khỏa lấp hố thẳm trước mặt. Tiếng ru lạc đi, hun hút. Anh đứng đó. Sững lặng, chênh vênh. Một vẻ mệt mỏi, bơ thờ trên khuôn mặt dãi dầu, trong đôi mắt xa xăm, trên mái tóc bụi bặm, ngón tay ám vàng khói thuốc.

Em đã chấp nhận. Em cũng không oán trách gì anh vì hiểu rằng anh cũng đau khổ nhường nào. Bảy năm, kể từ anh ra đi, em đã thành thiếu phụ. Em không còn là em của ngày xưa nữa. Trong căn phòng này, em đã tự khép kín đời mình. Cơ hồ như mình trọn đời ngồi lặng lẽ nơi đây. Bên chiếc máy may, bên chiếc võng này hát ru con ngủ. Em không còn mơ ước gì. Em chỉ cần chút không khí để thở trong bốn bức tường này. Thế là đủ.

Bên con, bên chồng, em đã cố giết đi những gì có về anh. Nhưng lẩn khuất đâu đó, nó vẫn cựa quậy. Bây giờ anh trở về và em đã an bài một số phận, dù nó hẩm hiu.

 

*

* *

Anh lại đi. Đó là khoảng thời gian u ám, khốn khó trong đời chị. Chồng chị đang ngồi tù. Là một cán bộ phường, anh ta đã say mê theo đuổi chị. Chị đang trong hoàn cảnh ngặt nghèo. Người ta muốn đuổi hai mẹ con đi kinh tế mới để chiếm đoạt căn nhà. Anh ta đã ra tay cứu giúp. Còn chị, không có sự lựa chọn khác.

Chị vừa nuôi con, vừa thăm nuôi chồng và người anh ruột đang học tập cải tạo, vừa giúp đỡ người chị ruột đang khó khăn ở vùng kinh tế mới. Bao nhọc nhằn đè nặng xuống thân xác mảnh mai. Chị cắm đầu suốt ngày đêm bên chiếc máy may. Cũng may, trời cho chị đôi tay tài hoa. Chị sáng tạo, tự thiết kế và may được tất cả các loại y phục nam nữ. Thời bao cấp khó khăn mà tay nghề chị đã nổi tiếng. Ngôi nhà yên tĩnh trong hẻm khách hàng lũ lượt tìm đến. Học trò các tỉnh cũng tìm đến học nghề. Chị làm việc cật lực đến một, hai giờ khuya. Làm việc để trang trải cuộc sống. Để quên đi cô đơn, phiền muộn.

 

*

* *

Trời hửng sáng. Chị mở cửa. Mây ùa vào nghẹt phòng. Chị ngạc nhiên khi xuất hiện cảm giác bơi trong đám mây sương ấy. Sự thích thú trẻ con khiến lòng thấy vui vui. Chỉ lát nữa, chị sẽ rời cái phố núi dễ thương này. Dù sao, chị cũng đã thăm được một số nơi. Có lẽ, linh cảm không ở được lâu, nên hôm mới lên, anh và chị đã đến nhà thờ đá cổ, lên đền Mẫu Thượng Ngàn. Còn phố chợ thì bé tí và ngắn ngủn. Đi vài trăm mét đã hết.

Điện thoại reo. Con bé xe ôm hỏi cô đã dậy chưa? Chuẩn bị đồ đạc, nửa tiếng nữa cháu sẽ đến khách sạn đón cô xuống núi. Con bé dễ thương. Nó không biết chị đã dậy từ ba giờ khuya. Con bé người dân tộc Sán Dìu, đã có gia đình nhưng hồn nhiên, chân chất và khoẻ khoắn. Hàng ngày nó thồ su su và các đặc sản Tam Đảo xuống chợ dưới núi, kiêm thêm nghề xe ôm. Hôm trước nó cũng đã chở anh xuống núi rồi quay lại chở chị đi chơi loanh quanh. Chị quen nó tình cờ, và đó cũng là điều thú vị trong thời gian ngắn ngủi ở Tam Đảo.

Chị xuống tầng dưới. Trao chìa khoá phòng cho người quản lí. Dặn giữ nguyên đồ đạc trong phòng. Ngày mai anh sẽ lên.

 

*

* *

Chồng chị mãn hạn tù trở về. Cục cằn, thô lỗ hơn. Anh ta buôn bán chợ trời. Giao du với giới tứ chiếng giang hồ. Sau cơn trác táng, say sưa, về nhà ghen tuông hành hạ chị, trút giận dữ lên thân xác chị. Chị lặng lẽ và bình thản chịu đựng, ngay cả lúc chồng dắt gái về nhà để trêu tức chị. Điều đó khiến anh ta điên cuồng và khổ sở. Nhận ra đằng sau sự hiền lành nhẫn nhục của chị là sự khinh bỉ mênh mông, anh ta càng căm hận.

Khi mọi sự đã đến tận cùng giới hạn thì sự chia tay là tất yếu.

Chị trở lại cuộc sống tự do thì vừa lúc anh lập gia đình.

Năm sau, chị nghe tin anh có con đầu lòng.

Minh họa: Lê Anh

Lúc đầu, chị có buồn và tuyệt vọng. Vậy là vĩnh viễn không còn cơ hội tái hợp ở kiếp này. Nhưng rồi chị bình tâm lại. Anh dù sao vẫn là trai tân, còn chị đã hai con với hai người đàn ông. Chị thấy mình không xứng với anh. Vậy thì hãy chấp nhận số phận của mình. Đừng vương vấn gì. Và chị cầu mong anh hạnh phúc.

Vẫn nghĩ đến nhau, nhưng tránh liên lạc và gặp nhau. Người này không muốn người kia bận lòng. Lòng tự trọng cùng bổn phận trách nhiệm gia đình khiến cả hai kìm nén, chôn chặt nỗi niềm.

Qua cơn bĩ cực, cuộc sống chị nhẹ nhàng hơn. Chị vẫn tìm niềm vui và khuây khoả trong công việc, bên hai đứa con gái ngày càng lớn dần. Tuổi đời cùng những thăng trầm cuộc sống không xoá đi những đằm thắm, giản dị vốn có trong chị khiến anh càng say. Ngày đó anh đã luôn ngạc nhiên, lạ lẫm về chị. Sinh ra, lớn lên ở đất Sài Gòn mà không biết đi xe máy. Làm công việc thiết kế thời trang mà ăn mặc như thôn nữ. Trong gia đình thì nhường nhịn bù trừ cho người thân, chơi bạn bè luôn bị lấn lướt. Hồi đó, dù tuổi bốn mươi, nhưng nhiều đàn ông vẫn say mê chị. Vài người trong số họ với những hoàn cảnh, địa vị xã hội khác nhau bày tỏ tình cảm, muốn đến với chị, nhưng chị đều mỉm cười lắc đầu. Không biết có phải quá khứ đau buồn khiến chị sợ hãi, hay từ trong vô thức chị còn le lói một hi vọng nào đó…

Xa nhau, không liên lạc, nhưng tình cờ đôi lần cũng gặp nhau. Tình xưa nghĩa cũ lại bùng cháy. Để rồi chia tay lại bàng bạc. Riêng anh lại thêm mặc cảm có lỗi với gia đình. Chị biết cuộc sống anh cũng không hạnh phúc, dù anh không nói ra. Tính anh vốn trầm lặng, ít nói về mình. Nhưng nét ưu tư phiền muộn thường phảng phất nơi anh.

Rồi chị gả chồng cho hai con gái. Một đứa lấy Việt kiều ở Úc, vài năm sau nó bảo lãnh chị sang.

 

*

* *

Tình yêu như trò chơi cút bắt.

Ngày ấy, anh là một thằng học trò chân quê vào Sài Gòn học đại học. Anh cùng một thằng bạn, ngẫu nhiên thuê phòng trọ ở nhà chị. Nhà chị lúc ấy có ba người. Chị và người chị gái, cùng một bé gái chừng hơn một tuổi, ở tầng trên. Bọn anh thuê tầng dưới. Anh bị chinh phục bởi nét đẹp dịu dàng, nhân hậu và thanh cao ở chị. Khi quen nhau, anh càng thương cảm hoàn cảnh chị: mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Mấy anh chị em yêu thương, đùm bọc, nương tựa nhau, sống và trưởng thành.

Hàng ngày, anh và chị gặp nhau trong căn bếp, trò chuyện với nhau lúc nấu ăn. Lâu dần, tình cảm thân mật. Ân cần và tốt bụng, chị giúp bọn anh những chuyện lặt vặt như chợ búa rồi đôi khi cả cơm nước quét dọn. Cho đến một ngày anh run rẩy tỏ tình với chị. Chị cúi đầu yên lặng. Chị biết chuyện này rồi sẽ đến. Lâu nay, chị cũng biết tình cảm của anh dành cho chị qua ánh mắt, cử chỉ, lời nói lóng ngóng, vụng dại. Chị cảm động và xao xuyến. Chị cũng yêu anh và thấy sợ hãi, khổ sở vì điều đó. Chị ngước nhìn anh, tha thiết và buồn bã. Chị nhìn đứa bé lẫm chẫm bên chị, hỏi anh có biết con ai không. Dĩ nhiên là con của chị em. Anh thật thà trả lời. Chị bế đứa bé vào lòng. Giọng chùng xuống: Không. Là con của em đấy. Anh bất ngờ, sửng sốt, bàng hoàng. Lâu nay, đứa bé đều gọi hai chị em bằng mẹ và anh vẫn đinh ninh là con của người chị bởi khi ấy, chị mới mười chín tuổi, trẻ và xinh đẹp. Rồi anh chợt hiểu, vì sao gần đây, dường như chị đã cố tạo một khoảng cách nào đó đối với anh, né tránh sự thân mật từ nơi anh bằng một nỗi buồn xa vắng.

Năm mười bảy, đang học lớp mười một, ngây thơ, khờ khạo, chị bị gã thầy giáo của mình tán tỉnh, dụ dỗ. Gã thầy bốn mươi tuổi, đã có vợ con. Và chị có thai...

Anh bị sốc nặng. Còn chị, không muốn giấu anh. Chị yêu anh bằng tấm lòng tận tụy và chân thành.

Họ sống với nhau vừa như tình nhân, lại vừa như vợ chồng. Chị trao hết cho anh tâm hồn và thể xác, không đòi hỏi bất cứ điều gì. Chị ý thức thân phận mình. Và đó là khoảng thời gian đẹp đẽ và hạnh phúc nhất trong đời chị. Còn anh, tình yêu cuồng nhiệt không xóa được cảm thức bất an, vô vọng. Hoàn cảnh, định kiến xã hội, cùng bao nhiêu lề thói ràng buộc khác... Gia đình anh ở miền quê, nặng lễ giáo phong kiến. Anh lại là một gã trai mới lớn. Mới học năm thứ nhất...

Cuối năm học thứ hai, anh thi rớt, bị lưu ban. Cuộc sống khó khăn, trong một xã hội đầy bon chen, bao chán chường dồn nén, anh bỏ học, về quê cày ruộng. Chiến tranh biên giới Tây Nam, anh lên đường qua K. chiến đấu. Bảy năm đối diện với ác liệt của bom đạn, sốt rét, những lằn ranh sinh tử cận kề, trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất, hình ảnh chị với bao kỉ niệm vui buồn lại hiện về xoa dịu anh...

 

*

* *

Có tiếng gõ cửa phòng. Con bé xe ôm xuất hiện cười toe toét. Nó sốt sắng: “Hành lí cô đâu, để cháu mang xuống trước?”. Rồi nó kéo chiếc va li của chị đi.

Chị nhìn quang cảnh Tam Đảo lần cuối trước khi đóng cửa. Một ngày mới ở phố núi vẫn đẹp hoang sơ trong sương mù, mây khói. Còn có cơ hội nào trở lại nơi chốn đẹp đẽ, tuyệt vời này không? Chị nghĩ thầm. Buồn se sắt. Và còn có cơ hội nào gặp lại anh nữa không, hay lần này là cuối?

Chị bỗng nhớ đến những câu thơ của ai đó thật hay, thật giống nỗi lòng chị. Rồi chị tự cười thầm: lâu nay có bao giờ mình sính thơ thẩn đâu chứ. Nghĩ vậy, nhưng chị vẫn lấy cuốn sổ trong túi xách anh, chép vào, không biết cho anh hay tự cho mình.

Đi ngang qua.

Đi ngang qua, không dừng bên đời nhau...*

 

L.M.V

 

______

* Thơ Nguyễn Bắc Sơn

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)