Năm 1998, Tạp chí Văn nghệ Quân đội mở cuộc thi “Viết cho giao thừa thiên niên kỉ” gồm cả ba thể loại truyện ngắn, thơ và bút kí. Cuộc thi kéo dài trong hai năm 1998 - 1999. Đây là thời điểm cả thế giới đang chuẩn bị bước vào thế kỉ mới, cũng là lúc các nhà văn quân đội ở Nhà số 4 mong muốn tìm ra một đội ngũ những người viết trẻ bổ sung cho lực lượng các nhà văn mặc áo lính thế hệ chống Mĩ đang “lão hóa” dần sau hai lăm năm đất nước kết thúc chiến tranh.
Để hỗ trợ cho cuộc thi, Tổng cục Chính trị cũng tạo điều kiện cho Tạp chí mở một lớp bồi dưỡng sáng tác văn học, thời gian kéo dài ba tháng, huy động tất cả các “mầm non” văn chương trong toàn quân về với cuộc thi, qua đó phát hiện thế hệ nhà văn kế cận cho Nhà số 4.
Tôi lúc đó là thiếu úy, đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự Quân khu 3, nhận lệnh về tham gia lớp bồi dưỡng khi trong tay có vài giải thưởng nho nhỏ của chuyên mục “Tác phẩm tuổi xanh” Báo Tiền phong. Lớp có hơn ba mươi người, đa số là cán bộ tuyên huấn ở các đơn vị thuộc nhiều quân binh chủng khác nhau. Tôi và trung sĩ Hồ Kiên Giang (Quân khu 9) không chỉ quân hàm thấp nhất mà tuổi tác cũng vào hàng em út của lớp. Các học viên hầu như chưa ai có tác phẩm được đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ). Trong suy nghĩ của chúng tôi ngày ấy, có bài được đăng trên VNQĐ là điều gì đó vĩ đại lắm, phải là nhà văn chuyên nghiệp mới có thể. Cho nên tôi đi học với một tâm thế rất thảnh thơi. Vì tôi không lấy văn chương làm mục đích nghề nghiệp, đi bồi dưỡng thế này coi như có thêm chút hiểu biết về công việc sáng tác, được chút nào vào đầu thì hay chút ấy, kết thúc lớp học sẽ lại vui vẻ quay về với vị trí công tác ở đơn vị. Nhưng vào học được vài ngày mới thấy các nhà văn ở Nhà số 4 tâm huyết quá. Các thầy như đang tìm truyền nhân ở cái lớp học rất chi là “xôi đỗ” đó để mà trút hết gan ruột, truyền thụ toàn bộ kinh nghiệm sáng tác của đời mình, hi vọng có thể thắp lên tình yêu văn chương ở những người viết trẻ chúng tôi. Không chỉ các nhà văn lừng danh ở Nhà số 4 như Hồ Phương, Xuân Thiều, Lê Lựu, Chu Lai, Trần Đăng Khoa, Phạm Ngọc Cảnh, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Lê Thành Nghị, Vương Trọng, Anh Ngọc, Trung Trung Đỉnh… đến đứng lớp, mà còn cả các nhà văn tên tuổi ở bên ngoài như Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật tới chỉ điểm cho đám “đệ tử” chúng tôi những “tuyệt kĩ” của “kungfu văn chương”. Thế là từ thái độ dè dặt ban đầu, chúng tôi trở nên yêu các thầy, yêu tờ VNQĐ, yêu công việc sáng tác đến say mê lúc nào không biết. Ai cũng muốn có ngay tác phẩm để trình làng. Ban biên tập VNQĐ lại sẵn sàng giơ tay đón đợi để làm sao đưa những tác phẩm non nớt của chúng tôi xuất hiện trên tạp chí một cách nhanh nhất trong cuộc thi quy mô vừa mới khởi động được vài tháng.
Nhưng yêu là một chuyện, còn có được văn chương đáp lại hay không lại là chuyện khác. Rất nhiều tác phẩm bị đổ. Rất nhiều bản thảo bị vo viên, vứt đi. Rất nhiều ý tưởng không thành hình. Rất nhiều đêm thức trắng trở nên vô nghĩa. Rất nhiều học viên của lớp cảm thấy hoang mang. Tôi cũng hào hứng viết và ban đầu chọn viết ngắn, thử sức mình ở một chuyên mục nhỏ xem thế nào. Tôi viết một câu chuyện khoảng ba trang cho chuyên mục “Chuyện tình dưới đáy ba lô”. Tôi còn nhớ chuyện ấy đại loại kể về một anh lính vì muốn có thành tích cho trung đội của mình trong cuộc thi “Môi trường xanh sạch đẹp” của đơn vị mà nửa đêm mò vào nhà người quen “mượn tạm” một chậu bonsai để bày trước doanh trại, sau đó tiểu đoàn xuống chấm điểm, hỏi vặn vài câu thì phát hiện ra đó là đồ đi “mượn” nên đã nhắc nhở, bắt trả lại chậu cây cảnh và xin lỗi chủ nhà dù đó là người quen của anh lính trẻ. Tôi đóng phong bì gửi đích danh nhà văn Khuất Quang Thụy, Trưởng ban Văn xuôi của Tạp chí và nín thở chờ đợi kết quả. Mấy hôm sau nhà văn Khuất Quang Thụy sang đứng lớp. Cả buổi sáng ông nói say sưa về cách thức tổ chức một truyện ngắn như thế nào, xây dựng nhân vật ra sao, giọng văn và không khí của tác phẩm cần được chú trọng tới đâu, vân vân và vân vân. Sau đó, cuối buổi dạy, ông dành khoảng nửa tiếng để nhận xét một số tác phẩm của lớp học. Hóa ra khá nhiều người cũng đã gửi những “chuyện ngắn” của mình tới tay ông. Đến mẩu chuyện của tôi, ông bảo, mỗi truyện phải có một “chi tiết đinh”, viết về người lính mà “chi tiết đinh” lại là hành động “ăn trộm” thì không ổn chút nào. Tôi hiểu thế là cái mẩu viết ngắn của mình đã không thành… văn, dù chỉ để đăng ở một chuyên mục nhỏ.
Đêm đó tôi nghĩ, giờ mình không viết ngắn nữa, mà viết dài xem sao. Lại viết về đề tài khó nhất và cần nhất của cuộc thi, đó là hình ảnh người chiến sĩ hôm nay. Tôi vừa bước ra từ môi trường huấn luyện sĩ quan dự bị trước khi về nhận công tác ở Viện kiểm sát Quân khu, những chuyện về thao trường, còi kẻng, tập tành vẫn tươi ròng trong kí ức. Tôi sẽ viết một câu chuyện về cuộc đời quân ngũ dưới cái nhìn của một anh lính tân binh. Nhưng nếu cứ kể tuần tự thì có vẻ đơn giản quá, cần phải có một hình thức (hay môtip) hấp dẫn để đẩy câu chuyện đi. Trong vô vàn môtip của truyện ngắn, có một môtip rất cổ điển nhưng lại không bao giờ lạc hậu, đó là chuyện kể qua những lá thư. Tôi liền chọn hình thức này. Sẽ có một anh lính viết thư cho cậu bạn thân đang học đại học để kể về cuộc sống quân ngũ, qua những lá thư đó có thể viết đủ mọi thứ, từ hiện tại đến quá khứ, rồi lại từ quá khứ quay về hiện tại tiếp diễn. Cách viết này vừa dễ tự sự lại vừa chủ động chuyển hướng, ngắt dòng, tạo kịch tính, có thể dùng kể, tả, xen kẽ được cả dòng chảy nội tâm lẫn dòng chảy sự kiện. Để cho hình thức của truyện ngắn giống như một bức thư thật, tôi đặt tên truyện là Thư gửi bạn, vào đầu câu có đánh dấu ngoặc kép, kết thúc truyện có thêm một câu: Đọc lá thư này cậu đừng vội hồi âm cho tớ mà hãy chờ ở tớ một dòng địa chỉ mới vào mùa trăng sau… Như thế cho có vẻ chân thật một cách “nghệ thuật”, lại giống với cuộc sống của một anh bộ đội luôn di chuyển theo nhiệm vụ mới nên địa chỉ không ổn định, thường chỉ có thư đi mà chưa có thư lại.
Lại gửi đích danh nhà văn Khuất Quang Thụy. Lần này thì nhanh hơn “điện giật”, sáng gửi thì chiều có người nhắn sang lớp học rằng nhà văn Khuất Quang Thụy muốn mời Tú sang VNQĐ gặp để trao đổi về truyện ngắn.
Đi một mình thì ngại. Tôi đành rủ bạn văn Hồ Kiên Giang nhảy xe bus sang cùng cho có phần tự tin hơn. Từ Gia Lâm sang phố Lý Nam Đế, chúng tôi lò dò đi qua khoảng sân sau tòa nhà cổ rồi bước lên tầng hai của dãy nhà bọc kính nằm khuất bên trong, tìm đến phòng của nhà văn Khuất Quang Thụy. Ông ở lại cơ quan, trong một căn phòng ở đầu hồi, sách vở bừa bộn. Bên chiếc bàn nước nhỏ kê ở góc phòng, ông góp ý ngắn gọn cho truyện ngắn của tôi như sau: Truyện viết tốt, nhưng cần tìm một hình ảnh gì đó mang tính chất biểu trưng để đặt tên truyện. Sau đó ông bảo: “Viết tiếp nhé, có gì cứ kể hết ra”. Tôi ngạc nhiên: “Nghĩa là viết cái nữa ạ?”. Ông lắc đầu, chỉ tay vào bản thảo đang cầm trên tay: “Viết tiếp cái thư này này, viết khi nào hết chuyện lính tráng thì thôi”. Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên: “Thế là thành truyện in hai kì à?”. “Bao nhiêu kì cũng được”, ông nói vậy, rồi có vẻ như thấy tôi hốt hoảng, liền nói lại, “Ba kì được thì tốt, giờ là tháng 11, nếu in kì thứ ba thì vào số tết đấy, nhớ đưa không khí tết ở đơn vị vào”.
Sau buổi gặp đó, tôi hứng khởi phóng bút viết ào ào. Mỗi kì chừng mười trang đánh máy, ba kì là ba mươi trang, chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại viết một cái truyện ngắn dài đến thế, và lại được in ròng rã ba kì trên VNQĐ. Nhiều lúc tôi giật mình thảng thốt, hay nhà văn Khuất Quang Thụy nói bốc lên chứ làm gì có chuyện in cái truyện ngắn ba kì cho một kẻ tập tọng văn chương như tôi trên tờ tạp chí oách vào loại hàng đầu cả nước như thế?
Rồi đến cái tên truyện. Đúng là Thư gửi bạn thì đơn giản và mộc mạc quá. Nhưng biết lấy hình ảnh nào biểu trưng cho nhân vật những người lính của tôi bây giờ? Nhớ lại những ngày huấn luyện sĩ quan dự bị ở Chí Linh, khi hành quân qua những mảng đồi bát úp tôi thường thấy một loài hoa hơi giống hoa bướm, màu đỏ nhạt, lá xanh và cằn, khi dập gãy có mùi hăng hắc. Những giờ tập ngoài thao trường, nhìn thứ hoa dại ấy đung đưa trước gió, thấy lòng thật bâng khuâng khi nghĩ về những ngày tháng học tập nơi giảng đường đại học. Nhiều bạn trong trung đội tôi ngắt những cánh hoa đó ép vào trong thư gửi về cho người yêu ở Hà Nội nhưng không ai biết tên loài hoa đó là gì. Một lần, trên đường hành quân từ trường bắn về doanh trại, đi ngang qua một ngôi nhà dân bên sườn đồi, tôi hỏi một bác nông dân gái rằng hoa đó gọi là hoa gì, bác trả lời bằng tiếng địa phương, rất khó nghe, như là “sắng”, hoặc “đắng”, hoặc “dắng”, hoặc “nhắng” gì đó. Cũng không tiện hỏi lại nữa. Khi ngồi trước bản thảo truyện ngắn viết về những người lính, hình ảnh loài hoa rực lên sắc màu dưới nắng gió thao trường đó lại hiện lên. Trong truyện tôi cũng nhắc đến loài hoa này. Vậy thì nên lấy tên loài hoa này đặt thành tên truyện, sẽ rất có ý nghĩa. Nhưng không thể xác định được tên loài hoa đó, lại nhớ nhà thơ Hoàng Cầm từng sinh ra chiếc lá có tên là “diêu bông”, nghĩa là người viết có thể đặt một cái tên hư cấu cho loài hoa trong tác phẩm của mình, cũng đâu có sao. Tôi liền đặt tên loài hoa đó là hoa “săng đắng”. Và tên truyện ngắn được đổi thành Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng. Vì truyện có ba phần nên mỗi phần có thêm một phụ đề bên dưới, lần lượt từ Lá thư thứ nhất gửi bạn cho đến Lá thư thứ ba gửi bạn thì hết.
Loạt truyện ấy được in ra khi lớp bồi dưỡng sáng tác văn học kết thúc và gây được ấn tượng tốt đối với bạn đọc, sau này nó nằm trong loạt truyện được giải của cuộc thi “Viết cho giao thừa thiên niên kỉ”.
Truyện ngắn Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng còn để lại trong tôi nhiều kỉ niệm nữa, nhưng tôi muốn nhắc lại một câu chuyện cảm động thế này:
Khi viết truyện ngắn đó tôi viết bằng tay, sau đó mang ra ngoài thuê đánh máy chữ, truyện được in xong là không còn bản thảo để lưu nữa, cuốn tạp chí in truyện lâu ngày cũng thất lạc đâu mất. Vì thế, sau này khi in các tuyển truyện ngắn, tôi thường không có file word của truyện để đưa vào tập. Sau khi về VNQĐ công tác, có thể tìm được những số tạp chí in truyện này trong thư viện nhưng vì nó dài quá nên tôi cũng ngại đánh máy lại để lưu vào trong máy tính. Nhiều lúc cũng thấy tiếc khi nó không có mặt trong các tập truyện ngắn của mình. Mười lăm năm sau, qua facebook tôi quen biết một bạn có nickname là Lá Khô, đang đeo quân hàm thượng úy, công tác ở Học viện Kỹ thuật quân sự. Bạn ấy tâm sự với tôi rằng, năm học lớp mười hai bạn ấy được bạn gái tặng cho chùm truyện ngắn Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng photocopy lại từ tạp chí Văn nghệ Quân đội. Nhờ đọc loạt truyện đó mà bạn ấy rất yêu quân đội nên đã thi đỗ vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Ra trường, bạn ấy ở lại trường công tác, và bạn ấy còn đọc đi đọc lại nhiều lần truyện ngắn đó, thậm chí còn đánh máy lại để gửi cho bạn bè học ở nhiều trường khác cùng đọc. Tôi liền hỏi: “Em có thể gửi lại cho anh bản đã đánh máy được không?”. Bạn ấy đồng ý. Và trong dịp kỉ niệm 60 năm Tạp chí Văn nghệ Quân đội ra số đầu tiên (2017), tôi đã có bản word cả ba phần của chùm truyện Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng để gửi cho Ban biên tập làm tuyển Truyện ngắn đạt giải cao 1986-2016.
Đến bây giờ, sau hai mươi mốt năm, nhắc lại sự ra đời của truyện ngắn này, tôi vẫn không hiểu vì sao thời điểm ấy, nhà văn Khuất Quang Thụy lại khuyến khích tôi viết một cái truyện dài như thế, và làm thế nào mà Ban Văn xuôi lại thuyết phục được Ban biên tập cho in một truyện ngắn dài ba kì, một trường hợp mà sau này chưa một lần lặp lại. Và tôi tự trả lời rằng, có lẽ VNQĐ là một tạp chí của người lính, vì thế những tác phẩm viết về người lính luôn là ưu tiên hàng đầu dù đó có là một truyện ngắn “siêu dài” đi chăng nữa!
Nhà văn NGUYỄN ĐÌNH TÚ
Những chàng trai sống cùng hoa săng đắng
(Lá thư thứ nhất gửi bạn)
“Bốn chiếc xe, phải, chỉ có bốn chiếc xe thôi Hòa ạ, bởi vì chiếc thứ năm là chiếc xe của cậu đã vắng chủ nên không thể đồng hành. Tám thằng tụi mình tìm đến nhà hàng Hương Ly, thằng Thắng nó không chịu tổ chức sinh nhật của mình ngoài nơi đó. Cái cách bật sâm banh thiện nghệ của Thắng thì cậu biết rồi đấy. Ga phụt ra theo hình cầu vồng được điều chỉnh bởi ngón tay tạo ra những mạch đưa rượu rải khắp sàn nhà. Hàng nến lập lòe lần lượt bị thổi tắt. Ánh nến thứ 18 loé lên lần cuối ấn định tuổi thằng Thắng là lúc chùm đèn màu bật sáng, tiếng vỗ tay vang lên mở đầu đêm sinh nhật. Những giỏ lan tươi xếp thành hàng trong căn phòng nhỏ. Nhạc karaoke nổi lên đưa mọi người bước vào một cuộc chơi có tiết tấu. Ai cũng thành nghệ sĩ và ai cũng hát thật say sưa vì họ có lí do riêng là hát mừng cho một sự sống hình thành cách đây 18 năm. Ngả nghiêng tiếng cười, trong men rượu, những miếng bánh ga tô 3 màu trượt theo đĩa bay vào những cổ áo sơ mi trắng toát, văng ra xung quanh phòng, rơi thô bạo lên những cánh lan tươi. rượu vẫn bật ra cùng những tiếng vỗ tay tán thưởng. Chỉ có tám thằng chủ chốt, thiếu cậu nữa là đêm vui thành chọn vẹn. Cậu đã may mắn hơn tất cả, được đỗ vào đại học ngay từ năm đầu. Cậu học khoa văn là rất hợp, một đêm sinh nhật như thế này nếu là cậu kể lại thì sẽ hay hơn rất nhiều. Vậy mà tớ lại muốn kể về nó để mở đầu cho bức thư này. Đêm sinh nhật ấy đáng nhớ lắm. Nó là điểm mốc ghi lại trong kí ức. Bởi vì sau đó mấy ngày tớ chính thức lên đường nhập ngũ.
Hòa thân!
Cậu đã rất tha thiết yêu cầu tớ kể lại tất cả những gì diễn ra trong quân ngũ để cậu có vốn sống đưa vào trang viết cho sinh động. Tớ đã định cầm bút mấy lần nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu cả. Hãy nói về cái gọi là tiểu đội nhé. Một tiểu đội có chín người. (Nhóm “Cửu hùng” của chúng mình cũng có chín người và nếu cần chiến đấu cũng chiến đấu ra trò phải không?). Chín con người này được trang bị súng ống, được dạy cách phòng ngự và tấn công, được giáo dục về tinh thần đoàn kết, được học tập và thục luyện một cách bài bản về kiến thức quân sự. Vậy mà tớ đã rất khó khăn để làm quen với tám con người còn lại. Cả tiểu đội chỉ có mình tớ biết nhảy Pop, mình tớ hát được tiếng Anh, mình tớ biết chơi đàn và mình tớ có niềm kiêu hãnh của một đứa con trai phố. Tám đồng chí còn lại là tám trai làng chính cống. Họ vào lính tự nhiên như cậu vào đại học vậy. Bộ quân phục khoác trên người họ vừa khít và đẹp đẽ lạ thường. Tớ cảm thấy lạc lõng giữa không gian đậm đặc tiếng nói cười. Nhưng chỉ ba ngày sau đó tớ nhận ra một điều là khi tất cả cởi trần lao xuống suối tắm, tớ không khác gì họ. Thậm chí còn mặc cảm trước họ về độ vồng của cơ bắp, độ tràn trề về sinh lực, độ rắn rỏi của màu da. Tớ thấy mình nhỏ bé và yếu đuối hơn họ. Nếu con suối rộng hơn chút nữa chắc tớ sẽ không thể bơi được sang bờ bên kia. Đi trong hàng quân dài dằng dặc tớ chẳng còn gì để khẳng định sự vượt trội của mình. Giày khủng bố, quần bò, áo da, dây chuyền nanh hổ, ống phôn và cả những bài hát tiếng Anh chẳng có ý nghĩa gì giữa những vạt đồi nắng sém như thế này. Đất ở đây cằn cỗi, những buổi tập của chúng tớ rất nặng nề và luôn bị chi phối bởi kỉ luật khe khắt. Dọc đường hành quân của chúng tớ hoa săng đắng mọc đầy cản lối toả mùi hương hăng hắc. Loài hoa này lạ lắm. Tên hoa đã nói lên sự tích tụ trong nó những nắng, những gió, những hương vị của một miền đồi núi khắc nghiệt. Nó khó gần như tám chàng trai đồng chí của tớ vậy. Trong số họ có một chàng trai tên Nắng, tớ đã mở được ổ khoá để đi vào thế giới riêng tư của tám con người còn lại từ chàng trai ấy. Nắng, cái tên mộc mạc và ấm nóng quá phải không? Nắng đã đến bên tớ vào một tối thứ bảy. Đó là buổi tối buồn và nhớ nhà kinh khủng. Tớ cầm lên cây đàn và bắt đầu hát. Nắng ngồi lặng bên tớ lúc nào, như một pho tượng đá. Nỗi nhớ nhà chẳng của riêng ai dẫu nhà tớ sáng ánh đèn hay nhà Nắng lầm lũi chìm khuất vào đêm nơi miền quê xa tít. “Mùa gặt này mẹ mình lại vất vả lắm đây, mình đi thế này nhà hoá ra neo người…”. Nắng nói mà ngỡ như một giọng trầm nào đó phát ra từ pho tượng đá. Có gì oà vỡ trong tớ. “Giờ này ở nhà cậu thường làm gì?” - Tớ hỏi Nắng. “Mẹ và em gái mình miễn việc cho mình cả năm qua để mình tập chung ôn thi đại học. Vậy mà mình lại thi trượt. Năm tới mình sẽ cố gắng thi vào trường sĩ quan để mẹ mình đỡ buồn”. “Mấy ngày vừa rồi cậu có mệt lắm không?” - Tớ quay ra tâm sự cùng Nắng. “Mệt chứ! Nhưng trước khi đi bố mình đã nói nhiều về điều này rồi. Giờ này chắc cả nhà đang nhắc đến mình đấy”. Nhóm “Cửu hùng” của chúng mình có lẽ ngay cả trong những đêm say sưa nhất cũng chưa bao giờ có chung một nỗi nhớ. Còn ở đây lúc này Nắng đang im lặng ngồi bên tớ ngắm trời sao. Cây đàn trong tay tớ rung lên những âm thanh giao cảm. Trong phòng có đứa vén màn ló đầu ra. Hình như tớ thấy mình không còn cô đơn nữa.
Hòa thân!
Thành phố nhỏ bé của tụi mình vẫn hối hả những dòng người, ngổn ngang bao toan tính, rực rỡ những sắc màu sơn phết. Tớ nhận ra điều ấy sau gần một tháng xa nhà. Thì ra bàn tay quen chọc bi a và bấm nút trò chơi điện tử cũng hữu dụng khi bóp cò súng. Nắng và tớ được thưởng phép năm ngày vì đạt thành tích bắn giỏi. Nắng về nhà tớ chơi một đêm. Hôm sau cậu ấy đi ngay, mẹ và em gái Nắng đang chờ cậu ấy ở quê nhà. Đêm ở thành phố làm Nắng khó ngủ. Ánh đèn màu gợi trong Nắng nỗi ám ảnh về một khuôn mặt hàng xóm có đôi mắt trong veo, từng hút hồn chàng trai ấy. Đôi mắt ấy bây giờ đã trở nên u ám mệt mọi giữa nhem nhuốc và sắc màu son phấn. “Nhà cô bé ấy nghèo lắm. Thành phố là nơi họ hướng tới để kiếm tìm hi vọng. Con gái trong làng không hẳn bị cám dỗ bởi phồn hoa đâu, họ dấn thân vì sự mưu sinh nhọc nhằn…” - Nắng tâm sự với tớ về cô bạn gái cùng xóm mà như đang cố lí giải một điều gì đó. Cậu có bao giờ nghĩ đến điều này khi bước chân vào một quán karaoke đèn mờ không? Sự vô tâm đối với đồng loại khiến con người không khác gì chiếc xe máy, lăn đi rồi lại lăn về, vẫn nguyên xi một khối sắt lạnh lùng, vô cảm. Lần đầu tiên tớ thấy thói vị kỉ trong mình cần phải được lên án. Lần đầu tiên tớ thấy giận mình khi sống những ngày tháng dễ dãi, buông thả chốn thị thành.
Ngày trở về đơn vị tớ ngồi cùng ghế với một nhà sư. Chiếc xe tồi tàn, xóc gập người khiến tớ mấy lần lao đầu vào chiếc tay nải có mấy cuốn kinh phật. Nhìn ra tớ thấy ông ta còn trẻ lắm. Tớ mạnh dạn hỏi: “Thưa, nhà sư đạt đến hàng gì rồi ạ?”. Ông ta đáp: “Tôi mới đạt đến hàng tì kheo”. Tớ lại hỏi: “Vậy gọi là sư thầy, sư bác hay sư ông?”. Vị ấy bảo: “Sư ông!”. Tớ hỏi thêm: “Sư ông năm nay bao nhiêu tuổi đời và bao nhiêu tuổi phật?”. Sư ông bảo: “Tôi vào chùa năm mười hai tuổi, năm nay đã chọn hai mươi năm tu hành”.
Cậu biết không? Câu chuyện với nhà sư nọ đã làm tớ nảy ra những suy nghĩ rất buồn cười. Tớ liên tưởng đến anh chàng Hợi, hàng xóm của tớ. Nhà Hợi ba đời làm nghề kim hoàn. Hợi béo tốt, da dẻ hồng hào, cổ đeo dây chuyền to như dây xích, ngón tay tú hụ với chiếc nhẫn “Quốc Vương”. Hợi sinh ra và lớn lên trong một điều kiện vật chất đầy đủ và dư thừa. Hợi thích uống bia, lúc nào cũng nhàn nhã, ung dung, tự tại. Hợi giống hệt bố, tuổi còn ít mà đã có xu hướng phát phì. Hợi lấy vợ, một cô vợ múp míp, xinh xắn như búp bê vậy. Cậu con trai Hợi đẹp như một đứa trẻ phương Tây, bụ bẫm, đáng yêu kinh khủng. Hợi thừa hưởng nghề kim hoàn của gia đình truyền lại. Đời người thế là mĩ nhân phải không? Mĩ mãn ngay trong một không gian sống bán kính không quá năm kilômét. Mĩ mãn trong sự thờ ơ với thời cuộc, bàng quan với nghệ thuật, dửng dưng vói thiên tai, hạn hán, lụt lội. Tớ lại quay về với nhà sư nọ. Một cậu bé mười hai tuổi xuống tóc vào chùa có phải là một sự lựa chọn có ý thức? Hay vì người bà chăm kinh kệ, người mẹ đồng bóng duy tâm đã không cho cậu bé đó còn cơ hội nào khác để lựa chọn giữa đạo và đời. Một chiếc kẹo có thể dẫn đứa trẻ con đến với ổ mẹ mìn. Chẳng lẽ vì như thế mà người ta không có quyền trách những mẹ mìn vì đứa trẻ đó đã tự nguyện đi theo tiếng gọi ngọt ngào của chiếc kẹo hay sao? Nhà sư ấy bây giờ đã ba mươi hai tuổi. Ba mươi hai tuổi chắc đã giác ngộ được chân lí của đạo. Ba mươi hai tuổi thì người ta đã yên đường tu, lí giải sự vô nghĩa của đường đời, thong dong đến sự trai tịnh, rộng mở đường thoát giới. Tớ không có gì để nói với một ông sư ba mươi hai tuổi, trọn hai mươi năm tu hành cả. Tớ chỉ muốn nói chuyện với đứa trẻ mười hai tuổi năm xưa thôi. Và cả anh chàng Hợi hàng xóm của tớ nữa. Nhưng họ chẳng đối thoại với tớ đâu. Họ không quen đặt vấn đề vớ vẩn và dở hơi như thế. Suýt chút nữa tớ cũng như họ. Nhóm “Cửu hùng” của chúng mình chẳng đã từng phả khói vào những đôi mắt đòi đặt vấn đề của ai đó trên đường “hành quân” đến các quán karaoke đấy thôi!
Minh họa: Nguyễn Anh Minh
Hòa thân!
Hoa săng đắng mùa này mọc dày, chen kín các lối đi. Đường mòn dẫn ra thao trường vương vãi những mảnh tím, lẩn khuất mùi hương hăng hắc. Điểm cao 74 là nơi chúng tớ phải có mặt trước sáu giờ sáng. Chơ vơ lưng đồi, đội hình của chúng tớ lẫn trong sương, nhoà trong cành lá ngụy trang ngoằn ngoèo tiến lên phía trước. Từ vạt đồi này tớ nhìn thấy thấp thoáng sương khói bay lên từ mấy nóc nhà mái rạ. Người nông dân dậy sớm thế đấy. Họ sẽ vất vả hơn nếu lười nhác. Còn ở thành phố nhỏ bé của chúng mình giờ này thằng Thắng còn đang cuộn tròn trong chăn, miệng ú ớ mê sảng lời thét gào của nhạc Rap. Người thành phố có thể lười nhác nhưng vẫn sống. Ở kí túc xá giờ này liệu cậu có “lười nhác” thế không? Hình như từ “lười nhác” dễ gây phản cảm trong cậu. Chúng mình bây giờ hình như khó quen với sự trách cứ. Cậu sẽ bảo rằng cậu không lười nhác vì đêm qua cậu thức học đến 0 giờ, sáng nay cậu phải ngủ bù. Thằng Thắng cũng bảo nó không lười nhác vì ngày hôm qua nó đã phải làm việc cật lực để cửa hàng nhà nó “đẩy” đi được mươi cái ti vi, dăm video, vài ba cái cái cassette. Ngủ bù! Đó là lí do chính đáng mà không ai có quyền bắt bẻ. Ở đây tớ luôn đối mặt với kỉ luật và ý nghĩ về sự lười nhác luôn được đánh thức trong từng tế bào. Thời gian được chia nhỏ và công việc được lên kế hoạch một cách chi tiết. Một người lính sẽ phải thực sự làm việc từ 5 giờ 15 phút đến 21 giờ 30 phút đêm. Trong khi đó những chàng trai nông dân thường cuốc cày cật lực vào mùa chính vụ, chơi dài trong thời gian nông nhàn. Những thằng con trai phố thì nằm ườn trong chăn chờ chuông gõ bảy tiếng mới dậy đi ăn sáng rồi đủng đỉnh ra quán nước đầu phố ngồi tán gẫu. Bản năng mông muội và sự tự do hoang dã cũng là bản chất của con người. Kỉ luật hạn chế được cái phần chưa tiến hoá kia chăng? Kỉ luật thúc đẩy được con người phát huy được bản chất xã hội - với tư cách là đối lập với bản chất sinh học - chăng? Hiểu ra được điều này quả thật không dễ chút nào. Những ngày đầu huấn luyện, ở tiểu đội tớ có một chuyện rất đáng để suy nghĩ. Oanh là chàng trai nhút nhát ở phòng tớ. Cậu ấy lành như con gái, giọng nói hơi the thé, trong các buổi sinh hoạt tập thể Oanh thường e dè nép mình vào góc khuất. Chính vì thế Oanh thường hay bị mọi người trêu ghẹo, chọc phá. Vừa rồi Oanh về nghỉ tranh thủ và đã không lên đơn vị nữa có thể cậu ấy không chịu nổi gian khổ và môi trường kỉ luật chặt chẽ đã làm cậu ấy sợ. Chúng tớ đều cho là thế và chỉ huy đơn vị cũng nghĩ như vậy (?). Nhưng chỉ mấy hôm sau bố Oanh đã đưa cậu ấy trở lại đơn vị. Trong buổi tối sinh hoạt ngay tối hôm đó trung đội trưởng không hề nói về tinh thần ngại khó của Oanh mà lại kêu gọi tình cảm ấm áp của tập thể dành cho mỗi cá nhân. Thì ra những lời trêu chọc kèm theo những tràng cười vô tâm đã vô tình dựng lên hàng rào tâm lí cản lối Oanh trở lại với đồng đội, làm tổn thương tâm hồn nhạy cảm và yếu đuối của cậu con trai mới lớn lần đầu tiên đến với cuộc sống tập thể. Sau buổi sinh hoạt ấy, cả phòng tớ lặng lẽ chui vào màn ngủ, không còn những lời đùa tếu như mọi hôm nữa. Có lẽ mọi người đang đối diện với chính mình. Tại sao lại trẻ con đến thế? Tại sao cái gọi là tế nhị trong giao tiếp ấy lại phải để nhắc nhở khi mỗi chúng tớ đều đã thực sự là người lớn và đôi khi lại còn tự cho mình là người có học nữa? Oanh nằm giường bên cứ thấy trở mình liên tục. Cậu ấy không ngủ được hay cậu ấy áy náy vì đã làm không khí trong phòng mất tự nhiên? Kể cho cậu nghe chuyện Oanh tớ lại nghĩ đến Sơn, một đồng đội khác của tớ. Cậu biết đấy trong thời gian huấn luyện việc giải quyết cho nghỉ tranh thủ là rất hãn hữu. Nhưng bữa nọ Sơn đem trình cho đơn vị một tờ điện do gia đình đánh lên với nội dung “Về ngay, mẹ ốm phải mổ”. Các cấp chỉ huy hội ý. Đại đội trưởng mọi khi khó tính là thế, vậy mà cầm tờ điện của Sơn, anh đã cố gắng thuyết phục cấp trên để cho Sơn về phép. Việc làm của đại đội trưởng khác hẳn với sự nghiêm khắc hàng ngày, khiến chúng tớ vốn ác cảm với anh cũng cảm thấy xúc động. Tối hôm đó nhìn nét mặt bồn chồn của Sơn, cả phòng đều bày tỏ thái độ đồng cảm, có đứa còn dúi vào tay Sơn tiền để cậu ấy chủ động hơn khi đi tàu xe. Bất giác Sơn bưng mặt khóc hu hu rồi vụt chạy lên nhà đại đội thú nhận. Hoá ra Sơn nhớ nhà quá, đã nghĩ ra cách đánh lừa đơn vị để về thăm mẹ. Như vậy Sơn nào có khác gì Oanh, đằng sau cái sức trai mười tám kia họ cũng có những lúc yếu mềm. Bản thân nỗi nhớ nhà hay sự tự ti không có lỗi nhưng nó lại làm con người ta yếu đuối đi để rồi thấy hối tiếc cho những phút giây nông nổi. Có thể những chuyện trên là bài học đầu tiên mà cuộc sống tập thể dậy tớ chăng? Còn cậu, cuộc sống sinh viên đem lại cho cậu những gì thú vị ngoài vốn tri thức mà cậu thu lượm được ở giảng đường?
Bây giờ thì tớ đã trở lại đơn vị sau năm ngày nghỉ phép. Hoa săng đắng mọc nhiều vô kể. Săng đắng chỉ đẹp khi nó đứng thành vạt tím thẫm cả mảng đồi. Nhựa săng đắng lại có ích cho những vết thương nhỏ trên đường hành quân. Tớ đã có hơn một lần vấp ngã và săng đắng đã hơn một lần cầm máu, sát trùng cho những vết sây sát trên cơ thể của tớ. Nói đến săng đắng tớ lại nghĩ đến những giò lan công nghiệp. Chúng mình thường đi sinh nhật bạn bè bằng những cành hoa phi tự nhiên như thế. Một giò lan được nuôi trồng cực kì cẩn thận. Khi đẻ được mấy nhành hoa thì những con người văn minh ở thành phố lại cấu nó ra, cắm vào những cái lẵng bằng song khô, cho đó là biểu tượng của cái đẹp quý tộc của tình bạn, của những mối quan hệ đang lên men. Tớ đang nói với cậu về cảnh đẹp nơi tớ đóng quân nhưng hình như săng đắng chưa nói lên được điều gì phải không? Tớ định kể tiếp cho cậu nghe về phong cảnh và thời tiết khắc nghiệt ở đây, cả chuyện súng ống và chuyện diễn tập ở thao trường. Nhưng lúc này lá thư viết dở tạm phải gấp lại để theo tớ di chuyển đến một vùng đất mới. Cả đơn vị tớ có nhiệm vụ bảo vệ một khúc đê dài hơn hai mươi cây số. Cậu có hiểu thế nào là vỡ đê và nỗi khủng khiếp do nó gây nên? Nắng đã kể cho tớ nghe chuyện vỡ đê mà nỗi kinh hoàng vẫn còn in đậm cho đến tận ngày hôm nay. Cậu thử hình dung xem cả thành phố của chúng mình bỗng chốc ngập mình trong màn nước mênh mông trắng xoá? Không, ở thành phố thì khó hình dung ra điều đó lắm. Tớ lại nghĩ đến một con quái vật đang tiến vào cửa ô, mỗi bước chân của nó sẽ xoá sổ cả một dãy phố dài. Khi mà đài phát thanh báo động đến từng nhà điều khủng khiếp ấy thì những người như anh chàng Hợi hàng xóm của tớ sẽ làm gì nhỉ? Làng quê của Nắng không chỉ một lần thuỷ thần lướt bước chân của mình tới. Trên những đoạn đê ngắn chen chúc người già, trẻ em. Nháo nhác trong đêm là tiếng mẹ gọi con, tiếng bò rống, tiếng trâu thở. Một vài đống lửa được đốt lên bập bùng le lói. Có một đứa trẻ lạc mẹ, mất nhà ngủ quên bên đống lửa đốt trên mặt đê, lăn lóc giấc mơ đen với tiếng nước réo hãi hùng. Đứa trẻ ấy là Nắng. Bây giờ tớ và Nắng phải làm tất cả để những đứa trẻ trong làng quê yên bình kia không phải trải qua nỗi khiếp đảm bởi cơn cuồng điên của nước. Hàng ngàn chiếc bao dứa được may nối thành những chiếc túi dài chứa đầy đá. Tre trong làng bị hạ gần hết, những người lính trẻ chúng tớ có nhiệm vụ kè đê, ngăn chặn dòng nước đang cuộn dâng. Tiếng loa vẫn phát đi những tin tức đáng lo ngại, mực nước đã lên tới cấp ba, những người nông dân trong làng bắt đầu rục rịch di chuyển. Cậu có biết thế nào là mạch sủi không? Nước thẩm thấu qua chân đê, sủi lên mặt đất, có những mạch sủi sâu trong đất liền hàng trăm mét. Chúng tớ phải kè đá, đắp đất xung quanh những mạch sủi ấy, khi mạch nước trong là an toàn, còn mạch nước đục là nguy cơ vỡ đê vẫn còn đe doạ…
Hòa thân!
Tớ biết cậu đã đoạt giải văn chương ở Thủ đô. Cậu là một người có tài năng. Thư cậu lá nào cũng khiêm tốn, tự nhận là chưa được sống hết mình nên trang viết nào cũng hời hợt, trống rỗng. Tớ không có tham vọng cung cấp cho cậu một vốn sống, nhưng tớ sẽ có gắng kể một cách chân thực những gì mà một người lính như tớ đã trải qua. Nước sông đêm nay vẫn ở tình trạng báo động cấp ba. Biết ngày mai nước có rút đi không và trang thư này liệu đến bao giờ mới tới được tay cậu? Nắng vừa báo cho tớ biết tin tình trạng khúc đê phía trên đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Thế này thì chỉ lát nữa thôi đơn vị tớ sẽ được triệu tập để tăng cường cho phía ấy. Phía trong chân đê vẫn tiếp tục những mạch sủi đục. Tớ phải dừng thư ở đây dẫu chưa nói được điều gì về người lính. Có lẽ người lính thời bình đơn giản quá chăng? Tiếng còi đã thổi lên rồi, ngay lập tức tớ phải có mặt ở đội hình để đến nơi không bình yên. Hi vọng ngày mai con nước kia sẽ rút êm, dòng sông sẽ trở về với sự hiền hoà vốn có và tớ lại tiếp tục kể cho cậu nghe câu chuyện về những chàng trai sống cùng hoa săng đắng...”
N.Đ.T
VNQD