TRÒ CHUYỆN THÁNG 9
Hoàng Đăng Khoa
Nhà văn Tạ Duy Anh
Nông thôn là đề tài quá đỗi thân thuộc thuận tay đối với đa phần nhà văn Việt Nam, làm nên thành tựu bản sắc của văn học Việt Nam. Tuy nhiên và tất nhiên, đề tài này vẫn còn nhiều vỉa tầng chưa được khai thông, đặc biệt là ở phạm vi làng Việt thời hội nhập. Nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của những truyện ngắn đặc sắc về nông thôn như Xưa kia chị đẹp nhất làng, Lũ vịt giời, Bước qua lời nguyền… đã có những chia sẻ thẳng và sâu với VNQĐ một vài câu chuyện xung quanh nông thôn Việt Nam và văn học Việt Nam. Trước tác của ông, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết đến bình luận xã hội, đều giàu hàm lượng tính cảnh tỉnh và dự báo. Và ông “vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy”...
- Ông có thể chia sẻ một vài suy tư khi quan sát làng quê hiện nay?
+ Trước kia mỗi làng là một lãnh thổ riêng về địa lí, lề luật, lối sống. Ra khỏi làng là sang một không gian văn hóa, không gian kinh tế, không gian sống khác. Chính sách bế quan tỏa cảng thời phong kiến, chính sách ngăn sông cấm chợ thời bao cấp khiến làng không chỉ là đơn vị tụ cư nhỏ nhất, mà còn là một đơn vị kinh tế riêng biệt. Hai làng cạnh nhau nhưng cuộc sống hoàn toàn khác nhau là chuyện bình thường.
Nhưng giờ đây khi làng mở rộng ra cả quốc gia, khái niệm “không gian làng” xưa kia chả còn chút ý nghĩa gì. Công nghệ thông tin đã xóa bỏ mọi lũy tre kiên cố nhất chỉ bằng một cú bấm bàn phím hoặc nhấp chuột. Không còn bất cứ thứ gì là “của làng”. Thì lại chính là lúc, ra khỏi nhà là gặp một không gian khác mà mình hoàn toàn xa lạ. Làng bị xé vụn thành những mảnh nhỏ, mỗi mảnh là một kí hiệu phải giải mã. Thứ được coi là tình làng nghĩa xóm bỗng thành một thứ phiền toái, làm mất đi tính riêng tư.
Khi những cơn đói vàng mắt bao phủ lên khắp mọi ngõ ngách của làng quê Việt, nỗi sợ lớn nhất là bị làng bỏ quên, lìa xa hoặc ruồng rẫy. Giờ đây, khi cơm áo có phần đủ đầy, nhiều nơi thịt cá có trên mâm cơm ngày ngày, thì nỗi sợ lớn nhất nhiều khi lại là cứ phải gặp người làng, cứ phải trả lời những câu hỏi thăm của họ. Sự quan tâm biến tướng, hoặc méo mó, thành một kiểu thóc mách.
Khi cả làng chỉ có vài nóc nhà ngói, ai cũng thèm một nếp nhà mái bằng. Giờ đây, nhà nhà đổ mái bằng thì lại thấy nhớ thương một thời mái tranh rơm rạ, nhớ thương mái ngói đẹp như tranh vẽ, nhớ thương những cái ao vuông vắn như những chiếc gương giờ còn là vũng nước chỉ đủ cho cá cóc làm tổ… Thoát đói, thoát rét, thoát mê đụp… thì lại gặp sự kệch cỡm, xấu xí đến dị hình dị dạng.
Đồng ruộng một thời sinh lợi ít nhưng cũng vì thế mà thơm tho, an lành, phì nhiêu. Còn giờ đây phân và thuốc hóa học khiến thóc lúa ê hề thì đất đai, nguồn nước, không khí… thảy đều nhiễm độc và cằn cỗi hóa mỗi ngày.
Thứ từng được xem như biểu tượng của văn minh, tiện lợi, phát triển… là đồ nhựa, đồ ăn sẵn, hàng sản xuất cả loạt… thì giờ đây lại đích thị là cội nguồn của hiểm họa khôn lường và không có hồi kết.
Nghịch lí của phát triển này có phải là một thứ định mệnh và có thể thoát khỏi nó bằng cách nào? Nghèo đói, thiếu thốn đáng sợ hay sự lạnh lùng, vô cảm, thói ích kỉ, sự độc ác… đáng sợ? Giải pháp nào để xóa bỏ cái nghịch lí nhân tạo đó? Tương lai của làng Việt sẽ thế nào và về đâu?... Đó chính là những câu hỏi không chỉ ở quy mô làng, mà luôn đặt ra ở tầm quốc gia, thậm chí quốc tế, bởi chẳng có thứ gì còn là riêng biệt, kể cả mây trên trời, nước dưới biển, không khí ngoài vũ trụ. Làng Việt đang đau ốm, biến dạng, thậm chí hấp hối về mặt tinh thần là điều có thật. Và cuối cùng nên nhớ, cái nghịch lí của phát triển vừa nêu chính là một thứ bệnh hiểm nghèo, gây ra bởi chính con người.
Nếu các nhà văn đi sâu vào khía cạnh này, tôi nghĩ, ít nhất cũng đưa ra được một gợi ý lớn cho xã hội, về việc phải cư xử với không gian sống truyền thống như thế nào, phải dung hòa ra sao giữa kinh tế và các giá trị văn hóa, phải làm gì để có cuộc sống yên bình…
- Điều ông vừa chia sẻ khiến tôi cùng lúc nhớ đến tên tập tiểu luận, tản văn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Có một kẻ rời bỏ thành phố, và tên cuốn bình luận xã hội của ông - Làng quê đang biến mất. “Rời bỏ thành phố” để/thì đi về đâu, khi mà “làng quê đang biến mất”, thưa ông?
+ Đó đều là những tiếng kêu cảnh báo, rằng không gian sống, không gian văn hóa của chúng ta đang thu nhỏ lại, đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đang dần biến mất. Đôi khi rời bỏ nơi này khi chưa biết nơi đến, đôi khi làng quê còn xác mà không còn hồn, đôi khi lạc lõng, tha hương ngay chính trên những con đường quen thuộc… Những bi kịch như vậy đang diễn ra, ngày một thê thảm. Nó còn hơn cả một cuộc khủng hoảng, nó có nguy cơ đẩy tất cả vào con đường cụt, nếu chúng ta không hành động quyết liệt và có trách nhiệm. Tiếng nói của nhà văn cũng là tiếng kêu cứu, về một thiên nhiên đang bị làm cho lụi tàn.
- Liên quan đến bi kịch “làng quê đang biến mất”, trong truyện ngắn Gia tộc ăn đất in trong tập truyện cùng tên - tác phẩm đoạt giải Văn học tuổi 20 lần V, nhà văn trẻ người Cà Mau Lê Minh Nhựt để cho nhân vật của mình khẳng quyết: “Nông dân mà không còn đất đai, ruộng vườn thì còn gì là nông dân”. Tôi nghĩ, công cuộc đô thị hoá, công nghiệp hoá, nếu như thực sự vị nhân sinh, là một bước tiến văn minh; con người ta có thể thay đổi nghề nghiệp, danh xưng của mình, miễn là họ được bình ổn để sống tự nhiên hài hoà. Ông nghĩ sao?
+ Đô thị hóa, tiến lên văn minh không có nghĩa là sẽ không còn nghề nông. Nghề nông song hành mãi mãi với những thứ đó. Nghề nông sẽ còn chừng nào con người còn cần lương thực, thực phẩm. Người nông dân có thể làm nông nghiệp trong điều kiện khác, ví dụ bằng các phương tiện cơ giới hóa, bằng tư duy công nghiệp, bằng công nghệ điện tử, chứ không bao giờ hết cảnh cấy trồng. Nhân loại không cấy trồng nữa tức là sắp tuyệt chủng! Vì thế, đất để cấy trồng luôn là loại đất đặc biệt. Tùy theo nhu cầu của từng quốc gia, mà họ sẽ quy hoạch số diện tích cần thiết. Khi đã quy hoạch rồi, thì tuyệt đối phải bảo tồn về mặt diện tích và độ phì nhiêu của số đất ấy. Các nước công nghiệp hàng đầu đều làm thế, huống hồ một nước nông nghiệp như chúng ta. Tôi được biết ở Pháp, việc chuyển đổi vài trăm mét vuông từ nông nghiệp sang công nghiệp, nếu ở địa phận thành phố Paris, phải là quyết định của tổng thống. Nhiều nước quản lí đất nông nghiệp như quản lí một tài nguyên quý hiếm không có khả năng tái tạo, nghĩa là rất nghiêm ngặt. Vì thế, đến tận cùng vấn đề thì câu của Minh Nhựt là tuyệt đối chính xác. Chúng ta có nghĩa vụ phải rạch ròi giữa việc người nông dân có thể chuyển đổi nghề khi vùng quê của họ, ruộng vườn của họ biến thành đô thị, với việc canh tác là thứ công việc bất di bất dịch, trừ phi con người mang được bánh mì, sữa đường, thịt cá, rau quả… về từ hành tinh khác!
Khi đọc báo, người ta tiếp nhận thông tin là chủ yếu, còn khi, vẫn sự kiện ấy, nhưng được nghệ thuật hóa (qua sáng tạo của nhà văn) thì nó tác động đến toàn bộ tâm hồn người đọc, làm sinh sôi ở họ những giá trị nhân bản, khiến họ phải suy ngẫm không chỉ về sự kiện ấy, mà còn về vô số thứ khác tưởng chẳng liên quan gì. (Nhà văn TẠ DUY ANH) |
- Có người cho rằng, nông thôn và chiến tranh là hai mảng đề tài chủ đạo, làm nên thành tựu chính của văn học Việt Nam hiện đại. Tôi lại thấy rằng, những tác phẩm đáng kể nhất về đề tài chiến tranh hầu như đều lấy nông thôn làm không gian nghệ thuật. Có nghĩa là, viết về nông thôn là thế mạnh, là sở trường, là một thôi thúc tự thân tự nhiên của nhà văn Việt Nam, vì họ đa phần sinh ra từ làng, ra đi từ làng. Ông có thấy thế không?
+ Chúng ta chưa thật sự có một nền văn hóa đô thị, như các nước đi trước chúng ta vài trăm năm. Người phố, nhưng tâm tính thì vẫn nặng phần nhà quê. Có lẽ vì lịch sử hình thành đô thị ở Việt Nam là một hành trình tiểu thương hóa theo kiểu giọt dầu loang (trừ một chút can dự từ yếu tố ngoại bang). Vì nhiều lí do lịch sử và có thể cả thói xấu kì thị với các yếu tố không hợp khuôn, chúng ta chưa kịp tạo ra một tầng lớp quý tộc về văn hóa, với tư cách là cột trụ cho những giá trị thẩm mĩ và lối sống trong môi trường hoàn toàn vắng bóng những quy định của hương ước.
Trong suốt lịch sử chiến trận của người Việt, người lính trước hết là nông dân. Những nhà văn trưởng thành từ môi trường lính cũng vốn là nông dân. Những phẩm chất của họ, như thói quen chịu khổ, gan dạ, coi thường cái chết, thói dễ dãi trong sinh hoạt, khả năng thích nghi cao khi môi trường sống thay đổi… là những phẩm chất nổi trội. Vì thế, văn học về chiến tranh thực chất là thứ văn học viết về người lính nông dân, người nông dân cầm súng, mặc quân phục. Nói thẳng ra, các nhà văn Việt Nam có muốn viết khác về chiến tranh cũng không hề dễ dàng. Vì các cụ đã nói, phải có bột mới gột nên hồ.
- W.Goethe từng nói: “Thiên nhiên là một cuốn sách duy nhất mà mỗi trang của nó đều chứa đựng một nội dung sâu sắc”. Còn Knut Hamsun - nhà văn Na Uy, trong Phúc lành của đất - cuốn tiểu thuyết đã giúp ông sở hữu giải Nobel văn học năm 1920 nói, những gì thuộc về thiên nhiên, đất đai, nông thôn thì “đó không phải là sự nghèo nàn, mà là nằm ngoài mọi sự đo lường”. Ông bình luận gì về những phát biểu này?
+ Tiện thể tôi muốn lan man một chút về chuyện này, trước khi trả lời vào câu hỏi.
Nhân việc một công ti sách tái bản những tác phẩm được phong lên hàng danh tác, do tôi biên tập nên có điều kiện đọc lại hầu hết những cuốn sách ấy. Tôi phát hiện ra rằng thứ hấp dẫn trong chín mươi phần trăm số sách đó là những mô tả đời sống xã hội, chỉ có mười phần trăm lôi cuốn bằng nghệ thuật. Chúng ta đọc vì hiếu kì về thời chúng ta không biết, hơn là để học kinh nghiệm viết lách hay cảm thụ vẻ đẹp hoặc hấp thụ tư tưởng nào đó. Thậm chí tôi phát hiện ra nhiều bậc tiền bối cũng viết rất ẩu, viết vội, thậm chí dung tục. Chẳng hạn có cụ rất thích chí khi so sánh món ăn nào đó với da thịt của con gái đồng trinh! Cái ngon trong các món ăn của Vũ Bằng, của Nguyễn Tuân không ngon như ta vẫn bị huyễn hoặc bởi người khác, bởi các nhà phê bình. Chữ nghĩa các cụ không tinh tuyền, thần diệu như ta vẫn nghĩ. Nhưng vì các cụ là quá khứ, là người không còn hiện lên hàng ngày trước mắt chúng ta, vì thế mọi thứ thuộc về các cụ đều tuyệt hảo.
Khi đã được công nhận là thiên tài, đã đoạt giải Nobel thì người đó nói gì cũng được coi là đúng, là chân lí, là kinh điển. Đó vừa là thực tế thú vị nhưng cũng phản ánh thói quen sẵn sàng quy phục của phần đông chúng ta.
Với tôi, bất cứ ai sinh ra và lớn lên, gắn bó với nông thôn mà lại có đời sống sâu sắc một chút cũng thấy những nhận xét như trên của W.Goethe hay của Knut Hamsun không sai nhưng… chẳng có gì mới!
- Trong truyện ngắn Thương nhớ đồng quê, nhân vật của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “Đồng quê tôi vô danh”. Ở đâu đấy người ta lại nói, so với đô thị thì đồng quê muôn đời muôn nơi đa phần là vô danh, chỉ một ít là trở nên hữu danh nhờ tác phẩm văn học nghệ thuật…
+ Những chủ nhân lâu đời, đích thực của đồng quê thì họ không đồng ý với những cách nói trên. Chúng ta quen sống và phán xét một cách kẻ cả, vì thế mới quy tuốt mọi thứ theo quan sát của mình. Khi anh Thiệp viết thế, có hai khả năng. Thứ nhất, anh muốn mượn lời nhân vật để nói đến một vùng quê cụ thể trong kí ức anh (“đồng quê tôi…”). Và thứ hai, là một kiểu tu từ, ám chỉ đến một không gian rộng lớn hơn. Thậm chí có thể cái không gian đó không hẳn là không gian vật lí. Văn học bí ẩn và thú vị ở chỗ ấy. Bản thân “đồng quê” là danh từ, nhưng cũng là thuật ngữ chỉ một vùng địa lí, một vùng sinh thái, một vùng văn hóa, một vùng kí ức vừa hiện thực, vừa ước lệ. Nhưng nó không thể vô danh. Nó chỉ vô danh với người này người kia, chứ không thể với tất cả. Nhà thơ Nga S.A.Yesenin coi đồng quê là nơi mà ếch nhái có thể đồng ca thâu đêm, là nơi mà bất cứ đâu cũng gặp những cánh đồng hoa đa sắc. Đó không chỉ là tưởng tượng của nhà thơ, đó là đời sống thật mà ông đã trải qua, đã thành kí ức, góp thành tiếng nói tâm hồn ông. Với tôi, cái làng Đồng luôn xuất hiện trong các tác phẩm của mình, vừa có thật, vừa do tưởng tượng, là toàn bộ thế giới của tôi.
- Cũng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, trong truyện ngắn Những bài học nông thôn, đã để cho nhân vật của mình phát biểu: “Tôi thấy buồn vì văn học của ta ít giá trị thật. Nó thiếu tín ngưỡng và thẩm mĩ thực”. Về “thẩm mĩ thực”, có vẻ như “những bài học nông thôn” vô cùng hữu ích mà văn học của ta ít khi chịu “học”, đó là văn hoá trào tiếu dân gian và ngôn ngữ sinh hoạt, khả năng nói tục của thôn dân. Điều này khiến văn học (viết) của ta hơi bị nghiêm trang nghiêm túc nghiêm chỉnh nghiêm ngắn, ít tiếng cười và không nhiều chất đời sống; ngôn từ, nhất là lời thoại của nhân vật ít tự nhiên…
+ Lời than của anh Thiệp đúng cho cả những thế hệ sau, vì đã có người nói nội dung tương tự anh Thiệp hàng trăm năm trước. Ý tôi muốn nói, chuyện đó là chuyện muôn thuở. Và không chỉ ở Việt Nam. Ngay giữa thế kỉ XIX, một nhà văn Nga từng than với đồng nghiệp là chúng ta không có tác phẩm lớn. Giờ thì ta biết, thế kỉ XIX, nước Nga không chỉ có tác phẩm lớn, mà có rất nhiều và toàn ở mức khổng lồ. Nhà văn chân chính phải dám nói những câu có thể gây mất lòng như vậy.
Theo tôi, mỗi thời đại cần một thứ tiếng nói, một thái độ. Văn học nhà thờ, văn học hướng thượng lấy sự nghiêm trang làm tiêu chuẩn thẩm mĩ. Nhưng một xã hội muốn lột xác, muốn thay đổi, thì tiếng nói ấy phải mang tính tống cựu nghinh tân. Mà làm được điều đó, chỉ có tiếng cười. Karl Marx nói rất hay về chuyện này. Ông ấy bảo, đại ý, chỉ có tiếng cười mới đủ sức tống tiễn quá khứ một cách vui vẻ.
Nhưng tiếng cười mang tính thẩm mĩ nghệ thuật, tiếng cười đạt đến trình độ hài khác với tiếng cười chỉ để thỏa mãn nhu cầu xả stress. Xả stress thì chỉ cần văng tục là xong. Nhưng cười nhằm làm cho cái xấu, cái nhếch nhác nhảy múa, để cuối cùng chúng phát điên và tự nhảy vào lửa, nhảy xuống hố, vui vẻ biến mất… thì khó lắm, phải là nhà văn có tài lớn mới cười được kiểu ấy. Cervantes, Gogol, Lỗ Tấn, Rabelais, Voltaire, Vũ Trọng Phụng, Molière, Nam Cao, Aziz Nesin, Tú Xương… là những người như vậy. Họ đều xuất hiện vào thời điểm bản lề khi xã hội cũ chuyển sang xã hội mới.
Văng tục mang tính bản năng thuộc về thói quen sinh hoạt cá nhân, trong khi trào tiếu, dù dân gian hay bác học, là một giá trị văn hoá thẩm mĩ kết tinh lại qua thời gian.
- Nhiều người lại kêu là cuốn Mối Chúa của ông chất đời sống nhiều quá, chất tục nhiều quá, choán hết cả chất thẩm mĩ, chất nghệ thuật tiểu thuyết. Ông phản biện thế nào về lập luận này?
+ Tôi đón nhận điều này một cách thú vị. Nó cho thấy, nhà văn đừng bao giờ mong làm thỏa mãn tất cả. Thậm chí một nhà văn như vậy thì không cần phải có anh ta.
Tôi từng nói, một câu văn nghệ thuật khác một câu văn tường thuật mang tính báo chí đôi khi chỉ ở đúng một cái dấu phẩy. Bạn thấy bông hoa hướng dương được vẽ lại y như thật khác với chính bông hoa hướng dương ấy khi còn trên cành ở chỗ nào? Là người viết, không bao giờ tôi tranh luận với độc giả. Có những thứ bạn đọc không hiểu, không có nghĩa là họ sai, mà có thể do nhà văn chưa tìm thấy độc giả của mình.
Giả sử trong Chiến tranh và hoà bình, khi vị nguyên soái Koutouzov trong cuộc duyệt binh chiến thắng dùng những từ lịch sự lên án quân Pháp xâm lược nước Nga, mà không phải là câu chửi tục hết cỡ vẫn còn gây tranh luận, thì có lẽ chúng ta đã không nhớ Koutouzov và L.N.Tolstoy đến thế. Một câu văn không có yếu tố tục nào vẫn cực kì dung tục và ngược lại. Vậy là tục hay không tục nhiều khi hoàn toàn do người đọc.
Trong phạm vi vấn đề đang trao đổi, tiện thể tôi muốn nói thêm thế này. Nhiều nhà văn của ta đọc nhau cốt để tìm ra chỗ có thể chê bôi, vì thế họ thường đọc ẩu, đọc lướt, đọc trong sự đố kị. Tôi từng thấy khá nhiều người, khi chê cuốn sách nào đó, rất hãnh diện bảo, tôi chỉ đọc vài chục trang là ném vào sọt rác (đồng nghĩa với cuốn sách đó chả ra gì), và người khác vồ ngay lấy như mình đã tìm được kẻ có cùng quan điểm. Không biết từ bao giờ chúng ta lại trở nên thảm hại và bé mọn như vậy?
Tôi đọc của Diêm Liên Khoa bốn cuốn, đọc biên tập, nghĩa là soi từng từ. Không phải cuốn nào cũng hay. Nhưng tôi không bàn chuyện đó, mà muốn nói, nếu ai đó ở Việt Nam viết như Diêm Liên Khoa sẽ bị quy cho tội bịa tạc, thiếu thực tế, nặn ra những vụ việc sống sượng, đời sống đã bị tác giả chiếu qua lăng kính có phần bệnh hoạn. Làm gì có chuyện đang đi làm cũng ngả ra giữa bãi cỏ để bán máu, y như vắt sữa dê (tức là người mua máu mỗi khi đi cày cũng mang sẵn dụng cụ lấy máu, đồ chứa máu)? Đã thế về nhà còn hòa thêm bia vào cho máu có bọt, bắt mắt hơn. Đã thế máu người đựng trong chậu như đựng tiết lợn, vứt bừa bãi ở khu nhà vệ sinh đầy ruồi. Họ, cả nhà văn và bạn đọc bình thường, sẽ hỏi (tất nhiên chỉ hỏi nhà văn Việt Nam) là máu đó thì để làm gì, bán cho ai, cơ quan nào cho phép… Và họ kết tội ông nhà văn (tất nhiên người Việt) bịa quá đáng, bôi đen quá độ, bệnh hoạn về cách nhìn cuộc sống. Nhẹ hơn thì họ chê là viết hiện thực quá… Còn với Diêm Liên Khoa, vì ông là người Trung Quốc, nên “viết được như ông phải có tài năng lớn và bản lĩnh cao cường”! Vì Diêm Liên Khoa đã được giải văn học Kafka nên ông có quyền để cho người chết kể chuyện, có quyền dựng nên một cuộc tình mà để ngủ với nhau, đôi tình nhân phải đào một đường hầm hàng trăm mét từ nhà này đến nhà kia. Đào thế nào, đào bằng gì, chả lẽ cả làng đông nhung nhúc thế mà không ai biết, chả lẽ dễ như kẻ một đường thẳng bằng vôi? Vì là Diêm Liên Khoa nên các độc giả Việt Nam, rất nhiều người đọc qua quýt, chỉ còn biết trầm trồ khen ông viết thế mới là viết! Giả sử trước khi mọi người biết là của Diêm Liên Khoa, lấy nội dung Đinh Trang mộng, hay Kiên ngạnh như thủy gắn vào một cái tên Việt, tôi tin sẽ tạo ra một cơn lũ quét chửi bới, thay vì những lời khen tràn ngập, của cả người chưa hề đọc, dành cho Diêm Liên Khoa như hiện nay. Chúng ta còn lâu mới trưởng thành, đủ để độc lập suy nghĩ hoặc biết tôn nhau lên.
- Mới đây, tại một sự kiện văn chương, nhà thơ Trần Đăng Khoa một lần nữa khẳng quyết cái điều mà nhiều người đã khẳng quyết, rằng nhà văn Tạ Duy Anh vẫn chưa thể “bước qua lời nguyền”. Cảm giác của ông thế nào mỗi khi nghe câu này? Ông có cho truyện ngắn Bước qua lời nguyền là đỉnh cao văn nghiệp của mình không?
+ Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng “yêu” tôi đến mức khẳng định rằng, nếu chọn năm truyện ngắn hay nhất của Việt Nam từ xưa đến nay, thì phải có Bước qua lời nguyền. Tôi không bình luận gì. Nhưng tôi biết có nhiều người không tán thành với Trần Đăng Khoa. Lần này, bằng phát biểu mới nhất của ông nhà thơ thần đồng, tôi cũng không có ý kiến gì. Nhưng ngay trong khán phòng hôm ấy đã có một số người không tán thành với Trần Đăng Khoa. Tất cả đều là ý kiến của bạn đọc. Từ lâu tôi đã nhường toàn quyền cho độc giả trong việc đánh giá tác phẩm của mình. Chê hay khen là quyền tối cao, bất khả xâm phạm của họ. Tôi cũng toàn quyền trong việc có nghe hay không. Tuy nhiên tôi nghĩ, ấn tượng luôn có yếu tố chủ quan. Tôi vừa ngồi trà đàm với một cao nhân. Loại trà chúng tôi uống có giá tới sáu triệu một kilôgam. Nhưng ông bạn cao nhân kia nhất nhất khẳng định, hương vị không vượt qua được trà gói nhãn Hồng Đào giá năm hào thời bao cấp. Chúng ta không thể phán xét cảm giác của người khác. Nếu có ý kiến gì, thì tôi chỉ nói: Không dễ để so sánh giữa một truyện ngắn chưa đến mười ngàn chữ, với một tiểu thuyết hơn một trăm ngàn chữ. Có một sự thật là truyện ngắn, vì dung lượng bé, nên dễ kiểm soát, dễ nhớ nội dung truyện, dễ ấn tượng, trong khi tiểu thuyết, với ma trận các tuyến nhân vật, nhiều khi người đọc phải tham gia đồng sáng tác, sáng tác tiếp, không dễ để có thể nhận ra hay dở trong chốc lát.
- V.Korolenko - một nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động nhân quyền và nhân đạo người gốc Ukraine và Ba Lan từng nói: “Có thể đánh giá tình trạng một xã hội thông qua văn học, cũng như đánh giá sức vóc của một con người khỏe hay yếu qua dáng đi của họ”. Nếu ông đồng tình với phát biểu này thì ông có thể đưa ra đánh giá của mình, về tình trạng xã hội ta, thông qua văn học hiện thời của ta?
+ Trước hết, chúng ta phải hỏi: Văn học của chúng ta liệu có giúp gì cho việc đánh giá tình trạng xã hội ta hiện nay? Tôi không thấy bất cứ hi vọng nào trong chuyện này, thông qua việc đọc các sáng tác. Chịu khó tìm kiếm thì vẫn có, nhưng nó mới chỉ là nỗ lực nhỏ lẻ của từng cá nhân. Mà họ cũng rất chật vật, bị dị nghị, bị bài xích bằng đủ thứ hình thức.
Nhà văn hiện tồn là để cảnh tỉnh nhân loại và báo trước những tai họa. Tôi vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy
-------
Chân dung nhà văn Tạ Duy Anh được sử dụng trong bài là do họa sĩ Doãn Hoàng Kiên kí họa.
VNQD