Dino Buzzati: Bậc thầy của tiểu thuyết siêu thực

Thứ Hai, 28/07/2025 09:19

Những tác phẩm hay nhất của Dino Buzzati thường cho thấy màu sắc tương đồng với nhiều sáng tạo của các nhà văn như Franz Kafka, Albert Camus và Italo Calvino. Điều đặc biệt là Buzzati vừa trở lại thế giới nói tiếng Anh với nhiều ấn phẩm ở đa dạng thể loại. Như vậy sau rất nhiều năm, tác giả nổi bật của văn chương Ý đã có cơ hội “bước ra thế giới”.

Trong đời sống của văn chương dịch tại thị trường Mĩ, các nhà phê bình, học giả lẫn độc giả thường dành sự chú ý cho một vài nhà văn nổi tiếng của một ngôn ngữ nhất định, tại một thời điểm xác định. Đơn cử nhắc đến nước Ý, những yếu nhân ngay lập tức xuất hiện là Luigi Pirandello (Đi tìm nhân dạng...), Alberto Moravia (Hai người đàn bà...), Italo Calvino (Tổ tiên của chúng ta, Những thành phố vô hình...), Umberto Eco (Tên của đóa hồng, Số 0...) và Elena Ferrante (Người bạn phi thường...). Trong khi đó, những người nổi tiếng cùng thời khác lại hiếm khi được biết đến. Và Dino Buzzati (1906-1972) là một trong số đó. Hẳn nhiên, điều này cũng còn phụ thuộc vào việc chuyển ngữ.

Nhà văn người Ý Dino Buzzati.

Dẫu vậy không phải không có người quan tâm đến nhà văn này trong giới xuất bản tiếng Anh. Theo đó, tiểu thuyết Il Deserto dei Tartari (tựa Việt: Hoang mạc Tartar) ra mắt năm 1940 của ông đã được Stuart C. Hood dịch sang tiếng Anh và xuất bản với tựa đề The Tartar Steppe ngay từ rất sớm. Ấn phẩm này cũng được giới thiệu trên các tờ báo lớn. Vào những năm 1980, Nhà xuất bản North Point cũng ra mắt tuyển tập truyện ngắn tuyệt vời của nhà văn do Lawrence Venuti tuyển chọn. Tuy nhiên, cho đến gần đây, di sản của Buzzati trong thế giới nói tiếng Anh vẫn còn rời rạc, hầu như là không đáng kể.

Vì vậy, mới đây, việc xuất bản tác phẩm của Buzzati tại Mĩ bởi New York Review Books - đơn vị đã tập hợp 5 đầu sách cho bộ Classics - là rất đáng chú ý. Trong số này có 3 tiểu thuyết The Singularity (1960), A Love Affair (1963) và The Tartar Steppe (được dịch lại dưới tựa đề The Stronghold). Ngoài ra Poem Strip (1969) - một tiểu thuyết đồ họa cũng sẽ được ra mắt vào mùa thu này.

Không dừng ở đây, vào đầu năm 2025, Venuti cũng đã tuyển chọn truyện ngắn của Buzzati để giới thiệu với độc giả. Cuốn này mang tên The Bewitched Bourgeois: Fifty Stories khảo sát theo trình tự thời gian, chọn lọc những truyện hay nhất từ hàng trăm truyện ngắn được xuất bản trong suốt cuộc đời tác giả. Tuy vậy thì những nỗ lực trên chưa hoàn toàn bao quát được toàn bộ sự nghiệp của Buzzati khi chúng còn bao gồm sách thiếu nhi, thơ ca, du kí, báo chí và những bức vẽ mang phong cách Jazz của ông. Nhưng không ít thì nhiều đây là những cơ hội tuyệt vời để độc giả nói tiếng Anh có thể khám phá một tâm hồn khác thường và tìm hiểu thêm về nhà văn Ý này.

Tập truyện ngắn và tiểu thuyết Hoang mạc Tartar.

Theo đó, nổi tiếng nhất và được biết đến nhiều nhất vẫn là The Stronghold hay Hoang mạc Tartar. Tác phẩm kể câu chuyện về một sĩ quan quân đội Ý được điều động đến một pháo đài bí ẩn trên núi, nơi mọi thứ lặp đi lặp lại và không có sự kiện nào thật sự xảy ra. Cuốn tiểu thuyết thứ 3 này của Buzzati được đánh giá là hoàn hảo, độc đáo và là điển hình cho toàn bộ di sản của ông. Trong bản dịch mới, Venuti khen ngợi công trình của người tiền nhiệm nhưng nói thêm bản thân muốn dịch thêm một lần nữa nhằm làm rõ một số bối cảnh chính trị và văn hóa có sự tương đồng với “chủ nghĩa hiện sinh". Nói cách khác, tiểu thuyết của Buzzati vào thời điểm xuất bản lần đầu ở châu Âu dường như là một tác phẩm có thể sánh ngang với các tiểu thuyết của Albert Camus, Jean-Paul Sartre hay Kafka. Sau đó, với việc là nguồn cảm hứng chủ chốt cho tiểu thuyết Đợi bọn mọi của J.M.Coetzee, Hoang mạc Tartar đã tạo nên một cây “cầu nối” giữa chính Bazzati với các thế hệ tiếp theo.

Lúc còn tại thế, Buzzati chủ yếu dành phần lớn cuộc đời làm phóng viên cho tờ Corriere della Sera - một trong những tờ báo lâu đời và nổi tiếng nhất nước Ý. Tờ này đã trở thành nơi đăng tải nhiều truyện ngắn kì ảo và đen tối mà sau này sẽ góp mặt trong tập The Bewitched Bourgeois. Những truyện ngắn đầu tay hay nhất này đã đặt ông ngang hàng với Julio Cortázar, Anna Kavan, Robert Coover, Paul Bowles thậm chí là Haruki Murakami, cũng như Italo Calvino - người là đồng hương đồng thời rất ngưỡng mộ Buzzati. Cụ thể trong các truyện ngắn Bảy tầng, Bóng tối phương Nam, Bảy sứ giả, Hoảng loạn ở La Scala... Buzzati tạo ra những cung bậc siêu thực cũng như sự đảo ngược, kết hợp không - thời gian có thể sánh ngang với các bộ phim của Buñuel hay một bức tranh của de Chirico. Ở những tác phẩm khác, niềm đam mê của Buzzati với những bản sao và nghịch lí gợi ta nhớ đến Poe hay Borges.

Trớ trêu thay, khi vai trò của ông trong ngành báo chí ngày càng ổn định thì những truyện hư cấu ngày càng ít táo bạo và đáng chú ý. Theo đó, nhiều truyện ở giai đoạn sau cho thấy giọng điệu khác thường của Buzzati khi chứa đựng cả cảm giác dè dặt. Ở đó không khó nhận ra sự bất an thường trực của ông về giá trị của tác phẩm và lo ngại về kì vọng vô hình của độc giả. Khuynh hướng do dự, bất an và xấu hổ này của Buzzati đã khiến ông được nhà phê bình văn hóa Katy Waldman gọi là "cây viết của sự lo lắng". Từ một “người khổng lồ” của văn học Ý, ông nhanh chóng trở thành một tác giả chứa đầy hoài nghi, dẫn đến trong khi Hoang mạc TartarThe Singularity là hai tác phẩm thú vị, thì A Love Affair lại đáng thất vọng.

Cụ thể, tiểu thuyết ngắn The Singularity có màu sắc khoa học viễn tưởng, kể về một người phụ nữ được đưa vào một cỗ máy khổng lồ nhưng lại phá hoại chương trình của nó để tìm kiếm sự kết nối về mặt cảm xúc. Nó gợi ta nhớ đến những cuốn sách lớn khác như Solaris của Stanislaw Lem hay Cosmicomics của Calvino đồng hương. Trong khi đó A Love Affair được kể dưới góc nhìn của Antonio Dorigo - một kiến trúc sư trung niên - người thành đạt ở mức độ vừa phải và là một người đàn ông nhạy cảm, thấy mình có thể đạt được thành tựu lớn hơn nữa. Anh ta vướng vào mối quan hệ với một cô gái điếm trẻ đẹp, người có thể hoặc không bao giờ đáp lại tình cảm của mình, khiến cho mọi thứ dần trở nên tồi tệ.

Hành vi của Dorigo là sự pha trộn giữa do dự, bốc đồng lẫn những độc thoại nội tâm đầy hoang tưởng khi tự hạ thấp bản thân và tự trách móc bi quan. Điều này cũng đồng thời gợi lên một phiên bản trưởng thành hơn của chàng lính trẻ đầy tham vọng trong Hoang mạc Tartar cũng như hình ảnh nhà báo già Buzzati. Theo cách nào đó, Dorigo gợi cho độc giả nhớ đến Humbert Humbert trong Lolita (1955) của Vladimir Nabokov - một tác phẩm vừa gây tai tiếng vừa được hoan nghênh đã làm rung chuyển thế giới văn học lúc bấy giờ. Tuy vậy sự so sánh này không hề hợp lẽ, bởi trong khi Lolita khiến độc giả choáng ngợp bằng cách phá vỡ mọi sự chắc chắn trong cách diễn giải: Humbert thú nhận cả tội ác lẫn sự ngu ngốc giữa những dòng tự biện minh trơ trẽn, thì A Love Affair lại tái hiện chính quá trình này nhưng với một sự nhàm chán. Khi câu chuyện tiếp tục, nó trở thành một hành trình đầy ắp chán chường.

Vì vậy, có thể nói việc Buzzati trở lại với độc giả nói tiếng Anh là một cơ hội đặc biệt để khám phá thêm một trong nhiều tên tuổi nổi bật của văn chương Ý, nhưng không hẳn tất cả những tác phẩm ấy đều xuất sắc như nhau.

NGÔ MINH dịch từ The New York Times

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Người cựu binh chiến trường K

Người cựu binh chiến trường K

Tôi luôn bị ám ảnh bởi những mảnh xước của chiến tranh, đó là sự khốc liệt nơi chiến trường, là người lính trở về với cuộc sống đời thường và nỗi niềm nơi hậu phương. (BÙI TUẤN MINH)

Truy tìm Nadja

Truy tìm Nadja

Là tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của André Breton, suốt nhiều thập kỉ, danh tính của nàng Nadja - người cũng được chọn là tựa đề sách - vô cùng bí ẩn.

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)