Ban giám khảo khen ngợi tác giả người Sudan vì đã dũng cảm xoáy sâu vào cuộc sống của phụ nữ Hồi giáo và mô tả tác phẩm của bà là “một liều thuốc an thần, một nơi trú ẩn và một nguồn cảm hứng”.
Leila Aboulela đã giành giải PEN Pinter năm nay cho tác phẩm viết về di cư, đức tin và cuộc sống của phụ nữ trong xã hội Hồi giáo. Giải thưởng này được trao thường niên cho một nhà văn có cái nhìn “không nao núng, không lay chuyển” về thế giới và thể hiện “quyết tâm trí tuệ mạnh mẽ… để xác định chân lí thực sự của cuộc sống và xã hội chúng ta” theo lời của nhà viết kịch người Anh quá cố Harold Pinter.

Nhà văn gốc Sudan Leila Aboulela.
Aboulela lớn lên ở Khartoum (Sudan) và sống ở Aberdeen (Scotland) từ năm 1990. Trong suốt sự nghiệp, bà đã cho ra đời 6 tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn, nổi tiếng nhất có thể kể đến The Translator, Elsewhere, Home và gần đây nhất là River Spirit vào năm 2023. Cuốn sách sau cùng khắc họa giai đoạn dẫn đến cuộc chinh phục Sudan của đế quốc Anh vào năm 1898, từ đó làm sáng tỏ những khía cạnh phức tạp của con người trong cuộc xung đột giữa Anh và Sudan, giữa Cơ đốc giáo và Hồi giáo cũng như động lực của bên thực dân so với bên bị thực dân hóa.
Tác phẩm của Aboulela được giới phê bình đánh giá cao nhờ việc miêu tả những người di cư Hồi giáo ở phương Tây và những thách thức họ phải đối mặt. Tác phẩm của bà chịu ảnh hưởng sâu sắc từ chính trải nghiệm của bản thân khi nhập cư vào Vương quốc Anh và những khó khăn đã phải trải qua trong quá trình bắt đầu cuộc sống mới. Bà thường tập trung vào các vấn đề và chủ đề mang tính chính trị như bản sắc, mối quan hệ đa văn hóa, sự phân chia Đông-Tây, di cư và tâm linh Hồi giáo. Văn xuôi của bà được J.M. Coetzee , Ben Okri và Ali Smith ca ngợi.
Phần lớn tác phẩm của Aboulela lấy cảm hứng trực tiếp từ cuộc đời bà. Bà cho biết việc chuyển từ Sudan sang Scotland vào năm 1990 là “chất xúc tác” cho sự nghiệp văn chương, trong khi mong muốn viết về Sudan và Hồi giáo - những chủ đề mà bà hiếm khi thấy được đề cập đến - là động lực ban đầu. Aboulela đã nêu rõ sự quan tâm với việc chống lại những hình ảnh rập khuôn về người Hồi giáo, Sudan và người nhập cư thông qua các tác phẩm và đã nỗ lực phản ánh những người mà bà đã gặp, những nơi mà bà đã sống trong các tác phẩm. Chẳng hạn, tiểu thuyết Lyrics Alley của bà dựa trên câu chuyện có thật về cuộc đời người chú là nhà thơ Hassan Awad Aboulela và tai nạn thương tâm vào đầu những năm 1940 khiến ông bị liệt nửa người. Cùng cha mình – người cũng đồng thời là một nhà văn, bà đã xây dựng nên nhân vật chính Nur rất thành công.
Aboulela cho biết nhà văn Ai Cập đoạt giải Nobel Văn chương Naguib Mahfouz và nhà văn Sudan nổi tiếng Tayeb Salih là những người có ảnh hưởng đến bản thân trong việc tiếp nhận văn học từ thời thơ ấu và thời gian còn ở Sudan. Khi chuyển đến Scotland, chính việc biết đến với Jean Rhys và Anita Desai đã mở ra những khám phá mới trong sự nghiệp. Bà nói hai cây viết này có “ảnh hưởng sâu sắc đến các tác phẩm của mình”. Ngoài ra bà cũng quan tâm đến những nhà văn gốc Phi như cây viết đoạt giải Nobel Abdulrazak Gurnah, Doris Lessing, Buchi Emecheta và Ahdaf Soueif. Hầu hết họ là những người di cư đến Anh từ khi còn nhỏ, do đó có những trải nghiệm tương tự như bà.

Các tác phẩm nổi bật của Leila Aboulela.
Bà chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi bắt đầu viết khi đã 28 tuổi vậy nên có lẽ là hơi muộn. Tôi luôn thích đọc sách nhưng chưa bao giờ cảm thấy thôi thúc viết lách. Hồi đại học, tôi học thống kê nhưng vẫn tiếp tục đọc văn để giải trí. Tôi hiếm khi nói về những gì bản thân đang đọc. Tiểu thuyết là một thế giới thú vị và bí mật song hành với cuộc sống thường ngày. Vào giữa độ 20, tôi chuyển từ Sudan đến Scotland. Chấn thương tâm lí từ chuyến đi này là ‘chất xúc tác’ cho hành trình viết lách của tôi. Cứ như thể con người mà tôi hằng nghĩ mình sẽ trở thành (một giáo sư thống kê giống mẹ tôi) đã chết đi và con người mới được sinh ra - một người bị gạt ra ngoài lề xã hội vì chủng tộc và tôn giáo, một nhà văn không có bằng cấp về sáng tạo. Tôi nhớ nhà và không ngừng so sánh nơi mới với ngôi nhà cũ. Những suy nghĩ và cảm xúc này không thể tìm thấy lối thoát nào khác ngoài tiểu thuyết. Tôi cảm thấy thôi thúc phải viết. Nếu lúc đó bạn hỏi tôi rằng liệu viết lách có phải là ‘điều tôi yêu thích và muốn theo đuổi’ không, tôi sẽ thấy cách diễn đạt này thật xa lạ. Tôi chưa bao giờ bị thu hút bởi ý tưởng trở thành nhà văn. Những tác phẩm đầu tay khiến tôi bối rối hơn là thích thú. Tôi như bị ma ám vậy”.
Chia sẻ về giải PEN Pinter năm nay, Aboulela cho biết: “Đây là bất ngờ lớn. Với một người Hồi giáo Sudan nhập cư, người viết từ góc nhìn tôn giáo thì sự công nhận này thực sự có ý nghĩa. Nó mở rộng và đào sâu ý nghĩa của tự do ngôn luận và cho thấy câu chuyện nào cũng xứng đáng được lắng nghe”. Theo đó, Aboulela đã được công bố là người nhận giải năm nay tại buổi tiệc mùa hè của Hội Văn bút Anh (PEN) vào tuần trước, nơi các diễn viên Khalid Abdalla và Amira Ghazalla đọc lớn tác phẩm của bà. Nữ nhà văn sẽ nhận giải thưởng vào ngày 10/10 năm nay tại Thư viện Anh ở London. Theo thông lệ, bà sẽ chọn ra một nhà văn khác để trao giải Nhà văn Dũng cảm với tiêu chí là người “tích cực bảo vệ quyền tự do ngôn luận, thường xuyên gặp rủi ro với sự an toàn và tự do của chính mình”.
Tác phẩm của Aboulela được giới chuyên môn đánh giá là “đã đặt cuộc sống và chọn lựa của phụ nữ Hồi giáo làm trọng tâm xuyên suốt, đồng thời xem xét những khó khăn và niềm vui của họ một cách đầy phẩm giá”. Tiểu thuyết gia Nadifa Mohamed – giám khảo của giải thưởng năm nay cùng nhà thơ kiêm tác giả Mona Arshi và chủ tịch Hội Văn bút Anh Ruth Borthwick chia sẻ: “Trong một thế giới dường như đang bốc cháy với những đau khổ vô bờ bến ít được thương tiếc ở Sudan, Gaza và nhiều nơi khác, tác phẩm của Aboulela là một liều thuốc an thần, một nơi nương tựa và một nguồn cảm hứng.”
Arshi cho biết: “Aboulela đã mang đến cho chúng ta những góc nhìn sâu sắc và phong phú về các chủ đề nóng hổi trong thế giới đương đại: đức tin, di cư và sự chuyển dịch”. Borthwick nói thêm: “Từ những truyện ngắn tinh tế như ngọc đến những tiểu thuyết dịu dàng, Aboulela đã kể những câu chuyện hiếm hoi khiến chúng ta phải suy ngẫm về những con người đang sống trong khu phố và cộng đồng của mình cũng như cách họ định hướng cuộc sống. Cô ấy không phải là người đầu tiên viết về trải nghiệm di cư nhưng là nhà văn của thời đại này. Tôi hi vọng với giải thưởng này, những cuốn sách tuyệt vời của cô sẽ tìm được độc giả mới và mở mang đầu óc của chúng ta với những khả thể khác”.
Năm ngoái, nhà văn Ấn Độ Arundhati Roy đã giành được giải thưởng và chọn nhà hoạt động người Anh gốc Ai Cập Alaa Abd el-Fattah là Nhà văn của lòng dũng cảm. Giải PEN Pinter được trao hàng năm cho các nhà văn cư trú tại Vương quốc Anh, Ireland, Khối Thịnh vượng chung hoặc cựu Khối Thịnh vượng chung. Những người từng đoạt giải bao gồm Michael Rosen, Malorie Blackman, Chimamanda Ngozie Adichie, Margaret Atwood, Salman Rushdie và Hanif Kureishi.
NGÔ THUẬN PHÁT dịch từ The Guardian
VNQD