Sản phẩm của người lãnh đạo là các quyết định

Thứ Hai, 02/03/2020 10:26

Đạo diễn, NSƯT Đỗ Thanh Hải
Sinh năm 1973 tại Hà Nội.
Tốt nghiệp Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội năm 1996.
Là đạo diễn các bộ phim: Xin hãy tin em, Phía trước là bầu trời, Của để dành, Nhà có 3 chị em…Tổng đạo diễn chương trình Táo quân - Gặp nhau cuối năm của VTV.
Đã đoạt một số giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam; Giải Cánh diều vàng phim truyện video; Huy chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc…
Hiện là Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam (VFC). Năm 2019, VFC được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho những thành tích xuất sắc.

Nhận vị trí điều hành Trung tâm sản xuất phim truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) từ khi mới 35 tuổi, hơn mười năm qua đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã chèo lái, đưa ngôi nhà VFC thành một trung tâm sản xuất chương trình tầm cỡ với những phát triển đúng hướng, góp phần củng cố và giữ vững vị thế của Đài Truyền hình quốc gia. Trong thời đại truyền hình bị cạnh tranh gay gắt bởi mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác, các chương trình do VFC sản xuất vẫn giữ chân được khán giả bởi sự đổi mới không ngừng để theo kịp nhu cầu của công chúng cả nước. Những ngày cuối năm bận rộn, khi cái tết đang cận kề, bứt ra khỏi vòng quay bất tận của công việc, Giám đốc VFC đã dành cho VNQĐ một cuộc trò chuyện như một sự “nhìn lại” chặng đường anh cùng VFC đã đi, những việc anh và VFC đã làm để có được một diện mạo như hôm nay.

 

- Chào đạo diễn Đỗ Thanh Hải! Khi bốc điện thoại gọi cho anh để thực hiện bài trò chuyện này, tôi bị “dọa” rằng anh rất bận, không có thời gian để ngồi trò chuyện, nhất là dịp cuối năm. Nhưng rồi chúng ta đã ngồi đây. Xin cám ơn anh đã nhận lời trò chuyện cùng Văn nghệ Quân đội. Xin được bắt đầu từ vị trí mà anh đang đảm nhiệm. Tôi thấy lãnh đạo nhiều đơn vị nghệ thuật không hẳn là những người xuất sắc về nghề, nhưng ở VFC thì khác, đều là những đạo diễn “số má” giữ vai trò thủ lĩnh. Liệu có phải với một đạo diễn thì cái tài nó dễ bộc lộ, dễ được ghi nhận (dù để được công nhận không dễ) hay nếu không thực tài thì không thể ngồi vào vị trí ghế nóng như Giám đốc VFC?

+ Trước hết phải thành thật xin lỗi anh. Dịp cuối năm, chúng tôi luôn phải chạy tiến độ đảm bảo yêu cầu công việc nên bị lỗi hẹn mấy lần với anh. Giờ thì tôi đã sẵn sàng để trò chuyện đây.

Nếu nói về vai trò người đứng đầu thì bất cứ một tổ chức đơn vị nào đều cần có người lãnh đạo để dẫn dắt đội ngũ, điều hành các hoạt động và có những nguyên tắc cơ bản để duy trì sự ổn định, phát triển. Nhưng với những đơn vị làm nghệ thuật, sáng tạo nội dung thì một người biết tạo ra động lực mạnh mẽ, khơi gợi những khát vọng sáng tạo tích cực từ những cá tính nghệ sĩ thì chắc sẽ tốt hơn. VFC là một đơn vị sáng tác nghệ thuật có bề dày truyền thống, nhiều nghệ sĩ có trình độ chuyên môn giỏi và thẩm mĩ cao. Bởi thế, bạn chỉ có thể đứng phía trước dẫn dắt họ khi có đủ tâm huyết và tạo được niềm tin để họ xả thân với nghề. Thậm chí, dù bạn có thể từng là một người giỏi nghề, tài năng, nhưng khi đứng lên phía trước, phải quên đi cái tôi của mình, đặt hiệu quả công việc và sự thành công của nhiều cá tính sáng tạo khác lên trên hết.

- Vâng! Và giữa tài về nghề và tài lãnh đạo, duy trì một đơn vị nghệ thuật lại là hai câu chuyện khác nhau, đành rằng đạo diễn cũng là “lãnh đạo” thực hiện một bộ phim để nó ra đời, nhưng vẫn khác xa với lãnh đạo một thực thể hành chính để nó vận hành suôn sẻ và khỏe mạnh… Ở thời điểm nhận vị trí Giám đốc VFC anh có tự tin là mình sẽ đảm đương tốt vai trò điều hành một cỗ máy sản xuất chương trình giải trí lớn của cả nước, bởi khi đó anh cũng còn khá trẻ?

+ Khi nhận vị trí đó, tôi mới 35 tuổi, tôi rất lo lắng vì VFC có nhiều đạo diễn lớn tuổi và cực kì giỏi nghề, rồi bao nhiêu biên tập, quay phim, họa sĩ thiết kế… nhiều người làm nghề cả chục năm rồi thì tôi mới được nhận vào làm việc. Nhưng tôi thực sự không hoảng hốt, thậm chí có một lời thề là sau một năm, công việc không suôn sẻ sẽ xin rút để quay về làm nghề. Đúng là có yếu tố may mắn nên tôi đã tồn tại được và đủ sức đứng ở vai trò đó đến tận bây giờ. Sau này nghĩ lại, tôi thấy có hai điều rất quan trọng. Thứ nhất, sản phẩm của người lãnh đạo là các quyết định. Mình luôn phải tư duy, nhìn trước nhìn sau, cần đặt ra những chiến lược phát triển để khi cần, mình tự tin đưa ra những quyết định phù hợp nhất. Thứ hai, trong hoạt động sáng tạo và sản xuất phim, dù việc to việc nhỏ, tác phẩm lớn hay bé đều có những vấn đề nảy sinh, đôi khi là những khó khăn rất bất ngờ ập đến, nếu có sự đồng lòng của anh em, tính đoàn kết trong tập thể thì mọi sự sẽ dễ xử lí và nhanh chóng được giải quyết.

- Tôi rất thích hai điều quan trọng với người lãnh đạo mà anh vừa nói. Và cũng thấy thêm rằng, điều thứ nhất rất dễ ảnh hưởng đến điều thứ hai, thậm chí là quyết định đến điều thứ hai. Một quyết định của lãnh đạo có thể khiến số đông anh em nể phục hoặc thông cảm hoặc quy tụ được lòng người, nhưng cũng có thể một quyết định sẽ dẫn đến những điều đáng tiếc và không nhận được sự đồng lòng hay cảm thông nào đó... Anh nghĩ thế nào về điều này? Trong những năm tháng lãnh đạo VFC quyết định nào khiến anh phải suy nghĩ nhiều nhất? Có khi nào anh phải ân hận về một quyết định của mình ở vị trí lãnh đạo?

+ Muốn có quyết định đúng nhất, cần giữ nguyên tắc là đặt cái lợi chung lên trên hết, nội bộ có sự trao đổi và biết lắng nghe nhiều luồng ý kiến để có đủ thông tin. Trong một vài trường hợp mà vấn đề phức tạp, vẫn còn những băn khoăn nhưng việc phải làm, không dừng được, chúng tôi sẽ quyết định cho làm thử, sau đó một khoảng thời gian xem xét tính thực tế để đánh giá lại. Và đôi khi, mình phải thừa nhận cái sai của bản thân nếu thấy quyết định đó chưa phù hợp. Biết sửa sai và rút kinh nghiệm để công việc tốt hơn là cách hạn chế những quyết định khiến mình ân hận. Còn quyết định làm tôi suy nghĩ nhất là khi phải đưa ra quyết định kỉ luật buộc thôi việc một ai đó. Khi ấy, cảm giác mình có lỗi rất nhiều.

- Cách đây vài năm, báo chí và dư luận kêu ca khá nhiều về hiện tượng phim truyền hình ngoại lấn lướt trên sóng truyền hình mà VTV cũng không là ngoại lệ. Nhưng rồi mọi thứ đã thay đổi, tỉ trọng phim nội và phim ngoại đã cân bằng hơn, và đáng nói hơn nữa là phim truyền hình Việt như được lột xác với hàng loạt đề tài mới mẻ, đậm hơi thở đời sống dần hiện diện trên sóng truyền hình quốc gia.

Tôi nghĩ, ở VFC đã có một cuộc cách mạng âm thầm mà quyết liệt. Và tôi cũng nghĩ, đến giờ thì anh đã có thể thoải mái hơn khi nói về những chuyển mình từ trong nội bộ ấy của VFC…

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải và các diễn viên tham gia chương trình Táo quân. - Ảnh: TL

+ Đúng là chúng tôi đã lặng lẽ chuẩn bị cho một chiến lược giành lại vị thế của mình. Khi thời điểm bùng nổ hoạt động sản xuất phim, nhiều đơn vị xã hội hóa tham gia với mục tiêu rất cụ thể là làm kinh doanh. Chất lượng chuyên môn trong hoạt động sản xuất phim bị đẩy xuống dưới và việc tạo lợi nhuận tối đa là ưu tiên số một. Thậm chí đã có lúc, một tập phim mà họ chỉ quay trong 1- 2 ngày, đạo diễn cùng thời điểm nhận làm 2 phim, một diễn viên đóng 3 - 4 phim cùng lúc là chuyện phổ biến. VFC bị tác động rất mạnh, bị lôi kéo con người, bị so sánh khả năng đi bán quảng cáo. Đội ngũ sáng tạo của VFC chỉ cần tặc lưỡi cũng có thêm khoản thu nhập lớn từ hoạt động làm phim kiểu ấy… May mắn là chúng tôi đã không bị cuốn vào cái làn sóng đó, có sự bình tĩnh để suy nghĩ về nghề nghiệp của mình, đánh giá xem cái gì mới là sự phát triển bền vững. Chúng tôi đã cùng nhau đặt ra quyết tâm là phải cạnh tranh nhưng kiên định giữ sự nghiêm túc với nghề và phải nỗ lực nâng cao chất lượng nội dung, nghệ thuật, đặc biệt phải có sự điều chỉnh về tính phù hợp thị hiếu khán giả, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mất khoảng 3 năm như vậy, chúng tôi vừa cơ cấu lại hoạt động sản xuất, vừa có những sự học hỏi để nâng cao tính chuyên môn. Và đặc biệt là sự ủng hộ của lãnh đạo Đài về chiến lược phát triển lâu dài, cho phép VFC đầu tư thiết bị, đổi mới công nghệ làm phim. Bên cạnh đó, là quá trình đào thải, bổ sung những nhân sự mới, đề xuất những cơ chế phù hợp để phát triển và gắn hiệu quả, chất lượng công việc đi kèm với thu nhập tương xứng… Rồi cứ thế, VFC tiếp tục hành trình ấy suốt thời gian qua để khẳng định thương hiệu của mình.

- Trong thời gian qua nổi lên một loạt phim truyền hình dài tập trên sóng VTV được coi như hiện tượng ở các dòng phim khác nhau như Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, Cả một đời ân oán cùng nhiều phim khác nữa… và gần đây là Sinh tử. Anh nói gì trước sự ghi điểm liên tục này?

+ Đó chính là những trái ngọt rất cụ thể mà chúng tôi gặt hái được sau nhiều năm âm thầm chuẩn bị và thay đổi mình. Khi nhắc về thành công thì bao giờ cũng dễ nói, nhưng tôi muốn đề cập vấn đề ở khía cạnh khác. Đó là quá trình xây dựng được niềm tin và sự kiên định tạo ra những sản phẩm phim chất lượng, là sự cố gắng của hàng trăm con người trong nhiều năm, cùng góp sức phát triển ngôi nhà VFC ngày một ảnh hưởng hơn, uy tín hơn.

- Thế hệ xem truyền hình chúng tôi vốn là khán giả của Xin hãy tin em, Của để dành là những phim đầu tay rất thành công của anh. Nếu phải chọn vài từ khóa để gắn với Đỗ Thanh Hải khiến các bộ phim do anh đạo diễn được yêu mến rộng rãi thì tôi nghĩ đó là “chất đời sống”. Còn anh, anh tự đánh giá mình như thế nào? Có khi nào anh tự lí giải bí quyết thành công của mình không?

+ Tôi không phải là con nhà nòi, bố mẹ tôi đều học chuyên ngành khoa học nên học nghề đạo diễn với tôi là sự tình cờ, và sau này ra làm nghề tại VFC cũng là sự may mắn. Vì thế, tôi chẳng có áp lực phải khẳng định bản thân, khi làm các phim đầu tay thì xem là một sự thử thách, trải nghiệm với nghề mà mình đã được học. Có lẽ sự hồn nhiên ấy đã theo tôi vào hoạt động sáng tác của bản thân, cứ làm, cứ cố gắng hết mình vì niềm đam mê. Sau này có dịp được chia sẻ với anh em bạn bè, nhất là những đạo diễn trẻ mới vào nghề, tôi vẫn nói: Sáng tạo nghệ thuật nói chung, nghề làm phim nói riêng, nếu bạn không thực sự đam mê và có sự dấn thân hết mình, bạn sẽ không vượt qua được những đòi hỏi cực kì khắc nghiệt của công việc này. Chưa kể, cần cả khát vọng tạo ra những sản phẩm văn hóa để truyền cảm hứng tích cực đến xã hội, đó cũng là trách nhiệm mà người nghệ sĩ phải phấn đấu khi làm nghề.

- Vâng! Câu chuyện truyền cảm hứng tích cực đến xã hội, đến cộng đồng luôn là sứ mệnh của người nghệ sĩ. Nói đến việc này tôi bỗng nhớ đến một dòng phim rất có vẻ như khó “truyền cảm hứng tích cực” cho xã hội khi luôn khai thác những mặt… tiêu cực, nhưng nó cũng đã góp phần làm nên thương hiệu riêng của VFC. Đó là dòng phim chính luận. Phản ánh mặt trái của xã hội dù là bằng phim cũng rất dễ đụng chạm và có thể sẽ gặp khó khăn trong khâu kiểm duyệt. Nhưng những bộ phim như Chủ tịch tỉnh, Sinh tử vẫn được trình làng bằng những gai góc, lắt léo, đào sâu… rất thuyết phục, được công chúng đánh giá cao. Anh nói gì về việc luận bàn chính sự qua hình thức phim truyền hình? Liệu có một giới hạn nào, vùng cấm nào cho thể loại phim vốn “mong manh“ này? Và cái khó nhất khi làm một bộ phim chính luận là gì?

+ Phim truyền hình có sự thuận lợi là nhanh chóng bám sát dòng chảy xã hội, phản ánh những hiện thực thông qua những tình huống phim hấp dẫn, những nhân vật có đời sống biến cố gây sự chờ đợi hoặc lôi cuốn bằng những cảm xúc, lời thoại. Nó khác với tác phẩm báo chí khi chỉ dừng ở mức độ đưa tin hay phân tích của riêng tác giả về những đề tài chính luận. Vì là sản phẩm sáng tạo qua nhiều công đoạn như thế, tính hư cấu, nghệ thuật hóa dễ dàng được người xem chấp nhận. Nhưng bên cạnh sự thuận lợi, cũng có những thách thức khó khăn nhất định khi làm các bộ phim đề tài chính luận, phản ánh vấn đề thời cuộc. Để làm kịch bản và triển khai bộ phim đề cập các vấn đề như nạn tham nhũng, đời sống phức tạp chốn quan trường, những sự lắt léo giữa quan chức - doanh nghiệp, quan hệ tình - tiền, hay vấn đề tha hóa quyền lực..., chúng tôi không hề có vùng cấm và sự kiểm duyệt gây khó khăn nào. Chính sự đòi hỏi, mong muốn của khán giả muốn được xem một bộ phim hấp dẫn, nội dung thuyết phục mới là áp lực lớn nhất. Đôi khi, có những kịch bản xây dựng câu chuyện chạm vào các vấn đề dễ tạo sự thu hút dư luận, nhưng cách triển khai của tác giả lại không thuyết phục, nhân vật và tình huống bị áp đặt. Chúng tôi buộc phải từ chối đưa vào sản xuất. Sau đó, không hiểu sao lại bị cho là gặp khó trong khâu kiểm duyệt, do chạm vào vùng cấm nên kịch bản không được chấp nhận.

Cái khó nhất khi làm phim đề tài chính luận, phản ánh vấn đề nóng, động chạm đến thể chế, chính sách, hoạt động tội phạm… đó là tính thuyết phục và có cái nhìn khách quan, cũng như sự thấu hiểu kĩ về các nguyên tắc, hoạt động trong mảng đề tài đó. Để được khán giả yêu thích, trước hết bộ phim phải có một câu chuyện đủ sức hấp dẫn và tính chân thật khi xây dựng nhân vật, sau đó là cách khai thác đề tài, tình huống để chuyển tải những thông điệp cụ thể. Không thể cứ bôi đen cuộc sống, đem cái tiêu cực trong xã hội ra khai thác là phim sẽ hấp dẫn, được công chúng đón nhận.

- Trong nhiều sản phẩm giải trí của VTV do VFC sản xuất thì chương trình Táo quân hàng năm có sức ảnh hưởng mạnh mẽ và được trông đợi gần như “thay pháo đêm giao thừa” của công chúng cả nước. Sức hấp dẫn từ Táo quân ngoài chất giễu nhại thì còn là chuyện thế sự trong năm được lồng ghép dưới hình thức hài. Nhưng năm nay nghe nói chương trình đã dừng lại. Chắc hẳn có những lí do phía sau, anh có muốn nói một chút về chương trình là mối quan tâm lớn của công chúng và dư luận này?

+ Trong câu hỏi của anh, quên mất một yếu tố liên quan đến chương trình Táo quân VTV, đó là nó đã tồn tại suốt 16 năm qua. Một chương trình có sức sống lâu như vậy, hẳn nhiên là thành công và niềm vui của ê kíp sản xuất. Nhưng hoạt động sáng tạo còn cần có sự đổi mới, tránh dập khuôn mãi một kiểu. Người làm nội dung truyền hình phải biết chấp nhận thách thức, tự đặt ra cho mình những áp lực để thay đổi, cập nhật những phong cách, xu hướng sáng tác khác, như vậy mới đáp ứng được sự đòi hỏi từ nhiều tầng lớp khán giả. Đôi khi, công chúng vì quá yêu mến đã khoác một tấm áo quá lớn cho chương trình Táo quân, yêu cầu nó phải đáp ứng được nhiều thứ, phải liên tục đổi mới và đến khi nó dừng lại thì vẫn muốn nó tồn tại như bao lâu nay. Hơn nữa, việc thay đổi format nội dung cho chương trình Gặp nhau cuối năm của VTV đã được đặt ra từ cách đây vài năm. Đến bây giờ, chúng tôi mới có đủ điều kiện làm được.

- Vâng! Cám ơn anh đã cho những thông tin hậu trường như vậy để bạn đọc và công chúng hiểu thêm. 16 năm quả là con số kỉ lục cho một chương trình truyền hình. Và tôi tin rằng sóng VTV đêm giao thừa sẽ là một chương trình thay thế khác với những đổi mới của nhà đài. Anh có thể bật mí một chút về chương trình mới này? Liệu nó có được duy trì thường niên như Táo quân?

Một cảnh trong phim Sinh tử (đạo diễn NSND
Khải Hưng và NSƯT Mai Hiền) đang phát sóng trên VTV

+ Chương trình mới lần đầu làm nên chắc chắn chúng tôi sẽ lắng nghe phản hồi từ khán giả và tiếp tục điều chỉnh. Nhưng format này sẽ là câu chuyện bám sát dòng chảy thời sự với những vấn đề mà người dân đang gặp trong cuộc sống, là tâm tư và tình cảm của chính họ. Chúng tôi vẫn sử dụng tính hài hước để tạo sự vui vẻ giải trí cho chương trình, nhưng thông điệp cuối lại rất nghiêm túc. Và tất nhiên, sự kết hợp các yếu tố diễn xuất của những nghệ sĩ hài được yêu mến cùng âm nhạc, vũ đạo, dàn dựng các hiệu ứng sân khấu vẫn tiếp tục được khai thác

- Cũng ở chương trình tết, tôi thấy đẳng cấp của VTV thể hiện rõ nhất trong dịp này. Nhu cầu của xã hội ngày càng được nâng cao với những đòi hỏi khắt khe hơn. Bên cạnh nhu cầu ăn tết, chơi tết còn một nhu cầu rất lớn trong dịp nghỉ dài nhất trong năm với mỗi gia đình, đó là xem tết. Và tôi thấy VTV đã phục vụ rất tốt nhu cầu này của toàn dân. Các chương trình chào năm mới thực sự như những bữa tiệc sang trọng. Ở góc độ của VFC - Trung tâm sản xuất chương trình của VTV, anh có thể chia sẻ các anh đã làm “hàng tết” để phục vụ công chúng cả nước như thế nào?

+ Đúng là những dịp tết, đội ngũ sản xuất của VTV có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo nội dung nhiều nhất, rất đa dạng và nhiều thể loại. Chúng tôi đều là các bộ phận trong VTV nhưng để được sắp xếp khung giờ phát sóng, phải cạnh tranh nhau bằng chất lượng chương trình. Đây cũng là dịp mà các ê kíp sáng tạo làm việc cật lực nhất trong năm, nỗ lực tạo ra những món ăn tinh thần hấp dẫn phục vụ khán giả. Trong suốt một năm, dù có làm nhiều việc chuyên môn đáp ứng yêu cầu phát sóng, chúng tôi vẫn phải dành một khoảng thời gian và tâm trí để chuẩn bị ý tưởng, đề tài nội dung cho các chương trình tết. Việc này đã là thói quen từ rất nhiều năm nay rồi. Và nếu xem đầy đủ các chương trình trong dịp tết, anh sẽ hiểu vì sao chúng tôi luôn tự hào là một thành viên của VTV.

- Tôi thấy, thường trong làm truyền hình, khi có một sự cố nào đó, mà đài nào dù lớn dù nhỏ, không lúc này thì lúc khác đều khó tránh khỏi, thì với VTV hay bị “thòng” thêm một câu “đài quốc gia mà thế à”, kiểu như vậy. Tức là tôi muốn nói, làm việc ở VTV là vinh dự, nhưng cũng có những áp lực lớn. Với cá nhân anh, một vị trí cũng khá nóng, quyết định đến chất lượng các chương trình giải trí của VTV chắc hẳn không tránh khỏi áp lực từ nhiều phía. Anh đã đối mặt và hóa giải những áp lực ấy như thế nào?

+ Thuyền to thì sóng lớn, sóng ngoài biển chắc chắn khác kiểu sóng trên sông. Cuộc sống cũng vậy thôi, càng va đập, càng chịu tôi luyện qua những thử thách khó khăn, mình càng trưởng thành và bản lĩnh. Vì thế mà bạn phải thích ứng và quen với áp lực khi chương trình mang thương hiệu nội dung của Đài quốc gia. Khán giả cũng mong đợi những gì chuẩn mực nhất, hấp dẫn nhất phải có trên các kênh sóng của VTV. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi coi áp lực từ khán giả, từ sự tin cậy mà xã hội dành cho VTV là nỗi sợ hãi. Ngược lại, đó là mục tiêu để mình nỗ lực và cố gắng làm tốt nhất công việc. Một trong những giá trị cốt lõi của VTV, tôi cho rằng đó chính là nguồn lực và truyền thống xây dựng đội ngũ làm truyền hình qua nhiều thế hệ. Sự phát triển suốt 50 năm qua của VTV là minh chứng rất rõ cho điều này.

- Thời gian qua, ở VFC, một loạt gương mặt đạo diễn trẻ đã tỏa sáng, họ đã có đất dụng võ và đã thể hiện được tài năng của mình, những Mai Hiền, Khải Anh, Bùi Tiến Huy, Quốc Việt, Đức Hiếu… với những bộ phim chinh phục được đông đảo khán giả trẻ. Tôi nghĩ rằng đây cũng là thành công của VFC khi kéo được đối tượng khán giả khó chiều và rất dễ bị lôi kéo bởi các loại hình giải trí khác cũng như mạng xã hội, nhưng họ đã ngồi lại và xem phim của VTV. Hình như cái “sự trẻ”, “chất trẻ” từ thời anh làm quản lí VFC đã được chú trọng hơn, quan tâm hơn và cũng nổi trội hơn. Đó là một chủ trương hay là sự lan tỏa tự nhiên từ con người anh vào công việc? Anh có thể chia sẻ một chút về điều này?

+ Tôi là người thích quan sát cách người trẻ sống, làm việc và thậm chí, nếu có cơ hội sẵn sàng học kĩ năng mới từ họ. Thế hệ sau lớn lên, trưởng thành có những điều kiện cập nhật thông tin, kiến thức đa dạng hơn thế hệ trước, nhiều khi là họ giỏi hơn hẳn. Đấy là sự tự nhiên mang tính quy luật. Chưa nói đến việc, chơi với người trẻ thì mình cũng trẻ trung hơn, bớt trì trệ đi. Vì thế mà việc tạo ra cơ hội cho những người trẻ làm việc là điều cần thiết để tiếp tục phát triển. Trước đây, tôi may mắn được NSND Khải Hưng tin cậy trao cơ hội làm phim khi mới ra trường, và sau này, có thêm cả sự tin cậy giao phó trách nhiệm người thay thế khi tuổi còn trẻ. Đó là bài học quý báu về niềm tin mà những thế hệ trước dành cho người trẻ. Có thể đôi lúc, họ sẽ gặp sai sót về nghề, tác phẩm có sự vụng về… khi đó, mình cần đứng bên cạnh để hỗ trợ và che chắn. Đổi lại, sự tươi mới tràn đầy năng lượng sáng tạo và tâm huyết, người trẻ hơn mình rất nhiều. VFC có sự phát triển về nghề nghiệp, tiếp tục có những tác phẩm hấp dẫn và thu hút được những khán giả trẻ chắc chắn phải có những yếu tố mới mẻ trong hoạt động sáng tạo. Điều đó có sự đóng góp vô cùng lớn từ những đạo diễn, biên kịch, quay phim trẻ. Họ khát khao được khẳng định mình, vậy tại sao chúng ta phải ngần ngại?

+ Vâng! Và tôi nghĩ, việc tin dùng những người trẻ là một cách “đầu tư” khôn ngoan cho tương lai, chúc mừng anh cũng như tập thể VFC đã đặt niềm tin vào người trẻ và đã “thu lời” xứng đáng. Cám ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải với những chia sẻ của anh! Chúc VFC luôn giữ vững đẳng cấp của một trung tâm sản xuất chương trình giải trí tầm quốc gia, phục vụ nhu cầu giải trí của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chúc anh một mùa xuân mới với những thành công và nhiệt huyết mới!

 

 

 

 

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)