Hà Văn Thuận – Người biệt động thành Hà Nội

Thứ Tư, 18/03/2020 11:03

.PHÙNG VĂN KHAI

 

Ngồi trước mắt chúng tôi là cụ Hoàng Văn Dũng sinh năm 1936 trong căn phòng nhỏ phố Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội. Đi qua nhiều thăng trầm thời gian, người lính thanh niên xung phong nơi công trường Tây Bắc những năm sáu mươi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ đi xây dựng vùng đất miền Tây để tạo nguồn lương thực, vật chất dồi dào chuẩn bị cho công cuộc trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ giờ luôn im lặng. Ông Hoàng Văn Dũng có con trai là liệt sĩ Hoàng Tiến Đạt hi sinh năm 1978 tại mặt trận Tây Nam khi mới tròn hai mươi tuổi. Càng nhớ thương con bao nhiêu, ông càng xúc động và đặc biệt nhớ về người anh lớn, người chiến sĩ biệt động thành Hà Nội, người du kích đặc biệt của vùng đất Gia Lâm, đó là Hà Văn Thuận, người anh lớn hơn mình một giáp. Nhớ về người anh kết nghĩa, đôi mắt cụ Hoàng Văn Dũng chợt chùng xuống. Mới thế mà người anh ra đi đã được chín năm. Chín năm ấy là chín năm nhớ tiếc khôn khuây của gia đình, dòng tộc, đồng đội, anh em, đặc biệt là gia tộc họ Hà.

Tác giả bài viết và gia đình ông Ngô Tiến Sỹ

Hà Văn Thuận là con người hết sức đặc biệt. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả ở phố Gia Lâm mạn sát cầu Long Biên. Cầu Long Biên trước cách mạng tháng Tám là một trọng điểm, con đường độc đạo duy nhất dẫn sang nội thành Hà Nội. Sớm có lòng yêu nước căm thù giặc, lại nổi tiếng giao du rộng, vẻ ngoài lịch lãm, Hà Văn Thuận mau chóng được tổ chức gần gũi, động viên vào đội du kích Long Biên, tiếp đó là đội biệt động thành Hà Nội. Mặt trận Hà Nội năm 1945, 1946 do chỉ huy trưởng Phùng Thế Tài đặc trách về mảng quân sự. Việc diệt ác trừ gian được mặt trận hết sức quan tâm. Với tài trí của mình, đặc biệt là lòng yêu nước căm thù giặc Pháp, người lính biệt động Hà Văn Thuận đã lập nhiều chiến công, tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng. Hễ bọn chúng nghe tên hùm xám Hà Văn Thuận là mất ăn mất ngủ tìm mọi cách để bắt sống hoặc giết chết người thanh niên yêu nước. Chúng còn treo giải ai lấy được đầu ông sẽ thưởng năm vạn đồng bạc Đông Dương. Suốt một thời gian dài, Hà Văn Thuận cùng đội biệt động khiến binh lính Pháp ở Gia Lâm, ở Long Biên thất điên bát đảo.

Theo phân công của tổ chức, từ mệnh lệnh của mặt trận Hà Nội đứng đầu là Phùng Thế Tài, ta quyết định tập kích sân bay Gia Lâm lần thứ nhất đêm 19 tháng 12 năm 1946. Việc tiêu diệt sân bay Gia Lâm khi đó là một trong những yêu cầu và thách thức lớn đối với ta lúc đó. Thời điểm này, vũ khí trang bị của ta còn hạn chế, trình độ kỹ, chiến thuật còn yếu, khó có thể tập kích mục tiêu lớn như sân bay. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ sân bay của địch đông, tổ chức chặt chẽ, nghiêm ngặt, khiến ta rất khó tiếp cận mục tiêu. Để đánh được sân bay, ta chọn phương pháp dùng tình báo bí mật tiếp cận, vẽ sơ đồ bố phòng, nắm quy luật tuần tra và tổ chức lực lượng tại chỗ để tiêu diệt. Vốn thông thạo địa hình lại rất giỏi võ thuật, Hà Văn Thuận được giao cùng một số đồng chí Phương Đình Đặng, Ngô Tiến Nhân, Nguyễn Văn Vạn vừa công khai vừa bí mật vào tận sân bay Gia Lâm nắm bắt kỹ lưỡng tình hình, sơ đồ máy bay, các kho tàng, chốt gác, trại lính, quy luật tuần tra của địch. Những thông số chính xác mà điều tiên quyết để cấp trên hạ mệnh lệnh tập kích sân bay Gia Lâm thắng lợi. Trận đánh khiến rung chuyển toàn bộ hệ thống phòng thủ nghiêm ngặt không chỉ ở sân bay Gia Lâm. Giặc Pháp càng căm tức và quyết lùng bắt bằng được Hà Văn Thuận.

Đầu năm 1952, chiến sĩ biệt động Hà Văn Thuận bị giặc Pháp bắt đi đày ở nhà tù Côn Đảo khi vừa thực hiện nhiệm vụ cắm cờ đỏ sao vàng vào cột cờ sân bay Gia Lâm. Từ đây bắt đầu trang bi kịch lớn, những thử thách nghiệt ngã đến với người biệt động quả cảm lừng danh một thời trên mảnh đất Gia Lâm.

Quá căm thù người đã sát hại hàng chục ác ôn, Việt gian, sĩ quan Pháp, một tên quan ba Pháp đã trắng trợn lừa cướp vợ của Hà Văn Thuận bắt làm vợ mình. Sau này biết được, người kiên gan như Hà Văn Thuận đã nhiều lúc phẫn uất ngồi im như pho tượng hàng tiếng đồng hồ. Sự khốc liệt của chiến tranh không thể dễ gì kể ra hết bằng giấy mực. Có những khúc đường đời vô cùng cay nghiệt mà chỉ có những người quả cảm, biết hi sinh đến tận cùng mới có thể kiên gan để vượt qua.

Năm 1955, ra khỏi nhà tù Côn Đảo, Hà Văn Thuận trở về Gia Lâm với hai bàn tay trắng. Người vợ đã bị tên quan ba Pháp cướp mất. Ngay cả những giấy tờ, chứng tích của con hùm xám lừng danh cũng mai một. Khó khăn chồng chất khó khăn. Những đồng đội chiến đấu sát cánh năm xưa người đã hi sinh, người đã lưu lạc phương trời xa lắc. Gạt qua mọi lỗi đau, Hà Văn Thuận theo căn dặn cũng là di nguyện của người cha đã khuất đã gắng tìm hạnh phúc riêng cho mình, ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Thanh Tân sinh năm 1931 rồi sinh lần lượt được 12 người con. Những năm đó vô cùng cơ cực, thiếu đói, ngay cả ở góc độ tinh thần cũng luôn là những thử thách dằng dặc với Hà Văn Thuận. Vợ chồng ông chỉ biết gồng mình trong cuộc sống để nuôi các con mà còn cơ cực hơn nữa khi các cơ quan tổ chức dường như đều đóng cửa quay lưng với những thành tích chiến đấu của người lính biệt động thành. Chỉ duy nhất những người như tướng Phùng Thế Tài, bà Hà Thị Quế - người chị kết nghĩa, vị lão thành cách mạng lừng danh vùng đất Bắc Giang sau này làm Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam vẫn thi thoảng qua lại động viên người em chịu nhiều thiệt thòi Hà Văn Thuận. Thời gian dần nguôi ngoai, các con lớn lên, Hà Văn Thuận hiểu được đạo lý ở đời cao nhất là biết hi sinh vì Tổ quốc, vì nghĩa lớn.

Hà Văn Thuận như bao đồng đội, nhân dân đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh. Chúng ta đừng né tránh cũng như đừng sợ hãi khi phải thống kê các cuộc chiến tranh. Lịch sử Việt Nam là lịch sử các cuộc chiến tranh nối tiếp nhau, cuộc nào cũng vô cùng thảm khốc với vô vàn góc khuất mà Hà Văn Thuận là một trong số đó. Với Hà Văn Thuận, sống khi không tự chứng minh được cho mình càng khốn khó. Đương nhiên ông hiểu bước qua được chính là phải đi hết bao nhiêu biển lớn, thật không thể gọi ra. Giống như sự mất mát hi sinh của nhân dân làm sao có thể gọi hết ra. Nhân dân đã trải qua bao nhiêu biển cơ cực, biển lầm than, biển mất mát đau thương với hàng triệu tính mạng bị tước đoạt, cướp giật vật chất và tinh thần để đi từ người nô lệ đến ngày thống nhất đất nước, đến cuộc sống hôm nay là đau đớn lắm. Hẳn trong những biển dầu vạc lửa đó, một trái tim như Hà Văn Thuận chắc chắn là rất đớn đau. Ông đã đi đến tận cùng của nỗi đau để gạn lọc và nâng niu những hạt vàng nhân nghĩa, điều mà suốt đời ông theo đuổi. Tôi luôn hình dung Hà Văn Thuận như một thủy thủ trưởng cùng với đồng đội, gia đình chèo chống con thuyền giữa đêm đen gió lốc. Phía xa là ngôi đèn biển nhập nhoạng gió bão quật tơi bời chốc chốc lại chìm tắt mãi mới nhóa lên. Bốn bề sóng gió đập ầm ầm trên những thân người đầy vết sẹo đang căng sức rực lên từ ánh mắt vị thủy thủ trưởng đến những cặp mắt lóe sáng nhìn về một hướng. Con thuyền chao lắc dữ dội tưởng như có thể vỡ tung trước sóng gió bất kỳ lúc nào, mà kỳ lạ thay, nó vẫn cắt một đường thẳng tiến về cây đèn biển. Trong sóng gió gào thét, tiếng người dường như bị bạt đi, chỉ những đôi mắt hướng theo cặp mắt rực sáng của người thủy thủ trưởng về phía cây đèn biển. Và đoàn người đã vượt qua vùng biển đầy sóng gió giữa đêm đen với sự cương cường, nhất nhất cùng một hướng. Hà Văn Thuận là như thế, luôn kiên nhẫn đến cùng, luôn đi đầu tiên và là chốt chặn cuối cùng của đồng đội, của người thân.

Đời người bãi bể nương dâu. Một người như Hà Văn Thuận chắc chắn đã sớm nhận ra điều đó. Tôi tiếp xúc với các nhân chứng gần gũi với ông trong đó có nhiều người coi ông như máu thịt, đó là cụ Ngô Tiến Sỹ từng là thanh niên xung phong có biệt tài tháo bom nổ chậm hiện ở Bồ Đề, Long Biên, em ruột của người tù Côn Đảo Ngô Tiến Nhân bỗng bâng khuâng như đang đánh mất một điều gì. Một thế hệ những người như ông thanh thản ra đi vào chốn vô cùng khi đã đi trọn vẹn biển của chính mình, biển do mình lựa chọn bằng trí óc, bằng máu và bằng mạng sống đã cho chúng tôi sự bâng khuâng chăng? Bâng khuâng thì ích gì? Hãy như ông, thế hệ ông, hãy lập tức làm điều có ích cho đời sống hôm nay mới là điều căn bản. Suy nghĩ vốn dễ dàng mà hành động sao khó khăn quá đỗi. Mới thấy được sự can trường của Hà Văn Thuận khi một mực cầm súng theo cách mạng từ năm chưa tròn hai mươi tuổi đi đầu diệt ác, trừ gian thật phi thường. Rồi sau đó, biết bao thử thách ập xuống đầu, những vết thương cứa vào ông dằng dặc. Cả những giây phút cuối cùng, khi sắp đi hết biển trái tim ông còn rỉ máu. Điều đó là cái gì? Với chúng tôi, câu trả lời thật chẳng dễ dàng.

Chúng tôi được anh Hà Văn Quân, người con trai thứ mười dẫn đến trước ngôi mộ bố mẹ ở nghĩa trang Bồ Đề. Ông bà Hà Văn Thuận - Nguyễn Thị Thanh Tân đã yên nghỉ nơi đây. Dẫu nỗi niềm người chiến sĩ năm xưa còn canh cánh thì ông cũng đã yên nghỉ nơi mảnh đất xưa kia từng thấm máu ông, máu đồng đội ông. Trên trời mây trắng bay thanh thản. Chúng tôi, những hậu sinh mong muốn ông cũng thanh thản như mây trắng đang bay ở trên trời.

Nguồn: Tinh hoa Việt 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)