Mạc trà

Thứ Ba, 18/02/2020 10:34

.Truyện ngắn dự thi. TRIỀU LA VỸ

1.

Tôi bưng khay trà đứng ngập ngừng hồi lâu trước cửa phòng Nhân Quốc công Mạc Đăng Dung. Từ ngày Mị vào cung hầu vua, Nhân Quốc công như người mất hồn, tính tình lúc mưa lúc nắng. Đao trà tôi pha thế nào cũng bị ngài quở mắng té tát. Có hôm ngài bực dọc ném cả khay trà xuống nền gạch. Những chén trà vỡ đôi, đỏ như máu. Tôi kinh hãi quỳ xuống. Nhân Quốc công vung roi gai quất như điên như dại vào lưng tôi. Đánh chán thì bỏ đi. Hôm sau ra triều, Nhân Quốc công trút giận dữ vào bọn quan lại đến chầu. Nhẹ thì bị đánh đòn. Nặng thì bị chém bêu đầu ở chợ Đông.

Tôi chơi với Đăng Dung hồi còn ở truồng té nước nghịch nhau ở cửa Giai. Lớn lên vẫy vùng cùng sóng nước Cửu Biều chín khúc xanh lặc lìa. Đăng Dung khỏe và bơi giỏi nhất làng Cổ Trai. Năm nào đua ghe mừng xuân vùng Kiến Thụy, đội Cổ Trai của tôi và Đăng Dung cũng về nhất. Con gái xóm dưới làng trên ai cũng mơ được nâng khăn sửa túi cho chàng ngư phủ giỏi nhất vùng. Nhưng Đăng Dung sớm nuôi chí lớn. Mười bảy tuổi, Đăng Dung đã rời làng ngược sông Cửu Biều lên Thăng Long, rồi đi khắp nơi tìm thầy học võ. Mười năm sau, lúc Đăng Dung đã đỗ Đô lực sĩ, được sung vào Châu túc vệ vác đao theo hầu vua Lê thì tôi chỉ là thằng Bằng khù khờ, nghèo khổ, suốt ngày quanh quẩn buông lưới ở đầm Lá. Hôm vua Lê dừng chân ở làng, Đăng Dung đến lều tranh rủ tôi đi cùng. Tôi theo về ở với Đăng Dung từ đó chỉ để pha đao trà cho Đăng Dung mỗi sáng, thứ trà có lá xanh nõn và nhọn hoắt như một lưỡi đao. Đăng Dung mê đao trà từ thuở theo thầy học võ ở mạn ngược. Đao pháp bất khả chiến bại của Đăng Dung do một dị nhân ẩn danh truyền dạy, còn đao trà do một sơn nữ bày cho. Đao trà làm cơ thể Đăng Dung thêm cường tráng và làm đao pháp thêm linh hoạt, dũng mãnh nên Đăng Dung quý nó lắm. Ngày nào Đăng Dung cũng uống đao trà do tôi pha nhưng thi thoảng chắc lưỡi tiếc rẻ bảo rằng nhớ vị trà đằm thắm của người trong mộng. Khi được vua Lê phong làm Trấn thủ Sơn Nam, Đăng Dung liền sai tôi lên đón người sơn nữ nọ. Tôi đến nơi gặp lúc cháy rừng dữ dội, dị nhân và nàng sơn nữ chết thảm, chỉ cứu được một bé gái chừng mười tuổi. Đó là Mị, giống nàng sơn nữ như tạc, lại khéo pha đao trà. Đăng Dung yêu lắm, nhận ngay làm con nuôi, ngày ngày vui đùa cùng Mị bên chén đao trà do Mị pha sau mỗi lần luyện võ...

Tôi được Mị chỉ thêm cách pha trà. Nhờ khéo tay và chịu khó, chẳng mấy chốc tôi đã học xong bí quyết. Đao trà tôi pha rất đằm và thanh tao đến Mị cũng ghen tị. Thỉnh thoảng Mị nhờ tôi pha trà cho nàng dâng lên cha nuôi. Những lần ấy Nhân Quốc công đều hể hả khen ngon. Nhưng từ hôm bị đòn đau tôi bắt đầu thấy thấp thỏm lo âu. Mạng sống của tôi như chỉ mành treo chuông. Tôi biết tính Đăng Dung từ nhỏ, đã yêu ai yêu cái gì là yêu đến dại cuồng. Vì thế tôi có thể bị làm thịt như con chó ghẻ bất cứ khi nào.

 

*

* *

Tôi đẩy cửa bước vào. Lòng tôi run lên vì sợ hãi. Nhân Quốc công đang ngồi chễm chệ trên sập rồng, hai bên tả hữu cầm lọng phượng dát vàng đứng hầu. Từ ngày vua Quang Thiệu thân đến phủ đệ gia phong chức Thái phó, Nhân Quốc công bắt đầu dùng lễ nghi thiên tử. Ngài đi bộ thì lọng phượng dát vàng, đi thuỷ thì thuyền rồng dây kéo, ra vào cung cấm không kiêng sợ gì. Mọi quyền hành trong triều ngoài nội đều thuộc về Nhân Quốc công cả. Tôi đặt khay trà trước sập, run rẩy rót. Trà chảy từng sợi vàng ươm trong vắt vào chiếc chén mắt trâu màu gan gà trông óng ánh như ngọc, hương tỏa ra thơm ngát. Nhân Quốc công bưng chén trà, lơ đễnh nhìn làn khói mỏng mảnh bay lên. Tôi vỗ tay ra hiệu. Một đô lực sĩ bước vào, hai tay nâng niu một cuộn tranh lụa. Bức tranh “Thiếu nữ trước gương” này tôi phải mất cả trăm lạng bạc mua rượu quý để nhờ một tay họa sĩ kì tài ẩn danh vẽ nên từ một bức truyền thần cũ. Thiếu nữ trong tranh giống hệt Mị và sống động như thật khiến ai nhìn cũng ngỡ ngàng xao xuyến như đang chạm vào những hổn hển, thổn thức của mĩ nhân. Thiếu nữ đang đứng làm dáng trước gương đồng, chiếc áo lụa màu hồng cánh sen mỏng dính bó sát người làm nổi rõ làn da trắng nõn và những đường cong tuyệt mĩ trên thân thể nở nang, căng đầy. Đôi môi nàng mọng đỏ. Nét mày thanh tao. Đôi mắt nàng đen láy và đầy vẻ hoang dại, ai trót nhìn vào đấy rất dễ bị hớp mất hồn vía. Góc trái bức tranh, ngay dưới gót chân thiếu nữ có một vệt đỏ tươi hình một bông hồng chớm nở. Đó là máu phụt ra từ cổ họng gã họa sĩ ẩn danh văng vào khi bức tranh hoàn thành. Tôi cho treo bức tranh lên vách rồng. Lòng thấp thỏm.

Nhân Quốc công bưng chén trà chậm rãi rời sập rồng, ánh mắt sáng rực lên ngỡ ngàng trước khuôn mặt diễm kiều của thiếu nữ. Tôi đến bên Nhân Quốc công, giọng run run:

- Mời Nhân Quốc công ngự trà… kẻo nguội.

Nhân Quốc công giật mình. Chén trà sóng sánh nhểu mấy giọt xuống long bào. Ngài nhấp môi, chiếp chiếp khen đao trà thơm ngon, đằm thắm hơn hẳn những cữ trà trước đây. Rồi Nhân Quốc công thưởng ngay cho tôi hai xấp nhiễu và mấy trăm lạng bạc. Xong, ngài cầm bút son đứng tần ngần một đỗi rồi phóng bút chém vào góc trên bức tranh một chữ Y đỏ tươi. Nét bút sắc như nhát đao. Tôi rợn gai ốc. Đấy là tên húy của vua Quang Thiệu.

 

2.

Từ ngày vào cung, Mị hay ngắm nghía những chiếc lá xanh nõn hình lưỡi đao khi pha trà dâng vua. Mị thường cầm chúng miết nhẹ vào thành ấm, run rẩy như đang mài những lưỡi đao thép. Nàng bần thần nhớ lại ánh mắt khác thường của cha nuôi ngày tiến cung. Ánh mắt khiến Mị đau đớn hổ thẹn…

Mị giật mình ra khỏi dòng suy tưởng khi đứa hầu gái hớt hải chạy vào báo tin vua đến. Mị phẩy tay cho lui. Sáng nay, Nhân Quốc công ra lệnh chém bêu đầu bọn thị vệ thân cận của vua vì ngờ chúng mưu tạo phản. Vua hãi quá chết giấc trên ngai vàng. Đến trưa vua bày rượu uống một mình ở Vọng Nguyệt lâu. Vì thế Mị biết thế nào vua cũng đến tìm Mị. Nàng lấy khăn nhúng nước hoa, vắt thật ráo, rồi tỉ mẩn lau ngọc thể. Ở phòng Mị lúc nào cũng sẵn một chậu đồng ngâm những bông hồng đỏ vừa chúm chím nở. Hương hoa ngan ngát dìu dịu khiến Mị thấy lòng dễ chịu. Nàng chậm rãi thay áo. Thứ vải lụa mỏng dính, mịn màng, mềm mượt, chảy mát rượi trên da thịt khiến nàng thích thú. Nàng vấn lại mái tóc cho gọn rồi đứng tựa cột rồng háo hức đợi.

Mị khẽ rùng mình nhớ lại lần đầu tiên hứng lấy cơn nứng tình man rợ của vua Quang Thiệu vào một đêm tối trời cuối tháng tư. Hôm đó, vua vừa sai chém bêu đầu Lương Phú hầu Lê Bá Hiếu. Hiếu làm loạn ở vùng Đông Ngàn, Gia Lâm bị bắt giải về kinh sư. Dân làng nơi Hiếu ở có hơn năm mươi người toàn già cả, đàn bà và trẻ nít tới cửa khuyết xin chuộc tội cho Hiếu. Vua thương lắm, định tha bổng. Nhưng Nhân Quốc công không cho, sai đem giết ở chợ Đông, bêu đầu ba ngày. Còn bọn dân làng thì đem ra đánh đòn giữa chợ. Cả kinh thành đều rúng động.

Trời vừa tối vua chân nọ đá chân kia khệnh khạng bước vào phòng Mị. Quần áo xộc xệch. Mùi rượu nồng nặc. Mặt đầy vẻ u uất buồn đau. Vua sai Mị pha đao trà. Ngày thường vua ghét cay ghét đắng thứ trà được pha chế từ những chiếc lá tươi nõn, thoạt nhìn giống như một lưỡi đao sáng quắc lúc nào cũng kè kè bên hông bọn tả hữu thân tín của Nhân Quốc công. Vua thường đùa rằng ta không muốn đứt cuống lưỡi dưới lưỡi đao sắt máu oan nghiệt kia. Nhưng khi bị xúc động quá mức vì một sự cố hệ trọng nào đó, vua lại nằng nặc đòi uống đao trà.

Mị pha đao trà, lòng nơm nớp sợ hãi. Búp tay “tam long giá ngọc” trắng muốt khẽ run rẩy lúc dâng trà. Vua sỗ sàng đón lấy, vừa thổi vừa uống. Vua có vẻ nóng nảy hấp tấp với chén trà đầu tiên. Đến chén tiếp thì mặt rồng đã hừng lửa, mắt rồng hơn hớn dục tình. Vua nhịp đùi vừa nhấp từng ngụm trà nhỏ vừa bắt Mị cởi áo. Từng lớp lụa trên người Mị rơi xuống trong ánh mắt hấp háy đầy vẻ thèm thuồng của vua. Khi trên mình Mị chỉ còn một lần lụa mỏng dính thì cũng là lúc cơn nứng tình của vua lên đến cực độ. Vua chồm tới chụp áo Mị giật mạnh. Từng tiếng lụa rách toạc vang lên trong tiếng reo khe khẽ đầy vẻ thích thú. Mị lấy tay che đôi chũm cau, đứng trần truồng xấu hổ nép vào cột rồng. Mặt vua thộn ra. Mắt nhìn sững. Ngẩn ngơ. Ngây dại. Ánh mắt hau háu của vua như muốn dằn ngửa Mị ra, ngấu nghiến trên cặp nhũ hoa bé xíu đang run lên từng hồi vì thẹn. Mắt rồng cuống quýt trườn xuống, dừng lại hổn hển trên chiếc rốn màu chu sa đẹp như hoa hàm tiếu. Cơ thể mảnh mai trắng nõn của Mị căng cứng, ánh mắt vua chạm vào đâu là nơi đó nóng bỏng, run rẩy. Chợt vua vùng đứng thẳng, giật phăng sợi dây buộc lưng. Vua đẩy Mị đứng sấp mặt vào cột rồng rồi cầm dây quất như mưa lên tấm lưng ngà ngọc mảnh dẻ của Mị. Tàn bạo. Hả hê. Điên dại. Như thể bao lâu nay Mị là kẻ đã gây nên những nhục nhã hèn đớn của vua. Mị cắn răng, nuốt từng cơn quằn quại vào lòng. Nước mắt nước mũi giàn giụa.

 

*

* *

- Vú Lài ơi, nhanh lên… nhanh lên…

Giọng đứa hầu gái hổn hển, hối thúc. Nó quắn quíu chạy trước, vú Lài tất tả chạy theo. Phòng Mị tối hù. Khắp nơi vương vãi những mảnh lụa rách tướp. Mị đang quỳ ôm cột rồng, tấm lưng trần mảnh mai chi chít những lằn roi rướm máu. Vú lặng lẽ đắp xác trà lên vết thương cho Mị. Chậm rãi, tỉ mẩn từng lá. Mị khẽ rên lên đau đớn. Những chiếc lá trà thít chặt vào vết roi làm dịu bớt sự căng tức nhức nhối cho Mị. Lá trà đắp một chặp thì đổi màu, bong ra, vú Lài nhẹ gỡ đi rồi thay lá khác. Vết thương sau ba ngày sẽ lên da non. Chừng một tuần trăng thì liền sẹo.

Minh họa: Nguyễn Vân Chung

Vú Lài vừa đắp lá thuốc cho Mị vừa đau đớn như chính mình đang chịu những nhát roi tàn bạo. Vú mặc áo cho Mị, tay khẽ run. Ôi, Mị đã chịu đựng thế này bao nhiêu lần rồi Vú không nhớ nữa. Nhìn cái bụng đã bắt đầu lum lum của Mị lòng vú quặn thắt. Mắt cay xót. Không biết khi hoàng thượng hả hê quất những đòn thù hèn mạt vào lưng Mị, người có biết mình đang làm rướm máu một giọt rồng?

- Vú đang khóc đấy ư?

- Đâu có. Ai rỗi hơi mà khóc cho cô chứ.

Mới canh ba, cửa phòng vú Lài run lên bần bật trong tiếng đập cửa gấp gáp. Vú lật đật chạy ra mở then cài. Mị ào vào ôm chầm lấy vú Lài khóc nức nở. Vú ôm vai Mị vỗ về. Tim thắt lại.

Giọng Mị nghẹn ngào đứt quãng:

- Hoàng thượng... đã bỏ cung đi rồi, vú ơi!

Vú Lài tròn mắt sững sờ. Sao hoàng thượng phải lìa cung? Hoàng thượng chạy trốn những nhục nhã ê chề hay người muốn dựng lại đế chế nhà Lê rực rỡ như xưa? Ôi, thật là hoang tưởng, điên rồ! Hoàng thượng sẽ sớm chịu hình phạt tàn khốc, có thể là một cái chết thảm thương bởi cơn giận dữ đầy thú tính của Nhân Quốc công. Vú Lài quay mặt, khẽ nén tiếng thở ra. Lòng vú tràn ngập một nỗi sợ hãi và đau đớn. Thương Mị quá...

Mị bỗng đẩy vú Lài ra, giọng chua chát:

- Vú giết ta đi. Giết đi…

Vú Lài hốt hoảng:

- Con hãy bình tĩnh lại. Nhân Quốc công sẽ đưa Hoàng thượng trở về.

Mị trật tay áo lấy ra một gói giấy nhỏ ném xuống đất. Vú Lài khẽ rùng mình. Đó là nhuyễn cốt tán. Một thứ độc dược không màu, không mùi, không vị. Gói độc dược này hẳn Nhân Quốc công đã tận tay trao cho con gái nuôi ngày Mị vào cung. Nếu hoàng thượng có ý phản bội Nhân Quốc công, Mị sẽ pha nó vào đao trà hay một thức uống nào đó dâng lên cho người. Độc dược sẽ tức khắc làm Hoàng thượng nằm liệt giường chờ chết. Nhưng nếu Mị chần chừ, con dao trong tay vú Lài sẽ vung lên. Chỉ cần một nhát. Ngay trái tim. Đằm. Chắc. Và sâu. Mị quỳ xuống, ánh mắt căm hờn:

- Vú đừng giả nhân giả nghĩa nữa. Xuống tay đi. Nếu không ta sẽ giết vú, giết cả họ Mạc.

Vú Lài sững người, kinh hãi. Mị biết tất cả rồi ư?

“Nếu nó không nghe lời ta…”.

Giọng Nhân Quốc công khàn đặc và lạnh lùng vang lên. Âm thanh rờn rợn chết chóc như tiếng gọi của quỷ sứ vọng về từ địa ngục. Ngọn đèn dầu lạc đặt ở góc phòng bỗng cháy rực lên run rẩy một ngọn lửa hình giọt máu. Vú Lài lấy con dao ra. Con dao họ Mạc chém sắt như chém bùn ấy vú giấu rất kĩ dưới vạt giường.

“Nếu nó không nghe lời ta…”.

Vú Lài nhìn chằm chằm vào lưỡi dao bén ngời ánh thép. Rồi nhìn xuống ngấn cổ trắng ngần nổi li ti những gân máu của Mị. Mị ưỡn ngực ngạo nghễ. Bầu vú tròn căng phập phồng kiêu hãnh dưới lần lụa mỏng. Hai núm nhũ hoa nhỏ nhắn đã bắt đầu đổi màu tim tím. Chỉ vài tháng nữa thôi một hoàng nhi sẽ chào đời, nó sẽ háo hức mím cặp môi bé xíu xinh xắn vào đấy và hồn nhiên đi hết một phận người...

Vú Lài ném con dao vào gầm giường và quỳ xuống ôm chầm lấy Mị. Nước mắt họ giàn giụa trên vai nhau. Trời còn mờ mờ tối, vú Lài và Mị đã lẻn khỏi hoàng cung, đi như chạy về phía những cánh rừng xa thẳm...

 

3.

Tôi vác túi gai rón rén bước vào phòng Nhân Quốc công. Không gian mờ tối và vắng lặng đến lạnh người. Bức tranh vẽ thiếu nữ trên vách rồng hình như vừa xao động.

Từ ngày Mị bỏ trốn, Nhân Quốc công trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn hơn. Ngài lập vua mới. Dựng triều chính riêng. Kẻ nào khác ý đều bị chém. Đến em rể là Tiến Quận công Nguyễn Lĩnh chỉ vì làm mếch lòng em gái cũng bị ngài giết bỏ. Đêm đêm Nhân Quốc công bưng chén đao trà ngồi lặng bên bức tranh. Mắt vằn đỏ. Ngài vừa nhấp trà vừa rủ rỉ kể lại chuyện triều chính, bày tỏ những bực dọc buồn vui, những ý định và tham vọng của ngài. Những lúc đó tôi thấy ngài cô đơn làm sao. Khi ấm đao trà vừa hết, ngài đứng dậy tần ngần chạm khẽ những ngón tay sần sùi cục mịch lên bức tranh thiếu nữ có đôi mắt hoang dại đa tình, làn môi căng mọng và bầu ngực mây mẩy. Những ngón tay run run. Tôi thấy khó thở. Như có một cơn ghen tức mơ hồ chẹn ngang ngực. Tôi ghét Mị ghê gớm, ghét đến độ nếu Mị đứng đây tôi sẽ nắm tóc Mị đè ngửa ra, cào cấu đến tan nát mặt mày mới hả. Sao ngài phải đau khổ vì Mị chứ? Rồi như kẻ đang lên đồng Nhân Quốc công vung bút son chém vào tranh một cái tên. Như vung đao chém đầu. Tôi rợn người như đang chứng kiến một cuộc hành quyết…

Tôi thả túi gai xuống nền gạch, mắt chợt hoa lên. Tôi vừa thấy bóng đao vút qua sáng lòa một góc của bức tranh. Tên húy của vua Quang Thiệu đập thoi thóp đỏ lòm giữa chi chít tên người.

- Bằng Công công nhớ Mị à?

Tiếng Nhân Quốc công rít lên sắc lạnh sau lưng như tiếng hổ dữ xé thịt con mồi. Tôi kinh hãi không dám nhìn vào tia mắt lấp loáng ánh đao của Nhân Quốc công. Tôi ngồi xuống run rẩy mở túi gai. Khuôn mặt nhợt nhạt còn nguyên nỗi hoảng loạn của vua Quang Thiệu ló ra. Bốn năm trước vua Quang Thiệu bỏ ngai vàng chạy ra ngoài chiêu binh mãi mã chống Nhân Quốc công, không bao lâu thì bị bắt và bị phế thành Đà Dương vương. Nhưng Nhân Quốc công còn hận vua lắm nên sai Bái Khê bá Phạm Kim Bảng giết chết vua ở chỗ bị giáng. Nhân Quốc công khi nhìn thấy đầu vua khẽ bĩu môi, cười nhạt... Bút son vung lên. Ánh mắt thiếu nữ trong tranh hấp háy đầy vẻ ác độc. Thêm một cái tên quen thuộc hiện lên đỏ rói trên tranh như màu máu chó.

 

*

* *

Bấy giờ đã là tháng sáu, cây gạo đầu làng Cổ Trai đang độ mãn khai. Từ nhà thờ tổ họ Mạc nhìn ra thấy vương vãi trên nền trời xanh những vũng đỏ sẫm như máu. Thái sư An Hưng vương Mạc Đăng Dung mặc áo phượng, thắt đai ngọc, ngồi trên sập rồng, hai bên có tả hữu cầm quạt hoa, tán tía đứng hầu. Tôi dâng đao trà lên. Vương nhấp từng ngụm gật gù. Hết tuần trà thì các quan vào lạy xin chỉ dụ. Đã mấy tháng nay mọi việc trong triều ngoài nội vương đều giải quyết ở Cổ Trai. Vương ngồi chễm chệ trên sập rồng nghe các quan tung hô vạn tuế hài lòng lắm. Mắt vương sáng rỡ, thứ ánh sáng đầy khao khát thèm muốn tôi chỉ thấy những lần vương vờ lơ đễnh nhìn ngai vàng. Tôi ngước nhìn vương lòng tràn ngập niềm yêu kính ngưỡng mộ. Khuôn mặt chữ điền. Cặp mày ngài. Đôi mắt phượng. Dáng ngồi uy nghi. Vương thật xứng là bậc thiên tử. Chỉ có đôi bàn tay to bè thô kệch của một gã đánh cá quê mùa thật bất xứng. Nó như một vệt ố xấu xí trên một viên ngọc quý. Vương thường giấu đôi tay dưới áo lụa. Ai trót đặt ánh mắt vào đấy sớm muộn gì cũng bị vương hại chết. Nhưng không hiểu sao tôi yêu bàn tay ấy đến mê mệt. Mỗi lần vương nhón tay khe khẽ đón lấy đao trà như sợ chén ngọc vỡ nát, tôi thấy nó thật tội nghiệp và đáng yêu làm sao.

Có tiếng rộn ràng dưới sập rồng. Ai đó đang sang sảng đọc thơ ca ngợi vương. Các quan quỳ tung hô vạn tuế. Tôi đang phe phẩy quạt phượng quạt hầu vương giật mình suýt sặc văng ra một tràng cười. Cái quạt này do vua ban cho, trên tán quạt chép bài thơ ngự chế tên là “Chu công giúp Thành vương”. Bài thơ ca ngợi thời thịnh trị của vua Thống Nguyên và công đức ngời sáng như Chu công của vương. Nó khôi hài. Lố bịch. Trơ trẽn. Vương nghe xong bài thơ, ánh mắt tối sầm lại. Ngài giật lấy quạt phượng ném xuống nền gạch, giọng giễu cợt:

- Nó tưởng mình là ai chứ, Thành vương à?

Các quan gằm mặt xuống đất, không dám hó hé nửa lời.

Hôm sau, vương đi kiệu tía về kinh sư. Tôi vác quạt nghênh ngang vào thẳng điện rồng cùng vương. Trăm quan quỳ xuống lạy mừng, tung hô vạn tuế. Vua Thống Nguyên thoái vị. Lại bộ thượng thư Trương Phu Duyệt không chịu thảo chiếu nhường ngôi, còn lớn tiếng mắng bậy liền bị tôi sai bọn túc vệ kéo ra ngoài cắt lưỡi.

Hôm ấy, An Hưng vương Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, đổi niên hiệu là Minh Đức, đại xá thiên hạ. Vua phế Thống Nguyên đế làm Cung vương, đem giam vào cung Tây Nội cùng Thái hậu. Lúc đó là cuối mùa hạ năm Đinh Hợi 1527.

Vài tháng sau, vào một ngày trở gió cuối thu, tôi theo lệnh vua dẫn bọn túc vệ đến cung Tây Nội ban đao trà cho Cung vương và Thái hậu. Cung vương gục mặt rũ rượi. Thái hậu chỉ tay về phía điện rồng mắng rằng:

- Thằng chó lợn họ Mạc đại nghịch bất đạo kia, trời sẽ không dung cho con cháu mày đâu.

Tôi quát bọn túc vệ ào đến đè ngửa hai người xuống sàn gạch, cạy răng đổ đao trà thuốc độc vào. Trong tích tắc cả hai đều giật cục, ngoẹo đầu, mép sùi bọt cua. Đôi mắt trắng dã của Thái hậu nhìn tôi trừng trừng phẫn hận.

 

4.

Trời biên giới những ngày cuối đông mờ mịt nước. Mưa dường như không muốn tạnh. Những bông hoa dại li ti trắng muốt như tuyết run rẩy xòe cánh trên những vách đá tai mèo đẫm rêu. Gió hú từng đợt thê thiết. Cái rét nhói vào da thịt như dao cắt. Đoàn người ngựa thất thểu xuôi về phương Nam. Thượng hoàng Đăng Dung than mệt phải dừng lại mấy lần cho thái y bấm huyệt và uống thuốc. Đô Lâm đổi vai vác đao lo lắng nhìn vẻ mặt hốc hác già nua của Thượng hoàng lòng đầy thương cảm. Xa xa cột đá “Trung liệt” hiện ra lừng lững. Đoàn người đến nơi, ai cũng đứng kính cẩn bái cột đá mấy bái rồi mới lặng lẽ dời gót. Tháng trước, Thượng hoàng cùng các bề tôi, ai cũng cầm thước, buộc dây ở cổ, đi chân không thành một hàng dài đến trấn Nam Quan dâng biểu hàng nhà Minh. Đoàn người vừa đến đây thì có một nhà sư quỳ giữa đường khẩn khoản xin đừng đi. Nhưng Thượng hoàng không lay chuyển. Nhà sư uất ức lao đầu vào cột đá chết thảm. Thượng hoàng ôm xác nhà sư nghẹn ngào: Sao phải đến nông nỗi này, Bằng ơi! Đô Lâm tái mặt. Lẽ nào người vừa lẫm liệt ngã xuống kia là Bằng Công công? Vào cung theo hầu thượng hoàng năm Ất Dậu, Đô Lâm được nghe kể nhiều chuyện về Bằng Công công. Ngài bỏ hoàng cung lúc Mạc Đăng Dung lên ngôi mới có vài tháng. Không biết vì lí do gì. Không biết đi về đâu. Chỉ biết sau bữa ấy, Mạc Thái tổ giận dữ cho chém mấy chục mạng bị nghi là đồ đảng của Thái hậu. Vua còn cho san phẳng cả tôn miếu nhà Lê…

Gần trưa, cả đoàn dừng chân ở bìa một rừng trúc. Trời tạnh và hanh khô. Nắng giòn. Lá trúc xanh mướt. Tiếng chuông chùa văng vẳng lúc gần lúc xa. Đô Lâm đưa Thượng hoàng men theo lối nhỏ len giữa những bụi trúc xinh xắn tìm đến cổng tam quan. Qua khỏi cổng, bước lên chừng hơn trăm bậc đá phủ rêu là đến sân chùa. Chùa có tên là Tịnh Tâm, quay mặt về phương Nam. Trước nhà tiền đường có đặt hương án. Khói trầm nghi ngút. Hai người vào Phật điện thấy vắng vẻ. Trên bệ thờ là tượng Quan Âm Diệu Thiện bằng gỗ tạc rất tinh xảo với khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt man mác một nỗi buồn đẹp đến nôn nao. Cạnh tượng Phật bà là tượng một hài đồng đang nhón chân níu lấy một cành đào trĩu quả, miệng cười rất hồn nhiên. Thượng hoàng bước đến chiếc chiếu cói đặt ngay ngắn trước tượng Phật. Ngài quỳ xuống. Lưng thẳng. Hai tay đặt trước ngực thành kính. Mắt nhắm nghiền. Khuôn mặt phảng phất vẻ ưu tư sầu muộn. Từ ngày con trai là Mạc Đăng Doanh mất, Thượng hoàng suy sụp hẳn. Cái chết tức tưởi của Bằng Công công vừa rồi hẳn đã chém vào tim Thượng hoàng một nhát chí mạng. Bao nét già nua, đau khổ hằn rõ trên mặt rồng. Nhìn ngài không ai ngờ đó là kẻ đã từng vung đao dọc ngang trong triều ngoài nội để kiêu hãnh giành lấy ngai vàng cho họ Mạc.

Một hồi chuông đột ngột vang lên, tiếng ngân đọng rất lâu trên mái đao cong vút. Thượng hoàng đứng dậy chậm rãi bước ra hiên chùa. Nắng chảy tràn trên sân cỏ. Ngài đi về phía cây mít cổ thụ bên hông chùa. Dưới gốc cây có một chiếc bàn đá. Trên bàn ai đó vừa đặt một khay trà. Ấm trà màu đỏ chu sa đã xỉn màu, mũi vòi mẻ mất một miếng. Ấm trà nghi ngút khói. Bọt trà trắng phau tràn trên nắp ấm, miệng vòi. Mắt Thượng hoàng sáng lên đầy vẻ háo hức. Ngài ngồi xuống lật đật rót trà ra chén mắt trâu. Nước trà sóng sánh. Chảy thành sợi. Trong vắt. Hương thơm dịu. Thượng hoàng nhón tay nâng chén trà lên. Ngài khẽ nhấp môi. Chiếp chiếp. Mắt lim dim. Đầu gật gù. Nét mặt giãn ra. Bao mệt nhọc đau khổ dường như tan hết. Thượng hoàng lẩm bẩm:

- Không gắt và đằm như đao trà nhưng hương vị thanh tao thì vô cùng quen thuộc.

- A di đà Phật. Chốn thiền môn chỉ có mỗi tâm trà đãi khách.

Giọng nói êm ái, trong trẻo như thiếu nữ mới lớn làm run rẩy những sợi khói mỏng mảnh trên chén trà. Đô Lâm và Thượng hoàng quay lại ngỡ ngàng. Trước mặt họ là một sư bà trong bộ áo nâu sồng bạc phếch. Khuôn mặt phúc hậu từ bi. Những nếp nhăn chạy ngang trán, chảy dài hai bên má và hai bên khóe miệng không giấu nổi vẻ diễm kiều một thuở. Đôi mắt sư bà dài như lá trúc, đẹp mênh mang thánh thiện như mây trắng cuối trời. Ánh mắt Thượng hoàng chạm vào đó ngẩn ngơ, bối rối. Ngài khẽ cúi xuống, thở dài. Chưa bao giờ Đô Lâm thấy Thượng hoàng nhỏ bé và yếu đuối đến thế.

- Ta phải thế nào để Phật nhận làm học trò?

Bàn tay lần tràng hạt khẽ dừng lại. Búp tay trắng nõn và đẹp như một búp sen.

- A di đà Phật. Cửa thiền rộng mở. Buông bỏ là còn. Dừng lại là đến nơi. Ngài là Phật sẽ thành.

Thượng hoàng nhăn mày ngẫm ngợi hồi lâu. Rồi ngài ngửng mặt lên, mắt long lanh như có nước. Ngài nhìn vào mắt sư bà, giọng run rẩy:

- Ta muốn thưởng thức tâm trà mỗi sáng được chăng?

Sư bà mỉm cười, ánh mắt nhìn Thượng hoàng ngập tràn từ ái:

- Khi tâm không còn gì vướng bận, ngài sẽ được nhấm nháp hương vị của nó từng khắc một. A di đà Phật.

Thượng hoàng im lặng quay nhìn xuống thung lũng. Cả rừng trúc xanh mướt bên dưới dường như sáng bừng lên, lấp lánh giữa nắng trưa chói chang. Thượng hoàng khẽ nghiêng người chào sư bà, rồi đi một mạch xuống núi không ngoái đầu nhìn lại.

 

*

* *

Vừa về đến Dương kinh, Thượng hoàng liền cho người đi tìm chỗ cao ráo và đẹp đẽ xây chùa. Chùa xây hơn nửa năm thì xong. Thượng hoàng vui lắm cho làm lễ khánh hạ rất lớn, rồi thiết đàn cúng cầu siêu ba ngày ba đêm. Từ đó ngày nào Thượng hoàng cũng lên chùa lễ Phật nghe kinh.

Một ngày cuối thu năm Tân Sửu, sét đánh điện Hưng Quốc ở Dương kinh sạt mất nửa mái. Thượng hoàng than mệt. Đô Lâm sai bọn túc vệ kêu thái y. Thượng hoàng không cho. Ngài bảo Đô Lâm đem bức tranh vẽ thiếu nữ đốt đi. Từ ngày lên ngôi vua rồi lui về làm Thượng hoàng, ngài bỏ tranh lạnh lẽo cô độc trên vách rêu tối tăm của lãnh cung. Đô Lâm đem tranh ra sân ném vào lửa. Ánh mắt thiếu nữ nhìn Đô Lâm như một lưỡi đao thép căm hờn. Nó bắt lửa cháy thành ngọn cao vút, tiếng lửa réo trong gió như trăm nghìn tiếng kêu khóc ai oán. Lụa chảy thành vũng như máu. Đêm đó Thượng hoàng mê sảng cứ đòi nghe kinh Phật và đòi uống một chén tâm trà. Đô Lâm giục ngựa lên chùa Tịnh Tâm chỉ thấy đìu hiu hoang phế, trở về đến cổng thành Dương kinh thì hay tin Thượng hoàng đã băng hà…

 

T.L.V

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)