Đêm tháng Tư ấy

Thứ Hai, 20/07/2020 15:15

. ĐỖ VĂN NHÂM

Cuối xuân ta đi thăm tháng Tư
Em nghe chăng rừng xưa lá đổ
Tóc râu anh khói mùa bom cũ
Chập chờn thức ngủ tháng Tư xa...

Chẳng có em ún nào hết, đó chỉ là cách hắn tự hẹn với mình, rằng sẽ đi Tây Nguyên dịp này, 45 năm đất đai không phải gồng mình dưới bom đạn. Trước tết bạn bè trong đó cũng gọi, vào nhé, vào lấy một chuyến. Giờ thảm nạn dịch bệnh Covid-19 trói chân hắn. Dù chỉ hơn một giờ bay, Tây Nguyên vẫn xa vời vợi.

Hắn lính Tây Nguyên ngót 20 năm, biết đôi chút vùng đất ấy. Bấy lâu nay hắn vẫn gói ghém trong lòng thời trai trẻ nhọc nhằn, ùng oàng súng nổ, thời đại vinh danh những binh nhất binh nhì.

Câu chuyện sau xảy ra tại hang đá nhỏ phía nam thị xã Kon Tum một đêm cuối tháng 4 năm 1972, nhưng có cái đuôi vắt tới năm 1975 trong một căn cứ chưa kịp tàn khói lửa ở bắc Sài Gòn.

Ngày ấy ở Đắc Tô, trung đoàn hắn đạp rừng Chư Moray, vượt sông Pô Cô, cắt qua lộ 14 trong đêm giữa hai chốt súng, vào Lôi Hổ. Mũi công phá đó, trong ý đồ chiến dịch phải hốt gọn lực lượng đồn trú ở thị xã, giành quyền kiểm soát địa bàn chiến lược bắc Tây Nguyên. Từ đài quan sát có thể nom thấy hệ thống công sự, nhà cửa, rào kẽm gai, tháp canh... nằm dưới thung lũng. Hắn mới nghe đến đấy thì mê man. Trận bom B52 đánh trúng khu vực bàn đạp tấn công của trung đoàn. Riêng đại đội hắn năm người, đại đội trưởng, hai trung đội trưởng cùng hai chiến binh khác, chung một quả bom lớn, xác người này trộn lẫn xương thịt người kia. Hắn nằm cách đó chừng năm chục thước, bên một gốc cây lớn, sốt rét đang cơn bùng phát, sóng xung kích chẳng hiểu bằng cách nào hoặc do hắn giật mình tự hất thân xác xuống miệng hầm cạnh đó. Hắn thoát chết, trừ một vết thương nhỏ trên vai.

Minh họa: Bùi Quang Đức

Chưa kịp xuất trận đã tổn thất nặng nề, trung đoàn tổ chức đưa số quân bị loại khỏi vòng chiến về tuyến sau. Hắn sốt trên 40 độ, phải nằm trên vai người khác để quay ra. Lại cắt qua lộ 14. Lần này tao ngộ chiến. Tiếng súng, tiếng sấm, tiếng mưa trộn vào nhau. Bản hợp tấu hung tàn của uy vũ thiên nhiên cùng sắt thép trong tay con người, đời lính dính một lần, thấm đến hết kiếp. Đội phẫu thuật tiền phương - một trạm xá trên vai, được tăng cường trung đội vận tải, đêm ấy vừa đấu súng với quân phục kích vừa khiêng cáng, dìu dắt, che chở hai chục ca thương bệnh băng qua đoạn đường chênh vênh dọc khe suối lởm chởm những đá, tấp về khu vực có lợi thế địa hình. Ở đấy một bộ phận đi tiếp về phía sau. Hắn trong số những người tạm thời trú trong hang đá. Hắn bị choáng không biết người ta hạ võng, thay quần áo ướt nước mưa cho lúc nào.

Khi hắn tỉnh dậy, trong hang khá yên tĩnh. Ai đó nằm cạnh hắn vừa ngồi dậy, hơi người còn ấm nóng bên sườn. “Tốt rồi. Anh giỏi lắm!”. À... cô y sĩ của đội phẫu tiền phương. Chập tối cô đã chẳng nói chẳng rằng lật sấp hắn, kéo quần ngoài quần trong của gã trai không quen biết tụt xuống quá đầu gối. Rất nhanh, cô phóng vào mông hắn một ống quinine đặc trị. Cô ủ ấm cho hắn. Cô sẽ không ngần ngại vạch áo cho hắn bú sữa, thay vì những giọt nước từ nắp bi đông. Là hắn nghĩ thế, cô làm gì đã có sữa. Anh sẽ mau khỏe thôi, em phải đi đây, cô nói. Cô ấp tay hắn trong lòng hai bàn tay mình. Ánh sáng từ những chớp giật đủ loại ngoài cửa hang hắt vào, ở những khe rãnh trên vòm đá soi xuống khi có khi không của đèn dù, chỉ cho hắn thấy mờ mờ những đường cong. Chiếc đèn pin duy nhất của đội phẫu tiền phương đã cạn nguồn. Chiếc bật lửa dầu thấm nước mưa. Cô ngồi xuống. Ánh sáng chốc lát của bánh xe liên tiếp quẹt vào đá lửa chẳng đáng kể nhưng rất gần, hắn nhìn rõ hơn. Cô mỉm cười, một gương mặt thật đẹp. Cô đã đi. Đội phẫu tiền phương một lần nữa phải quay trở lại. Súng đạn chừng như đã đợi sẵn. Đôi bên quần nhau rất dữ. Dần dà tiếng AK 47 càng lúc càng yếu ớt. Có thể lực lượng phục kích mạnh vượt trội, quân ta tan nát đội hình. Có thể cô y sĩ cùng đồng đội đã vượt qua hiểm nguy, tiến về phía trước. Sốt ruột, hắn ôm súng lần ra cửa hang. Vẫn mưa. Vẫn bom rơi đạn nổ không ngừng. Nhờ chùm đèn dù máy bay địch mới thả bên kia sườn núi, khu vực cửa hang sáng lên chút ít, hắn chọn được một vị trí ưng ý. Chỗ đó vừa đủ tầm cao quan sát, khống chế vạt rừng phía trước, vừa đủ kín đáo giấu mình.

Lại bom. Bom rền rĩ tứ bề, đang chuyển dịch gần lại. Thình lình chớp giật cùng cú lắc kinh hồn, vòm hang cựa mình. Mảnh bom phạt vào đá, bay ràn rạt. Hắn lùi vào một đoạn. Sau trận bom, thật lạ, một quãng lặng hoang vắng bao trùm. Chẳng còn ai ngoài hắn từ lúc đoàn tải thương rời đi. Một vài tiếng động khe khẽ ở đâu đó, hắn không dám chắc. Có lẽ người ta đã quên khuấy hắn, mặc xác hắn một thân một mình. Phải thức, phải tỉnh táo, để tự vệ, để nghe ngóng đồng đội đến tìm mình. Dù luôn tự nhủ như thế, hắn vẫn bị mê thiếp đi. Một lúc nào đó cô y sĩ ngồi bên hắn, nói chuyện với hắn. Mồm miệng đắng ngắt, hắn trả lời không rõ tiếng. Hắn cười. Cô nằm xuống, ôm hắn vào lòng. Hắn muốn hồi đáp, hắn xoay sang, quàng tay qua vai cô... và giật thót. Không kịp luyến tiếc giấc mơ bị đứt đoạn nửa chừng, hắn bật dậy. Súng nổ rền vang. Tiếng nổ va đập vào các vách đá nhiều chiều gây nhiễu loạn, thật khó định vị được nơi khởi phát. Phải mất một lúc mới nhận biết đường hướng cần tới, hắn kẹp khẩu tiểu liên trong tay, lần vách hang bước đi. Hóa ra hắn đúng, trận đấu súng ở một cửa hang khác. Những điểm xạ ngắn của AK 47 và AR 15. Cuộc chơi của các tay súng thiện chiến. Chủ nhân của AK 47 rất ít, thậm chí chỉ một người, có thể một thương binh hoặc một tay dở chết dở sống như hắn, tiếng súng đánh trả rất thưa. Mặc dù nóng lòng muốn góp thêm tiếng súng, hắn đã không thể nhanh hơn. Hai, có thể ba bóng đen vọt qua gộp đá ngoài cửa ập vào... Hắn mới mớm ngón tay vào cò súng thì một trái lựu đạn trước mặt hắn đã chớp lửa. Tiếng nổ truyền lan, cộng hưởng, vang vọng trên đá. Một lúc im lặng. Rồi một bóng đen chạy xéo qua cửa hang, mất hút tức thì vào rừng đêm trước mặt. Người, kẻ thứ ba vừa tham gia tấn công hang đá, hay một con trăn gió bị kinh động quăng mình tháo chạy? Lăm lăm tay súng, hắn thận trọng nghe ngóng, dò dẫm lần tìm. Đã tắt hẳn những hơi thở cuối cùng. Ba khẩu súng của hai chiều sắt thép đều hỏng. Khẩu AK 47 không còn một viên đạn. Hắn vuốt mắt cho tất cả, dừng lại lâu hơn trước thi hài đồng đội. Không tìm thấy bất cứ dấu ấn danh tính nào của anh. Qua ánh chớp vừa nháng lên, hắn đọc được một cái tên trên ngực áo rằn ri đỡ bi thảm hơn cả. Hắn không biết sẽ nhớ cái tên ấy, thậm chí sẽ gặp lại ở một trạng huống khác, vào thời điểm khác. Hắn trở vào hang, thuận tay xách cái xẻng Mĩ vừa thu được. Cái xẻng, gọi cái cuốc cũng được vì chỉ cần xoay xoay một chút sẽ mở ra hai lưỡi hai chiều, to nhỏ khác nhau, sắc lẻm, cực kì lợi hại. Dù rằng hắn đã không thể mang theo. Có lẽ nó nằm lại trong hang đó mãi mãi. Sau này, nhân chuyến hành quân rèn luyện cùng bộ đội, hắn đi qua đoạn đường xưa cũ. Dấu tích cuộc chiến hai mươi năm trước sót lại không nhiều. Có thể phải đích thị người của thời đã qua như hắn mới nhận ra. Hắn nhớ rất rõ, sau khi tha cái xẻng chiến lợi phẩm vào giữa hang, hắn bị sốt rét bồi thêm keo nữa. Hết nóng rồi lạnh, hắn nằm im chịu trận, mê mê tỉnh tỉnh rất lâu. Có tiếng động khẽ khàng. Trườn qua cổ hắn một vật tròn lẳn, thô nhám, lành lạnh... Một con trăn. Hắn ú ớ kêu to. Kẻ đột nhập quét cái đuôi qua mặt hắn, tung thân, gieo mình xuống cửa hang. Hoàn hồn sau mối hiểm nguy bất ngờ, nỗi lo ngại cũ lớn dần. Không còn nghe thấy tiếng súng. Bốn bề im lặng. Chẳng nhẽ trung đoàn đại bại, quân cán ôm đầu máu, dắt díu nhau bỏ chạy, không thèm đoái hoài tới hắn? Còn may, trận sốt rét sớm lui binh, hắn gắng gượng trườn ra ngoài. Cửa hang đây. Vẫn vắng. Mưa lác đác, bóng đêm đang nhạt dần. Hắn trệu trạo nhai lương khô, uống nước rồi uống thuốc. Đắng ngắt, tất thảy đều như quinine. Im ắng đã lâu bây giờ lại nghe tiếng súng. Là tiếng súng của phía bên kia, thưa thớt vài ba điểm xạ, kiểu như gọi nhau, chào nhau, từ sườn núi vọng xuống thung lũng vắt sang dông đồi trước mặt. Tịnh không một động tĩnh nào của quân ta. Hắn xem lại vũ khí. Dè sẻn cũng đủ cho cuộc chơi trước mười tay lính khá. Nếu lâu lâu quân ta không đến, có thể phải nã lên trời, túc tắc từng viên một. Đôi lúc sẽ điểm xạ ngắn. Tôi đây, tôi đây, tôi ở đây. Cuối cùng sẽ chơi một quả lựu đạn. Là hắn nghĩ như thế. Hắn đã không làm thế. Tiếng súng sẽ đồng thời mở ra cơ hội cùng hiểm nguy. Thám báo rõ ràng chẳng rình mò ở đâu xa. Hắn ngẫm nghĩ, dự liệu các tình huống, rốt cuộc nếu bị bỏ rơi, chả ai cần mình, mình đang bị thừa ra vẫn là nỗi lo buồn đau đớn nhất. Hắn vẫn ngẫm nghĩ, dự liệu thì nghe như có tiếng động khác lạ. Đúng rồi, hắn nép vào vách đá, chú mục về hướng nghi vấn. Kia... xa xa... một... hai... ba... - những người lính trinh sát đi đầu, rồi nhấp nhô mũ xanh, áo xanh. Quân ta, quân ta... Đội hình đang dài ra. Đông dần lên. Đấy là một trung đoàn khác, một đại đội quân y khác. Hắn được hỏi han, được chăm sóc, được dìu đi. Lại qua núi, qua sông. Đăk BLa rồi Pô Cô... Tháng sau hắn ra viện trở về đơn vị, vẫn vượt những núi ấy sông ấy, đi tiếp, đổ vào miền Đông, đổ vào Sài Gòn.

Em có về bến cũ với anh không

Sông vẫn thác, đò xưa thành cổ tích

Người anh hùng ẩn vào hồn lau lách

Ai nhớ, ai quên bản nhỏ khuất lưng đèo!

Hắn nhớ. Hắn không quên. Cả thời trai trẻ của hắn ở đấy, một nửa hồn vía của hắn ở đấy. Quên sao được. Chỉ chưa về được thôi.

Câu chuyện của hắn trong một đêm cuối tháng 4 năm 1972 ở một hang đá không tên phía nam thị xã Kon Tum đã có thể khép lại. Hắn muốn kể thêm chút, đoạn ở Đồng Dù, căn cứ của Sư đoàn 25 quân lực Việt Nam Cộng hòa mới bị đánh sập. Một ngày đầu tháng 5 năm 1975, khi cùng đơn vị dọn dẹp những đổ nát vương vãi trong một căn nhà, hắn nhặt được cuốn sách. Một tiểu thuyết diễm tình, hắn lật nhanh, một trang giấy gấp đôi kẹp ở giữa sách. Hắn đọc. Bản tường trình việc đánh mất cái xẻng của trung sĩ nhất Huỳnh Quý Phước tại Kon Tum. Đã định ném tất cả vào đống lửa, chợt hiện về những vòm ngực loang lổ máu trong chập chờn ánh đèn dù. Hắn giữ lại, đọc đi đọc lại, nhớ lại. Không rành rọt được chuyện gì ra chuyện gì. Người tên Phước đã nằm lại Kon Tum một ngày cuối tháng 4 năm 1972 hẳn không phải Huỳnh Quý Phước kí tường trình sau đó, một ngày đầu tháng 6 năm 1972! Có thể người lính tấn công hang đá rồi bị thiệt mạng, trước đó vì nguyên do nào đấy đã bận đồ trận của Huỳnh Quý Phước? Bỏ qua chuyện cái xẻng Mĩ trong hang đá có phải cái xẻng trên bản tường trình không, vì dẫu sao đó chỉ là một đồ vật, ám ảnh nhất vẫn là những câu hỏi về thân phận con người. Rốt cuộc hai, hay ba, bốn, năm người lính Cộng hòa đột kích hang đá trong đêm ấy? Họ chủ đích tấn công hay chỉ định vào hang đá lánh mưa qua đêm. Ở hang đá đêm ấy cùng hắn còn ai nữa, ngoài người lính cảm tử. Anh bị thương từ trước hay trọng thương trong khi đánh chặn nên không đủ sức lùi vào hang sâu hơn, phải chọn giải pháp cuối cùng?

Vậy đó, nội một đêm hắn đã là chứng nhân bao cuộc gặp gỡ chia li hợp tan chốc lát, bao ngả rẽ định mệnh, những số kiếp bi ai bị khuất lấp trong thời bom đạn đã qua. Hắn chưa từng gặp lại cô y sĩ, thậm chí chưa được nghe ai nhắc đến cô. Tên cô hắn còn chẳng biết. Hồi đó nhiều bệnh viện quân y, nhiều đội điều trị tiền phương, đội phẫu thuật chiến trường của mặt trận B3, các tỉnh đội... đều có nữ y, bác sĩ. Cô gái xinh đẹp tốt bụng từng cứu tử một người lính trong đêm chiến tranh năm nào, em ở đâu trong cuộc hội tụ giữa Sài Gòn ngày Ba mươi tháng Tư? Em khóc, em cười cùng đồng đội. Em sà vào lòng những người mẹ, chia sẻ nỗi niềm. Một tháng Tư bùng nổ những xúc cảm nhiều chiều…

Tháng Tư đây thành phố rợp cờ hoa
Mẹ đã khóc
Mẹ đã cười
Mẹ vẫn thèm tiếng hát
Tháng Tư nào một nhịp tháng Tư xanh!

Đ.V.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)