Biên cương, những ngày chống dịch

Thứ Sáu, 17/07/2020 16:05

. NGUYÊN NHI

Đã sang tháng ba âm lịch, nhưng những ngày qua biên cương vẫn không ngừng mưa. Trời về chiều, bóng đêm sầm sập đổ xuống, xe chúng tôi qua cầu Bản Thín, tầm nhìn xa giảm chỉ còn 10 mét, 5 mét và bây giờ là không nhìn thấy gì nữa, gió ràn rạt như thể có người ném tro vào mặt. Bác tài nhổm người lên khỏi ghế, chạm tay vào kính như cố nhìn xem chuyện gì đang xảy ra. Ôi sương mù, “đặc sản” từ độ cao hơn 1000 mét so với mực nước biển. Hết gầm lại pha lại nháy, các chế độ đèn xe đều được thử nghiệm nhưng chúng tôi vẫn chỉ có thể bò trên đường từng chút, từng chút. Cả sáu con mắt của ba người đều căng ra, câu chuyện trên xe lúc này chỉ xoay quanh việc đếm cây số và nhẩm tính thời gian. Đầu óc chỉ còn nghĩ đến chốt 1302. Chúng tôi đang đi dọc biên giới, đến với các chiến sĩ làm công tác chống dịch Covid 19 trên tuyến đầu thuộc Bội đội Biên phòng Quảng Ninh.

Tác giả và đồng nghiệp cùng các chiến sĩ biên phòng tại một chốt chống dịch. 

Trước đó, chúng tôi đã có chuyến đi dọc biên giới Lạng Sơn, có mặt tại các chốt chống dịch của Bộ đội Biên phòng tỉnh địa đầu này. Dọc đường tuần tra biên giới từ Lạng Sơn sang Quảng Ninh, cách một vài kilômét chúng tôi lại gặp một căn lều tạm. Đó là những ngôi nhà đặc biệt được dựng lên trong những ngày chống dịch Covid 19 để đưa người nhập cảnh trái phép tại các đường mòn lối mở về các trại cách li tập trung, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thiếu tá Hoàng Mạnh Cường, nhân viên đội phòng chống ma túy và tội phạm của Đồn Biên phòng Chi Ma, nhận nhiệm vụ ở điểm mốc 1228 từ những ngày đầu tháng 3 nhưng đợt trực của anh thì đã kéo dài từ trước tết. Khi chúng tôi có mặt, vừa nhóm bếp anh vừa rủ rỉ: “Anh em chúng tôi chưa bao giờ trực tết dài như thế này, bà xã gọi điện bảo có chiếc bánh chưng để phần từ tết trong tủ lạnh vẫn đang chờ”. Vị trí lán của các anh cách lối mở khoảng hơn chục mét, ngay phía bên kia là thôn Là Ủ, trấn Ái Điển thuộc huyện Ninh Minh, Trung Quốc. Từ khi Trung Quốc bùng phát dịch Covid 19, tình hình nhập cảnh ngày càng phức tạp, các anh phải thường trực 24/24. Khi phát hiện người nhập cảnh trái phép là lập tức phải kiểm tra, xác minh, đo thân nhiệt, thực hiện các biện pháp đưa về khu cách li. Lán nằm dưới chân đồi, mưa xối xuống khiến trời đã lạnh càng lạnh, đất đã ẩm càng ẩm ướt, nhưng đó là vị trí dễ quan sát nhất nên các anh chấp nhận để không bỏ sót mục tiêu. Nhiều đêm phải thức trắng, nhiều bữa cơm dã chiến phải bỏ dở vì phát hiện người nhập cảnh trái phép. Nhiệm vụ tuần tra biên giới đã thực hiện nhiều năm nhưng tính chất, đặc thù công việc lần này khác hẳn, lúc đầu nhiều anh em chưa quen nhưng sau dần tất cả đều xác định tinh thần, làm việc với trách nhiệm cao nhất.

Ở chốt 1227 của đồn Chi Ma cũng vậy. Anh em tổ chức chốt tại thôn Uyên Pháp, xã Yên Khoái, Lục Bình, Lạng Sơn. 1 giờ sáng ngày 10/3, Thiếu tá Nguyễn Trọng Hoàng phát hiện có những tiếng động lạ. Dự đoán có tình huống, anh ra hiệu cho các anh em triển khai đội hình, họ nhanh chóng tìm được 4 người dân lợi dụng ban đêm băng rừng qua đường mòn về từ bên kia biên giới. Ngay lập tức Thiếu tá Nguyễn Trọng Hoàng gọi điện cho bộ phận y tế xã Yên Khoái phối hợp xử lí. Rất nhanh chóng, các biện pháp kiểm dịch, khai báo y tế được tiến hành. Ngay trong đêm, đại diện Trung tâm Y tế huyện Lộc Bình đưa người dân đến khu cách li tập trung. Đó chỉ là 1 trong 14 vụ nhập cảnh trái phép mà các đồng chí làm nhiệm vụ trực trên chốt 1227 đã xử lí trong khoảng hai tháng qua. Ăn lán ngủ rừng, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn nhưng kíp trực gồm 4 đồng chí (3 sĩ quan của Đồn Chi Ma và 1 dân quân xã) trên chốt vẫn không lúc nào rời mục tiêu. Giữa lúc dịch Covid đang diễn biến phức tạp, chỉ cần bỏ lọt một người mang mầm bệnh vào nội địa thì hậu quả thật khôn lường.

Dọc đường tuần tra biên giới này, riêng ở địa phận tỉnh Lạng Sơn đã có 103 lán, chốt như vậy. Cứ nhìn những người lính tại các lán chốt mà chúng tôi có dịp gặp gỡ sẽ hình dung ra suốt một dải biên cương, những người lính quân hàm xanh đang căng mình chống dịch như thế nào. Chiều biên giới, những câu thơ của Lò Ngân Sủn chỉ còn đúng một nửa: Em ơi có nơi nào đẹp hơn chiều biên giới… Nhưng biên giới không chỉ đẹp vào mùa đào hoa nở, mùa sở ra cây, chiều biên giới khi rừng thông rạo rực đổ hoa vàng, người chiến sĩ biên cương tranh thủ khoảng thời gian tạnh ráo duy nhất trong ngày để phơi quần áo và chuẩn bị bữa tối trong những căn nhà bạt dã chiến. Khoảnh khắc bình yên ấy giữa vùng biên những ngày chống dịch thật hiếm hoi.

*

* *

Con đường tuần tra biên giới vùng ven không một bóng người. Thấp thoáng bên kia nước bạn thưa thớt có một vài ngôi nhà. Đi qua một chốt chặn, chúng tôi được dừng lại để đo thân nhiệt, kiểm tra giấy tờ, tranh thủ chúng tôi hỏi đường về chốt 1302. Anh chiến sĩ ái ngại cho biết, “khoảng 17, 18 kilômét nữa”. Bác lái xe ồ lên khấp khởi: “Mới có 5 giờ, sẽ nhanh thôi”. Xe tiếp tục rồ ga. Chiến sĩ chỉ đường vội vã nói trong tiếng gió vù vù như sợ chúng tôi đi mất: “Đi chậm thôi anh ơi, đường khó đi nhé, không quen đường đi phải mất…”. Tiếng anh bạt trong tiếng gió. “Rồi rồi, chúng tôi biết rồi…”. Chúng tôi đáp vội khi chiếc xe đã vội vàng lăn bánh.

Chúng tôi bồng bềnh trôi, chẳng biết trong sương hay trong mưa bụi. Chiếc xe đang bò bỗng khựng lại, cả ba người trên xe lại nhổm lên, cứ như thể nhổm lên sẽ nhìn rõ hơn vậy. “Cái gì thế?”. Một vật lù lù chắn hết con đường, định thần lại một vài giây tôi mới nhìn thấy một gian nhà gỗ, có hai chiến sĩ đứng ngay cạnh xe, chắc họ cũng ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. “Các anh chị đi đâu đấy ạ?”. Tôi trả lời bằng một câu hỏi: “Đây là đâu các đồng chí ơi?”. Tiếng gió, tiếng xe, chúng tôi không nghe thấy ai trả lời ai cái gì, đành tắt máy, đẩy cửa bước xuống. Gió bạt cả người như trời sắp bão. Đây cũng là một chốt kiểm dịch, chốt 1297, chốt cuối cùng của Đồn Biên phòng Bắc Xa, thuộc bản Chắt, xã Bắc Xa, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn. “Nhưng sao nó lại nằm giữa đường thế này? Các chốt bọn tôi vừa đi qua đều nằm bên phải đường?” - chúng tôi hỏi. “Các chị cứ vào đây đã”. Thiếu tá Trịnh Công Sơn, nhân viên phiên dịch tiếng Trung Quốc của đồn Bắc Xa nói với chúng tôi trong tiếng gió rít: “Lúc trước chúng tôi dựng lều bạt ở chỗ này”. Tôi nhìn theo tay anh chỉ thấy bãi đất bên phải đã nhão ra, không biết ô tô có qua được không, trước đó là nền nhà các anh. “Thế sao nó lại sang đây?” - tôi hỏi lại. “Dựng lều được mấy hôm thì gió nó xé tan làm bốn năm mảnh đấy chị, chị bảo gió như thế này…”. Thiếu tá Trịnh Công Sơn cho biết, đêm ấy mưa to gió lớn kéo đến, căn lều bị giằng giật không trụ được, kíp trực phải quấn áo mưa ngồi tụm vào nhau chờ tới sáng. Sau đó anh em trực chốt bàn bạc, quyết định dựng lại kiên cố, chắc chắn hơn như hiện tại. “Ngôi nhà” mới kiên cố theo lời anh cũng chỉ là những miếng gỗ cũ được ghép tạm, mái lợp bạt. Nhà được chia hai, một bên để ngủ, một bên nấu nướng, tất cả đều tạm bợ. Nước thì được đóng vào can chở từ đồn ra. Hỏi các anh mấy ngày tắm một lần, quần áo chăn màn ẩm mốc thế này thì chừng nào được giặt, rồi phơi ở đâu, đáp lại các anh chỉ cười: “Các chị thấy đấy chúng tôi đều khỏe mạnh cả, và vẫn chiến đấu tốt”.

Tôi quay sang gian nấu ăn của chốt trực, thấy người bạn đồng hành đang trò chuyện cùng một chiến sĩ trẻ, chị tíu tít khoe với tôi: “Đây là học viên cũ của em, Lỳ Lòng Xè, hồi em còn dạy ở Trường Lục quân 1, cậu ấy là học viên Biên phòng tạo nguồn”. “Ô, bất ngờ thế à, sao tình cờ vậy, thế thì phỏng vấn luôn nhân vật này đi”. Lỳ Lòng Xè là học viên năm cuối Học viện Biên phòng được tăng cường lên chốt đã hơn mười ngày. Em bảo “Quá trình học tập em đã được rèn luyện nhiều nhưng chưa bao giờ hình dung chuyến đi thực tế lại sát thực tế đến như vậy, ngoài sức tưởng tượng, em đã giảm được hai cân”. Cậu học trò cao lớn đứng nghiêm như thuở nào bị gọi lên bảng kiểm tra bài cũ. Chắc tại gặp lại cô giáo nên cậu hơi căng thẳng. Tôi cười vui: “Thôi chụp ảnh đã, phải chụp cho cô trò một kiểu ảnh đặc biệt này”. Nụ cười rạng rỡ của cô trò trên điểm cao giữa cơn đại dịch Covid như tan đi mọi lo lắng mệt nhọc.

Sau rất nhiều lần nín thở, cuối cùng chúng tôi cũng đến được chốt 1302. Tất cả anh em ở chốt đều mặc áo mưa ra ngoài lán chờ chúng tôi. Người bạn đồng hành ôm bụng nôn khan một hồi vẫn không nói rõ lời bởi phần vì gió to, phần vì mệt. “Chị ấy đuối quá! May mà đến nơi rồi, có khi chúng em phải xin phép cho chị ấy nằm nghỉ chút đã”. Nghe chúng tôi nói vậy những anh em có mặt gần như đồng thanh bảo, còn hơn 30 kilômét nữa mới đến nơi có thể ăn nghỉ được. Tôi không tin vào tai mình. Thì ra biết chúng tôi lần đầu đến Hoành Mô, lại đi đường vào ban đêm nên Trung tá Đỗ Văn Quang - Chính trị viên Đồn Biên phòng Hoành Mô phải đích thân đi đón, nhân tiện giới thiệu với chúng tôi về chốt 1302, chốt này chỉ đủ chỗ cho ba bốn anh em làm nhiệm vụ ăn ở sinh hoạt chứ không thể đón khách. Đó là một căn nhà kiên cố nhất trong các căn nhà đặc biệt dọc biên cương mà chúng tôi nhìn thấy trong suốt chặng đường từ Lạng Sơn sang, tường gạch, mái tôn, nền xi măng nên khiến chúng tôi lầm tưởng đã đến đồn. Tôi mừng cho anh em và kể ngay về căn lán giữa đường vừa gặp tại chốt 1297, chốt cuối cùng của Đồn Bắc Xa. Các anh em cười lớn: “Chúng tôi đây thì cũng có hơn gì, các chị bảo gió này lều bạt nào chịu được, lều của chúng tôi cũng bị xé toạc mấy lần, anh em dựng lên lại đổ. Hồi đầu tháng, đích thân đồng chí Bí thư Huyện ủy huyện Bình Liêu, Quảng Ninh lên thăm, thấy anh em vất vả quá liền chỉ đạo dựng gian nhà tạm này. Câu chuyện của chúng tôi chóng vánh vì trời mỗi lúc một mù hơn. Đã là 19 giờ 30 phút, chúng tôi không dám nghĩ nhiều đến quãng đường hơn 30 kilômét sắp tới. Người đồng hành của tôi đã quá mệt, nôn ói liên tục khi xe dừng, nhưng không còn cách nào khác vẫn phải tiếp tục lên đường. Chính trị viên đồn trấn an, “Tôi sẽ dẫn đường, đưa các đồng chí đi đường tắt chỉ khoảng 25 kilômét, nhanh thôi mà”. Chúng tôi im lặng lên xe. Đường vẫn mù mịt nhưng có xe trước dẫn đường nên chúng tôi tự tin hơn, qua những con dốc thăm thẳm, chúng tôi đi như trong mơ, bốn bề hoàn toàn vắng lặng, chỉ có hai chiếc xe như hai đốm sáng chạy loằng ngoằng giữa mịt mùng rừng núi.

Trời trong hơn, đã nhìn thấy nhà cửa lác đác, ánh điện hắt ra từ bên đồi và những âm thanh quen thuộc, tiếng tivi, tiếng nhạc... Cổng Đồn Biên phòng Hoành Mô hiện ra, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm như về đến nhà mình. Trung tá Đỗ Văn Quang mở sẵn cửa xe chờ tôi đặt chân xuống là nói luôn:

- May mà hôm nay đi đêm nhé.

Tôi tưởng anh nói nhầm, hỏi lại:

- Không may là đi đêm chứ anh?

- Không. May là các đồng chí đi đêm không nhìn thấy vực thăm thẳm một bên chứ nếu đi ban ngày mà lần đầu chạy xe đường này chắc run tay không đi nổi.

Hóa ra chúng tôi vẫn còn may mắn.

Anh Quang vội vàng đi thay quần áo, trong trang phục dân sự, trông anh trẻ trung và có phần gần gũi hơn. Những câu chuyện quanh mâm cơm tối vẫn chỉ xoay quanh chủ đề Covid và cuộc sống của anh em trên chốt. Ai đó nói: “Ông Đạt bây giờ gay lắm, cứ tắm là lăn ra ốm các ông ạ”. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt, cả mâm cười ồ lên. “Thì quen nhịn tắm rồi, giờ cứ hai ba ngày mà được tắm là lăn ra ốm chứ sao”, Chính trị viên giải mã câu đùa của đồng đội. Thì ra các anh đang nhắc tới Thiếu tá Nguyễn Đắc Đạt - Đội trưởng Đội vũ trang của đồn đang trực ở chốt. Nước sạch phải chở từ đồn ra, mà đi đường tắt cũng phải mất gần 30 kilômét, thời tiết thì mưa liên miên, nhiều khi tình huống nối tiếp các tình huống thì nhịn tắm hay nhịn nhiều thứ khác đều có thể hiểu được.

Bữa cơm đêm muộn kết thúc nhanh để các anh em trong đồn còn triển khai công việc, người đi tuần đêm, người xây dựng kế hoạch. Chúng tôi tranh thủ làm việc với đồng chí Chính trị viên đồn về công tác chống dịch. Trung tá Đỗ Văn Quang cho biết, ngay từ khi có dịch, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô đã lập 6 chốt chặn tại các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới Bình Liêu. Tại mỗi chốt luôn có từ 5 đến 8 người ứng trực, bao gồm cán bộ chiến sĩ đồn, cán bộ tăng cường từ Bộ đội Biên phòng tỉnh và dân quân tự vệ địa phương. Các chốt chống dịch đã tích cực tuyên truyền tới người dân, nhất là đối với bà con sinh sống tại các xã biên giới về cách phòng, chống dịch, đồng thời ứng trực 24/24 giờ, liên tục tuần tra, kiểm soát người và phương tiện, nhằm ngăn chặn người dân xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.

Đêm đã khuya, chúng tôi về nghỉ để sáng sớm ngày mai lại tiếp tục lên đường đến các chốt khác dọc tuyến biên giới phía Bắc. Tôi về phòng, vẫn chưa hết dư âm của hành trình vừa trải qua, y như một giấc mơ vậy. Tôi bật máy tính và tò mò vào Google, search địa danh Bắc Xa. Có tới 185 ngàn kết quả trong chưa đầy một giây. Ôi, thì ra đây là thiên đường hoa lau. Những bức ảnh mê hoặc lòng người hiện ra, trời biên cương xanh thẳm cùng những cung đường uốn lượn qua núi đồi hùng vĩ. Đặc biệt, sự nở rộ của hàng ngàn bông lau dọc đường biên, trên những quả đồi lúp xúp, trên đường dẫn lên cột mốc, tạo nên khung cảnh thiên nhiên đẹp như những bức tranh. Những chốt biên phòng mùa dịch mà chúng tôi vừa đi qua, những cột mốc 1297, 1302, 1327, 1328 là những cột mốc thiên đường mà các bạn trẻ mê phượt bảo nhau thế nào cũng phải check in một lần trong đời. Tôi nói với người bạn đồng hành, nhất định phải về Bắc Xa vào mùa thu để ngắm lau.

Cả một dải biên cương hùng vĩ và thơ mộng như một thế giới hoàn toàn khác hẳn những gì chúng tôi vừa trải qua, những bức ảnh chụp Bắc Xa mùa hoa lau làm tôi không thể rời mắt. Tôi kéo xuống một chút lại thấy nhói lòng vì những hàng tít nóng cập nhật số ca mắc, số người chết vì Covid trên toàn thế giới, rất nhiều số “0” ở phía sau các số liệu và tôi hiểu rằng, để chúng ta có thể ngắm những cung đường uốn lượn thoảng hương rừng nhấp nhô giữa ngàn lau trắng của mùa thu biên cương, thì không thể thiếu những chốt chặn dọc đường biên trong đại dịch Covid.

Biết tôi chưa ngủ Trung tá Đỗ Văn Quang gửi liền mấy bức ảnh qua Zalo kèm theo chú thích. Từ chuyến thăm đầu tiên của đồng chí Bí thư Huyện ủy Bình Liêu, đồng chí Chủ tịch huyện, tận mắt thấy những khó khăn của anh em cũng như tinh thần quyết tâm bám chốt chống dịch, đến nay các cơ quan đoàn thể, các tổ chức quần chúng trong toàn huyện đã tổ chức được nhiều chuyến lên tận chốt động viên tặng quà cho anh em. Cả hệ thống chính trị, quân, dân, tướng sĩ đồng lòng. “Các điểm chốt dọc biên giới phía Bắc chắc chắn sẽ không để lọt bất cứ một trường hợp nào chứ anh?”, tôi hỏi. “Chưa chắc đâu chị ạ, phải dựa vào dân nữa”. Chính trị viên Đỗ Văn Quang hào hứng khoe: “Dân là tai mắt của bộ đội, đối tượng nào vượt biên trái phép mà vào trong bản bà con lập tức báo cho bộ đội ngay, hơn nữa các đối tượng này thường rất phức tạp, có tiền án tiền sự hoặc là đối tượng nghiện ma túy, nếu để lọt lưới trong tình hình này thì càng gây nhiều khó khăn cho an ninh vùng biên”. Bám địa bàn, đến từng nhà trực tiếp vận động người dân không xuất nhập cảnh trái phép, hướng dẫn bà con phòng chống dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh, bộ đội còn có thêm những nhiệm vụ phụ nữa… Mùa này bà con vùng biên gieo sạ, trồng màu, trâu bò phải thả rông, anh em trên chốt ngoài nhiệm vụ cảnh giới để thu gom người nhập cảnh trái phép thì còn có thêm nhiệm vụ… trông chừng trâu bò cho bà con, nhãng ý đi một chút là bọn chúng “vượt biên” ngay, mất thì không mất nhưng công đi dắt về từ nước bạn “vất vả lắm”. Có lẽ bởi vậy mà bà con yêu mến bộ đội lại càng yêu mến hơn. Thảo nào lúc chiều thấy món măng và món rau rừng cậu học viên Biên phòng tăng cường lên chốt 1228 đang chế biến, tôi hỏi nguồn gốc thì được biết đó là các món “dân vận” được. Cậu ấy cho biết, khi đi tuần, gặp các bà, các chị đi hái măng về, hỏi mua, họ bảo: “Tặng cho bộ đội thôi, không bán đâu”. Bộ đội nhất trí nhưng ra điều kiện “Bà con tặng măng thì bộ đội tặng tiền”, nhưng nhất định bà con không đồng ý… Biên cương mùa đông dài, và mùa trực dài vẫn có những câu chuyện ấm lòng như vậy. Nằm xa trung tâm, địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt không dựa vào dân thì thật khó hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Từ Đồn Biên phòng Hoành Mô chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến với các chốt, sáng sớm, thị trấn vùng biên còn chưa tỉnh giấc, sương giăng mắc khắp các nẻo, những vạt lúa non đang ra nõn, trĩu sương, một màu xanh non mơ màng phủ khắp. Thì ra Bình Liêu mùa nào cũng đẹp, mỗi mùa có một sắc thái riêng, vài tháng nữa thôi những thửa ruộng bậc thang này sẽ chuyển sang màu vàng óng. Tuy diện tích nhỏ, không mênh mang rộng lớn như ruộng bậc thang ở Sa Pa nhưng ruộng bậc thang ở Bình Liêu cũng đủ sức níu bước chân lữ khách. Đang miên man với lúa và sương thì tôi nhận được điện thoại. Đồng chí Trợ lí Tuyên huấn tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh hỏi chừng nào chúng tôi về tới “Sở”, nghe chúng tôi thông báo lịch trình anh ngập ngừng giây lát bảo: “Thủ trưởng chúng em hôm nay lại phải dự họp, chỉ có thể tiếp các chị khoảng một tiếng đầu giờ chiều”. Tôi cảm nhận được ngay một không khí làm việc hối hả gấp gáp như sắp vào một trận đánh mới. Với mục tiêu kiên quyết không để xảy ra tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngay từ khi công bố dịch, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Sở Chỉ huy phía trước để trực tiếp chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống dịch trên biên giới. Đồng thời, chỉ đạo các đồn biên phòng thành lập 77 chốt, trạm dã chiến cố định và cơ động tuần tra khép kín trên toàn tuyến 24/24 giờ. Mỗi lán chốt chúng tôi vừa đi qua như những cánh tay nối dài dọc theo biên giới, bao bọc, chở che cho nội địa giữa những ngày giặc dịch Covid hoành hành.

Cuộc gặp gỡ với Đại tá Nguyễn Thanh Hải, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh sau đó đã giúp chúng tôi hiểu được lí do vì sao trên mỗi điểm chốt, mỗi chiến sĩ đều quyết tâm vượt khó, chống dịch. Ngay khi Sở Chỉ huy tiền phương của Biên phòng Quảng Ninh được thành lập, Đại tá Đặng Toàn Quân, Chỉ huy trưởng đã ra chỉ đạo trực tiếp ngoài biên giới cùng 455 anh em cán bộ chiến sĩ, phối hợp cùng với hải quan, công an và y tế làm nhiệm vụ chống dịch. Chính ủy Nguyễn Thanh Hải thì như con thoi, làm việc không kể giờ giấc và tất nhiên không có ngày nghỉ. Anh kể: “Tuần trước chuẩn bị cho chuyến đi lên các chốt kiểm tra tình hình, tôi ra quán tạp hóa ngoài cổng Bộ Chỉ huy mua chè làm quà động viên anh em. Chị chủ quán đề nghị: “Tiện xe anh cho tôi gửi ít bánh kẹo lên tặng các anh em, gọi là có tí quà của dân anh ạ, mấy nay nghe đài báo, tivi nói nhiều đến cuộc sống của các anh em trên chốt chúng tôi thương quá”. Mấy chục gói bánh kẹo của chị chưa phải là nhiều so với những gì mà đồng bào cả nước đang chung tay ủng hộ công tác phòng chống dịch thời gian qua nhưng tấm lòng chị đáng quý biết bao, thời khắc này nó sẽ là nguồn động viên lớn cho anh em bám chốt”. Đại tá Nguyễn Thanh Hải kể, rồi trầm ngâm: “Vất vả lắm các chị ạ, đấy, mấy hôm nay đi thực tế thì các chị biết rồi, nhưng chúng tôi cũng phải chia lửa với anh em thôi. Tại các khu cách li cán bộ chiến sĩ của mình cũng đang ngày đêm căng mình ra chống dịch. Đồng bào từ các nước về hàng nghìn người, nguy cơ lây nhiễm lúc nào cũng hiện hữu. Anh em biên phòng ăn lán ngủ rừng, còn các đồng chí trong các khu cách li lúc nào cũng phải đối diện với nguy cơ trở thành F1, F2 thậm chí là F0. Phải chia lửa với anh em ở các tuyến sau thôi, cuộc chiến còn dài. Để tinh thần anh em tốt trước hết tinh thần chỉ huy phải tốt”.

Buổi làm việc diễn ra đúng tinh thần thời chiến, Đại tá Nguyễn Thanh Hải vội vã từ biệt chúng tôi để còn tiếp tục làm nhiệm vụ, họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh, báo cáo tình hình, tham mưu đề xuất, chỉ thị, xử lí các công điện hết khẩn lại hỏa tốc. Chiến dịch đang vào giai đoạn quyết định. Chống dịch như chống giặc nhưng giặc này lại giấu mặt nên các anh em vừa phải thận trọng lại phải khẩn trương. Trong đợt dịch bệnh này cán bộ chiến sĩ mỗi đơn vị quân đội đã được rèn luyện nâng cao khả năng phản ứng nhanh, khả năng hiệp đồng tác chiến để đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ đột xuất, nhiệm vụ đặc thù.

Một vài con số mà chúng tôi ghi nhận trong chuyến đi này, dù chỉ là những con số khô khan nhưng với chúng tôi, đọc chúng lên, mỗi con số như thấm đẫm sương mù và gió núi, thấm đẫm công sức của các chiến sĩ biên phòng. 535 tổ chốt chặn (260 cố định, 275 lưu động), 3.000 người tham gia, trong đó có hơn 1.700 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng và khoảng 1.200 cán bộ thuộc các lực lượng công an, quân sự, hải quan, y tế địa phương, dân quân đã được triển khai trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Trên tuyến đầu chống dịch, trong sự phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngăn chặn được hàng nghìn lượt người xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở; tiếp nhận, quản lí công dân từ nước ngoài trở về, đưa đến các khu cách li của địa phương, không để dịch bệnh xâm nhập qua đường bộ. Trong cơn đại dịch này, những chốt chặn đường biên đã thực sự là những “lá chắn thép” cho đất nước.

Trong chuyến trở về từ biên giới, chúng tôi có dịp cảm nhận thêm về công tác phòng chống dịch trong nội địa. Hòn Gai, Bãi Cháy, Hạ Long, những trung tâm của tỉnh Quảng Ninh đường phố vắng lặng, có lẽ lâu lắm rồi người dân mới thấy một quang cảnh lạ như vậy. Chúng tôi dừng xe tại một tiệm tạp hóa hiếm hoi còn mở cửa mua chai nước, bà chủ quán nhìn chúng tôi chép miệng: “Chưa thấy năm nào nghỉ tết dài đến thế”. Tôi nhìn sang người bạn đồng hành mỉm cười: “Vâng chưa có năm nào học sinh và người lao động có những kì nghỉ dài như vậy”. Và nghĩ thêm, cũng chưa có năm nào mà cán bộ chiến sĩ toàn quân lại có những đợt trực dài như vậy. “Lính trận thì phải hết giặc mới về”, lời tâm sự của một người lính biên phòng trên chốt ngăn Covid đã theo chúng tôi suốt dải biên cương chống dịch và cả khi trở về. Những cái tên Chi Ma, Chi Lăng, Bắc Xa, Hoành Mô, Quảng Đức, Pò Hèn… từ lạ bỗng thành thân quen, mới đến lần đầu mà như thể đã từng gắn bó.

N.N

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)