Vết xăm hình rồng

Thứ Sáu, 07/08/2020 16:10

. TRIỀU LA VỸ

Thu khí hòa đăng thất thự minh,
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh.
Tự tri tam thập niên tiền thác,
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh(1)

1.

Mưa. Lâm râm. Rả rích.

Từng tiếng mưa rơi nhẹ hẫng nghiêng qua mái hiên đầy rêu của cung Trùng Quang nghe nghèn nghẹn như đang mang một niềm u uất. Ôi, có phải tiếng khóc của đất trời ngày chú ta về với liệt tổ liệt tông? Và gió. Gió chạy hoang trên tàu lá chuối sau vườn, nghe xao xác ngút lặng từng hồi như tiếng nấc của một rừng hoa đang héo hắt lụi tàn.

- Bẩm Thượng hoàng, đã đến nơi.

Chiếc thuyền rồng nghểnh đầu ngạo nghễ tiến vào bến Đá, neo mình xuống những rễ đa sần sùi chắc khỏe. Sóng dừng lắc từng hồi, nắng chiều loang chao chát từng vệt phù sa đỏ lòm dọc theo triền sông. Làng Kiệt Đặc đây sao, ba mươi năm vẫn bình dị một hồn quê. Vẫn quen thuộc như hôm qua Lạng Trì, Giải Phướn, Đống Lăng, những cánh đồng mướt xanh dọc bờ sông Kinh Thầy thơ mộng. Ôi mảnh đất chú ta đã chọn làm nơi ẩn dật vui thú điền viên lúc về già sao gần gũi và thân thương làm vậy. Mùi hương lúa dậy đòng thơm ngọt mỡ màng vị phù sa khiến lòng ta bình yên quá đỗi. Ôi, kẻ nào nỡ cứa vào tim ta một nhát dao? Kẻ nào đã úp mở nói đất này có thế “kim xà” có thể dựng nghiệp đế vương, khiến chú ta ngậm cười nơi chín suối? Hay đó là long mạch hình rồng dáng rắn oan nghiệt mà trời cao đã xăm trổ vào một vùng đất đau thương?

- Thượng hoàng, người khóc đó ư?

Ô hô, ta khóc sao Tông Mại. Ba mươi năm rồi ta vẫn còn nước mắt để khóc cho Quốc Chẩn chú ta sao? Ngươi hồ đồ lắm. Bọn sử quan các ngươi hồ đồ lắm. Các ngươi chỉ biết đạo lí của kẻ làm tôi mà đâu hiểu lí lẽ của một quân vương. Cơ nghiệp này họ Trần ta đã giành lấy từ tay kẻ khác không phải bằng rượu ngon gái đẹp như các ngươi vẫn tưởng mà bằng thanh gươm và ý thức của một dòng họ kiêu hùng. Kẻ nào dám chắn ngang niềm kiêu hãnh ấy phải nhận một kết cục bi thương. Chẳng phải cái chết tức tưởi của chú ta là bài học xử thế cho các ngươi sao? Vậy mà Tông Mại ngươi không sợ quyền uy, dám vì nghĩa quỳ xuống cầu xin tha chết cho một công thần. Ha ha ha, cương trực lắm và trung nghĩa lắm, thật không hổ danh là kẻ gìn giữ Ô Đài cho họ Trần ta! Ta sai. Ta đã sai. Ngàn lần. Hàng trăm ngàn lần ta đã sai rồi Tông Mại ơi. Ơ hay, sao ngươi quay mặt đi và mắt ngươi hoe đỏ?

Này Tông Mại, ngươi nhìn xem. Ta đã cho trồng muôn hoa trên đồi Kiệt Đặc để tỏ niềm kính yêu của muôn dân với Quốc Phụ. Nhưng sao lòng ta ba mươi năm qua cứ đau đớn ê chề. Tông Mại ơi, sao muôn hoa cứ úp mặt vào lá, cứ giấu hương trong cành để đất này mãi mãi nhạt sắc vô hương? Tông Mại, ngươi có nghe thấy gì không? Đó, ta nghe rõ lắm. Tiếng mưa, à không. Là tiếng vo ve mỏi mệt và tiếng đập cánh thảng thốt của một đàn ong. Chúng không về đây nữa. Ba mươi năm rồi Tông Mại ơi, đàn ong mật đã không về đây nữa.

Minh họa: Thành Chương

2.

Mưa. Rào rào. Hối hả.

Tiếng mưa gõ nhịp gấp gáp trên tàu lá chuối nghe háo hức như tiếng trống Đại Việt đang lăn trên đường biên rộn rã. Kìa tiếng hò reo vang dội, tiếng chân đi rầm rập. Còn đây, tiếng quân lệnh nghiêm minh oai hùng của Huệ Vũ vương Quốc Chẩn và tiếng ngâm thơ hào sảng của Quản Thiên võ quân Ngũ Lão suốt một dải biên thùy sạch bóng quân Chiêm. Ha ha ha, hay lắm. Các khanh giỏi lắm. Thật không hổ danh với hào khí Đông A ngút trời của họ Trần ta.

Nhưng này Quốc Chẩn, có gì vừa vụt lên từ đùi ngươi và bay lên cao ngạo nghễ một góc phương Nam, khiến kẻ thù khiếp đảm? Thái Long ư? Là vết xăm hình rồng, một biểu tượng quyền uy của họ Trần ta? Sao nó còn ở đây, trên đùi ngươi? Ba mươi năm trước, phụ hoàng ta đã từ chối nó. Không phải phụ hoàng ta không nhớ về nguồn cội một thời sông nước lẫy lừng. Không phải phụ hoàng ta không kính cẩn cúi đầu khi khấn tên các bậc tiền nhân khởi đầu của dòng tộc, dù tên gọi ấy còn rất bình dị dân dã. Là cá Kình. Là cá Chép. Là cá Dưa(2)… Ông nội ta từng bảo: Nhà ta người Miền Dưới, đời đời làm nghề đánh cá. Và cũng đời đời chuộng dũng cảm. Nếp nhà theo nghề võ, thường xăm hình rồng vào đùi. Đó là nội ta không muốn phụ hoàng ta quên gốc đó thôi. Nhưng nội ta vờ như không nhớ rằng, nhà ta đã có một họ Miền Trên. Và với hai miền, ta đã có một cuộc hội ngộ lịch sử. Đó là hội nghị vương hầu và trăm quan tại vũng Trần Xá. Nhờ đó, ta đã chiến thắng oanh liệt trước một kẻ thù cực kì hùng mạnh đến từ phương Bắc. Nội ta đã vờ như không nhớ rằng, bằng chính sách đắp đê ngăn lũ, mở đường ngang dọc từ đầu nguồn đến cuối biển, tiền nhân ta đã xây dựng một cơ đồ vững chãi cho con cháu. Sâu xa hơn, bằng cách đó ta đã chia cắt, cô lập, diệt trừ các thế lực. Ta đã nối chặt Miền Trên vào Miền Dưới. Đất tổ Tức Mặc của họ Trần và kinh sư đã liền nhau như môi với răng. Và dòng họ ta đã có thể an tâm làm vua đời đời trên đất Thăng Long.

Ngươi nói sao?

Vết xăm hình rồng trên đùi là niềm kiêu hãnh của họ nhà ta ư?

Thật nực cười. Ngươi không thấy phụ hoàng ta vì nó đã phải trốn về cung Trùng Hoa rồi sao? Khi nội ta nhận ra tính lẩm cẩm của mình, thì ngươi, chính ngươi đã trở thành người thay thế cho hoạt cảnh dở khóc dở cười đó. Ngươi tưởng đó là một ân huệ ư. Ngươi đã lầm. Đó là vết xăm định mệnh của đời ngươi.

Ngươi vẫn chưa hiểu sao?

Phụ hoàng ta đã đoạn tuyệt dấu vết quê mùa của một thời ngụp lặn xa xưa để khẳng định uy quyền và thế lực của một dòng họ đã thực sự vững chãi trên đất liền, giữa trung tâm kinh đô Đại Việt. Hai mươi mấy năm sau, những đoàn quân tinh nhuệ, bách chiến bách thắng của ta cũng đã được miễn xăm rồng hoa trên bụng, trên lưng và trên hai đùi. Chẳng phải mười năm trước ngươi đã dẫn đầu đoàn quân không có rồng hoa nhưng đã chiến thắng oanh liệt trước Chiêm Thành đó ư? Ngươi quên rồi sao?

Quốc Chẩn, chính ngươi là kẻ đã cản trở sự tiến hóa của tộc Trần ta đó. Vết xăm hình rồng quê kiểng kia đã trở thành nỗi ám ảnh hổ thẹn của một vương triều hùng mạnh. Ngươi không hiểu điều đó sao? Còn nữa Quốc Chẩn, ngươi đáng tội chết lắm. Ngươi lấy tư cách gì ngăn ta lập thái tử? Rằng phải đợi hoàng hậu Lê Thánh, con gái ngươi sinh hoàng nam để tránh họa ngoại thích mà tiền nhân ta đã làm với họ Lý đấy ư? Ta biết chứ. Là ngươi, lấy tư cách là kẻ duy nhất còn vết xăm hình rồng trên đùi, muốn giữ gìn sự thuần chủng của dòng họ Trần ta? Sao ngươi dám? Ngươi quá quắt lắm. Ngươi muốn giễu cợt ta sao. Tội nghiệp thay cho phụ hoàng ta khi tất cả các con sinh ra đều chết sớm. Trừ hoàng tử thứ tư là Trần Mạnh này. Hóa ra, điều bất hạnh của kẻ này lại là hạnh phúc của kẻ khác. Ta đã nghiễm nhiên thành vua, dù Chiêu Từ thái hậu mẹ ta vốn là một thứ phi chứ không phải là hoàng phi xuất thân từ dòng đích. Bởi Bảo Nghĩa vương Bình Trọng ông ngoại ta, dù mang họ Trần nhưng thấm đẫm trong máu xương là họ Lê. Ngươi thấy đấy, ngươi đã chọc giận ta. Ngươi đã dám công khai sỉ nhục mẹ ta trước mặt quần thần. Ngươi đáng chết ngàn lần đó, Quốc Chẩn!

3.

Mưa. Rưng rức. Chênh chao.

Từng giọt thu bần thần chầm chậm lăn nghiêng trên tàu lá chuối. Hơi thu lạnh ùa vào khung cửa sổ khiến ánh ban mai rùng mình thức giấc. Và kìa, một giọt nến hồng nóng hổi vừa ngã sấp mặt xuống án thư. Đau đớn. Run rẩy. Ơ hay, ngươi cũng hiểu nỗi lòng của Trần Mạnh này sao? Đồi Kiệt Đặc chiều nay mây trắng dựng từng đụn tái tê cuối trời. Nắng nhòa ướt trên từng phiến đá xanh rêu. Phiến đá nào chú ta ngồi đánh cờ một mình héo hắt đợi tri âm? Phiến đá nào chú ta ngồi độc ẩm đón trăng về? Bóng chiều đổ xuống đồi run thảng thốt trên những nhánh cây gầy guộc trụi lá. Ôi gió thu xao xác, hồn thu bời bời.

- Chàng hãy khoác thêm chiếc hoàng bào này kẻo lạnh.

Ôi, Lê Thánh, cảm ơn nàng đã luôn dành cho ta một yêu thương mặn nồng tình chồng nghĩa vợ. Giá như nàng giận hờn trách móc có lẽ lòng ta vơi bớt bao phiền muộn đớn đau chăng? Lê Thánh ơi, trước cảnh cũ chuyện xưa, sao vai nàng không run lên, sao mắt nàng ráo hoảnh? Hay nàng không muốn mất đi sự mạnh mẽ kiêu hãnh của một bậc mẫu nghi thiên hạ? Mà đây là sương chiều hay nước mắt của trời cao, sao ta nghe lòng xót xa làm vậy? Nước mắt, ôi nước mắt của loài rồng. Ta sợ thứ trong veo tinh khiết có thể làm tan chảy, gãy đổ mọi quyền uy kia lắm. Đó là nước mắt hiếu thảo của một đứa con. Ta hiểu giọt nước mắt hình tim rồng tức tưởi của nàng Lê Thánh ơi, lúc nàng ôm chân ta van xin tha chết cho cha. Từng giọt, từng giọt rơi uất ức bi thương! Từng giọt, từng giọt lăn đau đớn tủi hờn! Nhưng cha nàng đã tự chuốc họa vào thân, đã tự gieo cừu kết oán với kẻ khác. Là Quốc Phụ thượng tể, đứng đầu lục bộ thượng thư, hai lần cầm đại quân ra trận và hai lần chiến thắng oanh liệt trước Chiêm Thành, chừng ấy thôi cũng khiến cho bao kẻ phải ganh tị thèm khát. Không kẻ nào dám tỏ một lời bất kính với một người đức trọng tài cao như Quốc Phụ, cha nàng. Nhưng Lê Thánh ơi làm sao nàng học được chữ ngờ. Làm sao nàng hiểu được một thoáng cau mày khó chịu trên gương mặt lúc nào cũng ung dung điềm tĩnh của Tá Thánh thái sư Nhật Duật, cha nuôi ta. Chính người đã tiến cử Huệ Túc vương Trần Đại Niên ra trận lập công. Làm sao người không day dứt hổ ngươi trước ánh mắt sẻ chia lo lắng của cha nàng khi Niên thua tan tác trước quân Chiêm. Làm sao nàng hiểu được bộ mặt ngượng ngùng xấu hổ của Thiếu Bảo Khắc Chung khi cha nàng và ngự sử quan đàn hặc về tội thiếu lễ nghi khi dạy bảo con ta là Trần Vượng. Ôi Lê Thánh, tội nghiệp cho cha nàng biết bao. Nàng biết đó, ta không còn là một đứa bé nữa. Trần Mạnh này là một bậc đế vương quyền uy trăm họ. Sao cha nàng, Lê Thánh ơi cứ ngăn ta khôn lớn, cứ xem ta như một đứa trẻ lên tám như năm nào theo ông học cách đánh cờ?

Ôi nước mắt, nước mắt giận hờn trách móc của một người mẹ đáng thương. Đó là nước mắt của người đã ẵm bồng nuôi dạy ta từ lúc lọt lòng, yêu quý ta như con đẻ của người. Làm sao ta nhẫn tâm nhìn thấy từng giọt ngắn từng giọt dài hình vảy rồng trên gương mặt hiền từ kia chứ. Gia đồng của cha nàng quá quắt lắm, Lê Thánh ơi. Chúng đã ngang ngược đánh đập gia đồng của cha nuôi ta ngoài bến thuyền. Chưa thỏa, chúng còn ỷ thế Quốc Phụ ngang nhiên đến bắt người tại phủ. Tá Thánh thái sư Nhật Duật cha nuôi ta, dù tính tình nhân từ độ lượng liệu người có vui khi bị kẻ khác bắt nạt? Và Trinh Túc phu nhân mẹ nuôi ta, bà nghĩ gì khi vờ ốm không thèm đón ta như mọi bữa? Chẳng phải đó là sự sỉ nhục đớn hèn đối với mẹ của một vị vua đứng đầu trăm họ đó sao?

Thật sợ hãi nước mắt đàn bà, ta rất hiểu giọt nước mắt nóng hổi hình móng rồng đã bao lần làm ta đau đớn rối bời. Ai đã làm nàng khóc hỡi hoàng phi mà ta cưng nhất, nàng không thấy nước mắt nũng nịu hờn ghen đang làm phai nhạt má hồng sao? Kẻ nào đã nhắc đến ngôi thái tử khiến nước mắt cứ lăn dài ấm ức tức tưởi trên gương mặt xinh đẹp của Minh Từ quý phi, mẹ của một hoàng tử mà ta hết mực yêu thương? Ôi, đừng trách ta, là tại nàng Lê Thánh ơi. Tại nàng không thể sinh cho ta một hoàng nam. Nếu có trách, nàng hãy trách ông trời nhẫn tâm kia. Bởi nàng là người duy nhất đã được chọn làm hoàng hậu, ngôi vị mà bất cứ người đàn bà nào cũng đều thèm khát. Nhưng thật trớ trêu, nàng lại không thể có một đứa con trai để kiêu hãnh đặt xuống ngai vàng.

4.

Mưa. Chát chao. Rấm rứt.

Tiếng trống vừa sang canh lạc lõng phía tây thành. Gió u u hun hút ngoài vườn khuya, có phải đàn ong đã trở về. Ta nghe tiếng đập cánh loạn xạ trên cành liễu. Ta nghe tiếng gió rít uất ức thê lương trên mái hiên xám rêu của cung Bảo Nguyên. Quốc Chẩn chú ơi, có phải chú đang về đón ta?

Quốc Chẩn, ngươi chết là đáng lắm. Tên gia thần thân tín Trần Phẫu đã cáo giác âm mưu làm phản của ngươi. Ngươi thật to gan!

Kìa bầy ong vàng đang vo ve trong đầu ta. Tiếng vo ve ồn ào như một bầy sử quan. Các ngươi muốn gì ở ta? Bí mật về cái chết oan khuất của Quốc Phụ, để khắc vào bia, gửi cho hậu thế? Là Khắc Chung. Chính hắn. Những lời úp mở đầy ẩn ý. Ta đã mù quáng khi ra lệnh bắt giam và hại chết một trung thần tài đức vẹn toàn. Sao ta không biết Khắc Chung là kẻ nào chứ. Sao ta không biết hắn cùng quê Giáp Sơn với hoàng phi ta chứ. Sao ta không biết hắn là thầy của Vượng, con trai ta. Nhưng lời hắn. Lời ong tiếng ve kia cứ âm ỉ nhức buốt trong bóng tối của tâm hồn ta. Nó cắn rứt lương tâm ta. Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó. Các ngươi có hiểu câu nói ấy không? Khen cho Khắc Chung. Chính hắn đã nói thay ta những lời gan ruột. Tội nghiệp Khắc Chung. Cứ để hắn nhận lãnh giùm ta một vết nhơ, như món nợ phải trả đối với họ Trần.

Nhà ta, trải mấy đời vua. Ngoài gắng công giữ vững biên cương, mở mang bờ cõi. Trong hết sức chăm lo cho xã tắc, vỗ yên trăm họ. Lòng không một phút lơ là với Đình Bảng, Nga Đình(3). Vậy mà còn cứ phải canh cánh bên lòng một mối lo. Đó là dung hòa lợi ích và thế lực của các thân vương, để tránh một cuộc nồi da xáo thịt, để giữ mãi mãi vững bền ngôi báu của tộc Trần. Là con cháu hai hương Ba Điểm, Bàng Hà phản bội, đã được cố và nội ta tha tội trong cuộc bình công chống Nguyên. Là Chí Linh, nhóm họ xa nhưng đầy thế lực và ngạo mạn của cha con Khánh Dư. Là Vạn Kiếp, nhóm dòng chính tài giỏi và mưu mẹo của con cháu Tiết Chế… Các ngươi đều biết bí mật truyền ngôi của họ Trần ta. Vua cha sẽ nhường ngôi cho con khi mình còn minh mẫn, tráng kiện. Sớm chọn thái tử và sớm nhường ngôi, sẽ tránh không cho những kẻ tham lam dòm ngó ngai vàng. Vua cha sẽ lui về Thiên Trường, đất dụng võ và là đất tổ của dòng họ ta, từ nơi đó dõi nhìn trăm họ. Thăng Long và Thiên Trường sẽ tạo thế nương tựa lẫn nhau. Nhờ đó, nhà ta đủ sức phá tan mọi âm mưu soán đoạt vương quyền từ bất kì kẻ nào khác.

Nhưng đã mười lăm năm từ lúc lên ngôi, ta chưa lập thái tử. Và đã gần mười năm, Thiên Trường chưa có chủ, kể từ lúc phụ hoàng ta về với tổ tông. Có lí nào Quốc Chẩn chú ta, một người được phụ hoàng ta tin cậy gửi gắm lại ngớ ngẩn đến thế. Hay đó chỉ là cái cớ giả tạo để che giấu một âm mưu?

Ngồi trên ngai vàng, các ngươi tưởng ta sung sướng lắm sao. Các ngươi thử nghĩ xem, lỡ một mai ta có bề gì, ai sẽ lập thái tử và giữ ngôi báu cho ta? Là Nhập Nội Quốc Phụ thượng tể ư? Rồi con cháu dòng chính sẽ lên ngôi vua. Là ai? Là Thiệu Vũ, con của chú ta ư? Hay là kẻ nào khác? Lời nói của Khắc Chung thật quá ranh mãnh tinh khôn và cũng thật đầy ẩn ý. Các ngươi biết đó, Quốc Chẩn chú ta, vốn có chút máu mủ ruột rà cùng Vạn Kiếp. Ta không muốn nhắc lại chuyện cũ, nhưng lòng ta sao dám quên ân oán xưa. Là ta, lòng ta luôn tin tưởng sự trung thành của bọn họ vì sự tồn vong của dòng tộc. Nhưng chữ ngờ. Làm sao ai biết được chữ ngờ. Nên Quốc Chẩn, một cựu đại thần. Cha vợ ta. Ngươi phải chết. Chứng cứ đã rành rành, chẳng cần phải tra xét làm gì nữa. Đáng thương thay cho ngươi. Ta không phải là kẻ nhẫn tâm lạnh lùng. Lòng ta đã từng quặn thắt vì đau đớn chia lìa. Trái tim ta không phải là gỗ đá. Nó cũng biết run lên khi máu chảy ruột mềm. Ngươi hiểu cho ta. Công và tội. Ngay và gian. Tình và lí. Mai sau, ta và con ta sẽ minh oan cho ngươi. Tới chừng đó, con cháu ngươi thế đã cùng, lực đã kiệt, tham vọng đã như hòn than nguội lạnh dưới lớp tro tàn. Những kẻ kéo bè kết cánh với ngươi đã yếu hèn như cành củi mục. Những kẻ ngông cuồng dám dòm ngó ngai vàng của nhà ta sẽ xem đó làm kính sợ, mà đời đời một dạ trung thành. Quốc Chẩn, ngươi thấu tỏ nỗi lòng ta có đúng không?

Ôi, mưa mưa mưa.

Nức nở.

Đoạn đài.

Tiếng sụt sùi của đất trời hay tiếng khóc của muôn dân sao ta cứ nghe lòng mình tái tê đau đớn trước thói đời đen bạc trớ trêu? Vì cớ gì Cương Đông Văn Hiến Hầu con trai của cha nuôi ta phải vu oan cho chú ta làm phản đến nỗi chú phải nhận một kết cục bi thảm? Vì cớ gì chỉ một trăm lạng vàng, một kẻ thân tín với chú ta như Trần Phẫu đã bán rẻ linh hồn cho quỷ dữ? Vì cớ gì chỉ một câu nói úp mở của Khắc Chung ta đã nhanh chóng kết thúc một ván cờ trong uất ức bi thương oan nghiệt? Ôi, lòng tham lam đố kị, lòng ích kỉ nhỏ nhen, sao ta học cả đời vẫn cứ thấy u mê tăm tối?

Này con ong vàng cô độc, ngươi muốn gì ở Trần Mạnh này? Ngươi có tâm sự gì chăng sao cứ vo ve hoài trong thuyền ngự?

5.

Mưa. Bay bay.

Khẽ như cánh chuồn chuồn. Nhẹ như bụi. Mỏng như sương. Ta nghe muôn hoa đang bừng bừng nở trên đồi Kiệt Đặc. Và kìa, đàn ong đã trở về. Ta nghe tiếng đập cánh rộn ràng và mùi phấn bay thơm lừng. Ha ha ha, thích quá, thích quá. Quốc Chẩn chú ta đã đưa đàn ong mật trở về. Nhưng sao cung Bảo Nguyên chiều nay cờ hoa lại ủ rũ một màu tang tóc? Hiến Từ thái hậu, vua và các hoàng tử đang đợi gì mà lặng lẽ quây quần bên giường ngự của ta? Kìa trăm quan đang tề tựu trước thềm rồng, các ngươi muốn tấu gì mà mặt chau mày ủ bi thương làm vậy? Ha ha ha, các ngươi đến để khóc giùm chú ta một nỗi oan khiên đã cũ hay để đàn hặc lỗi lầm xưa của Trần Mạnh ta với đất với trời? Quốc Chẩn chú ơi, ta biết chú đã về. Ta biết chú đang đợi ta đâu đó ven đường với một bầu rượu quý trên tay, để ta cùng nhau nâng chén hào sảng đợi trăng lên. Rồi sau đó, chú sẽ chỉ cho ta đi lại một thế cờ. Ôi thế cờ một thuở long đong nhân thế khiến chú cháu ta đứt lìa tình ruột thịt!

Ta bay, ha ha ha, đàn ong đang nâng cánh đưa ta đi. Ta ngồi trên nắng vàng mềm mượt, ta nằm trên thảm hoa muôn sắc, ta bay trong hương lúa thơm nồng yên ả một hồn quê. Ôi Kiệt Đặc thân thương. Ôi Kinh Thầy thơ mộng. Cả một dải quê hương đẹp đến nao lòng. Các ngươi nhìn xem, chẳng phải chú ta và cha nuôi đang ngồi đánh cờ trên đồi kia sao? Và kia nữa, Trinh Túc phu nhân mẹ nuôi ta. Người lúc nào cũng chu đáo, lúc nào cũng ủ sẵn một bình trà thượng hạng cho những cuộc cờ nghĩa trọng tình thâm.

Dừng lại ong vàng ơi, dừng lại. Ta muốn ngồi một lúc thôi bên bến sông, nơi chú ta từng ngụp lặn vẫy vùng. Ôi con sông Kinh Thầy hiền hòa trong vắt và phẳng lặng như gương, vô tâm hứng một mảnh bầu trời xanh biếc, đẹp ngỡ ngàng như một giấc mơ hồi bé. Ta cúi xuống dòng sông và ta bắt gặp một gương mặt trẻ thơ quen thuộc có một vết xăm hình cánh ong trên má trái. Cậu bé ấy đang cười hồn nhiên bên cái giá đèn bằng tre. Ta đã lén cha làm cái giá đèn ấy để chơi. Cha rất giận dữ vì trò nghịch ấy và đã ném một thau nước vào ta. Ta đã kịp nấp vào cánh cửa khiến thau nước vỡ tan và ta may mắn tránh được một trận đòn roi nhờ Quốc Chẩn chú ta vừa đến thăm. Và kia là hộp đựng cờ, vật quý ngày thơ lúc nào ta cũng mang theo bên mình. Đấy là món quà chú ta tự làm tặng đứa cháu yêu ngày ta lên tám. Ôi kí ức, ôi tuổi thơ ngắn ngủi mịt mờ. Tuổi thơ đã bỏ ta đi mãi mãi lúc ta vừa tròn mười tuổi, lần đầu tiên ngượng nghịu trong chiếc hoàng bào hơi rộng của một vị hoàng thái tử, cứ hồn nhiên cười nụ bên ngai vàng cạnh cha trước lời tấu nghiêm trang của một đại thần. Ngây thơ ơi, sao bây giờ mi mới trở về lúc lòng ta đã cạn khô vô cảm bởi lòng nghi kị và những toan tính nhỏ nhen?

Ô hay, tay ta vừa chạm khẽ vào mặt nước sao con sông đã rùng mình cuồn cuộn sóng. Phù sa bầm tím như vết xăm hình rồng trên đùi Quốc Chẩn chú ta khi thuốc độc đã làm đông cứng tất cả những mạch máu chạy về tim. Đau đớn thay, phẫn hận thay! Một đại tướng quân sao không thể hiên ngang lẫm liệt ngã xuống sa trường da ngựa bọc thây, ô hô lại đành chết trong nhục nhã tủi hờn bởi kế hèn mưu bẩn và bởi lòng mê muội ngu đần của một quân vương? Ôi vết xăm hình rồng ngạo nghễ trên đùi chú ta kia sao cứ ám vào giấc ngủ đầy mộng mị của ta như một vết nhơ đớn hèn đã bao lần làm ta sợ hãi. Kìa sông đang dâng sóng và nước như sôi lên. Dưới lòng sông sâu nhung nhúc những loài thủy quái hình thù kì dị đang chờ chực ăn tươi nuốt sống một Trần Mạnh rệu rã yếu ớt một khi ta dám lao mình xuống nước. Làm sao ong vàng ơi, làm sao ta qua được bên kia sông, chỉ để gặp và hỏi chú ta và cha nuôi về một thế cờ?

Bơi qua bờ bên kia ư? Ha ha ha, ong vàng ơi thật thích đùa. Ngươi không thấy ta đang run rẩy sợ hãi đó sao? Ta đã chối bỏ cắt lìa nguồn cội một thời sông nước lẫy lừng của tổ tông, ta đã đánh mất bản năng ngụp lặn vùng vẫy của tộc Trần!

Ong vàng vừa nói điều gì ta nghe chưa rõ?

Niềm kiêu hãnh của họ Trần vẫn vẹn nguyên trên da thịt ta sao? Hào khí Đông A một thuở ngút trời vẫn cuồn cuộn chảy trong từng huyết mạch của Trần Mạnh này sao? Ôi, giọng nói quen thuộc và thân thương của Quốc Chẩn chú ta! Nào ong vàng, hãy xăm ngay lên bắp đùi ta một hình rồng ngạo nghễ để ta kiêu hãnh bơi qua bờ bên kia. Quốc Chẩn chú ta và Nhật Duật cha nuôi ta đang đợi.

Rượu đã bày sẵn và trăng đã lên rồi…

T.L.V

--------

1. Dạ Vũ - Trần Minh Tông.

2. Trần Kinh (cá Kình), Trần Lý (cá Chép), Trần Thừa (cá Dưa)…

3. Đình Bảng, đất dòng Lý và Nga Đình, đất nô Chàm.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)