. HỮU THỈNH
Ngày 26/8/1978, Nhà văn Trung tá Xuân Thiều cưỡi xe máy xuống làm việc với Trại viết văn Quân đội lúc đó đang đóng quân ở phố Vân Hồ bên cạnh công viên Thống Nhất. Không có hội trường, chúng tôi dọn nhà ăn làm nơi họp. Nhà văn Xuân Thiều phổ biến vắn tắt tình hình biên giới phía Bắc và sự hi sinh của Liệt sĩ Lê Đình Chinh sát cửa khẩu Hữu Nghị vào cuối chiều hôm trước. Chúng tôi đón nhận thông báo chiến sự với sự nhạy cảm của những người lính vừa mới ở rừng ra. Thế là, những tranh chấp ở biên giới phía Bắc đã đẩy tới xung đột vũ trang.
- Tổng cục Chính Trị quyết định cử ngay một tổ phóng viên lên biên giới. Báo Quân đội một người, Tạp chí một người. Các đồng chí xem, Trại ta ai có thể đi được.
- Em xung phong.
Sau tôi, hầu như tất cả anh em đều giơ tay. Những chàng viết văn mặc áo lính, ngày thường có vẻ nhẩn nha, đủng đỉnh, bận bịu với những theo đuổi trong đầu, giờ trước tình thế nghiêm trọng của đất nước bỗng trở nên hoạt bát, sôi nổi khác thường. Đó là máu lính, cái nhiệt huyết chiến trường chưa bao giờ nguội lạnh.
Nhà tôi lúc đó đang ở Việt Trì. Vợ chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Tôi sang Trại vẽ Quân đội, nhờ máy cơ quan gọi điện báo tin cho vợ. Thế là đi.
Khi tôi đến Tạp chí Văn nghệ quân đội thì cả đoàn đã đủ mặt. Đại tá, Nhà thơ Xuân Miễn ở Báo Quân đội nhân dân. Anh Ngô Thảo ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Trung tá Bộ đội Biên phòng, Nhà văn Lương Sĩ Cầm đang ở trên xe chờ sẵn. Khi lên xe, tôi được biết thêm anh Chí Thành, Biên tập viên Nhà xuất bản Thanh Niên.
Lũ lượt những dòng chảy xe đạp trên các phố Hà Nội. Một sáng thu thật bình yên. Lướt những quán trà, quán cà phê đang đông khách, chồng báo trên tay các em nhỏ vơi đi rất nhanh. Trong câu chuyện buổi sáng người ta quây quanh những tờ báo ấy. Sửng sốt và lo âu. Chúng ta đang bị chọc từ phía sau lưng. Sự kiện chỉ cách Hà Nội hơn 150km, ở nơi có cái tên là Hữu Nghị quan.
Quốc lộ 1, cây số 48. Rẽ phải. Một khu nhà lá dựng vội thấp thoáng sau hàng cây gạo lực lưỡng: Trung đoàn 12, Bộ đội Biên phòng.
- Mời các đồng chí uống nước. Tôi xin báo cáo tình hình.
Trung tá Trung đoàn trưởng Hà Tám đứng trước bản đồ. Theo cánh tay ông chỉ, những cái tên quen thuộc lần lượt hiện ra: Đồng Đăng, Cao Lộc, Văn Lãng, Na Sầm, đường số 4, Đông Khê, Thất Khê..., những địa danh đã đi vào sử sách với chiến dịch Biên giới năm 1950. Hóa ra, không lâu sau ngày 30/4/1975, những đám mây đen đã vần vụ bên kia cột mốc. Rồi hầu như cùng lúc với tiếng súng ở biên giới Tây Nam người ta thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường. Những ánh mắt ngó nghiêng trong cái phiên chợ đường biên. Những chuyến tàu chở hàng chi viện của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu bị chậm lại. Những con trâu bò bị những người lạ mặt xua qua biên giới và không bao giờ trở lại. Rồi đất đá ném sang thay cho những lời thăm hỏi. Nghiêm trọng hơn là những cuộc di chuyển cột mốc, đẩy sâu vào phía Việt Nam. Sự phân tích tỉnh táo cho thấy thời tiết bang giao đã thay đổi.
Trung đoàn 12 của ông Hà Tám từ biên giới Tây Nam được bí mật điều động ra phía Bắc. Một chuyến tàu tốc hành bỏ qua các ga xép. Những người lính quân hàm xanh còn khét mùi thuốc súng trong những trận chiến đấu dọc tuyến biên giới An Giang giáng sấm sét vào bọn áo đen Pol Pot lại chính là những người đầu tiên tiến hành cuộc điều binh thần tốc trở lại hậu phương lớn. Vừa đặt chân lên đất Lạng Sơn, Trung đoàn được đặt trong tình trạng báo động chiến đấu cao nhất. Địa bàn tác chiến của họ là Đồng Đăng, Hữu Nghị quan và Cao Lộc, trong đó có hai nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo vệ cửa Khẩu và đài quan sát đặt trên một cao điểm ở phía Tây cửa Hữu Nghị.
Bước sang tháng 8, tình hình khu vực ở Hữu Nghị quan căng thẳng từng ngày. Trinh sát cho biết, đối phương tập trung đông đảo dân thường áp sát biên giới, theo sau là nhiều đội quân biên phòng được trang bị đầy đủ làm nhiệm vụ hậu thuẫn.
Ngày 24/8/1978, đối phương cho dân thường kéo sang lấn đất tại khu vực Pò Hèn, một cao điểm sát cửa khẩu. Ta cho người lên giải thích nhưng bị họ xúm lại xô đẩy và hành hung. Phương châm của ta là kiên trì hòa hiếu, tạm thời không sử dụng vũ lực. Họ dựng lều bạt, trụ lại thách thức.
Liệt sĩ Lê Đình Chinh.
Ngày 25/8/1978, ta vận động bà con các bản xung quanh lên đấu tranh. Lúc đầu, ta vẫn kiên trì thuyết phục, nhưng họ không nhổ trại, hơn nữa còn xông ra xỉ vả và hành hung cán bộ và dân thường. Tới chiều thì nhiều tốp lính có vũ trang ào ạt vượt biên, dùng dao, gậy, được chuẩn bị trước tấn công đồng bào ta. Nhiều người bị trọng thương. Máu đổ. Theo phương án đã định, đại đội của Lê Đình Chinh được lệnh xuất kích, bảo vệ đồng bào. Các chiến sĩ không được sử dụng vũ khí, chỉ dùng võ thuật để tự vệ. Với sức khỏe cường tráng và nghiệp vụ thành thạo, đồng đội của Lê Đình Chinh đã đẩy lùi những đám lính với hung khí trên tay. Đối phương tăng viện. Hết tốp này đến tốp khác vây bọc các chiến sĩ ta. Riêng Lê Đình Chinh phải chống đỡ với hai tên lính đằng đằng sát khí. Bị thương lần thứ nhất với nhiều nhát chém vào vai trái, anh khuỵu xuống. Một tốp lính trong tay đầy hung khí lao đến, vây quanh anh. Anh vùng dậy dùng võ thuật quật ngã tên hung hăng nhất, một tên khác xông đến cũng bị anh đá bay lăn xuống dốc. Cả phân đội của anh cũng đang chiến đấu rất kiên cường, dồn ép địch về phía đường biên. Một tên sĩ quan chỉ vào Lê Đình Chinh hét lên một tiếng rất man rợ. Lập tức bọn lính xông đến đâm, chém, xỉa. Mất máu, xuống sức, một chọi lại mười, anh ngoan cường đánh trả đến hơi thở cuối cùng. Người lính đầu tiên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc ngã xuống.
Vào buổi phát thanh thời sự lúc 6 giờ tối ngày 25/8/1978, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức đưa tin về sự kiện nóng bỏng ở cửa khẩu Hữu Nghị quan và sự hi sinh dũng cảm của Lê Đình Chinh.
Làm việc với chỉ huy Trung đoàn 12 xong, cả đoàn nóng lòng muốn đến ngay trận địa. Tại Hữu Nghị quan lúc này đã hình thành một Sở chỉ huy tổng hợp gồm Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn. Nhận định bước đầu của ta là, mặc dù đã bị đẩy lùi về bên kia biên giới nhưng âm mưu và tham vọng của đối phương không dừng lại. Chúng sẽ thay đổi thủ đoạn. Cuộc chiến đấu sắp tới không chỉ dừng lại ở vũ khí nguội mà có thể chúng sẽ dùng đến vũ khí nóng.
Hữu Nghị quan đã hiện ra trước mắt, nhưng chúng tôi phải dừng lại ở cột mốc số không, cách cửa khẩu một cây số. Điều này khác hẳn với tâm niệm của mọi người. Trong ánh chiều tà nơi biên tái, những kí ức bi hùng của dân tộc hiện về trên thực cảnh. Đâu là chỗ Nguyễn Phi Khanh bảo con trai Nguyễn Trãi quay về trả thù nhà đền nợ nước? Đâu là nơi những phái bộ, những đoàn cống nạp xuất trình chiếu chỉ để dấn thân vào cuộc đi sứ đầy cạm bẫy? Và đâu là dấu vết của những ống đồng, những vết giày xô đẩy của đạo quân tháo chạy trước mũi giáo của quân dân Đại Việt?
Sau bữa cơm chiều, anh Lương Sĩ Cầm cho biết: Bộ đội đã lập chốt trên trận địa. Chỉ huy sở đã bố trí để đoàn nghỉ lại ở cửa khẩu cho an toàn, sáng mai sẽ lên chốt gặp anh em. Cả đoàn ai cũng muốn lên gặp anh em ngay. Đi thực tế mà ngủ lại Sở chỉ huy thì lấy gì để viết.
- Bác Xuân Miễn lớn tuổi rồi thì ở lại. Còn cánh trẻ phải lên gặp anh em chứ.
Nói vậy rồi tôi và Ngô Thảo cùng anh em trong đoàn vác ba lô lên chốt. Trời đã mờ tối. Qua ánh đèn pin chúng tôi nhìn rõ quang cảnh ngổn ngang của trận chiến tay bo chiều hôm trước. Đồng chí dẫn đường chỉ cho chúng tôi những vệt máu nơi Lê Đình Chinh ngã xuống. Không ai bảo ai, tất cả ngả mũ, đứng im tưởng nhớ người anh hùng đã làm vẻ vang cho một thế hệ mới. Đồng chí Thượng úy Tiểu đoàn phó chỉ cho chúng tôi những hàng dây kẽm gai mới được căng dọc đường biên, cạnh đó là những căn hầm nửa nổi nửa chìm, vừa là nơi nghỉ vừa là ổ đề kháng của ta.
- Cột mốc thì nó nhổ đi nhổ lại, còn những chiếc hầm này thì chúng không nhổ được. Một tấc không đi một li không dời, các đồng chí ạ. - Tiểu đoàn phó vừa nói vừa chỉ cho chúng tôi những bóng đen đang lởn vởn cạnh các lùm cây bên kia biên giới.
Hầm Sở chỉ huy tiền phương Tiểu đoàn chỉ rộng khoảng sáu mét vuông. Theo tính toán nó dành cho ba người: Tiểu đoàn phó, liên lạc viên và một chiến sĩ bảo vệ. Căn hầm vốn đã chật nay có thêm chúng tôi nữa. Nhưng không sao. Những cảnh nằm úp thìa trên chốt như thế này đã quá quen thuộc với những người lính chống Mĩ. Tiểu đoàn phó lấy ra một bi đông nước chè, mấy bao lương khô 701. Chiếc máy điện thoại ở góc hầm chốc chốc lại đổ chuông. Các chốt canh báo cáo tình hình, bám sát mọi động thái ở phía bên kia. Tiểu đoàn phó kể, tôi quê Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, nhập ngũ năm 1965. Hai lần về phép, đậu được hai chú lính. Mấy năm chống Mĩ bám trụ tại Lai Châu rồi vào Nghệ An, Quảng Bình. Vừa làm nhiệm vụ bảo vệ địa bàn, vừa truy lùng bọn biệt kích, thám báo thả xuống miền Bắc. Nằm bờ nằm bụi đủ cả. Lính biên phòng thì các anh biết rồi, đâu có đất có dân là mình phải tới. Dân mình tốt lắm, nhưng ở những nơi heo hút nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ. Giải phóng miền Nam, quân hàm đỏ tiến vào thành phố, còn quân hàm xanh thì vẫn biên giới là nhà, bản vắng là quê hương. Đùng một cái, có lệnh hành quân hỏa tốc vào Tây Nam quần nhau với bọn phản bội. Nó học bài vở của mình rồi quay lại chơi mình thế mới mệt. Nhưng nó làm sao qua mặt được mình. Chúng em đang đẩy cho bọn nó chạy té re thì được lệnh hỏa tốc ra đây. Các anh hỏi tâm trạng bộ đội thế nào à? Còn thế nào nữa? Chỉ tiếc mình kiềm chế quá, nếu hôm qua các thủ trưởng cho chúng em dùng binh khí thì chúng nó phải trợn mắt ra. Ấy kìa, các anh uống nước và nhấm kẹo lính đi chứ.
Anh tự tay rót nước và bóc lương khô mời chúng tôi. Một cơ thể vạm vỡ, săn chắc, đầy vẻ phong sương. Một bản lĩnh tự tin, vu khoát. Cách nói sù sì, thẳng băng của anh gây ấn tượng rất mạnh với chúng tôi. Một người lính thực thụ là người có khả năng thích ứng mau lẹ với mọi thời tiết của chiến tranh dựa trên một niềm tin chính nghĩa không gì lay chuyển nổi. Anh nói, trận chiến hôm qua mới chỉ là một trận thăm dò. Qua lời kể của anh, chúng tôi biết thêm về Lê Đình Chinh. Bố Chinh là ông Lê Đình Tùng, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp ông cùng đơn vị ra tập kết. Hơn một năm sau cả đơn vị được chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế tại Nông trường Ba Vì. Tại đây, ông kết duyên với một phụ nữ nông trường là bà Khương Thị Chu, quê ở Thạch Thất. Năm 1960, ông bà sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Lê Đình Chinh. Vài năm sau, ông bà chuyển đến công tác tại Nông trường Sông Âm, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Cuộc sống ở Nông trường quân đội là cuộc sống bán quân sự. Ngoài việc làm nông, một tuần dành hai buổi luyện tập quân sự, sẵn sàng trở vào miền Nam chiến đấu. Gia đình ông Tùng cũng giống như mọi gia đình khác lúc bấy giờ, tất cả trông vào đồng lương của hai lao động chính nên rất tằn tiện, chật vật. Chinh học giỏi toàn diện, vừa chăm sóc các em vừa phụ việc bố mẹ. Năm 1975, mới 15 tuổi, nhưng Chinh đã là một chàng trai cao lớn, khôi ngô. Vào dịp tết Ất Mão, Chinh giấu bố mẹ khai tăng tuổi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Sau tết Nguyên đán, vào ngày 16/2/1975 Chinh lên đường nhập ngũ. Bố mẹ bận việc, các em nhỏ đi học, cả nhà không có ai đưa tiễn. Sau những ngày huấn luyện cơ bản ở Triệu Sơn, anh được biên chế vào Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12 và cùng đơn vị vào chiến đấu tại tuyến biên giới Tây Nam. Chinh là một tay súng lợi hại, thông minh và can đảm. Sau đó, anh bị thương và được ra điều trị ở Xuân Mai. Được tin, bố mẹ lên thăm và xin phép cho anh về thăm bà ngoại. Bà ngoại nuôi rất nhiều vịt. Chinh rất thích ăn thịt vịt. Bà chiều, thịt ba con béo nhất. Không ngờ đó cũng là buổi chia tay vĩnh viễn giữa Chinh và những người thương yêu nhất.
Tiểu đoàn phó đi kiểm tra chốt gác đã trở lại. Các anh ở nhà có thấy gì không? Không, có gì vậy? Các anh đứng dậy xem này. Chiếc hầm đào vội, chỉ che đến ngang ngực, từ vai trở lên trồi khỏi mặt đất. Phía bên kia, cách hàng rào chừng một mét, một tên lính lăm lăm tay súng mắt không rời căn hầm chúng tôi. Đối mặt. Rõ ràng. Công khai mà bí mật. Đối với cái chết thì cách nhau quá gần nhưng với đạo lí thì cách nhau quá xa.
Sương thu đã se sắt cả căn hầm. Ánh trăng biên tái bàng bạc như một câu thơ cổ. Trong binh pháp thật cũng hiếm có cảnh dàn quân đối mặt như chúng tôi đêm nay. Mắt đã đòi ngủ. Nhưng ngủ thì tiếc quá. Cả một đời may mắn có một lần được gối đầu lên đường biên Tổ quốc để suy tưởng, nghĩ ngợi biết bao điều về đất nước, về những cuộc đời bình dị theo đuổi một triết lí hòa vi quý như một di bảo truyền đời. Nhưng oái oăm thay, cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Vì thế mà lòng yêu nước luôn được chứng minh. Bỗng nhớ một câu thơ của Nguyễn Trọng Oánh:
Nhớ Trung thu năm trước
Ôm trăng ngủ giữa đèo
Ngày đi ngàn dặm đất
Đêm sáng mặt người yêu
Đêm nay chúng tôi cũng ôm trăng đây, ôm cả trời đêm biên giới, ôm cái vô tận trong một căn hầm nhỏ hẹp.
Sáng hôm sau khi thức dậy, nhìn sang phía bên kia, vẫn thấy một sắc lính ôm súng ngay sát mép hầm. Một khoảng cách quá gần với căn hầm cao không có mái che, có thể đánh đáo quả lựu đạn là trúng mục tiêu một trăm phần trăm. Tên lính sáng nay thấp hơn kẻ đêm qua. Chắc là mới thay kíp. Tiểu đoàn phó tiễn chân chúng tôi xuống Hữu Nghị quan vừa đi vừa chuyện. Đêm qua chúng mình gối lên đường biên mà ngủ đấy. Lại có lính gác phục vụ, còn gì bằng.
Ngày 16/8/2018 vừa bốn mươi năm sau cái đêm đáng ghi nhớ ấy, tôi vào Thanh Hóa công tác. Chương trình cho chuyến đi khá dày, thời gian cũng không nhiều, tôi chọn việc đầu tiên là đến thăm gia đình Lê Đình Chinh ở phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Có được địa chỉ này là nhờ Nhà văn Trần Hữu Tòng, một trong những sĩ quan kì cựu của Bộ đội Biên phòng. Tôi muốn mời anh Lương Sĩ Cầm cùng đi, nhưng anh gần 90 tuổi rồi, vẫn viết khỏe nhưng đi lại khó khăn.
Nhà mẹ Chu khuất ở trong ngõ. Đó là một ngôi nhà hai tầng, đã có tuổi, mái ngói đã sẫm màu. Mảnh sân nhỏ màu gạch cua. Tôi thật sự xúc động đỡ hai bàn tay gầy của mẹ Chu.
- Quý hóa quá! Thế bác ngày xưa cùng đơn vị với em Chinh à?
- Dạ không. Em là lính xe tăng, sau được đi học để làm báo. Em đến chỗ Chinh sau một ngày Chinh hi sinh. Thật có lỗi quá, hôm nay mới về thăm bác được. Bác ơi, bác đã sinh ra cho đất nước một người anh hùng. Mẹ em cũng là mẹ liệt sĩ.
- Thế thì bác hiểu lòng tôi. Chỉ thương em còn trẻ quá, chưa kịp để lại một giọt máu.
Câu chuyện mẹ kể vòng về những năm tháng trẻ thơ của Lê Đình Chinh, đứa con cả sớm biết nhường ăn nhường mặc cho đàn em. Những ngày đất nước có hòa bình, nhưng đơn vị em thì vẫn đánh nhau suốt ngày này sang ngày khác. “Cái hôm nghe đài báo tin em hi sinh, tôi rã rời cả chân tay như có ai lấy hết sức lực. Rồi nằm liệt chả thiết ăn uống gì cả. Cháu đẹp đẽ, cao lớn, giống bố”.
Tất cả chúng tôi lặng đi trong nghẹn ngào nước mắt của mẹ.
Chú em nhỏ sau Chinh dẫn tôi đến trước bàn thờ. Tôi thắp hương và khấn, em Chinh ơi, anh đã nghe đồng đội kể chuyện về em, đã đứng ở nơi em ngã xuống, đã nhìn thấy máu em thấm vào mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Lê Đình Chinh hi sinh ngày 25/8/1978, năm ngày sau, ngày 30/8/1978, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kí quyết định truy tặng anh danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Mộ anh lúc đầu được an táng tại hang Muối, xã Hồng Phong, huyện Văn Lãng gần nơi anh hi sinh, sau đó được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Ba lăm năm từ khi anh nằm xuống là ba lăm năm bà Chu khắc khoải đợi con trở về trong lòng mẹ. Đến ngày 15/1/2013, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa, Trung đoàn 12 và gia đình tổ chức di dời hài cốt của anh về Nghĩa trang Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa.
Khi chúng tôi ra đến nghĩa trang thì đồng chí Đại tá Cục trưởng Cục chính trị Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa và các cán bộ, chiến sĩ cùng đi cũng vừa tới. Ngôi mộ của Lê Đình Chinh mang số hiệu 162, xếp ở hàng đầu. Chúng tôi quây quanh anh, im lặng tưởng nhớ trong tiếng phi lao vần vũ trên đầu. Phút chốc hình ảnh Lê Đình Chinh trên bia mộ rực sáng lên, tưởng như tất cả ánh sáng buổi chiều đang dồn tụ về đây cùng chúng tôi tri ân người anh hùng. Ra đi ở tuổi 18, có bao nhiêu việc anh chưa kịp làm, nhưng việc cần làm nhất là trung với nước, là hiếu với dân thì anh đã làm trọn vẹn nhất, vẻ vang nhất. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Lê Đình Chinh ngã xuống, đã có thêm bao đồng đội, đồng chí, đồng bào ta ra đi, nhưng lại cũng có bao nhiêu con người dũng cảm đứng vào chỗ trống tỏ cho thiên hạ biết rằng, đất này có chủ như Quang Trung đã khẩu khí ngày nào. Chúng tôi chia hương, đi thắp cho các liệt sĩ bên cạnh. Trùng điệp, nhấp nhô biết bao nhiêu tên tuổi, tạo nên một bức trường thành bất diệt.
Trong những ngày đại dịch Covid -19.
23/4/2020
H.T
VNQD