Hầu rượu cho chồng

Thứ Bảy, 25/07/2020 15:14

. THU TRÂN

Tối qua, dặn dò Giãn trước khi về chợ phiên, Mín bảo: “Tao có ít quế để dành, mày mang đến phiên bán để mà mua váy đẹp”. Bó quế Mín lôi ra khá to, chỗ này bán cũng được nhiều tiền. Mín nói đúng, bán xong chỗ quế, xách về cho nó can rượu, Giãn cũng còn thừa tiền mua muối, mua cho cô cái kẹp tóc và chiếc váy màu đỏ tươi ông mặt trời.

Háo hức như bao cô gái mong chợ phiên, sáng hôm sau, Giãn dậy thật sớm, băng qua một quãng rừng dài trong màn sương mù dày đặc. Lâu lâu được đi chợ phiên một lần, Giãn như đã trở thành một con người khác. Cô nghe rộn rã trong lòng, như khi vừa mới lớn, như chưa hề làm vợ Mín trong tủi nhục bao nhiêu năm qua.

Minh họa: Phạm Minh Hải

Bao nhiêu năm rồi nhỉ. Giãn không được đến trường, không biết đếm những con số chồng chất theo thời gian. Nhưng khái niệm ngày và đêm, nhanh và chậm của cô được tính bằng những mốc sự vật, sự việc một cách dễ hiểu và dễ nhớ. Giãn về làm vợ Mín được mấy mùa trăng thì cái bụng to lên, cô sinh ra con bé Sùng Thị Giáng. Giáng ngoắt ngoeo như con mèo ốm, cho ăn bao nhiêu ngô, bao nhiêu khoai cũng không thèm lớn. Vậy mà nó đi được, như một cô bé tí hon thấp thoáng trên vách nhà mỗi đêm cùng mẹ cời lửa sưởi ấm trong mùa đông. Nó cời lửa được mấy mùa thì bụng mẹ lại to lên. Cha cắt dây rốn em bé bằng que nứa rừng sắc cạnh và thằng Mẻn em nó ra đời.

Tình thương của mẹ Giãn dành cho Giáng và Mẻn cao ngất như dãy núi sau nhà. Lên nương được củ khoai to, cái ngô thơm nào, mẹ Giãn cũng mang về cho hai giọt nước trong veo của mình đang chờ ở nhà. Chiều bước từ lưng chừng núi xuống, thấy thấp thoáng xa xa bóng con bé Giáng như cái kẹo còng lưng địu thằng em quắt queo hệt hạt ngô mùa nắng hạn ngóng về phía cao chờ mẹ là hai dòng nước nóng trong mắt Giãn chực trào ra. Giãn chạy. Chạy thật nhanh về phía hai con. Thằng Mẻn khóc vì đói, vì chờ mẹ nên thở không ra hơi trên lưng chị. Giãn đưa ngón tay lên ngang mũi nó, không nghe một chút gió nào. Giãn quýnh quáng dùng mồm hút mũi con, mớ lầy nhầy rèn rẹt trôi ra. Con thở hắt một cái. Thế là con chưa chết. Ba mẹ con ngồi xuống vệ cỏ bên đường. Giãn vạch bầu vú khét nồng mùi nắng đưa vào miệng Mẻn. Mẻn chộp lấy bú chùn chụt. Nhưng chỉ được một lúc, thằng bé gồng người, nghiến những chiếc răng sữa bé xíu lên bầu vú khô đét. Theo phản xạ tự nhiên, Giãn phát một cái thật mạnh vào mông nó. Thằng bé nhả vú mẹ ra, khóc thét lên. Thương con, Giãn cũng khóc. Con gái Giáng ngồi cạnh bên cũng khóc. Thế là cả ba mẹ con cùng khóc.

Chờ nước mắt thấm xuống cỏ, Giãn đưa con vào nhà. Ngôi nhà dựng bằng phên tre thấp lè tè được bao bọc bởi một hàng rào đá càng thêm âm u trong bóng chiều chạng vạng. Giãn lấy đĩa dầu lạc trong góc nhà ra, cho vào một ngọn bấc rồi đốt lên. Mín trở mình hỏi giọng nghèn nghẹt:

- Giãn đấy à, sao hôm nay mày về muộn thế?

Giãn cúi gầm mặt:

- Phải trồng cho hết cái ngô trên đồi.

- Mày phải về sớm để xem con mày khóc la như con ma sắp bắt nó đi rồi.

- Nó đói đấy.

- Mày phải về lo cho nó cái ăn chứ.

- Còn ít ngô mình để trong bao đâu?

Một thanh củi bay vút qua đầu Giãn, con bé Giáng giật nảy mình ôm cứng chân mẹ. Mín lè nhè:

- Mày định không cho tao một chút rượu nào để uống à, mày định để tao chờ mày cho tới khi ông mặt trời xuống núi à?

Thế là chồng đã mang chút ngô còn lại ấy đổi rượu uống rồi mặc hai đứa trẻ đói xác xơ trong ngày. Có mấy cái khoai mới đào còn nằm im trong gùi, Giãn lật bật nhóm lửa nướng khoai cho con ăn. Lúc mùi khoai bốc lên thơm lừng thì hai đứa trẻ đã lăn ra ngủ mê mệt trên đống rơm giữa nhà. Dường như là giấc ngủ đầu tiên trong ngày bởi chúng đã khóc, đã sợ hãi, đã xác xao cả ngày vì sợ bố còn hơn sợ đói. Lần này chỉ một mình Giãn khóc.

*

* *

Bao mùa hoa tam giác mạch trôi đi, Giãn vẫn không bao giờ quên mùa hoa cuối cùng cô còn là con gái. Mùa hoa Giãn chưa có chồng. Mùa hoa Mín chưa mang đến cho cô những giọt nước mắt không ngừng tuôn chảy. Mùa hoa còn tiếng khèn bên bờ rào đá đêm đêm của Chảy - chàng trai đã gặp Giãn ở chợ phiên năm nào. Nếu con trâu nhà Giãn không giẫm nát thửa ruộng lúa mạch nhà Mín thì cô mãi mãi còn mùa hoa ấy.

Nhà Mín bảo sẽ kiện để bắt con trâu nhà Giãn. Bố mẹ Giãn lo cuống cuồng. Mất trâu là mất tất cả. Không có trâu lấy gì làm nương. Mà bố Giãn lại chỉ còn một chân sau lần bị tai nạn xe từ xuôi về. Thế là bên nhà Mín đánh tiếng, nếu cho Mín bắt Giãn về thì không bắt chết trâu. Bố mẹ Giãn không ngủ bảy ngày bảy đêm để bàn chuyện Giãn. Đêm thứ bảy, khi tiếng khèn của Chảy vẫn dặt dìu ấm áp vang lên bên bờ rào đá nhà Giãn thì bố Giãn khập khiễng chống nạng bước ra bảo: “Tiếng khèn mày im đi, đừng rủ con gái tao đi đâu nữa, ngày mai tao cho nó về nhà chồng rồi”.

Thế là Giãn trở thành vợ Mín. Khi ấy vú Giãn không to như bây giờ, chỉ be bé xinh xinh như vầng trăng mười sáu treo trên đầu non. Khi ấy Giãn cũng không biết vui hay buồn khi phải mang gùi vác rựa theo thằng chồng đi cất nhà riêng trên lưng chừng núi. Thế là tiếng khèn của Chảy thôi không vang lên nữa. Nghe nói Chảy đi về xuôi, xa lắm, để theo người ta ngăn dòng nước làm ra cái điện. Sống chung nhà với Mín, thỉnh thoảng vào những chiều nắng nhạt dần bên nương ngô, Giãn cũng có nghe tiếng khèn xa xôi réo rắt. Cô thở dài, thôi đành cất cái nhớ đi. Sau lần Chảy gặp Giãn ở chợ phiên, họ chưa một lần được đi cùng nhau qua những triền núi tim tím màu tam giác mạch, họ chưa một lần thử nắm tay nhau xem máu nóng con trai khác máu nóng con gái như thế nào. Nhưng Giãn vẫn nhớ lắm ánh mắt Chảy nhìn cô đắm đuối mỗi khi cô nhón chân vạch mớ lá ngô nhìn anh đang thổi khèn ngoài bờ rào đá. Tiếng khèn rót vào tai Giãn. Tiếng khèn bảo hãy bước ra cùng anh... Vẫn nhớ lắm, nhưng mà không dám nói ra vì Mín dữ như con hổ đói trên rừng.

Về làm vợ Mín, Giãn cáng đáng hết mọi việc từ nhà lên nương. Mín nghiện như một con ma rượu, ngày ngày đòi rượu như thằng Mẻn đòi vú mẹ. Làm quần quật suốt, để kiếm cái ăn cho cả nhà, hai bàn tay Giãn to đùng. Có hôm trời rét đậm, từng kẽ tay rỉ máu. Có hôm trời rét nhiều hơn nữa, tay vừa cóng vừa đau không làm nương được, Giãn lủi vào hốc đá, ngủ luôn một giấc rồi về. Về không mang theo cái ăn, Mín đè Giãn ra đánh, đánh cho đến khi nào hai đứa con ngưng khóc mới thôi. Nhưng tất cả không đáng sợ bằng việc Giãn phải đêm đêm hầu rượu cho chồng.

 

Minh họa: Phạm Minh Hải

Đêm hầu rượu khủng khiếp nhất đã đến với Giãn trong một ngày đông buốt giá.

Đêm ấy tuyết phủ trắng mái nhà, trời rét đến nỗi Giãn phải khoét một bọng rơm giữa núi rơm to đùng trong nhà rồi cho hai đứa con vào đấy ngủ. Nghe tiếng chồng gọi, Giãn len lén đi ra ngồi xuống cạnh. Mặc gió núi thổi qua kẽ hở mái nhà lạnh hun hút, như mọi lần, tợp xong bát rượu, Mín thô bạo lột áo vợ cho đến khi không còn thứ gì trên người. Giãn ngồi như tượng đá, ban đầu hai tay còn ôm ngực co ro, sau thấy chán hết mọi thứ nên buông xuôi. Mín im lặng ngồi nốc hết bát rượu này đến bát rượu khác, mỗi bát nó lại chừa một ít rưới lên người Giãn rồi dùng lưỡi liếm những giọt rượu cố tình làm rơi vãi ấy. Khi mặt đã tái dại, rượu trong can cũng hết, ngọn bấc trong đĩa tàn thì Mín vật Giãn ra giữa nền đất ẩm ướt buốt giá. Những móng tay của Mín như cật nứa cắm vào da thịt Giãn tứa máu. Mùi rượu tởm lợm xộc lên tới óc. Không thể chịu nổi, Giãn đạp nó xuống nền nhà rồi vùng chạy ra ngoài. Giãn cứ thế chạy, quên cả cái giá rét châm trên da thịt nhôn nhốt. Chỉ đến khi toàn thân Giãn như cứng đờ, cái chân không thể nhấc lên được nữa, Giãn ngã gục xuống, bật khóc tức tưởi.

Đêm ấy, con ma men trong người đã biến Mín thành con quỷ dữ. Gần sáng trở về, Giãn bắt gặp thằng Mẻn tím tái thoi thóp trong vòng tay chị nó ngoài cửa liếp. Cánh cửa liếp được buộc chặt bởi một sợi dây thừng không cho hai đứa vào để trừng phạt Giãn.

Một tuần sau, thằng Mẻn chết vì viêm phổi.

Thế là Mẻn bỏ mẹ bỏ chị ra đi theo tám núi ngàn sông, theo cái gió thổi cắt da trườn qua những cánh đồng khô khốc treo trên bờ núi. Chiếc chăn quấn Mẻn rách loang lổ như tổ ong.

Giãn không còn nước mắt để khóc con, cô nắm bàn tay con gái lạnh giá cúi đầu leo mải miết qua những cánh đồng, những vạt nương để về nhà mẹ đẻ. Chỉ còn một mỏm núi cuối cùng là đến mái nhà ấm mùi rơm rạ thì thằng Mín hiện ra. Tay lăm lăm con dao rựa phát rẫy bóng loáng mồ hôi Giãn, mắt nó vằn lên những tia máu.

Thế là Giãn đành phải dắt con gái quay về.

Sau ngày Mẻn mất ít lâu thì có chợ phiên. Giãn mang chút mật ong lấy được trên rừng đi đổi muối. Mín không cho Giãn mang con gái theo. Bước chân về chợ phiên mà lòng Giãn không muốn đi chút nào. Chưa bao giờ cô thấy mắt con bé Giáng buồn như thế. Nó đứng tựa cửa là tấm phên tre mốc thếch, xộc xệch màu tang tóc. Trời lạnh hanh heo khô khốc, da nó bong ra từng lớp, nước mũi nó chảy thành một vệt xanh trên vòm môi nứt nẻ.

- Mín này, con gái đang buồn lắm, cho nó đi với mình nhé?

- Không, nó phải ở nhà.

- Ở nhà? Nó bé như cái hạt tam giác mạch thế kia thì ở nhà có làm được gì?

- Nhưng mà tao thích.

Thế là kết thúc. Nhưng mà tao thích là kết thúc. Cái chết của con trai luôn ám ảnh Giãn với cái điều nhưng mà tao thích. Mín nói thế là Giãn không dám làm gì nữa. Giãn chỉ còn con gái Giáng. Giãn không muốn lại một lần nữa đặt con vào lòng đất. Rất khác với những lần còn địu em trai trên lưng, lần này Giáng không khóc ngặt ngoẻo đòi theo mẹ đi chợ phiên như mọi khi. Nó lặng im nhìn mẹ như nhìn vạt mây chiều trôi qua đầu núi sau nhà. Lòng Giãn xốn xang, cô muốn gào lên khóc thật to cho cái buồn trôi ra khỏi bụng. Nhưng con mắt vằn đỏ màu máu của Mín đã bắt cái chân của cô phải bước đi rồi. Mín bảo, chỉ đổi ít muối thôi, còn bao nhiêu đổi rượu cho tao hết đấy. Chân Giãn bước đi thật nhanh, thật nhanh. Để kịp về ôm Giáng vào lòng, để mắt Giáng hết buồn, để Giáng cho mẹ một tiếng cười - tiếng cười mà người mẹ chờ đợi từ rất lâu rồi - sau cái chết của em trai nó.

*

* *

Ông trời không bao giờ cho Giãn hết buồn hết đau.

Một ngày đầu thu, Giãn lên nương trỉa bắp. Từ sau ngày con trai mất, cô đi đâu cũng muốn nhanh về với con gái. Sau lần cầm dao rựa chờ mẹ con Giãn trên đầu non ấy, Mín không cho Giãn mang con gái đi đâu cả. Chỉ vừa quá trưa, Giãn đã tất tả quay về. Không thấy con đứng chờ mình nơi mỏm đá quen thuộc bên triền núi như mọi khi, linh tính điều chẳng lành, Giãn chạy thật nhanh về nhà. Lại cũng chỉ có Mín nằm lơ mơ trên ổ rơm.

- Con đâu? Giáng đâu, Mín?

Mín lè nhè:

- Tao cũng đang chờ nó đây.

- Con đi đâu mà phải chờ?

Im lặng. Con ma rượu lặc lè quay ra nhắm mắt thở phì phò.

Giãn chạy hết một triền núi dài, một bãi ngô rộng, róng riết gọi tên con. Không thấy con đâu, cô chạy sang mấy nhà hàng xóm ở rất xa. Họ bảo cũng không thấy con bé Giáng đâu. Mà có bao giờ nó đi xa thế.

Đêm. Vẫn chưa tìm được con gái, lòng Giãn nóng như lửa đốt. Cô lồng lộn đi ra đi vào như con thú đói không còn cái ăn. Nơi ổ rơm trong góc nhà, Mín vẫn phì phò ngủ. Trên nền nhớp nháp lăn lóc những vỏ chai không còn một giọt rượu nào.

Sáng hôm sau có người đi qua suối nhặt gỗ bảo Giãn ra đón con gái về.

Con gái nằm khô lạnh dưới chân một dãy cỏ lau dày. Người ta vớt nó lên để đấy. Mắt nó nhắm nghiền, môi nó xanh xao tím tái. Con suối hiền hoà chảy dọc theo triền nương đã mang hồn nó đi từ hôm qua rồi. Giãn không gọi chồng, mình cô ôm con đi đến nơi thung lũng sâu. Ở lại thung lũng rộn ràng tiếng chim này con nhé, con sẽ được cười, được ngắm hoa tam giác mạch vào mùa thoả thích, đừng theo mẹ trở về ngôi nhà có con ma rượu ám kia, đời con sẽ buồn như đời mẹ.

Nằm bên thung lũng với con gái trọn một ngày, tối Giãn mò về nhà. Trăng thượng tuần sáng vằng vặc trên cao. Bóng Giãn in vào vách núi liêu xiêu. Cô đã thấm mệt vì buồn đau, vì không ăn uống cả ngày.

Đứng chờ vợ cạnh cửa, không còn giọt rượu nào cho vào cổ, giọng Mín rõ ràng hơn:

- Con đàn bà kia, mày đi đâu từ khi ông mặt trời thức đến giờ?

Thế là Mín quên con gái Giáng thật rồi, Giãn bướng bỉnh hất mớ tóc rối nùi ra trước ngực:

- Đi đâu cũng được, hỏi làm gì?

Mín hùng hổ sấn đến như con thú bị thương.

Con ma rượu túm tóc Giãn quăng quật tơi bời cho tới khi người cô bê bết máu…

Quá nửa đêm, Giãn tỉnh dậy lơ mơ, cảm thấy khát cháy, cô bò ra máng nước trước nhà. Vục mặt vào máng nước chảy tong tong, Giãn nghe một cảm giác dịu dàng lan toả. Đâu đấy dường như có tiếng khèn của Chảy vút lên cao. Giữa mênh mông núi rừng, đó là tiếng khèn của tình yêu. Hãy bước ra cùng anh, theo gió bay qua vách núi…

*

* *

Không như những chợ phiên trước, lần này Giãn không buồn lên rừng tìm mật ong đổi muối. Không còn con, cô cảm thấy cuộc sống rã rời, không muốn làm gì nữa hết. Thế mà tự bao giờ, Mín đã tìm đâu ra một bó quế to. Mín bảo, bán xong chỗ quế, chỉ cần xách về cho nó can rượu, còn lại cho Giãn tất, Giãn thích mua gì cũng được.

Khi ông mặt trời nhìn thẳng vào mỏm núi thì Giãn cũng lặc lè xách được can rượu về đến nhà. Can rượu to cho Mín uống vừa đủ đến phiên chợ sau. Giãn chưa kịp làm gì sau khi vượt chặng đường trập trùng từ chợ phiên về nhà thì Mín đã bảo cô cởi váy áo mới mua ra.

Rượu rót tràn vội vã cho con ma rượu bắt đầu cuộc vui.

Mãi khi dòng rượu lạnh ngắt chảy ào qua hai bầu ngực căng cứng của Giãn thì cô co rúm người lại. Bỗng thấy mình hiền quá như bờ đá trước hiên nhà. Bờ đá cứ nằm yên đấy, nằm mãi nằm hoài cho mọi người giẫm chân lên.

Có bao nhiêu lần Giãn định trốn đi khi đến chợ phiên? Trừ lần đầu tiên sau khi trở thành vợ Mín, lần ấy còn cái khấp khởi của cô dâu mới chiều chồng. Nhưng vào những lần sau đó, bao giờ Giãn cũng có ý định trốn.

Không thể nào trốn được.

Con ma rượu lúc nào cũng có cách buộc chặt cô vào đời nó. Lần có mang Giáng. Lần có mang Mẻn. Biết bao lần thương con chị địu thằng em đứng chờ mẹ mỏi mòn trên triền núi. Lần nhất quyết phải trở về với con bé mất hẳn tiếng cười sau khi thằng em mất. Sau ngày đặt con bé xuống thung lũng, mọi thứ lại càng tồi tệ hơn. Giãn đi đâu, Mín theo đấy. Cô làm nương dầu dãi, nó nằm trong hốc đá uống rượu với con dao rựa sáng loáng kề bên. Tối ngủ, nó buộc chặt chân cô vào chân nó. Chỉ có lần này đi chợ phiên, thằng đàn ông biết tính con vợ không ưa lấy gì của người khác, thế là nó đưa một bó quế to đùng ra đổi lấy can rượu.

Có thật là Giãn muốn mang rượu về cho Mín không? Hoàn toàn không, không bao giờ. Cái thằng ác, mình không mang rượu về cho nó cũng chẳng sao. Nhưng cái ma nào đã bắt đôi chân cô quay về với nó? Giãn cần thoát khỏi không gian u uất sau cái chết của hai con, sau những lần bị trói tay trói chân vào thân thể tàn tạ của thằng ma rượu. Nhưng Giãn vẫn sợ lắm chuyện bỏ hai con nằm bơ vơ trên núi. Giãn trốn về xuôi rồi, những khi có cái ăn, ai mang cúng ma cho thằng Mẻn và con bé Giáng. Chúng nó sẽ đói, sẽ khóc và sẽ chết đi một trăm lần hơn thế.

Nhưng Giãn cũng cảm thấy thật sự là đàn bà khi có một người đàn ông tìm cho mình bó quế to đùng bán được rất nhiều tiền vào mỗi phiên chợ. Cô hài lòng khi được giống những người phụ nữ làm vợ có ngôi nhà cheo leo trên triền núi. Gặp chị gặp em trong bộ váy mới đủ sắc màu lóng lánh, Giãn sẽ nói dối mọi người rằng cô rất được chồng Mín thương yêu và lo cho mọi đàng. Miên man trong cảm giác lạ lẫm như thế nên Giãn xách rượu về đến tận nhà cho Mín tự bao giờ chẳng hay. Rồi cô mới nuối tiếc và tự hỏi sao mình lại mang rượu về cho nó.

Khi hai hàm răng sắc nhọn của con ma rượu nghiến ngấu đau điếng trên cặp đùi trắng của Giãn thì cô bừng tỉnh thêm lần nữa. Tắc kè kêu vang vách núi khiến Giãn nhớ lão thầy mo có bộ răng ám khói vàng khè đứng giả tiếng tắc kè nghe rất giống nơi góc chợ. Lão nói đúng khi cô rót cho lão một cốc rượu đầy: “Lòng mày muốn xuống cái xuôi thì cứ xuống, con mắt buồn của mày sẽ kéo hết những con ma trong nhà mày theo”. Ồ, đúng, dẫu xa xôi thế nào thì hồn ma chị em con bé Giáng cũng sẽ theo Giãn về xuôi. Chúng sẽ bay theo bước chân mẹ đều đều như tiếng lục lạc khua leng keng trên bờm cổ những con ngựa thồ lặc lè trên lưng thóc lúa. Chúng không dại gì ở lại ngôi nhà ổ rơm đầy hơi rượu của thằng bố Mín thân tàn ma dại để phải chết thêm lần nữa. Có vậy sao Giãn nghĩ hoài không ra. Cô nghe một luồng hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng mình. Có một cuộc đời khác đang chờ cô ngoài cửa.

Dòng suy nghĩ của Giãn bị cắt ngang khi thằng chồng Mín lấy tay xoa mạnh hai bầu ngực căng cứng của vợ:

- Vậy là mày sắp đẻ cho tao một đứa cho nó mang ngô đi đổi rượu nữa nhé.

Giãn hoảng hốt như có ai đó đang mang mình đi đày nơi xa ngút ngát:

- Mình không đẻ nữa đâu, đẻ thế nào được.

- Được, có hai quầng đen trên đầu vú mày rồi đây này.

Giãn giật mình, thật vậy sao. Thằng chồng điên rượu nhưng rất tỉnh táo vui mừng nhận ra sợi dây trói buộc Giãn với nó đang hình thành trong bụng cô. Đúng rồi, buồn đau chất ngất vì mất con, Giãn không nhớ mình đã không thấy “tháng” tự bao giờ. Nhiều đêm đang ngủ, hai bầu ngực cô căng lên nhức nhối. Đã vậy Mín còn bảo “sắp đẻ cho tao một đứa cho nó mang ngô đi đổi rượu nữa”. Để biết chồng muốn gì một cách rõ ràng, Giãn gắng gượng trở mình nhẹ nhàng nhằm giữ Mín trong cơn khoái lạc:

- Chồng Mín nói gì, ai mang ngô đi đổi rượu?

- Con Giáng.

- Nó bé thế, làm sao mang ngô lội qua suối đổi rượu cho chồng được?

Mín lè nhè :

- Được, nó đã qua suối nhiều lần, nhưng có một lần nó chết.

Tim Giãn như ngừng đập. Toàn thân cô lạnh ngắt. Ra thế, con ma rượu không cho con bé lên nương cùng mẹ, chỉ sợ Giãn sẽ mang nó trốn đi. Chiếc lồng cói xinh xinh trôi dập dềnh bên bờ suối ngày vớt Giáng lên là chiếc lồng Mín đựng ngô bắt con đi đổi rượu. Thế mà Giãn cứ ngỡ Giáng đi hái hoa bắt bướm bị trượt chân té ngã xuống suối.

Rượu tàn, Mín không quên buộc chân Giãn vào chân nó rồi lăn ra ngủ.

Giãn loay hoay khó thở trong không khí ngột ngạt. Mín lè nhè:

- Mày định làm gì đấy, vợ?

- Không làm gì cả.

Con ma rượu trở mình ngồi dậy, rồi đổ ập người lên người vợ:

- Tao ngủ, mày cũng phải ngủ. Thế, ngủ đi.

Nằm nín thở dưới tấm thân oặt oẹo khét nồng hơi rượu của Mín, Giãn trân người ra nghĩ ngợi. Làm cách nào để mang đứa bé trong bụng cô đi. Cô không muốn nó bị ném xuống nền đất ẩm ướt như anh nó. Cũng không muốn nó bị bắt lội qua suối đổi ngô lấy rượu như chị nó. Phải đi thôi. Nhưng bằng cách nào. Giãn nhìn quanh quất tìm kiếm, như thể có ai đó đứng ngoài tấm phên cửa kia sẽ mách bảo cho cô một điều. Không thấy ai cả. Có đôi chim xanh hót ríu rít trên cành mơ trước nhà. Con chim chồng tha một cọng rơm dài mang về xây tổ. Nhớ ngày bé muốn bắt chim xanh con, Giãn chỉ việc đứng dưới gốc mơ tìm cọng rơm dài nhất của chiếc tổ ấy lôi xuống… Cọng rơm dài… À, những ngôi nhà dựng trên sườn núi cheo leo như nhà Giãn cũng có “cọng rơm dài”. Đấy là sợi dây thừng bện thật to để chằng chéo mái nhà chống gió. Khi muốn mang nhà đi sang núi khác, chỉ cần giật sợi dây thừng ấy. Nhà đổ là gom các thứ mang đi. Giãn nhìn quanh tìm sợi dây thừng của nhà cô. Nó không được vắt trên xà nhà một cách cẩn thận như những ngôi nhà khác. Cái rượu đã làm người Mín nhũn đi. Mín chẳng còn thích gì ngoài rượu. Sợi dây thừng đang nằm buồn bã trên nền đất, cách chân Giãn và Mín một sải tay. Bỗng dưng Giãn muốn là con chim xanh con, hãy giật sợi dây thừng, chim xanh con sẽ rớt xuống, không có ai chờ để bắt cô cả, thì cô sẽ bay, bay đi đâu đấy thật xa, để không bao giờ còn là vợ Mín.

Giãn quơ tay tìm một cái gì đấy quanh mình. Trên người Giãn, Mín vẫn ò ò ngủ say. May quá, tay cô đã chạm vào một que củi rớt lăn lóc trên nền nhà. Que củi còng queo nhưng đủ dài để cô khều lấy sợi dây thừng. Và giật mạnh. Mái nhà rệu rã nắng mưa của thằng đàn ông nát rượu sập xuống. Giãn còn kịp thấy cây tre to làm cột chính giữa nhà đập mạnh xuống lưng Mín. Còn kịp nghe Mín ré lên: “Con vợ, mày làm gì”. Sau khi cởi bỏ được sợi dây buộc chân mình với chân chồng, vơ vội mớ váy áo, Giãn cố gắng trườn qua đống rơm tre đổ nát. Thật kì lạ là Giãn không sao. Giãn từ từ đứng lên. Kì lạ hơn là Giãn không hề hoảng sợ. Mà thấy tỉnh táo hơn bao giờ.

Giãn bước chầm chậm xuống núi, không một lần quay đầu lại. Trước mặt Giãn là sườn núi nhuộm ráng chiều màu hồng hoang rực rỡ...

T.T

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)