. TRÌNH QUANG PHÚ
Tôi đã nhiều lần đến Trung Quốc ở các thời điểm khác nhau, từ Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân… đến Vạn Lý Trường Thành, từng dạo bước trong Di Hòa Viên và vào cả khu Trung Nam Hải. Tuy nhiên, vùng đất để lại trong tôi nhiều ấn tượng lại là Quảng Châu, thủ phủ của tỉnh Quảng Đông, một trong ba thành phố lớn nhất của Trung Quốc.
Dấu ấn sâu thẳm đối với riêng tôi, Quảng Châu là thành phố kinh đô đầu tiên dưới triều đại chính thống của Việt Nam bởi đế vương Triệu Đà (Triệu Vũ Đế) và người vợ yêu quý của vua Triệu là hoàng hậu Trình Thị Lan Nương. Họ Trình chúng tôi tự hào khi biết trên hai nghìn hai trăm năm về trước đã có người con gái của dòng tộc trở thành hoàng hậu triều đại đầu tiên của nước Nam Việt. Sử sách một thời đánh giá không đúng về Triệu Đà. Vậy thực ra Triệu Đà là ai? Ngay thời kì đầu cách mạng, Bác Hồ trong diễn ca Lịch sử nước ta đã viết: Triệu Đà là vị hiền quân/ Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo cũng viết: Khởi Triệu, Đinh, Lý, Trần nối đời dựng nước. Để tưởng nhớ công lao của Triệu Đà, các triều vua đã cho lập đền thờ ông ở Xuân Quan (Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và đền thờ hoàng hậu Trình Thị Lan Nương ở quê bà (Đồng Xâm, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Ở đền Đồng Xâm có tượng của vua Triệu Đà và hoàng hậu Trình Thị Lan Nương, hàng năm tổ chức lễ hội rất linh đình. Bà Trình Thị Lan Nương là một người con gái nhan sắc, nết na và có tài thơ ca. Bà là người khởi xướng nên làng hát chèo và ca trù. Phải chăng, bà là tổ của nghệ thuật hát chèo ngày nay? Trong quá trình nghiên cứu tôi được biết, Triệu Đà có tên Việt Nam là Nguyễn Thận, quê ở Vân Nội, Thanh Oai, Hà Nội. Bố của Nguyễn Thận là Hùng Dục Công, em trai của vua Hùng thứ mười tám. Mẹ là bà Trần Thị Quý. Lúc bé, Nguyễn Thận ở Chèm (Hà Nội) với bố mẹ. Khi Thục phán An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang thì ông bị lưu lạc về Quảng Tây. Một ông quan tỉnh Quảng Đông thấy Nguyễn Thận khôi ngô, khỏe mạnh nên nhận làm con nuôi và đổi tên là Triệu Đà. Triệu Đà nói được tiếng Việt và tiếng Hoa. Khi mất, mộ Triệu Đà được di về táng ở Bình Phán, Thanh Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Như vậy, Triệu Đà là người Việt Nam, là vị vua đầu tiên, là người dựng ra nước Nam Việt gồm cả Quảng Đông, Quảng Tây với kinh đô lúc đó đặt ở Phiên Ngung tức thành phố Quảng Châu ngày nay. Trong chín bảy năm của năm đời vua, nhà Triệu đã giữ được nền độc lập cho nước Nam Việt. Tôi rất tự hào vì tiên tổ tộc họ Trình chúng tôi có người phụ nữ làm hoàng hậu đã từng sống hạnh phúc với Triệu Đà và sinh ra Trọng Thủy (để lấy Mỵ Châu) cũng tại mảnh đất Quảng Châu này…
Tôi đã đến Quảng Châu từ những năm còn nghèo đói. Ngày đó, đường sá đi lại rất chật chội, nhỏ hẹp, nhà cửa lụp xụp và cuộc sống khó khăn; bữa ăn của dân Quảng Châu thường là món cháo loãng ăn với ca la thầu (đầu củ cải muối). Ngày nay, Quảng Châu là thành phố sầm uất vào loại nhất, phát triển nhanh trong một quy hoạch bền vững. Hạ tầng đường sá ba, bốn tầng, nối cao tốc tỏa về các ngả. Quảng Châu kéo dài nối với Thẩm Quyến, Phật Sơn, Đông Quan Quảng Đông đông đúc tấp nập trở thành một thành phố có dân số lên gần mười bốn triệu người, với người nhập cư chiếm đến bốn mươi phần trăm nên nó còn có tên gọi khác là “Thành phố toàn cầu”. Sân bay Bạch Vân của Quảng Châu ngày trước rất nhỏ, chỉ có hai ống lồng. Nhưng ngày nay, nó là một sân bay hiện đại vào tốp hai mươi sân bay lớn nhất thế giới, mỗi năm vận chuyển trên dưới bốn lăm triệu khách. Ở Quảng Châu đã cấm xe Honda từ hơn chục năm và có tám tuyến tàu điện ngầm, mỗi ngày vận chuyển hàng triệu người đi lại. Tăng trưởng của Quảng Châu luôn ở mức trên dưới bảy phần trăm, GDP bình quân đầu người trên hai bốn ngàn USD, con số rất đáng để chúng ta suy nghĩ - một xứ sở từ chỗ người dân phải sống chỉ có cháo loãng, bánh bao và dưa muối đầu củ cải, ngày nay có mức thu nhập bình quân gấp mười lần những thành phố lớn của Việt Nam ta (?). Đêm đêm từ cửa sổ khách sạn năm sao nhìn ra, Quảng Châu như một bầu trời rực rỡ bởi ánh đèn đủ màu. Có lẽ trên thế giới, ít thành phố nào có đèn đêm nhiều màu và rực rỡ như ở đây. Tháp Quảng Châu cao sáu trăm mét, xếp thứ hai sau độ cao của tháp truyền hình Tokyo và đối xứng với tháp Tây Quảng Châu, còn gọi là Trung tâm tài chính quốc tế của Quảng Châu. Tháp Quảng Châu không chỉ là tháp truyền hình mà còn là nơi thu hút khách du lịch. Khách có thể lên trên đó ăn bữa trưa giữa trời mây, hoặc đêm nhâm nhi tách cafe để ngắm Quảng Châu. Đặc biệt, tháp được lắp đặt hệ thống ánh sáng khá độc đáo, nhiều màu sắc, luôn thay đổi rất uyển chuyển, là nơi trình diễn ánh sáng nghệ thuật. Đứng ở dưới nhìn lên, tháp cao sừng sững với ánh sáng tự động đổi màu chiếu xuống dòng Châu Giang lung linh, huyền ảo. Còn tháp Tây Quảng Châu như một thành phố trụ với một trăm lẻ ba tầng, cao trên bốn trăm ba tám mét, hai trăm năm mươi ngàn mét vuông sàn. Sáu chục tầng đầu tiên là văn phòng và dịch vụ, tầng sáu chín lên đến tầng chín tám là khách sạn Bốn Mùa. Nếu tính bình quân mỗi người sử dụng trên mười mét vuông thì tòa tháp có sức chứa trên hai vạn người.
Ở thành phố này, điểm du lịch, danh thắng thì có nhiều, rất nhiều. Tuy nhiên, tôi muốn dành phần còn lại của bài viết để nói về những hoạt động của Bác Hồ trong những năm ở Quảng Châu.
*
* *
Mười hai năm sau khi rời bến Nhà Rồng bôn ba các nước Pháp, Mĩ, Anh, Bác đã đến Liên Xô. Ở đây, Bác hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, nhờ đó Người hiểu được nhiều về chủ nghĩa Marx, cách mạng giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức, tư tưởng cách mạng của Lenin, về chủ nghĩa cộng sản, tình hình nước nhà, tình hình thế giới để rồi Người quyết định trở về cứu nước. Sự thôi thúc đó buộc Bác phải lựa chọn. Về đâu? Nước nào có điều kiện tiếp cận với lực lượng yêu nước ở Việt Nam tốt nhất? Thái Lan, Campuchia, Lào, hay Singapore…?
Muốn làm cách mạng trước hết phải có con người, phải có lớp người lãnh đạo và phải có tổ chức. Trong khi đó, Quảng Châu là vùng đất gần Việt Nam, lại có nhóm thanh niên yêu nước Việt Nam, một số chiến sĩ, những người bị thực dân Pháp truy nã vì có tinh thần cứu nước đang ở đây. Và nóng bỏng hơn là sự kiện Phạm Hồng Thái ám sát toàn quyền Đông Dương Henri Merlin đang trên đường từ Nhật về Việt Nam dừng chân ở Quảng Châu. Phạm Hồng Thái với sự hỗ trợ của Lê Hồng Sơn đã giả dạng nhà báo để đột nhập vào phòng tiệc. Hai quả lựu đạn giấu trong máy ảnh. Ngày đó, máy ảnh rất to, mang đi rất lỉnh kỉnh, thường phải có tấm vải đen che kín. Phạm Hồng Thái đã ném hai quả lựu đạn vào giữa bàn tiệc, năm tên thực dân Pháp đền mạng, toàn quyền Merlin chỉ bị thương do một quả lựu đạn không nổ. Cảnh sát, mật vụ áp vào bắt Phạm Hồng Thái. Người thanh niên hai tám tuổi ấy đã dũng cảm vượt qua hàng rào bủa vây và lao về phía bờ sông Châu Giang, anh quyết tuẫn tiết để không rơi vào tay giặc... Tất cả những điều đó giúp Bác thấy rõ Quảng Châu là căn cứ địa quốc tế để ươm mầm cho cách mạng nước nhà. Bác đã chính thức xin Quốc tế Cộng sản cho về Quảng Châu để xây dựng phong trào cách mạng ở Việt Nam và các nước Nam Á. Nhưng, “Vì lí do này đến lí do khác, hết tuần này sang tuần khác, hết tháng này sang tháng khác đề nghị của Bác chưa được giải quyết” (Hồ Chí Minh biên niên sử - Nxb Chính trị quốc gia). Người đã phải cầu cứu các đồng chí cộng sản Pháp tại Quốc tế Cộng sản. Cuối tháng 9 năm 1924, Quốc tế Cộng sản đã có quyết định chính thức cử Bác sang Quảng Châu công tác, nhằm xúc tiến xây dựng tổ chức cộng sản ở Đông Dương, chi phí do Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản đài thọ. Quốc tế Cộng sản bố trí Bác đi Quảng Châu trong vai phóng viên thường trú của hãng thông tấn Nga Rosta với bút danh O. Lus. Ngày 11 tháng 11 năm 1924, con tàu mang quốc kì Xôviết ngược dòng sông Châu đưa Bác đến Quảng Châu. Khi đó M. Borodin, một người quen của Bác ở Liên Xô đang là Trưởng đoàn cố vấn của Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn; Bác với tên là Lý Thụy được giao nhiệm vụ phiên dịch cho phái đoàn. Trong một dịp trao đổi với giáo sư Hoàng Tranh (một nhà khoa học Trung Quốc cả đời nghiên cứu về Hồ Chí Minh), tôi được giáo sư cho biết rằng, năm 1924, Tôn Trung Sơn vừa thành lập chính phủ cách mạng, xác định chính sách “Liên Nga, liên cộng, phù trợ công nông”, một phong trào cách mạng đang sôi động. Bên cạnh đó, những người bạn Trung Quốc của Hồ Chí Minh quen thân hồi ở Pháp những năm 1920 như Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Trương Thái Lôi… đang có mặt ở đây; Quảng Châu khi đó được gọi là “Mạc Tư Khoa của phương Đông” nên rất phù hợp với ý tưởng tạo dựng cơ sở đào tạo cách mạng cho Việt Nam của Hồ Chí Minh.
Những ngày đầu khi đến Quảng Châu, Bác ở trong trụ sở của phái đoàn cố vấn Liên Xô bên cạnh Chính phủ Tôn Trung Sơn do đồng chí Borodin làm cố vấn trưởng. Mọi người hay gọi là phái đoàn Borodin, và nơi đoàn cố vấn ở còn gọi là “dinh Borodin”. Bác liên lạc ngay với nhóm “Tâm tâm xã” do cụ Phan Bội Châu lập ra (lúc này cụ Phan đã rời Quảng Châu). Theo tài liệu của mật thám Pháp (thông qua công bố của L. Marty) thì ở Quảng Châu ngày đó nhóm Tâm tâm xã do nhà chí sĩ Phan Bội Châu thành lập có năm người nòng cốt là Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Lê Quang Đạt, Trương Văn Lễnh. Bác đã truyền bá tư tưởng Marx - Lenin cho những thanh niên đầy nghĩa khí này và xúc tiến lập ra “Hội An Nam Thanh niên Cách mạng” về sau gọi là “Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội”. Báo cáo gửi Quốc tế Cộng sản, Bác viết: “Chúng tôi đã lập một nhóm bí mật gồm chín hội viên trong đó có hai người được phái về nước, ba người ở tiền tuyến (trong quân đội của Tôn Dật Tiên), một người đang đi công cán quân sự (cho Quốc dân Đảng). Trong số hội viên đó có năm người đã là đảng viên dự bị của Đảng Cộng sản” (Hồ Chí Minh toàn tập).
Từ Quảng Châu, Bác thiết lập các đường dây liên lạc với trong nước qua tàu buôn các nước, lập tuyến qua Móng Cái, tuyến qua Lạng Sơn và cả tuyến qua Băng Cốc. Lúc này Bác lấy bí danh là Vương và quyết định thuê căn nhà số 13 và 13B đường Văn Minh (nay là 248-250 Văn Minh) để làm trụ sở và mở lớp huấn luyện cách mạng đầu tiên. Văn Minh là con phố nhỏ chạy song song với sông Châu, rất yên tĩnh thoáng mát. Ngôi nhà số 13 có ba tầng lầu; tầng trệt vẫn bán tạp hóa, tầng hai và ba là trụ sở hoạt động của Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội và mở lớp huấn luyện cách mạng. Có thể nói đây là trường đào tạo cộng sản, “trường Đảng” đầu tiên của Đảng ta.
Tài liệu còn ghi rõ: Trong bài đầu tiên về “Cách mệnh” tại các lớp huấn luyện chính trị Quảng Châu, sau khi làm rõ khái niệm “Cách mệnh là gì?”, “Cách mệnh có mấy thứ?”… Nguyễn Ái Quốc đã đặt ngay vấn đề “Cách mệnh trước hết phải có cái gì?” và Người khẳng định: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững, cách mệnh mới thành công” (Hồ Chí Minh toàn tập). Bác cũng xác định con người là gốc rễ của cách mạng, vì vậy Bác lựa chọn những thanh niên ưu tú, nhiệt huyết để đào tạo. Bác nói: “Hội An Nam Thanh niên Cách mạng (The Annam Young Revolutionary Association) là quả trứng, mà từ đó nở ra con chim non cộng sản (Đảng Cộng sản)” (Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu).
Tại đây, Bác đã mở được ba khóa huấn luyện cho 75 cán bộ chủ chốt của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, đây là cái nôi, là nơi tập hợp và đào tạo nên những người lãnh đạo cách mạng đầu tiên. Trong số đó có những người đã từng giữ cương vị Tổng Bí thư như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ; đồng chí Phạm Văn Đồng sau là Thủ tướng Chính phủ suốt mấy chục năm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sau là Phó Chủ tịch nước. Tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội từ đây lan tỏa về Việt Nam, có cơ sở ở khắp ba miền Trung, Nam, Bắc và cả trong lực lượng Việt kiều ở Thái Lan. Hội có quan hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng Cộng sản Pháp và Quốc tế Cộng sản. Bác cũng chọn lọc những người ưu tú để cử đi học Đại học Phương Đông Liên Xô và vào học Trường quân sự Hoàng Phố (do Chu Ân Lai và Diệp Kiếm Anh phụ trách) nhằm chuẩn bị lực lượng nòng cốt cho Đảng và cho công tác quân sự sau này như: Trần Phú, Lê Hồng Phong, Bùi Công Trừng, Phùng Chí Kiên, Nguyễn Sơn, Lê Quảng Đạt, Lê Thiết Hùng…
*
* *
Đến Quảng Châu, thăm khu bảo tồn ở phố Văn Minh, chúng ta không thể không nghĩ đến việc Bác cho ra tờ báo cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Suốt cuộc đời cách mạng, Bác luôn coi báo chí là vũ khí chiến đấu, là phương tiện tuyên truyền mạnh nhất, hiệu quả nhất. Ở Liên Xô, Người biết một trong những việc làm đầu tiên của Lenin khi có tổ chức cách mạng là sáng lập tờ báo Tia lửa (Iscra) và coi đây là tổ chức tập thể, là cơ quan ngôn luận của cách mạng và là nơi lan tỏa tinh thần cách mạng. Khi còn ở Pháp, Người đã từng ra báo Le Paria (Người cùng khổ) nhưng là tờ báo bằng tiếng Pháp nên không thể đến rộng rãi với đồng bào trong nước, vì vậy ngay những ngày sục sôi ý chí truyền bá cách mạng, truyền bá chủ nghĩa cộng sản, những ngày ươm mầm cộng sản trong những thanh niên yêu nước Việt Nam ở Quảng Châu, Bác đã quyết định cho xuất bản báo Thanh niên. Báo Thanh niên số 1 ra ngày 21 tháng 6 năm 1925 là tờ báo cách mạng đầu tiên của Đảng ta và ngày 21 tháng 6 đã trở thành ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tính đến nay, năm 2020 vừa tròn 95 năm.
Báo Thanh niên mỗi tuần ra một số, bằng cách in trên sáp. Trang nhất luôn có hình ngôi sao năm cánh bên cạnh tít báo bằng chữ Việt và chữ Hán. Bác vừa là chủ bút vừa làm biên tập và trực tiếp viết tin bài. Báo được gửi về nước, nhiều nơi đã chép lại, nhân ra và lưu truyền bí mật khắp trong Nam ngoài Bắc. Báo Thanh niên như ngọn đèn sáng giữa đêm đen. Báo in sáp nên chỉ được một trăm bản mỗi kì, ai cũng trân trọng, coi tờ báo như một báu vật. Bác đã tập hợp bài giảng cho các lớp học và các bài báo để tu chỉnh thành cuốn sách giáo khoa cách mạng đầu tiên mang tên Đường Kách mệnh. Năm 1927, sách được xuất bản công khai. Cũng tại Quảng Châu, Người đã vận động thành lập Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức, gồm các nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Indonesia và Myanma. Bác là người viết tuyên ngôn, trong đó có câu: “Chúng ta nên sớm đoàn kết lại, hãy hợp lực để đòi quyền lợi và tự do của chúng ta! Hãy hợp lực để cứu lấy nòi giống của chúng ta”. Chính các hoạt động này đã giúp Bác có thực tiễn, có thông tin sát đúng để nhanh chóng quyết định hợp nhất các tổ chức Đảng ở Việt Nam, để ngày 3 tháng 2 năm 1930 (tức ngày 6 tháng 1 âm lịch) thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam, chính đảng lãnh đạo cuộc cách mạng Việt Nam.
Quảng Châu là mảnh đất để Bác ươm những hạt giống đỏ cho Đảng Cộng sản Việt Nam. Giáo sư Hoàng Tranh nói rằng: “Trung Quốc có tất cả 33 tỉnh, Hồ Chí Minh đã ở và đến làm việc 21 tỉnh và cộng lại có đến mười năm. Nhưng Quảng Châu là nơi đầu tiên Người hoạt động và có nhiều kỉ niệm, tạo nên dấu ấn nhất không chỉ cho cách mạng Việt Nam mà còn tham gia phong trào xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Quảng Châu có nhiều nơi Bác đã đến. Đó là nhà 13 - Văn Minh, Bác ở, làm việc, giảng dạy và hội họp với tổ chức những người Việt Nam yêu nước. Bác từng ở nhà số 5 - 7 phố Hưng Nhân, Đông Cao - cơ sở 2 của lớp học. Ở tại tiệm thuốc bắc Huệ Quần y xã, nhà 194 đường Khang Ninh, rồi nhà hàng ông Bào ở quảng trường Đông Hiệu... Đặc biệt có một chỗ không thể không nhắc đến, đó là nơi ở đầu tiên khi Người đến Quảng Châu: “Dinh Borodin”, ngôi nhà hai tầng xây theo kiểu Pháp có vườn hoa rộng nhìn ra quảng trường Đông Giao (ngày nay ngôi nhà này không còn nữa). Bà Visnhiakova, thư kí của văn phòng Borodin trong hồi kí ghi lại có đoạn như sau: “Ở nhà M. Borodin, tôi may mắn được làm quen với một trong những con người tuyệt diệu ở Quảng Châu lúc ấy, đó là Lý Thụy, một người Việt Nam. Chúng tôi thường gọi đùa anh là Lý An Nam… Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ dáng người mảnh khảnh, tầm thước của anh. Anh thường mặc bộ quần áo rộng bằng vải gai màu trắng. Anh nói thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và biết cả tiếng Nga. Anh dạy tôi tiếng Việt. Điều đó làm cho anh phấn khởi và anh rất thích dạy tôi. Anh đối xử với chúng tôi như bạn bè, nhưng dè dặt không bao giờ nói về công việc đang làm và đã làm. Chúng tôi không biết gì về anh ngoài việc bọn thực dân Pháp đã treo giải thưởng lớn cho ai bắt được anh và Chính phủ Quốc dân Đảng đã cho phép anh cư trú chính trị. Ở nhà Borodin, anh là chỗ thân thiết… Mãi sau này, nhờ vợ đồng chí Borodin, tôi mới biết rằng anh Lý An Nam của chúng tôi không phải ai khác mà chính là đồng chí Hồ Chí Minh” (Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu - Nxb Chính trị Quốc gia, 2018).
Một hồi kí khác của một người Trung Quốc, bà Vương Nhất Trí (vợ của đồng chí Trương Thái Lôi, lúc đó là Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc cử cả hai vợ chồng làm việc tại văn phòng Borodin), đã viết: “Hồi đó, Hồ Chí Minh và chúng tôi đến ở dưới tầng một nhà ông Borodin. Hồ Chí Minh khi đó khoảng 36 tuổi, mặt gầy và dài, đôi mắt sáng, tiếng nói phổ thông đặc giọng Quảng Đông, ấn tượng Người để lại cho chúng tôi là sự sắc sảo, nhạy bén trong quan sát, đức tính ham học, hòa nhã, thẳng thắn, chân thành đối với mọi người. Người thường nói với chúng tôi, người đảng viên cộng sản phải chân thành với đồng chí, đồng bào. Đó là điều đầu tiên mà người đảng viên cộng sản cần phải làm. Hồ Chí Minh và Thái Lôi quen biết nhau từ hồi ở Liên Xô, giờ lại làm việc với nhau, cùng sinh hoạt với nhau, nên họ càng thân thiết với nhau… Nhớ hồi đó, những lúc xong xuôi công việc, Hồ Chí Minh ở trong phòng thường mang súng ra tập bắn, Thái Lôi cũng có khi cùng tập với Người. Buổi tối, Hồ Chí Minh đọc sách, viết lách, thường làm việc tới tận khuya, vậy mà tinh thần vẫn phấn chấn như thường, cứ như không biết mệt mỏi là gì. Chúng tôi và Hồ Chí Minh sống với nhau rất thân mật. Lúc rỗi rãi, Hồ Chí Minh thường sang phòng chúng tôi trò chuyện, chúng tôi cũng thường lui tới phòng của Người. Hồi đó, chúng tôi đã biết Người là một nhà cách mạng Việt Nam, một đảng viên cộng sản, nhưng chúng tôi vẫn thân mật gọi Người là đồng chí Lý Thụy” (Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu).
Tôi đã đến thăm căn nhà số 13 đường Văn Minh. Chín lăm năm trôi qua, ngôi nhà, trường đào tạo hạt giống đỏ Việt Nam vẫn còn, nó được Trung Quốc công nhận là di tích cách mạng cấp quốc gia, là điểm đến tham quan cho nhiều du khách. Ngôi nhà vẫn được giữ nguyên như xưa, những bàn ghế của lớp học, phòng hội họp của các thành viên Hội Thanh niên Cách mạng Việt Nam được phục dựng lại. Chính đây là nơi hội tụ của những bậc tiền bối cách mạng nước ta. Tại đây, khi phái viên của Quốc tế Cộng sản đến thăm và kiểm tra, Bác đã cử đồng chí Phạm Văn Đồng đọc diễn văn chào mừng bằng tiếng Pháp. Tầng trên của căn nhà bên là nơi ăn ở của các học viên và Bác cũng đã ăn trưa, nghỉ trưa, sinh hoạt với mọi người. Những ngày ở Quảng Châu, để có thêm tiền hoạt động, Bác phải làm thêm nghề thông dịch, đánh máy thuê ngoài giờ, có lúc Bác phải đi bán báo, bán thuốc lá trên đường phố Quảng Châu…
Tôi đã dành trọn buổi sáng để thăm công viên Hoàng Hoa Cương. Ở đây có khu lăng mộ chôn chung 71 liệt sĩ Trung Quốc hi sinh trong cách mạng Tân Hợi và gần đó là mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái - “quả bom cách mạng” làm rung chuyển chế độ thống trị Việt Nam ngày đó và là tấm gương anh dũng hi sinh, khơi dậy lòng yêu nước trong thanh niên Việt Nam. Bác Hồ đã nhiều lần đến đây cùng các chí sĩ Việt Nam nghiêng mình trước mộ Phạm Hồng Thái. Tại công viên này, Bác đã có buổi huấn luyện về lòng yêu nước, về lí tưởng cách mạng với tám thanh thiếu niên Việt Nam sang học ở Quảng Châu, trong đó có Lý Tự Trọng. Tôi đứng bên bờ Châu Giang lộng gió khi hoàng hôn xuống, nhìn những cây cầu dây văng, những con tàu du lịch lấp lánh ánh đèn đưa khách thong thả soi mình xuống dòng sông mà chợt nghĩ tới con tàu của Liên Xô 95 năm về trước, ngày 11 tháng 11 đã giương cờ Liên Xô cập bến Quảng Châu, trên con tàu đó có Bác. Bên bờ sông này, Bác của chúng ta có lẽ đã nhiều đêm từ phố Văn Minh, từ quảng trường Đông Hiệu ra đây, đi dạo và nghĩ về tương lai đất nước. Tình yêu to lớn với quê hương, đất nước của Bác đã là ngọn lửa truyền vào những con người ưu tú dự lớp học của Thanh niên Cách mạng để sau này trở thành những nhà lãnh đạo, những cán bộ chủ chốt của Đảng ta. Vật đổi sao dời, thế giới dù biến đổi, lòng người có thể đổi trắng thay đen, nhưng những kỉ niệm nơi đây về Bác là vĩnh cửu.
Tháng 3 năm 2020
T.Q.P
VNQD